Chùa Báo Quốc, Huế

CHÙA BÁO QUỐC

CHÙA BÁO QUỐC

 

(LA PAGODE BAO QUOC)

J. A. LABORDE

  

                                                                                                                Bảo tháp Hòa thượng Giác Phong

 

 

 

LTS:  Bài viết sau đây giới thiệu một trong những ngôi danh lam đất thần kinh, chùa Báo Quốc, của J. A. LABORDE, tác giả người Pháp, đăng trên tạp chí Hội Đô thành Hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hue) năm 1917. Bài viết này, qua cái nhìn của một người Tây phương về Phật giáo ở Việt nam vào những năm đầu thế kỷ 20, tuy còn có chỗ khiếm khuyết, song là một tư liệu khá xưa và thú vị, cho thấy người Tây phương trong bước khai phá vùng đất thuộc địa, đã không quên tiếp cận và tìm hiểu khá thấu đáo về đạo Phật, một tôn giáo phổ biến trong đại đa số dân Việt. Tập san NCPH xin phép dịch và đăng nguyên bản tiếng Pháp như một tài liệu tham khảo.

X

in mời những người bạn của Huế xưa* hãy cùng tôi đến thăm một ngôi chùa bình thường ít người thăm viếng, nhưng không kém phần thú vị, nằm ngay cạnh thành phố Huế trên một đồi cao vừa phải nhìn xuống nhà ga.

Chùa hiện mang tên Báo Quốc ( ), nhưng trước đây đã lần lượt có các tên Hàm Long, rồi Báo Quốc, rồi Thiên Thọ, và cuối cùng lấy lại tên Báo Quốc. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ nói lý do vì sao ngôi chùa đã nhiều phen thay đổi tên gọi như vậy.

Trước khi tìm hiểu sâu về chùa, chúng ta hãy xem qua các tài liệu mà tôi đã có cơ hội tham cứu[1].

Theo sách Đại Nam nhất thống chí đời Duy Tân[2], chùa này lúc khởi nguyên có tên là Hàm Long ( , cái hàm rồng), lấy theo tên cái giếng nổi tiếng nằm ngay dưới chân đồi nơi ngôi chùa toạ lạc. Chùa được tạo dựng lúc nào chưa thể xác định, bởi Hoà thượng Giác Phong, người đã viên tịch mùa đông năm Vĩnh Thịnh thứ 10, tức năm 1714. Như vậy tính ra chùa đã tồn tại hàng trăm năm nay[3].

Vào năm Đinh mão (1747), Hiếu Võ vương[4] cho mở rộng chùa và long trọng đặt tên là Báo Quốc, ban cho chùa bức hoành sắc tứ do ông ngự đề; đó là tấm biển với hoa văn và chữ mạ vàng trên nền xanh lục mà ngày nay ta còn thấy trước chánh điện.

Vào thời gian này, Hòa thượng Hữu Phỉ (?)[5] lo việc phụng tự tại chùa cho đến năm 1753 khi ông trở về nơi an trú cuối cùng, trong một ngôi tháp được tạo lập ngay cạnh chùa.

Tiếp đó, chùa đã trải qua những ngày đen tối. Vào năm 1776, khi quân Tây Sơn tràn vào, chùa không may đã trở thành căn cứ quân kháng chiến và sau phải hỗ thẹn vì để mất lòng tin của Hoàng đế nhà Nguyễn[6].

Sau đó một thời gian khá dài, vào năm thứ 7 triều Gia Long, tức khoảng 1808, Hiếu Khương Hoàng hậu đã lưu tâm đến chùa và truyền cho trùng tu. Người ta đã xây dựng ngôi chánh điện và nhiều điện thờ phụ, các hành lang, cổng Tam quan; hiến cúng các tượng Phật và một quả chuông; ban cho chùa một sắc lệnh của Hoàng đế định tên gọi mới của chùa là Thiên Thọ và rước Hòa thượng Đạo Minh Phổ Tịnh làm trú trì. Từ đó, khi đã hoàn toàn được khôi phục, chùa không ngớt tiếp nhận những ân sủng của hoàng gia và phẩm vật cúng dường của thí chủ. Đến năm 1811, nhờ sự can thiệp của Hoàng thái hậu, chùa được ban cho 30 mẫu ruộng và 10 mẫu vườn để bảo đảm việc phụng tự trong chùa; và 22 mẫu ruộng khác bị dân chiếm dụng vào thời Tây Sơn cũng đã được hoàn trả. Những cúng phẩm khác về đất đai, tịnh tài cũng như đồ tế tự đã được nhiều nhân vật đặc biệt hiến tặng. Cuối cùng vua Minh Mạng, trong một dịp ngự giá lễ chùa, đã quyết định lấy lại tên cũ cho chùa là Báo Quốc[7].

Dưới triều vị vua này, nhân dịp tứ tuần đại khánh (1830), tất cả sư sãi trong nước đều vân tập về chùa để tổ chức những buổi đại lễ trai đàn sám hối và ban phát Giới đao, Độ điệp cho các bậc cao tăng.

Từ đó, các vua Thiệu Trị, Tự Đức và Đồng Khánh cũng như các Hoàng thái hậu đều không ngừng quan tâm đến ngôi chùa danh tiếng này. Đến triều vua Thành Thái, những cuộc đại lễ được tổ chức theo triều nghi thời Tự Đức đã qui tụ chư tăng từ khắp nơi về nghe pháp thoại của những bậc cao tăng mà lễ đàn được dựng lên để tôn vinh đạo hạnh; trong số đó người đáng tôn vinh bậc nhất là Hoà thượng trú trì Diệu Giác, Tăng cang chùa Báo Quốc. Ngài đã viên tịch một năm sau, vào ngày 7.2.1895, hưởng thọ 90 tuổi. Theo lời kể, ngài đã tập họp chúng đệ tử lại quanh mình để ban những lời di giáo rồi điềm nhiên ‘hoá thân’ ngay trước mắt họ.

Ta cần biết rằng từ ‘hoá thân’ ở đây là thuật ngữ thiêng liêng để chỉ sự từ trần của một người đạo hạnh. Với người được coi là đệ tử Phật thì đó không phải là chết mà đơn giản là thay đổi hình thức sống khác.

Các vị cao tăng lần lượt kế thừa người quá cố là Hoà thượng Tâm Quảng, Hoà thượng Tâm Truyền, Pháp hiệu Tuệ Vân, và cuối cùng là vị trú trì đương nhiệm Tâm Khoan[8], người cho tới nay đã duy trì được thanh danh cao trọng của chùa.

Trên đây là vài nét sơ khảo về chùa Báo Quốc. Bài viết khiêm tốn này mong có thể giúp khách vãng cảnh chùa vài hiểu biết sơ khởi về nguồn gốc của nó, cho phép họ tìm hiểu sâu hơn những chi tiết sẽ đề cập sau đây.

Chùa toạ lạc trên mặt bằng ngọn đồi Hàm Long; vị trí, như đã nói, nằm phía sau nhà ga Huế, bên phải con đường dẫn lên Đàn Nam Giao, thuộc địa phận làng Phú xuân, huyện Hương trà, tỉnh Thừa Thiên. Để vào chùa, trước tiên ta phải bước lên độ 15 bậc cấp xây bằng đá đế thô sơ, đến một khoản đất nện bằng phẳng rộng chừng 5 mét, rồi tiếp tục lên chừng 10 bậc cấp nữa để cuối cùng bước qua một cánh cổng được kiến trúc hoành tráng với ba lối vào, được gọi là cổng Tam quan. Cổng Tam quan này đầu tiên được xây vào năm 1808, đến năm 1873 được tái thiết lại, đáng để ta dừng chân thưởng ngoạn. Cổng có những khắc hoạ Hán tự được ghép bằng những mảnh sứ màu xanh[9] mà thời gian đã tàn phá, rất khó đọc trọn ý nghĩa, khiến người đi cùng tôi dù là một nhà nho uyên bác cũng còn do dự về một số điểm. Sau đây là một số bản dịch còn có thể đọc được:

Mặt trước cổng:

1: Phong cảnh

2,2,2: các bản chữ Phạn

3: Sắc tứ Báo Quốc tự

4: (Nguyện) Hoàng triều trường cửu (thể chữ triện) [Đế đạo hà xương][10]

5: (Nguyện) Cương thổ vững bền (thể chữ triện) [Hoàng đồ củng cố]

6: Trùng tu năm Quý dậu, triều Tự Đức (1873)

7: Một bia đá sẽ mang chữ Báo Quốc, cũng như sẽ lưu truyền trăm năm công lao và đức độ (của Hoàng đế)

8: Việc xây dựng chùa này trên đồi Hàm Long sẽ đem đến những vùng phụ cận những trân bảo

9: Công trình kiến trúc xinh đẹp này toạ lạc tại xã Phú xuân, thuận theo hướng Dần Thân.

Mặt sau cổng:

1: Phong cảnh

2,2,2: các bản chữ Phạn

3: Hàm Long, Thiên Thọ tự

4: Pháp luân thường chuyển (thể chữ chân phương)

5: Phật nhật tăng huy (thể chữ chân phương)

6: Thiền môn vô ngại, tế độ chúng sanh

7: Như mặt trời soi sáng cõi trần ai, ánh đỏ thắm của cảnh trí làm tăng thêm nét đẹp của công trình mới xây dựng này

8: Bầu trời che chở cái chén vàng (tức cơ nghiệp hoàng triều)… kiến trúc này nổi tiếng là một danh thắng

9: Khi bước vào chùa, một phàm phu cũng có cơ trở thành bậc minh trí[11]

 

Bước qua cổng Tam quan, ta sẽ vào một khoảng sân trống và có thể nhận ra tòa chánh điện của chùa nằm ở cuối sân, một công trình mà bề ngoài không có vẻ gì đặc biệt. Chúng ta sẽ trở lại nơi này sau.

Nhìn về bên phải ta gặp ngay những kiến trúc lăng tẩm xây theo mô thức riêng mà ta biết là những mộ tháp (stūpa) Phật giáo, nơi an nghỉ cuối cùng của những vị cao tăng. Đó quả thật là một thánh địa của chư vị tiền bối.

Tất cả gồm 19 mộ tháp[12] được tạo lập để tưởng niệm chư vị Hoà thượng đường đầu và các vị trú trì quá cố của ngôi chùa. Những kiến trúc này đều theo hình tháp bát giác có nhiều tầng chồng lên nhau, trên cùng là hình một hoa sen, biểu trưng của Phật giáo. Được xây dựng bằng vôi gạch, những ngôi tháp này có chiều cao khác nhau trong khoảng từ 2 đến 5 mét, và được bao quanh, cách khoảng một mét, bằng một bức tường rất thấp với cửa ra vào ở trước mặt tháp. Về hướng đông của mỗi tháp là bia ghi các danh xưng và đạo vị của người quá cố.

Tháp số 1: mộ tháp HT Tế Nhân, tự Lưu Quang, hiệu Viên Giác, Lâm Tế chánh tông đời thứ 36.

Tháp số 2: “HT Thái Chí, tự Quảng Thông, Lâm Tế chánh tông đời thứ 37.

Tháp số 3: chữ đã phai mờ

Tháp số 4: đệ tử phụng lập, vào ngày đại cát tháng 2 năm Tự Đức thứ 31(3/1878), HT Hải Khang Diên Miên, Trú trì chùa Linh Hữu, Lâm Tế chánh tông đời thứ 40.

Tháp số 5: HT Thanh Tịnh, tự Ấn Lạc, tự Tâm Tuệ, sắc phong Trú trì chùa Từ Ân.

Tháp số 6: HT Hoàng Pháp Lữ, pháp hiệu Hải Trường, trú trì chùa Diệu Đế, phụng lập tháng 3  năm Quý sửu (4/1853), năm Tự Đức thứ 6, bởi dân làng Trúc Khê, tỉnh Quảng Trị.

Sáu mộ tháp này thuộc loại nhỏ, có chiều cao trung bình là 2 mét, tất cả đều có ba tầng mà tầng nền hình bát giác mỗi cạnh đo được 0m,45.

Tháp số 7: Cao hơn các tháp kể trên rất nhiều với kích thước đồ sộ, đo được 4m70 chiều cao, gồm sáu tầng, để thờ xá lợi của HT Bùi Công, tự Viên Giác, người đã trùng tu chùa Báo Quốc. Tháp do các Hoà thượng và môn đồ của ngài tạo lập năm Cảnh Hưng thứ 14 (1753).

Tháp số 8: là ngôi tháp cổ nhất, được xây dựng cách nay hơn hai trăm năm, vào năm 1714, để tưởng nhớ công lao người sáng lập chùa. Những dòng chữ còn trên bia ghi rằng: “Do các cao đệ của Hoà thượng, tỳ kheo Giác…,  phụng lập, ngày 22 tháng chạp năm Vĩnh Thạnh thứ 10 (27.1.1715). Tháp cao 3m30.

Các tháp số 9, 10, 11, 12, 13: Một cụm gồm 5 tháp trong cùng một tường thành; đây là hài cốt cải táng của năm vị sư trước đây được chôn cất ở nơi khác phải dời vào vì việc xây dựng một con đường băng qua nghĩa trang nơi an táng họ. Việc cải táng đã được thực hiện vào năm Thành Thái thứ 10 (1897). Trong đó ngôi tháp ở chính giữa cao 4m10, gồm bốn tầng. Bốn tháp xung quanh nhỏ hơn.

Tháp số 14: thuộc loại tháp lớn, chiều cao 5 mét, tầng nền mỗi cạnh dài một mét. Tháp có vẻ mới và ta nhận thấy nó vẫn được đặc biệt chăm sóc. Đây là nơi yên nghỉ của vị trú trì tiên nhiệm cuối cùng, thầy của vị trú trì hiện tại (vào thời điểm ấy, là HT Tâm Khoan. ND.) Lăng mộ này cao bốn tầng, mỗi cạnh đều được trang trí bằng những đặc trưng Phật giáo màu xanh nổi trên nền vàng; các cạnh của tầng nền đều được khảm bằng mảnh sứ xanh. Ta đọc được trên bia mộ bằng đá: “Do các cao đệ của Hoà thuợng Phạm Minh, tự Tuệ Vân, tự Tâm Truyền, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 41; trú trì chùa Báo Quốc và Tăng cang chùa Diệu Đế, phụng lập tháng 2 năm Mậu thân, Tự Đức năm thứ 2 (1908). Đây là nơi giác linh về quy  ẩn; nơi giác linh thường trụ.

Tháp số 15: Ta đọc được dòng chữ: “Hoà thượng húy thượng Trí, hạ Hải, hiệu Hàn Chất, Lâm Tế chánh tông; do các cao đệ và Đạo túc phụng lập ngày 8 tháng 8 năm Cảnh Hưng thứ 27 (11.9.1766).”

Tháp số 16: Các chữ đã phai mờ không đọc được. Mộ tháp thuộc loại nhỏ.

Tháp số 17: Nơi yên nghỉ ni cô Nguyễn Thị Hải, pháp danh Thanh Gian, tự Hòa Gia[13], thọ Da-di giới. Mộ tháp được tạo lập vào năm Thành Thái thứ 8 (1896), chiều cao 2m80. Kế bên tháp là một ngôi mộ nhỏ xây theo hình bầu dục, an táng thân mẫu của vị ni cô.

Tháp số 18: Cao 2m90, có dòng chữ: “Trú trì chùa Báo Quốc, húy thượng Thanh, hạ Gian[14], hiệu Tâm Quảng, Lâm Tế chánh tông đời 41, do môn đồ phụng lập vào ngày huý kỵ, 30 tháng Giêng năm Thành Thái thứ 8 (13.3.1896).

Tháp số 19: Dáng dấp đồ sộ, cao 4m50, sáu tầng, được xây dựng dưới triều Tự Đức (không ghi năm tháng) để tưởng niệm Hòa thượng Quang Huy.

Trở lại chùa, ta thấy, trước chánh điện là một khuôn viên được bao quanh bằng một dãy tường thấp xây dựng công phu với phần chính giữa tường thành này, hơi lùi về phía sau, là bức bình phong hình dáng tao nhã vươn lên với chóp đỉnh là búp sen truyền thống, được trang trí bằng ba chữ triện lớn Phúc, Lộc, Thọ; chữ giữa được đúc lộng, hai chữ hai bên được khảm bằng những mảnh sứ xanh.

Tôi đã nói vẻ ngoài của chùa thoạt trông không có gì đặc biệt; tôi còn muốn thêm rằng nó chẳng mang nét gì lòe loẹt. Bốn chiếc trụ chống đỡ hàng hiên ngoài được treo những câu đối lời văn bóng bẫy miêu tả cảnh đẹp quanh vùng mà tôi tạm dịch như sau:[15]

            “Những dòng nước từ Tây-Bắc đổ về sông Hương càng trở nên thanh tịnh”

            “Những dòng nước từ Tây-Nam khúc khuỷu uốn mình bên dòng sông Lợi Nông càng tăng thêm vẻ đẹp của phong cảnh”

            “Ngọn đồi chính Bắc sóng đôi với đồi Hàm Long và cả hai dường như cùng một độ cao”

            “Dãy đồi chính Bắc nhìn về núi Ngự Bình điểm tô sắc thái cho khu vực”

            “Hoa phượng hoà với sông nước, mây bay trên chùa Báo Quốc thấm vào tâm hồn chư tăng”

            “Những ô trọc và bụi trần không xâm hại được nơi đây và mặt trăng, khi soi bóng trên chùa Hàm Long, đã mở ra những miền Phật cảnh”

            “Mắt chư tăng, như vầng nguyệt hoà cùng Tâm của trời”

            “Tiếng chuông chùa, âm vang như sóng vọng về miền tịnh lạc”

            “Nguyện ức vạn sinh linh quy ngưỡng về Như Lai”

            “Nguyện ức vạn sinh linh tán dương đức Tự Tại”

Ngay trước thềm điện, với cái nhìn đầu tiên chúng ta thấy nó cũng như bao ngôi điện Phật giáo khác. Cũng những bức tượng như nhau, những bàn thờ như nhau, được bày trí cùng kiểu như những ngôi danh lam khác. Ở đây chúng ta thấy cả một pháp hội của chư Phật mà tôi xin mạn phép ghi lại vài chi tiết sau đây.

Trên trần tường gian chánh điện có treo bức hoành tuyệt đẹp hình chữ nhật, nền xanh lục ghi chữ thếp vàng, bút tích do chính Võ Vương ngự đề vào năm 1747 mà hàng chữ nhỏ cũng như dấu ấn trên đó đã xác nhận:

            Hàng chữ lớn chính diện, “Sắc tứ Báo Quốc tự”

            Hàng chữ nhỏ bên phải, “Ngày lành, tháng thứ 2 mùa hạ, năm Cảnh Hưng[16] thứ 18[17]

Hàng chữ nhỏ bên trái, “bút tự của Quốc vương Từ Tế Đạo nhân[18]

Trong điện, bên phải lối vào, dưới mái hiên bên trong, có một đại hồng chung. Chữ khắc trên quả hồng chung này cho ta biết chuông được đúc trong mười hai ngày, vào năm Gia Long thứ 7 (1808) theo lệnh của Hoàng thái hậu. Chuông cao 3 thước 5 tấc, đường kính đáy 2 thước 8 phân, nặng 826 cân. Chuông được treo trên giá, bên cạnh là cây chùy gỗ để gióng chuông, được treo một cách rất kỹ thuật bằng sợi dây thừng buộc theo hình thang. Trên chuông ngoài những ký tự ghi nhớ sự bảo trợ của bà Hoàng thái hậu, là những giáo luật của nhà Phật, những lời cầu chúc và những mô-típ trang trí khác để tạo hình dáng thanh nhã của đại hồng chung. Phía trên cùng là những chữ triện lớn khắc tên bốn mùa trong năm, phía dưới, viền quanh chuông là những đường gạch huyền bí theo hình Bát quái.

Bát quái, vốn ít người thông thạo, là một hình tượng mà, theo quan niệm triết học đông phương, thể hiện, qua sự phối hợp phức tạp các đường gạch, nguyên lý âm dương của vạn vật. Các hình tượng này, hay ít nhất là tám, là kết quả của những phối hợp khác nhau mà ngày nay chỉ còn được những ông thầy pháp tầm thường dùng để suy đoán vận mạng. Có lẽ ta cũng không nên ngạc nhiên khi nhìn thấy hình tượng Bát quái thường được tái tạo trong các ngôi chùa hay trong nhà dân chúng địa phương, nơi mà, như ta biết, sự mê tín dị đoan chiếm một phần lớn.

Cũng trong tiền sảnh này có một mẩu gỗ, đã khô, hoặc là rễ cây hoặc gỗ Nu, có dáng kỳ lạ như hình bộ xương người. Chính vì sự giống nhau thô thiển này mà khúc gỗ đã được đưa vào chùa và trở thành vật được thờ cúng. Tương truyền một cư dân địa phương sở hữu mẩu gỗ này mà không mấy quan tâm, cho đến khi ông nằm mộng thấy có người đến khuyên ông nên đem khúc gỗ đến ngôi chùa nào gần nhất để tránh tai hoạ. Ông liền vội vã nghe lời. Chuyện này dường như đã xảy ra cách đây 35 năm, và từ đó nhà chùa không ngừng lo hương khói cho mẩu gỗ có dáng người này[19].

 

Ở giữa điện là một bàn thờ lớn, được trần thiết theo nhiều bậc cấp với nhiều hình tượng tôn thờ của Phật giáo, và lạ thay, bên cạnh những biểu tượng của Lão giáo[20].

Ở trên cùng là bệ thờ Tam thế Phật nguyên thủy của Ấn độ, có tóc quăn. Thấp hơn một chút cũng là ba vị Phật này nhưng khuôn khổ nhỏ hơn. Cạnh ngôi vị này là bức tượng nhỏ thếp vàng của Phật Thích ca trong tư thế độc đáo lúc mới đãn sanh, hai ngón tay trái chỉ lên trời, hai ngón tay phải chỉ xuống đất. Trên cùng cấp bậc người ta đặt rải rác những tượng thần cỡ nhỏ bằng đá cẩm thạch Quảng nam, bằng đất nung hoặc bằng đồng. Có cả tượng Phật Di Lặc vui tươi với cái bụng to và nụ cười mở rộng nhắc tín đồ rằng dưới tấm y áo kia ngài đã chôn vùi những phiền não của thế gian. Có cả đức Quan thế Âm, vị Bồ tát cứu khổ, và đức Địa Tạng, vị Bồ tát bảo hộ các linh hồn quá vãng; và có cả tượng Thị Kính người chăm sóc bảo bọc hài nhi cùng nhiều hình tượng khác ít được biết hơn.

Trên bậc thứ nhì ở gian giữa là chỗ thờ Ngọc Hoàng, vị Thượng đế của các tầng trời trong đạo Lão. Ngài đội mũ vuông, được vây quanh bởi các vị thần: Hộ pháp, lo xua đuổi các điều bất thiện; Hộ Phật, lo cứu vớt các cô hồn; Bắc đẩu và Nam tào. Có hai bài vị bằng giấy cung thỉnh chư thần nhập tự, một cái gồm những vị thần quen thuộc như Thổ công, thần đất; Ông Táo, thần bếp núc; Thành hoàng, thần bảo vệ làng xã; Thần Nông, hộ trì nông nghiệp; Tỉnh tuyền và Long vương, thần giếng nước và sông suối. Bài vị kia dành cho chư thần các vì tinh tú.

Dưới thấp, trên hàng tiền cảnh, ở chỗ trang trọng là một bài vị bằng gỗ sơn son được phủ lụa vàng, dành cho Hoàng đế đương tại vị. Xung quanh là những bức hoạ màu đóng khung tái hiện Bồ tát Quan thế Âm, vị cứu khổ hộ trì những người đang sống và Bồ tát Địa Tạng, hộ trì những người đã chết. Thỉnh thoảng những bức hoạ này được đưa đến nhà những tín đồ thuần thành khi họ thỉnh mời các vị sư đến làm lễ. Khi cầu an chư tăng sẽ cung thỉnh tượng Bồ tát Quan thế Âm; khi cầu siêu họ sẽ đưa đến tượng Bồ tát Địa Tạng. Trên điện thờ này có một bát hương bằng sứ màu xanh cũ kỹ, xứng đáng thu hút sự chú ý của người hiểu biết. Trên bát hương được trang trí bốn chữ Phạn lớn A-DI-ĐÀ-PHẬT và bốn vị sư đang tụng kinh, chứng tỏ nó đã được đặc biệt chế tác cho nhà chùa sử dụng. Màu men xanh, hình dáng chữ, những vị sư có ánh hào quang bao quanh, tất cả chừng như cho thấy đó là một cổ vật khá xưa.

Các pháp khí đáng chú ý khác là cái mõ, được làm bằng gỗ mít, mô tả hình tượng hai cái đầu nhăn nheo của những con cá hoá rồng[21]; và một cái chuông gia trì đặt cạnh bên để giữ nhịp[22] khi chư tăng tụng niệm.

Trong cùng gian chánh điện mà ta vừa mô tả, ở hai bên tả hữu là những bàn thờ nhỏ đặt sát tuờng:

1.      thờ 18 vị La-hán, 9 ngài bên hữu, 9 ngài bên tả; đây là 18 vị đệ tử Phật mà mỗi vị biểu hiện một tư thái độc đáo riêng.

2.      thờ Thập điện Diêm vương, mỗi bên có 5 vị, là những vị thần cai quản địa ngục, để phán xét và trừng phạt tuỳ theo công hay tội của mỗi người. Những vị thần này được trình bày dưới hình thức những pho tượng nhỏ thếp vàng, mang y phục triều quan, mắt nhìn chăm chăm vào cái hốt cầm trong tay.

3.      thờ Thiên Mẫu, vị nữ thần rất được sùng bái quanh vùng Huế[23]. Ở đây bức tượng bằng gỗ của bà được đặt trong một lồng kính nhỏ đặc biệt.

4.      thờ Quan Công, vị anh hùng trong lịch sử Trung quốc, được phong thần sau khi chết. Ông được thể hiện bằng gương mặt thuần hậu được viền quanh bởi bộ râu đen ông đang vuốt trong tay; bên hữu là Quan Bình, con trai ông, và bên tả là Châu Thương đồ đệ trung thành của ông. Chân dung của Quan Công (còn gọi là Quan Đế, Quan Thánh) do nhà danh hoạ Lê Trát Dương vẽ, được đặt trên ngai thờ. Đây là loại hình hoạ in thạch bản ta thường thấy ở những nơi bán hình tượng tôn giáo ở Trung quốc. Những hình tượng này, như các nơi khác, một khi đã được thờ phụng thì không bao giờ bị đem huỷ bỏ. Nếu vì lý do gì mà sự thờ cúng không còn nữa thì phải đem chúng vào chùa là nơi sẽ bảo tồn chúng.

5.      trong một lồng kính, một pho tượng nữ thần 18 tay mà người ta gọi là Bà Chuẩn Đề. Vì sao Bà có nhiều tay như vậy?[24] Ta có thể tưởng là mình đang đứng trước Bà Thiên Thủ, vị Phật nghìn tay mà ta từng thấy ở miền Bắc. Sở dĩ gọi như vậy là vì ngài có thần lực cho phép ngài đến mọi nơi và tiếp nhận mọi lời cầu khẩn. Tuy nhiên, các vị sư tôi thỉnh ý đã không giải thích như vậy. Họ nói, mười tám vị La-hán ai cũng muốn vào Niết bàn khi đã cạo xong râu tóc, vì thế, để các vị không phân bì và có thể cho tất cả cùng vào Niết bàn một lúc, Bà Chuẩn Đề đã không ngần ngại hoá ra 18 cánh tay để cạo đầu cho tất cả cùng một lượt. Người ta giải thích với tôi rằng Chuẩn Đề không phải là nữ thần mà là một đức Phật thường thị hiện qua hình dáng nữ thân.

Có nhiều cờ hiệu, tràng phan được treo từ trên trần điện, là những biểu hiệu của Phật giáo. Mỗi lòng phan mang danh hiệu một vị Phật và sẽ được chư tăng thỉnh ra mỗi khi vị Phật này được tín đồ cung thỉnh cho một nghi lễ.[25]

Phía sau chánh điện mà chúng ta vừa lướt qua này là hậu điện, một phần là bàn thờ của chư tổ và một phần dành để thờ Hiếu Khương Hoàng hậu, mẹ của vua Gia Long, và như chúng ta đã biết, cũng là đại ân nhân của ngôi chùa.

Trên các bàn thờ tổ có những bài vị, tức những khung gỗ sơn son được chạm trổ và thếp vàng, ghi tên chư vị Hoà thượng và Trú trì có công đức mà chùa lấy làm tự hào. Ở đây ta thấy bức chân dung nổi bật của một trong số chư vị tổ sư ấy, ngài Tâm Truyền[26], hiệu Tuệ Vân, vị tiền nhiệm của ngài Trú trì hiện tại. Bức chân dung này được vẽ một cách tinh xảo, là tác phẩm của hoạ sĩ Hường Cao một nghệ nhân nổi tiếng đối với độc giả của tạp chí này.

Ngoài năm thứ đồ thờ cúng như bình hoa, lư hương, chân đèn…, ta còn thấy treo hai bên bàn thờ nhiều di vật mà ta đoán là của người quá cố:

1.      Một cây gậy, gọi là Tích trượng, đằng đầu có 12 cái khoen đan vào nhau bằng một gọng thiếc. 12 cái khoen này tượng trưng 12 giới luật thiêng liêng[27] tạo nên đạo hạnh của vị sư. Vị Hoà thượng, khi giảng kinh hay nói pháp, phải một tay cầm tích trượng và tay kia bưng bình bát và một cái thìa gỗ; bình bát bằng đất và thìa gỗ ngụ ý chư tăng chỉ được dùng những đồ vật tầm thường đơn giản nhất.

2.      Mắc vào tích trượng là cái Như ý, một mẩu thiếc dài chừng 0m60, một loại quyền trượng tôn giáo mà vị tăng chủ sám thường cầm trong các buổi lễ.

3.      Cái Phủ phất, một loại dụng cụ phủi bụi làm bằng lông vũ, có nghĩa ẩn dụ để xoá sạch bụi trần. Ta còn thấy những cây phất trần này trong những đoàn hộ giá của hoàng gia, có lẽ với cùng ý nghĩa ẩn dụ trên.

4.      Chuỗi hạt Kim cang, mà môn đồ của Phật tự nguyện lần đếm từng hạt một cách vô tận để giữ tâm luôn tỉnh thức trước các việc trần tục.

5.      Cuối cùng là chiếc túi lụa cất giữ các chứng từ của ngôi chùa và bản phả hệ các vị sư tính từ người sáng lập tông môn, là đức Phật Thích ca mâu ni.

Trên bàn thờ đặc biệt phụng cúng tưởng niệm Hoàng hậu, thân mẫu vua Gia Long, nhờ bà mà ngôi chùa sau nhiều năm bị thất sủng đã lấy lại ngôi vị hàng đầu, treo một bức hoành với cái tên “Thiên Thọ tự”[28] được vua ban cho lúc ấy và dấu ấn triện của vị Hoàng hậu ân nhân, ghi ngày tháng “Tháng hạ năm Mậu thìn, năm thứ 7 triều Gia Long” (1808). Một cái ngai nhỏ thếp vàng, có hai tán lọng vàng che hai bên cho biết đây là nơi phụng thờ một bậc mệnh phụ triều đình.

Chùa có hai gian nhà rộng dùng làm tăng phòng và một gian khác có trang bị bàn ghế dùng làm nơi tiếp khách. Phía bên hữu là nhà ăn, nhà bếp và các công trình phụ.

Trong gian phòng dùng làm trường cho học tăng người ta thiết đặt một bàn thờ nhỏ dành cho vong linh các tín đồ vô tự; trong vòng ba năm các bài vị cá nhân ở đây được thờ cúng kỵ giỗ riêng, đến hết thời hạn ấy, các bài vị này được thiêu hoá và tên của người quá cố được chuyển vào ghi trên một bài vị chung đặt trong một gian thờ khác. Cũng trong gian thờ này có ghi danh tánh các vị sư bình thường đã quá cố.

Hiện giờ, tổ chức tăng chúng áp dụng tại chùa Báo Quốc gồm có một vị Trụ trì (sư trưởng) và độ mươi nhà sư cùng các chú tiểu. Trên đây tôi đã nêu ra vài nét về cuộc sống của tăng chúng; điều này có thể lôi cuốn chúng ta lạc đề nếu cố đi vào chi tiết.

Trước khi kết thúc bài khảo cứu này, tôi muốn lưu ý đến những đề tài trang trí mà ngòi bút lão luyện của nghệ sĩ M. A. Durier đã nêu ra đó đây, về nhiều nơi khác nhau trong chùa, dành cho Tạp chí Đô thành Hiếu cổ mà ta thấy có trong bài viết này[29].

Và sau cùng, trước khi từ giã chùa, xin đừng quên chào cái “Giếng cấm”, tức giếng Hàm Long, cái giếng đã tặng tên gọi cho ngọn đồi nơi nó được đào ra. Dưới lòng giếng này cất dấu một tảng đá hình hàm rồng mà người ta nói, từ miệng rồng đó tuôn ra mạch nước mát và trong vắt, thanh khiết đến mức được dành riêng cho vua ngự dụng. Ngày nay giếng được để cho dân chúng dùng và nước không còn trong sạch như ngày xưa đã từng được quý trọng.

Chúng ta cũng nên thêm đôi dòng tưởng niệm ông Trần Viết Thọ, một vị quan đáng được ghi nhớ trong lịch sử chùa. Lúc sinh thời, ông làm Đốc học, hiệu trưởng trường tỉnh hạt Quảng Trị. Đến năm ông 59 tuổi, mặc dù các quan cấp trên, học trò, và gia đình ông can ngăn, ông vẫn quyết định xin nghỉ hưu và dâng hiến đời còn lại để vào chùa tu hành. Lòng nhiệt thành cầu đạo của ông cao đến độ sau nhiều năm tinh cần tu khổ hạnh, vào một ngày đẹp trời, ông cho vợ con biết rằng từ đây ông đã thuộc về Phật tổ và đã sẵn sàng từ bỏ nhục thân này; và ngay hôm đó ông đã tự thiêu trong túp lều tranh nơi ông lui về ẩn dật bấy lâu. Ngồi an nhiên tự tại giữa ngọn lửa hồng, bình thản khêu ngọn lửa cháy rực với một cuốn kinh cầm trong tay, ông đã hiến mình một cách kiên cường đạo hạnh.

Đó không phải là chuyện hoang đường. Việc ra đi một cách sùng tín của ngài Trần Viết Thọ mọi người đều biết; và các nhân vật cao cấp ở Huế lúc ấy, đứng đầu là các Thượng thư Trương Quang Đãn, Nguyễn Thuật, Cao Xuân Dục, Hoàng Cao Khải đều đã đến viếng tang.

bản dịch  Hạnh Viên


 

Phụ chú của ND

Được sự giúp đỡ của HT Thích Thiện Hạnh, qua khảo sát, ngày nay chúng tôi thấy trong chùa còn các câu đối và bức hoành sau:

1. Ngoài bức hoành “Sắc tứ Báo Quốc tự” đã nói trên, được treo giữa chánh điện, hai bên còn có hai bức hoành nhỏ hơn:

(bên phải): “Tuệ nhật trường minh”

(bên trái):  “Từ phong vĩnh phiến”  

Tạm dịch: Sáng hoài ánh trí tuệ. Mát mãi ngọn gió từ.

2. (Ở giữa điện, mặt trước):

Cổ tự xuất vân sơn hữu ý nhân lai xao thạch khánh.

Thiền cư lâm thủy bạn vong cơ long đáo thính kim kinh.

Tạm dịch:

Chùa cổ vượt tầng mây, khách hữu ý về khua khánh đá

            Nhà thiền ven bến nước, rồng vô tâm đến tụng kinh vàng.[30]

3. (Ở giữa điện, mặt sau):

            Phật bất ly tâm tâm bất ly Phật thùy vân thân ngoại hữu bồ đề.

            Sắc tức thị không không tức thị sắc tu tín tánh trung vô quái ngại.

            心不 佛誰

           

Tạm dịch:

Tâm không xa Phật, Phật không xa tâm, ngoài thân ai nói có bồ đề.

            Sắc tức thị không, không tức thị sắc, trong tự tính hãy tin Vô ngại.

4. (Trước bàn thờ Bồ tát Quán thế Âm và Bồ tát Dược Sư):

            Chúc thánh thọ tán hoàng đồ diệu nhật nguyệt quang huy vạn cổ.

            Ký dân an kỳ vật phụ tịnh sơn hà tráng đế thiên thu.

            耀

           

Tạm dịch:

Mừng tuổi thọ vua, khen cơ đồ hoàng đế, vầng nhật nguyệt rạng soi từ vạn cổ.

Mong dân an, cầu vật thịnh, non nước yên bình vua vững muôn năm.

5. Nơi hậu điện thờ chư tổ, chúng tôi thấy có bức hoành ghi ba chữ VÔ TẬN ĐĂNG, , ngụ ý: ngọn đèn chánh pháp sẽ đời đời truyền lưu vô tận.

Và các đôi câu đối:

6. (Phía ngoài, hai bên cửa vào hậu điện):

            Hương giang kỳ bắc Ngự lĩnh kỳ nam thiên vạn thế từ phong truyền tự cổ.

            Cảnh Hưng dĩ tiền Vĩnh Thịnh dĩ hậu sổ bách niên Phạm Vũ tráng vu kim.

           

           

Tạm dịch:

Sông Hương phía bắc, núi Ngự phía nam, ngàn vạn đời từ xưa truyền gió mát.

Cảnh Hưng đầu triều, Vĩnh Thịnh cuối triều, hàng trăm năm chùa tháp vẫn huy hoàng.

7. (Bên  trong, trước bàn thờ chư tổ):

            Trang nghiêm tịnh giới khai sáng ngưỡng thần công cổ điện trường tồn dữ ngã quốc triều tịnh thọ.

            Hùng tráng đế kinh hộ trì tư Phật lực linh quang tự tại tố Lê Cảnh Hưng nhi kim.

            殿

           

Tạm dịch:

Nơi thanh tịnh trang nghiêm, kính ngưỡng công khai sáng, điện cũ trường tồn cùng nước nhà vững mãi.

Kinh đô hùng mạnh, nhờ Phật lực giúp cầm, ánh linh tự tại từ Lê Cảnh Hưng đến nay.

8. (Sau bàn thờ tổ, treo sát tuờng):

            Hàm Long tái ngọ đàm kinh phù luật xuất chơn thuyên ứng vật khúc trần huề đăng thực địa.

            Báo Quốc trùng quang bát hoả ma chuyên truyền tổ đạo đương cơ trực chỉ bất lạc kỳ đồ.

           

           

Tạm dịch:

Hàm Long ngày tháng bàn kinh hộ luật bày ra chân lý, ứng theo vật uyển chuyển dẫn về nơi rốt thực.

Báo Quốc sáng trưng đốt lửa mài gạch truyền đạo Tổ, đúng người chỉ thẳng không để lạc đường chơn.

9. Cũng trong điện thờ tổ, trước có đôi câu đối nay đã mất, nhưng chúng tôi thấy còn ghi trong tập Thủy Nguyệt Tùng Sao của cố HT Bích Phong, hiệu Thạch Sơn Thị, chùa Quy Thiện, Huế. Xin chép lại: (Đại Báo Quốc tự phụng tổ liên)

            Bồ đề phi thụ minh kính phi đài y bát gia phong tại thử.

                Đông độ bất lai Tây thiên bất khứ truyền thừa đạo mạch vu tư.

           

            西

Tạm dịch: (Câu đối thờ tổ tại chùa Báo Quốc)

Bồ đề chẳng cây, gương sáng chẳng đài, gia phong y bát là đây.

Đông độ không đến, Tây thiên không về, đạo mạch truyền thừa từ đó.[31]

10. Ở Tây đường, nay là phòng khách, có đôi câu đối:

            Báo ứng vô biên phước quả tường hoa tam bảo địa.

            Quốc gia hữu đạo từ vân pháp vũ thập phương thiên.

           

           

Tạm dịch:

Báo ứng không ngần, đất già lam sinh hoa lành quả phúc. Quốc gia có đạo, trời bao la rải mây từ mưa pháp.[32]

Ngoài ra, còn một số câu đối phơi sương gió nơi các mộ tháp:

11. - Nơi cụm mộ tháp được qui tụ, mặt trước cổng vào :

            Chỉ đồ kiến tánh ngôn hạ tri quy thuỳ thị can đầu tấn bộ.

            Bát thảo tham huyền thanh tiền ngộ chỉ thỉ năng tâm nội thừa đương.

            竿

           

Tạm dịch:

Chỉ bày thấy tánh, trong lời rõ nghĩa, nào ai đầu sào thêm bước.

Trừ vọng cầu chơn, nói ra hiểu ý, ai từng tâm nội đảm đương.[33]

12. - Mặt trong sân:

            Hàm Long trụ tích Báo Quốc lưu quang truy tố đê đầu hoài tổ đức.

Bảo tháp lăng tiêu phương danh trì địa cổ kim củng thủ hướng linh đài.

           

Tạm dịch:

Cắm gậy đất Hàm Long, rạng ngời chùa Báo Quốc, tăng tục cúi đầu nhớ ơn tổ.

Dựng tháp cao lồng lộng, danh thơm tỏa một vùng, cổ kim cung kính bái linh đài.[34]

13. - Nơi tháp giữa, trước bia mộ Tổ khai sơn Giác Phong:

            Tàng bách niên sanh tử             

            Qui nhất lộ Niết bàn                 

Tạm dịch: Cất trăm năm sinh tử.

Về một lối Niết bàn.

14. - Nơi tháp Tổ Tử Dung:

            Khứ lai như thị trú                    

            Không sắc cổ kim đồng           

Tạm dịch: Đến đi là như vậy.

Không, sắc xưa nay đồng.

15. - Nơi tháp HT Trí Thủ[35], mặt trước hai trụ biểu:

            Quảng đại hạnh phát thâm tâm bát thác mê vân bất quyện hối nhân bồi Phật chủng.

            Cứu chơn không minh diện chỉ xung quan huệ nhật phùng trường trác tích chấn tôn phong.

           

           

Tạm dịch:

Nuôi hạnh lớn, phát thâm tâm, vạch tan mây mù, vun bồi Phật chủng không nại khó khăn.

Phá tánh không, tỏ diệu chỉ, dương cao tuệ nhật, khai mở giới trường chính lý tông phong.[36]

16. - Nơi tháp HT Thích Trí Thủ, mặt trong hai trụ biểu:

                Thạch thất biểu thiền tâm dữ Ngự lĩnh Hương giang trường tại.

            Hoa đài hàm linh cốt sử tăng đồ pháp quyến thâm tư.

           

            使

Tạm dịch:

Thạch thất biểu lộ Thiền tâm, cùng núi Ngự sông Hương còn mãi.

Đài hoa ôm ấp Linh cốt, khiến tăng đồ pháp quyến không quên.[37]

17. - Nơi tháp HT Thích Thanh Trí[38], mặt trước hai trụ biểu:

            Khiêm nhẫn hữu dư phát ý viên thành tam tụ giới.

            Trí bi vô ngại chung thân bất thối tứ hoằng tâm.

           

            退

Tạm dịch:

Đức khiêm nhẫn có thừa, khởi ý vẹn toàn ba tụ giới.

Trí tuệ và từ bi vô ngại, cả đời không bỏ bốn hoằng tâm.

18. - Nơi tháp HT Thanh Trí, mặt trong hai trụ biểu:

            Sanh tử thị đồng quan đồng hội hạc lâm đăng tịnh tháp.

            Niết bàn tịnh biệt xứ biệt siêu trần giới nhập vô sanh.

           

            涅槃

Tạm dịch:

Sống chết có đồng quan, đồng hội, rừng hạc lên tịnh tháp. Niết bàn cùng nơi khác, cõi khác, trần thế vào vô sanh.[39]

 H.V.


 


* Nguyên văn les Amis du Vieux Hue, một hiệp hội đương thời được gọi là Đô thành hiếu cổ. – ND.

[1] Bài viết này chủ yếu dựa trên nguồn tư liệu chép tay dành riêng của chùa.

[2] Quyển 2, tờ 43.

[3] Có tài liệu ghi chùa do Hoà thượng Pháp Hàm, hiệu Giác Phong Lão tổ, khởi dựng năm Giáp Dần (1674). Tuy năm tháng cụ thể chưa được xác định, song chúng ta có thể đoan chắc là chùa đã được gây dựng vào cuối thế kỷ 17, vì vào năm 1690, lần đầu tiên ra Huế, Tổ Liễu Quán đã đến cầu đạo nơi đây. – ND.

[4] Tức Chúa Nguyễn Phúc Khoát, ông nội của vua Gia Long. Ông sinh năm Giáp Ngọ 1714, thọ Bồ tát giới pháp danh Phật Tâm, hiệu là Từ tế Đạo nhân; mất năm 1765. – ND.

[5] Cách đọc của tác giả, tức Hữu Bùi, hay Hòa thượng Bùi Công, tự Tế Nhân Viên Giác, một cao túc của Tổ Liễu Quán, đã vâng sắc chỉ trú trì chùa trong thời gian này cho đến năm 1753 khi ngài viên tịch. Đại sư Hàn Chất kế thế trụ trì đến năm 1766. – ND.

[6] Trong thời kỳ chiếm đóng của quân Tây Sơn, hầu hết chùa chiền quanh kinh thành đều bị tàn phá chỉ trừ chùa Báo Quốc, được dùng làm kho chứa diêm tiêu và xưởng đúc súng.

[7] Lúc này chữ Thiên Thọ đã được dùng để đặt tên lăng vua Gia Long.

[8] Theo năm bài viết này đăng trên báo Bulletin des Amis du Vieux Hue, 1917. – ND.

[9] Loại đồ sứ tráng men xanh rất nổi tiếng của Huế, quen thuộc trong giới khảo cổ với tên gọi ‘Bleu de Hue’, màu lam Huế. – ND.

[10] Nguyên văn Hán đã thất lạc. Ở đây chúng tôi tạm phục hồi theo suy đoán. –ND.

[11] Một số câu ở cả hai mặt này ngày nay đã hoàn toàn hư hỏng, không thể đối chiếu với nguyên văn Hán. – ND.

[12] Năm 1957, hội đồng môn phái chùa Báo Quốc, do Hoà thượng Thích Trí Thủ chủ trì, đã quyết định di dời và quy tụ về vị trí bên phải sau chánh điện thành cụm gồm 14 tháp; ngày nay hai bên cụm tháp này có hai tháp mới, bên phải là tháp vọng của HT Thích Trí Thủ và bên trái là tháp của HT Thích Thanh Trí. (về các câu đối nơi các mộ tháp này, xem phần bổ sung ở cuối bài). Còn cụm tháp 5 cái (từ số 9 – 13) vẫn  giữ nguyên vị trí cũ.– ND.

[13] Theo cách phát âm của tác giả. Đối chiếu theo bia mộ là Thanh Nhàn, tự Hoà Nhã.

[14] Như cht 13. ‘… húy Thượng Thanh hạ Nhàn.’

[15] Các câu này nay không còn để đối chiếu; chúng tôi chỉ dịch theo nguyên tác Pháp ngữ.

[16] Niên hiệu Hoàng đế triều Lê ở Thăng Long. Các chúa nhà Nguyễn, tuy trị vì độc lập ở Huế, vẫn dùng niên hiệu của Hoàng đế ở Bắc kỳ trong các văn kiện chính thức.

[17] Chỗ này có nhầm lẫn về tháng năm. Năm 1747 là năm Cảnh Hưng thứ 8. Nguyên văn Hán ghi trên bức hoành: Cảnh Hưng bát niên mạnh hạ cốc nhật, tức ngày lành tháng 4 năm C.H. thứ 8. – ND.

[18] Nguyên văn Hán ghi trên bức hoành: Quốc vương Từ tế Đạo nhân ngự đề. – ND.

[19] Ngày nay mẩu gỗ này không còn. –ND.

[20] Nền tảng tôn giáo xứ An nam  là một tổng hợp ba tôn giáo Phật, Lão và Khổng; vì thế ta thường thấy ba tôn giáo này tập họp trong cùng một ngôi chùa, dù những thuộc tính của ba giáo thuyết rất khác nhau từ nguồn gốc.

[21] Mõ các chùa thường khắc hình đầu con cá chép. Nguyên văn tác giả dùng chữ serpents dragons, rắn rồng, (có lẽ muốn nói là con giao) e có chỗ nhầm lẫn. – ND.

[22] Chính xác hơn, chức năng của chuông này, như tên gọi, là để nhắc nhở và giữ sự tập chú của chư tăng khi tụng niệm. – ND.

[23] Thiên Mẫu là vị nữ thần theo quan niệm của đạo Lão.

[24] 18 tay, tượng trưng 18 pháp bất cộng (đặc hữu) của Phật. –ND.

[25] Các mô tả này ngày nay hầu hết đã thay đổi. Trong chánh điện nay thờ Tam thế chư Phật, dưới thấp hơn một chút là bàn thờ Phật Thích-ca, hai bên có hai tượng nhỏ tôn giả A-nan và tôn giả Ca-diếp. Bên phải bàn thờ chính là bàn thờ Bồ tát Dược Sư, bên trái là bàn thờ Bồ tát Quán thế Âm. Trên tường ở giữa treo bức hoành ‘Sắc tứ Báo Quốc tự’, bên phải có bức hoành ‘Tuệ nhật trường minh’, bên trái có bức hoành ‘Từ phong vĩnh phiến’. –ND.

[26] Nguyên văn ghi Tâm Tuyên, dit Tuệ Vân, e nhầm lẫn trong cách phát âm. – ND.

[27] Chỉ 12 hạnh đầu đà. – ND.

[28] Bức hoành này nay không còn thấy, có lẽ đã bị hư hay cháy trong hai lần chùa bị hoả hoạn, nhất là vào năm Mậu thân 1968. – ND.

[29] Các hình vẽ minh hoạ này vì lý do kỹ thuật đã không thể in lại, vả chăng chúng cũng không còn giá trị thực tế sau nhiều biến đổi trong gần 90 năm qua. – ND.

[30] bản dịch của T.T. Tuệ Sỹ.

[31] bản dịch của HT Thích Thiện Hạnh.

[32] bản dịch của HT Thích Thiện Hạnh.

[33] bản dịch của HT Thích Thiện Hạnh.

[34] bản dịch của HT Thích Thiện Hạnh.

[35] HT Thích Trí Thủ, nguyên Viện trưởng Viện Hoá Đạo GHPGVNTN, Trú trì chùa Báo Quốc, Giám viện PHV Báo Quốc, viên tịch năm 1984, nhục thân được an táng tại bảo tháp ở Tu viện Quảng Hương Già Lam, SG. Tháp tại đây là tháp thờ vọng.

[36] bản dịch của HT Thích Thiện Hạnh.

[37] bản dịch của HT Thích Thiện Hạnh.

[38] HT Thích Thanh Trí, nguyên Chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh Thừa Thiên-Huế, Giám tự chùa BQ, viên tịch năm 1984, nhục thân được an táng tại bảo tháp này.

[39] bản dịch của HT Thích Thiện Hạnh.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác