(Bài pháp thoại cho các Giảng
viên, Sinh viên Đại học Hồng Đức,
Thanh Hóa, tại thiền đường
Trăng Rằm, Từ Hiếu-Huế ngày 16.08.2004)
THÍCH THÁI HÒA
Nam-mô
Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Thưa quý thầy, cô giáo cùng tất cả anh chị em sinh viên khoa Văn
trường Đại học Hồng Đức – Thanh Hóa quý mến,
Hôm nay là ngày 16.8.2004, tại Thiền
đường Trăng Rằm, chùa Từ Hiếu, tôi đáp ứng lời yêu cầu học hỏi và nghiên cứu của
quý vị, nên xin chia sẻ đến quý vị bài pháp thoại ngắn gọn sau đây.
Thưa quý vị!
Người ta có thể đặt ra những đề tài
nghiên cứu như: Phật giáo Huế có từ khi nào? Ai là vị
Tăng sĩ đầu tiên có mặt tại Huế? Phật giáo Huế đã ảnh hưởng đến dân Huế như thế
nào? Và đã đóng góp cho Phật giáo Việt Nam và đất nước như thế nào? Đó là những
câu hỏi rất lớn, những đề tài nghiên cứu rất lớn. Nó không chỉ mang tầm cỡ quốc
gia mà còn mang tầm cỡ quốc tế. Sinh viên các nước đã về Huế để nghiên cứu những
đề tài như vậy. Chúng tôi đã giúp cho họ, chia sẻ cho họ. Các nhà nghiên cứu Anh
và Mỹ và các nước trên thế giới cũng đã đến Huế, và đến đây đặt những câu hỏi
như thế. Chúng tôi cũng đã chia sẻ cho họ để họ làm luận án tiến sĩ về Phật học
Đông phương. Bây giờ, quý vị đến ở đây để học hỏi và nghiên cứu, trong thời gian
ngắn ngủi này, chúng tôi xin chia sẻ những điểm then chốt như sau: Phật giáo Huế
có mặt từ khi công chúa Huyền Trân được vua Trần Nhân Tông gả cho vua Chàm. Vua
Chàm nhường lại hai châu Ô và Rí cho đất nước chúng ta lúc bấy giờ. Như vậy,
Phật giáo Huế có mặt ở thế kỷ 14. Vị Tăng sĩ đầu tiên có mặt trên đất Huế này
chính là vua Trần Nhân Tông, tức Điều Ngự Giác Hoàng. Giáo lý ảnh hưởng đến Phật
giáo Huế nhiều nhất, là giáo lý nhập thế đời Trần. Nói theo cách nói của các Nhà
sử học là “hòa quang đồng trần”. Hòa quang đồng trần tức là đem ánh sáng của
Chánh pháp hòa nhập vào cõi đời bụi bặm này, để
thăng hoa cõi đời bụi bặm này theo chiều hướng thánh thiện và tốt đẹp. Đó là một
trong những nét mà Phật giáo Huế đã ảnh hưởng. Cho nên, Phật giáo Huế mang nội
dung của Phật giáo Đại thừa. Và vì mang nội dung Đại thừa, nên Phật giáo Huế
mang tính tổ chức rất giỏi. Tổ chức từ trung ương cho tới hạ tầng cơ sở. Đơn vị
thấp nhất của Phật giáo Huế, theo ngày trước là đơn vị chúng, tương đương với
đơn vị hành chánh ở đời là tổ. Sinh hoạt chúng, ngoài đời gọi là sinh hoạt tổ.
Vức tương đương với khu vực. Khuôn hội tương đương với làng. Trong một xã có
nhiều khuôn hội, nhiều Niệm Phật đường, nhiều đơn vị ở trong nhiều vùng, sinh
hoạt Phật giáo liên kết nhiều xã như thế, nên Phật giáo trở thành Phật giáo cấp
huyện. Và nhiều cấp huyện, trở thành Phật giáo cấp tỉnh; nhiều cấp tỉnh trở
thành Phật giáo toàn quốc hay trung ương. Tất cả những điều đó bắt nguồn từ Phật
giáo Huế này, bởi vì Phật giáo Huế đứng đầu trong các tổ chức. Từ đó ảnh hưởng
ra phía Bắc và vào phía Nam.
Phật giáo Huế là một tập hợp của các
phái Thiền, Tịnh độ, Mật tông, Luật tông và Giáo học tông. Thiền tông tức là
tông phái nhắm tới làm chủ thân tâm để đạt đến kiến tánh mà thành Phật, nên
Thiền tông phát huy tối đa nguồn năng lực ý thức, tự chủ, tự lập. Tịnh độ tông
là tông phái mang hai nội dung vừa tự lực và tha lực. Tự lực tức là tự biết
rằng, mình có Phật tính và tâm mình có khả năng thiết lập Tịnh độ. Tha lực tức
là tin tưởng ngoài thế giới này còn có vô số thế giới khác, ngoài cảnh giới này
còn có vô số cảnh giới của chư Phật khác. Thí dụ, thế giới Tịnh độ ở phương Đông
của đức Phật Bất Động; thế giới Tịnh độ ở phương Tây của đức Phật A Di Đà…, theo
kinh A Di Đà, thì cõi Tịnh độ phương Tây, cách cõi chúng ta ở đây mười muôn ức
cõi Phật. Con đường để đi vào Tịnh độ có hai: niệm Phật - niệm bằng cách trì
danh hoặc niệm bằng cách quán chiếu, mà mục đích của nó là đạt đến nhất tâm. Khi
mình đạt đến tâm thuần nhất rồi, thì không cần sanh về Tịnh độ ở đâu cả, mà Tịnh
độ đang có ngay đây và bây giờ. Đó là điểm tích cực của Phật giáo Tịnh độ. Khi
thấy được điểm tích cực đó, thì người tu Tịnh độ phải phát khởi hạnh nguyện rộng
lớn để cứu giúp đời và xây dựng quê hương Tịnh độ, tùy theo hoàn cảnh thực tế
của mình. Đó là những điểm tích cực và then chốt của Phật giáo Tịnh độ.
Khi chúng tôi trình bày cho quý vị như
vậy, nếu quý vị có cơ hội học hỏi thêm, thì quý vị phải hỏi là Tịnh độ thiết lập
dựa trên nền tảng của các kinh điển nào và các luận nào của Phật giáo? Và ai là
người đứng ra thiết lập Tịnh độ đầu tiên từ Ấn Độ, Trung Hoa và Việt Nam. Giáo
lý đó ảnh hưởng như thế nào về mặt xây dựng tín ngưỡng cho quần chúng và mặt
chính trị của xã hội. Giáo lý đó giúp gì cho xã hội về mặt phát triển kinh tế.
Giáo lý ấy có giúp được gì cho nền văn minh tin học hiện nay và sự khủng hoảng
tâm lý của con người trong thời đại của chúng ta không. Đó là những đề tài cần
được đặt ra để nghiên cứu. Vì chúng ta chỉ gặp nhau trong vòng ba
mươi phút, nên không đủ thời gian để nói một cách chi tiết . Do đó, chúng tôi
chỉ giới thiệu và gợi ý như thế để quý vị có được khái niệm và suy nghĩ.
Mật tông là giáo lý ảnh hưởng tại Việt
Nam rất sớm. Quý vị là những sinh viên khoa văn và cũng có học qua khoa sử,
thì quý vị thấy, ở Việt Nam, Mật giáo đã ảnh hưởng rất lớn vào thời Đinh Tiên
Hoàng, tiếp sau đó là Đinh Vương Liễn. Vào thập niên 60, các nhà khoa học khảo
cổ tại Hà Nội đã khám phá những trụ đồng, những trụ đá mà trên đó có khắc những
câu thần chú của kinh Phật ở thành Cổ Loa. Nói như vậy, để quý vị biết rằng, Mật
tông đã ảnh hưởng đến Việt Nam rất sớm, có thể là vào những thế kỷ đầu . Ngôi
chùa Pháp Vân ở Thuận Thành, Hà Bắc là một trong những ngôi chùa có mặt sớm nhất
tại Việt Nam vào những thế kỷ đầu. Ngôi chùa đó gắn liền với những huyền thoại
Mật tông liên hệ đến các ngài Ma Ha Kỳ Vực, và Khâu Đà La với câu chuyện Man
Nương vào cuối thế kỷ hai Tây lịch. Cho nên, quý vị cố gắng quan tâm đến lịch sử
một chút để nghiên cứu. Chúng tôi chỉ giới thiệu như thế. Mật tông đã ảnh hưởng
suốt chiều dài lịch sử cho đến đời Đinh, đời Lý. Ở đời Lý có Thiền sư Từ Đạo
Hạnh liên hệ với vua Lý Thần Tông. Đến đời Trần thì Mật tông cũng phát triển rất
mạnh, nhất là vào thời ngài Huyền Quang đệ Tam tổ Trúc Lâm Yên Tử, cho nên Phật
giáo Huế cũng ảnh hưởng Mật tông từ đời Trần. Và hiện nay, Mật tông vẫn còn ảnh
hưởng trong nếp sinh hoạt của Phật giáo Huế.
Giáo lý Mật tông là gì? Mật tông chủ
trương thực tập nhìn toàn thể vũ trụ bằng mantra (mandala). Nhân sinh quan và vũ
trụ quan của Mật tông rất cụ thể, nếu quý vị có cơ hội thì có thể nghiên cứu về
vũ trụ quan và nhân sinh quan của Mật tông. Cách giải quyết nhân sinh quan của
Mật tông như thế nào? Đó là một câu hỏi cần đặt ra để tiếp tục nghiên cứu. Mật
tông không chỉ đơn giản như người ta hiểu là những câu chú và những ấn chú.
Thường thường trong các khóa lễ đặc biệt, quý thầy bắt ấn chú và chúng ta cho đó
là ảnh hưởng Mật tông. Đó chỉ là một khía cạnh biểu hiện của Mật tông mà thôi;
hoặc những câu chú như “Án ma ni bát di
hồng”,
khi đọc lên như vậy mình gọi là thần chú Mật tông, nhưng thực ra không đơn
thuần như vậy. Nó có triết lý sâu thẳm ở bên trong mà mình cần phải đặt vấn đề
để nghiên cứu. Phật giáo Huế ảnh hưởng rất nhiều về giáo lý Mật tông, và không
có chùa Huế nào là không hành trì Thần chú Lăng Nghiêm vào thời công phu khuya.
Giáo tông tức là giáo lý có hệ thống, ví
dụ như chú tiểu thì học giáo lý ở trình độ nào, chú sa di thì học giáo lý ở
trình độ nào, thầy thì học giáo lý ở trình độ nào; cấp Tiểu học học Phật như thế
nào, cấp Trung học học Phật như thế nào, cấp Đại học thì học Phật như thế nào.
Tất cả đều có chương trình học tập được phân khoa rõ ràng. Thí dụ Đại học Phật
giáo thì học cái gì, học tiến sĩ Phật học thì học cái gì và chương trình hậu
tiến sĩ là gì. Tất cả đó đều có hệ thống và mang tính khoa giáo. Các Phật học
đường và Phật học viện đã có mặt rất sớm tại Huế. Và các Danh tăng Việt Nam cận
đại và hiện đại phần nhiều là xuất thân từ các chùa viện tại Huế.
Và cuối cùng là Luật học của Phật giáo.
Ở Huế cũng ảnh hưởng tinh thần Luật học Phật giáo. Luật học Phật giáo có mặt
trên đất nước Việt Nam có thể vào những thế kỷ đầu của kỷ nguyên và muộn lắm là
vào những thế kỷ thứ 2 đầu thế kỷ thứ 3. Hễ có Tăng sĩ là có Luật học. Trong
kinh Tứ Thập Nhị Chương là bản kinh được hai ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp
Lan dịch sang Hán văn vào thế kỷ đầu, đã được lưu hành tại Việt Nam vào những
thế kỷ đầu, trong đó đã có đề cập đến giới luật cần phải hành trì của cư sĩ và
Tăng sĩ. Chúng ta có rất nhiều tư liệu nói về luật học, như chuyện thọ giới của
ngài Khương Tăng Hội ở thế kỷ thứ ba Tây lịch.
Luật học là gì? Là
nêu lên những vấn đề đạo đức của Phật giáo. Trong đạo đức đó, luật nêu rõ thế
nào là đạo đức, thế nào là phi đạo đức. Giới luật là nêu lên đạo đức của Phật
giáo, khuyến khích người ta thực tập, quy định thế nào là thiện, thế nào là
không phải thiện, thế nào là ác, thế nào là không phải ác, thế nào là làm đúng,
thế nào là làm sai, những điều như vậy, luật đều quy định rõ ràng. Khi một người
thường được gọi là một Phật tử, họ phải thọ tam quy ngũ giới, và phải tuân thủ
vào những điều giới luật nhất định, để khẳng định họ là Phật tử. Giới là căn bản
đạo đức, luật là sự phân định thế nào là giữ giới đúng và thế nào là giữ giới
không đúng. Sau này luật học Phật giáo ảnh hưởng đến trong đời sống xã hội Việt
Nam. Ví dụ, hiếu kính thuộc về đạo đức Phật giáo. Nó có gốc rễ từ giới luật của
Phật giáo Đại thừa. Hiếu kính là giới, là đạo đức tự nhiên của con người, là đạo
lý của con người và nó trở thành nếp
sống của con người và nếp sống ấy đã ảnh hưởng đến con người Việt Nam nói chung
và người Huế nói riêng.
Chúng tôi đã giới thiệu cho quý vị về sự
ảnh hưởng của Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông, Giáo học và Luật học là như
thế nào rồi. Bây giờ chúng tôi trả lời câu hỏi mà quý vị đã hỏi: Tổ đình Từ Hiếu
có từ khi nào, do ai thiết lập và sự có mặt của nó ảnh hưởng như thế nào trong
quá khứ cũng như hiện tại.
Tổ đình Từ Hiếu được xây dựng đầu tiên
vào năm 1843 Tây lịch. Bước đầu chỉ là một cái Am tranh, An Dưỡng am, do Thiền
sư Nhất Định xây dựng, tức là vị quốc sư thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị. Thiền sư
Nhất Định là một người nổi tiếng về trí đức, được vua Minh Mạng mời về làm Tăng
cang Linh Hựu Quán (ở Đại Nội), và sau đó làm Tăng cang ở Giác Hoàng Quốc Tự (ở
Đại Nội). Chùa Giác Hoàng là gì? Sao gọi là Giác Hoàng Quốc Tự? Hoàng là vua,
giác là giác ngộ. Chùa là nơi vua và triều đình của nhà vua đến đó học tập và tu
luyện theo giáo pháp của đấng Giác ngộ, nên gọi là chùa Giác Hoàng. Chùa đó được
lập vào thời Minh Mạng. Chính vua Minh Mạng mời Thiền sư Nhất Định về làm Tăng
cang, mà Thiền sư trước đó đã là Trú trì chùa Báo Quốc (Thiên Thọ tự) ở Núi Hàm
Long, Huế.
Tăng cang là gì? Tăng là chúng Tăng,
cang là cương, sợi dây, cương lĩnh. Cho nên, Tăng cang là vị Tăng sĩ nắm giữ
cương lĩnh trong hàng ngũ Tăng sĩ Phật giáo và có khả năng giúp cho triều chính
bình ổn và phát triển xã hội. Quý vị có khi nào nghe chữ
Tăng cang chưa?
- Dạ, chưa ạ!
Nếu chưa, thì quý vị hãy để
tâm nghiên cứu lịch sử rồi cũng sẽ hiểu. Thiền sư Nhất Định được mời làm Tăng
cang, làm quốc sư để dạy giáo lý giác ngộ cho triều đình. Khi hơn
sáu mươi tuổi, ngài muốn tịnh tu và không muốn làm quốc sư nữa. Cho nên,
Ngài viết đơn để xin vua nghỉ và đồng thời giao lại công việc Trú trì chùa Báo
Quốc cho sư đệ của mình là Nhất Niệm để lên đây, tức là chùa Từ Hiếu hiện nay,
để lập thảo am tịnh tu và nuôi dưỡng mẹ già. Ngài rất có hiếu với mẹ. Vì mẹ
bệnh, Ngài phải đi bộ xuống chợ để mua cá về nấu cho mẹ ăn.
Nơi đây, trước kia là rừng núi hoang vu,
có nhiều loài thú dữ như cọp, beo… Bây giờ, quý vị tới đây thấy khác nhiều có
phải không? Đường sá được mở ra rất rộng rãi, thoáng đãng.
Khi ngài Nhất Định (1784 – 1847) mua cá về nấu cho mẹ thì triều đình
nghĩ rằng, ông thầy tu này hư hỏng quá và thắc mắc tại sao ông thầy tu này lại
làm như thế. Người dân cũng xôn xao bàn tán. Triều đình cho người đi dò thám để
xem sự thật hư thế nào. Người dân cũng theo dõi Ngài. Cuối cùng triều đình và
người dân vỡ lẽ khi khám phá ra rằng, Ngài chỉ nấu cho mẹ ăn thôi, chứ chính
Ngài vẫn sống nghiêm túc, ăn chay và ở trong một am tranh giữa núi rừng để nuôi
mẹ. Và từ đó gương hiếu hạnh của ngài được cả triều đình và người dân biết đến
và kính phục. Đến thời Tự Đức, vua nghe được câu chuyện thiền sư Nhất Định nuôi
mẹ liền cảm động. Đến đời Thiền sư Cương Kỷ (1810 – 1898), đệ tử của thiền sư
Nhất Định làm Trú trì, thì chùa mới được xây dựng quy mô như thế này. Vua Tự Đức
cảm phục câu chuyện hiếu thuận đó, cho nên vua mới sắc phong chùa là Từ Hiếu. Từ
Hiếu tức là người con có hiếu với từ mẫu. Vua Tự Đức có viết rằng, ở đời này
không có gì quý hơn hiếu. Từ là hạnh của Phật và Thánh; hiếu là hạnh căn bản của
con người. Cho nên, con người có hiếu hạnh thì con người đó học theo hạnh của
Thánh. Bởi vì chỉ có bậc Thánh mới rãi lòng từ xuống cho mọi người mọi loài. Ở
trong đời, người con có hiếu thì luôn nghĩ đến ân đức của cha mẹ, của những
người lớn. Do đó, ý nghĩa Từ Hiếu bắt đầu từ đó, chính Từ Hiếu như vậy, mới ảnh
hưởng đến mọi tầng lớp trong xã hội. Ngài Cương Kỷ đã cho khắc những bản kinh
trên gỗ như kinh Báo Phụ Mẫu Trọng Ân kinh, kinh Vô Lượng Thọ, Pháp Bảo Đàn
kinh,… để phát huy tinh thần hiếu nghĩa và hiếu kính cho con người, cho xã hội.
Những bản khắc gỗ ấy, hiện vẫn còn lưu giữ tại chùa như là những bảo vật.
Quý vị thử nghĩ, ở giữa đời này cái đẹp
nhất, cái dễ thương nhất, đó chính là Hiếu; cái dễ ghét nhất, cái xấu nhất là
bất hiếu, có phải không quý vị?
- Dạ phải.
Không thể nói rằng, mình là nhà đạo đức
mà chính mình lại bất hiếu với cha mẹ của mình được. Bởi vì mình có đạo đức hay
không, thì xã hội sẽ nhìn vào bản thân mình, nhìn vào cách đối xử của mình ở
trong gia đình mình. Nếu mình là một người con bất hiếu với cha mẹ, thì mình
không thể hiếu với ai giữa cuộc đời nầy được hết và mình cũng chẳng có đạo đức
gì với ai được hết, có phải không quý vị?
Cho nên, hiếu là căn
bản đạo đức của con người. Nó phải được thiết lập cụ thể ở trong đời sống gia
đình, đối với cha mẹ mình. Bởi vì trong xã hội, cha mẹ là tiếng gọi cao quý
nhất, thân thương nhất, quý báu nhất của con người. Vì vậy mà Từ Hiếu ảnh hưởng
về mặt hiếu nghĩa, nhân nghĩa ở trong xã hội. Cụ Nhiếp chính Đại thần Tôn Thất
Hân, vào thời vua Khải Định và Bảo Đại, đã thường lui
tới chùa Từ Hiếu để học đạo và đã cảm mến đức độ của Hòa thượng Chơn Thiệt (1884
– 1968), nên ông đến đây xin quy y làm đệ tử của Ngài, và làm con cháu của Tổ
đình Từ Hiếu. Sau đó chính cụ Tôn Thất Hân đã lập ra chùa Phò Quang ở thôn Ngũ
Tây, huyện Hương Thủy - Huế để phụng thờ cha mẹ và dòng dõi của mình. Lăng của
cụ hiện đang ở trong khuôn viên chùa Phò Quang. Cho nên, ca dao Việt Nam mới có
câu “xây lăng thờ mẹ, dựng chùa thờ cha”.
Chữ Hiếu nghĩa đi từ nơi đó. Từ đó về
sau có cụ Đặng Huy Trứ, Nguyễn Đăng Giai, Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền…,
tất cả những nhà chí sĩ như thế một thời đã lui tới chùa Từ Hiếu để học đạo, học
cách xây dựng đất nước và nhất là làm cách nào để giành lại độc lập cho đất
nước. Trong quá khứ Tổ đình Từ Hiếu là nơi phát xuất nhiều danh tăng cho Phật
giáo Việt Nam, và Tổ đình Từ Hiếu hiện nay như thế nào? Hiện nay Tổ đình Từ Hiếu
có hơn 80 vị Tăng sĩ đang tu học tại đây. Ở đây kết hợp giữa Thiền và Tịnh độ
tông một cách uyển chuyển và linh hoạt, đi đầu trong các thời khóa tụng kinh
điển bằng Việt hóa hằng ngày và vẫn tiếp tục Nông thiền, tạo ra nguồn lương thực
chủ động.
Vị trú trì chùa Từ Hiếu hiện nay là
Thiền sư Nhất Hạnh đang lưu trú tại làng Mai, Pháp quốc. Ngài có ảnh hưởng rất
lớn trong tầng lớp trí thức của xã hội phương Tây. Ngài đã giúp cho thanh niên
nam nữ phương Tây ổn định lại gia đình, ổn định lại giữa mình với xã hội. Đó là
những nét mà chúng tôi giới thiệu một cách tổng quát để cho quý vị có thể có
khái niệm.
Hy vọng vấn đề mà chúng tôi đặt ra, quý
vị sẽ xem đó là những đề tài nghiên cứu của mình, dù quý vị là sinh viên khoa
văn hay là sinh viên khoa sử. Mong tất cả quý vị có suy nghĩ đúng đắn về Phật
giáo, suy nghĩ về sự đóng góp của Phật giáo trong quá trình xây dựng đất nước
Việt Nam cũng như hiện nay.
- Sau sự chia sẻ của TT Thái Hòa, vị giáo sư, đại diện các sinh viên Hồng
Đức ở Thanh Hóa, tiếp
lời:
Thưa các thầy cô giáo, các
anh chị em sinh viên thân mến!
Trong khoảng thời gian ba
mươi phút, Sư thầy Thái Hòa đã giới thiệu cho chúng ta lịch sử hình thành Phật
giáo Việt Nam, Phật giáo xứ Huế, đặc biệt là chùa Từ Hiếu cho chúng ta hôm nay,
ngồi tại đây, xin thay mặt cho các thầy cô giáo và các sinh viên xin cám ơn nhà
chùa, sư thầy Thái Hòa!
Các em biết rằng, trong
các tôn
giáo, đạo Phật là đạo rất gần gũi trong
đời sống hàng ngày của chúng ta và có trong mỗi chúng ta những câu triết lý như
là: ở hiền gặp lành, cứu nhân độ thế, Từ bi bác ái,… Đó là triết lý của nhà
Phật. Là những sinh viên khoa học xã hội, các em đã được sư thầy bổ túc thêm
những kiến thức về đạo Phật. Các em biết rằng, trong những thời kỳ chống ngoại
xâm, Phật giáo Việt Nam nói chung, và Phật giáo xứ Huế nói riêng, và chắc cả
chùa Từ Hiếu của chúng ta đây, cũng đã đóng góp một phần trong sự nghiệp bảo vệ
đất nước, qua báo chí và những thông tin, chúng tôi được biết như thế. Một lần
nữa, chúng tôi xin cám ơn và chúc nhà chùa, chúc sư thầy khỏe mạnh.
- TT.Thái Hòa: Thưa quý thầy quý cô cùng
các anh chị em sinh viên, hôm nay chúng ta rất may mắn sống trong một đất nước
không còn chiến tranh và đang từng bước đổi mới để phát triển. Sự giao lưu quốc
tế ngày càng đơn giản hóa và cụ thể hóa, nhất là nền văn minh tin học. Cho nên,
mình là người Việt Nam, mình không biết gốc rễ của người Việt Nam, không biết
được tôn giáo của Việt Nam, không biết nền đạo lý Việt Nam là một thiệt hại. Vì
sao? Vì cách đây hai tuần, tôi đã nói chuyện với những Giáo sư và sinh viên đến
từ các trường Đại học ở Mỹ và Anh. Họ đã đến đây để nghiên cứu Phật giáo, về văn
hóa, tín ngưỡng Việt Nam. Giới trẻ của chúng ta trong tương lai cũng sẽ đi giao
lưu với quốc tế như thế, hoặc như giao lưu ở Hội Khỏe Phù Đổng vừa qua chẳng
hạn.
Nếu ta không biết
văn hóa của Việt Nam, tôn giáo của Việt Nam, nền đạo đức Việt Nam thì đó là một
thiệt thòi về mặt trí thức của chúng ta và chúng ta không làm vinh danh cho đất
nước của chúng ta được. Cho nên, quý vị phải học tập một cách khách quan và
thông minh, để chúng ta có thể đóng góp cho đất nước chúng ta vào thế kỷ 21 này.
Ngày trước chúng ta cầm súng để ra chiến trường đánh giặc, nhưng bây giờ súng
vứt cả rồi, không cần thiết nữa đâu. Chúng ta cần cầm tư tưởng và đạo đức để đi
vinh danh cho đất nước chúng ta, đó là điều các bạn cần phải lưu ý.
Chắc chắn các bạn đã thấy rồi, làm kinh
tế bây giờ không ai đi đưa lưng cho trời, cúi mặt cho đất nữa đâu, mà làm kinh
tế bằng chất xám, bằng kinh tế vĩ mô. Cho nên quý vị phải lưu ý điều đó. Chúng
tôi tin tưởng vào sự nỗ lực dạy dỗ của các thầy, các cô ở Đại học Hồng Đức -
Thanh Hóa đối với các thế hệ sinh viên trẻ. Chúng tôi tin tưởng vào tinh thần
hiếu học của các anh chị em sinh viên. Chúng ta học tập không mỏi mệt, học không
nhàm chán. Đừng bao giờ thỏa mãn với sở học của mình, như người xưa nói “học hải
vô nhai”, biển học không có ngằn mé. Càng học càng thấy mình kém cỏi đi. Người
nào càng học mà thấy mình ngu đi thì người đó có cơ hội tiến bộ. Người nào học
mà thấy mình thông minh ra, giỏi ra thì người đó đi gần đến chỗ ngu muội, bảo
thủ và tự tiêu hủy khả năng.
Một lần nữa, xin cầu chúc quý thầy cô và
các anh chị em sinh viên thành công trong mọi lĩnh vực của sự học tập để phụng
sự con người và đất nước.¡