Trong những khóa tu, khi vào trình pháp các thiền
sinh thường cảm thấy xấu hổ vì thấy rằng mình đã không có chánh niệm trong các
giờ thiền tập. Họ có cảm tưởng như mình bị tuột xuống núi và không biết bao giờ
mới leo lên lại được! Đôi khi, họ không chắc là mình có nên tiếp tục chăng vì đã
bị sụt lùi quá xa. Nhưng thật ra thì không có một khoảng cách nào để đi đến
chánh niệm, hoặc thương yêu, hoặc từ bi cả! Chúng ta chỉ cần đơn giản ý thức
rằng những đức tính ấy bao giờ cũng có mặt ngay lúc này, trong mỗi giây phút ta
tỉnh thức.
Trong sự thực tập của tôi, có một hình ảnh đức
Phật dùng để ví dụ đã giúp tôi rất nhiều. Đức Phật nói: “Tâm ta thu thập đầy
những đức tính như chánh niệm, từ bi, trong mỗi giây mỗi phút – cũng giống như
một thùng nước được làm đầy bởi từng giọt nước một.” Khi nghe hình ảnh ấy, tôi
thấy rõ hai khuynh hướng có mặt trong tâm ta: Một khuynh hướng là đứng cạnh bên
thùng nước, ta lạc trong mơ mộng, tưởng đến niềm vui sướng biết bao khi thùng
được đầy nước. Và khi lạc trong mộng tưởng về một ngày mai giác ngộ huy hoàng ấy,
ta quên tiếp tục nhỏ thêm vào đó một giọt nước kế tiếp! Khuynh hướng thứ hai là
đứng cạnh bên thùng nước, ta thất vọng vì nó còn cạn quá, buồn nản không biết
khi nào mới được đầy. Và cũng thế, ta đứng đấy trong thất vọng, mà quên nhỏ thêm
một giọt nước vào trong giây phút này, bằng chánh niệm.
Không những chúng ta chỉ bị kẹt vào hai khuynh
hướng ấy thôi, mà đôi khi ta còn hay bỏ thì giờ nhìn sang thùng nước của người
khác để so sánh xem mình hay dở đến đâu. Thùng của họ đầy hơn của ta không? Hay
là cạn hơn? Họ đang làm gì bên đó? Thật ra những việc ấy rất vô ích và còn dễ bị
sai lạc nữa! Trước hết, những gì chúng ta thấy bên ngoài chỉ là sự phóng chiếu,
tưởng tượng của ta về kinh nghiệm của người khác. Thật ra, “thùng nước” đâu có
được làm đầy bằng sự thu thập những kinh nghiệm đặc biệt! Nó được làm đầy bằng
những giây phút chánh niệm, những giây phút từ bi. Điều quan trọng không phải là
những gì xảy ra cho một người, mà là do phản ứng của họ đối với việc ấy. Đem
kinh nghiệm ra so sánh với nhau, điều đó không liên quan gì đến việc nhận diện
được mức độ tuệ giác, từ bi hoặc chánh niệm của kẻ khác.
Tự so sánh mình với người khác, hoặc ngay cả với
quan niệm của mình về tiến bộ, sẽ đưa đến việc đối tượng hóa những đức tính như
chánh niệm và từ bi. Ta biến chúng thành những vật mình cần phải đạt được nếu
muốn trở thành người tốt. Khi ta đối tượng hóa một người nào hoặc một đức tính
nào, ta sẽ nghĩ đến đối tượng ấy như là những gì mình có hoặc không có. Và việc
đó sẽ tạo nên một không gian, một khoảng cách giữa ta và đối tượng ấy. Một khi
đã có sự cách biệt thì chắc chắn sẽ có một nỗi lo sợ bị mất mát, và rồi ta lại
kẹt vào vòng lẩn quẩn của sự vướng mắc và lo âu.
Chánh niệm và tâm từ không phải là những cái mà ta
có thể có hoặc là không có. Vì có bao giờ ta có thể đánh mất chúng được đâu?
Chúng ta có thể không nhận thấy những đức tính ấy trong tim mình, nhưng ngay bây
giờ và ở đây ta có thể tiếp xúc với chúng ngay, nếu ta muốn. Không cần phải có
một sự tranh đấu nào, một sự thay đổi nào để khôi phục lại chúng. Trong mỗi giây
mỗi phút, cho dù bất cứ việc gì đang xảy ra, ta vẫn có thể có chánh niệm và tâm
từ. Chỉ trong một khoảnh khắc, tâm ta có thể quay trở về và tiếp xúc được với
chúng ngay. Sự tu tập là nhận thức được rằng chánh niệm có thể có mặt bất cứ lúc
nào và ở đâu. Và chiếc thùng của ta sẽ được tràn đầy nhờ từng giọt nước một.
Nguyễn Duy Nhiên dịch