Nguyễn Văn Nho
Thi
ca chính là trò chơi của ngôn ngữ, nhưng cũng giống như biết bao trò chơi khác
trên mặt đất tưng bừng hương sắc này đã khiến con người
ta lao tam khổ tứ, nó đã đưa kẻ chịu chơi kia bước vào những trận cuồng phong
bão tố của tâm hồn. Còn hơn thế nữa, nó lại là trò chơi Thế Mệnh dẫn dắt thi sĩ
vượt qua từng cấp độ tâm linh, thường xuyên bức bách kẻ chịu chơi
kia
phải đối diện chính mình giữa từng trạng huống, giữa những chiều sương phai tịch
hạp hay giữa thị thành vàng tím đỏ xanh.
Thoạt
tiên, gã làm thơ nọ đã bước vào đời bằng một tấm lòng đôn hậu và khao khát yêu
thương, hắn dần khám phá ra đằng sau ngôn ngữ đầy nhạc tính những con đường ẩn
hiện, từng bầu trời cao khiết và bao niềm chan chứa hoang liêu. Con người ta đã
sử dụng nó như một phương tiện thông tin đầy uy mãnh và hữu hiệu, nhưng thi sĩ
đích thực chính là kẻ thường xuyên tấn công vào những thành trì sau chót của sự
giả tạm cũng như vẻ đẹp tuyệt vời của nó. Và cuối cùng thì sự thể ra sao?
“Bốn mươi năm thuyết pháp ta chẳng nói điều gì”. Lời nói ấy
của Đức Phật cũng vừa khẳng định và cũng vừa phủ định cái phương tiện thông tin
ngàn đời của con người trên mặt đất, là sự cáo chung cho vẻ hào nhoáng bên ngòai
của bao rộn ràng biện biệt nhị nguyên. Phải chăng cái tinh túy của ngôn ngữ lại
nằm ở đằng sau ngôn ngữ, phải chăng vẻ đẹp đích thực này cũng cần phải được cảm
nhận trong thầm lặng cô đơn? Phải chăng những ngộ nhận đã về như mắc cửi, mà
những vần thơ sâu sắc hoặc những lời thuyết giảng mênh mang có thể bị phá tan
tinh thể, bị chụp mũ bất ngờ?
Tôi sắp
nói đến Bùi Giáng tiên sinh, người có đủ thẩm quyền để phát ngôn rằng ta chẳng
nói điều chi sau tất cả những dặm dài sa mạc ta đã trải qua, sau biết bao nhiêu
vần thơ điệu thở mà ta lai rai trút xuống, sau từng ấy trận phiêu bồng ngôn ngữ
ta tình cờ bật thốt, ta thảng thốt nghe ra, các ngài hãy đình thủ nói về cái
cách điệu thẩn thờ đười uơi mà ta đã vô tình thể hiện hoặc cố ý giỡn chơi.
Như một
con người khao khát yêu thương, cả tấm lòng dàn trải như muốn ôm trọn bầu trời
và mặt đất, Bùi Giáng cũng đã từng một thuở đầu xanh “đi vào đời chân bước” với
ăm ấp tin yêu, dẫy đầy mộng mị, cũng đã từng là một con người xã hội với vợ con
cùng tháng năm cần mẫn, với nghề dạy học, với thi cử khoa trường.
Và tuổi lớn đi vào đời chân bước
Có mùa xuân mà dẫm nát không hay
Rồi một thuở hai chân dừng một lượt
Em ồ em xưa chính tại nơi này
Vâng, sau bao biến đổi thăng trầm, vợ con mất sạch, tài sản tiêu
tan, hoàn cảnh tất mệnh đã khiến ông nhìn cuộc đời ở một cấp độ cao hơn. Cái mùa
xuân mà ông thường nhắc đến, hoặc tâm xuân, hoặc triều xuân, hoặc thư xuân chính
là cái mùa xuân thường hằng dưới nhãn quan Phật giáo, là cái mà ông cũng như
chúng ta đã từng dẫm nát, nói cách khác, đó là tuyệt đối tính của thực tại bất
khả diễn bày:
Linh hồn
ấy ngục xin kham
Lời sai
trên miệng sẽ không là lời
Xin mùa
lá rụng và rơi
Sẽ lên
đường gặp ấy trời mùa sau
Ra đi hẹn
với xuân đầu
Buổi hồi
nguyên lại phai màu bình minh
Thơ ông
co lúc lại là những từ ngữ chẳng đầu đuôi, dịch phẩm hoặc văn xuôi của ông có
lúc lan tràn miên man cà kê dê ngỗng, duy có một điều mà ai cũng phải thừa nhận
rằng khi nghe ông cà riềng cà tỏi như thế, ke xoàng xoàng hoặc bậc cao minh đều
nhận thấy vẻ đẹp ngôn ngữ mà ông đã sử dụng và bị quyến rũ bởi nhạc tính của nó
trước khi họ kịp nhận ra hoặc ngộ nhận ông nói điều chi. Với tôi, những lúc như
thế chính là lúc ông đang thênh thang phiêu hốt trong trạng thái sáng tạo của
chính mình. Đó là trạng thái bắt đầu xuất hiện rất sớm, từ năm 1947, tỉ như bài
Nỗi lòng Tô Vũ. Trạng thái sáng tạo tót vời đó có thể được mệnh danh là Niết bàn
của nghệ sĩ chân chính, và với Bùi Giáng tiên sinh, người đã am hiểu tận tình và
kính ngưỡng Phật pháp, hơn ai hết, ông biết rằng đó cũng chỉ là một trạng thái
sinh diệt, khác với Niết bàn thường tại mà Đức Phật đã diễn tả đằng sau những
thuyết giảng của ngài.
Nhưng trạng thái ấy ngày càng đến với ông thường xuyên hơn trong
cuộc sống. Ông sống với trạng thái đó nhiều đến nỗi người ta nghĩ ông điên, kì
thực, đó chính là những phút giờ hoan lạc nhất. Lúc ấy ngôn ngữ đối với
ông còn quá thấp bé, nó không còn là một phương tiện hữu hiệu như ngày ông mới
lớn đi vào đời chân bước, để rồi ông đã biến ngôn ngữ thánh những chiếc lá vàng
nhảy múa, thành muôn hồng nghìn tía, trút xuống tràn lan ngô nghê trên giấy như
cơn mưa rào phả vào lòng sa mạc.
Người nằm
xuống để nghìn năm vang bóng
Ta bước
qua từ ngữ rụng hai lần
Lần rụng
thứ nhất là lần rơi rụng của ngôn ngữ diễn đạt theo cái
lôgic phổ biến, và lần rụng thứ hai, uyên nguyên thể tính của ngôn ngữ thực sự
trở về và hòa làm một với hiện thể. Ngôn ngữ rụng lần thứ hai là ngôn ngữ nói
tràn lan nhưng chẳng nói điều chi của Đức Phật, từ đó ta cũng có thể hiểu rằng
một số thiền sư Trung hoa đã la hét hoặc đánh đập bằng gậy hèo cũng là một cách
thừa nhận sự bất lực của ngôn ngữ và là một nỗ lực để thể hiện cái đằng sau ngôn
ngữ...
Trong
trạng thái sáng tạo tót vời, Bùi Giáng tiên sinh đã gọi tất cả là mẫu thân,
giòng suối yêu thương trong ông đã thực sự vỡ òa trên giòng suy tưởng, ông gọi
Kim Cương, Phùng Khánh, Monroe... là mẫu thân bát ngát. Có kẻ hiểu đó là những
con người thực sự mà ông cảm mến, có kẻ hiểu, tỉ như, Kim cương là Kim cương Bát
nhã Tâm kinh mà ông say mê và liễu ngộ..
Tuy nhiên không phải chỉ là những nhân vật đó mà có thể là một cái tên nào đó
tình cờ xuất hiện lúc ông viết tràn lan trong trạng thái sáng tạo Phi tưởng Phi
Phi tưởng xứ, có thể đó là em mọi đen phảng phất trên ngàn, em cua còng phất phơ
bãi biển hay em u hoài bờ cỏ Phi châu, đó chỉ là những cái tên, nói cach khác,
là thể điệu lập ngôn giả tạo để niú gọi một cõi trời chan chứa, một lối về lửng
thửng cô liêu...
Bùi tiên
sinh, giờ đây người đã khuất, tôi đã gặp ông lần đầu tiên và cuối cùng trong
vòng nửa giờ vào một ngày mùa hạ năm 1981, lúc ấy sau cơn mưa giông chiều, tôi
và anh Nguyễn Đức đưa ông vào một quán vắng lụp xụp ở Gò Vấp, ông im lặng và
chúng tôi cũng vậy, không một lời nào được thốt ra suốt nửa giờ bên chai rượu
gạo, thậm chí cũng không thèm hỏi đến tên tôi, cuối cùng ông ra hiệu đi về, một
cách mệt mỏi... Tôi thầm cảm ơn sự im lặng tuyệt vời mà tình cờ tôi gặp, khác
biệt rất nhiều bao giai thoại tôi nghe, và tôi cũng không muốn tìm cách gặp lại
ông một lần nào nữa cả, để nửa giờ kia trở thành một kỷ niệm êm đềm, và với tôi,
đó là những phút giây thiên tải nhất thì trong một bình sinh hãn hữu. Tôi muốn
kết thúc bài này bằng hai câu thơ được ném trả lại cho người đã viết ra nó:
Người nằm
xuống để nghìn năm vang bóng
Ta bước
qua từ ngữ rụng hai lần...
(Nguồn:
TS. Pháp Luân số 62)