Con đường từ trái tim

 

CON ĐƯỜNG TỪ TRÁI TIM

Lam Khê


         Sư sẽ đi à?  Mà sao lại phải đi? Có phải vì con ở đây làm phiền đến sự thanh tịnh của Sư không?

Vị Sư ngồi xuống lấy bình bát từ trong giỏ ra và bắt đầu xớt cơm sang một cái thố. Tân vẫn làu bàu:

- Sư dùng cơm một mình đi. Hôm nay... con... không ăn đâu.

Tân nói với giọng hơi gắt gỏng buồn buồn. Nhưng vị Sư vẫn điềm nhiên bảo:

- Bữa nay cậu không được khỏe hay sao? Ăn tí cơm đi nào.

- Chắc Sư phiền lòng mới đi nơi khác chứ gì? Sư cứ ở lại. Con sẽ đi chứ đâu thể ở đây

mãi được...

- Cậu chớ áy náy quá như vậy. Chúng ta sống ở đời cũng phải có sự giúp đỡ qua lại. Sư cũng nhờ cơm tín thí để duy trì sắc thân này. Còn cậu... vì cảnh sa cơ nên mới vào tá túc nơi thảo am này. Cửa từ bi luôn rộng mở thì hề chi có thêm một người. Nay mai Sư có việc phải đi hóa duyên xa vài tuần, rồi sẽ trở về. Cậu có thể ở lại đến chừng nào tùy thích. Nếu còn duyên khi Sư trở lại sẽ gặp.

- Sư lại nói đến nhân duyên là cái gì thế? Mà thật là Sư không phiền chứ?

- Hôm nay cậu có vẻ nói nhiều đấy. Ăn cơm đi rồi Sư sẽ nói chuyện này. Nếu cậu biết suy nghĩ và nói được như vậy thì từ nay hãy cố gắng sống cho tốt. Sống thật có ích cho mình và cho gia đình. Dòng đời hay cửa đạo luôn có lối mở cho những ai biết quay về...

Vị Sư đưa thố cơm về phía Tân. Quả thật bữa nay lòng dạ chẳng muốn ăn, nên hắn cứ ngồi thừ nhìn Sư. Cũng với cung cách chậm rãi từ tốn như mọi ngày, mà sao hôm nay Sư có vẻ nghiêm trang khác lạ. Sư sắp nói với hắn điều gì đây. Có lẽ nào? Tân uể oải bưng bát cơm lên, đầu óc bấn loạn với bao ý nghĩ. Trong một lần tình cờ Tân lạc bước rồi lưu lại đây, thấm thoắt cũng hơn ba tháng rồi. Nhà Sư mặc nhiên tiếp nhận Tân mà không hỏi han gì. Một tuần vài ngày, Tân thấy Sư vào trong xóm hóa duyên khất thực. Đến trưa mang về một bình bát lớn đầy gạo dưa bánh trái. Sư thổi cơm, bới một phần ra bình bát, một phần cơm ra thố cho Tân có cả thức ăn và bánh trái. Tân cũng ý thức được là mình không thể ở không ăn mãi. Mỗi sáng khi vị Sư đi khất thực hay giảng đạo cho những nhà Phật tử trên phố, thì hắn cũng dậy lo quét tước bàn Phật và hậu liêu của Sư. Có khi Tân cũng ra giẫy cỏ, phụ với Sư trồng rau cải, nhặt nhạnh củi khô trong vườn để dành đun và sưởi ấm vào những đêm mưa giá lạnh.

Không ít lần Tân cảm thấy buồn khi nhìn cảnh chiều tàn hay thẩn thờ vì không gian quá đỗi đìu hiu tẻ nhạt. Hắn cứ tự hỏi vì sao những nhà sư, những người tu sĩ, lại có thể chấp nhận cuộc sống xả ly, buông bỏ hết mọi ham muốn đời người chỉ để cầu giải thoát ở cõi hư vô, hư thật nào đó. Chẳng biết có ai đạt đến cảnh giới an lạc ấy chưa, chứ đời sống nơi chốn thâm u lặng lẽ thật khó kham nổi. Hắn nhớ nhà, nhớ gia đình và nhớ... Thoáng chút giật mình.... Tân thấy mình chẳng khác nào con chim bị tên nên sợ cả cành cây cong. Một tâm trạng lo sợ của kẻ trót gây ra nghiệp tội, giờ có muốn trở về cũng không xong, ở lại cũng chẳng được. Vị Sư có thể chưa biết gì về thân phận của Tân. Nhưng một vài lần Sư như gián tiếp nói lên điều gì đó:

- Con người ở đời thường hay sợ quả, mà ít khi chịu suy xét để ngăn ngừa những nhân đã tạo. Họ đâu biết nhân quả như bóng theo hình. Nhân đã tạo thì quả khó mà tránh được. Con người ta nếu không làm điều gì sai phạm thì trong lòng lúc nào cũng cảm thấy yên vui vắng lặng như mặt nước hồ thu không gợn sóng. Một đời người biết sống thiện lương chơn chất thì lúc nào cũng an hưởng sự yên vui thanh thản. Cuộc sống trong gia đình hay ngoài xã hội cũng vậy. Ai cũng phải có trách nhiệm chu toàn lấy bổn phận của mình.

Mang nỗi lo lắng ám ảnh nên nhiều đêm, Tân cứ chập chờn trong giấc ngủ. Có đêm hắn thét to rồi choàng tỉnh dậy, mồ hôi ướt lã, tim đập loạn xạ. Nhìn sang, Tân thấy vị Sư vẫn ngồi tĩnh tọa trong thiền thất. Sư đã ngồi như thế từ đầu hôm. Và hầu như suốt đêm người chỉ nằm xuống nghỉ lưng rất ít. Có lẽ Sư đang ở trong trạng thái thiền duyệt thực mà có lần hắn nghe người giải thích. Bước vào giai đoạn thiền định này, hành giả không còn nghĩ đến việc ăn ngủ. Và cũng không nghe cả mọi âm thanh chấn động bên ngoài, cho dù trời đang sấm sét mưa dông. Sư vẫn tịch nhiên, không hề nghe đến những tiếng la hét của Tân trong đêm. Nhưng sáng hôm sau Sư lại hỏi:

Con hay gặp ác mộng nên khó ngủ phải không? Đó là do di chứng những việc làm không đúng trước kia. Nó nằm yên trong tiềm thức chờ có dịp thì  khuấy động lên. Muốn tiêu trừ nghiệp chướng, thì ban ngày con lên bàn Phật lễ lạy cầu nguyện để tỏ lòng ăn năn hối cải. Ban đêm nếu không ngủ được, thì ngồi dậy niệm hoặc tập ngồi thiền cho lòng nhẹ bớt ưu tư phiền muộn. Tâm an tịnh thì giấc ngủ sẽ nhẹ nhàng đến.

Thế rồi, hằng ngày nghe lời Sư và cũng vì muốn trút bớt những lo lắng bất an, Tân đến quỳ trước điện Phật lạy sám cầu nguyện. Có khi rảnh rỗi hắn cũng tập ngồi thiền. Nhưng vốn là kẻ ưa sự dao động, tâm ý xưa nay chứa đầy vọng tưởng xấu xa, làm sao hắn có thể chịu ngồi yên một chỗ. Tập ngồi chừng dăm phút thì tay chân Tân bắt đầu cọ quậy, tư tưởng lại khơi mào những việc làm trước kia. Hắn nhớ lúc mình bỏ học lêu lổng với bạn xấu. Bao lần đánh đấm với các tay anh chị, ăn cắp tiền nhà đi chơi bời làm cho mẹ phải buồn rầu khổ sở. Những hồi ức về cuộc đời hắn cứ y như thước phim quay chậm lại một cách rõ ràng chính xác...

Vị Sư nhận ra ra điều đó nên ôn tồn nói với hắn:

- Ngồi thiền, với người mới học đạo thì không cần phải vận dụng phương pháp cao siêu gì lắm đâu. Con chỉ cần giữ tâm thanh thản lắng đọng theo dõi từng nhịp thở của mình là được. Nghĩa là khi hít vào thở ra đều giữ trạng thái nhẹ nhàng chậm rãi. Tốt nhất là nên tập đếm hơi thở từ một tới mười rồi đếm ngược lại. Đếm hơi thở cũng là cách để giữ tâm không nghĩ ngợi lung tung, nhận biết là mình đang hiện hữu trong từng hơi thở đó. Thực hành như vậy lâu ngày sẽ định tâm. Một khi tâm định tĩnh thì mọi ý tưởng chơn thiện mỹ sẽ phát sanh. Tâm an lạc thì thân tự chủ hết mọi hành động của mình ngay hiện tại và cả về sau...

Sư giảng dạy thì nghe dễ vậy nhưng thật hành quả không đơn giản, nhất là với kẻ đầy tội chướng như Tân. Nhưng rồi... như mưa dầm thấm lâu, ngày qua ngày hắn tập ngồi im lặng và cố gắng giữ tâm yên tịnh dù chỉ được vài mươi phút. Vậy mà bây giờ Sư lại bảo sẽ đi xa. Tân chẳng biết mình phải làm gì đây. Nói gì đây. Đã bao lần hắn định thú nhận với Sư. Nhưng  ngập ngừng mãi rồi lại thôi.

- Ngày mai con xuống phố, trở về thăm gia đình đi. Mọi người đang chờ con đó...

Tân nhìn Sư, lòng hoang mang bấn loạn. Hắn hiểu điều gì đang đợi mình ở cái ngày mai đó. Tân biết có ngày mình phải đối mặt với sự thật. Một sự thật mà hắn cất giữ trong lòng lâu nay. Như vậy là Sư đã biết rõ thân phận của Tân. Vậy mà lâu nay người vẫn đối xử tử tế, chẳng tỏ chút băn khoăn ngờ vực về lai lịch của kẻ đến trú ngụ. Hắn nhớ có một lần vờ hỏi Sư:

- Nếu có ai đó mà nhân thân không mấy tốt đẹp vì đã làm những điều bất tiếu vô hạnh, bị gia đình xã hội ruồng bỏ. Người ấy nếu lỡ bước đến đây xin tá túc... thì Sư nghĩ thế nào...?

- À ! Cửa từ bi luôn mở rộng... Người đến chùa với tâm đạo chí thành là đã tạo sẵn nhân lành từ nhiều đời nhiều kiếp. Và cũng có người đến với nhiều tâm ý khác hẳn. Với ai Sư cũng tùy duyên tiếp độ. Trong giáo lý nhà Phật có bốn pháp tu vô lượng đại tâm. Sư gọi là bốn con đường phát xuất từ trái tim mà người tu đạo phải hành trì. Đó là tâm đại từ đại bi đại hỷ đại xả. Thể hiện tâm từ bi hỷ xả có nghĩa là ban vui cứu khổ đến người và hoan hỷ xả bỏ những lỗi lầm họ đã tạo. Giúp cho người có được niềm tin và cơ hội để làm lại cuộc đời....

Hôm sau theo lời dạy của Sư, Tân đi về thị trấn. Hắn đi qua nhiều đoạn đường, nhiều góc phố quen thuộc, rồi đứng lại trước một gian hàng, tần ngần nhìn vào. Có hai người phụ nữ và một đứa bé đang ngồi trong nhà. Đó là mẹ, vợ và con của Tân. Một cảnh gia đình ấm êm hòa lạc. Nhưng Tân đâu xứng đáng để dự phần vào đó. Khi còn nhỏ sống trong cảnh một mẹ một con, Tân đã bao lần làm mẹ hắn phải buồn khổ vì sự ăn chơi lêu lổng đến tánh ngang tàng bất trị của mình. Học hành dang dở, học nghề cũng chẳng thành nghề. Rồi hắn lấy vợ và có con. Vài năm đầu Tân cũng có thay đổi, cố gắng sống đúng trách nhiệm của người đàn ông trụ cột trong gia đình. Hắn phụ với mẹ và vợ trông coi cửa hàng. Hạnh phúc tưởng chừng như mãi trọn vẹn. Nhưng mấy lần đi lấy hàng, cầm trong tay số tiền lớn, gặp bạn cũ rủ rê, Tân lại sa vào con đường ăn chơi bài bạc. Mẹ hắn lại khóc lóc than trời than đất. Nước mắt đầm đìa của vợ cũng chẳng làm lòng hắn lung lay. Tiền bạc trong nhà cứ mặc sức ra đi không thu hồi lại. Rồi những gì tới cũng phải tới. Một lần cay cú vì bị gạt gẫm thua bạc, hắn đã đâm trọng thương người bạn chơi. Tân bị tù. Một năm trong lao ngục, Tân có dịp suy gẫm lại mình, thấm thía nỗi đau mà hắn đã gây ra cho bao người thân. Một năm mẹ và vợ con hắn gần như đoạn giao hẳn, chỉ thỉnh thoảng gởi vào ít đồ, tuyệt không một lần đến thăm. Tân hiểu. Gia đình đã phải chạy vạy đến khánh kiệt. Và giờ chẳng ai còn trông đợi gì đến hắn nữa. Ra tù, Tân không về nhà. Hắn đi lang thang thất thểu như kẻ đứng ngoài lề cuộc sống. Một buổi sáng... Tân đã dừng chân lại bên am thất của nhà Sư.

- Sư có đến nhà gặp mẹ cùng vợ con của cậu, đã nói chuyện nhiều với họ và cũng kể lại việc cậu ở chùa lâu nay với nhiều nỗi ăn năn hối cải thật lòng. Cả nhà ai cũng mong cậu trở về. Gia đình bao giờ cũng là nền tảng căn bản. Là người đàn ông trụ cột, là đứa con duy nhất của người mẹ một đời đau khổ; là một người chồng và một người cha, chỉ chừng ấy thôi đủ cho cậu suy gẫm và nhận thức rõ trọng trách của mình. Trước hết vì tương lai cuộc sống của con cái sau này. Làm lại cuộc đời bây giờ cũng chưa quá muộn. Lâu nay cậu có duyên về ở với Sư, trong cảnh thanh đạm này đã nhen nhúm lên một tâm hồn thiện lương. Ngày mai, cậu hẳn biết mình phải làm gì rồi. Sư rất mong chờ điều đó sớm được hiện thực.

.... Khi Tân về lại thảo am thì vị Sư đã đi rồi. Không gặp Sư nhưng Tân nghĩ mình sẽ trở lại. Con đường ngày mai luôn rộng mở cho những ai biết quay về nẻo chánh. Con đường thấm nhuần ánh đạo từ bi mà Phật soi sáng cả ngàn năm qua. Con đường mà chư Bồ-tát đã đi bắt nguồn từ lòng bi mẫn, từ ý niệm sẻ chia ban vui và cứu khổ muôn loài. Tân chỉ nhận chân ra điều đó khi được trở về nương tựa bên Sư.®

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle