Diệu Trân
ảnh: minh họa
Đạo hữu thân mến,
Lâu lắm,
tôi không dùng bút để viết gì ngoài việc ký tên trả hóa đơn hàng tháng. Ở thế kỷ
này, chỉ ngồi vào bàn máy, gõ, rồi nhấn nút là trao đổi thông tin khắp nơi.
Vậy mà hôm nay tôi muốn cầm bút để viết thư cho bạn. Hãy khoan hỏi tại sao vì chính
tôi cũng đang tự hỏi mình câu ấy. Chúng ta cùng nhau
theo
thầy học đạo một thời gian, từng có những lúc bị la rầy vì những câu hỏi lôi
thôi mà đáng lẽ ta đã phải biết rằng, ở chiều sâu tâm linh, có những điều chỉ
cảm nhận được hay không, nếu càng cố tìm, nó càng rời xa. Bạn
gọi đó là những lúc “ngôn ngữ vong thân”.
Tôi đang ở phút đó.
Viết được vài giòng, ngắm
nghía thấy chữ xấu quá, tôi vo viên, ném vào sọt rác; xong, lấy tờ giấy trắng
tinh khác, ngồi lại ngay ngắn, xoay xoay cái bút Bic cho vừa tầm và viết lại;
nhưng tay vẫn run, chữ vẫn xấu, nét nguyệt ngoạc lên xuống vô trật tự! Tôi lại
định vo viên ném đi dù biết là khó mà viết đẹp hơn được. Nhưng cái
ý định phải viết tay lá thư này cho bạn khiến tôi chấp
nhận. Thôi thì, bạn vì tôi mà ráng đọc nhé!
Thư này sẽ
không dài đâu.
Tôi chỉ muốn nói đến hai chữ “TỰ DO”. Hai chữ này quý
lắm nên ai cũng viết hoa. Bạn thấy đó, tôi cố gắng nắn nót nên riêng hai chữ Tự Do không đến
nỗi tệ giữa những nét ngoằn ngoèo khác. Ở trên đời có rất nhiều thứ mà
người này thích, người kia không; và ngược lại.
Duy có sự TỰ DO thì tôi tin rằng không ai là không thích, không mong, không muốn. Có điều, tuy ai cũng biết vậy mà không thời nào không có những kẻ
hoặc dùng mưu lược, hoặc dùng sức mạnh để tước đoạt Tự Do của người khác.
Mất tiền của, mất danh vọng, mất tình thương còn có thể tìm
cái khác bù lấp nhưng mất Tự Do là mất hết. Thế nên, tước đoạt Tự Do là
tội ác lớn nhất và những người mất Tự Do là những người đau khổ nhất.
Nhưng bạn biết không, chính vì mất Tự Do là mất hết nên người bị
mất điều thiêng liêng này sẽ không còn gì để sợ; và vì không còn gì để sợ nên họ
sẽ có sức bật mãnh liệt của đòn bẩy.
Chắc bạn sắp thở dài, không
biết tôi còn lan
man những gì nữa. Không đâu, tôi sẽ không viết gì nhiều nữa mà
chỉ chép tặng bạn một bài thơ. À, tới đây thì tôi đã thấy câu trả lời cho
mình và có thể cho bạn, là tại sao tôi muốn viết tay,
lá thư này, dù chữ tôi rất xấu. Bạn ơi, vì tôi muốn khi đọc
bạn cảm nhận được sự chia xẻ, sự rung động từ tôi, qua nét chữ. Lá
thư
trình bày bằng máy điện toán, tuy đẹp đẽ nhưng nó sẽ vô hồn!
Ấy, hai chúng ta thường lẩm cẩm như thế đấy.
Bài thơ
tôi sắp chép tặng bạn đây, đối với tôi, không phải chỉ là một bài thơ. Đây là bài cáo trạng vạch
trần tội ác của con người, bài hịch kêu gọi lương tâm nhân loại, bài kinh chiêu
mộ những oan hồn vất vưởng ngay cả KHI CHƯA CHẾT, vì sống mà không có Tự Do còn
tệ hơn sự chết!!!! Bài thơ này, mới đọc qua tưởng như chỉ là lời tự thuật của
một ông thầy tu bị bứng khỏi am thất, bị buộc cởi áo ca-sa, bị đẩy vào chân
tường khổ nhục, bị tước đoạt điều đầu tiên và cuối cùng mà mọi người, mọi loài
đều cần có. Đó là TỰ DO. Nhưng nếu bạn đọc lại lần thứ hai, hoặc đọc một
lần mà đọc chậm, từng lời thơ sẽ chảy vào cơ thể bạn như liều thuốc độc đang bơm
vào gân máu hay như bình nước biển đang truyền
sức hồi sinh. Thuốc độc hay nước biển, tùy mỗi người cảm nhận. Ranh giới giữa sự
sống và cõi chết mong manh lắm, chỉ là một hơi thở nhẹ mà thôi! Ông thầy tu này
đã từng đứng trên bờ Sinh Tử, đã từng bị sự ác độc vô minh nhận chìm tận đáy vực
sâu địa ngục, ở đó, con người chỉ còn hai lối thoát: TỬ hoặc BẤT TỬ.
Và ông thầy tu đã Bất Tử vì
ông đã dạy những kẻ vô minh bài học của Tổ Sư Tử thời xưa khi vua nước Kế Tân
nghe lời xàm tấu, sách gươm đến hỏi Tổ “Ngài giảng pháp, nói ngũ uẩn đều huyễn,
vậy cho ta cái đầu được không?”. Tổ điềm nhiên trả lời “Năm
uẩn còn không, huống chi cái đầu”.
Nói rồi Tổ kê đầu dưới gươm bén cho vua chặt.
Ông thầy tu, tác giả bài thơ
tôi sắp chép cho bạn cũng từng mang án tử hình. Sau hơn
mười lăm năm, với sự tranh đấu quyết liệt của các cơ quan nhân quyền khắp thế
giới, những kẻ tước đoạt nhân phẩm của ông đã phải nhượng bộ, nhưng chúng còn
vớt vát, bắt ông ký vào giấy xin khoan hồng rồi mới thả.
Êm ả như trăng thu nhưng
cũng rực lửa như mặt trời, ông thầy tu khắc khổ, ốm yếu đã lạnh lùng, nhỏ nhẹ,
xua bàn tay gầy mà tạo nên sức mạnh của cuồng phong sấm sét bằng câu: “Không ai
có quyền xét xử tôi; cũng không ai có quyền ân xá tôi”.
Câu nói đó, hình ảnh đó đã
đi vào lịch sử Việt Nam, nói chung; và lịch
sử Phật Giáo Việt Nam, nói riêng.
Đến đây
thì bạn đã đoán được tác giả bài thơ tôi sắp chép tặng bạn là ai. Vâng, bạn
đã đoán đúng. Đó là Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, người đang
vì trùng trùng đau hận của chúng sanh mà nhỏ Lệ-Quán-Âm.
Bạn đừng vội khóc, hãy bình tĩnh đọc đi. Những nét chữ
xấu xí nguyệch ngoặc này là tâm tôi đang ở bên bạn đó. Bài thơ trầm thống
viết dưới tựa đề:
BÀI CA CUỐI CÙNG
Chim trời xếp cánh
Hát vu vơ
mấy tiếng trong lồng
Nhớ mãi rừng cây thăm thẳm
Ủ tâm tư cho hạt thóc cay
nồng
Rát bỏng với nỗi hờn khổ
nhục
Nó nhịn ăn,
Rồi chết
gục.
Ta đã hát những bài ca phố
chợ:
Người ăn mày kêu lịch sử đi lui;
Chàng tuổi trẻ cụt chân từ
chiến địa
Vỗ lề đường đoán mộng tương
lai
Lộng lẫy chiếc lồng son
Hạt thóc căng nỗi hờn
Giữa tường cao bóng mát
Âm u lời ca khổ nhục
Nó nhịn ăn,
Và chết.
Ta đã hát bài ca của suối:
Gã anh hùng bẻ vụn mặt trời
Gọi quỷ sứ từ âm ty kéo dậy
Ngập rừng
xanh lấp lánh ma trơi.
Đêm qua chiêm bao ta thấy
máu
Từ sông Ngân đổ xuống cõi
người
Bà mẹ xoi tim con thành lỗ
Móc bên trong hạt ngọc sáng
ngời.
Lồng son hạt cơm trắng
Cánh nhỏ run uất hận
Tiếng hát lịm dần,
Nó đi về
vô tận.
Tôi dừng
bút ở đây.
Tôi cần quá, một ly nước lạnh, vì chợt khởi niệm phạm giới khi nghĩ đến hớp rượu
mạnh cay nồng, may ra mới bật tràn được những giòng lệ uất hờn từ lâu tiềm ẩn.
Nam Mô Cầu
Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát.