Phật giáo Trung Quốc hiện đại và các tôn giáo khác với các phương tiện truyền thông hiện đại

Phật giáo Trung Quốc hiện đại và các tôn giáo khác với các phương tiện truyền thông hiện đại

 

 

 

Minh Thạnh   

 

 

 

Sau khi nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào tháng 10/1949 thay thế chính quyền Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch, một chính sách tôn giáo mới được áp dụng, có ảnh hưởng rất lớn đối với hoạt động tôn giáo ở Trung Quốc. Là một tôn giáo, Phật giáo ở Trung Quốc cũng phải chịu những hậu quả của các chính sách cực đoan lúc đó từ nhà cầm quyền. Công cuộc chấn hưng Phật giáo đang tiến triển thì coi như đã bị kết thúc. Hoạt động tu hành ngày càng thu hẹp.

Tuy nhiên, Phật giáo cũng phần nào còn được duy trì hoạt động.

Tin Lành, với các giáo phái khác nhau, vốn phát triển rất mạnh việc truyền đạo ở Trung Quốc từ đầu thế kỷ XX, đặc biệt là từ khi Tưởng Giới Thạch cải đạo từ Phật giáo sang Tin Lành Methodist, đã hầu như ngừng mọi hoạt động công khai sau năm 1949. Một số không nhỏ tín đồ Tin Lành tích cực là người của Quốc dân đảng đã chạy ra đảo Đài Loan, khiến đạo Tin Lành tại Trung Quốc lúc bấy giờ mất đi một chỗ dựa quan trọng. Trong những năm sau đó, khi cuộc chiến Triều Tiên nổ ra, thái độ chống Mỹ ở Trung Quốc lên đến cao điểm, thì các giáo phái Tin Lành, phần lớn đến từ Mỹ, trở thành đối tượng của sự nghi ngại từ nhà nước.

Đối với đạo Thiên Chúa La Mã, thì nhà nước Trung Quốc đối phó bằng cách lập một giáo hội độc lập, tách rời khỏi Giáo hội Vatican và chỉ chấp nhận giáo hội độc lập ấy mà thôi.

Phật giáo Trung Quốc chịu nhiều thiệt hại từ Đại Cách mạng Văn hóa được phát động từ năm 1966.

Thực ra, Phật giáo không phải là đối tượng chính của phong trào này. Một trong những đối tượng đấu tranh chính của Cách mạng Văn hóa là tàn dư của chế độ phong kiến. Cho nên, không phải chỉ là chùa, mà đình, miếu, đền quán (cơ sở thờ tự của Lão giáo) cũng đều bị thiệt hại trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa này. Trong những năm Cách mạng Văn hóa lên đến cao điểm với khẩu hiệu “phê phán Lân Bưu, Khổng Tử” thì người ta không còn phân biệt đâu là nơi thờ Phật, đâu là nơi thờ Khổng Tử, mà cứ là có thờ phượng, lạy lục, cúng bái thì tất đều là đối tượng phê phán đấu tranh.

Đến cuối cuộc Cách mạng Văn hóa, khi chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời (1976), thì phần lớn người dân Trung Quốc đã là người không tôn giáo.

Từ năm 1978, chính sách mở cửa và bốn hiện đại hóa bắt đầu được triển khai tại Trung Quốc. Việc tiếp xúc với phương Tây được khởi động và đẩy mạnh sau đó. Mối quan hệ mới đó đã được các tôn giáo phương Tây nhanh chóng khai thác. Đạo Tin Lành, coi đất nước Trung Quốc 1,3 tỷ dân, với đa số là người không tôn giáo, là cánh đồng màu mỡ và mênh mông để gieo hạt giống truyền đạo. Càng về sau, hoạt động truyền đạo của Tin Lành càng tăng cao, và từ cuối thập niên 90, họ đã lựa chọn phương tiện truyền thông chính để hỗ trợ cho hoạt động này là internet.

Không thuận lợi trong việc đào tạo, huy động một số lượng mục sư đông đảo phục vụ truyền đạo ở một đất nước đông dân nhất thế giới, các giáo phái Tin Lành sử dụng công thức: người theo đạo tích cực + giáo lý từ internet + thánh đường tại gia => truyền đạo.

Đối với các giáo phái Tin Lành, truyền đạo ở Trung Quốc không phải là phục hồi, mà là truyền mới. Do đó, họ nhắm vào đối tượng giới trẻ, giới sử dụng internet nhiều nhất, giới tiếp xúc với văn hóa phương Tây nhiều nhất.

Đối tượng du học sinh Trung Quốc tại các nước phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ, được coi là đối tượng trọng điểm để truyền đạo. Những người này được các giáo hội Tin Lành đưa vào tầm ngắm khi vừa đặt chân xuống phi trường các nước du học. Sinh ra từ những năm 70, 80 thế kỷ XX. Khi cuộc Đại Cách mạng Văn hóa kết thúc, những du học sinh Trung Quốc không hề chịu ảnh hưởng của một tôn giáo nào, nên là những “tờ giấy trắng” tôn giáo rất quý đối với các Giáo hội Tin Lành. Họ rất dễ tiếp nhận tín ngưỡng mới, khi mà tín ngưỡng này xuất phát từ chính nơi mà họ đến học tập những kiến thức mới. Đạo Tin Lành được đối tượng này coi là thuộc về những giá trị mới. Khi về nước, những tín đồ mới theo đạo này còn mang “sứ mạng” của những “nhà truyền giáo”.

Mối quan hệ với các giáo hội phương Tây được giữ qua internet và các phương tiện truyền thông hiện đại khác.

Kết quả ra sao đối với Trung Quốc? Bài báo “Christianity in China: Sons of heaven” đăng trên tờ The Economist (4/10/2008, được trích lược lại trên trang web BBCvietnamese.com ngày 6/10/2010) cho thấy rõ kết quả của hoạt động kể trên:

“Đặc biệt, hiện tượng giới trẻ tầng lớp doanh nhân và có học coi việc theo đạo Chúa là “hiện đại”, “mới mẻ”, sẽ có tác động lâu dài đến xã hội Trung Quốc”

Trung Quốc chính thức chỉ có 16 triệu người theo Tin Lành và 5 triệu Thiên Chúa Ca tô… Nhưng các số liệu được Economist trích dẫn cho thấy con số thực người theo các hệ phái Cơ đốc giáo rất lớn.

Trong bài “Christianity in China Sons of heaven” (04/10/2008), bài báo trích các ước tính khác nhau nói tín đồ Cơ đốc giáo và Thiên Chúa giáo La Mã vào khoảng từ 70 đến 130 triệu.

Quan trọng hơn cả là trào lưu theo đạo và cách thức hoạt động của các nhóm học Thánh Kinh, ca hát tại gia ngày càng lan rộng ra các giới từ nông thôn đến thành thị.

Di dân nội bộ giữa các vùng giao lưu trong ngoài qua internet cũng đóng vai trò để Phúc Âm lan tỏa ở Trung Quốc.

Nếu nỗ lực “truyền mới” Cơ đốc giáo tại Trung Quốc đến từ phương Tây, mà chủ yếu từ Mỹ thì nỗ lực phục hồi đạo Phật tại Trung Quốc chủ yếu đến từ Đài Loan.

Phật giáo cũng vấp phải vấn đề thiếu đội ngũ tu sĩ trong việc truyền bá như đối với Cơ đốc giáo ở một đất nước dân số hơn 1 tỷ người. Không lấy đâu ra đủ một số lượng tăng sĩ đáp ứng cho số lượng người đông đảo đến thế. Do đó, Phật giáo Đài Loan cũng phải nhờ vào một trong những phương tiện truyền thông hiện đại là truyền hình.

Trong khi các Giáo phái Tin Lành nhằm vào đối tượng là người trẻ tuổi, có học, nên họ dùng internet, còn Phật giáo hướng đến đối tượng là người cao tuổi còn ít nhiều ký ức Phật giáo trong tâm thức và bên cạnh đó, số đông dân chúng mà phần lớn có trình độ học vấn thấp, đời sống kinh tế còn khó khăn, nên tận dụng phương tiện truyền hình và các phương tiện ghi âm, ghi hình.

Hội Phật giáo Từ Tế, với cách kênh phát thanh và truyền hình đã đẩy mạnh hoạt động của mình tại Trung Quốc lục địa vào thời gian gần đây. Sóng vệ tinh của đài truyền hình BLTV (Phật Quang Sơn) cũng tập trung hướng phát chính xuống Trung Quốc.

Một bên là Phật giáo, một bên là Cơ Đốc giáo, với quan niệm khác nhau, tư duy khác nhau và phương thức cũng khác nhau đang cùng có những nỗ lực lớn để truyền bá tại Trung Quốc.

Một con số ước lượng, có lẽ hơi lạc quan, cho rằng số tín đồ Phật giáo tại Trung Quốc đến hơn 500 triệu người. Tuy nhiên, một ý kiến khác cho rằng đó là số người theo tín ngưỡng bản địa, còn số lượng Phật tử thật sự, thì ít hơn rất nhiều.

Cũng phải thừa nhận rằng tăng ni ở Trung Quốc, tuy có hồi phục, nhưng chất lượng tu học còn giới hạn, chủ yếu phục vụ khai thác du lịch ở những danh lam cổ tự, hơn là tiến hành hoạt động hoằng pháp độ sinh. Trước tình hình đó, các chương trình TV, dĩa VCD, DVD Phật giáo đến từ Đài Loan đã có một vai trò quan trọng.

Chính phủ Trung Quốc vẫn còn dè dặt nhất định đối với việc truyền đạo Tin Lành, nhưng chính phủ cũng không ủng hộ cho lắm đối với việc phục hồi Phật giáo chân chính.

Chính phủ Trung Quốc lại hướng đến một nước Trung Hoa Nho giáo. Hình ảnh một nước Trung Hoa Nho giáo đã được quảng bá khắp thế giới một cách hoành tráng chưa từng thấy bằng Thế Vận Hội Bắc Kinh tháng 8/2008.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc, đặc biệt là truyền hình và điện ảnh, đã ra sức phục vụ cho mục tiêu thể hiện một nước Trung Hoa Nho giáo. Việc đầu tư lớn cho phim Khổng Tử đang được báo chí cả thế giới, trong đó có báo chí Việt Nam thường xuyên đề cập.

Tuy vậy, thế giới biết đến Trung Quốc qua các phương tiện truyền thông, mà chủ yếu là các chương trình về du lịch và khám phá, vẫn hình dung Trung Quốc là một đất nước Phật giáo với những ngôi chùa tuyệt đẹp, những tượng Phật kỳ vĩ…

MT.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle