Tương truyền rằng khi còn là một cậu bé, đức Phật
tự nhiên đã biết thực tập quán niệm hơi thở, và vào đêm thành đạo ngài đã thực
hành theo
phương pháp này trong lúc tĩnh tọa dưới cội bồ-đề. Anapana,
tiếng Pali có nghĩa là có ý thức về hơi thở vào và hơi thở ra, là một trong
những đề mục thiền quán cơ bản nhất mà đức Phật đã dạy.
Vào năm 1970, tôi đi sang Ấn Độ với mục đích duy
nhất là để học thiền. Đến tháng giêng năm 1971, tôi tham dự
một khóa thiền nhiều ngày lần đầu tiên. Tôi không có
một chút kinh nghiệm gì về hành thiền hết, nhưng tôi có rất nhiều ý niệm về
những phương pháp thực hành huyền bí, phức tạp mà tôi nghĩ rằng mình sẽ được chỉ
dạy. Lời hướng dẫn đầu tiên cho tôi là có ý thức về hơi thở của mình.
Sự đơn giản làm tôi giật mình.
Anapana, hay quán niệm hơi thở, sở dĩ là
một phương pháp nền tảng trong thiền quán cũng có một số lý do. Hơi thở là một hiện tượng tự nhiên và không cố gắng. Khi tôi
mới bắt đầu thực tập, tôi thường hay lo lắng về hơi thở kế tiếp của mình, như là
tôi phải tạo nên nó vậy. Nhưng khi tôi tự nhủ: “Trước sau gì mình cũng phải thở
thôi, vậy chỉ cần chú ý đến nó là đủ rồi!” Tôi cảm thấy thoải
mái trở lại. Có chánh niệm, ý thức về hơi thở tự nhiên của mình, sẽ mang lại một
trạng thái thanh nhẹ cho thân và tâm ta.
Hơi thở lúc nào cũng có mặt với
ta ngay bây giờ và ở đây. Trong khi chú ý đến hơi thở, ta có thể thấy tâm mình trôi dạt về quá
khứ, so sánh hơi thở này với một hơi thở trước. Hay tâm ta có thể đi vào
tương lai, mong chờ lúc ta đứng dậy, ăn sáng và đi làm, trong khi một hơi thở
trong giây phút hiện tại vẫn chưa xong!
Một trong những khám phá lớn mà
tôi có trong thời gian đầu hành thiền là thấy mình thường có một khuynh hướng
“nghiêng về trước” để tìm hơi thở kế tiếp. Tôi hiểu là mình chỉ cần giản dị
an trú trong giây phút hiện tại này thôi. Tôi cảm thấy
một sự quân bình kỳ diệu và hoàn toàn thoải mái, cũng như một người lạc lối vừa
tìm về lại được ngôi nhà xưa thân yêu của mình.
Dưới ánh sáng của chánh niệm, ta có thể ý thức được cả hai khuynh hướng: ngã về
quá khứ hoặc nghiêng tới tương lai, và từ đó ta có thể giữ cho mình được thư thả và lấy lại quân bình. Cũng nhờ đó mà ta có thể cảm nhận được được sự khác biệt giữa những
khi mình bị thất niệm, và lúc ta kinh nghiệm được sự có mặt trọn vẹn trong giờ
phút hiện tại.
Hơi thở có ý thức cũng có tác dụng giống như một
tấm gương sáng, không phải để giúp đỡ hoặc chống lại một cái gì, mà là phản ảnh
giây phút hiện tại một cách trung thực, không để bị cản trở bởi ý niệm và sự ưa
thích của ta. Nếu ta biết duy trì sự chú ý vào hơi thở, ta có thể để những gì
khởi lên trong tâm đến và đi tự do. Có thể ta có khuynh hướng phê phán: “Hơi thở
tôi không tốt lắm, không dài lắm, không sâu lắm, không nhẹ lắm.” Tôi thì thường
hay như vậy lắm. Tôi thấy một hành động đơn giản như thở thôi, mà cũng đã đầy
dẫy những ý tưởng khen chê về sự thiếu sót của mình rồi. Trở
về với hơi thở, mỗi khi ta tiếp tục buông bỏ những sự khen chê này là ta đã
phóng rải tâm từ đến chính mình rồi đó.
Trong phương pháp quán niệm hơi
thở, anapana, mỗi hơi thở, trọn từ phần đầu ngang qua giữa đến phần cuối,
trở thành cái vũ trụ của ta. Cảm xúc được hơi thở khi nó ra vào nơi lỗ mũi –
thay vì quan sát như một người đứng từ xa – ta trở thành một với hơi thở, tiếp
xúc được với cảm giác thay đổi của nó. Khi tôi tiếp xúc với hơi thở, khuynh
hướng rời xa hiện tại của tôi cũng giảm bớt, và tôi tìm thấy một sự gần
gũi
mật thiết hơn với sự sống của chính mình.
Chánh niệm về hơi thở giúp ta
thấy rõ tính chất mong manh vô cùng của sự sống, vì chúng ta hoàn toàn bị lệ
thuộc vào mỗi hơi dưỡng khí. Và khi
ta kinh nghiệm được sự thay đổi liên tục của cảm xúc, sinh lên và diệt đi, ta sẽ
nhận thấy tính chất kiên cố của cơ thể ta cũng tan biến mất, điều đó giúp phát
sinh một tuệ giác về vô thường. Sự sống sanh diệt theo
từng hơi thở. Có lần thầy tôi nói: “Cô có biết không, sự sống hoàn toàn tùy
thuộc vào hơi thở vào của cô, sau mỗi lần cô thở ra.”
Điểm tinh túy của phương pháp
quán niệm hơi thở – cũng như mọi phương pháp hành thiền khác – là khả năng bắt
đầu trở lại. Chúng ta có thể bị lạc về quá khứ, lạc vào tương lai, lạc trong
những sự phán xét, nhưng một khi ta ý thức được mình đang bị xao lãng, ngay giây
phút ấy ta có thể bắt đầu lại và trở về tiếp xúc với hơi thở.
Mặc dù ta rất dễ bị quyến rũ
theo những sự lo ra, hoặc phí thì giờ tự chê trách mình, khi biết buông bỏ và
bắt đầu lại ta sẽ lập tức thiết lập lại chánh niệm và sự tỉnh thức ngay.
Lúc mới bắt đầu ngồi thiền, tôi
rất thường đánh mất sự chú ý vào hơi thở. Và mỗi
khi nhớ đến, tôi lại bỏ hết thì giờ ngồi thiền để tự trách móc, trừng phạt mình
vì đã thiếu chánh niệm: “Tại sao tôi để như vậy? Hôm qua đâu có tệ đến thế này!
Không có ai lại thiếu tinh tấn như mình, chỉ có mình thôi!”
Điều đáng buồn cười là sự thất niệm của tôi có thể
kéo dài chừng nhiều lắm là năm phút, nhưng tôi lại có thể bỏ ra hơn hai mươi
phút để tự trách móc mình về việc ấy! Đó là chưa kể còn tạo thêm những khổ đau khác không cần thiết nữa.
Nếu ta có thể thấy rằng, cho dù bất cứ một tư tưởng quyến rũ,
khờ dại, điên rồ hoặc khó khăn nào có khởi lên, ta vẫn có thể buông bỏ chúng và
bắt đầu trở lại, đức tự tin sẽ tăng trưởng trong ta.
Mỗi khi bắt đầu lại là ta đang
trở về có mặt trong hiện tại. Danh từ Pali Bhavana
thường được dịch ra là “thiền tập”. Nhưng dịch sát thì nó có nghĩa
là “khiến một cái gì đó trở thành”, “làm cho hiện hữu”, hay là “mang ra”.
Nó chuyên chở một ý niệm về sự phát sinh. Như trong khi ta thực tập quán
niệm hơi thở, chúng ta làm khởi sinh lên sự thư thả, có
mặt, gần gũi, tình thương, tuệ giác và đức tin. Chỉ cần trở về có mặt với hơi thở của mình, điều đó sẽ sinh ra sự
toàn vẹn của chính ta.
Nguyễn Duy Nhiên dịch