Trần Đan Hà
Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát. Ánh trăng thanh
chiếu qua làng xơ xác. Chiêu hồn về bao khúc ca yêu đời. Mừng trăng lên chúng ta
cùng múa hát. Ước mong sao lúa hai mùa thơm ngát. Lúa về mang bao khúc ca ngày
mùa... (Khúc Ca Ngày Mùa của Lam Phương).
Mỗi khi nghe đến mấy bài hát diễn
tả những sinh hoạt
nơi đồng quê, như cảnh gặt hái của ngày mùa, hay những buổi tối giả gạo dưới trăng tôi chợt nhớ đến quê tôi tha
thiết. Nhớ những buổi chiều nghe tiếng mõ đàn trâu đang đi về đâu đó, đang rộn
lên một âm thanh rất vui tai. Chiếc mõ mà người dân quê thường đeo vào cổ trâu,
để khi thả trâu ra đồng, trâu đi về hướng nào, thì người mục đồng nghe biết để
đón trâu về. Chỉ đơn giản vậy
thôi, mà âm thanh ấy nghe chừng như một điệu nhạc muôn đời của tình quê của hồn nước. Tiếng nhạc ấy khi nhặt khi khoan cũng báo cho chúng ta
những tín hiệu là trâu đang cặm cụi ăn cỏ, hay trâu đã no nê và rủ nhau thong
thả về chuồng. Sự khoan thai của những con trâu đã no cỏ, đang thong thả đi về
cũng đã tạo nên hình ảnh an nhàn vào lòng người ảnh hưởng.
Bóng dáng của chú mục đồng ngồi ngất nghểu trên lưng trâu, cũng thảnh thơi biết mấy, mỗi khi chiều
về. Cảm thấy sung sướng khi đã làm xong công việc trong ngày, cất nông cụ vào
nhà ăn cơm và nghỉ ngơi. Ngồi bên chén cơm bốc hơi mùi gạo mới như đang kích
thích dịch vị khát đói, sau một ngày làm lụng vất vã ngoài đồng áng. Buổi cơm
chiều, thường thì với dĩa rau luộc chấm mắm nêm, vài quả cà dầm nước mắm, nhưng
cảm thấy ngon lạ lùng. Vì ngoài ba bửa cơm, người nông phu không còn có gì để ăn
thêm. May ra thỉnh thoảng mới có một bửa chè nếp, hay chè khoai môn, cho giữa
buổi chiều. Vì miền quê về mùa hè trời nóng bức, khát nước liên tục và thèm chất
ngọt khủng khiếp. Còn có lúc nào sung sướng cho bằng, làm việc đến lúc nửa
chiều, vừa mệt bụng lại đói mà thấy người nhà bưng ra một soong chè, hay nồi
khoai luộc? Mang đến dưới bóng mát nghỉ ngơi và ăn uống, những lúc ấy thật là
cái thú tuyệt vời. Như đang tiếp sức thêm cho người nông phu, làm việc nặng nhọc
dưới nắng mưa, trong những ngày phải cày bừa cho kịp vụ. Vất vã trăm bề, nhưng
nhờ trời cũng được bù lại cho người nông phu, qua những tháng được nghỉ ngơi và
giải trí. Việc nghỉ ngơi và giải trí của họ cũng đơn sơ lồng trong
công việc làm theo mùa. Qua những
câu ca như phân chia một thời khóa biểu từng việc:
Tháng giêng là tháng ăn chơi. Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.
Tháng ba thì đậu đã già. Ta ra đồng hái về nhà phơi khô. Tháng tư đi tậu trâu bò. Để cho ta lại kịp mùa tháng năm…
Công việc khi nhặt khi khoan ấy, cũng điều hòa cho tinh
thần của nhà nông. Để lúc
mệt mỏi, còn có lúc thưởng thức những thú vui chơi. Họ vui với
nếp sống đạm bạc, nhưng tình cảm thì luôn sâu đậm và đằm thắm. Gặp nhau trong
những lễ hội hay các buổi tế lễ trong đình làng, đều chia sẻ cho nhau những
nguồn cảm dạt dào. Cảnh buổi sáng ra đồng, hay tiếng kỉu kịt của trai
gái trong làng đang gánh lúa về đầu xóm, tiếng cười pha lẫn tiếng chuyện trò dòn
tan trong không gian tưởng như rộn rã lên. Trên ngọn cây cao ánh nắng xuyên qua
những áng mây như giải lụa trời thướt tha, đang lơ lửng như sắp sửa buông màn.
Cảnh về chiều của thôn làng như cuốn hút và thu gọn lại từng bước chân của người
dân quê đi làm trở về nhà, và trả lại cho không gian tỉnh mịt của ruộng đồng. Khi ấy xóm làng
cũng trở nên yên ả, vì gia đình nào cũng có vườn rộng, nhà nầy cách nhà khác vài
ba trăm thước là thường. Thế nên mỗi làng từ xóm dưới lên đến xóm trên, cũng
cách xa vài ba cây số. Ở thôn quê đất đai rộng rãi, nhà ở thưa thớt, không khí trong lành nên cảm thấy thoải mái. Nhờ vậy mà người dân quê ít khi
đau ốm, tuổi thọ cũng cao. Công việc đồng áng tuy vất vã, chân lấm tay bùn nhưng
không mảy may lo lắng. Khỏe thì làm, mệt mỏi thì nghỉ ngơi. Làm việc nhà cũng
không tính giờ tính giấc, thấy bóng mặt trời đã ngã thì dọn dẹp lùa trâu về.
Vì công việc nông gia thì quanh năm suốt tháng, chứ đâu
ngày một ngày hai mà phải làm cho xong trong một lúc. Cứ
từ từ theo đà phát triển của cây cối trồng trọt. Đến mùa gieo mạ, cũng phải đợi
mạ lên, cấy xong vụ cũng phải đợi cho cây lúa phát triển, mới đến việc nhổ cỏ
bón phân. Như cái thời khóa biểu giúp cho người nông dân để làm việc. Trong một
ngày cũng vậy, buổi sáng dắt trâu ra đồng, cày bừa đến lúc thấy vừa đủ cho một
ngày. Đất được cày xới coi ngang ngửa với số đất cày hôm qua, hôm kia thì thấy
đã yên lòng rồi. Thường thì người ta dùng mặt trời thay đồng hồ để biết giờ
giấc. Làm lụng cho đến khi mặt trời ngả bóng chiều, chim bay về
tìm tổ sau một ngày đi kiếm ăn. Chim tìm về những hàng cây đầu ngõ, để ẩn núp
qua đêm. Và người nông phu cũng về, như chim. Họ tìm về dưới mái nhà tranh đầm
ấm, tìm về với bửa cơm tối sum vầy. Tìm về với niềm hạnh phúc muôn đời của gia
đình ấp ủ. Những lúc tìm về ấy, thật đẹp làm sao. Sẽ dịu dàng mến yêu cho vơi đi
những giây phút mệt nhọc đã qua, bồi dưỡng thêm sức sống tràn đầy cho những ngày
tháng sắp tới.
Bóng ráng sau đồi như lần lượt đổi sắc theo từng giây từng
phút, như người thợ vẽ đang tô lên khung hình từng vệt sơn dầu bóng loáng. Xa xa
trên trời, chợt hiện một vài nét chấm phá của những cánh chim đang bay về tìm
chỗ đậu. Bức tranh thiên nhiên ấy, bây giờ có ai vẽ lại được không cho tôi tìm
lại một khung trời kỷ niệm, mà từ lâu đã nhạt nhòa bóng nhớ. Vì tuổi thơ tôi đã
gắn liền, đã điểm lên bức tranh ấy từng dấu chân vụng dại, một chuỗi đời ngọt
ngào hương hoa. Thì làm sao tôi đành xóa mờ, hay quên đi sao nỡ? Mùi hương của buổi sáng tinh sương tỏa ra từ bông bưởi, bông cau. Hay từ
buổi hoàng hôn thơm lừng hương lan hay dạ lý. Tuy đơn sơ nhưng đã thấm đậm vào
lòng, khắc ghi vào dạ. Vài bóng chim đang bay về tìm chỗ đậu, in đậm dưới nền
trời xanh nhạt như những chấm phá trong bức tranh thiên nhiên, rất hùng vĩ nhưng
dịu dàng ấy như hồn thiên cổ của quê hương yêu dấu. Đang vẽ đi vẽ lại mãi những
chuyển hóa của vũ trụ, của thời gian không ngừng trôi dần về tương lai.
Bóng chiều quê thật dịu dàng và thanh thoát, nét đơn sơ
nhưng gợi lại trong lòng người bao nỗi nhớ nhung diệu vợi. Nỗi nhớ không hình
không ảnh ấy, tuy khó hình dung nhưng đã bám theo suốt kiếp. Như những ngọn khói
tỏa lên dưới túp lều tranh, tỏa mùi thơm ngai ngái của cây cỏ, của đất đai, phân
bón... nhưng cũng còn thoảng mùi hương hoa cỏ dại để trang sức cho không gian
thôn quê, được dung hòa khứu giác, được lãng đãng mộng mơ trong những phút giây
nhàn rỗi. Những lúc ấy thật là tuyệt vời, vì người dân quê không bao giờ tiêu khiển bằng những chất độc hại,
nên cảm giác cũng được thuần khiết và thanh tao. Nên tinh thần vẫn luôn trong
sáng để đón nhận mến yêu, để luyến lưu kỷ niệm. Kỷ niệm từ buổi tinh khôi, từ
lòng son trẻ đã thấm nhuần thì không bao giờ tàn phai úa héo. Nó như nhựa sống
để nuôi cây, cũng như việc đọc sách, giải trí để cho tinh thần được thoải
mái.
Ở thôn quê, người ta thường làm nhà trở mặt ra hướng đông.
Buổi chiều gần tối gió đông thổi lên mang hơi nước biển, nên khí hậu cũng được
dịu lại. Quanh vườn nhà thường trồng cây ăn trái rậm rạp, nên ban ngày muỗi mòng
ra ẩn núp ngoài vườn. Đến tối thì bay vào nhà tìm hơi ấm. Nên người dân quê hay
nhúm một bếp trấu trước sân, nhờ gió thổi tạt vào nhà để xua đi muổi mòng. Cho
nên các văn nhân thường gọi là “bếp chiều, khói lam chiều, hay mái tranh chiều
thở khói...” tiếng gọi nghe cũng hay hay, cho nên bếp trấu trước nhà là một biểu
tượng đặc thù của miền thôn dã. Như hơi hướm của tình quê sưởi ấm bóng chiều.
Nên nhà nào cũng nhóm một bếp trấu trước nhà, nhờ khói bốc lên xua đi ruồi muỗi.
Không chỉ là mùa hè thu mà thôi, mà mùa đông cũng còn nhóm được bếp trấu. Vì dầu
ngoài trời có mưa lất phất, ướt trên mặt nhưng
trong lòng bếp vẫn ngun ngút cháy hoài. Nhờ vậy mà dân quê cũng được ấm áp, vơi
bớt cảm giác quạnh hiu mỗi khi hoàng hôn buông xuống.
Cảnh rộn ràng nhất, vui thú nhất là những mùa trăng. Người
dân quê thường nhờ vào ánh sáng trăng, để làm lụng về đêm ở trước sân. Như đập
lúa, giã gạo hay dọn bửa cơm tối ngoài sân, cũng nhờ đến ánh sáng của trời. Cứ
mỗi mùa trăng, người dân quê thường đo bóng trăng theo câu hát đồng dao: Mồng một lưỡi ca, mồng ba lưỡi liềm, mồng năm lưỡi quéo,
mồng sáu trăng méo, mồng bảy trăng non... mười tám nám bếp trấu, mười chín nín
hông xôi, hai mươi giấc tốt, hâm mốt nửa đêm... (Ngày mồng một thì bóng
trăng chỉ mới như lưỡi gà, mồng ba dày thêm một chút như lưỡi liềm cắt cỏ, đến
mồng năm thì lại dày thêm một chút như lưỡi quéo dùng để móc buồng cau, hái trái
dừa... đến ngày mười tám thì bếp trấu nhúm trước nhà đã cháy nám một nửa, đêm
mười chín thì khi nấu chín hông xôi, đêm hai mươi là mọi người đều ngủ ngon
giấc, gần nửa đêm trăng mới mọc...)
Con trăng mới mọc là hình ảnh đem đến thanh bình cho xóm
thôn, đem đến niềm vui cho bé thơ, đem đến mộng mơ cho các chàng trai mới lớn,
cho các cô thôn nữ dậy thì. Dưới bóng trăng quê được đùa vui ca hát, những khúc
hát thật thiết tha qua vần điệu ca dao muôn đời mật ngọt. Và cứ hát như vậy để
tính con trăng, là một điệu nhạc vui nhộn của lũ trẻ trong làng cùng nhau đùa
vui... Giờ nhắc lại mà nhớ ơi tiếng hát đồng dao
của thời nào tuổi nhỏ. Cứ vang vọng mãi mỗi khi nhớ về, như tiếng lòng muôn thuở
ấy không bao giờ phai.
Những buổi trưa hè thì nhờ vào những tàng cây đa đầu làng,
để cho lũ trâu nằm nghỉ ngơi nhai cỏ. Không khí oi bức, làm cho người và vật đều
uể oải, khó chịu. Tiếng gà trưa trong xóm cất lên tiếng gáy não nuột. Hay nơi
mái lá sau hàng tre, vọng lại tiếng
kỉu kịt võng đưa, và rười rượi buồn của tiếng bà ru cháu:
À ơi... Ngó qua bên tê khe
Thấy mấy bụi tre, chơ... bụi trừa bụi
đựng
Rứa...Ngó xuống dưới sông nọ
Có mấy hòn đá, hòn dựng mà hòn ư ư... nằm
À ơi...Tình vợ chồng là đạo nghĩa trăm
năm
Dẫu mai sau có giàu sang ...rồi mà...phú
quý
(À ơi... có giàu sang... mà phú quý...
Thì chớ quên cái thuở lá trải lá ư ư
...nằm với nhau!
Câu hát đơn sơ mộc mạc của ngôn ngữ dân quê, nhưng đã chứa đựng
một tình ý thiết tha với tình nghĩa vợ chồng: (nhìn qua bên kia suối, thấy mấy
bụi tre, bụi mọc nơi chỗ bằng phẳng thì vươn thẳng lên cao, bụi mọc bên bờ cheo
leo thì lã ngọn xuống. Nhìn xuống bờ sông có mấy hòn đá, hòn thì dựng, hòn thì
nằm. Đây là diễn tả về cảnh thiên nhiên của tạo hóa. Để từ đó diễn giải về tình
vợ chồng là cái đạo nghĩa của suốt một cuộc đời. Và đi đến một lời khuyên phải
gìn giữ cái đạo làm người: Là vợ chồng nên chung sống với nhau cho tròn thủy vẹn
chung. Dẫu mai sau có giàu sang phú quý, thì đừng quên cái thuở "lá trải lá
nằm", tức là cái thời hàn vi.
Vì thường ở thôn quê, người nông phu buổi sáng ra đồng cày
cấy, đến trưa người vợ mới mang cơm ra cho chồng. Cơm thường nấu xong rồi đem
gói vào một chiếc mo cau, ém lại thật chặt. Đến khi mở ra dùng dao xắt thành
từng lát, chấm với muối mè, hay muối đậu phụng sả ớt và được ăn lúc bụng đã đói
cồn cào, thì hỏi còn cao lương mỹ vị nào mà ngon hơn thế nữa? Cơm được đưa đến
dưới gốc một bụi chuối (chuối là loại cây ưa sống chỗ thấp có nhiều nước, nên
bên bờ ruộng người ta thường trồng chuối), rồi người vợ ngắt một tàu chuối trải
ra để dọn cơm cho chồng ăn; rồi ngắt một tàu chuối khác để quạt cho chồng mát. Khi ăn uống
xong thì người vợ lại ngắt một tàu chuối trải ra cho chồng nằm nghỉ ngơi một
chút cho khoẻ). Những việc săn sóc chồng ấy là người vợ đã chia sẻ một phần công
lao với chồng. Nên lúc ấy là lúc mà tình nghĩa vợ chồng trở nên đậm đà
thân thiết. Và lúc ấy cũng là lúc chứng tỏ tình cảm vợ chồng đẹp nhất. Cái đẹp
không hình dáng, không thể vẽ lên một bức tranh cho người đời chiêm ngưỡng.
Nhưng nó sẽ hiện hữu như một bức tranh vô tướng, mà những ai đã sống qua những
tháng ngày với quê hương yêu dấu ấy. Đều vẫn còn mãi trong
tâm thức hình bóng tình nghĩa vợ chồng, hay hình bóng quê hương muôn thuở.
Tình tự của người dân quê thì đơn sơ như thế đó, nhưng
cũng đẹp biết bao. Cái đẹp không son phấn, cái đẹp hồn nhiên nhưng vĩnh cửu,
không bao giờ đổi thay, không bao giờ phai tàn. Vì tâm hồn của họ được ướp bằng hương đồng
cỏ nội, được thở không khí trong lành tinh khiết của miền quê, được ăn rau tươi,
trái chín tới và nhất là tình bà con làng xóm luôn đầm ấm như
bếp lửa hồng mẹ nhóm, để sưởi ấm những chiều đông.
Thế nên mỗi lần đi xa được trở về, đi ngang qua cảnh đồng quê trong lúc mùa về, là mỗi lần
nỗi nhớ như quặn thắt. Nhớ làn gió nhẹ lùa qua
hàng tre tiếng đưa kỉu kịt, phảng phất mùi hoa dại ven đường hay hương lúa từ
những cánh đồng trải dài đưa lại. Nhưng tất cả đã xa rồi, nên biết tìm đâu ra kỷ niệm xưa, khung trời
cũ, cho lòng được gởi về để ấp ủ mến yêu.
Giờ đây nơi đất khách quê người, nơi muôn vàn xa lạ với
thời tiết mùa đông băng giá, mà mùa hạ cũng hiu hắt lạnh lùng, khiến cho lòng ta
mãi vẫn nỗi buồn. Vì đã xa rồi những mùa hè nồng ấm, những buổi tàn thu gió lành lạnh sang đông. Cái lạnh chỉ hơi se một chút của ngọn
gió heo may cho chớm hồng nắng xuân, cho chớm vàng bông cải. Lòng trời rộng đã
ôm ấp quê hương như vòng tay mẹ ôm con. Thời tiết bốn mùa đã dung hòa tưới tắm cho đồng ruộng xanh
mầu, cho vườn cây xanh lá, như tình mẹ mãi muôn đời quạt nồng ấp lạnh cho con.
Nên hình bóng quê hương vẫn mãi như trăng đầu núi, như
nguyệt đêm rằm. Ánh sáng vẫn vằng vặc trong lòng muôn thu, vẫn soi lên muôn vàn
nỗi nhớ. Nhớ những buổi chiều vàng, khi nắng dần tắt sau đồi với hình bóng cha
đang trở về sau một ngày làm lụng ngoài đồng. Hình bóng ấy cũng vẫn còn vằng vặc
muôn thu, vẫn thấm nhuần vào lòng con như cha đã âm thầm trao truyền
những cảm xúc,
những lời yêu thương không nói. Như mẹ đã một đời tận tụy, vắt sửa nuôi con với ngày hạ
quạt nồng, với đêm đông đắp ấm và hướng dẫn cho con từ những bước đi vừa chập
chững vào đời.
Và bây giờ đã xa, bây giờ đã nghìn trùng một hình bóng
cha, một hình bóng mẹ và một hình bóng quê hương, như tất cả đã hòa tan và gói tròn vào niềm
nhớ. Nên mỗi khi chiều về sẽ không còn tìm đâu thấy khung trời cũ,
bóng hình xưa rất thiết tha, rất dịu dàng từ ái. Nhưng hình ảnh ấy, bóng dáng kia sẽ không bao giờ nhòa phai trong lòng người xa xứ. Và hình
ảnh ấy muôn đời vẫn đẹp, muôn đời vẫn thơm tho, ngọt ngào...
Ôi ! "Bóng chiều quê".
Trần Đan Hà
Nguồn: PSN