Tản mạn chuyện Đạo

tan man

 

Trevor Leggett

 bản Việt: Nguyên Thanh

 

 Sáu trăm năm đầu lịch sử Thiền tông Trung quốc, học tăng theo đuổi nghi tình của họ dưới sự dẫn dắt của Thầy, và hành Thiền không với một công án nào. Vấn đề của họ cuối cùng sẽ tự kết tinh quanh một câu kinh, một lời nói hay cử chỉ bất chợt của vị Thầy, đôi khi, từ ngay trong sinh hoạt thường ngày của cuộc sống. Về sau, những mẫu chuyện về các Thiền sư trong thời hoàng kim này thường được sử dụng với dụng ý, nhất là trong phái Thiền Lâm Tế, như một tâm điểm để tập trung năng lực tư duy của hành giả trong hầu hết giai đoạn khởi đầu. Khi một công án như vậy trở thành trung tâm của Thiền tập, nó được gọi là “Khán ngữ Thiền” (Nh.: Kanna Zen), nghĩa là Thiền chuyên chú vào ngữ thoại. Các bậc Thầy trong Thiền khán ngữ nổi tiếng về nguồn cảm hứng và vui sống của họ; nhưng nếu không có một bậc Thầy hướng dẫn, loại Thiền này dễ biến thành vấn đề thuần khái niệm. Bắt chước những giải pháp của tiền nhân đâu có gì khó: một tiếng hét, một tiếng cười, một cú đấm, ‘tiếng sáo thổi trong vườn'. Sự bắt chước như vậy không có sinh khí nên nó không bao giờ lừa được bậc lão luyện, nhưng dù sao nó cũng đủ hấp dẫn để học tăng vướng lụy.

Các tăng sĩ Phật giáo Nhật bản có trực giác tâm linh nhạy bén về tầm quan trọng của việc gắn liền Phật giáo với đời sống thường nhật. Thực hành dựa trên những truyền thống Ấn Độ và Trung Hoa, họ đã phát triển cái được gọi là Do, hay Đạo. Đó là những ứng dụng tinh tế trí tuệ giác ngộ vào các lãnh vực nghệ thuật và hoạt động thế tục. Họ đã thăng hoa nghệ thuật chiến tranh như trong kiếm đạo và cung đạo, biến tài nội trợ trong việc cắm hoa, pha trà thành những phương tiện cảm thụ tinh thần.

Các Đạo đều dựa trên đôi cánh: thứ nhất là sự sở đắc kỹ thuật mà không có thì sự giác ngộ (satori) sẽ không tự diễn ra một cách tròn đầy trong sắc thái riêng, và thứ hai, sự siêu việt kỹ thuật và biểu lộ cảm hứng luôn tỏa sáng từ hào quang của chư Phật trong mỗi người.

Bằng việc học Đạo, môn sinh gắn liền sự Thiền tập của mình với mọi sinh hoạt và đời sống. Nếu y không nhận được chút cảm hứng nào từ ‘Con đường’ mình đã chọn, y biết là mắt mình chưa thật sự khai thị.

Càng thâm nhập Đạo, môn sinh thấy công án hay vấn nạn sẽ tự nhiên bật ra với y. Đó không phải là cái gì được diễn tả bằng ngôn tự (tuy thế lại thúc đẩy y lý giải nó bằng ngôn tự), mà một công án chỉ có thể được giải thông bằng hứng khởi trong hành động. Thành công hay không, thường rất dễ nhận thấy; cũng như việc chế ngự được hay không chướng ngại tồi tệ nhất trong Thiền, là sự tự dối mình.

Có nhiều phương pháp truyền thống để hướng dẫn phát triển tâm linh trong các Đạo, hầu hết đều được khẩu truyền cho những môn đồ đã được lựa chọn. Đôi khi cũng có sự bí truyền qua thủ bút, nhưng phần lớn dưới hình thức những câu bí hiểm không thể lãnh hội nếu không được giảng giải. Có những dòng ảnh hưởng quan trọng của Phật giáo Mật tông và Lão giáo trong các Đạo (nhất là trong tương quan giữa tâm, thể, và thần), nhưng hầu hết các học giả đều đồng ý rằng một Thiền sư thật sự luôn có sự hiểu biết toàn vẹn về yếu chỉ của các Đạo.

Các bậc Thầy cũng hiểu rõ bởi mật chỉ của các Đạo căn bản chỉ là một, nên, chẳng hạn, một trà sư có thể thấu đáo những bí quyết sâu thẳm của kiếm đạo mặc dù dĩ nhiên là ông không thể diễn tả chúng một cách tuyệt hảo qua đường gươm mũi kiếm. Cũng như kinh nghiệm của tác giả, sau hơn 25 năm theo học Nhu đạo, bây giờ mới ý thức rõ hơn bao giờ những hạn chế trong kiến thức của mình về Đạo này; nhưng ông nhận thấy đôi khi những bậc lão luyện trong các Đạo khác mong muốn bàn luận và lý giải những điều ông đã thấu hiểu trong chừng mực nào đó. Các Đạo cổ truyền rất khó về kỹ thuật chuyên môn. Không dễ tìm được minh sư (nhiều ‘Thầy’ chỉ hướng dẫn về kỹ năng chứ không về Đạo); không dễ đạt đến những kỹ năng thích hợp để sẵn sàng cho sự huấn luyện đặc biệt nghiêm cẩn; và dù đã đủ tài năng cũng không dễ được chấp nhận như một môn đồ đặc biệt; và giai đoạn cuối cùng, không dễ từ bỏ sự lệ thuộc vào tính toàn hảo của kỹ thuật.

Tuy vậy, Đạo không tự hạn chế trong những ngôi trường truyền thống. Nếu một Thiền sinh đủ linh hoạt, y có thể hành Đạo ngay trong những hoạt động đơn giản nhất của cuộc sống hàng ngày, và tìm thấy trong đó manh mối dẫn tới an định (Samadhi) ngay khi vui chơi. Vài chú giải sau đây sẽ nêu lên những đặc điểm kỹ thuật, song chỉ nhằm minh họa một nguyên tắc đại đồng cho hết thảy các Đạo.

 

ĐẠO CỦA NGÒI BÚT VÀ ĐẠO CỦA CÂY CUNG: Thư pháp và cung thuật được đề cập chung ở đây bởi mỗi môn đều là sự quân bình tế nhị giữa tĩnh và động trong môi trường tĩnh. Cái tinh tế của hai nghệ thuật này thể hiện rõ trong sự chuyển tiếp từ tĩnh sang động và ngược lại. Với thư pháp, giây phút quyết định được gọi là ‘raku-hitsu’, tức điểm lạc bút, khi ngòi bút chạm vào trang giấy để khởi nét đầu tiên. Raku-hitsu là một đại công án chợt khởi lên trước môn sinh đang rạo rực với ngòi bút lông. Trong cung thuật, giây phút quyết định là lúc buông mũi tên, tức sự chuyển từ căng (thẳng) sang (thư) giãn.

Trong cung thuật, vấn đề hơi thở phát sinh dưới hình thức đơn giản vì cung thủ có thể chủ động. Hơi thở vào được biểu hiện bằng âm “a” và hơi thở ra là âm “um” (cả hai hợp lại thành âm “om”, một nguyên âm yết yếu trong Phật giáo Mật tông). Môn sinh được tập để lắng nghe tiếng thở vào và phát âm kéo dài tiếng thở ra: u-m-m-m-m-m-m-m-m. Cùng lúc ấy y tập chú vào đan điền. Tâm ta an định nhất khi cơ thể tràn đầy sinh khí; nó dao động khi ta chuyển thở vào hay thở ra. Bằng việc tập chú vào đan điền ta có thể giữ tâm an định trong mọi thời khắc. Trong kiếm thuật hay những nghệ thuật cùng loại, điều lý tưởng là tấn công - khi đã hít đầy đủ hơi thở - một đối thủ vừa mới thở ra xong. Cung thuật nếu chỉ thực hành trên sân tập rất dễ trở thành, nói theo ngôn ngữ các Đạo, “tử thuật”. Thư tịch của môn này dạy các môn đồ hãy tâm niệm rằng mục tiêu luôn sống động, rằng cây cung của họ bảo vệ thân họ, và mũi tên có khả năng xé toạc vách đá. Đây là phần quan trọng trong việc huấn luyện. Cung thủ Nhật kéo dây cung đến tận vai, như vậy mãnh lực sẽ lớn hơn, đồng thời cũng khó chính xác hơn phương pháp cung thuật của Tây phương chỉ kéo dây đến cằm hoặc ngang tai. Một cung thủ Tây phương đã nêu điều này với các bậc xạ sư Nhật bản, nhưng họ vẫn dửng dưng. Khi anh ta phàn nàn tính bảo thủ của họ, một vị đã giải thích chính sự rèn luyện tinh thần mới là điều cốt yếu, và đề nghị thử so tài: “Nếu bạn bắn giỏi hơn, bạn sẽ thắng cuộc.” Người kia không dám nhận lời thử thách. Trong thư tịch của Lão giáo cũng có câu chuyện tương tự: một cung thủ lão luyện được mời đứng bên cạnh một Lão triết nhân trên đỉnh mép đá cheo leo để thi bắn. Người này không thể bắn được; như vậy thực ra y chưa sở đắc thuật bắn cung trừ phi nó ở trong y dù đang đứng bên bờ vực thẳm. Cung thuật nơi y chưa phải là một phần đời y; nó chưa thực sống trong y. Với ngọn bút lông, lỗi lầm chết người là lúc để cho ngòi bút chùng lại trong tay, khi những đường nét trở nên vô hồn, “chết”. Có nhiều phương pháp luyện tập đặc biệt để tránh điều này. Một môn sinh thọ giáo với thầy sẽ được chỉ cách cầm cây bút một cách vững vàng. Y chỉ tập mỗi việc đó trong một thời gian, rồi quên đi. Y được chỉ lại thêm vài ba lần nữa, nhưng khi đắm mình trong những nét bút dọc ngang, y lại quên. Cho tới ngày vị thầy âm thầm đến sau lưng y, chộp lấy cây bút, kéo một vệt dài đầy mực bẩn trên cánh tay môn đệ. Điều này dễ gây sân giận, nhưng khi đã rửa sạch tay và điềm tĩnh lại, người học trò lần này, theo bản năng, sẽ cầm cây bút vững chắc hơn. Bấy giờ ông thầy phải chờ một thời gian dài, nhưng khi học trò sa đà trong một nét bút khó thì đó có thể là cơ hội cho ông rình chộp lấy cây bút lần nữa. Mục đích của ông là gây ra một thoáng sân hận, mà phương cách cầm bút đúng nhất là phải làm chủ tâm mình. Sự sân hận sẽ trôi qua trong phút chốc khi học trò cuối cùng nhận thấy ông thầy đã làm đúng, bởi mục đích của ông chỉ vì sự tiến bộ của học trò. Không ai từng được huấn luyện theo cách truyền thống này lại mắc phải lỗi lầm chết người ấy - cầm cây bút một cách lơ đãng. Sự lặp đi lặp lại đơn giản không thể đem đến kết quả như nhau, cũng không có môn sinh nào có thể theo cách này mà tự học lấy, bởi tinh túy của nó rất lạ lùng.

1) Nếu quá tập trung chú trọng ở đầu nét bút, chữ sẽ mãnh và yếu dần về cuối nét.

 

2) Nếu chủ ý nhấn mạnh ở nét cuối, nét đầu trở thành bước sơ khởi bộc lộ nét bút mãnh và yếu.

 

3) Cố giữ nét đầu và cuối mạnh như nhau, khoảng giữa nét bút phải gánh nặng hai đầu.

 

4) Quá dụng tâm vào ngọn bút lông sẽ đánh mất tính thuần nhất của chữ, nét bút sẽ mất cân đối. ( đây là quá thô.)

 

5) Công án: Làm sao cho ngọn bút lướt trên giấy đầy ý thức và sức mạnh, mà vẫn giữ được tính thuần nhất lẫn sự cân đối?

 

Đây là một chuẩn mực thư pháp do một vị thầy viết. Tất cả đều nằm ngay giữa trung lộ thể hiện sự cân bằng của các ký tự. Điểm lạc bút (chỗ khoanh vòng) là nét quyết định đầu tiên; bậc lão luyện bao giờ cũng chú trọng điểm này vì đó là nơi làm cho tác phẩm hoàn chỉnh hay sai lệch.

Công án: nếu viết vì động cơ thúc đẩy, như vì danh, lợi, hay chỉ để thưởng thức, động cơ này sẽ dấy động tâm, và sự thúc động ấy chắc chắn sẽ phản ánh trên nét cọ. Còn không có động cơ, làm sao viết?

 

Đây là bản viết theo của một môn sinh đã qua vài tháng học tập. Nhìn chung rất thành công tuy còn vài nét yếu. Điểm lạc bút vững vàng một cách đáng ngạc nhiên, đến mức chúng ta ngờ anh ta đã sử dụng mánh khoé để cố dấu chỗ yếu của mình trong việc giải quyết vấn đề ‘lạc bút’. Anh đã khởi thảo bằng nét trên cùng bên trái ký tự thay vì bên phải mới đúng luật. Có lẽ anh nghĩ ‘những nhà phê bình ắt không nhận thấy yếu điểm này’. Chú ý sự mãnh dẽ bên trái ký tự đầu của dòng trái: vấn nạn của công án chưa được khai thông trong tâm người viết.

 

KENDO (Kiếm đạo) - ĐẠO CỦA LƯỠI GƯƠM:

 

Một samurai nhập môn, khi mới đặt chân vào một võ đường, những tháng đầu chỉ đơn giản là người phục dịch. Cho đến một hôm, vị thầy bất ngờ nhảy đến bên y và tát vào đầu y: “Sao ngươi không chú ý hơn? Ngươi đâu có được báo trước sẽ bị tấn công. Nếu tay ta là lưỡi gươm thì đầu ngươi đã rơi rồi.” - “Vâng, thưa thầy, con sẽ chú ý hơn,” người thanh niên cúi đầu thi lễ theo thông lệ. Vị thầy tát vào cái đầu đang cúi chào: “Đấy, lại nữa!” Lần này sự cúi chào đầy ý thức cảnh giác. Từ đây vị thầy sẽ thỉnh thoảng bất ngờ ném vào y một cái áo hay quả cầu; và khi nào y có thể né tránh được hoặc không tỏ ra bị động, thì mặt huấn luyện này đã gần hoàn tất. Dĩ nhiên phương pháp luyện tập rất cực nhọc, và mỗi ngày môn sinh chỉ nên học vài giờ về kỹ thuật kiếm đạo, sau đó cần nghỉ ngơi, quên nó đi trong thời gian còn lại. Nhưng cũng có nhiều tình cờ trong lịch sử cho thấy người được huấn luyện bằng phương pháp truyền thống sẽ đánh bại ngay cả đối thủ cao cấp hơn về kỹ năng đơn thuần.

Các bậc thầy luôn chuyên cần luyện tập, thử tài nhau bằng những trận đấu giả bất cứ khi nào có cơ hội. Sự khác nhau giữa tài năng về kỹ thuật và giác ngộ được minh chứng trong câu chuyện sau: Hai đại sư nổi tiếng về Kiếm đạo cùng dạo bước trên đường núi. Họ trông thấy một đóa hoa mọc cheo leo trên vách đá, một người nói ông sẽ hái đóa hoa đó. Đây là lời thách thức trực tiếp. Ông lăn một tảng đá đến bên dưới cây hoa, trèo lên rồi rướn người hái đóa hoa. Trong khi đó vị kia rất thư giãn; nhưng vị đầu luôn cảnh giác không rời mắt khỏi người bạn đồng hành, kể cả lúc ông rướn người lên để hái hoa. Ông leo xuống với đóa hoa trong tay và được tán thưởng. Họ đi tiếp và thấy một đóa hoa khác. Người đã hái hoa lần này muốn vị kia thử trổ tài xem có được kỳ công như ông không, nhưng ông thất vọng vì vị kia chẳng chú ý tới đóa hoa, và họ bỏ đi ngang qua nó. Bất chợt, vị Thầy sau nhảy phắt lên một gờ đá nhỏ rồi nhẹ nhàng nhảy xuống chỉ trong một chuyển động, với đóa hoa trong tay. Ông không cần chuẩn bị trước, nhưng có bao giờ người ta biết trước để chuẩn bị cho một cuộc tấn công. Vị kia còn đang ngỡ ngàng liền nhận được một cú gõ bằng chiếc quạt của người kia, và chợt nhận ra mình đã thua hai lần liên tiếp. Trên đường về, người này nhận xét người kia: “Ông ta là một tay kiếm tuyệt hảo”, và “ta không biết lấy gì để mô tả sở đắc của ông ta; ông ta đã vượt ngoài nghệ thuật kiếm đạo mà ta từng biết. Những người như vậy xưa nay hiếm.”

Kiếm đạo là một trong những Đạo đã phát triển tới mức thượng thừa.

 

ÂM NHẠC:

Không có nghị lực và sức mạnh để tập trung nghị lực đó, người ta không thể theo đuổi Đạo nào cả. Nghị lực càng gia tăng khi sống có kỹ cương và với những người biết cách tập trung nó; nó tàn lụi khi sống buông thả và với những người vô mục đích. Vì lý do này và nhiều lý do nữa, một vị Thầy bao giờ cũng chọn vài môn sinh xuất sắc cho lưu trú ở nhà ông. Một nhạc sư chẳng hạn, sẽ ra bài cho các môn sinh từ ngoài đến nhà ông học hàng tuần; nhưng người kế nghiệp ông chắc chắn sẽ được chọn từ số ít đệ tử nội trú.

Một đệ tử đã được tuyển chọn, trong thời gian đầu chỉ phục dịch việc trong nhà ngoài sân. Vị Thầy chưa chịu dạy chú điều gì và thậm chí không ngó tới chú. Chú lân la hỏi các bạn đồng môn, xin họ chỉ cho ít nhất cách cầm các nhạc cụ, nhưng chẳng ai dám làm việc đó. Một hôm, anh huynh trưởng bắt gặp chú đang khóc và lắng nghe lời năn nĩ của chú. Anh bảo, “chúng tôi cũng là đệ tử đâu được phép chỉ dạy chú; chỉ có Thầy mới có thể làm việc đó. Tuy nhiên nếu chú buồn quá, để tôi nghĩ cách xem.” Lần sau, khi người huynh trưởng dẫn một học viên ở ngoài đến nhận những bài học nhập môn của thầy, khi trở ra anh chỉ khép hờ cánh cửa lùa, chừa lại một khoảng trống vừa đủ để lén nhìn vào phòng. Cũng may là ông thầy giảng dạy chậm rãi và rõ ràng nên những chỉ dẫn đều có thể nghe được. Bài học vừa kết thúc là cậu nhỏ được dẫn đi ngay, và được đưa cho một nhạc cụ cũ với lời dặn phải tập một cách bí mật. Tuần nào anh huynh trưởng cũng làm như vậy. Đối với cậu bé, những hình ảnh nhìn lén và nghe trộm thật quý giá, và chú tập luyện bất cứ lúc nào thuận tiện.

Sau vài tháng ông thầy thoáng nghe được tiếng đàn của chú, và không chút do dự ông bắt đầu dạy chú những bài học cơ bản. Những phương pháp đại loại như vậy đã tạo nên sự sinh động và tinh thần cầu học cháy bỏng tối cần thiết cho sự tiếp thu bài giảng.

 

NHU ĐẠO:

một trong các Đạo tinh tế nhất, và có lẽ gần với cuộc sống nhất. Đó là sự rèn luyện tổng quát của toàn cơ thể chứ không chú trọng một mục tiêu hay vũ khí nào riêng biệt. Nhưng vì kỹ thuật quá tinh vi, nhiều môn sinh đã bị lôi cuốn vào sự hoàn bị kỹ năng, quên mất nguyên tắc Lý (Ri) mà chỉ chú trọng Sự (Ji) tức những đòn phép cá nhân.

Trong Nhu đạo không hề có sự dừng nghỉ tuyệt đối. Luôn luôn phải giữ lấy sự quân bình tích cực dưới lực xô và đẩy của đối phương. Môn sinh phải tìm hiểu chân lý đằng sau câu nói của Lão giáo: “Tĩnh trong tĩnh chưa thật là tĩnh; chỉ khi ở trong động mà tĩnh mới thể hiện được nét nhịp nhàng của vũ trụ.”

Trong hình A người tấn công (bên phải hình) tìm được một cơ hội nhỏ và liền tận dụng. Trong khoảnh khắc quyết định, đối phương hoặc sẽ dấn chân phải lên phía trước để nhấc bổng anh lên, hoặc vẫn bất động giữ thế. Nếu y chuyển dịch chân phải, cú quật như trong hình A sẽ thành công và y bị đốn ngã. Nếu y vẫn đứng yên, hành động theo hình B mới thành công còn làm như hình A sẽ thất bại. Cái khó là nếu chúng ta chờ xem y làm gì, một thoáng do dự của ta sẽ đánh mất sự nhịp nhàng của chuyển động (hành động xoay người lại trong hình B diễn ra trong nháy mắt). Còn nếu chúng ta không do dự mà dấn lên cách mù quáng, có khả năng chúng ta đang thực hiện một nỗ lực sai lầm.

Trong hầu hết những vấn nạn này, có một cách đánh lừa nhờ đó ta giải quyết được nửa vấn đề. Giả dụ ta đã thử theo kiểu B và thành công, khi gặp lại trường hợp đó, người kia có thể cũng hy vọng vào kiểu B, và lần này y sẽ xê dịch chân phải. Nếu ta dấn vào ta có thể dễ dàng bị quật ngã. Như vậy lần sau ta lại đổi cách. Luân phiên thay đổi là điều tất yếu để thành công, nhưng kết quả tốt chỉ đạt được bằng quyết định sớm sự liên tục chẳng hạn như A-B-A-A-A hay A-B-B-B-A, v.v… Tuy thế chưa phải đã xong vấn đề. Bằng quyết định ra tay trước chúng ta có lợi thế chuyển dịch nhẹ nhàng và liên tục, nhưng cũng dễ phạm sai lầm khiến thất bại.

 

QUÉT DỌN:

môn sinh trong các Đạo được khuyên nên tìm cơ hội hành tập ngay ở công việc hằng ngày. Trước khi dọn nhà hay quét sân, một môn sinh có thể dùng ngón tay ấn vào giữa hai chân mày rồi chậm rãi kéo dần xuống theo đường trung đạo giữa cơ thể đến tận điểm nằm ngay dưới rốn (đan điền). Khi ngón tay chuyển dịch, lúc đầu còn có cảm giác nhấn, và người mới nhập môn lấy đó làm cơ sở để chú tâm vào đường trung đạo của cơ thể. Rồi y quán đó là đường ánh sáng, và phần còn lại của thân thể chỉ còn là chiếc bóng và trở nên rỗng suốt. Bấy giờ y bắt đầu quét dọn với cây chổi trong tay, nhưng vẫn giữ sự định chú vào đường trung đạo.

Sau vài tuần người môn sinh đã có thể duy trì sự tập chú vào trung đạo lâu hơn một, hai phút. Y không cần dùng ngón tay để nhấn như ban đầu. Khi tâm xao động y biết dừng nó lại. Tập chú theo cách này làm thư giãn thần kinh và có hiệu quả trong tĩnh cũng như động; động càng hiệu quả hơn. Một bậc thầy chỉ cần nhìn sẽ biết tâm của môn sinh đang định chú hay xao động.

 

ĐÁNH MÁY:

người đánh máy phải thực tập hàng ngày trên bàn phím để giảm dần lỗi cho đến khi văn bản hoàn hảo. Đó là về kỹ thuật. Khi đã có tiến bộ cụ thể về mặt này, môn sinh thỉnh thoảng có thể hành tập sự định chú vào đường ánh sáng khi đánh máy. Cần xả hết mọi dục vọng, sợ hãi, mong muốn, ràng buộc của cơ thể. Và liệu việc đánh máy có dừng lại hoàn toàn nếu từ bỏ mọi dục vọng và ý muốn? Đó là một công án, phải được giải quyết bằng thực nghiệm chứ không phải bằng lý lẽ.

Trong những hoạt động hằng ngày như việc đánh máy chẳng hạn, có thể ẩn tàng đâu đó những giải pháp cho các vấn nạn Thiền. “Đạo Phật là gì?” – “không biết,” Thiền sư trả lời vậy. Người chưa giác ngộ thì không biết đã đành; Thiền sư cũng không biết, thì khác nhau chỗ nào?

So sánh với người hoàn toàn chưa biết đánh máy. Y không biết vị trí các phím chữ và ngón tay trên các phím. Y không biết, không thể đánh máy. Còn môn sinh, y khổ sở ghi nhớ từng hàng phím: A thì gõ bằng ngón út tay trái, S bằng ngón kế tiếp, D bằng ngón giữa, F và G thì ngón trỏ. Cứ thế, dần dần học thuộc trọn bàn phím. Y là người biết đánh máy, nhưng vẫn chưa thể đánh tuyệt hảo, vì y phải luôn hồi tưởng các vị trí đã quy định. Cuối cùng, hãy nhìn các bậc thầy. Ông đã quên hẵn vị trí các mẫu tự, và nếu ta bất ngờ hỏi ông kế chữ J là chữ gì ông sẽ nói “không biết”. Ông không biết, nhưng ông đánh máy tuyệt hảo. Ta không thể nói ông thực là biết, mà nói ông không biết cũng không thực là đúng. Ông vượt ngoài cái biết; nó đã trở thành một phần đời ông.

Tương tự, cái sự “không biết” của Bồ-đề-đạt-ma khác cái “không biết” của vị hoàng đế. Bồ-đề-đạt-ma trong hành xử rốt ráo của mình diễn đạt cái tri kiến vượt-ngoài-tri-kiến; ngài không biết đến nó như một ý tưởng thuộc trí năng, mà những ý tưởng trí năng này là phiền toái sẽ cản ngại sự diễn đạt phiêu bồng nếu ngài còn bận tâm đến chúng. Nhưng ngài có tất cả trong một thoáng, và chúng như từng bước tiến trên đường Đạo, không phải là vô dụng. Với Thiền và việc tu học cũng như vậy.

 

CHƠI CỜ:

một thanh niên đã chán đời phàm tục tìm đến một tu viện hẻo lánh thưa với thầy trụ trì: “Con đã dứt mọi ảo tưởng về cuộc đời, chỉ mong cầu giác ngộ để được giải thoát khỏi những đau khổ này. Nhưng con không có khả năng chịu đựng việc gì dài lâu. Con khó lòng tu học và sống khổ hạnh năm này sang năm khác, và chắc sẽ hoàn tục dù biết đó là thế giới khổ đau. Có cách nào ngắn tắt cho những người như con không?” – “Có chứ”, vị trụ trì đáp, “nếu con đã quyết chí. Cho ta biết con đã học những gì; trong cuộc sống con chú trọng điều gì nhất?” – “Thật ra không có gì cả. Chúng con giàu có, không cần phải làm việc. Con cho rằng điều con thật sự thích thú là môn đánh cờ. Cả ngày con chỉ chơi cờ.”

Vị trụ trì suy nghĩ, đoạn ông bảo thầy thị giả: “Nói với thầy nào mang bàn cờ ra đây.” Nhà sư mang bàn cờ đến và vị trụ trì bày các quân cờ ra. Ông cũng nhắn người mang đến cho ông một thanh gươm, để cho hai người trông thấy. Xong ông bảo nhà sư, “Thầy đã nguyện vâng lời ta là sư phụ của thầy, nay ta muốn thầy thực hiện điều đó. Thầy sẽ đánh ván cờ này với anh đây, mà nếu thua ta sẽ chém đầu thầy bằng thanh gươm này. Ta hứa chắc thầy sẽ được vãng sanh cực lạc. Còn nếu thầy thắng, ta sẽ chém đầu anh này; chơi cờ là việc duy nhất anh từng quan tâm khổ luyện mà vẫn thua thì đáng bỏ mạng sống cho rồi.” Cả hai người nhìn sắc diện của thầy trụ trì, họ biết ông không nói đùa.

Họ bắt đầu ván cờ. Sau vài nước ra quân, người thanh niên thấy toát mồ hôi vì anh đang đánh cuộc bằng chính mạng sống của mình. Bàn cờ trở thành cuộc đời; nó cuốn hút anh. Ban đầu anh để mất mấy nước cờ thất thế, nhưng khi đối phương phạm một nước đi thất sách anh liền chộp lấy cơ hội để phản công mạnh. Khi thế cờ của đối phương rối loạn, anh kín đáo nhìn y. Anh thấy một gương mặt khôi ngô, chân tình, biểu lộ của những năm tháng tu trì và chay tịnh. Rồi nghĩ đến cuộc sống vô nghĩa của chính mình, trong anh bỗng dâng trào lòng trắc ẩn. Anh chủ tâm đi một nước cờ sai lầm và tiếp thêm một nước phí phạm nữa, phá hủy thế thượng phong của mình, tự dẫn đến thế bí.

Đột nhiên, ông thầy chồm tới hất đổ bàn cờ làm hai người sững sốt. “Không có ai thắng, ai bại cả,” vị trụ trì chậm rãi nói, “không có ai phải rơi đầu ở đây. Chỉ có hai việc cần làm,” và ông quay sang chàng thanh niên, “đó là hoàn thiện sự tập trung năng lực của mình, lòng từ bi. Hôm nay con đã học được cả hai điều này. Con đã toàn tâm chú ý vào ván cờ, và từ sự tập trung đó con đã có thể khởi lòng bi mẫn, hy sinh cả mạng sống của con. Bây giờ hãy ở lại đây một thời gian, theo đuổi sự rèn luyện của chúng ta trong tinh thần đó, chắc chắn con sẽ giác ngộ.” Nói xong ông bỏ đi.³

Chia sẻ: facebooktwittergoogle