Tìm lại chút hương non xanh mây tía

huyenk

* Y cẩm thượng quýnh (Kinh Thi)

● Minh Đức Triều Tâm Ảnh

 

 

Tôi đi thăm Yên Tử thuở núi rừng còn hoang vu. Bồi hồi, xúc động. Tôi đi tìm cái gì đó, cái chỗ mà, Cửa che giáo ngọc sum ngàn mẫu. Đá trải lược châu lửng nửa  vời(1)(Nguyễn Trãi)?  Theo từng dốc đá rêu phong, tôi lần bước leo lên, leo lên mãi... dấu chân của vị vua xem ngai vàng như đôi dép rách dường như còn hương thơm phảng phất đâu đây? Tôi cúi xuống, thò tay lên từng bậc đá. Tôi ngửng đầu lên, nhìn quanh. Ôi! sương khói, mây mù... tất cả đều xanh, xanh tía, xanh lam... tầng tầng, lớp lớp... Trời đất mắt vời ngoài biển biếc. Nói cười người ở giữa mâyxanh(2)(Nguyễn Trãi). Tịch mịch, cô quạnh. Càng lên cao, sương mù càng dày đặc. Dường như đã lên đến gần trời rồi thì phải! Cái chỗ mà, Am kề hơi khí lạnh. Cửa mở tít tầng mây(3) (Huyền Quang). Rồi ở đây, ở kia - có rất nhiều nhánh, nhiều cụm, nhiều nụ lan thảo thấp thoáng trong sương? Và còn có biết bao nhiêu là tiếng chim nhẩn nha, tíu tít hồn nhiên giữa cô tịch? Ồ, đây là tứ thơ Tứ thời hoa điểu biệt nhân gian (Nguyễn Trung Ngạn) chăng? Trời đất sao mà thanh nhàn quá nhỉ? Chim thanh nhàn hay thi sĩ thanh nhàn? Rừng trúc nhiều chim ngủ. Quá nửa bạn nhàn tăng(4) (Huyền Quang)... Còn nữa, còn ở đâu nữa, nơi cái am Vân Yên hay Tử Tiêu mà một vị vua đã cảm khái tán thán, Này trăng, này gió, này người. Hợp thành tam tuyệt dưới trời là đây!(5)(Trần Anh Tông).

Thế rồi, gần hai mươi năm sau tôi mới trở lại. Tôi bần thần, ngơ ngác! Bây giờ Yên Tử đẹp quá! Ôi! Biết bao nhiêu là công phu và tâm huyết! Nhưng, có cái gì đó đã đổi khác. Có ai đó đã nói rằng, cũng cùng lý tận tính, nhưng nếu hiểu chữ ấy là vật lý thì phát triển khoa học kỹ thuật; nhưng nếu hiểu chữ ấy là đạo lý thì nói mãi chi hồ dã dã trong cảnh đói nghèo, lạc hậu. Hy vọng rằng, cái tinh thần siêu việt, thượng thừa, cái minh triết trong vắt, cao cả của hồn thiền, của minh triết Việt, cần phải được giữ gìn, bảo quản thế nào đó cho hiệu quả hơn! Một ông vua từ bỏ ngai vàng lên non cao động vắng, sống đời bần hàn, Ăn rau trái, mặc áo sồi, coi nửa gian lều bằng nửa thiên cung(6); và, Khuất tịch non cao. Náu mình sơn dã. Vượn mừng hủ hỉ. Làm bạn cùng ta(7); rồi cái cảnh sống hằng ngày ở Yên Tử, Mặc cà-sa, nằm trướng giấy. Màng chi châu đầy lẫm, ngọc đầy rương. Quên ngọc thực, bỏ hương giao. Cắp nạnh cà một vò, tương một hũ(8)- thì quả là, quân tử chi đạo đạm dã(9) - sẽ cho chúng ta một suy gẫm đúng đắn!

Tôi lại thở dài. Chỉ buồn cho mình thôi! Đã đầu thai nhầm thế kỷ (Vũ Hoàng Chương) mà vẫn cứ muốn đi tìm hồn thơ, hồn thiền! Ôi! Tôi nhớ làm sao là cái cảnh Vân Yên (10) thuở trước. Cái cảnh mà được tả là, Hồ sen trương tán lục. Suối trúc bấm đàn tranh. Ngự sử mai hai hàng chầu rập. Trượng phu tùng mấy khóm phò quanh... (Huyền Quang). Ai cũng biết, sen thanh khiết, trúc ruột rỗng, mai tiết khí và tùng là quân tử; vậy thì đây đâu phải là nơi cho bọn phàm phu tục tử như chúng tôi héo lánh đến! Hoặc, Chim gọi bạn, cắn hoa cúng Phật. Vượn bồng con, kề cửa nghe kinh (11)(Huyền Quang). Đúng là cõi Phật rồi! Tôi cũng nhớ câu chuyện Thị Bích dựng chuyện tình vằng vặc trăng mai ánh nước làm cho Huyền Quang bị hàm oan. Nhưng trên đàn tế lễ hội Vô Già, Huyền Quang đã nhờ pháp lực mật niệm thần chú làm cho mọi thứ tạp vật (vàng bạc châu ngọc) trên pháp điện đều đã bị cuốn bay mất hết chỉ còn lại hương đăng và lục cúng (12)- mới lấy lại danh dự. Ôi! Cái thuở ấy, vàng bạc châu ngọc được coi là tạp vật! Kinh hãi quá!

Ôi! Hồn thơ, hồn thiền núi non Yên Tử là cái gì vậy? Nó có phải là minh triết; có phải là vô vi, vô tâm, vô niệm, vô ngã, vô thủ, vô xả, vô cấu, vô không, vô hữu...; là tập đại thành tư tưởng của Phật, Khổng, Lão; là chỗ tiếp thu toàn bộ thiền học Khương Tăng Hội, Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường; lại còn là nơi dung chứa toàn bộ Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông, minh triết ẩn tàng của Trần Thánh Tông cùng tư tưởng thiền học phóng khoáng, phiêu bồng của Tuệ Trung thượng sĩ - để tạo nên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, hay chăng?

Thuở nhỏ, Trần Nhân Tông có lẽ chưa thâm ngộ gì về Phật học, Tuổi thơ chưa hiểu có cùng không. Xuân đến, trăm hoa rộn cõi lòng. Dung sắc chúa xuân, chừ thấy rõ. Sàng thiền, nệm cỏ, ngắm tàn bông! (13) Thế mà đã trốn vào Yên Tử đòi đi tu? Rồi khi bị ép làm vua thì ông từ chối, muốn nhường ngôi lại cho em. Đối với người vợ mới cưới ông ta cũng rất lạnh lùng, lạt lẽo! Vậy, kiếp tu đã có sẵn tiền căn rồi. Là Kim Phật. hoa sen vàng to như bánh xe mọc nơi lỗ rốn! Và quả đúng như vậy, dù việc nước bận rộn, nhưng nhà vua vẫn còn có thì giờ để tiếp thu tư tưởng thiền học của Tuệ Trung thượng sĩ. Ngài dường như tùy công việc, tùy duyên mà khởi tâm, lấy tâm của muôn dân làm tâm của mình như Trúc Lâm quốc sư dạy bảo cho vua Trần Thái Tông!

Như thế là chàng trai thanh niên trải qua hai cuộc chiến kinh hoàng khi tuổi vừa mới 30! Rồi sau khi đất nước đến hồi phát triển rực rỡ nhất, 1293, mới 35 tuổi, vua đã nhường ngôi, giao lại quyền bính cho con là Trần Anh Tông, làm Thái thượng hoàng.

Thật là một nghĩa cử cao cả và tốt đẹp, để lại bài học cho muôn đời sau. Sử kể rằng, từ đây, ông thường ngao du đây đó, yêu thích chốn sơn thủy thanh u. Đặc biệt là cảnh Vũ Lâm tươi đẹp: Lòng khe vắt ngược bóng cầu hoa. Ngấn nước, lung linh vệt nắng tà. Lặng lẽ nghìn non, rơi lá đỏ. Làn mây mơ mộng tiếng chuông xa...(14) Người ta nói, năm này, 1294, Thái thượng hoàng xuất gia ở Vũ Lâm. Thật ra, lúc này ngài mới tập sự xuất gia thôi. Tại sao vậy? Vì cái chứng chỉ tập sự xuất gia nó nằm nơi bài thơ, nó giấu kín tâm sự ở đó! Chiếc cầu chạm vẽ nói lên thân thế hoàng gia của ngài. Cái thân thế ấy in bóng ngược trong lòng khe như mộng, như ảo. Tuổi đã thu rồi, xế chiều rồi, chỉ còn vệt nắng cuối cùng lấp lánh nơi ngấn nước ngoài rìa bờ khe. Lặng lẽ nghìn non rơi lá đỏ. Sao lại nghìn non? Đứng ở điểm nào mà thấy cả nghìn non? Đây là tâm thấy chứ không phải mắt thấy. Nghìn non là vạn vật. Vạn vật đã âm thầm, lặng lẽ báo triệu sự vô thường; ngô đồng nhất diệp lạc đã báo thu rồi - huống hồ cả nghìn non rơi lá đỏ? Còn chần chờ, lần lữa gì nữa? Gẫm lại việc nước còn nhiều việc chưa giải quyết xong, còn nặng nề quá chẳng khác gì đám mây kia, đẫm nước, ướt nước không nhẹ nhàng để bốc cao lên được; chỉ nằm đây mà mơ mộng tiếng chuông chùa xa mà thôi! Như vậy, thơ chính là tiếng nói u tịch, kín đáo của lòng mình; tâm cảnh tương quan, duyên khởi - không có ở đâu rõ ràng hơn thế! Cũng trong năm 1294, thấy phương Bắc tạm yên, ngài cầm quân đi đánh Ai Lao.(15) Việc chiến tranh là bất đắc dĩ nên lòng nhà vua đâu có vui, Lạnh lẽo đường xa mơ điện cũ. Rối ren sầu dấy thấm ly nồng...(16) Thế là đã rõ, nếu xuất gia rồi thì không thể cầm quân đi đánh giặc, không thể uống rượu và cũng không thể mơ cung điện cũ! Đúng là năm 1299, Thái thượng hoàng mới xuất gia, sau đó vào Yên Tử, dựng Chi Đề tinh xá, thọ trì 12 pháp đầu-đà, tự gọi là Hương Vân đầu-đà! Khi vị tỳ-khưu đã thọ trì 12 pháp đầu-đà thì họ nguyện giữ giới luật rất nghiêm túc, nếu không muốn nói là rất khắc khổ, rất thánh hạnh. Từ đây, dường như ngài để tâm toàn bộ cho việc học đạo, hành đạo và dạy đạo - do mở pháp độ tăng, người học đến rất đông(17); chỉ một lần phải về kinh đô để nghiêm khắc chỉ dạy Trần Anh Tông trong một lần uống rượu say(18). Năm 1301, Hương Vân đầu-đà cất bước nam du - có lẽ là tam y nhất bát - rời Yên Tử đến Bố Chính, ngụ ở am Tri Kiến, sau đó lần lượt bộ hành sang đất Chiêm. Và có lẽ đây là sứ mệnh ngoại giao cuối cùng của ngài đối với đất nước: Tìm sự yên bình lâu dài cho biên giới phía Nam. Ngài đi, lần này, chẳng võng lọng, nghi trượng, chẳng áo mão cân đai, chẳng ngựa xe hầu đón - mà chỉ là một vị sư đầu trần chân đất, ngàn nhà một bát xin ăn, sá gì cô lẻ chiếc thân dặm trùng - để tìm sự bang giao hiếu hòa bền vững. Cũng nhờ vậy mà mấy năm sau, Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý như quà sính lễ để cưới Huyền Trân công chúa.

BÂY GIỜ, THỬ TÌM HIỂU VỀ THƠ.

Về thơ, chỉ có 32 bài và 03 đoạn phiến (19) tìm kiếm được thì quả là không nhiều. Người ta nói rằng thơ văn ngài là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm quan triết học và cảm quan thế sự, có tinh thần lạc quan, yêu đời, tấm lòng vị tha của một nhân cách cỡ lớn và sự rung động tinh tế, lòng yêu tự do thích thảng của một nhà nghệ sĩ. Ở đấy cũng thể hiện sự hòa hợp khó chia tách giữa một ngòi bút vừa cung đình vừa bình dị, dân dã, có cả những kiến thức sách vở uyên bác với sự từng trải lịch lãm (20). Bình như vậy quả là tuyệt; là quá trân trọng một nhà thơ lớn, một nhà nghệ sĩ lớn của dân tộc! Tuy nhiên, có ai ngờ rằng, nhận xét ấy vô tình đã đánh mất một phần nào giá trị minh triết và giá trị thiền học ẩn tàng trong thơ của tác giả. Thơ Trúc Lâm đại sĩ không có chỗ nào là cảm quan triết học cả, có chăng là cảm quan thiền học. Dĩ nhiên, có triết học, nhưng triết học ấy đã bị lặn chìm, mất dấu; lý trí phân tích, suy luận cũng vắng mặt. Cảm quan thế sự ư? Cũng không thấy. Nó có thể có nỗi buồn (Đêm 11 tháng 2, Tây chinh), có thể thương xót người thiếu phụ (Khuê oán), có thể có những tứ thơ khách sáo, xã giao với sứ Tàu - nhưng nhất định không phải là chuyện thế sự, việc đời! Lại nữa, ta phải hiểu rằng, sau khi cả ba phương Bắc, Tây, Nam gươm giáo lặng, Hương Vân đầu-đà trở lại Yên Tử với cảnh tiên, tâm Phật rồi; thì dường như ngài không còn một chút dính mắc gì nơi trần thế nữa: Trói buộc gì đâu, tìm giải thoát? Không phàm, hà tất kiếm thần tiên? Vượn nhàn, ngựa mỏi, người thêm lão. Như cũ, am mây, một chõng thiền! Tiếp theo, Phải, trái, niệm rơi hoa buổi sớm. Lợi, danh lòng lạnh trận mưa đêm. Rụng hoa, tạnh hạt, non yên tĩnh. Còn tiễn xuân tàn, một tiếng chim!(21) Ý niệm về chuyện phải trái nó rơi theo hoa buổi sớm rơi. Cái tâm về lợi danh nó lạnh ngắt giống như trận mưa lạnh ngắt đêm rồi! Và ngay chính cái rơi, cái lạnh ấy cũng không còn nữa, nó rụng, nó tạnh hết rồi, chỉ còn non yên tĩnh mà thôi. Cái non yên tĩnh ấy, có một tiếng chim vừa hót lên, nó đang tiễn xuân đấy! Thật là tuyệt! Kín đáo, ý vị, thi vị, thiền vị đến thế là cùng! Hoặc: Chim hót khoan thai khóm liễu hoa. Bóng thềm nhà vẽ mây chiều qua. Việc đời, khách đến, không buồn hỏi. Cùng tựa lan can ngắm biếc xa (22). Không những việc đời không buồn hỏi - mà cả trăm việc, ngàn việc cũng như thế: Muôn việc nước xuôi nước. Trăm năm lòng hỏi lòng (23). Người tu thiền thì chỉ nên quán cảnh, quán muôn việc, lắng nghe tâm, tâm ngữ tâm (24) mà thôi! Đúng là hiển ngữ rạch ròi! Còn lạc quan, yêu đời thì tôi chẳng thấy. Lạc quan, yêu đời là tốt ư? Nó có tốt hơn nhìn đúng chân tướng của sự vật, của muôn pháp không? Phật ôi! Có lạc thì phải có bi, có yêu thì phải có ghét! Đức đại sĩ của chúng ta sao lại còn phải khòm lưng, cúi đầu trong cái tròng nhị nguyên buộc ràng khốn khổ ấy? Xin thưa, thơ ngài chẳng lạc quan, chẳng bi quan; đa phần là nói thực, thấy thực, nghe thực, nghĩ thực; nhưng cái thực cảnh, thực tâm ấy đã được chắt lọc qua cảm xúc tinh tế của nghệ thuật, của thiền tâm! Ta hãy nghe một vài. Khói thu, lạnh lẽo mái chùa xưa. Hiu quạnh, câu thuyền, chuông vẳng đưa. Nước sáng, non yên, âu trắng lượn. Mây nhàn, gió lặng, đỏ cây thưa!(25)  Chúng ta để ý: Nước sáng, non yên, gió lặng, mây nhàn... thì sẽ hiểu được cái dụng ý của tác giả. Thế đấy, thực là thơ thiền thì không cần sử dụng ngôn ngữ kinh điển khô khan hoặc khái niệm trừu tượng của lý trí đa sự! Bài khác: Đèn soi nửa cửa, sách đầy giường. Khí lạnh sân thu, rỏ giọt sương. Thức dậy, mơ hồ chày đập áo. Trên cành hoa mộc, ánh trăng vương (26). Hai câu đầu là thực, tả thực; câu ba là âm thanh ở xa vọng lại, đã đi vào tâm. Câu bốn, chụp bắt ngay được cái thực tại hiện tiền: Trên cành hoa mộc, ánh trăng vừa lên (nguyệt lai sơ)! Tác giả không cần nói, đương xứ tức chân như kinh Đại niệm xứ mà vẫn chụp bắt được cái đang là, cái như thị! Thêm một bài nữa. Xóm trước, làng sau tựa khói lồng. Bóng chiều nửa có, nửa dường không. Đi trong tiếng sáo, trâu về hết. Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng (27).Thật khó mà biết được tác giả có gởi gắm, gói ghém toàn bộ tư tưởng của bài kệ Hữu cú, vô cú (28) siêu tuyệt có, không, chẳng dính mắc có không trong câu 1, 2 hay chăng? Nhưng để nói được ý tưởng đó, tác giả đã lồng ghép, hòa tan tư tưởng thiền với hình tượng nghệ thuật: Đi trong tiếng sáo, trâu về hết! Ngưu quy tận! Hình ảnh bức tranh cuối cùng trong 10 bức tranh chăn trâu hiện ra: Trở lại cội nguồn, về với cội nguồn, vong ngã, vong pháp hoặc trở về với thực tại hiện tiền: Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng - cũng y như nhau, cùng một lập nghĩa!

Thế đó, thơ của ông vua thiền sư thi sĩ, đọc đâu tôi cũng thấy ý tưởng thiền được ẩn tàng, không lộ liễu. Có nói đến lòng vị tha. Nhưng nói vị tha thì không chuẩn xác, phải nói là tâm bi mới đúng - đó là bài Trúc nô minh: Tâm không đùa ngạo tuyết. Đốt cứng, dãi dầu sương. Mượn ngươi làm nô bộc. Lại ngại trái tính thường! (29). Thật là bi mẫn tinh tế hết chỗ nói. Trúc nô, thanh nô, trúc phu nhân là tên gọi một loại gối tựa hoặc gối kê tay đan bằng sậy hay bằng trúc (30). Nhà vua thi sĩ của chúng ta khi sử dụng chúng vào mùa hè, luôn kề cận ở bên mình, lại chợt nhớ tới các hàng nô bộc ở xung quanh. Ý nghĩa của bài thơ còn là vọng âm của Phật ngôn: Không có giai cấp trong giọt máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn!

VỀ PHÚ.

Thơ thì chữ Hán - nhưng phú thì hoàn toàn sử dụng tiếng Nôm cho ai cũng hiểu được - là một bản tuyên ngôn phong phú, dị giản về đời sống thiền và tông chỉ của phái Trúc Lâm Yên Tử mà ngài đã là sơ tổ. Bài phú trần lạc đạo là một tuyệt tác văn học và thiền học bằng văn Nôm sớm nhất ở nước ta. Nó có nhiều tiếng Việt cổ, nôm na, dân dã mà ngày nay đã mất hẳn. Có cấu trúc biền ngẫu, niêm đối chỉn chu. Có cách sử dụng danh từ, động từ tạo hiệu ứng, nhân hóa, ấn tượng mà ngày nay gọi là phép tu từ! Nhưng không thấy bóng dáng khẩu khí cung đình! Cũng chính ở bài phú nầy mới chứng tỏ kiến thức bác lãm, kinh lịch, một sức học thâm uyên của tác giả. Nó tóm thâu tất cả mọi kinh, mọi luận, mọi ngữ, mọi lục, mọi thoại... và cuối cùng là giải quyết trọn vẹn vấn đề tử sinh đại sự của đời người! Đúng như tuyên ngôn trong Hội 01, mở đề:  Mình ngồi thành thị. Nết dụng sơn lâm. Muôn nghiệp lặng, an nhàn thể tính. Nửa ngày rồi tự tại thân tâm. Và rồi, dường như đọng lại, tụ lại nơi 4 câu kết: Sống đời vui đạo hãy tùy duyên. Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền. Châu báu trong nhà, đừng kiếm nữa. Vô tâm ngắm cảnh, hỏi chi thiền! (31) Hãy tùy duyên mà sống, tự nhiên như hơi thở, tự nhiên như đói thì ăn, khát thì uống. Cực Lạc, Tịnh Độ, Di Đà, Viên Giác, Kim Cương, Pháp Hoa, tính sáng, tính trong, tính giác, thực tại hiện tiền, bản lai diện mục, vô vị chân nhân, chân như, đàn không dây, sáo không lỗ, khúc vô sanh, thái bình ca... gì đó đều có sẵn trong lòng mình; là viên minh châu còn nằm trong manh áo của thân tứ đại rách rưới này! Đừng hỏi gì về thiền nữa, thiền là vô tâm; hai chữ vô tâm lấp lánh, phát sáng. Vô tâm này chắc hẳn không phải của Trần Thái Tông: Chớ bảo vô tâm là đạo vậy. Vô tâm còn cách những ngăn rào (32). Đúng vậy, vô tâm của Trần Thái Tông là ý niệm vô tâm, chấp vào vô tâm hoặc là không có tâm... Còn vô tâm của Hương Vân đầu-đà là không tính, là duyên khởi nên Không của thiền quán Vipassanā; nó ở ngoài không có, nó sinh ra không có; là không của bên kia hữu cú, vô cú, của giải thoát, của mênh mông hề phương ngoại phương! Nói cách khác, vô tâm của Trúc Lâm đại sĩ nó ở trên phạm trù triết học; chính là tinh yếu, là cốt lõi, là minh triết của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử!

Người ta thường nói, thiền Trúc Lâm Yên Tử là thiền Việt Nam! Đây là dấu hiệu tốt, một ý thức độc lập, tự chủ, muốn ly thoát cái bóng đại của Trung Quốc đã phủ trùm dân tộc ta về mọi lãnh vực. Tuy nhiên, không có cái gọi là thiền Việt Nam! Yếu tính thiền, yếu chỉ thiền là kiến tánh, thấy rõ thực tánh, liễu ngộ thực tánh thì thiền Nguyên thủy, thiền Đông độ, hay Zen đều giống nhau (33). Phải nói rằng, Trần Nhân Tông, sau khi tiếp thu trọn vẹn mọi nguồn, mọi tông phái thiền học đương thời, ngài vận dụng thêm tư tưởng nhập thế tích cực hơn để đáp ứng tình thế đất nước -thì khả dĩ hơn. Tôi nói khả dĩ hơn, vì thật ra, cái vận dụng nhập thế tích cực, đạo đời, tăng tục không có biên ranh thì đã có từ thời Lý Thánh Tông với thiền Thảo Đường; và gần nhất là các thiền sư cư sĩ như Ứng Thuận, như Tuệ Trung! Ngài chỉ là người tiếp lửa cho xu hướng Phật giáo nhập thế tích cực ấy! Chính điều quan trọng nhất, mấu chốt nhất, cốt tử nhất mà chưa ai đề cập là: Thiền nhập thế ấy, kết hợp phong phú, sinh động bởi một con người minh triết, là một vị tỳ-khưu, một Hương Vân đầu-đà - mới trở nên một cái gì vĩ đại, là cái dấu ấn vàng son trong lịch sử dân tộc. Nói cách khác, khái quát và dung hợp trọn vẹn hơn: Thiền nhập thế ấy được thổi hồn sống, được tiếp truyền năng lượng tâm linh bởi một nhà văn hóa cầm đuốc dẫn đạo tiên phong phục hồi, duy trì và phát huy ngôn ngữ Việt; một thiền sư sơ tổ Trúc Lâm đại sĩ tầm vóc lớn lao; một nhà tu khổ hạnh tam y nhất bát du phương, một nhà thơ trong sáng và tịnh định hồn thiền; một nghệ sĩ cốt cách mai hoa cam lộ lưu phương (34) - mới chính thật là vô tiền, khoáng hậu! Trong lịch sử thế giới, ở đâu có sự tổng hợp, tương hòa, dung hợp kỳ diệu, tối đại thượng thừa như thế chứ? Không, không có! Và chưa hề có!

Nói tóm lại, dẫu tôi có nỗ lực giải mã một vài tứ thơ và phú của đại sĩ, ở đâu đó, cũng thản như đầu thượng trước đầu, cũng chỉ như tuyết thượng gia sương (35) mà thôi. Tôi đi tìm cái gì đó, mùi thơm của đóa hoa minh triết ư? Thiền sẽ nói, là đi tìm dấu chân trên cát, tượng mây giữa trời! Tất thảy đều vô vọng, bất lực như đang đối diện với hư vô và hố thẳm của ngôn từ! Cuộc đời này, tôi không hiểu, không biết gì đâu; tôi chỉ muốn nói đến con người, một nhân cách thấm đẫm nhân văn. Đại sĩ là vậy. Con người đại sĩ là vậy. Nhưng thời này, mình ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm thì có được mấy người; hay là đã hòa kỳ quang mà đồng kỳ trần cả rồi? Hay hễ đói thì cứ ăn tự nhiên, hễ khát thì cứ uống tự nhiên như Trúc Lâm sơ tổ?

Tôi cũng đi tìm lại chút hương xưa, nhưng tôi tìm trong thơ, theo cách thi giải riêng của mình! Và tôi biết, phương pháp thi giải thì dễ lẩn thẩn, chủ quan, cảm tính và mơ hồ sương khói lắm; nhưng lạy Phật, hương thơm minh triết vẫn còn đây, vẫn còn bát ngát, khinh phiêu, du viễn giữa trần gian, giữa muôn trùng cát bụi. Và phải chăng, những công trình trùng tu Yên Tử, những cuộc hội thảo như thế này là chúng ta đang sống trong hồn thơ, hồn thiền, trong hương thơm của đóa hoa minh triết ấy?

Và cuối cùng, bài thơ này thì tôi không thi giải được: Thế số nhất tức mặc. Thời tình lưỡng hải ngân. Ma cung hồn quản thậm. Phật quốc bất thắng xuân. Tôi không biết thế là gì, số là gì? Tôi cũng không biết thời là gì, lưỡng hải ngân là gì? Rõ là nơi những con chữ ấy còn ẩn tàng nhiều lớp nghĩa. Đúng hơn là còn bí hiểm! Xin chờ đợi các nhà nghiên cứu, các bậc thức giả, trí giả giải mã cho!

Tôi chỉ tạm dịch: Số đời hơi thở lặng. Tình đời đôi mắt trong. Cung ma vây chặt cả. Nước Phật xuân mênh mông!

Chú thích:

1. Ủng môn sáo ngọc sâm thiên mẫu. Quải thạch châu sơ lạc bán không. (Xin ghi chú: Tất cả những thơ dịch trong bài viết này đều là của người chấp bút).
2. Vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại. Tiếu đàm nhân tại bích vân trung.
3. Am bức thanh tiêu lãnh. Môn khai vân thượng tằng.
4. Trúc lâm đa túc điểu. Quá bán bạn nhàn tăng.
5. Thử phong, thử nguyệt, thử dữ nhân. Hợp thành thiên hạ tam kỳ tuyệt!
6. Cư trần lạc đạo phú - hội 3.
7. Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca.
8. Vịnh Vân Yên tự phú.
9. Đạo của người quân tử là đạm bạc vậy - Trung dung - Khổng.
10. Tk.XV mới đổi thành Hoa Yên.
11. Vịnh Vân Yên tự phú - Huyền Quang - Thơ văn LT.
12. LSPGVN q.1 của Nguyễn Lang, trang 432.
13. Niên thiếu hà tằng liễu sắc không. Nhất xuân, tâm tại bách hoa trung. Như kim khám phá đông hoàng diện. Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.
14. Họa kiều đảo ảnh trám khê hoành. Nhất mạt tà dương thủy ngoại minh. Tịch tịch thiên sơn hồng diệp lạc. Thấp vân như mộng viễn chung thanh.
15. Theo ĐVSKTT.
16. Thê lương hành sắc thiêm cung mộng. Liêu loạn nhàn sầu đáo tửu bôi - (Tây chinh đạo trung).
17. Theo thánh đăng ngữ lục.
18. Theo ĐVSKTT.
19. Theo toàn tập TNT của GS. LMT.
20. Thơ văn Lý Trần II, tr. 452.
21. Thùy phọc cánh tương cầu giải thoát. Bất phàm, hà tất mịch thần tiên. Viên nhàn, mã quyện, nhân ưng lão. Y cựu, vân trang nhất tháp thiền. Thị phi niệm trục, triêu hoa lạc. Danh lợi, tâm tùy dạ vũ hàn. Hoa tận, vũ tình, sơn tịch tịch. Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn! (Sơn phòng mạn hứng)
 22.
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì. Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi. Khách lai bất vấn nhân gina sự. Cộng ỷ lan can khán thúy vi. (Xuân cảnh).
23. Vạn sự thủy lưu thủy. Bách niên, tâm ngữ tâm...(Đăng Bảo đài sơn).
24. Quán tâm, quán pháp của thiền Tứ niệm xứ.
25. Cổ tự thê lương thu ái ngại. Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ. Thủy minh, sơn tĩnh, bạch âu quá. Phong định, vân nhàn, hồng thụ sơ. (Lạng châu vãn cảnh).
26. Bán song đăng ảnh mãn sàng thư. Lộ trích thu đình dạ khí hư. Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ. Mộc tê hoa thượng, nguyệt lai sơ  (Nguyệt).
27. Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên. Bán vô. bán hữu tịch dương biên. Mục đồng địch lý ngưu quy tận. Bạch lộ song song phi hạ điền (Thiên trường vãn vọng).
28. Xem Thơ văn Lý Trần, q.II, tr. 488.
29. Ngạo tuyết tâm hư. Lăng sương tiết kính. Giả nhĩ vi nô. Khủng phi thiên tính (Trúc nô minh).
30. Xem Thơ Văn Lý Trần II,tr. 485.
31. Cư trần lạc đạo thả tùy duyên. Cơ tắc xan hề khốn tắc miên. Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch. Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
32. Nguyên văn cả 4 câu: Lưu thủy hạ sơn phi hữu ý. Bạch vân xuất tụ bản vô tâm. Mạc vị vô tâm vân thị đạo. Vô tâm do cách nhất trùng quan.
33. Kiến tánh là thấy rõ cái chân tánh, cái thực tánh( sabhāva) - xem thêm Thiền Phật giáo - Nguyên thủy và Phát triển của Viên Minh, NXB Tôn giáo, năm 2007.
 34. Cam lộ lưu phương - móc chảy mùi thơm (trong bài thơ Tảo mai)
35. Nghĩa: Trên cái đầu, chồng thêm cái đầu - ý nói, ý niệm chồng thêm ý niệm thì che lâp cái chân thực. Câu sau, nghĩa: Thêm sương trên tuyết - tuyết đã che lấp mặt đất, che lấp cái thực địa mà còn phủ lên tuyết một lớp sương nữa. Cả hai câu đều cùng một thiền ý.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle