.1.Trong suốt một ngàn năm trí thức Việt Nam không nghĩ
tới việc dịch kinh điển của Trung Quốc vì ai đi học cũng học chữ Nho. Việc dịch ra chữ Nôm không cần thiết lắm vì muốn học chữ Nôm cũng
phải biết chữ Nho.
Cho tới thế kỉ 19 ở Á Đông chữ Nho vẫn là văn tự đại đồng của những quốc gia gọi
nhau là đồng văn (dùng chung một văn tự để truyền đạt). Cho nên Nguyễn Du ngoài Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh
bằng chữ Nôm, thì làm mấy trăm bài thơ chữ Nho, hầu như không làm thơ Nôm.
Cũng vậy, Cao Bá Quát làm chỉ có 7 bài hát nói chữ Nôm nhưng làm hơn ngàn bài
thơ chữ Nho. Thơ quốc ngữ, quốc âm lúc đó đều viết bằng
chữ Nôm cho người đọc trong nước. Còn thơ chữ Nho là tham gia vào mạng trí thức quốc tế lúc bấy giờ và
họ nghĩ mãi đến về sau.
Việt Nam từ năm 1910 đã bị Pháp bãi bỏ khoa cử chữ Nho và vì thế tầng lớp gọi là
trí thức bị cắt với nguồn mạch của vùng khối chữ vuông (chữ Nho) là Trung Quốc,
Nhật Bản, và Hàn Quốc (cũng như với Đài Loan, Hong Kong, Singapore). Đây là một
sự xâm lăng
của thực dân về văn hóa, không phải sự tự chọn, tự nguyện của người Việt. Thế hệ
nhà Nho như Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Tản Đà, Phan Bội Châu, Phan Khôi là
lớp cuối cùng của truyền thống ngàn năm đó và họ đã ghi lại trong thơ văn, tác
phẩm tâm trạng của tầng lớp trí thức dân tộc đầu thế kỉ 20.
Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc không trải qua sự đoạn tuyệt
như Việt Nam. Và
vì vậy trí thức Việt Nam từ 1919 đã bị “bật gốc” với di sản của tổ tiên. Sự
hoang mang về bản sắc và căn cước của chúng ta ngày nay có một nguồn gốc, một
nguyên nhân rất cụ thể như vậy.
Chúng ta mất lối về với di sản, với nguồn cội – khác với trí
thức ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Chúng ta lại không tiếp cận,
thu nhập được tinh hoa thế giới vì hàng rào ngôn ngữ văn tự.
Mà dịch thuật thì yếu kém, làm sao nói đến chuyện giao lưu.
2. Người Việt được xem là thông minh và hiếu học, nhưng ngày
nay học sinh Việt Nam
quá thua thiệt so với thế giới. Nhất là sự thua thiệt về văn hiến, tức là
về các thiết chế văn hóa, mà cụ thể nhất là gia tài của chúng ta – kho sách chữ
Việt để học sinh có thể học tập tham khảo – trong đó thiếu sót nhất là những
sách công cụ tiểu học và những sách kinh điển đại học. Cho dù sách công cụ tiểu
học trong vòng thế kỉ vừa qua chúng ta đã làm khá tốt, kể từ 1895 khi Huỳnh Tịnh
Của xuất bản cuốn Đại Nam Quấc âm tự vị và từ 1942 khi Hoàng Xuân Hãn xuất bản
cuốn Danh từ khoa học.
Việt Nam
nằm trong khu vực Đông Nam Á, giữa hai văn minh Ấn Độ và Trung Quốc.
Gần 2.000 năm nay tiếp nhận từ Ấn Độ ở Việt
Nam
gần như chỉ có đạo Phật và cũng chỉ có một phần nhỏ của đạo Phật Đại thừa/Bắc
tông. Chúng ta thua hầu hết các nước Đông Nam Á là mãi tới năm 2000 chúng
ta mới dịch được Đại tạng kinh tiếng Pali của Phật giáo Nguyên thủy/Nam tông và
hiện mới bắt đầu xúc tiến việc dịch Đại tạng kinh Đại thừa Trung Quốc, và hầu
như chưa động gì đến Đại tạng kinh Tây Tạng.
Văn hiến kinh điển của các trung tâm văn minh khác, chúng ta chưa phiên dịch
được một phần trăm, phần ngàn.
Hiện nay, chúng ta chưa có một tầng lớp trí thức đúng nghĩa.
Vì thế những mảng sách dịch của chúng ta manh mún, chạy theo thời thượng, hoặc ngẫu hứng, tùy tiện.
Vừa ít về số lượng, kém về phẩm chất, và nhất là lệch lạc về sự tuyển chọn và
phân bố.
Có những thời đại, khu vực, và ngôn ngữ quan trọng của thế giới như Hi Lạp cổ
đại, châu Âu thời Phục hưng, Trung Âu đương đại, ngôn ngữ Tây Ban Nha… gần như
là những khoảng trắng đối với tiếng Việt vì sự dịch thuật quá mỏng.
Thời Nho học lấy chữ Nho làm phương tiện truyền đạt, thời Tây học lấy chữ Pháp
làm chuyển ngữ nên việc dịch thuật không đặt ra với những tác phẩm nền tảng mà
chỉ dành cho những cuốn sách phổ thông, đại chúng, hay giải trí - chủ yếu là
tiểu thuyết bình dân. Từ 1945 lấy tiếng Việt làm cơ sở giáo
dục trong nhà trường từ mẫu giáo đến đại học là định hướng đúng. Tuy
nhiên, với thực trạng là cần tiếp thu văn hóa thế giới
chúng ta chưa đặt ra và giải quyết tốt vấn đề học ngôn ngữ văn tự quốc tế cũng
như việc dịch thuật quy mô những kinh điển của loài người.
Bài học của
các quốc gia trên thế giới là phải chọn một hoặc vài ngôn ngữ quốc tế từ lớp 1
để học sinh có thể tiếp cận tinh hoa của cả loài người và giao tiếp với toàn cầu
ngay sau khoảng 5 đến 10 năm ở nhà trường. Đồng thời phải tổ chức, hỗ trợ để
trong một thời gian ngắn nhất (một thế hệ 30 năm) có thể giải quyết căn bản
khoảng 500 đến 1.000 tác phẩm quy điển tối thiểu của nhân loại mà một công dân
của thế giới không thể không tiếp cận, ít ra qua tiếng mẹ đẻ của mình. Một sinh
viên Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc bây giờ ở trong tình trạng có thể tiếp cận
với di sản toàn cầu qua tiếng mẹ đẻ. Bao giờ một sinh viên
Việt Nam mới khỏi
thua thiệt ngay từ trước khi khởi hành?
3. Kinh nghiệm của thực dân, đế quốc không phải chỉ có mặt tiêu cực, mà còn có
mặt tích cực nữa. Ấn Độ có hàng chục ngôn ngữ nên sau khi được Anh trả độc lập
năm 1947, họ vẫn giữ tiếng Anh làm chuyển ngữ ở nhà trường để học sinh sinh viên
có thể lợi dụng ngay cái ngôn ngữ phổ cập này mà có khối lượng thông tin và công
cụ hàng đầu thế giới. Philippines cũng vậy. Các nước nhỏ ở châu Âu và các nước cựu thuộc địa ở
châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latin đều không mắc vào chủ nghĩa ái quốc cực đoan đến
mức bài trừ tiếng nước ngoài mà trở về trạng thái cô lập của bộ lạc, tiểu quốc
khiến cho không biết đến bao giờ mới có thể đua chen trên toàn cầu hay ngày càng
tụt hậu.
Lịch sử giao
lưu thế giới, đặc biệt là giai đoạn tích cực nhất từ 500 năm nay, đặt nền tảng
trên sự dịch thuật, từ kinh sách đến tài liệu khoa học kĩ thuật.
Một trí thức ngày nay không thể không biết ngoại ngữ để tiếp cận với thông tin
toàn cầu.
Người ta đã tính rằng cứ 10 năm thì khối lượng thông tin tri thức thế giới tăng
gấp đôi. Một người dù có học vị cao nhất ở đại học cũng trở thành lạc hậu nếu
vài ba năm không tiếp thu
thông tin mới của thế giới trong địa hạt chuyên môn của mình.
Đại học Oxford với trên 700 năm tuổi và là một trong vài trường uy tín nhất thế
giới chỉ có khoảng 25.000 sinh viên, nhưng là tinh hoa của toàn cầu. Ở đây người
ta không mở phân khoa Văn học So sánh (Comparative
Literature) mà gọi là Dịch thuật học (Translation Studies).
Minh Trị Thiên Hoàng ở Nhật Bản thành công với cuộc Duy tân 1867–1895, vì đã gửi
sinh viên đi khắp thế giới với chủ đích là để học hỏi và dịch thuật tầm tri thức
mũi nhọn của châu Âu. Và trong hai thập niên 1960–1980 Hàn Quốc đã động viên
toàn bộ sinh viên du học và trí thức để dịch thuật hàng ngàn tác phẩm kinh điển
cho học sinh và nhân dân trong nước có thể theo kịp với
thế giới.
Đã đến lúc chúng ta phải biết hổ thẹn.
Tất cả văn minh của loài
người đều nhờ cậy vào chữ viết mà lưu truyền. Cho nên học nói là trách
nhiệm của mẹ cha, còn học chữ để đọc được kinh sách là trách nhiệm của nhà
trường qua thầy cô.
Người xưa phân biệt bậc
tiểu học là học chữ nghĩa và bậc đại học là học đạo lí. Xét như thế thì mọi tự
điển, từ điển, bách khoa thư, sách giáo khoa, tuyển tập, ngữ pháp, tập làm văn… là
thuộc tiểu học. Chỉ kinh điển, thánh thư, triết học,
khoa học, mĩ học, văn học mới là thuộc đại học. Nhà xuất bản từ thư và sách giáo khoa lớn nhất của Nhật Bản vì vậy mới lấy
tên chính xác là Tiểu học quán (Shogakkukan).
Giáo dục ở Việt Nam không huấn luyện cho học
sinh và cả thầy cô sử dụng từ điển, bắt đầu từ ngay cấp cơ sở làm quen với việc
tra cứu độc lập để tự học tiếng mẹ đẻ, là một thiếu sót lớn. Học sinh Việt
Nam
thường chỉ biết đến những tự điển và từ điển song ngữ khi bắt đầu học tiếng nước
ngoài và cũng thường ngừng lại không tham khảo được những từ điển định nghĩa
bằng bản ngữ (từ điển tiếng Anh định nghĩa bằng tiếng Anh; tiếng Pháp bằng tiếng
Pháp…). Ngay từ khi bước khởi đầu như thế không tạo cho học
sinh cách hiểu sâu xa bằng chính tinh thần của ngôn ngữ muốn học mà chỉ biết đại
khái qua tiếng Việt gần tương đương và thường không chuẩn xác. Đó là một trong những nguyên nhân khiến học sinh sau 7 năm ở trung
học tuyệt đại đa số vẫn không có được kĩ năng sử dụng thông thạo về tất cả các
mặt: nói, nghe, đọc và viết.
Nguyễn
Tiến Văn
Nguồn: TTVH