Nguyên Siêu
Giờ thì Hòa Thượng đã ra
đi, ra đi chung quanh quý Thầy, Cô trong môn đồ pháp quyến đang nhất tâm niệm
Phật để cung tiễn Hòa Thượng về với Phật.
Đôi ngày nằm ở bệnh viện,
nhiều người đến hỏi thăm và hầu chuyện với Hòa Thượng, nhất là Ni Sư Giới Châu
túc trực bên giường bệnh đã nghe Hòa Thượng nói nhiều lần, khi bác sĩ bệnh viện
muốn thử nghiệm một số cơ phận để tìm hiểu bệnh lý của Ngài, Hòa Thượng dạy:
“Theo sự hiểu biết của tui,
thì sự văn minh tiến bộ y học là điều rất cần thiết để cứu người, nhưng hiện tại
mình đã là ông Thầy tu, mình có niềm tin trong sáng nơi Phật pháp; mình có chư
Bồ Tát, chư Phật gia hộ; mình có Phật Dược Sư phát nguyện cứu độ chúng sinh.
Mình nhất tâm niệm danh hiệu đức Phật Dược Sư, nếu nghiệp lực mình chưa phải
chết thì nương nhờ Phật lực mà được khỏe mạnh lại, chi bằng đến lúc phải xả bỏ
báo thân thì ngày đêm mình thường niệm danh hiệu đức Phật A Di Ðà, thì mình về
với Phật trong tâm nhẹ nhàng, thanh thản. Ðây là điều tui suy nghĩ cả một đời tu
hành. Quý Thầy, Cô đưa tui về Bát Nhã để tĩnh dưỡng đôi ngày rồi về với Phật, đó
là con đường cuối cùng của ông Thầy tu. Quý Thầy, Cô hoan hỷ, Mô Phật.”
Nghe lời dạy của Hòa
Thượng, ai cũng nhìn nhau cảm phục, cảm phục niềm tin kiên cố vào tánh đức Từ
Bi, vào hạnh nguyện cứu khổ chúng sinh của ba đời chư Phật, và hôm nay Hòa
Thượng đã ra đi trong sự cứu độ của chư Phật. Thượng Tọa Trí Thành, pháp đệ của
Hòa Thượng, kể lại: “Quý Thầy, Cô hầu
bên giường bệnh trước khi Hòa Thượng viên tịch khoảng nửa giờ, Hòa Thượng hãy
còn hỏi thăm từng người một, hỏi thăm Chùa Linh Mụ trong cũng như ngoài nước.
Căn dặn quý Thầy, Cô hãy gìn giữ những ngôi Tam Bảo mà Hòa Thượng đã xây dựng
nhiều thập niên qua, ở nhiều tiểu bang, quý Thầy phải biết thương nhau, đùm bọc
nhau mà sống nơi xứ người. Chỉ có mình biết thương nhau, đoàn kết với nhau thì
cuộc sống mới có ý nghĩa, mới làm lợi lạc cho ngôi Tam Bảo, lý tưởng của người
xuất gia. Không khí thân tình, dù người bệnh hay người khỏe, đều diễn ra tự nhiên,
thanh thản, không ai nghĩ rằng sau đôi mươi phút truyện trò Hòa Thượng ra đi
nhanh và tự tại như vậy.”
Sắc mặt Hòa Thượng đôi
chút thay đổi, mắt hơi nhắm, yên lặng,nhẹ nhàng, Hòa Thượng an nhiên thị tịch
giữa những lời niệm Phật tiếp dẫn. Thượng Tọa Trí Thành đưa tay vuốt nhẹ đôi mắt
và nâng cằm của Hòa Thượng lên. Tất cả sự ra đi của Hòa Thượng chỉ có thế. Một
đời Tăng sĩ 46 hạ lạp, đã được hiến dâng tất cả bằng tâm huyết nhiệt thành cho
đời, cho đạo.
Con Ðường Hoằng Pháp
Hòa Thượng là đệ tử của
đức đệ tam Tăng Thống GHPGVNTN, đại lão Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu, chùa Linh Mụ,
Huế. Suốt cả một đời hành điệu, cũng như khi lớn lên dưới mái chùa cổ kính nổi
tiếng trên dòng Hương Giang ấy, Hòa Thượng đã luôn đặt trọng tâm vào công việc
hoằng pháp và văn hóa. Con đường hoằng pháp của Hòa Thượng dù ở trong nước hay
xuất ngoại du học Ấn Ðộ, tốt nghiệp học vị Tiến sĩ, du nhập vào đất nước Hoa Kỳ,
Hòa Thượng luôn là người biểu tỏ tấm lòng cầu mong Phật pháp được lan truyền đến
mọi tầng lớp xã hội, đến các quốc gia, dân tộc khắp nơi trên thế giới. Vì tâm
nguyện này mà Hòa Thượng đã không từ nan, quản ngại mọi khó khăn, cách trờ xa
xôi, Hòa Thượng đã dấn thân đi vào sinh hoạt các tổ chức Phật giáo của các quốc
gia Á Châu như: Nhật Bản, Ðại Hàn, Ðài Loan, Hồng Kông, Tân Gia Ba, Tích Lan, Mã
Lai, Mông Cổ… để nghiên cứu tinh hoa của Phật giáo bạn chắt lọc ứng dụng cho
Phật giáo Việt Nam, ngõ hầu đem Phật pháp vào lòng người.
Từ những nghiên cứu cho
công cuộc hoằng pháp ở các quốc gia Ðông phương, Hòa Thượng cũng đã nỗ lực không
ngừng để tâm nghiên cứu, tham khảo con đường hoằng pháp của các tổ chức Phật
giáo và văn hóa của các quốc gia Âu Tây như: Anh, Pháp, Ðức, Ý, Bỉ, Hòa Lan, Ðan
Mạch, Thụy Sĩ, Na Uy, Phần Lan, Thụy Ðiển, Hy Lạp, Tây Ban Nha… trước sau như
một, Hòa Thượng đã thật sự hiến thân phụng sự đạo pháp. Qua bao thập niên, với tấm
thân nhỏ nhắn, ốm gầy, trên vai một tay nải, trong tay một túi xách vật dụng tùy
thân, một cuốn sổ nhỏ ghi lịch trình sinh hoạt thuyết giảng các Tự Viện, mà Hòa
Thượng đã thành lập cho các Phật tử địa phương, Ngài đã rày đây mai đó đi khắp
các tiểu bang Hoa Kỳ. Bằng tấm lòng phụng hành di ngôn của Phật: “Này các Tỳ kheo, các con hãy đi và đi một mình. Ði
vì sự bình an, hạnh phúc cho con người và chư Thiên. Đi để đem giáo pháp giải
thoát cho muôn nơi và chúng sinh trong cuộc đời này. Các con hãy lên đường vì
hạnh phúc và lợi ích chung.” Hòa Thượng đã đi đến từng địa phương
hẻo lánh ở các tiểu bang xa xôi, nơi có cư dân người Việt tha hương tị nạn để
xây dựng cho họ đời sống tâm linh nơi hải ngoại. Trong công cuộc hoằng pháp này,
Hòa Thượng đã đích thân lãnh đạo tinh thần, chứng minh Ðạo Sư, hay cố vấn các Tự
Viện, Hội Phật giáo, cộng đồng Phật giáo … khoảng 36 đơn vị của các tiểu bang
Hoa Kỳ. Cuộc hoằng pháp đi sâu vào hạ tầng cơ sơ của Hòa Thượng đã tạo dựng nền
móng vững chắc cho Giáo Hội, bồi đắp và giữ vững niềm tin Phật pháp của cộng
đồng Phật tử nơi đó. Hòa Thượng đã được tôn xưng là vị Tổ khai sơn các Tự Viện,
Hội Phật giáo, cộng đồng Phật giáo của các địa phương ấy. Ngài được phong tặng
biệt danh “Hòa Thượng xe bus” để nêu cao công hạnh hy sinh, kham nhẫn, hoằng
dương Phật pháp bằng những phương tiện di chuyển khiêm tốn trên những chuyến xe
lửa tốc hành, trên những chuyến bus xuyên bang suốt đêm với những gói chip,
những phần ăn thanh cảnh nơi các trạm xe mà hoàn thành Phật sự hóa độ sâu dày.
Con Ðường Văn Hóa
Nếu nói rằng con đường
Hoằng Pháp là tâm huyết của Hòa Thượng thì con đường Văn Hóa là tim óc một đời
của Hòa Thượng để có được những dịch phẩm nổi tiếng để đóng góp cho ngôi nhà văn
hóa Phật giáo Việt Nam hải ngoại. Hòa Thượng có khoảng 22 dịch phẩm với chủ đề:
Tổng Quan Phật giáo, Truyện Tích, Nhân Vật Phật giáo, Phật Giáo và Thời Ðại,
Phật Giáo và Xã Hội, Phật Giáo Thế Giới … Ngoài ra Hòa Thượng còn có những tài
liệu khác nằm trong bản thảo chưa kịp xuất bản. Thật là một đóng góp lớn lao cho
nền văn hóa Phật giáo Việt Nam nơi hải
ngoại. Một số các tác phẩm của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma Tây Tạng cũng đã được Hòa
Thượng phiên dịch và phổ biến trên các tạp chí. Có dịp ghé thăm Hòa Thượng tại
Phật Học Viện Quốc Tế sẽ thấy cả một phòng đầy sách vở, từ trên kệ sách cho đến
bàn ghế hay trên mặt đất, đó đây sách và sách. Hòa Thượng đã sống với kinh sách
cho đến ngày từ giã ra đi.
Hòa Thượng sống đời tự lập
và tự dưỡng cho đến khi tuổi già sức yếu, răng không còn Hòa Thượng tự nấu cháo
gạo lức xay nhuyễn để uống. Hòa Thượng quan niệm đó là văn hóa tự thân của Ngài,
cố gắng tự lo mọi việc cá nhân để tránh làm phiền mọi người trong cuộc sống
riêng tư. Hòa Thượng đi hoằng pháp, làm văn hóa một mình một bóng như những cánh
vạc khuya giữa đêm trường cô tịch, khi đi cũng như lúc về chẳng ai hay biết, chỉ
có con tàu và sân ga làm bạn đồng hành.
Từ nền văn hóa tự thân
phát huy nền văn hóa quần chúng, Hòa Thượng đã để lại một kho tàng văn hóa dịch
thuật cả đạo lẫn đời, biết bao nhiêu bút mực, dầu đèn sớm hôm khuya tối. Lời
viết có hạn, công đức Hòa Thượng thì vô cùng. Vô cùng như hành trạng một bậc Cao
Tăng hiện thân vào đời để hóa độ, khi công viên quả mãn thì nhẹ nhàng cất bước
ra đi, không bận tâm lưu luyến.
Hai con đường hoằng pháp
và văn hóa đã nuôi lớn Hòa Thượng trong chí nguyện độ sinh và ngày về với Phật.
Hôm nay, những gì đáng độ, Hòa Thượng đã độ, ngày về với Phật thì Hòa Thượng
cũng đã về, chỉ còn lại hàng hậu học với niềm thương nhớ đầy vơi.
San Diego, 16 tháng 02 năm 2011