ĐẠO SINH
Có thể nói rằng tâm thức hầu như đã trở thành một chủ đề
thống lĩnh toàn bộ nền văn học Phật giáo. Từ văn học Abhidharma cho đến Đại thừa
giáo, người ta luôn tìm thấy những mô tả về tâm thức, thể cách tồn tại cũng như
tiến trình vận hành của nó. Sự kiện này đặt ra một vấn đề rất phức tạp cho những
ai muốn tìm hiểu về Phật giáo. Bởi vì tâm thức là cái quá trừu tượng và những gì
chúng ta biết về nó đều thuộc về lãnh vực của kinh nghiệm tự chứng. Một khi đã
là đối tượng của kinh nghiệm tự chứng thì mọi trình bày hay mô tả về nó khó có
thể có giá trị phổ quát tuyệt đối. Chính vì lẽ đó mà mọi truyền thống của Phật
giáo đều có những trần thuật riêng về chủ đề này. Tất cả các truyền thống này
đều nhìn nhận những trần thuật của họ hoàn toàn y cứ trên thánh giáo lượng; tuy
nhiên, đây vẫn không phải là chứng cứ cuối cùng cho một trần thuật có giá trị
phổ quát. Tiến trình dẫn đến giác ngộ và giải thoát của đức Phật cũng là một
kinh nghiệm tự chứng. Và khi kinh nghiệm này được chuyển tải đến chúng ta bởi
một con người đã giải thoát như đức Phật - một người đã thành tựu mười loại năng
lực thù thắng - thì ngôn ngữ văn tự chưa hẳn là phương tiện biểu đạt duy nhất.
Nói cách khác, kinh điển cung cấp cho chúng ta những thông tin về kinh nghiệm
giác ngộ cũng như lộ trình tâm thức dẫn đến kinh nghiệm đó, nhưng kinh điển
không phải là tự thân kinh nghiệm giác ngộ. Kết quả là từ kiến thức đầu tiên
chúng ta có về loại kinh nghiệm này cho đến tự thân của nó có một khoảng cách
bắt buộc phải vượt qua. Khoảng cách này được mô tả như là tiến trình chuyển hóa
của tâm thức. Vì thế, nếu muốn tiếp cận với giác ngộ thì Phật tử không còn con
đường nào khác ngoài việc phải chuyển đổi tâm thức của mình để có thể khế hợp
với loại kinh nghiệm này.
Thế nhưng, chúng ta chuyển hóa tâm thức bằng cách nào? Đây là
câu hỏi không dễ trả lời. Như đã nói ở trên, có rất nhiều mô tả khác nhau về lộ
trình dẫn đến giải thoát được tìm thấy trong các truyền thống của Phật giáo. Vì
thế, vấn đề nảy sinh cho một người Phật tử bình thường như chúng ta là lộ trình
nào thích hợp với chúng ta nhất.
Dĩ nhiên khi đặt vấn đề như thế, chúng ta đã tỏ ra không đồng
tình với ý kiến cho rằng con đường giải thoát nằm ngoài tầm với của những người
Phật tử tại gia. Bởi vì nếu tìm đến đạo Phật để tập sống một cuộc đời đạo đức
thuần túy thì Phật giáo không phải là đáp ứng duy nhất cho chúng ta đối với một
nhu cầu như thế. Là một người trí thức, đương nhiên chúng ta không dễ dàng chấp
nhận tìm đến Phật giáo như một tín đồ ngoan đạo. Trong quá trình giáo dục ở nhà
trường chúng ta đã biết được thế nào là giá trị của tri thức, của lý luận, của
sự phán đoán có khoa học, v.v. Vì thế, thật khó cho chúng ta khi quyết định dành
thời gian và sức lực vào một công việc mà chúng ta không hình dung được điểm
khởi đầu cũng như đích đến của nó.
Trong trường hợp này chúng ta thử giả định một lộ trình hoàn
toàn dựa trên kinh nghiệm thường tục của chúng ta:
Khi nói đến chọn lựa thì điều thông thường là chúng ta sẽ chỉ
chọn lựa những gì có lợi cho bản thân mình. Vì thế, chúng ta sẽ rất cẩn thận khi
làm việc này. Trước tiên, chúng ta phải thu thập đầy đủ thông tin về tất cả các
lộ trình có thể có. Đây là giai đoạn không thể bỏ qua; bởi vì kinh nghiệm sống
dạy cho chúng ta điều đó: muốn không mua lầm một món hàng thì người mua phải
biết rõ chất lượng cũng như giá cả của mặt hàng do nhiều hãng khác nhau sản xuất.
Sẽ có rất nhiều giảng đường, tự viện, sách báo, thậm chí là các trang web, v.v...
giới thiệu cho chúng ta về nhiều lộ trình giải thoát khác nhau được hình thành
trong quá trình phát triển của Phật giáo: thiền Trúc lâm, thiền Lâm tế, thiền
Vipassana,
thiền Chỉ-quán Thiên thai tông, Tịnh độ tông Trung Hoa, Tịnh
độ tông Nhật Bản, Mật tông Tây Tạng, v.v... Từ khối lượng thông tin này, chúng
ta sẽ tự hình thành cho mình một số khái niệm có cơ sở luận lý về Phật giáo cũng
như các phương pháp tu tập được đề ra trong đó. Và các khái niệm này sẽ giúp
chúng ta rất nhiều trong việc chọn ra một lộ trình như mình mong muốn. Bởi vì
càng nhiều thông tin thì chúng ta càng dễ nhận ra những lộ trình nào mà mình
không ưa thích. Chẳng hạn, chúng ta sẽ không chọn pháp môn niệm Phật vì niệm
Phật chỉ hoàn toàn dựa trên tín tâm chứ ít chú trọng đến giá trị của tri thức -
một khả năng chúng ta không thể bỏ qua vì đã sớm biết đến giá trị và tác dụng
của nó; hoặc chúng ta loại bỏ thiền Vipassana, vì thiền này thuộc về Tiểu thừa,
chỉ dẫn đến quả vị A-la-hán chứ không phải Phật quả, không xứng đáng để chúng ta
theo đuổi; hoặc chúng ta loại bỏ Mật tông Tây Tạng vì cách tu tập này trông
giống như ngoại đạo, trong Phật giáo không thể có những cách tu tập đầy huyền bí
như thế; hoặc chúng ta loại bỏ Bồ-tát thừa vì không có chứng cứ khoa học đầy đủ
để chứng minh các kinh điển nói về Bồ-tát là do Phật thuyết, vân vân và vân vân.
Dù sao đi nữa, cuối cùng chắc chắn chúng ta cũng sẽ chọn được một lộ trình nào
đó, bởi vì chúng ta không thể chấp nhận người khác nhìn mình như một kẻ chỉ biết
sống theo bản năng mà quá nông cạn khô cằn về đời sống tâm linh; nhất là khi
Phật giáo là một tôn giáo truyền thống đối với gia đình cũng như dân tộc chúng
ta và đã được rất nhiều học giả tiếng tăm thừa nhận là hệ tư tưởng vĩ đại nhất
hành tinh. Tuy nhiên, chỉ mới chọn lựa không thôi cũng chưa đủ mà chúng ta còn
phải thể hiện nội dung chọn lựa này qua những hoạt động cụ thể trong đời sống.
Chúng ta phải bỏ ra một ít thì giờ trong ngày để niệm Phật, hoặc ngồi thiền,
hoặc trì chú, hoặc tụng kinh, hoặc làm các việc từ thiện, v.v… Những hoạt động
như thế sẽ làm cho chúng ta yên tâm hơn, bởi vì ít ra sau mỗi lần niệm Phật hoặc
ngồi thiền hoặc bố thí cho người khác, chúng ta sẽ cảm thấy tự tin hơn. Chúng ta
suy nghĩ về những hành động mình đã làm và thấy hoan hỷ cũng như tự hào về chính
mình. Ít ra trong đám người chỉ biết chạy theo vật dục thì mình vẫn là một người
cao cả vì mình còn biết bỏ thì giờ, tiền bạc cho những mục đích cao thượng, mình
còn biết hướng tâm hồn đến những lý tưởng cao thượng. Và niềm tự hào này sẽ được
gìn giữ và lớn mạnh hơn nhiều nếu như chúng ta chịu khó đọc thêm sách báo viết
về Phật giáo. Lúc đó, kiến thức của chúng ta sẽ được nâng cao hơn, chúng ta sẽ
biết được nhiều điều hơn. Ngoài ra, nếu chúng ta có năng khiếu văn chương thì
đời sống tâm linh của chúng ta sẽ trở nên tuyệt vời hơn. Thay vì chỉ truyền đạt
cho người xung quanh những kiến thức về Phật học cũng như kinh nghiệm tu tập tự
thân bằng những lời lẽ thông thường kém thuyết phục, chúng ta có thể viết văn,
làm thơ, ca ngợi lòng từ bi, ca ngợi mây trắng, lá xanh, sương mù, mùa xuân, ca
ngợi niềm an lạc hiện tiền, ca ngợi tỉnh giác, ca ngợi tình yêu,v .v… Nói chung,
nhờ những nỗ lực tìm tòi học hỏi các vị văn nhân, thi sĩ, thiền sư Phật giáo mà
ngôn ngữ chúng ta dần dần thấm nhuần đạo vị mà vẫn không xa lạ với ngôn ngữ thời
thượng của cuộc đời. Chúng ta sẽ học được cách nói năng khéo léo hơn, mềm dẻo
hơn, lưu loát hơn. Tâm hồn chúng ta dần dần trở nên tự tại hơn; chúng ta sẽ dễ
dàng làm chủ mình hơn. Mặc dù có những khi chúng ta rất giận dữ, giận dữ đến độ
mong muốn người nào đó biến ngay khỏi mặt đất, nhưng chúng ta vẫn có thể nở một
nụ cười rất giải thoát. Chúng ta có thể điềm nhiên tọa thiền trước tiếng khóc
của những người khác, chúng ta có thể nhiếp tâm tự tại trước nỗi quằn quại của
người khác. Nếu có người nào đó do hiểu lầm mà phê phán những hành động như thế
của chúng ta, thì những kiến thức Phật học về nghiệp lực chúng sinh, về vô
thường, vô ngã, về vô phân biệt, v.v... có thừa khả năng để giúp chúng ta hình
thành những lý giải sắc bén về giá trị của những oai nghi như thế. Và điều làm
cho chúng ta tự tin nhất là với những khả năng như thế càng ngày càng có nhiều
người hâm mộ và ủng hộ chúng ta hơn. Không có bằng chứng nào chứng minh sự thành
tựu của chúng ta mạnh hơn bằng chứng này; bởi vì nếu không trải qua một tiến
trình chuyển hóa tâm thức gian khổ thì làm sao chúng ta có thể có được một nhân
cách như thế; và nếu không có một nhân cách như thế, làm sao có thể có nhiều
người luôn luôn quy tụ quanh ta để học hỏi và làm theo như thế. Với những bằng
chứng cụ thể như thế chúng ta tin rằng tâm thức của mình đang được chuyển hóa
liên tục, triệt để. Và với tốc độ như vậy thì ngày giác ngộ giải thoát sẽ không
còn là một viễn tưởng đối với chúng ta…
Sự trần thuật như trên về sự khởi đầu cũng như tiến trình
chuyển đổi tâm thức cùng với những thành tựu hấp dẫn của nó có lẽ không quá xa
thực tế đối với những người Phật tử bình thường như chúng ta. Tuy nhiên, đây chỉ
là một phác thảo hoàn toàn dựa trên sự phá sản của ngôn ngữ thường được các luận
thư Phật giáo gọi là “hý luận”. Vì nếu đọc kỹ, chúng ta sẽ nhận ra rằng đó chỉ
là những nỗ lực tích tập kiến thức - kiến thức Phật học lẫn kiến thức tâm lý học
thế gian - được đầu óc khôn ngoan của con người sử dụng để đạt được những thành
công nhất định nào đó trong đời sống thực dụng và chẳng dính líu gì đến sự
chuyển hóa tâm thức được nói đến trong Phật giáo.
Nếu dựa trên nền tảng của “như thực tri kiến” thì chúng ta sẽ
có một phác thảo khác.
Theo luận Thành Duy Thức 9, “chuyển hóa tâm thức” là một sự
chuyển đổi tận căn rễ (chuyển y) chứ không phải các hiện tượng trôi nổi trên bề
mặt của nó. Một sự chuyển đổi như thế bao gồm hai động thái chính: (a) xả bỏ
chướng ngại
của phiền não và sở tri; (b) sở đắc giải thoát và giác ngộ.
Tâm thức chúng ta là một dòng chảy tương tục không ngừng nghỉ.
Chúng được hình thành từ chính những tri nhận của chúng ta trong cuộc sống hàng
ngày. Tất cả các đối tượng của nhận thức qua các giác quan cũng như qua ý thức
cùng với các đối tượng được nắm bắt bởi các trạng thái tâm như ngã si, ngã kiến,
ngã mạn và ngã ái đều để lại những “ấn tượng” của chúng - thuật ngữ Phật giáo Ấn
độ gọi là vasana - trong tâm tưởng chúng ta và hình thành một phần của tâm tưởng
chúng ta gọi là tâm hữu lậu. Chính những ấn tượng này tạo thành dòng chảy tương
tục của tâm thức và sau khi đã trải qua một tiến trình chuyển biến, chúng sẽ tự
biến thái để có thể tác động trở lại sự hình thành và xu hướng hoạt
động của toàn bộ các hình thái tri nhận cũng như các trạng
thái tâm kế tiếp của chúng ta. Và đây chính là những điều kiện để cho hai loại
chướng ngại phiền não và sở tri sinh khởi.
Như vậy, khi đối tượng của sự chuyển đổi được xác định là
chướng ngại phiền não và chướng ngại sở tri thì điều này có nghĩa rằng đó là
những chướng ngại có gốc rễ từ tự tâm chúng ta chứ không phải chỉ là những hiện
tượng bề mặt làm
đối tượng cho sự tri nhận của chúng ta. Vì phiền não chướng
ngại giải thoát và sở tri chướng ngại giác ngộ, cho nên chúng ta chỉ có thể sở
đắc giác ngộ và giải thoát thật sự khi trừ bỏ được chúng. Ở đây cần nói thêm
rằng, khi nói “sở đắc giải thoát và giác ngộ” là dựa trên nền tảng lý tính nhị
nguyên. Trên bình diện tuyệt đối thì không có cái được sở đắc là giải thoát hay
giác ngộ, vì đó chỉ là những từ ngữ mô tả trạng thái hoạt dụng của tâm vô lậu
khi hành giả đã đoạn trừ được tâm hữu lậu.
Theo mô tả trên, toàn bộ khả năng tri nhận của chúng ta cũng
như tất cả các trạng thái tâm kèm theo đều sinh khởi và biến diệt có điều kiện.
Và tâm thức của chúng ta có đủ loại mầm mống (bīja) của cả thiện pháp cũng như
bất thiện pháp. Mặc dù trong dòng tâm này có tồn tại ảnh hưởng của các thiện
pháp, nhưng vì tánh chất của chúng là hữu lậu, tức không thể dẫn đến giải thoát
và giác ngộ, cho nên chúng vẫn là đối tượng phải xả bỏ trước khi chúng ta phát
huy được tác
dụng của các pháp vô lậu. Chỉ khi nào sự hoạt dụng của tâm vô
lậu không bị ảnh hưởng của các pháp hữu lậu ngăn ngại thì một hành giả mới có
thể được xem như “thành tựu giác ngộ và giải thoát”.
Từ những trần thuật trên, giờ đây chúng ta đã có thể tạm thời
có những khái niệm sơ khởi về cái gọi là tâm thức và sự vận hành cơ bản của nó,
ít ra là theo những trình bày của Thành Duy Thức:
- Khi tâm thức được mô tả như một dòng chảy tương tục không
ngừng nghỉ thì nó không thể nào là một đối tượng được quán sát như thực của ý
thức; có nghĩa với cơ cấu thân tâm như hiện có, chúng ta không bao giờ hy vọng
có thể nắm bắt được dòng chảy của chính tâm thức mình.
- Tất cả các hình thái nhận thức cũng như mọi trạng thái tâm
chúng ta có thể ý thức về, hoặc nỗ lực xả bỏ, đoạn trừ hay phát triển đều thuộc
hiện tượng giới; có nghĩa, chúng được xem như là những đợt sóng trên bề mặt tâm
thức.
- Một khi những gì chúng ta có thể ý thức được chỉ là chiếc
bóng thuộc hiện tượng giới thì mọi nỗ lực tu tập không thiết lập trên nền tảng
chuyển y đều vô tác dụng.
- Điều cuối cùng và cũng là điều quan trọng nhất là khi
chướng ngại của phiền não và sở tri chưa được xả bỏ thì mọi phát biểu của chúng
ta về giải thoát và giác ngộ chỉ là hý luận. Đó là một kinh nghiệm tự chứng chứ
không phải là đối tượng của sự suy luận.
Dĩ nhiên tất cả các điều trên đều được rút ra từ chỉ một
trong nhiều truyền thống khác nhau của Phật giáo. Như đã nói ở trên, Phật giáo
không chỉ có một gợi ý độc nhất về lộ trình dẫn đến giải thoát. Tất cả các trần
thuật khác nhau về lộ trình tâm hiện được bảo lưu trong kho tàng văn học đồ sộ
của Phật giáo đều có giá trị thực chứng; bởi vì đó là kết quả của kinh nghiệm tự
chứng qua một tiến trình chung của Phật giáo là giới, định, tuệ. Điều này có
nghĩa nó không thể là đối tượng của sự tỷ giảo, phê phán của bất kỳ hệ thống
triết học, tôn giáo, khoa học nào khác trên thế giới dù đó là siêu hình học, bản
thể học, hiện tượng học, thần học, tâm lý học, phân tâm học, v.v… Vì thế, một
người trí thức biết tự trọng - cho dù người đó là Phật tử hay không phải Phật tử
- sẽ không bao giờ phát biểu về cái mà mình chẳng có một thông tin nào về nó
hoặc nếu có thì chỉ là những thông tin sai lạc. Chỉ còn một phương cách tiếp cận
duy nhất là hãy tự mình áp dụng và chiêm nghiệm lấy. Những câu chuyện về những
người mù sờ
voi, về sự tranh luận giữa rùa và cá, về những con cá không
thể nhảy qua giới hạn của tấm lưới, v.v… là những bài học kinh điển mà bất kỳ
người Phật tử chân chính nào cũng phải ghi nhớ trong suốt cả cuộc đời sống đạo
của mình.
Ngôn ngữ văn tự mới chỉ là các biểu tượng được con người tri
nhận một cách dễ dàng qua nhĩ thức, nhãn thức và ý thức mà chúng ta còn không đủ
sức chuyển đổi thì làm sao chúng ta có đủ tư cách để nói đến một sự chuyển hóa
tâm thức nào đó, vốn là cái làm nền cho ngôn ngữ văn tự mà ý thức chúng ta không
bao giờ hy vọng có thể với tới được.■