Chùa Trúc Lâm, Huế

CHÙA TRÚC LÂM ĐẠI THÁNH

 

 

THÍCH LƯU THANH

  

Chùa Trúc Lâm Đại Thánh, gọi tắt là Trúc Lâm, cũng như nhiều ngôi chùa khác ở Huế, ban đầu chỉ là một am nhỏ đơn sơ. Chùa tọa lạc trên đồi Dương Xuân thượng thuộc làng Thuận Hòa, xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy, cách kinh thành Huế khoảng 5 km về hướng nam.

Đồi Dương Xuân thượng tuy không cao, quang cảnh không hùng vĩ, nhưng mang nét trầm mặc hiền hòa thích hợp với những tâm hồn yêu mến thiên nhiên. Hai bên sườn đồi lại có khe và núi làm tả phụ hữu bật; trên đỉnh là hàng thông xanh biếc quanh năm cùng với gió tạo nên những khúc nhạc thiền bất tuyệt như giúp người thoát tục. Phía bắc đồi giáp đàn Nam giao; phía nam giáp dãy núi Truồi trải dài thăm thẳm tận núi Quảng Đà, làm thành bức bình phong muôn đời kiên cố; phía đông có ngọn Thiên Thai im lìm bên chiều nhạt nắng; và phía tây có núi Kim Phụng luôn dang rộng đôi cánh vàng khoe sắc với thiên nhiên, tô thắm phong cảnh cho ngọn đồi. Tùy theo thời tiết mà ngọn đồi cũng bốn mùa thay đổi. Xuân đến hoa rừng nở rộ điểm tô cho quang cảnh. Thu về mây trắng phủ mờ, đưa vạn vật vào một khung cảnh thâm u huyền diệu. Mùa đông giá rét, nhưng lũy tre và đồi thông lúc nào cũng giữ nguyên màu xanh biếc, bất biến vẹn toàn, như cái định lực thiền quán của Trúc Lâm mà chư Tăng ở đây đang dốc tâm trau dồi để chấn hưng Phật giáo. Hè về một khung trời xanh thẳm tỏa xuống đồi; cảnh vật xung quanh chùa cùng với tịnh tâm của chư Tăng dệt nên tấm thảm sống động vô giá. Dưới chân đồi là dòng khe uốn khúc, tiếng nước quanh năm róc rách như bài thiền ca từ vạn cổ:

Thanh sơn bất mặc thiên thu hoạ     

Lục thủy vô huyền vạn cổ cầm.          绿

Trước mặt chùa có hồ nước hình chữ S, hình dáng nước Việt Nam, như luôn nhắc nhở quần chúng rằng Đạo pháp luôn gắn liền với Dân tộc.

Cảnh chùa đơn sơ mà uy nghiêm, mộc mạc nét an nhiên giải thoát. Ngày xưa cư sĩ Đoàn Lục Quán có lần lên thăm chùa lạy Phật đã cảm tặng bài thơ:

        Trúc Lâm chùa ở chốn thần kinh,

        Phong cảnh nhìn xem rất hữu tình

Trước mặt bờ khe phơi cát trắng

Sau lưng chòm núi rợp cây xanh.

Gió từ quét sạch rừng phiền não

Mưa pháp trôi đùa áng lợi danh

Y bát mai sau truyền chánh pháp,

Tre già măng mọc ngắm càng xinh.

Để bước chân đến cảnh này khách thập phương chỉ mất chừng nửa giờ đi xe từ kinh thành hướng về đàn Nam Giao, theo đường Điện Biên Phủ, qua khỏi cầu Lim 2 bên trái có cái chợ nhỏ - xưa gọi là chợ Cầu Lim - rẽ trái chừng 500 mét là đến nơi. Con đường đất quanh co từ chợ Cầu Lim đến cổng chùa quanh năm im bóng, um tùm vắng lặng, uốn khúc men theo dòng khe hai bên rợp bóng tre xanh và dương liễu. Giữa tiếng nước chảy róc rách đâu đó lại điểm xuyến vài tiếng chim kêu hay những đợt gió thổi rào qua rừng thông; thật đúng như cảnh trí khi xưa cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đã từng cảm tác:

Đường Trúc Lâm đá vàng cát trắng,

Cảnh Trúc Lâm, cảnh vắng người thanh

Dòng khe lượn khúc như tranh

Rừng cây rợp bóng tươi xanh bốn mùa.

Đến cổng Tam quan, du khách bước vào một khoảng sân thoáng đãng với khá nhiều bông hoa cây cảnh. Không xa đó bên phải là bảo tháp của Hoà thượng Thích Mật Hiển, vị trú trì đã viên tịch năm 1992. Sau lễ đại tường, pháp phái Trúc Lâm đã đồng tâm đại trùng hưng ngôi chánh điện, tiền đường và hậu tổ theo dạng tổ đình Từ Hiếu. Trên các trụ cột của chánh điện đều có các câu đối liên, hầu hết đều do tổ Giác Tiên một vị sư giỏi chữ hay văn sáng tác, và một số do cụ Hồ Đắc Trung làm biếu tặng.

Ngược dòng lịch sử. Trước khi về nhận chùa, Hòa thượng Giác Tiên đã cùng sư cụ Diên Trường đi tham vấn đó đây, nhất là vùng núi Yên Tử phía Bắc. Khi đến Trúc Lâm Yên Tử, ngài đã lưu lại một thời gian, và hai vị đã sưu tầm một số pháp bảo quý giá như kinh điển, pháp khí. Trở về Huế, ngài đã quyết định đặt tên chùa là Trúc Lâm Đại Thánh, có ý liên hệ với Trúc Lâm tinh xá thời Phật còn tại thế, và gần hơn là Thiền phái Trúc Lâm ở nước Việt Nam ta do vua nhà Trần thiết lập. Qua đây chúng ta thấy ý tổ khai sơn mong muốn chùa đi theo con đường tu học và sinh hoạt của tinh xá Trúc Lâm và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vậy.

Có thể nói chùa Trúc Lâm gắn liền với tên tuổi của vị tổ khai sơn, Hòa thượng Giác Tiên. Thiền sư pháp danh Trừng Thành, tự Chí Thông, thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 42. Ngài họ Nguyễn Duy, húy Quyển, sanh năm Canh Thìn niên hiệu Tự Đức thứ 33 (1879) tại làng Dạ Lê thượng, xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy. Khi ngài vừa lên bốn tuổi thì song thân đều mất, phải về ở với ông bà bác đồng tộc. Nhờ tư chất thông minh, ngài được thân tộc cho theo đuổi học vấn. Đến năm 11 tuổi (1890), ngài xin xuất gia và được thọ giáo với tổ sư Tâm Tịnh, đời thứ 41 thuộc dòng Lâm Tế, người khai sơn tổ đình Tây Thiên. Đầu tiên ngài được tu học tại tổ đình Từ Hiếu, nơi ngài Hải Thiệu đang làm trú trì và ngài Tâm Tịnh làm giám tự. Năm 14 tuổi ngài được tổ cho thọ giới Sa-di. Đến năm 1907, Hòa thượng đàn đầu Vĩnh Gia tổ chức đại giới đàn tại chùa Phước Lâm tỉnh Quảng Nam, ngài được bổn sư cho đăng đàn thọ cụ túc giới. Tại đây ngài được cử làm thủ chúng Sa-di, lúc vừa 28 tuổi.

Trong lúc đang hành trì giới luật bên cạnh bổn sư thì ngài được Hòa thượng Hải Thiệu công cử ra lo việc chùa Phổ Quang, gần dốc Bến Ngự, do vị trú trì vừa viên tịch đã giao chùa lại cho ngài Hải Thiệu. Cùng chung lo Phật sự tại đây có sư bà Diên Trường, nhưng vì sự huyên náo của ngành hỏa xa trước cổng chùa này, đến đầu năm 1911, sư bà Diên Trường vào thôn Thuận Hoà lập thảo am trên đồi Dương Xuân, và sau đó thỉnh ngài về làm tổ khai sơn. Trên cương vị trú trì đầu tiên của chùa, Hòa thượng đã thi hành một số Phật sự vào các năm:

Khải Định thứ hai (Mậu Ngọ, 1918), ngài mở đại giới đàn tại chùa Từ Hiếu, cung thỉnh Hòa thượng Tâm Tịnh làm đàn đầu.

Khải Định thứ chín (Giáp Tý, 1924), ngài vân tập đại Tăng an cư kiết hạ tại chùa.

Bảo Đại thứ nhất (1925), ngài được chiếu chỉ của triều đình mời làm trú trì ngôi quốc tự Diệu Đế.

Năm Bính Dần 1926, ngài cho trùng tu toàn bộ Phật điện và tăng xá chùa Trúc Lâm. Đến năm 1928, ngài biến Trúc Lâm thành nơi đào tạo tăng tài.

Năm Kỷ Tỵ 1929, ngài vào Tổ đình Thập Tháp cung thỉnh Hòa thượng Phuớc Huệ ra Huế làm chủ giảng.

Năm Canh Ngọ 1930, ngài khuyến khích và giúp đỡ sư bà Diệu Hương xây dựng và mở Ni trường Diệu Đức.

Năm Tân Mùi 1931, ngài là người đầu tiên khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo và vận động thành lập Hội An Nam Phật học, đồng thời đi thỉnh nhiều vị thiền sư tài đức về chung lo Phật sự.

Năm Quý Dậu 1933, ngài ủy cử thiền sư Mật Khế vị đệ tử xuất sắc của ngài mở trường An Nam Phật học sơ cấp tại chùa Vạn Phước.

Năm Giáp Tuất 1934, vua Bảo Đại ban sắc chỉ đặt tên chùa là ‘Sắc tứ Trúc Lâm Đại Thánh tự’.

Năm 1935, Pháp sư Trí Độ đảm nhiệm chức vụ Đốc giáo sau khi trường dời từ chùa Túy Vân về chùa Báo Quốc. Trong năm này ngài cùng đệ tử Mật Khế tổ chức trường An Nam Phật học tại Trúc Lâm, thu nhận 50 học tăng. Đến cuối năm ngài lại quy tụ các học tăng có trình độ cao về Trúc Lâm để mở thêm cấp Đại học Phật giáo, và đó là lớp Đại học Phật giáo đầu tiên có tại miền Trung. Ngoài vị đệ tử lớn của ngài là thiền sư Mật Khế, ngài còn có vị đệ tử tại gia rất xuất sắc là Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, người đã vâng lời ngài chung lo việc Hội và soạn thảo chương trình tu học cho thanh thiếu niên Phật tử. Bao nhiêu trọng trách đè nặng trên vai nên ngài sớm thọ bệnh.

Ngày 2 tháng 10 năm Bính Tý, ngài cho quy tụ đồ chúng để nghe giảng kinh Pháp Bảo Đàn. Hai hôm sau khi giảng xong phẩm Bát nhã, ngài nhìn từng đệ tử để truyền kệ, và vào lúc 20 giờ ngày mùng 4 tháng 10 niên hiệu Bảo Đại thứ 11 (tức ngày 17.11.1936), ngài đã an nhiên thị tịch, thọ thế 57 năm. Ngài viên tịch trong lúc đang đảm nhận trách vụ trú trì hai tổ đình Trúc Lâm và Diệu Đế, và chứng minh đạo sư cho hội An Nam Phật học.

Trong cuộc đời tu và hành đạo của mình, ngài đã đem hết tâm nguyện để biến Trúc Lâm trở thành nơi đào tạo tăng tài, hoằng pháp lợi sanh, và nhất là một chốn già lam đầy hương thiền vị. Với công hạnh và đức độ của ngài, tổ sư Tâm Tịnh đã phó pháp bài kệ sau:

          Giác đạo kiếp không Tiên

Không không bát nhã Thuyền

Quả nhân phù hạnh giải

Xứ xứ tức an nhiên.

(Đường giác kiếp không trước, thuyền bát nhã không không, hạnh giải hợp nhân quả, ở đâu cũng thung dung.)

Giáo sư Nguyễn Lang viết: “Thiền sư Giác Tiên có thể gọi là người đã khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung. Thiền sư hướng đạo cho hội An Nam Phật học được bốn năm thì viên tịch. Các đệ tử của ngài là thiền sư Mật Khế, Mật Hiển, Mật Nguyện và Mật Thể đều đóng những vai trò quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo sau này.” (Việt Nam Phật giáo sử luận 3).

Trở lại chùa. Đến trước cổng tam quan ta thấy có hai đôi câu đối:

1) Trúc nguyệt ấn thiền tâm dã sắc thiên quang tham diệu tướng

   Lâm phong tuyên giác đạo khê thanh tùng vận hoà viên âm.

Tạm dịch:

Trúc nguyệt chứng tâm thiền cảnh quê nắng trời đều diệu tướng

Lâm phong bày đạo giác suối chảy thông reo cùng hòa âm.

2) Pháp hữu vi thù tâm đạo đồng quy đăng hữu bát

Môn khai bất nhị quán tâm vô ngại vị khai tam.

       

       

Tạm dịch:

Pháp có sai khác, tâm đạo đồng về mà có tám

        Môn khai không kẹt, quán tâm vô ngại lập làm ba.

Qua vuông sân nhỏ du khách đến trước chánh điện, một kiến trúc xây theo kiều Á Đông, mái cong lợp ngói đỏ có gắn long lân quy phụng trên nóc, chia làm ba phần: phía trước là tiền đường, giữa là chánh điện sau là hậu tổ. Tiền đường tả hữu là lầu chuông trống. Chánh điện bên trong khám thờ đức Bổn sư, bên trái có ngài Ca-diếp đứng cầm hoa sen miệng mĩm cười, bên phải có ngài A-nan tay bưng bình bát như đang chờ đợi đệ tử kế thừa. Ở tầng kế tiếp thờ đức Phật Dược sư, hai bên có đức Quan Âm và Địa Tạng. Phía trước tầng này là bàn để chuông mõ. Trên tường có treo bức hoành sơn son thếp vàng bảy chữ “Sắc tứ Trúc Lâm đại thánh tự” và dòng chữ nhỏ “Bảo Đại bát niên cát nhật tạo”.

Gian bên trái phía trên thờ ngài Văn-thù-sư-lợi, bàn thấp hơn thờ đức Quan Thế Âm, cạnh bên trái sát tường là tôn tượng ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Gian bên phải phía trên thờ ngài Phổ-hiền, thấp hơn là bàn thờ ngài Đại Thế Chí, cạnh tường là tôn ảnh của ngài Thạch Liêm Thích Đại Sán. Phía ngoài là hai bàn Tiêu Diện và Hộ Pháp đối diện nhau.

Trước cửa chánh điện có hai câu đối:

3) Kiến tánh ly trần khởi phân biệt nhi tuỳ duyên tự tại

Chơn tâm vô vọng xuất thị phi dĩ diệu tuệ trang nghiêm

       

       

Tạm dịch:

Thấy tánh xa trần khởi phân biệt mà tùy duyên tự tại

           Tâm chơn không vọng lìa thị phi để trang nghiêm diệu tuệ.

4) Tốn thủy trường ba thiệp hoán chi huyền vô tận thuỷ

Càn sơn cao thanh nhãn quang du hý vạn trùng sơn.

       

       

Tạm dịch:

Biển đông sóng vồn đun đẩy liên miên vô cùng tận

         Núi tây vang dội ánh mắt vui đùa muôn dặm núi.

Bên trong chánh điện lại có câu:

        5) Hương lý kết tường vân tam thân viên hiển

Hoa khai trình diệu tướng thập hiệu hùng tôn.

       

       

Tạm dịch:

        Hương khói kết mây lành ba thân toàn hiện

        Đài hoa nêu tướng tốt mười hiệu Như lai.

Hậu Tổ cách chánh điện bằng một bức tường ván sơn trắng nhạt. Gian giữa thờ di ảnh tổ Giác Tiên bằng sơn mài lọng kiếng, trên bàn thờ có ba long vị: ở giữa là long vị của tổ Phước Huệ chùa Thập Tháp Di-đà tỉnh Bình Định; bên trái là long vị tổ Tâm Tịnh khai sơn chùa Tây Thiên, và bên phải là long vị tổ Huệ Pháp giáo thọ chùa Thiên Hưng. Phía dưới ba long vị này là long vị của ngài Giác Tiên, thấp hơn nữa là long vị Hòa thượng Thích Mật Hiển; hai bên có di ảnh của hai ngài. Từ tường nhìn ra, hai bên có hai câu đối của cụ Hồ Đắc Trung thân phụ của sư bà Diệu Không đề tặng khi ngài Giác Tiên vừa viên tịch:

         6) Học hạnh khiêm ưu bình tố năng linh nhơn cảnh mộ

Tử sanh vô ngại tu trì định hoạch Phật siêu thăng.

       

       

Tạm dịch:

Học hạnh khiêm ưu vốn xưa năng khiến người mến mộ

Sống chết không ngại tu trì kết quả Phật siêu thăng.

        7) Vị kế Đông sơn phi cụ nhãn yên minh tổ ý

Pháp khai Nam lĩnh thị mê nhơn bất khế Phật tâm.

       

       

Tạm dịch:

Ngôi nối núi Đông, không mắt tuệ sao rõ ý tổ

Pháp mở rừng Nam, nếu người mê, không hợp tâm Phật.

Phía trên hai câu đối này có bức hoành đề bốn chữ “Tây lai đại ý”.

 

Trên bàn thờ tổ có thờ bộ kinh Kim Cang thêu trên lụa Tàu. Pháp bảo này do sư bà Diệu Nhàn phát tâm thêu bằng chữ Hán vào đời Cảnh Thịnh thứ 8, có bài tựa do chính vua ngự đề tại thành Thăng Long, được chúa Nguyễn thỉnh về kinh đô Huế để thờ. Bộ kinh này bị thất lạc trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh, sau tổ Giác Tiên trên đường hoằng hoá gặp được ở một ngôi chùa làng, ngài xin thỉnh về thờ tại tổ đình Trúc Lâm. Cùng với bộ kinh này là một lư trầm bằng đá có từ đầu triều Nguyễn. Mặt trước lư khắc ba chữ ‘Sơn bảo tự’, mặt sau khắc ba chữ ‘Bát sơn lô’, hai bên có chạm khắc hai bài thơ chữ Hán đường nét rất đẹp, hiện vẫn được dùng xông trầm cúng Phật tại chùa.

Ngoài ra chùa còn giữ một pháp bảo vô cùng trân quý là cái bình bát bằng kim sa của tổ Thạch Liêm Thích Đại Sán, vị trú trì đầu tiên của chùa Thiên Mụ. Sau vì chiến tranh loạn lạc, bình bát này trôi dạt ngoài dân gian cho đến ngày tổ Giác Tiên cũng nhân đi hành hoá ở thôn quê mà gặp được, biết là bảo vật vô giá, ngài đã kiếm tiền mua về để thọ trì. Bình bát được trở lại chốn thiền môn kể từ ngày đó.

Bên tả bàn thờ tổ là bàn thờ chư tăng viên tịch, bên hữu thờ di ảnh và bài vị của sư bà Diên Trường và chư ni đệ tử.

Sau nhà tổ bên phải là nhà thiền hay Tây đường, nơi ngày xưa tổ khai sơn dùng để hành trụ tọa ngọa. Nay ở giữa thờ di ảnh và pháp khí của Hòa thượng Thích Mật Hiển, hai bên có hai câu đối của tổ Tâm Tịnh:

        8) Thật đức trì thân hướng liên xã cánh tăng hỷ mộ

Bình tâm tế thế khánh huyên đường cập đỗ vinh quang.

       

       

Tạm dịch:

Đức trọng giữ thân hướng Di-đà càng thêm ái mộ

Tâm bình giúp đời mừng tôn thân cùng thấy vẻ vang.

Kế tiếp Tây đường là nhà hậu, nguyên trước là chánh điện của chùa, đến năm Bảo Đại thứ 17 (1942), Hòa thượng Thích Mật Hiển đại trùng kiến chùa theo hình chữ khẩu, đưa chánh điện lên phía trước, hai bên là đông đường dùng làm nhà khách và tây đường là thiền thất; chánh điện cũ dùng làm nhà hậu để thờ chư vị tiền bối hữu công và hương linh thiện nam tín nữ.

Bên trái nhà hậu là nhà khách, trước là ngôi nhà vuông lợp tranh, sau biến cố Tết Mậu Thân (1968) được xây lại, thay mái ngói. Nơi đây lưu giữ bộ Tam tạng giáo điển bằng chữ Hán cùng các tài liệu, kinh sách do tổ khai sơn và thiền sư Mật Thể sưu tập, cũng như những bộ sách do cụ Tâm Minh Lê Đình Thám dùng để dạy các lớp Phật học trước đây. Đặc biệt trong gian nhà này còn có nhiều câu đối do chính tay tổ Giác Tiên viết và khắc trên tre La ngà, như hai câu sau:

9) Dục trừ phiền não tu vô ngã.      

Lịch tận gian nan hiếu tác nhân     

Tạm dịch:

Muốn trừ phiền não nên vô ngã

        Trải hết gian nan mới nên người.

 

           10) Thanh sơn bất mặc thiên thu hoạ    青山不默千秋畫

        Lục thủy vô huyền vạn cổ cầm.     绿水無絃萬古琴

Tạm dịch:

Núi xanh không mực là tranh ngàn năm

        Nước biếc không dây là đàn muôn thuở.

Tất cả vây quanh một cái sân hình chữ khẩu: trước là tiền đường, sau là nhà hậu, bên phải Thiền thất, bên trái nhà khách. Giữa sân là một hồ nước nhỏ, trên có hòn giả sơn do chính Hòa thượng Thích Mật Hiển tự tay vun đắp. Khung cảnh tịch mặc mà ấm cúng, gần gũi như muốn giúp người sớm thoát tục. Thiền sư Thích Mật Thể lúc ở chùa này đã đề thơ nhắn nhủ:

          Trăng sáng sau khi trời mới tạnh

Ngoài hiên văng vẵng tiếng chuông đưa

Tiếng chuông ngân ngợi trong đêm vắng

Thử hỏi lòng ai đã tỉnh chưa?

Cuộc sống tại đây vốn rất đạm bạc từ khi tổ Giác Tiên còn tại thế. Ngài chủ trương xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo. Ngài thường dạy đệ tử: ‘Chùa đất Phật vàng thì mới quý. Đã xả thân cầu đạo giải thoát thì không ngại khó khăn, không nề gian lao, không từ nguy hiểm.’ Có thể nói lời dạy này cũng là đường nét tóm tắt của chùa Trúc Lâm, từ phong cảnh bên ngoài cho đến cuộc sống tu trì và hành đạo của tăng chúng trong chùa. Hương thiền Trúc Lâm chắc chắn sẽ tỏa mãi hạnh nguyện của vị tổ khai sơn: ‘phục hưng chánh pháp, thế thế truyền đăng’.

Phụ bản:

Bài minh khắc trên bia ký nơi tháp Tổ Giác Tiên (bản dịch trích từ ‘Trúc Lâm Thiền phái tại Huế’ của Tín Nghĩa):

Bài minh khắc nơi tháp của HT Giác Tiên, pháp danh Trừng Thành, thụy hiệu Chí Thông, thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 42. Nguyên trú trì ngự chế chùa Diệu Đế, khai sơn chùa Trúc Lâm Đại Thánh, sáng lập An Nam Phật học hội và làm Chứng minh đạo sư cho hội ấy.

Đại sư nguyên người làng Dã Lê thượng, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên, sinh năm Canh Thìn niên hiệu Tự Đức thứ 33.

Năm Giáp Ngọ, niên hiệu Thành Thái thứ 6, nhân đám tang thầy mà cảm nhận tính chất vô thường của cuộc đời; thêm vào đó, nhờ xem Giới đàn chùa Báo Quốc ở cố đô Huế, nên bỗng nhiên khơi dậy chí nguyện xuất trần. Ngài đến chùa Từ Hiếu đãnh lễ HT Tâm Tịnh và xin xuống tóc xuất gia.

Ngài là người căn tánh thông lợi, khá am tường kinh luật, đã nhiều lần muốn dựng am ở núi Dương Xuân để tịnh tu, nhưng không thành. Thế nhưng, sau đó có Tỳ kheo ni họ Hồ, pháp danh Thanh Linh, hiệu Diên Trường, tán thưởng ý chí của ngài, đứng ra lập chùa Trúc Lâm và mời ngài làm tọa chủ.

Gặp lúc HT. Vĩnh Gia mở đại Giới đàn ở chùa Phước Lâm, tỉnh Quảng Nam, ngài liền xin thọ Cụ túc giới, bấy giờ vừa đúng 28 tuổi. Thọ xong Cụ túc giới, ngài trở về chùa Thiên Hưng, Huế, mở trường dạy học. Rất nhiều Tăng Ni nhờ sự giáo huấn của ngài mà được thấm nhuần Phật pháp.

Ngài đắc pháp với HT. Tâm Tịnh qua bài kệ phú pháp sau:

Giác đạo vượt hậu tiền,

Không không thuyền bát-nhã.

Hạnh giải hợp quả nhân,

Nơi nơi đều an lạc.

Ngài quả thực đã thấu rõ yếu chỉ cửa Phật giòng Thiền. Năm Giáp Ngọ đời vua Khải Định, ngài mở Giới đàn ở chùa Từ Hiếu và cung thỉnh HT. Tâm Tịnh truyền giới pháp. Khắp nơi xa gần đều nhờ ơn hóa độ, nước cành dương đã rưới đến Tây Thiên.

Đến năm Giáp Tý, niên hiệu Khải Định thứ 9, ngài tập họp đại Tăng và tổ chức an cư kiết hạ 3 tháng ở chùa Tường Vân. Mãn hạ, cũng tức là phương thức lợi mình lợi người, phước huệ song tu một cách đầy đủ. Ngài đúng là rường cột của cửa Thiền, sứ giả của Phật tổ.

Hằng ngày ngài thường tham cứu hai câu:

Các pháp từ xưa nay

Chơn tướng vốn tịch diệt.

(Chư pháp tùng bản lai, Thường tự tịch diệt tướng.)

Đời vua Bảo Đại thứ nhất, ngài được sắc chỉ mời làm trú trì chùa Diệu Đế; qua năm sau, lo trùng tu toàn bộ Phật điện và Tăng xá chùa Trúc Lâm.

Noi theo đại hạnh của Bồ tát Phổ Hiền, muốn độ thoát tất cả; do đó ngài mời HT. Phước Huệ từ Bình Định ra chùa Trúc Lâm để giảng dạy kinh điển. Chẳng bao lâu, thiện tín phát tâm tu học khắp nơi tụ họp về và cũng nhờ thế mà Hội Phật học đã được hình thành trong một thời gian rất ngắn. Tiếp theo, các Phật học đường lớn nhỏ bắt đầu dựng lên.

Hội Phật học ngày càng lớn mạnh, phần nhiều đều do nguyện lực của ngài. Thế rồi, ngày mồng 2 tháng 10 năm Bảo Đại thứ 11, ngài cho mời các đệ tử tới tụng kinh Pháp Bảo Đàn, đến phẩm Bát-nhã; đem sự nghiệp Phật pháp phú thác xong xuôi, vào ngày mồng bốn tháng 10 năm ấy, ngài an nhiên viên tịch. Ngài thọ 57 tuổi đời và có 29 tuổi đạo. Tháp ngài được xây bên cạnh chùa Trúc Lâm.

Đúng như Bát-nhã Tâm Kinh:

        “Xa lìa mộng tưởng điên đảo, đạt đến Niết-bàn.”

Trong pháp giới nếu không có mê mờ sanh tử thì lấy gì làm duyên cho giải thoát giác ngộ? Vì thế, tôi đem vài ý nghĩ thô cạn viết thành bia, kệ, tụng, pháp môn niêm khắc nơi tháp với hy vọng người sau sẽ nhân đây mà tiến xa hơn, hoàn bị hơn.

Đạo phong cao diệu, pháp độ hoằng viên như Đại sư, thật đáng để đời sau suy tư, tuyên dương. Nay đem di tích của ngài soạn thành văn, khắc vào đá để lại cho đời; đồng thời, kính nguyện Phật giáo ngày một thêm rạng rỡ, huy hoàng. Nội dung bài minh như sau:

Đất linh Hương Bình

Sinh được Cao Tăng

Diệu ngộ từ bé

Trần niệm sạch trong.

Xả thân vì đạo

Thiền nghiệp vượng hưng

Hồng chung vang dội

Vua dân đều mừng.

Tăng đồ đông đúc

Chỉ một mình thầy

Đêm dài mờ mịt

Thầy là đuốc soi.

Bờ giác mênh mông

Thầy làm hải đăng

Hoa Đàm một tập

Bí điển ngàn tầng.

Sao dời vật đổi

Núi đạo khôn băng

Bia đá rạng rỡ

Xưng tụng vĩnh hằng.

Tháng Chạp năm Đinh Sửu, niên hiệu Bảo Đại thứ 12, ngày đức Phật thành đạo, dựng bia:

Hiệp tá Đại học sĩ, Nguyễn Đình Hòe, Hội trưởng hội An Nam Phật học và toàn thể hội viên.

Soạn văn: Thượng thư phụ trách Tổng tài Quốc sử quán, kiêm Phó Hội trưởng Hội Phật học, Lê Nhữ Lâm./.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác