Ngọn BÁT PHONG và đường trần mưa bay gió cuốn

Ngọn BÁT PHONG

Đặng Công Hanh

 

"Cửa địa ngục hai bên lồng ngực

Phải vác theo trăm tuổi đường dài"

                           (Thơ: Nguyên Sa)

 

   Bát phong là một  thuật ngữ Phật học, nói theo ngôn ngữ thông tục là tám ngọn gió tượng trưng cho tám dao động trong lòng người hay tám trở lực đối với người tu chính, rèn luyện tu dưỡng nhân cách đạo đức và nói cách rộng hơn là các chướng ngại trên con đường giác ngộ giải thoát.

Tám ngọn gió đó là:

- Lợi:       Khuynh hướng chuộng danh lợi, thu vén, vun đắp lợi ích cho cá nhân mình, hay tham lam, thích chiếm hữu.

- Xưng: Tâm lý ưa thích tăng bốc, khen ngợi, muốn ta là người hoàn hảo, nổi tiếng đình đám.

- Dự:         Ưa chuộng địa vị, tôn vinh quyền thế.

- Lạc:        Trạng thái hưng phấn, hoan hỉ khi gặp thuận duyên và trở nên kiêu căng, tự mãn.

- Cơ:         Ưa thích dèm pha, cạnh khóe đối với người khác.

- Hủy:        Là sự hủy nhục, khinh rẻ, sự chê bai

- Suy:        Sự tổn hại, thiếu may mắn, suy sụp.

- Khổ:        Gặp những ngang trái, bất hạnh, đau khổ, gặp cảnh nghịch duyên.

 

Ø             Đâu là cội nguồn?

Ngọn bát phong, xét cho cùng là sản phẩm của nhận thức con người về vạn hữu, về vũ trụ. Thế nhưng con người? Khái niệm về con người bao hàm cả hình ảnh của chính mình, cái bóng dáng mờ ảo, khi ẩn, khi hiện của chính mình trên dòng chảy tâm thức từ một quá khứ xa xăm cho đến hiện tại và nhất là trong hiện tại, nổi lên cái ý niệm về bản sắc, về vai trò, địa vị của chính mình tác động liên tục đến mối quan hệ với tha nhân.

Nuôi dưỡng sự bám chấp vào bản ngã là đi liền với việc tạo dựng một không gian chật hẹp giam hãm chính mình và làm cho con người chỉ lo bảo vệ cho cá nhân mình. Một động thái trái với mình có thể làm cho mình buồn rầu, lo âu hay tỏ ra sân hận và bị ám ảnh bức bách đến thân tâm.

            Trong nhà Thiền có lưu truyền câu chuyện về thi hào Tô Đông Pha lúc làm quan ở Hoàng Châu. Chuyện kể rằng: Thiền sư Phật Ấn nổi tiếng về danh đức ở chùa Quy Đông, lúc đó Tô Đông Pha ở Hoàng Châu, hai người thường giao du, đi ngoạn cảnh và trao đổi thi tứ. Tô Đông Pha hay nói Thiền với nhà sư và thường tỏ ra tâm đắc tự mãn mình có kiến giải Phật pháp sâu rộng. Một hôm, nhà thơ làm một bài kệ xưng tụng Đức Phật và ông tỏ ra thích thú

"Cúi lạy Thiên Trung Thiên

Hào quang chiếu đại Thiên

Tám gió không lay động

Ngồi vững đài Kim Liên"

            Ông cho người nhà đem bài kệ trình cho nhà sư Phật Ấn xem, ngài xem xong yên lặng vò nát vứt đi. Người nhà của Tô Đông Pha về thuật lại sự thể như vậy, nhà thơ đùng đùng nổi giận, lật đật cùng người nhà sang gặp sư Phật Ấn để cật vấn. Nhà sư đã thấy rõ sóng vỗ động loạn trong tâm của Tô Đông Pha. Với thái độ thong dong chậm rải, nhà sư đọc tặng cho Tô Đông Pha hai câu thơ

"Hữu Phong bất động, vô phong động

Bất động vô phong, động hữu phong”

            Tô Đông Pha vội biết mình sai, lầm lũi ra về, lòng đầy thán phục và nhận ra rằng vọng động từ tâm nên cảnh vật từ đó sinh khởi. Sự việc chợt đến với ta là lúc ta biết gió nghiệp của mình có từ bên trong đang lay động.

             Cũng với người xưa, cũng với cảnh cũ. Con đường làng rợp bóng tre xanh, những chiều tà, nắng nhạt, nhưng người đi xa trở về trong phong vận ba đào, công không thành, danh không toại, tâm động dâng trào nỗi buồn vào cõi không gian vô tận.

"Về đây, buồn trong cánh chim bay

Về đây, buồn nghe gió heo may”

                        (Nhạc: Châu Kỳ)

            - Người danh sĩ, một thời ngang dọc, nuôi chí lớn trong giấc mộng bình sinh, thoáng một chốc thấy mình tay trắng mà tóc đã ngã màu sương gió, chạnh lòng man mác một nỗi sầu cô quạnh, đơn độc giữa trời đất bao la và thời gian vô tận.

"Học chẳng thành

Mà danh chẳng lập

Trai trẻ chẳng bao lâu mà đầu bạc

Trăm năm thân thế bóng tà dương”

                        (Nguyễn Bá Trác)

            Khi nhìn về phía ngoài quan sát thế giới, con người thường có khuynh hướng củng cố khái niệm về một thế giới bằng cách quy kết cho nó những thuộc tính xem ra chẳng liên quan gì đến nó.

            Khi nhìn vào bên trong, con người lầm tưởng có bóng dáng "cái tôi" ngự trị trên dòng chảy tâm thức từ quá khứ xa xăm đổ về hiện tại. Mỗi giây phút trong hiện hữu, từ lúc có tiếng khóc chào đời đến lúc vĩnh biệt, thân thể này phải chịu đựng những thay đổi liên tục và tâm thức trở thành một sân khấu của những trải nghiệm về tình cảm và về nhận thức, kết tinh thành những pháo đài của kinh nghiệm. Thế nhưng, kinh nghiệm của con người về thế giới này chẳng qua chỉ là một nội dung của dòng tâm thức, của ý thức liên tục. Vì vậy con người đã quen gắn "cái tôi" vào đó và đồng hóa luôn mình vào cái tôi, thân thế này của tôi, tư tưởng, tài sản này của tôi.v.v... lôi kéo lòng ham muốn chiếm hữu. Dục vọng hay tham vọng là những vòng xoáy cuồng loạn trên dòng chảy tâm thức được thể hiện qua những quyết định nhiều trạng thái đau khổ hay hạnh phúc, bằng những khát khao sở hữu, lòng tham ái bám víu vào những thứ ưa thích cũng như sân hận. Mọi hoạt động của tâm thức, luôn luôn kết hợp với một trạng thái nào đó của cảm giác vui, buồn, thích thú, hạnh phúc hay đau khổ. Nói khái quát hơn theo ngôn từ Phật học đó là các độc tố cơ bản của tâm: dục vọng thể hiện sự dày vò của thèm khác, sân hận với ý muốn làm hại, ngu si làm méo mó cái nhìn về thực tại.

            Thế còn tư duy? Tư duy của con người là tác nhân của hành động, vì vậy tư duy mê lầm sẽ gây ra các nhiểu loạn trong tâm thức. Tư duy hoạt động được cơ bản dựa vào các thông tin cung cấp từ sáu giác quan tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý, đồng thời dựa vào kinh nghiệm của giác quan và dựa vào kinh nghiệm tư duy gán cho sự vật.

            Lịch sử nhân loại chỉ ra rằng cái khủng hoảng cơ bản mọi thời đại chính là sự khủng hoảng của tư duy cá nhân. Ngã tính ấy là hệ quả của ba nguyên lý cơ bản để tư duy hoạt động được.

            - Nguyên lý đồng nhất: một vật là A luôn luôn là A.

            - Nguyên lý phi mâu thuẩn: một vật A hay (khác A) nhưng không thể khi thì A, khi thì (khác A).

                - Nguyên lý triệt tam: một vật là A nhưng không thể là nửa A, nửa (khác A).

            Ba nguyên lý vận hành trên cơ sở giả định rằng mọi hiện hữu đều có ngã tính cố định. Đây là cách tư duy hữu ngã (hay tư duy nhị nguyên) có chủ thể quan sát và khách thể được quan sát có ngã tính độc lập. Trong khi thực tại thì biến dịch liên tục, không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông. Vì vậy, hoạt động của tư duy khác hẳn với thực tại.

            Khuôn mẫu tư duy này đã đào sâu hố thẳm ngăn cách giữa nhận thức con người về cuộc đời, về vũ trụ như tự nó là. Cũng vì thế cái giá trị riêng mà nó quy kết cho mỗi hiện hữu không có chỗ tựa trong thực tại và bị nhát kiếm vô thường cắt đứt khiến cho con người bị chao đảo trong sự chọn lựa giữa cái giá trị ước lệ và giá trị thực của nó.

            Đây là một điều cố hữu có tính quyết định thân phận con người, đưa đẩy con người chơi vơi và dấy lên những vô số niềm đau, đồng thời làm sinh khởi những độc tố tham, sân, si, ái dục, kiêu mạn, v.v...cũng lưu xuất từ cội nguồn tư duy hữu ngã đó.

            Toàn bộ hoạt động tâm lý con người trong thường nhật gần như xoay quanh trục "chấp thủ bản ngã và tham đắm dục vọng" thể hiện qua những ước muốn, những thương yêu, hy vọng, thất vọng, ganh đua, kiêu mạn.v.v... và lầm tưởng nếu không có những trạng thái đó thì đời sống vô nghĩa, trống rỗng, nhàm chán, đồng thời xã hội không có động lực phát triển. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu sẽ thấy rằng sự vận hành của chúng chỉ là ảo giác về tự ngã, tạo nên một thế giới tưởng tượng để sống mà không phải thực tại chính nó.

            Chúng ta chia sẻ tâm sự của một nhà thơ, một người nghiên cứu và giảng dạy triết học cũng đã có giây phút bất chợt lưu đày tâm hồn mình đến vùng đất lạ hư hư, thực thực

"Thế kỷ chúng tôi trót buồn trong mắt

Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư”

            Trong nhiều lần khác, ông tuyệt vọng cùng cực đến nỗi lúc hai tay buông xuôi còn phảng phất u buồn trên mi mắt.

"Cuộc đời đã dạy anh ảo vọng có kích thước của Hỏa Diệm Sơn, thân thể đợi chờ chỉ là những thân cây mà chất lục diệp tố chẳng bao giờ còn trong sức lửa".

" Và tuổi ba mươi với bấy nhiêu lần lũy thừa đau khổ”.

                                                                        (Thơ Nguyên Sa)

            Không như Nguyên Sa, Bùi Giáng nổi tiếng là một thi sĩ dung dị tài ba, thơ của ông mang nhiều triết lý nhân sinh, vang vọng một nỗi buồn man mác nhưng đượm nồng chất bao dung, chất mộng mị về nét đẹp của nhân thế

"Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc

Lùa chân mây về ở dưới chân trời

Bước vội vã một lần  nghe gót ngọc

Giẩm trang đời lá rụng úa thu phai”

            hay:

"Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn

Hết tâm hồn và hết cả da xương”

 + Con đường tránh

Con người sinh ra từ lúc bắt đầu nhận thức được thế giới quanh mình cũng là lúc có nhu cầu về hạnh phúc và nguồn hạnh phúc cũng thay đổi dần theo tuổi đời và theo môi trường sống chung quanh.

Thế nhưng, hạnh phúc là gì? Từ ngữ này một đôi khi rất gần nhưng đôi khi xa vời vợi. Nhà hiền triết lổi lạc người Hy Lạp Aristotle đã mạnh mẽ khẳng định mục đích của con người không phải là cái hay, cái đẹp mà chính là hạnh phúc và con người đã lầm tưởng tìm kiếm tiền tài, danh vọng và khoái lạc sẽ đưa đến bờ hạnh phúc. Với một trí tuệ thông thái, một phẩm chất đạo hạnh cao đẹp ông đã trả lời rằng điều kiện của hạnh phúc là phát triển khả năng suy luận chính xác về đạo đức, về sự kiểm soát tinh thần và kiềm chế lòng ham muốn vô hạn. Vì thế hạnh phúc thực sự chỉ đến với những ai có tâm hồn đạo đức, có tâm hồn thánh thiện và cao hơn là có một đời sống minh triết. Hạnh phúc chỉ là một cảm nhận của tâm thức về nội tâm và ngoại cảnh, một cảm nhận không điều kiện, an lạc, hân hoan, nhẹ nhàng, bay bổng.

Mỗi hiện hữu của con người đều mang nặng trên vai túi "càn khôn" chứa đầy những đam mê dục lạc, danh vọng, tiền tài, lợi lộc, đố kỵ, ganh ghét, sân hận, hơn thua, được mất - gọi chung là "bát phong" và hạnh phúc chỉ đến với con người khi ta làm vơi dần những gì ta đang có trong túi "càn khôn".

- Nó rất thật giản dị và gần gũi bên người khi dòng chảy của tâm thức bắt nhịp được và hòa nhập được cùng thiên nhiên vũ trụ, đó là lúc ta cảm nhận được hạnh phúc.

"Người ngồi đây ngó mây trời biền biệt

Lơ thơ bay loáng thoáng cánh chuồn chuồn”

                                    (Bùi Giáng)

- Đến những công việc rất tầm thường, dẫn bò đi ăn trên đồi hoang, trong cảnh đất trời mênh mông cô tịch, dù không mời gọi, hạnh phúc vẫn đến khi trong lòng không chút gợn.

"Anh nằm xuống để nhìn lên cho thỏa

Anh thấy lòng mở rộng đến trời xanh

Chìm ngây ngất vào trong đôi mắt lả

Anh lim dim cho chết lịm hồn mình”

                                    (Bùi Giáng)

            Trước đây hơn 2.500 năm, Đức Phật Thích Ca đã tuyên bố: "Ta chỉ nói khổ và con đường diệt khổ”. Với lời dạy của Đức Phật ta hiểu ngầm rằng: "Diệt được khổ là đạt đến hạnh phúc”. Lại nữa "Chúng ta phải là sự thay đổi mà chúng ta muốn thấy trong thế gian này, Thánh Gandhi đã nói như thế.

 

 

`

Tài liệu tham khảo:

1.       Tô Đông Pha: Tuệ sỹ, NXB Văn hóa Sài Gòn 2008

2.       Lý thuyết nhân tính: Thích Chơn Thiện, NXB Phương Đông 2009

3.       Tâm lý học Phật Giáo: Thích Tâm Thiện, NXB Thành phố 2000

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle