Bí quyết của niềm vui là biết ngưỡng mộ chính mình

vui

 

Lam Yên

Mỗi lần, sau những phút giây căng thẳng của cuộc sống, học hành cũng như công việc, mỗi người đều có thể tìm cho mình một phương pháp để vơi đi sự lao nhọc của tâm trí, hay một sự giải trí nào đó có thể làm dịu tinh thần. Với tôi, khi căng thẳng với việc học, tôi thường tranh thủ thời gian lướt web xem tin tức cũng như nắm bắt thông tin của cuộc sống trong và ngoài nước.  Nào ngờ, hôm nay lang thang trên tờ “新闻”, tờ báo Tân Văn của Trung Quốc vô tình đọc được một câu “bí quyết của niềm vui”, tò mò xem qua, thật thú vị khi tác giả đã “bật mí” cái bí quyết đã mang đến niềm vui cho anh ta. Anh ta chỉ nói đơn giản rằng “bí quyết của niềm vui là không phải điều gì trong cuộc sống chúng ta cũng thích, cũng bằng lòng, mà là chúng ta cần làm tất cả những gì trong hiện tại, cái quan trọng là chúng ta phải biết ngưỡng mộ chính mình”.

Tôi thiết nghĩ cũng thật thấu tình đạt lý. Có không ít người chỉ làm những điều mình thích, đặt biệt là công việc của mình. Lại có người cho rằng họ chỉ làm những điều họ thích mới có thể đem lại cho họ niềm vui. Thiết nghĩ, nếu vận mệnh mình không có chút may mắn, không gặp phải những điều vừa ý, không đúng sở trường, lẽ nào do những điều ấy mà chúng ta vĩnh viễn không có niềm vui? Hãy nên cố gắng bằng lòng và tập làm quen với cả những điều chúng ta không bằng lòng. Kỳ thật, cuộc sống là một bức tranh đa dạng, muôn màu muôn vẻ mà trên đó lắm điều phức tạp mà chúng ta không thể nào hiểu và cũng không thể bình luận đích xác giá trị của nó được, chỉ cần trên bức tranh cuộc sống ấy chúng ta lựa chọn phương diện nào phù hợp, lấy đó làm mục tiêu, dần dần chúng ta sẽ thích ứng với mọi tình huống của cuộc sống, đừng quá sơ sài, thờ ơ với mục tiêu của mình.

Tôi thiết nghĩ tác giả muốn nói với chúng ta rằng: chúng ta sống trong bất kỳ hoàn cảnh khách quan nào đều có tốt xấu, nhưng chúng ta nên chọn lựa nhân tố và phương pháp tốt để ứng dụng cho mình mà cũng không phải là chối bỏ những vấn đề mà mình cho là không thích ứng với chính bản thân. Chúng ta phải tập làm quen, tập chấp nhận với tất cả mọi tình huống thì chúng ta mới có được bí quyết đem lại niềm vui.

Có một lần tôi nói với một người bạn rằng: nếu như tôi là người ấy, tôi sẽ không như vậy, hay là tôi sẽ làm khác đi… nếu như tôi là anh ấy chắc chắn tôi sẽ không cư xử như vậy, nếu như tôi là anh ấy tôi sẽ không làm cái nghề đó, và nếu như tôi có nhiều của lắm tiền như anh ấy tôi sẽ giúp đỡ cho nhiều người… Bao nhiêu từ nếu như… cũng chỉ là một điều kiện không thật, một giả định, một mơ ước quá xa với thực tiễn, rốt cuộc, tôi phát hiện mình đã không ngừng nghĩ đến những điều mà mình khó có thể đạt được, tôi chưa thực sự làm tất cả những điều mình cần làm dù điều đó có thích hợp hay không. Thế nhưng, khi tôi phấn đấu đạt được một mục tiêu nhỏ nhoi nào đó thì tôi lại cảm thấy chẳng có gì to tát để luận bàn, và xem những gì mình đang có là việc rất nhỏ nhoi, tầm thường, rồi lại bỏ nó đi. Kết quả là tôi vẫn chỉ biết khát vọng và ngưỡng mộ sự thành công của người khác mà không hề biết ngưỡng mộ chính mình, ngưỡng mộ cái gọi là thành công của mình, dù nó thật sự rất nhỏ nhoi. Chúng ta có thói quen là xem thường những gì mình có mà lại thích ngưỡng mộ sự nghiệp người khác, tôi thiết nghĩ, nếu như chúng ta đều biết trân quý những gì mình hiện có hay biết bằng lòng với những gì mình đã có, đó chính là bí quyết của niềm vui. Trên tinh thần của chủ nghĩa lạc quan hay bi quan mà nói: vấn đề thành bại không phải ở sự việc tốt hay xấu mà là ở ý chí và sự tin tưởng của con người đối với sự việc. Gần đây, có một công ty ở nước ngoài phá sản, vì nguy cơ kinh tế ảnh hưởng, công ty đành phải sa thải hàng loạt nhân sự, khiến mọi người lo âu hoang mang, không biết mình rồi sẽ ra sao? Vị giám đốc cũng không thể nào nói rõ viễn cảnh tương lai của công ty sẽ như thế nào? Chỉ biết toàn tâm toàn ý đưa ra một câu nói trước mọi người: “Cho dù người thuộc chủ nghĩa bi quan, cơ hội trước mắt xem ra có thể đạt được nhưng lại là đều rất khó, ngược lại người thuộc chủ nghĩa lạc quan, hiện tại trong hoàn cảnh vô cùng gian nan nguy khó nhưng họ cũng sẽ đạt được cơ hội ấy”. Nói cách khác, không đồng hoàn cảnh, không đồng con người, không đồng mục tiêu xem ra sự việc trên cuộc đời cũng sẽ vĩnh viễn không đồng nhau. Thông thường trong cuộc sống, chúng ta thường hay bi quan với chính mình mà lại ngưỡng mộ người khác, vì ngưỡng mộ người khác luôn là nỗi khát khao mong muốn được như họ, mà ít ai ngưỡng mộ chính mình, nhưng ngưỡng mộ tự thân là một biện pháp tĩnh tâm, có cơ hội bình thản nhìn lại mình. Người đời thường đều có chung một nhược điểm, có chung một căn bệnh là thích ngưỡng mộ người khác. Ví như khi thấy người khác có cuộc sống sung túc, được thăng quan tiến chức, được khen thưởng, được tài lộc, được vợ giỏi con tài... thì ta lại cảm thấy như là bệnh đau răng hành hạ, như cái ung chưa được khai mổ, tâm tình không thư thái, tâm tư không an lạc, không thoải mái, nếu nhẹ là bệnh tự ti mặc cảm, nếu nặng là bệnh đố kỵ, căm phẫn oán hận, bực bội cắn rứt tâm can, v.v... Và cứ như thế, tâm lí cuộc sống dần dần mất cân bằng, sầu muộn triền miên, tâm trạng u uất, sống tự khép, không thích giao du qua lại với người khác, cũng có khi tâm trạng rồ dại sẽ làm những chuyện mà hậu quả khôn lường.

Triết nhân đã từng dạy “biết rõ ngưỡng mộ người khác là một thứ ngược đãi với chính mình, há lại không biết quay đầu lại mà ngưỡng mộ mình ư?” Do vậy, bí quyết của niềm vui là biết ngưỡng mộ và bằng lòng với chính mình, ngưỡng mộ chính mình là một thứ tôn trọng đối với cuộc sống hiện tại của bản thân, là cách khẳng định tinh thần đối với nhân cách, là sự ủng hộ của lí tưởng đối với ý chí. Ngày nọ, ở ngôi làng xa xôi hẻo lánh, có ông giáo suốt 30 năm miệt mài ở một trường trung học nông thôn, ông cứ thản nhiên chèo chiếc đò tri thức lần lượt đưa lớp lớp người đi qua mà không hề có sự mơ ước to tát gì. Ông giáo bình sinh chưa một lần đi khách sạn dự tiệc, chưa một lần được mặc Tây phục hay thắt cà vạt đắt tiền. Nhưng đồng nghiệp của ông, người thì thăng quan tiến chức, kẻ làm quan trong chính phủ, người thì bỏ nghiệp nhà giáo, kinh doanh của cải dồi dào… Thế mà khi có người hỏi ông cảm xúc thế nào đối với những việc đó, ông chỉ mỉm cười, trong nét cười ấy toát lên một sự tự tại, một sự xả bỏ, không có một chút mảy may thèm thuồng hay nóng mặt, tâm không hề xao động với những tài vật phù phiếm ấy. Ông vui vẻ trả lời rằng: tôi có cái “tốt nhất” của mình. Có cái “bí quyết của niềm vui”, tôi có thể thuộc làu những pho sách nổi tiếng, có thể ghi nhớ những bậc vĩ nhân, những bậc anh hùng, những bậc hiền tài của quốc gia, tôi không quên những người khai sáng tổ tiên… tôi cũng có thể khiến một học sinh kém trở thành một học sinh giỏi, có thể trồng những mầm non đạo đức tri thức để trổ hoa thơm quả ngọt cho đất nước… Từ trong ánh mắt mọi người, tôi thấy được mình “có được bí quyết niềm vui”. Có thể nói rằng, nhận ra được mình “thật tuyệt vời” đó là một cách sống của người có trí tuệ. Trên thực tế, cuộc sống của mỗi con người đều có cái “thật tuyệt vời” ấy, chỉ có điều đa phần chúng ta không nhìn thấy cái tốt của mình, mà luôn luôn thấy mình không có gì đáng để ngưỡng mộ. Đây là một thứ bi quan vô cùng tổn hại, tự làm hư mình và hại đến cả tương lai của một cuộc đời.

Kì thực, tâm lí ngưỡng mộ không chỉ nảy sinh ở “nhìn lên” mà còn đồng thời nảy sinh ở “nhìn xuống”. Người đời, trên thì hàng thượng lưu, trung lưu, dưới thì đến hạng bình dân, mỗi mỗi đều có sự vui, buồn, sướng, khổ hay cái ưu, cái khuyết của chính họ. Do đó, ngưỡng mộ chính mình là thái độ xử thế thông thoáng, bao dung và hoàn thiện, là một cách tu dưỡng thanh cao, không chạy theo tiền tài danh vọng, là một sự trải nghiệm sâu sắc đối với thế nhân.

Biết ngưỡng mộ chính mình, niềm an lạc sẽ tràn đầy, phúc khí thiên bẩm của mỗi người có dày có mỏng, làm người phải nên lấy thái độ “nhập thế” đi cày cấy, lấy thái độ “xuất thế” đi thu hoạch! Duy trì sự an tĩnh trong lòng là giữ gìn được giềng mối của đạo đức. Từ xưa đến nay, những người khéo bày mưu sắp kế, những người so đo hơn thiệt, tranh quyền đoạt vị, có mấy người không bị ma chướng và dục vọng trong tâm làm cho mê hoặc đi, cuối cùng rồi cũng rơi vào kết cục thất bại thê thảm? Nên chăng như ông giáo kia để rồi mỗi người học trò đi qua đều vọng lại nơi bến sông tri thức ngày nào, hình ảnh ông giáo ấy luôn là vị chèo đò trên bến sông tri thức, đã từng đưa lớp lớp người đi qua. Nếu thiếu đi ông giáo già kia thì liệu chúng ta có đến được bến vinh quang chăng, liệu chúng ta có thăng quan tiến chức chăng, liệu chúng ta có được vinh hiển chăng?

Thế nên, suy cho cùng, người giống người, nghề giống nghề, có điều cao thấp hay sang hèn là do ý thức của mỗi con người mà thôi. Chúng ta, một đời người quá ngắn ngủi để tính toán so đo, hãy biết ngưỡng mộ chính mình, hãy tạo cho mình một bí quyết an vui, biết trân quý những gì mình đang có, đã có đó là một cách sống cao quý, diệt dục, diệt tham vọng khát khao hoành hành. Giáo lý nhà Phật cũng đã dạy “an bần thủ đạo” là cách sống nhàn nhã mà thanh cao, là phương pháp để kiểm chứng lòng mình. Mưu cầu danh lợi là tự chuốc họa vào thân, mà một đời không hề có phút giây an lạc, như tự mình cầm ngọn lửa thêu lấy mình. Do vậy, thông qua một vài hình ảnh để chúng ta thấy rằng cuộc sống là nên ngưỡng mộ chính mình, tìm cho mình bí quyết an lạc, vì ngưỡng mộ chính mình sẽ khiến mình trở nên siêng năng cần mẫn, đồng thời dẹp được tính tự ti đố kỵ tiềm ẩn, làm thăng hoa tâm thức, mang lại ý tưởng lành mạnh tươi sáng đối với cuộc đời. Những người bình thường nhưng lại có những cái nhìn, cái nghĩ phi thường, huống chi chúng ta là những người học Phật, tu Phật và đang bước theo chánh đạo, lẽ nào chúng ta không hiểu được cái nghĩa lý giản đơn này chăng!■

phapluanonline

Chia sẻ: facebooktwittergoogle