Từ Hiếu và thời gian

tu hieu

 

Đức Phước

 

Lặng lẽ bên dòng Hương

 



Dọc theo quốc lộ 1A, đến đoạn giữa chiếc đòn gánh Bắc Nam, ta ghé lại miền đất Kinh kỳ. Nơi còn lưu lại những dấu xưa trên những đền đài, trên những lăng tẩm và cả trên những con đường rợp bóng cây. Nơi có dòng sông Hương êm đềm chảy qua. Để mỗi sớm còn lảng bảng sương hay những chiều tà, ta được lắng nghe chuông chùa rung từng hồi vọng trên sông nước. Tiếng chuông gọi người tỉnh thức. Tiếng chuông rửa sạch ưu phiền.

 

Nói đến Huế, ta không thể không nhắc đến những ngôi chùa cổ. Những ngôi chùa gắn liền với lịch sử mảnh đất này. Nó như minh chứng cho sự hưng thịnh một thời của đạo Phật dưới chế độ quân chủ. Và hiện tại, nó vẫn tiếp tục là những đại tùng lâm cho không biết bao nhiêu người tìm đến tu tập và chuyển hóa. Với Thiên Mụ uy nghiêm soi mình bên dòng Hương dù mưa dù nắng. Và tiếng chuông công phu đã đi vào ca dao tục ngữ:

 

Tiếng chuông Thiên Mụ


Canh gà Thọ Xương.


Với Từ Đàm, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến du hóa từ phương Bắc của Tổ Tử Dung. Để mảnh đất kinh kỳ này có cơ duyên sản sinh thêm một bậc thầy đạo hạnh trong dòng thiền Lâm Tế - Tổ Liễu Quán. Với Thuyền Tôn trầm mặc, ẩn mình dưới rừng tùng xanh mát bốn mùa, nơi bậc thầy đạo hạnh phát dương quang đại tông chỉ của tổ tông.

Và nhắc đến Huế, người ta không quên nhắc đến chùa Từ Hiếu. Nếu nói nó là ngôi chùa cổ thì chưa hẳn đúng lắm. Vì sao? Nó còn quá trẻ so với chùa Thiên Mụ, Tổ đình Quốc Ân hay Báo Quốc… Nhưng Từ Hiếu đi vào lòng người không phải bằng con đường của bề dày lịch sử hay công trình tráng lệ, mà nhẹ nhàng đi vào lòng người bởi trường ca hiếu nghĩa và độ sinh. Nếu một lần đã đến Từ Hiếu, bạn sẽ không quên hương thiền nhè nhẹ tỏa từ mảnh đất nơi đây, quang cảnh nơi đây. Dường như những bận rộn, lo âu, phiền muộn của nhịp sống xô bồ bên ngoài được trút xuống ngay đầu con đường đất đỏ dẫn lối vào nội viện. Nhìn từ xa, Từ Hiếu ẩn mình sau rừng thông xanh trông như cô gái Huế e lệ nép dưới phiến lá, nhưng nó vẫn hùng tráng và uy nghiêm như sư tử vươn mình giữa rừng hoang thời đại. 

 

Chiếc thánh thai của mối tình giữa chí nguyện độ sanh và lòng hiếu


Năm Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 45, tại làng Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xuyên, tỉnh Quảng Trị, ngày nay là làng Trung Kiên, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, có một người con được sinh ra, mà về sau đã trở thành pháp khí chốn thiền môn. Ngài có thế danh là Nguyễn Văn Nội.


Năm lên 7 tuổi, ngài từ giã song thân, vào đất Thần Kinh tìm đến ngài Đạo Minh – Phổ Tịnh, trú trì chùa Huệ Lâm – Huế để tu đạo.


Năm lên 20 tuổi, ngài được bổn sư thế độ, ban cho pháp danh Tánh Thiên, pháp tự là Nhất Định và được hội đồng thập sư đặt cách cho thọ tam đàn cụ túc tại chùa Quốc Ân – Huế với ngài Mật Hoằng.


Sau mười năm ròng rã theo thầy học đạo, vào ngày 14 tháng 11 năm Giáp Tuất, tức Gia Long thứ 13, ngài được bổn sư truyền đăng với bài kệ:

 

                 Nhất định chiếu quang minh


                 Hư không mãn nguyệt viên


                 Tổ tổ truyền phó chúc


                 Đạo Minh kế Tánh Thiên


Việt dịch:



                 Nhất Định chiếu sáng tinh


                 Hư không trăng tròn xinh


                 Tổ tổ trao lời chúc


                 Tánh Thiên từ Đạo Minh


                                     (TT. Thái Hòa dịch)



Vào tháng 11 năm Bính Tý, tức Gia Long thứ 15 (1816), bổn sư của ngài viên tịch. Ngài cư tang thầy và cũng chính năm này, ngài đã được tông môn cung thỉnh trú trì chùa Thiên Thọ, tức chùa Báo Quốc ngày nay.


Với đức độ, ngài không những được tông môn thương kính, mà ngay cả vua quan trong triều cũng kính phục. Do vậy, vào ngày 1 tháng 8 Canh Dần, tức Minh Mạng thứ 11 (1830), vua Minh Mạng đã trao giới đao, độ điệp để hòa thượng có cơ hội duy trì phật pháp và làm nơi nương tựa cho tăng tín đồ.


Năm năm sau, khi được vua tặng giới đao, độ điệp, vào ngày mồng 1 tháng 10 năm Ất Mùi, tức Minh Mạng thứ 16 (1835), hòa thượng được bộ lễ dâng lên một lá thư cung thỉnh ngài giữ chức tăng cang Linh Hựu Quán (nay là nhà thờ Tây Linh).

Năm 1839, vua Minh Mạng cho xây chùa Giác Hoàng trong thành nội. Chùa được xây dựng để kỷ niệm nơi phủ xưa khi vua còn là thái tử. Đặc biệt chùa này chỉ dành riêng cho nội cung. Và cũng trong năm này, ngài Nhất Định được vua Minh Mạng sắc phong làm tăng cang chùa Giác Hoàng.


Những năm trước khi ngài Nhất Định chưa làm tăng cang Linh Hựu Quán và chùa Giác Hoàng, trai đàn chẩn tế hằng năm đều được vua chọn tổ chức tại chùa Thiên Mụ. Nhưng kể từ năm 1835, điểm chẩn tế để cầu nguyện quốc thái dân an được dời về Linh Hựu Quán và chùa Giác Hoàng. Điều ấy cho thấy, ngài được vua quan triều đình kính trọng như thế nào.



An Dưỡng Am



Vua Minh Mạng băng hà (ngày 28 tháng 12 năm Canh Tý), vua Thiệu Trị lên nối ngôi. Lúc bấy giờ, trong triều có hai khuynh hướng: một bên là các thái giám và cung giám trong nội cung thời Minh Mạng, rất quý trọng hòa thượng Nhất Định, và hòa thượng là chỗ dựa tinh thần của họ; một bên là các quan cận thần vua Thiệu Trị. Hai bên vốn không thích nhau. Do vậy, hòa thượng đã trở thành tâm điểm để các quan cận thần của vua Thiệu Trị trút sự ganh tức lên các cung giám và thái giám nội cung thời Minh Mạng. Họ đã tấu sớ lên vua Thiệu Trị đòi cách chức tăng cang của hòa thượng tại Linh Hựu Quán và chùa Giác Hoàng, với lý do hòa thượng quá già không còn kham nổi công việc nữa. Vả lại, khi lên ngôi, vua sẵn đã thiếu thiện cảm với hòa thượng bởi vua nghe theo những lời dè xiểm của các quan cận thần. Do vậy, vua chuẩn tấu ngay về việc cách chức tăng cang của hòa thượng. Cùng lúc ấy, hòa thượng cũng đã dâng sớ xin thôi giữ chức tăng cang tại Linh Hựu Quán và chùa Giác Hoàng. Tất nhiên, vua Thiệu Trị phê chuẩn ngay. Hòa thượng mừng quá, liền viết hai câu thơ:



                 Hạnh phùng tấu đắc nhưng hồi lão


                 Nhất bát cô thân vạn lý du.



Việt dịch:



                 Già rồi may được vua thương


                 Một thân một bát muôn phương du hành.


Thôi chức tăng cang tại Linh Hựu Quán và chùa Giác Hoàng, ngài cũng đồng thôi giữ chức trú trì chùa Báo Quốc. Ngài giao chùa Báo Quốc lại cho sư em của mình là hòa thượng Nhất Niệm – Tánh Chiêu. Rồi cùng hai người đệ tử Hải Thuận – Lương Duyên, Hải Thiệu – Cương Kỷ và một mẹ già tám mươi tuổi đến vùng núi Dương Xuân, xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, dựng một thảo am nhỏ để tu trì và nuôi mẹ. Việc lần tìm đến nơi chọn dựng thảo am quả là khó, bởi tuổi ngài đã cao, sức khỏe lại yếu, thêm vào đó rừng núi quá um tùm, không có lối mòn để đi.



Ngài dựng thảo am thành hai phần, phía trước thờ phật A Di Đà, phía sau dành làm chỗ nghỉ cho mẹ ngài, ngài và hai người đệ tử. Thảo am được dựng nơi lưng chừng đồi. Lưng am tựa vào sườn đồi tạo thế đứng rất vững chãi. Trước thảo am cách khoảng hai trăm mét, có con suối nhỏ chảy ngày đêm. Nhìn xa xa hơn một chút, thảo am lấy núi Ngự Bình làm bình phong; còn sau lưng có dòng sông Hương làm chỗ tựa. Am này ngài lấy tên là An Dưỡng. Ngài có viết hai câu đối treo trước am:

                Thân đới quán châu nhàn tuế nguyệt


                Thủ trì tích trượng nhạo vân sơn.



Tạm dịch:



                Thân mang chuỗi hạt nhàn năm tháng


                Tay chống gậy thiền dạo núi sông.



Trong Hàm Long Sơn Chí, Thượng Sơn tiên sinh có viết về thảo am An Dưỡng như sau: “Ngài lập am rất nhỏ, nửa phía trước thờ phật A Di Đà; nửa phía sau kê giường nằm.”

Cũng trong Hàm Long Sơn Chí, có đoạn: “Tôi kính mến hòa thượng, thấy hòa thượng bệnh yếu, muốn cúng dường nhưng hòa thượng từ chối và nói rằng: Tôi có hai đệ tử lo việc trồng đậu, trồng rau có đủ dùng hằng ngày rồi, vì vậy không mong gì hơn nữa”.

Đó là cách hành xử của bậc chân tu.



Mặc dù cuộc sống chốn sơn lâm thiếu thốn, nguy hiểm, nhưng với lòng độ tha, với tâm hoằng hóa độ người, ngài thường đăng đàn thuyết pháp cho hàng phật tử khiến tiếng tăm của ngài ngày càng vang xa. Từ quan chức đến thứ dân hay thái giám, nội cung đều mến mộ tài đức của ngài. Họ đã thường tìm đến nơi ngài để tham vấn học đạo. Trong số ấy, có cả vua Thiệu Trị. Ngày trước, vua Thiệu Trị vì một sự hiểu lầm mà đã trách nhầm hòa thượng. Giờ thì vua đã hiểu rõ sự việc. Do đó, thỉnh thoảng, vua đã đích thân đến chốn thâm sơn cùng cốc này để tham vấn phật pháp với hòa thượng.


Người đến tìm học, và tu tập với hòa thượng ngày một đông, mà thảo am quá nhỏ. Họ yêu cầu được chuyển thảo am thành chùa lớn. Ngài không đồng ý, và nói: “Nếu tôi mà thích ở chùa lớn thì tôi đã ở chùa Giác Hoàng, Linh Hựu hay Báo Quốc rồi, cớ gì tôi phải vào tận chốn thâm sơn cùng cốc này để làm gì”. Với lời nói chân thật như vậy đã làm cho các quan thái giám thêm kính phục ngài.


Ngài đã sống đời sống như vậy trong suốt quãng đời còn lại với rừng núi u tịch. Vào ngày mồng 7 tháng 10 năm Đinh Mùi, tức Thiệu Trị năm thứ 7 (1847), giờ Ngọ, hòa thượng đã nhập định thâu thần thị tịch. Sau đó, đệ tử ngài an táng ngài trên nền của thảo am với bảo tháp cao năm tầng. Bia tháp có đề: Giác Hoàng tăng cang Lâm Tế chánh tông húy Tánh Thiên Nhất Định chi tháp. 



Thảo am An Dưỡng là tiền thân của chùa Từ Hiếu sau này. Tuy hiện giờ thảo am không còn, nhưng hình ảnh của nó vẫn đậm nét trong các thế hệ con cháu.

Hiếu nghĩa


Phật có dạy: “Sinh ra gặp thời không có Phật, thờ kính cha mẹ chính là thờ Phật”. Hạnh hiếu là hạnh đầu trong tất cả các hạnh. Và một bậc chân tu luôn biểu hiện trọn vẹn trong tất cả các hạnh lành, trong đó có hạnh hiếu. Hòa thượng Nhất Định là một minh chứng rất sống động không chỉ ở sự độ sinh mà còn cả lòng hiếu thảo.


Tương truyền rằng, sau một thời gian ở cùng ngài, một hôm mẹ ngài đột nhiên nhuốm bệnh nặng, ngài phải đem mẹ đến khám nơi thầy thuốc. Thầy thuốc bảo ngài rằng, mẹ ngài bị suy dinh dưỡng, do đó bà cần được tẩm bổ bằng cá hoặc thịt mới mong thoát khỏi cơn bệnh. Nghe lời thầy thuốc dặn, ngài đến chợ Bến Ngự, tự tay mình mua cá thật to, đi bộ từ chợ về am An Dưỡng.


Vì mục đích giúp mẹ lành bệnh, ngài mặc kệ sự dị nghị của mọi người. Tin ấy đến tai vua Thiệu Trị, vua bực mình. Vua đích thân đến hỏi vị cao tăng này, tại sao đã đi tu rồi mà còn mua cá làm chi?


Khi Thiệu Trị đến am An Dưỡng, cũng là lúc ngài nấu cháo cá vừa xong, và đang dâng cho mẹ ngài dùng. Hình ảnh ấy khiến vua rất xúc động. Vua đã hiểu ra mọi việc. 

Với lòng hiếu thảo, với sự chăm sóc tận tình của ngài đối với mẹ, bệnh của mẹ ngài ngày một thuyên giảm. Tiếng thơm về lòng hiếu thảo của ngài được mọi người biết đến. Và sau lần ấy, vua Thiệu Trị biết mình hiểu nhầm vị cao tăng này, nên đã thường xuyên lui tới tham học phật pháp với hòa thượng.


Đây cũng là cái duyên mà về sau vua Tự Đức đặt tên cho ngôi chùa được xây trên nền thảo am An Dưỡng là Từ Hiếu.



Từ Hiếu

Sau khi ngài Nhất Định viên tịch, ngài Cương Kỷ lên kế vị. Trong thời gian này, các thái giám và cung giám đã xin ý kiến ngài Cương Kỷ để biến thảo am thành ngôi chùa lớn. Ngài Cương Kỷ chấp nhận và cùng họ lo liệu việc xây dựng.


Ngôi chùa được hoàn tất vào năm Tự Đức nguyên niên (1848). Đại hồng chung và các tôn tượng cũng được đúc trong năm này. Duy chỉ có tượng đức Bổn Sư Thích Ca được đúc dưới thời ngài Chơn Thiệt.


Mọi việc hoàn tất, tấu lên vua Tự Đức, vua sắc tứ cho tên chùa là Từ Hiếu.


Sở dĩ vua Tự Đức đặt tên chùa là Từ Hiếu vì muốn con cháu nhớ lại công hạnh tu hành của ngài Nhất Định và gương hiếu thảo của ngài. Và cái tên ấy cũng gợi lên được lòng hiếu thảo của chính nhà vua.


Từ và Hiếu là hai chất liệu không thể thiếu trong một con người xuất gia. Đúng vậy, sáng đem niềm vui cho người, chiều giúp người bớt khổ. Đó là kim chỉ nam của người con Phật. Mỗi ngày, ta nguyện tu tập để chuyển hóa khổ đau, chế tác hạnh phúc, an lạc nơi bản thân, rồi giúp đỡ gia đình, dòng họ và những người xung quanh thực tập theo đúng chánh pháp, để họ biết sống vui, sống hạnh phúc. Đó là cách thể hiện lòng hiếu, lòng từ đúng nghĩa nhất.


Trong đời ngài Cương Kỷ, ngài có công biến thảo am thành chùa Từ Hiếu có quy mô vào năm 1848. Và sau đó, ngài tổ chức trùng tu chùa hai lần nữa. Lần thứ nhất vào năm Ất Dậu (1885), nhờ sự trợ giúp của bà Từ Dũ, các cung giám và các thái giám. Lần thứ hai vào năm Giáp Ngọ (1894) vào thời vua Thành Thái năm thứ 5, nhờ thái giám Hồ Xuyên đứng ra quyên góp.


Hai năm sau lần trùng tu thứ hai chùa Từ Hiếu, ngài Cương Kỷ cho dựng Tháp Bồ Đề (1896). Tháp nằm giữa một đồi thông rất đẹp để tàng trữ những kinh tượng bị hư hỏng. Tại Huế, duy Từ Hiếu mới có tháp bảo viện. Do đó những ảnh tượng hoặc kinh sách của những chùa chiền hay của các phật tử bị hư hỏng, họ đều mang về đây để cho thời gian nó tự phân hủy.

 

Hòa thượng Cương Kỷ được vua Thành Thái kính trọng như người cha tinh thần của mình. Do đó, mọi việc trùng tu, kiến thiết đều được nhà vua giúp đỡ. Bên cạnh đó các thái giám, cung giám cũng rất hoan hỷ cùng góp sức xây dựng chùa Từ Hiếu.

Các ngài thế hệ sau tiếp tục nối tiếp mạch nguồn tâm linh của ông cha đi trước, làm cho tổ đình ngày càng phát triển và đi xa hơn:


Hòa thượng Thanh Ninh – Tâm Tịnh (1868 -1927) kế vị trú trì chùa Từ Hiếu sau khi hòa thượng Cương Kỷ viên tịch. Ngài là đệ tử của ngài Diệu Giác ở chùa Báo Quốc. Sư phụ ngài nhận thấy ngài Cương Kỷ là cao tăng hiếm có nên đã cho đệ tử của mình, Ngài Thanh Ninh, đến tham học. Hòa thượng trú trì chùa Từ Hiếu được ba năm. Sau đó, ngài xin từ chức rồi vào ấp Thuận Hóa, làng Dương Xuân, dựng thảo am, đặt tên là Thiếu Lâm Trượng Thất (nay là chùa Tây Thiên Di Đà).


Hòa thượng Tâm Tịnh từ chức, lúc này nhằm năm Thành Thái thứ 13 (1902), hòa thượng Thanh Thái - Huệ Minh (1861 -1939) là đệ tử lớn của ngài Cương Kỷ nên được môn đồ suy cử lên trú trì chùa Từ Hiếu. Năm 1931, ngài cho trùng tu toàn bộ chùa Từ Hiếu. Năm 1937, ngài được vua Bảo Đại phong làm tăng cang chùa Diệu Đế. Ngày 17 tháng 12 năm Kỷ Mão (1939), ngài viên tịch.


Hòa thượng Thanh Quý – Chơn Thiệt (1884-1968) lên trú trì chùa Từ Hiếu, sau khi hòa thượng Huệ Minh viên tịch. Hiện lúc ấy, hòa thượng cũng đang là trú trì chùa Diệu Nghiêm. Hòa thượng có tám vị đệ tử xuất gia: Thượng tọa Chí Niệm, Thiền sư Nhất Hạnh, Thượng tọa Chí Mãn, Thượng tọa Chí Viên, Thượng tọa Chí Thắng, Thượng tọa chí Mậu, Ni sư Lưu Phong, Ni sư Lưu Phương. Năm 79 tuổi, ngài cho trùng tu toàn bộ từ chánh điện cho đến nhà bếp. Đặc biệt ngài cho đúc tượng Bổn Sư Thích Ca bằng đồng.



Hòa thượng Chơn Thiệt viên tịch, thượng tọa Chí Niệm (1918-1979) lên đảm trách chức vụ trú trì. Lúc bấy giờ thượng tọa Chí Niệm đã 50 tuổi rồi. Thượng tọa không xây dựng gì thêm mà chỉ duy trì cảnh quan như cũ. Thượng tọa Chí Niệm viên tịch, thầy Nhất Hạnh đang còn lưu vong không về nước được, do đó thượng tọa Chí Mậu phải đứng lên đảm trách công việc điều hành chùa Từ Hiếu. Từ đây quang cảnh xung quanh chùa đã được sửa sang lại rất quang rạng. Vườn trồng tiêu, vườn cây ăn trái… ở chùa Từ Hiếu từng là vườn cây kiểu mẫu ở Huế. Những thập niên từ 60 đến 80, đất nước tràn ngập chiến tranh, do đó Từ Hiếu trong thời kỳ này cũng không xây dựng được gì thêm. Mãi đến những năm gần đây, một số công trình được xây dựng thêm như thiền đường Trăng Rằm, nhà giáo thọ, tăng xá, thất Lắng Nghe, hai trường học, nhà bếp, hồ Sao Hôm, hồ Sao Mai và cổng chùa cũng được xây dựng lại. Và điểm đặc biệt khi thượng tọa đang điều hành chùa Từ Hiếu, vào năm 1994, viện cao đẳng Phật học được mở tại đây với sự góp sức của hòa thượng Thiện Hạnh, thượng tọa Thái Hòa cùng các vị tôn túc trong Tăng đoàn Thừa Thiên Huế.

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác