Paul B. Watt
Mật tông Phật giáo có vị trí không mấy nỗi bật trong lịch sử Phật giáo Trung
Quốc nếu so với những tông phái được xem là đã hình thành nên những truyền
phái chính. Do vì đặc tính thiên về nghi lễ và quán tưởng hơn là triết học,
nó đã không hấp dẫn được tầng lớp trí thức như Thiên Thai và Hoa Nghiêm tông;
cũng không nhận được sự hoan nghênh lâu bền mà những tông phái khác như
Thiền và Tịnh Độ đã có.
Thực ra, Mật tông có ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc hơn những gì được thừa nhận.
Những bản kinh có liên quan đến việc thực hành Mật tông, cũng như các tăng
sĩ am hiểu về một vài kỹ thuật Mật, đã có mặt sớm trong lịch sử Phật giáo
Trung Quốc và có những đóng góp to lớn trong việc phổ biến Phật giáo ở xứ
này. Suốt đời Đường (618-906), những đạo sư nước ngoài và Trung Quốc đã cố
công truyền bá hình thức Phật giáo này; và vào thế kỷ thứ tám và thứ chín,
dưới sự bảo trợ của nhà vua, Mật tông trở thành một trong những tông phái
chính của Phật giáo Trung Quốc. Về sau, mặc dù là một trào lưu riêng biệt và
đã biến mất, nhưng những yếu tố lễ nghi và niềm tin Mật tông vẫn còn tồn tài
cho đến thế kỷ hiện tại, thấm đẫm vào trong Phật giáo Trung Quốc. Cần ghi
nhận thêm rằng, trong khi người Trung Quốc cho thấy là đã không thêm gì
nhiều vào Mật tông Phật giáo Ấn Độ mà họ tiếp nhận, thì Mật tông dưới triều
đại nhà Đường đã được tiếp biến và đóng vai trò nồng cốt trong việc hình
thành nên những truyền thống Mật tông Nhật Bản là Chân ngôn (Shingon) và
Thiên Thai (Tendai), mà chúng phát triển thành những truyền phái riêng đến
ngày nay vẫn còn hưng thịnh.
Ảnh minh họa
Bởi vì Mật giáo chỉ tồn tại một thời gian ngắn như là một trào lưu riêng biệt
ở Trung Quốc, nên những tài liệu để nghiên cứu về tông phái này là tương đối
giới hạn, nếu không muốn nói là không có gì cả. Ngoài tiểu sử của các vị
tăng, những nguồn thông tin chính là từ những bản dịch Mật kinh từ tiếng
Sanskrit sang tiếng Trung mà hiện đang có. Bởi vì những bản dịch này được
xác định niên đại, nên chúng ta có thể truy tìm dấu vết việc truyền bá Mật
giáo vào Trung Quốc. Những học giả Nhật đã phân những bản dịch này ra làm
hai, một bên là những bản kinh Mật “pha tạp” và một bên là những bản kinh
“thuần tuý”. Nói chung, những bản kinh nằm trong nhóm pha tạp được biên soạn
ở Ấn Độ trước thế kỷ thứ bảy (TL), kết hợp những yếu tố thực hành Mật giáo
mà chúng có một lịch sử lâu dài trong Ấn Độ giáo: dhāranīs, mantras (các
thần chú) mudhrās (ấn quyết) và việc thờ phụng các vị thần. Mặc dù được cho
là do chính đức Phật lịch sử thuyết giảng, những bản kinh này có rất ít liên
hệ đến giáo lý Phật giáo truyền thống. Vả lại, việc thực hành chủ yếu liên
quan đến việc đạt lấy thần lực và giải trừ tai hoạ. Ngược lại, những bản
kinh thuần tuý được hình thành vào thế kỷ thứ bảy và những thế kỷ sau đó,
cho thấy một giai đoạn mà ở đó việc thực hành Mật giáo được tiếp nhận từ Ấn
Độ giáo đã hoàn toàn tương thích với những thuật ngữ Phật giáo Đại thừa.
Những bản kinh chính được giới thiệu vào Trung Quốc thuộc nhóm này gồm
Mahāvairocana Sūtra (Đại Nhật kinh 大 日 經), cùng nhiều bản kinh khác mà nó được gộp lại
dưới tiêu đề Vajraśekhara Sūtra (Kim cương đỉnh kinh nghĩa quyết 金 剛 頂 經 義 決), và trong số này Tattāvsaṃgraha
Sūtta (Nhiếp chân thật luận 攝 眞 實 論) là
quan trọng nhất.
Trong những bản kinh thuộc nhóm sau này, Đức Phật Đại Nhật, hiện thân chân
thật của tất cả các pháp, là vị giữ vai trò chủ đạo. Những vị Phật và Bồ-tát
khác được giới thiệu như là hiện thân của Đức Phật Đại Nhật, và hình ảnh của
họ được miêu tả qua đồ hình mạn đà la (maṇḍdalas).
Trong thực hành Mật giáo, chư Phật và Bồ tát được xem là những đối tượng cho
hành giả tập trung quán tưởng, mà mục đích là để nhanh chống đạt đến Phật
quả (đốn ngộ). Thiền định bao gồm một cấu trúc ba phần: thần chú, ấn quyết,
và đối tượng cụ thể cần tập trung quán tưởng. Thông qua kỷ thuật này, được
gọi là thực hành Tam mật, hành giả có thể nhận ra Phật tính chân thật của
mình bằng sự hợp nhất với đức Phật Đại Nhật (hay bất kỳ hoá thân nào của
ngài) qua thân, khẩu và ý.
Những bản kinh Mật pha tạp được truyền vào Trung Quốc vào khoảng thế kỷ thứ 3
(TL). Vào năm 230, một vị tăng sĩ Ấn có tên là Trúc-luật-viêm đã dịch
Mātangīsūtra (Ma đăng già kinh 摩登伽經), một bản kinh chứa
nhiều mật chú, trình bày cách thức đoán sao, và dạy một loại nghi lễ tế lửa
mà cho thấy đã chịu ảnh hưởng nghi lễ tế lửa (homa) của Ấn giáo. Vào thế kỷ
thứ 4, việc giới thiệu văn học và thực hành Mật giáo pha tạp được tiếp tục
chủ yếu do những tăng sĩ Trung Á như Dharmarakṣa, được
biết đến nhờ những bản dịch kinh Pháp Hoa, và kinh Bát Nhã 25,000 dòng; Phật
Đồ Trừng (佛圖澄) ở
miền Bắc Trung Quốc và Śrīmitra ở miền Nam, nỗi tiếng do những năng lực
huyền bí và sự thông hiểu của họ về các mật chú; và Đàm Vô Đức (曇無德), một
dịch giả của những tác phẩm chứa đựng những thần chú chữa bệnh và những nghi
lễ cầu đảo. Sự truyền bá những bản kinh như thế này kéo dài từ thế kỷ thứ 5
đến thế kỷ thứ 7. Việc nhấn mạnh vào phép thuật vẫn giữ nguyên, tuy nhiên có
bằng chứng là giáo lý Phật giáo trong những bản kinh này đã xuất hiện và lễ
nghi có sự hệ thống hoá. Chẳng hạn như Đại Tập kinh, do Dharmarakṣa dịch,
đã xếp thần chú (dhāraṇnī)
chung với giới, định và tuệ, xem như là một sự thực tập mà một vị Bồ tát cần
thành thục.
Đến thế kỷ thứ 7, những bản kinh được truyền vào đều cho thấy là thuần về Phật
giáo Mật, từ kỷ thuật cho đến mục đích. Bản dịch Thiên Nhãn Thiên Tý Quán
Thế Âm Bồ Tát Đà La Ni Thần Chú kinh (千眼千臂觀世音菩薩陀羅尼神咒經 ) của
Trí Đạo (智通) là
một trong những bản dịch đầu tiên cho thấy rằng mục đích cuối cùng của việc
thực hành Mật là để nhanh chống chứng đạt Phật quả. Đà La Ni Tập kinh (陀羅尼集經) do
Atiguta dịch, phân tích về học thuyết Tánh không của Phật giáo Đại thừa và
trình bày chi tiết các vị Phật và Bồ tát đã được miêu tả và ứng dụng trong
nghi lễ và quán tưởng Mật giáo. Vào cuối thế kỷ này, Phật giáo tịnh mật được
bắt đầu giới thiệu vào. Đạo sư Mật giáo Ấn Śubhākarasimha (637-735) và đệ tử
người Trung Quốc của ông là Nhất Hành đã dịch kinh Mahāvairocana (Đại Nhật).
Vajrabodhi và đệ tử của ông là Amoghavajra (705-774) đã giới thiệu những bản
kinh thuộc truyền phái Vajrasekhara. Chính những vị này đã phổ biến sâu rộng
Phật giáo Mật ở Trung Quốc.
Śubhākarasimha và Nhất Hành
Śubhākarasimha là người Đông Bắc Ấn và là một hoàng tử. Ông trưởng thành từ
rất sớm, được cho là đã cai quản quân đội của cha mình khi mới mười tuổi và
lên ngôi vào năm 13 tuổi. Tuy nhiên, một cuộc chiến dành quyền lực đã diễn
ra giữa Śubhākarasimha và anh em của ông. Mặc dù chiến thắng, nhưng ông đã
quyết định trao vương triều lại cho người anh cả và xuất gia đầu Phật. Là
một tăng sĩ, ông đã đi khắp nơi, nghiên cứu và trình diễn các phép thuật, và
cuối cùng đã trú lại đại học Phật giáo Nālandā. Ở đó, ông được Dharmagupta
hướng dẫn thực hành Tam Mật. Sau đó ông lại lên đường, hành hương đến nhiều
nơi, giảng dạy cho những người chưa có niềm tin “tìm Phật bên trong họ.”
Dharmagupta sau đó yêu cầu ông đến Trung Quốc. Trên đường đi ông thuyết
giảng kinh Mahāvairocana cho dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Tạng mà ông gặp.
Khi ông đến kinh đô Trường An vào năm 716 thì đã là 80 tuổi. Hoàng đế Huyền
Tông (玄宗 712-756) đã giữ ông lại trong cung và ban
cho ông hiệu Quốc sư. Śubhākarasimha được cho là đã “giúp nhà vua thể nhập
con đường Như Lai”. Tuy nhiên trong thực tế Huyền Tông đã cảm kích bởi những
phép thuật mà vị tăng này đã thực hiện hơn là những hướng dẫn của ông về
việc đạt đến Phật quả. Từ trước khi vị đạo sư Mật giáo này đến, vua Huyền
Tông đã rất yêu chuộng huyền mật của Đạo giáo, và ông vẫn duy trì niềm tin
ấy cho đến khi băng hà. Ở Trường An, Śubhākarasimha đã thực hiện bản dịch
đầu tiên của mình, Hư Không Tạng Bồ Tát Năng Mãn Chư Nguyện Tối Thắng Tâm Đà
La Ni Cầu Văn Trì Pháp (虛 空 藏 菩 薩 能 滿 諸 願 最 勝 心 陀 羅 尼 求 聞 持 法), một bản kinh chú được cho là giúp người thực
hành phát triển trí nhớ. Năm 725, ông hoàn thành bản dịch kinh
Mahāvairocana, được xem là đống góp quan trọng nhất của ông đối với việc
truyền bá Phật giáo Mật. Bản kinh tiếng Sanskrit này do vị tăng người Trung
Quốc tên là Ngô Hưng (吳興) gửi
từ Ấn Độ về hơn 30 năm trước, và vị này về sau đã thị tịch trên đường trở về
cố hương. Tập đầu tiên của kinh này nhấn mạnh rằng biết được tâm như chính
nó là thiết lập nên sự giác ngộ, và phân tích trình bày những mức độ khác
nhau của việc chứng ngộ tâm linh. Sáu tập kế tiếp trình bày về mạn-đà-la và
việc tu mật mà nó giúp hành giả nhận chân được bản tâm vốn sáng suốt của
mình. Mạ-đà-la được dựa trên bản kinh này mô tả Mahāvairocana ngồi trên hoa
sen tám cánh, bao quanh là bốn vị Phật và những vị Bồ tát hầu cận.
Đệ tử của Śubhākarasimha, Nhất Hành, là một trong những nhân vật nỗi bật nhất
của lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Khi còn trẻ, ông nghiên cứu về ngôn ngữ
Trung Quốc, và sau đó nỗi tiếng về khả năng am hiểu Lão giáo. Cha mẹ ông qua
đời khi ông 21 tuổi. Sau đó ông xuất gia tu theo Thiền tông, dưới sự hướng
dẫn của Phổ Tịch (普 寂), một thiền sư người miền Bắc. Vào thời điểm
quay sang với Mật tông, ông không chỉ đã nghiên cứu kinh luật của Thiên Thai
tông, mà bản thân cũng kiệt xuất trong toán học và thiên văn; chính điều này
mà năm 721 Hoàng đế Huyền Tông đã triệu ông vào cung để sửa đổi lịch. Nhất
Hành bắt đầu nghiên cứu Phật giáo Mật với Vajrabodhi, người đã đến Trường An
vào năm 719. Vajrabodhi hướng dẫn ông thực hành theo truyền phái Vajrakhara.
Năm 724, Nhất Hành gặp Śubhākarasimha ở Lạc Dương (洛陽). Ông đã phụ giúp bản dịch kinh
Mahāvairocana, và sau đó tiếp tục biên soạn sách, tác phẩm đã gắn tên tuổi
ông vào lịch sử Phật giáo Mật tông. Đây là một bộ luận giải kinh gồm 20 tập,
được dựa trên những bải giảng của Sumbhakasiha. Không lâu sau khi kết thúc
công trình, vị tăng xuất chúng này đã thị tịch, mất trước người thầy của
mình tám năm.
Vajrabodhi và Amoghavajra
Có thể phần nào tự tin đề nói về nơi sinh và gốc gác gia đình của Vajrabodhi.
Ông gia nhập vào tăng đoàn khi còn rất trẻ và theo học tại đại học Nalanda.
Những năm sau đó, ông đọc nhiều kinh điển và thông hiểu cả học thuyết Đại
thừa và Tiểu thừa, cũng như luật học. Năm 31 tuổi, ông gia nhập vào truyền
phái Mật giáo Vajrasekhara ở Nam Ấn. Khi ở Ấn Độ, Vajrabodhi nghe nói về
việc phát triển Phật giáo rộng rãi tại Trung Quốc và có ý muốn đến đó truyền
giáo. Với sự trợ giúp của một vị vua Nam Ấn, ông đã khởi hành bằng đường
biển từ Srilanka, và cuối cùng đến Trường An vào năm 719 và Long Nham vào
năm 720. Ngay khi vừa đến, ông đã bắt đầu tiến hành lễ nhập môn, diễn thuyết
và thiết nhiều mạn-đà-la, truyền bá Phật giáo Mật. Vajrabodhi nhanh chống
được Hoàng đế Huyền Tông chú ý, và giống như Subhakarasimha, ông đã được
triệu đến để thi thố thần lực của mình. Ông được cho là có lần đã cầu được
mưa, và một lần khác đã cứu được mạng sống của một công chúa 25 tuổi mang
trọng bệnh sắp chết. Trong suốt 21 năm hành hoạt ở Trung Quốc, ông đã giới
thiệu trên hai mươi bản kinh và những tập sách nghi lễ, hầu hết đều thuộc về
truyền phái Vajrasekhara. Quan trọng nhất trong những công trình dịch thuật
của ông là chương đầu của kinh Tattvasaṃgraha. Khác với kinh Mahāvairocana, tác
phẩm này không có phần giới thiệu triết học ở đầu. Từ chương đầu, nó đã đề
cập đến Mạn-đà-la và việc quán tưởng giúp đạt đến giác ngộ.
Trong số những đệ tử của Vajrabodhi, nỗi bật
nhất là Amoghavajra, người cho thấy là có nhiều công trạng trong việc phát
triển Phật giáo Mật hơn bất cứ vị đạo sư nào được bàn đến. Amoghavajra sinh
năm 750, hầu như chắc chắn là ở Trung Á. Cha của ông là một Bà-la-môn xuất
thân từ Bắc Ấn; mẹ của ông là người Samarkand. Sau khi cha ông qua đời, ông
được nuôi dưỡng tại quê mẹ cho đến lúc mười tuổi, và rồi được cậu của mình
đưa đến Trung Quốc. Chính tại Trường An, vào năm 719, ông đã gặp Vajrabodhi
và rồi xuất gia. Đầu tiên ông học Phạn ngữ và nghiên cứu giới luật, nhưng
sau đó ông thụ giáo và tu học theo truyền phái Mật tông Vajrasekhara.
Amoghavajra đã theo thầy mình cho đến khi thầy tịch. Sau đó vào năm 743, ông
đã lên đường sang Ấn Độ và Sri Lanka để thu thập những kinh sách Mật giáo.
Khi ở Sri Lanka, ông được học thêm về Phật giáo Mật. Vào năm 746 ông quay
trở lại Trường An, mang theo trên năm trăm bộ kinh và luận giải. Mãi cho đến
khi qua đời, vào năm 774, ông đã dịch trên 100 trong số những kinh sách này
và đã ấn định tên tuổi như là một trong những dịch giả vĩ đại trong lịch sử
Phật giáo Trung Quốc. Trong số những tác phẩm có ảnh hưởng nhất của ông,
phần dịch chương mở đầu của kinh Tattvasamgraha được xem là bản hoàn thiện
hơn bản dịch của Vajrabodhi. Vào những năm sau, chính bản này được xem như
là nguồn chủ yếu cho việc hoạ Mạn-đà-la Kim cương. Amoghavajra cũng truyền
bá Mật tông thông qua việc thiết lập những đạo tràng tu tập trong chùa cả
trong và ngoài kinh đô, và tất cả ba vị vua cai trị trong suốt quãng đời của
ông đều tìm đến ông trong việc cầu đảo và trị bệnh, những phép mầu mà họ
mong đợi từ những tăng sĩ Mật tông. Khi An Lộc Sơn ( 安禄山) nổi loạn vào năm 755,
Amoghavajra cũng được triệu đến cúng tế để bảo vệ vương quốc. Và khi
Amoghavajra qua đời, vua Thái Tông đã cho bãi triều trong ba ngày.
Trong số những đệ tử nỗi bật của Amoghavajra,
Huệ Quả (惠果 746-805) là người trẻ nhất, và
vị này có ảnh hưởng lớn nhất đối với lịch sử Mật tông ở Đông Á về sau. Có
hai phương diện đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp của ông. Trước hết, Huệ
Quả cho thấy là đã có chủ ý tìm cách hợp nhất hai truyền phái Mật tông Phật
giáo. Ông nhập môn truyền phái Vajrasekhara từ Amoghavajra, và từ Huyền Siêu
(玄 超), một
đệ tử của Subhakasimha, người đã nhận truyền bá kinh Mahavairocana và một
bản kinh liên quan là Susiddhikara. Huệ Quả dường như là người đầu tiên cho
rằng cả hai truyền phái đều có giá trị ngang nhau. Những thế hệ sau đó, các
vị tăng nói chung đều thụ giáo theo cả hai truyền phái. Thứ hai, Huệ Quả đã
góp phần truyền bá Mật tông ra ngoài Trung Quốc. Trong số những đệ tử của
ông có một tăng sĩ người Nhật tên là Kūkai (774-835), người sáng lập tông
phái Chân ngôn. Người sáng lập tông Thiên Thai của Nhật, Shacho (767-822),
cũng nghiên cứu Mật tông trong suốt thời gian ở Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu
như không có điều gì được biết về người thầy của ông, Thuấn Hiệu (舜 效), và
đặc điểm chính xác mà ông đã nhận là không rõ ràng. Mãi cho đến khi Ennin
(794-864) và Enchin (814-891) viếng Trung Quốc và tu học với với những nhân
vật về sau thuộc truyền phái Huệ Quả mà Mật tông được sáp nhập một cách trọn
vẹn vào những giáo thuyết Thiên Thai tông của Nhật.
Mật tông không hưng thịnh vào đời Tống (960-1279), mặc dù một vài bản dịch mới
được thực hiện, trong số chúng đáng kể nhất là bản dịch Tattvamgraha của
Tịch Hộ (cuối thế kỷ 10). Trong suốt triều Nguyên (1280-1367), Mật giáo Tây
Tạng được giới thiệu vào Trung Quốc, nhưng không có bản dịch hay sự tương
tác nào với Tây Tạng có sự ảnh hưởng. Tuy nhiên, Mật giáo giữ được một vị
trí trong truyền thống, điều có thể thấy được qua sự nghiệp của hai nhân vật
lớn vào triều Minh (1368-1644): Chu Hồng (朱鴻 1535-1615) và Hàn Sơn (寒山
1546-1623). Phản ánh đặc tính chung của Phật giáo ở thời kỳ này, họ dạy một
giáo thuyết dung hợp Tịnh Độ, Thiền, và các trường phái khác; nhấn mạnh vào
tầm quan trọng của giới luật và đặc biệt chú ý đến giới Phật tử tại gia.
Thêm nữa, cả Chu Hồng và Hàn Sơn đều là những hành giả Mật tông, nên họ cũng
sử dụng nghi lễ Mật tông để cầu đảo, thuần phục những ác ma. Nhờ những đặc
tính này, Mật giáo đã đáp ứng được nhu cầu của nhiều người trong trong xã
hội./.
Nguyên Hiệp dịch
|