Nguyên Minh
Với những
thế hệ trước đây, hầu hết các gia đình đều đông con, thậm chí còn có nhiều gia
đình một người cha mà có đến hai, ba người mẹ, nên quan hệ giữa anh, chị, em với
nhau phức tạp hơn ngày nay rất nhiều. Ngày nay, mỗi gia đình chỉ thường có từ
một đến hai con, hoặc nhiều lắm là ba con – tất nhiên vẫn còn một số ngoại lệ –
thì quan hệ giữa anh, chị, em trong gia đình trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Người Việt Nam
có truyền thống xem trọng huyết thống kèm theo với việc phân biệt tôn ti trật tự. Nếu như anh em trai
cùng một nhà trong tiếng Anh chỉ dùng cùng một từ “brother” để chỉ đến, thì
người Việt phân biệt rõ ràng anh hay em. Hơn thế nữa, quan
điểm “quyền huynh thế phụ” cho đến nay vẫn được không ít người tôn trọng.
Đã phân biệt tôn ti trật tự, thì cung cách ứng xử cũng phải có
sự khác biệt nhau.
Làm anh, chị thì bao giờ cũng phải biết nhường nhịn các em.
Tuy có “quyền” hơn nhưng đồng thời trách nhiệm cũng lớn hơn, phải biết lo lắng
cho các em và nhiều khi thay thế cha mẹ trong nhiều công việc có thể được.
Ngược lại, làm em thì phải tôn kính anh chị, biết giữ bổn phận của mình.
Những điều đó tạo thành một khuôn mẫu chung
hầu như có thể thấy ở tất cả mọi gia đình Việt
Nam.
Quan hệ giữa anh, chị, em với nhau trong thời gian chung
sống dưới mái gia đình nói chung là như vậy. Ở đây không cần
thiết phải phân tích nhiều hơn mới thấy được.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là khi mỗi người đều đã lập
gia đình riêng của mình, liệu mối quan hệ đó được gìn giữ như thế nào? Rất nhiều người không xem đây là vấn đề cần thiết, mà chỉ duy trì
một mối quan hệ tuỳ thuộc vào điều kiện sinh sống hoặc làm việc của mình. Người ta ít nghĩ đến việc phải làm thế nào đó để củng cố những mối
quan hệ mà thật ra là vô cùng quan trọng vì không sao thay thế được.
Tục ngữ có câu “Giọt máu đào hơn ao nước lã.”
Ngày nay chúng ta thường lặn hụp nhiều hơn trong “ao nước lã” mà ít khi chủ động
làm điều gì đó để củng cố quan hệ với những “giọt máu đào” của mình.
Trong cuộc sống trôi chảy bình thường, chúng ta rất ít khi nhớ đến anh hay chị,
em của mình.
Mỗi người một gia đình, thường là tất bật với vấn đề sinh kế,
cho dù có thong thả đôi chút về vật chất cũng khó lòng mà rảnh rỗi được trong
thời đại này.
Nhưng một khi có điều gì đó bất thường xảy đến. Một tai nạn, một cơn bệnh nặng, hoặc thậm chí một sự thất bại
nặng nề, suy sụp trong công việc... thì những người đầu tiên mà chúng ta nhớ đến
chính là các anh, chị em của mình. Hơn thế nữa, họ cũng thường
chính là những người đầu tiên quan tâm tìm đến với chúng ta. Đó là những
người mà chúng ta có thể tin cậy, chia sẻ, dựa dẫm trong bất cứ trường hợp nào.
Ngoài mối quan hệ huyết thống bao giờ cũng được xem trọng trong truyền thống dân
tộc ta, thì suốt cả một thời thơ ấu gắn bó bên nhau dưới mái gia đình cũng là
một yếu tố khiến cho chúng ta không thể nào tìm được một quan hệ tương đương ở
bất kỳ ai khác.
Lời xưa nói: “Anh em như chân với tay, vợ chồng áo mặc thay ra thay vào.”
Điều đó cũng có những cơ sở vững chắc của nó. Người ta
có thể ly dị với vợ hoặc chồng chứ không thể thay đổi được quan hệ ruột thịt
giữa người trong một nhà.
Tuy nhiên, liên hệ huyết thống cũng chưa phải là yếu tố tuyệt
đối để đảm bảo một quan hệ tốt đẹp. Anh em với nhau là “tình”, còn có gắn
bó với nhau đến mức nào cũng còn tuỳ nơi cái “nghĩa” nữa. Tình
nghĩa có quân bình, đầy đủ thì quan hệ mới có thể tốt đẹp bền vững.
Cái “nghĩa” ở đây chính là cung cách đối xử với nhau qua thời gian.
Nếu bạn nhận thức được tầm quan trọng của mối quan hệ tốt đẹp
với anh, chị em, bạn sẽ biết cách làm thế nào để củng cố tốt mối quan hệ đó.
Nếu bạn có được những người anh, chị em gắn bó tốt, bạn có
được những chỗ dựa tinh thần rất quan trọng, cần thiết trong những lúc sóng gió
của cuộc đời. Một điều nữa cũng quan trọng không kém mà
đôi khi bạn có thể không nghĩ đến. Đó là mối quan hệ tốt cho con cái của
mình. Nếu như “trăm người bạn vẫn chưa phải là thừa”, thì tại sao bạn không cố
gắng gìn giữ cho con cái mình những mối quan hệ đáng tin cậy trong cuộc đời
chúng?
Chỉ cần bạn nhận thức đúng được tầm quan trọng của vấn đề, và
thật lòng muốn làm, bạn sẽ làm được. Vì có rất nhiều cách đơn giản mà
hiệu quả để bạn làm điều ấy.
Hãy dành thời gian nghĩ đến các anh, chị, em của mình, cho dù
họ đang sinh sống ở đâu đó, gần hay xa bạn. Nếu bạn có
ít thời gian, hãy giữ liên lạc với họ ít nhất mỗi tháng một lần.
Điều quan trọng là hãy làm điều đó một cách chân thành và đều đặn, chẳng hạn vào
đầu tháng hoặc cuối tháng, hoặc theo
một định kỳ thích hợp nào đó. Họ sẽ nhận ra là bạn đang quan tâm đến họ, không chỉ là việc chợt
nhớ đến một cách tình cờ. Trong thời hiện đại này, bạn
đừng bảo là khó làm điều ấy, vì như vậy sẽ là tự dối mình. Bạn có thể
dùng điện thoại,
thư tín... cách nào cũng được. Hơn
thế nữa, nếu không nhận được sự hồi âm, phúc đáp, cũng đừng lấy điều đó làm đáng
buồn hay hờn giận. Không phải ai cũng có thể nhạy cảm
đến mức nhận ra ngay mọi việc, nhưng nếu bạn kiên trì, bạn sẽ nhận được kết quả
xứng đáng.
Nếu có dịp nào đó bạn có thể sắp xếp đưa con cái đi chơi, hãy nghĩ đến việc
viếng thăm các anh, chị, em của mình như một trong những nơi ưu tiên. Thử tưởng
tượng, bọn trẻ sẽ được chơi đùa với nhau trong một tình thân ấm áp khác hẳn với
những quan hệ bạn bè thông thường của chúng. Điều đó đủ để bù
đắp cho sự quan tâm của bạn. Về phần bạn, những dịp này sẽ vô cùng thuận
tiện để anh em, chị em ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa – những kỷ niệm mà tôi tin
là bao giờ cũng rất đẹp đối với mỗi người, bởi vì ngay cả một trận đòn dữ dội
của thời thơ ấu thì ngày nay cũng sẽ được nhớ đến một cách thú vị và trân trọng.
Đó là những giây phút đẹp mà bạn không thể tìm thấy ở bất kỳ một nơi nào khác. Điều đó nuôi dưỡng tinh thần bạn, tiếp thêm sức mạnh cho bạn trong
cuộc sống khó khăn, vất vả.
Nếu như bạn may mắn có cha mẹ vẫn còn sống trên đời này, bạn có thể đề nghị với
các anh, chị, em của mình những dịp cùng đến thăm cha mẹ. Đây là một ý hay, vì
bạn sẽ được sống lại không khí gia đình thân mật của ngày xưa và đồng thời giáo
dục cho con cái mình mối quan hệ tốt trong dòng tộc.
Ngày xưa các cụ luôn tôn trọng tục lệ “ăn giỗ” ở nhà một vị tộc trưởng hoặc đích tôn, vì những người
này chịu trách nhiệm cúng giỗ ông bà. Đây là một tục lệ mang
nhiều ý nghĩa sâu xa mà rất tiếc là trong thời hiện đại chúng ta không giữ được
nhiều.
° ° °
Ngày tôi còn nhỏ, cứ mỗi dịp được theo cha mẹ đi “ăn giỗ” là trong lòng vô cùng náo nức, mừng
vui. Tôi chưa đủ trí khôn để hiểu được ý nghĩa của việc thờ cúng ông bà, nhưng
tôi cảm nhận được sâu sắc mối quan hệ thân mật với những người trong dòng họ mỗi
lần được về ăn giỗ. Người về ăn giỗ rất đông, và điều thú vị là bất cứ ai trong số họ cũng
đều có quan hệ huyết thống xa gần với gia đình. Tôi được chỉ
cho biết những ông, bà, cô, chú, bác, anh, chị, cháu ... đủ mọi thứ bậc không
sao nhớ hết.
Tôi thích nhất là có những “đứa cháu” gọi tôi đến bằng chú hoặc bác mà chúng lớn
hơn tôi đến mươi, mười lăm tuổi!
Ngày nay những đám giỗ lớn như thế không còn nữa.
Nhưng vào ngày giỗ ông nội hoặc bà nội tôi, các cô, chú vẫn thường quy tụ về nhà
tôi, cùng với con cái của họ, vì cha tôi là con trai lớn nhất. Vào những dịp này, người lớn trẻ con đều vui vẻ, tràn đầy tình thân
mật.
Tôi không biết ông nội hay bà nội có về chứng giám lòng thành của con cháu hay
không, nhưng chắc chắn một điều là nếu còn sinh tiền các vị sẽ lấy làm sung
sướng khi thấy con cháu vẫn giữ được tình thân như thế.
Đó là điều mà ngày nay chúng ta vẫn còn làm được, nếu muốn.
Hầu hết người Việt Nam không ai là không có tục cúng
giỗ ông bà hàng năm. Nhưng việc tổ chức “phần ai nấy
cúng” như ngày nay vẫn thường được thực hiện “cho thuận tiện” là một sai lầm.
Trong anh chị em nên thống nhất việc cúng giỗ phải do một người tổ chức mà thôi.
Nếu cha mẹ đã mất, người ấy thường là con trai lớn nhất.
Nếu cha mẹ còn sống, người cúng giỗ sẽ là người đang sống với cha mẹ, bất kể đó
là con trưởng, con thứ hay con út. Những người khác có trách nhiệm đưa
con cái về “ăn giỗ”. Đây là một cơ hội vô cùng quý giá để anh chị em
trong gia đình cùng gặp gỡ nhau và siết chặt tình thân, gắn bó nhau hơn nữa.
Thật ra, trong thực tế thì quan hệ giữa anh, chị, em một nhà
với nhau không phải bao giờ cũng hoàn toàn êm đẹp. Đôi
khi, vì cuộc sống khó khăn, chúng ta rất dễ có những đụng chạm, xích mích với
nhau. Tuy nhiên, nếu hiểu được tầm quan trọng của một mối quan hệ tốt và
lâu dài cho bản thân cũng như con cái mình về sau, chúng ta có thể cởi mở hơn,
dễ cảm thông hơn và cũng nhẫn nhục hơn. Chỉ cần được như thế,
bạn sẽ thấy không có xích mích nào là không thể hàn gắn, hoà giải được.