Chùa Tây Thiên

CHÙA TÂY THIÊN

 

TÂM QUANG

 

CHÙA TÂY THIÊN: Nơi xuất hiện

CHÍN BẬC CAO TĂNG KỲ VĨ

 

I. DẪN NHẬP

Trong số hàng trăm ngôi danh lam cổ kính ở đất Thần kinh Huế, đã được chư Tổ khai sơn, kiến tạo, trùng hưng từ nhiều thế kỷ về trước, như các chùa Quốc Ân, Hàm Long Báo Quốc, Ấn Tôn Từ Đàm, Thiên Thai Thuyền Tôn, An Dưỡng am Từ Hiếu, các quốc tự Linh Mụ, Diệu Đế, Thánh Duyên, v.v… Những công trình kiến trúc chùa tháp đồ sộ này, cùng nếp sống trang nghiêm, thanh tịnh của nhiều thế hệ cao tăng, thạc đức kế tục truyền thừa, không chỉ ghi những dấu son chói lọi trong dòng lịch sử Phật giáo, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm linh cao đẹp của dân tộc suốt nhiều thế kỷ.

Ngoài ra, ở miền đất cố đô này còn có nhiều ngôi chùa mới được chư Tổ khai sơn, kiến tạo trên dưới một trăm năm trở lại đây, nhưng lối kiến trúc hài hòa và đạo phong thanh thoát của chốn Thiền môn cũng không kém phần rực rỡ.

Có thể nói, những ngôi chùa mới này đã tạo thêm cho quần thể chùa tháp ở miền đất cố đô thơ mộng một dáng vẻ uy nghiêm, trầm hùng, đan xen trong một  không gian thanh thoát, tịch mịch.

 

 

 Chùa Tây Thiên, Huế

 Trong số đó, có chùa Tây Thiên

Chùa Tây Thiên, tuy mới được kiến tạo từ năm Nhâm Dần, 1902 nhưng qua quá trình hình thành và phát triển suốt nửa đầu thế kỷ XX thì ngôi chùa mới này cũng đã đóng giữ một vai trò trọng yếu trong công cuộc  chấn hưng Phật giáo tại miền Trung; đã góp phần đánh thức nhiều thế hệ Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam, sau hơn một thế kỷ ngủ vùi trong suy vi, đình đốn, làm cho tất cả đều đứng dậy và vươn lên mạnh mẽ.

Từ một Đạo tràng được Tổ khai sơn lập nên rất sớm để giáo dưỡng và chấn chỉnh Tăng đồ, đến sự ra đời đúng lúc của một Phật học viện qui mô rộng lớn, nhằm mục đích đào tạo Tăng tài trên khắp 17 tỉnh miền Trung.

Từ việc che chở, đùm bọc cho phong trào GĐPT có nơi nương tựa để đào luyện và kiện toàn tổ chức, đến một Đạo tràng tu học dành cho các giới cư sĩ mà hơn 40 năm qua vẫn không ngừng sinh hoạt.

Từ một trường Sơ cấp Phật giáo được tổ chức và khai giảng đầu tiên tại Huế, nhằm giúp đỡ cho đông đảo con em thất học tại các địa phương lân cận, đến việc mở một Trạm xá từ thiện, để khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào Phật tử nghèo trong thời buổi chiến tranh loạn lạc… là những thành quả mà ngôi chùa mới Tây Thiên đã đạt được kể từ sau năm Canh Thân, 1920, khi các Đạo tràng đầu tiên được chư  Tổ lập ra tại Huế.

Cao quý hơn nữa, chùa Tây Thiên còn là nơi xuất hiện chín bậc Cao tăng kỳ vĩ, mà công nghiệp lớn lao của quý Ngài, dù phải trải qua nhiều giai đoạn cam go và đầy biến động nhất của lịch sử dân tộc, nhưng quý Ngài cũng đã làm cho nền Phật giáo Việt Nam đạt đến đỉnh cao của thời hưng thịnh.

Phải chăng, những thành tựu lớn lao ấy, là nhờ vào thâm ân của Tổ khai sơn Thanh Ninh Tâm Tịnh, người đã suốt đời tận tụy, chăm nom giáo dưỡng cho các thế hệ Tăng Ni đệ tử, trong Đại nguyện “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”, vô cùng sâu nặng của Ngài.

Để có thể có cái nhìn tổng quát hơn về vai trò, vị trí lịch sử và sự đóng góp tích cực của ngôi chùa mới Tây Thiên trong giai đoạn chấn hưng và cũng là nơi xuất hiện chín bậc Cao tăng kỳ vĩ. Chúng tôi xin trình bày thêm phần lược sử chùa và tiểu sử của Tổ khai sơn “Sắc tứ TÂY THIÊN DI ĐÀ TỰ”.

II. LƯỢC SỬ CHÙA TÂY THIÊ

Kể từ năm khai sơn cho đến những lần trùng tu về sau, chùa Tây Thiên đã có nhiều tên gọi khác nhau:

Năm Nhâm Dần, 1902  thời đầu xây dựng có tên là Thiếu Lâm trượng thất.

Năm Giáp Thìn, 1904 đổi thành Thiếu Lâm tự.

Năm Tân Hợi, 1911 lại đổi tên thành Tây Thiên Phật cung.

Năm Quý Dậu, 1933 niên hiệu Bảo Đại thứ 8, vua ban biển ngạch “Sắc tứ Tây Thiên Di Đà tự”.

Ngày nay, mọi người chỉ quen gọi là chùa Tây Thiên, hay trân trọng hơn là Tổ đình Tây Thiên.

***

Chùa Tây Thiên do Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh kiến tạo từ năm Nhâm Dần, 1902, trên vùng đất thuộc ấp Thuận Hòa, làng Dương Xuân hạ, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. (Nay là thôn Thượng Một, xã Thủy Xuân, thành phố Huế). Chùa nằm về hướng Tây Nam núi Ngự Bình, cách đàn Nam Giao khoảng 500 mét về phía Nam.

Thời đầu xây dựng, chùa có tên gọi là Thiếu Lâm trượng thất và chỉ là một thảo am để Hòa thượng cùng vài ba đệ tử làm nơi ẩn náu tu hành.

Vào mùa Đông năm Giáp Thìn, 1904, sự sinh hoạt có cơ duyên phát triển nên chùa được xây dựng thêm một ngôi nhà nằm phía hữu của thảo am, rồi đổi tên Thiếu Lâm trượng thất thành Thiếu Lâm tự.

Đến năm Tân Hợi, 1911, Hòa thượng tiếp tục cho xây ngôi chánh điện rộng lớn (nằm ở vị trí ngày nay) còn nền cũ thì sửa lại làm Tăng xá. Trong dịp này, Hòa thượng còn chú tạo một ngôi tượng Phật A-di-đà, rồi lại đổi tên Thiếu Lâm tự thành Tây Thiên Phật cung.

Đây cũng là thời kỳ Phật giáo Việt Nam bắt đầu chuyển mình vươn dậy, sau hơn một thế kỷ lâm vào tình trạng trì trệ, tha hóa.

Ở miền Nam, chư tôn Thiền đức bắt đầu lập các Đạo tràng để chấn chỉnh Tông môn và vận động cho công cuộc chấn hưng. Ở miền Trung, chư Tổ cũng tích cực khởi động phong trào. Mở đầu, Hòa thượng Như Trí Phước Huệ (1869-1945), lập nên hai Đạo tràng tại chùa Thập Tháp và chùa Long Khánh ở Bình Định. Ở Thừa Thiên, Huế, Hòa thượng Thanh Tú Tuệ Pháp (1871-1927), lập Đạo tràng tại chùa Thiên Hưng, Hòa thượng Thanh Thái Phước Chỉ (1858-1926) lập Đạo tràng tại chùa Tường Vân và Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh (1868-1928), lập Đạo tràng tại chùa Tây Thiên. Tiếp sau đó, Đại sư Viên Thành (1879-1928) cũng lập Đạo tràng tại chùa Tra Am… Sự sinh hoạt có nề nếp và đông đảo môn sinh dự học tại các Đạo tràng đầu tiên này, đã cổ xúy và khởi động mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh chóng của phong trào.

(Xin lưu ý: Đến đây, vì có hai sự kiện liên quan đến lịch sử chùa Tây Thiên trong giai đoạn này, mà các tác giả đã ghi thành sách và phát hành rộng rãi, nên chúng tôi xin nêu lên để chư vị Tăng Ni, Phật tử tìm hiểu thêm về lịch sử chùa Tây Thiên.

 Sự kiện thứ nhất:

Trong bản “Tiểu sử Ngài Tâm Tịnh” do môn đồ chùa Tây Thiên biên soạn, đã phát hành đến chư vị Tăng Ni trong môn phái từ năm Nhâm Ngọ (2002), có đoạn ghi (nguyên văn): “Năm Giáp Tý, gặp dịp Tứ tuần đại khánh của vua, vua Khải Định đã ngự đến chùa Tây Thiên, lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Huế, một ngôi chùa không phải là quốc tự mà được vua ngự đến thăm, vua đã ban cho Ngài Tâm Tịnh một đồng tiền vàng và hai trăm đồng bạc Đông Dương.”

Sự kiện này, chúng tôi e rằng có sự nhầm lẫn. Chắc soạn giả bản “Tiểu sử Ngài Tâm Tịnh” đã suy nhầm từ câu chữ Hán khắc trên văn bia ở tháp Tổ rằng: “Khải Định Giáp Tý hạ, cung ngộ Tứ tuần đại khánh, phụng Hoàng thượng ngự tiền, ân tứ kim tiền nhất diện tịnh dương ngân bách nhị nguyên…” Nghĩa là: Mùa hạ năm Giáp Tý, niên hiệu Khải Định, gặp lễ Tứ tuần đại khánh, trước mặt Hoàng thượng được ân ban một đồng tiền vàng và hai trăm đồng bạc Đông Dương.

Rõ ràng, qua đoạn văn bia trên, hoàn toàn không đề cập gì đến việc vua Khải Định ngự lên thăm chùa Tây Thiên, mà chỉ có việc vua ân thưởng cho Hòa thượng Tâm Tịnh (một số tiền như đã ghi trên) trong dịp Hòa thượng diện kiến nhà vua.

Một lý do dễ hiểu hơn nữa là lúc bấy giờ, Hòa thưọng Tâm Tịnh đang giữ chức Tăng Cang quốc tự Diệu Đế, nghĩa là Ngài đang hưởng bổng lộc của triều đình, thì không có lý do gì trong lễ Tứ tuần của vua mà Ngài lại không vào cung để chúc mừng. Sự kiện ân thưởng này được diễn ra trong Hoàng cung, chứ không thể là tại chùa Tây Thiên. Giả như trong một dịp nào đó, vua Khải Định có ngự lên thăm chùa Tây Thiên thì đó là một điều vinh dự cho chùa. Một sự kiện lịch sử khá quan trọng như thế, tại sao khi soạn văn bia, Tiến sĩ Mai Tu Nguyễn Cao Tiêu lại không ghi vào mà chỉ ghi có việc vua ân thưởng tiền?

Sự kiện thứ hai:

Trong cuốn Lịch sử Phật giáo xứ Huế của TT. Hải Ấn và Hà Xuân Liêm, bản in năm 2001 tại Tp. Hồ Chí Minh, ở trang 538 ghi (nguyên văn): “Năm Bính Dần, 1926, vua Khải Định “Sắc tứ” chùa Tây Thiên và cúng pho tượng A Di Đà.”

Sự kiện này, chúng tôi cũng e rằng có sự nhầm lẫn. Bởi lẽ, năm Bính Dần, 1926, là năm Bảo Đại nguyên niên. Vua Khải Định chỉ ở ngôi từ năm Bính Thìn, 1916 đến năm Ất Sửu, 1925 thì băng hà. Làm gì còn sống đến năm Bính Dần, 1926 để “Sắc tứ” chùa Tây Thiên? Yếu tố thứ hai, giả như vua Khải Định trong một năm nào đó đã “Sắc tứ” chùa Tây Thiên, thì đến năm Quý Dậu, 1933, vua Bảo Đại chắc “không dám” ban biển ngạch “Sắc tứ Tây Thiên Di Đà tự”, hiện treo trong chánh điện.)

Mùa Xuân năm Mậu Thìn, 1928, Tổ Thanh Ninh Tâm Tịnh viên tịch. Hòa thượng Trừng Văn Giác Nguyên, trưởng tử của Tổ kế tục trú trì. Lên làm trú trì, Hòa thượng Giác Nguyên, cũng không ngừng nỗ lực tiếp nối thực hiện sự nghiệp hoằng hóa đang còn dở dang của Tổ.

Ngày 19 tháng 9 năm Ất Hợi (16.10.1935), Hòa thượng trú trì, cùng chư tôn Hòa thượng trong Hội đồng chứng minh An Nam Phật học hội, quyết định thành lập và khai giảng một Phật học viện rất qui mô tại chùa Tây Thiên. Phật học viện này gồm đủ ba trường Sơ-Trung-Cao đẳng. Sau khi thành lập, thì các lớp Sơ đẳng, Trung đẳng đang được giảng dạy tại các chùa Vạn Phước, Trúc Lâm, Tường Vân, Báo Quốc… đều được chuyển lên sáp nhập vào Phật học viện này.

Một năm sau ngày khai giảng, Phật học viện tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm Đệ nhất chu niên. Trong dịp này, Hội quyết định đổi tên trường Cao đẳng thành “XUÂN KINH ĐẠI PHẬT HỌC TRÀNG” . Cơ sở vẫn đặt tại chùa Tây Thiên.

Phật học viện Tây Thiên thu nhận học Tăng mở rộng trên khắp 17 tỉnh miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, tức địa phận của xứ Trung Kỳ thời Pháp thuộc) nên số lượng học Tăng về dự học rất đông. Riêng lớp Đại học đã có trên 50 vị.

Dưới sự điều hành và giảng dạy tận tụy của các bậc Giáo thọ uyên thâm Thánh điển như quý Hòa thượng Như Trí Phước Huệ, ở Tổ đình Thập Tháp, Bình Định, Hòa thượng Trừng Thành Giác Tiên ở chùa Trúc Lâm, Hòa thượng Trừng Huệ Giác Viên ở chùa Thệ Đa lâm (tức chùa Hồng Khê ngày nay), Hòa thượng Trừng Thủy Giác Nhiên, Tăng Cang quốc tự Thánh Duyên, Thừa Thiên… về phía cư sĩ tân học có Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Bác sĩ Trương Xướng, Điêu khắc gia kiêm Họa sĩ Mai Trang Nguyễn Khoa Toàn…

Các lớp Sơ đẳng và Trung đẳng thì có thêm các học Tăng xuất sắc ở lớp Đại học được phân công xuống giảng dạy, như quý Ngài Trừng Nguyên Đôn Hậu, Tâm Như Trí Thủ, Tâm Hương Mật Hiển, Tâm Như Mật Nguyện, v.v…

Phật học viện Tây Thiên là một Phật học viện đầu tiên có hệ thống tổ chức rất khoa học, có phương pháp giáo dục tập trung hoàn chỉnh, là một trung tâm đào tạo Tăng tài nổi tiếng nghiêm túc và có chất lượng học tập cao nhất của Phật giáo tại miền Trung lúc bấy giờ.

Chư vị học Tăng xuất thân từ Phật học viện danh tiếng này, về sau đều trở thành những bậc long tượng Tăng-già đạo cao, đức trọng. Công nghiệp của các Ngài không chỉ làm long thịnh ngôi nhà Phật giáo, mà còn góp sức tô bồi cho nền văn hóa dân tộc thêm phần phong phú, cao đẹp. Tiêu biểu như quý Hòa thượng Trừng Nguyên Đôn Hậu (1905-1992), Đệ tam Tăng Thống GHPGVNTN, Hòa thượng Hoàn Tuyên Thiện Hoa (1919-1973), Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, Hòa thượng Tâm Như Mật Nguyện (1911-1972), Chánh Đại diện GHPGVNTN miền Vạn Hạnh, v.v…

Phật học viện Tây Thiên đã cung ứng kịp thời một phần rất lớn các vị Tăng tài cho công cuộc chấn hưng, đã duyên khởi cho một Đại Tòng lâm kiểu mẫu ra đời sau đó trên ngọn đồi Kim Sơn hùng vĩ, ở thôn Lựu Bảo, xã Hương Hồ, ngoại vi kinh thành Huế. Phật học viện này thực sự đã ghi một dấu son trong dòng lịch sử xây dựng và phát triển của ngôi chùa mới Tây Thiên.

Đến năm Tân Mão, 1951, sau khi tổ chức Gia đình Phật hóa phổ được Hội quyết định đổi tên thành Gia đình Phật tử, thì khuôn viên chùa Tây Thiên đã trở thành “Trại trường” của tổ chức Phật giáo này.

Gắn bó nhiều nhất với anh chị em Huynh trưởng và Đoàn sinh GĐPT ở giai đoạn này là Hòa thượng Thích Thiện Minh (1922-1978), Ủy viên Thanh niên của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam.

Suốt cả thập kỷ 50 vừa qua, chùa Tây Thiên đã sát cánh cùng chùa Từ Đàm để đùm bọc, che chở cho tổ chức GĐPT được trưởng thành và lớn mạnh. Các thế hệ Huynh trưởng và Đoàn sinh GĐPT lúc bấy giờ, vẫn còn khắc sâu trong ký ức một thời được sống an lành dưới sự chăm nom, giáo dưỡng tận tình của chư vị tôn túc dưới mái chùa Tây Thiên.

Năm Nhâm Thìn, 1952, chứng kiến nỗi cơ cực, thiếu thốn của đông đảo đồng bào Phật tử trong cơn ly loạn, Hòa thượng trú trì cùng chư Tăng chùa Tây Thiên, đã thành lập trường Sơ cấp Phật giáo để giúp đỡ cho con em trong địa phương có nơi học tập. Rồi lập nên Trạm y tế từ thiện để khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào Phật tử nghèo trong suốt một thời gian dài.

Có thể nói, đây là hai mô hình “phụng sự chúng sinh” khá mới mẻ nhưng rất thành công mà ngôi chùa mới Tây Thiên đã xây dựng được. Từ mô hình này, sau đó đã được các chùa, các tự viện tiếp tục triển khai trên nhiều địa phương. Điển hình như Trạm xá tại chùa Từ Đàm (sau nâng lên thành bệnh xá) và Bệnh xá Tây Lộc, do Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên thành lập và hoạt động cho đến sau ngày 30.4.1975 mới chấm dứt.

Năm Đinh Mùi, 1967, Hòa thượng trú trì Trừng Văn Giác Nguyên chứng minh và lập nên “Tịnh nghiệp Đạo tràng Tây Thiên”, để làm nơi tu học cho các giới cư sĩ tại gia. Từ ấy đến nay, đã trải qua 40 năm mà Tịnh nghiệp Đạo tràng vẫn không ngừng sinh hoạt. Điều đáng trân trọng hơn nữa là các vị cư sĩ xuất thân từ Đạo tràng Tây Thiên này là những vị cư sĩ mẫu mực, đã và đang gánh vác trọng trách tại các Khuôn Giáo hội, các Niệm Phật đường…

Ngoài những Phật sự lớn lao mà ngôi chùa mới Tây Thiên đã tích cực đóng góp vào sự phát triển của Phật giáo trong giai đoạn chấn hưng, chùa còn là nơi xuất hiện Chín bậc Cao Tăng kỳ vĩ, sự nghiệp hoằng hóa của quý Ngài không chỉ rực sáng trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam, mà tài năng, đức độ và hạnh nguyện cao cả của quý Ngài đã thấm nhuần trong đời sống biết bao thế hệ Tăng Ni, Phật tử.

Chùa Tây Thiên từ khi kiến tạo đến nay, trước sau chỉ mới hơn một trăm năm, nhưng cũng đã có đến năm thế hệ kế tục truyền thừa (theo Kệ truyền thừa của Thiền phái Thiệt Diệu Liễu Quán, chùa Thiền Tôn, Thừa Thiên), từ chữ THANH đến chữ QUẢNG, như sau:

1. THANH NINH Tâm Tịnh (1868-1928)

2. TRỪNG VĂN Giác Nguyên (1877-1980)

3. TÂM THỌ Thiện Hỷ (1914-1969)

4. NGUYÊN KHÔNG Từ Phương (1946-2005)

5. QUẢNG ĐẠI Nguyên Minh

Quang cảnh trang nghiêm, thanh tịnh và đạo phong thanh thoát của các thế hệ chư tăng thường trú ở ngôi chùa mới Tây Thiên cũng đã được các bậc Cao tăng, thạc đức không ngớt lời xưng tán.

Sự nghiệp tiến tu và hoằng hóa rực rỡ của quý Ngài, đã được thể hiện sâu sắc qua nội dung các câu đối hiện treo ở chùa Tây Thiên, như sau:

Tại cổng tam quan chùa, ở hai trụ chính giữa:

破無明除二執魔外降心

示八相顯六通人天稽首

Âm:

Phá vô minh trừ nhị chấp ma ngoại hàng tâm

Thị bát tướng hiển lục thông nhân thiên khể thủ

(Câu này do Hòa thượng Trừng Nguyên Đôn Hậu cẩn đề)

Trong chánh điện, hai vế ở giữa:

生不增滅 滅不減真如萬古常新

前前無始後後無終金性本來如是

Âm:

Sanh sanh bất tăng diệt diệt bất giảm chân như vạn cổ thường tân

Tiền tiền vô thủy hậu hậu vô chung kim tính bản lai như thị

Tại nhà hậu Tổ:

泉枯木待人知晤為開花

少室微風拂面問能作佛

Âm:

Lâm tuyền khô mộc đãi nhân tri ngộ vị khai hoa

Thiếu thất vi phong phất diện vấn thùy năng tác Phật.

(Câu này do Hòa thượng Tâm Phật Thiện Siêu cẩn đề)

***

Kể từ sau khi Tổ khai sơn viên tịch cho đến ngày nay, các thế hệ chư Tăng kế tục vẫn không ngừng nỗ lực trùng tu, kiến tạo nên quang cảnh chùa Tây Thiên ngày càng phong quang, đẹp đẽ, xứng đáng đứng vào vị trí một ngôi Tổ đình trong lịch sử truyền thừa của Phật giáo Việt Nam. Và trong trang sử huy hoàng của ngôi chùa mới này mãi mãi còn ghi một dòng rạng rỡ: “CHÙA TÂY THIÊN, NƠI XUẤT HIỆN CHÍN BẬC CAO TĂNG KỲ VĨ”.

III. VÀI NÉT TIỂU SỬ VỀ HÒA THƯỢNG THANH NINH TÂM TỊNH  (1)

1.Thân thế

Hòa thượng thế danh là HỒ HỮU VĨNH, sinh giữa giờ Tý, ngày 18 tháng 5 năm Mậu Thìn, tại làng Trung Kiên, tổng Bích La, phủ Đăng Xương, (2) huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (nay là thôn Trung Kiên, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong). Hòa thượng là người cùng làng với quý Hòa thượng: Tánh Thiên Nhất Định (1784-1847), Tổ khai sơn An Dưỡng am -Từ Hiếu, Thanh Tú Tuệ Pháp (1871-1927) trú trì chùa Thiên Hưng, Thanh Đức Tâm Khoan (1874-1937), trú trì chùa Hàm Long Báo Quốc, Huế… Hòa thượng thác sinh trong một gia đình mà song thân đều thành tâm quy ngưỡng Phật pháp. Cho nên, từ thuở ấu thơ và cả thời niên thiếu, Hòa thượng thường theo song thân lên chùa dâng hương lễ Phật. Nhờ cơ duyên ấy nên Hòa thượng sớm thấm nhuần cuộc sống trang nghiêm, thanh tịnh của chốn Thiền môn. Từ ấy, con đường nhập đạo như đang mở rộng trước tầm mắt của người thiếu niên.

2. Xuất gia và học đạo

Năm 12 tuổi, Canh Thìn, 1880, Hòa thượng tỏ bày chí nguyện xin được xuất gia, song thân không chỉ vui lòng chấp thuận mà còn hết lời khuyến khích. Hòa thượng liền lên đường vô Kinh đô Huế, đến chùa Hàm Long Bảo Quốc, xin đầu sư với Hòa thượng Hải Thuận Diệu Giác (trong các sử liệu có nhiều nơi ghi pháp tự của Ngài là Lương Duyên (1806-1896) (3).

Năm 19 tuổi, Đinh Hợi, 1887, Hòa thượng đồng đàn thọ Sa-di giới tại giới đàn chùa Bảo Quốc, được Bổn sư đặt pháp danh là THANH NINH, pháp tự là HỮU VĨNH, thể nhập đời thứ 41 dòng Thiền Lâm tế Chánh tông, Trung Hoa, đời thứ 7, dòng Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán, Việt Nam.

Sau khi thọ Sa-di giới, Hòa thượng càng nỗ lực trau giồi giới hạnh và chăm chỉ học tập. Suốt bảy năm dưới sự giáo dưỡng tận tình của Bổn sư, Hòa thượng càng tỏ rõ là một vị Sa-di xuất sắc, học hạnh kiêm toàn, giới luật tinh nghiêm.

Năm 26 tuổi, Giáp Ngọ, 1894, Hòa thượng được đăng đàn thọ tỳ-kheo Bồ-tát giới, cũng tại giới đàn chùa Hàm Long Bảo Quốc. Đại giới đàn này, Bổn sư của Hòa thượng làm Đàn đầu, Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỹ (1810-1899), trú trì chùa Từ Hiếu, làm Yết-ma, Hòa thượng Hải Toàn Linh Cơ (1823-1896) trú trì chùa Tường Vân, làm Giáo thọ.

Sau khi thọ Đại giới, Ngài được Bổn sư ban pháp hiệu là TÂM TỊNH và phú kệ đắc pháp:

河清寧密四方安

有永心心道即閑

心似菩提開慧日

包含世界如是觀

Âm:

Hà Thanh Ninh mật tứ phương an

Hữu Vĩnh tâm tâm đạo tức nhàn

Tâm tự Bồ-đề khai tuệ nhật

Bao hàm thế giới như thị quán.

Nghĩa:

Sông trong yên lặng bốn phương an,

Vĩnh viễn tâm tâm đạo ấy nhàn,

Tâm tựa Bồ-đề soi tuệ nhật,

Một bầu thế giới chứa muôn vàn.

                        (Nguyễn Lê Châu, dịch)

3. Sự nghiệp hoằng hóa

Năm 27 tuổi, Ất Mùi, 1895, Hòa thượng vâng lệnh Bổn sư lên chùa Từ Hiếu để hầu hạ và tiếp tục tham học với Hòa thượng Yết-ma Hải Thiệu Cương Kỹ.

Lúc Hòa thượng lên chùa Từ Hiếu thì chùa đang bắt đầu công cuộc đại trùng tu, nên Ngài Yết-ma Hải Thiệu liền giao cho Hòa thượng nhiệm vụ trông coi công việc trùng tu chùa.

Đến ngày mồng 01 tháng 3 năm Mậu Tuất, 1898, Ngài Yết-ma Hải Thiệu viên tịch. Hòa thượng được môn đồ cung thỉnh kế tục trú trì. Trong thời gian 4 năm làm trú trì, Hòa thượng không ngừng tiếp tục sửa sang chùa Từ Hiếu ngày thêm xán lạn, xứng đáng là một Tòng lâm danh tiếng ở đất Thần kinh.

Ngày 15 tháng 2 năm Kỷ Hợi, 1899, Hòa thượng tổ chức “Pháp nghi Liên trì xã” và cung thỉnh chư vị tôn túc trong Sơn môn cùng hàng trăm cư sĩ các giới về tham dự. “Pháp nghi Liên trì xã” ra đời đã mở đầu cho sự nghiệp hoằng hóa của Hòa thượng, và cũng muốn mở rộng con đường hoằng hóa - nên đến đầu năm Nhâm Dần, 1902, Hòa thượng giao nhiệm vụ trú trì lại cho pháp đệ Thanh Thái Tuệ Minh (1861-1939), rồi cùng vài đệ tử vân du về ấp Thuận Hòa, làng Dương Xuân hạ, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên (nay là thôn Thượng Một, xã Thủy Xuân, thành phố Huế) cắm tích trượng, dựng thảo am đặt tên là Thiếu Lâm trượng thất để làm nơi ẩn náu tu hành.

Tại thảo am này, ngoài việc chăm nom giáo dưỡng cho các đệ tử, Hòa thượng còn chuyên tâm nghiên cứu về Thiền học, Giới luật và tham khảo rộng rãi về Tịnh độ tông.

Thâm nhập sâu sắc Thiền ý của Tổ Bách Trượng Hoài Hải (720-814) nên hằng ngày Hòa thượng thường nhắc nhủ các đệ tử rằng:

栽竹栽梅消舊日

種瓜種豆度新朝

Âm:

Tài trúc tài mai tiêu cựu nhật

Chủng qua, chủng đậu độ tân triêu.

Nghĩa:

Chăm bón trúc mai qua ngày tháng,

Trồng dưa, trồng đậu độ người sau.

Ngoài ra, ngài có cảm tác một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, rất được chư tôn đức tâm đắc. Nội dung như sau:

少林深隱月三更

靜聽松風弄古爭

一曲吟成無限句

良田萬頃任君耕

Âm:

Thiếu Lâm thâm ẩn nguyệt tam canh

Tĩnh thính tùng phong lộng cổ tranh

Nhất khúc ngâm thành vô hạn cú

Lương điền vạn khoảnh nhậm quân canh.

Nghĩa:

Thiếu Lâm thâm ẩn nguyệt ba canh

Lắng nghe gió thoảng dưới cổ tùng

Một khúc ngâm thành câu vô tận

Ruộng vườn ngàn khoảnh mặc sức canh.

(Bản này trích trong “Tiểu sử ngài Tâm Tịnh”)

Hòa thượng là vị Thiền sư uyên thâm tư tưởng Thiền và Tịnh độ tông, ngài lại muốn phát triển rộng rãi tông chỉ “Thiền Tịnh song tu”, nên vào mùa Đông năm Giáp Thìn, 1904, Hòa thượng cho xây dựng thêm một Thiền thất nằm phía hữu của thảo am, rồi đổi tên thành Thiếu Lâm tự.

Năm Canh Tuất, 1910, Hòa thượng được Sơn môn Tăng già cung thỉnh làm Đệ nhất Tôn chứng tại giới đàn chùa Phước Lâm, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đại giới đàn này, Hòa thượng Ấn Bổn Vĩnh Gia (1840-1918) làm Đàn đầu, Hòa thượng Thanh Minh Tâm Truyền (1832-1911) làm Giáo thọ và Hòa thượng Hoàng Phú làm Yết-ma. Phần nhiều các giới tử trong giới đàn này về sau đều trở thành những bậc long tượng lừng lẫy trong sơn môn, như quý Hòa thượng Trừng Thông Tịnh Khiết (1891-1973) Đệ nhất Tăng Thống GHPGVNTN, Hòa thượng Trừng Thủy Giác Nhiên (1878-1979) Đệ nhị Tăng Thống GHPGVNTN, Hòa thượng Trừng Thành Giác Tiên (1880-1936) một bậc Cao tăng vô cùng lỗi lạc và là một vị Tăng già tiên phong, nỗ lực hết mình trong công cuộc chấn hưng Phật giáo tại miền Trung v.v…

Năm Tân Hợi, 1911, Hòa thượng có chỉ chuẩn của vua Duy Tân (1907-1916) về Trú trì quốc tự Diệu Đế, Huế.

Đến ngày 10 tháng 3 năm Mậu Ngọ (10.4.1918), Ngài Tăng cang quốc tự Diệu Đế viên tịch. Bộ Lễ lại có phiến tấu, vua Khải Định (1916-1925) đã chuẩn tấu Hòa thượng kế tục giữ chức Tăng cang quốc tự Diệu Đế, từ đầu năm Kỷ Mùi, 1919 cho đến năm Bính Dần, 1926 thì Hòa thượng Thanh Tú Tuệ Pháp (1871-1927) lên thay.

Vào ngày 15.6 năm Giáp Tý (16.7.1924), vua Khải Định có sắc chỉ mở giới đàn tại chùa Từ Hiếu và cung thỉnh Hòa thượng làm Đàn đầu, Hòa thượng Thanh Trí Tuệ Giác, trú trì chùa Quảng Tế làm Yết-ma, Hòa thượng Thanh Tú Tuệ Pháp, trú trì chùa Thiên Hưng làm Giáo thọ. Quý Hòa thượng Trừng Thành Giác Tiên, Trừng Thủy Giác Nhiên, Trừng Hương Tịnh Hạnh và Trừng Thông Tịnh Khiết làm Kiến đàn.

Đây là một giới đàn được tổ chức rất qui mô tại kinh đô Huế, sau 33 năm kể từ giới đàn được khai giới vào ngày 19.4 năm Giáp Ngọ, niên hiệu Thành Thái thứ 6, 1894 do Hòa thượng Hải Thuận Diệu Giác (Bổn sư của Hòa thượng) làm Đàn đầu.

Giới đàn này vân tập hơn 400 giới tử xuất gia và đông đảo giới tử tại gia. Các giới tử xuất thân từ giới đàn này về sau là những bậc Tăng già lỗi lạc trong Thiền môn như Hòa thượng Tâm Ấn Viên Quang (1894-1977) (thường tôn xưng là Ôn Vĩnh Thừa) khai sơn chùa Châu Lâm, Huế, Thượng tọa Tâm Địa Mật Khế (1904-1935) một vị Giáo thọ sư tài năng và đức độ tại các Đạo tràng Phật học ở Huế, Hòa thượng Trừng Nguyên Đôn Hậu (1905-1992), gần 50 năm trú trì chùa Linh Mụ, Đệ tam Tăng Thống GHPGVNTN, Tỳ-kheo ni Trừng Ninh Diệu Hương (1884-1971), vị Ni trưởng có công đầu trong việc thành lập và lãnh đạo xuất sắc Ni bộ Bắc tông Thừa Thiên- Huế…

Có thể nói, đây là một giới đàn đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong tâm trí nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử suốt cả dải đất miền Trung trong nhiều thập kỷ qua.

Năm Ất Sửu, 1925, Sơn môn Tăng già cung thỉnh Hòa thượng chứng minh Lễ trùng san Pháp Bảo Đàn kinh do nhị vị Hòa thượng Trừng Thành Giác Tiên, Trừng Hương Tịnh Hạnh (bào huynh của Hòa thượng Trừng Thông Tịnh Khiết) trú trì chùa Tường Vân tăng bổ. Đại sư Trừng Thông Viên Thành, khai sơn chùa Tra Am đề bạt. Đây là khắc bản Pháp Bảo Đàn kinh đầu tiên tại kinh đô Huế. (Bản khắc này hiện không rõ tàng trữ tại chùa nào hay đã thất lạc!)

Hòa thượng không chỉ uyên thâm tư tưởng Thiền và Tịnh độ tông, mà ngài còn tinh thông cả lễ nhạc Phật giáo và lễ nhạc cung đình. Độ thẩm định âm nhạc của Hòa thượng rất tinh tường, các nhà nghiên cứu âm nhạc cả hai lãnh vực này đều hết lời khâm phục.

Hòa thượng cũng là vị cao tăng có sáng kiến “chế tác” ra chiếc áo “nhật bình” để thay thế cho chiếc áo “tràng xiêng” mà chư Tăng thời bấy giờ và ngày nay thường mặc. Sáng kiến này đã được chư vị tôn túc trong Sơn môn thời bấy giờ công nhận và vô cùng khen ngợi.

Suốt 34 năm - từ năm Giáp Ngọ, 1894 đến năm Mậu Thìn, 1928 - kể từ lúc Hòa thượng thọ Đại giới cho đến khi ngài viên tịch. Hòa thượng đã thu nhận và giáo dưỡng cho 94 (chín mươi bốn) (4) vị đệ tử xuất gia và hơn 500 đệ tử tại gia. Trong số 94 vị đệ tử xuất gia, thì có đến Chín vị Cao đệ. Chín vị Cao đệ này, đều có pháp hiệu là chữ “GIÁC”. Do đó, từ nhiều thập kỷ qua, Tăng Ni và Phật tử Thừa Thiên-Huế thường tôn xưng quý Ngài là “Cửu Giác Hòa thượng”.

Có thể thấy, chỉ riêng việc giáo dưỡng và đào tạo nên tân trào “Cửu Giác” cũng đã chói sáng cả sự nghiệp hoằng hóa vô cùng lớn lao của Ngài.

4. Năm tháng cuối đời

Những năm tháng cuối đời, mặc dầu pháp thể khiếm an, nhưng lúc nào Hòa thượng cũng ân cần lo lắng đến việc giáo dưỡng chúng Tăng. Từ tâm và sự lo lắng của Hòa thượng không chỉ làm xúc động các đệ tử cận kề, mà còn lan tỏa khắp chốn Thiền môn.

Đầu mùa Xuân năm Mậu Thìn, 1928 bệnh tình ngài nhiễm nặng, chư vị đệ tử đã tận tình chăm sóc, nhưng vào giờ Thìn, ngày mồng 6 tháng 3 (từ 7 giờ đến 9 giờ sáng ngày 25.4.1928), ngài an nhiên xả bỏ báo thân. Thọ 60 tuổi, 33 hạ lạp.

Khi ngài thị tịch, chư vị tôn túc trong Sơn môn đều vô cùng thương tiếc, không ngớt lời xưng tán từ tâm và đức độ cao cả của Ngài.

Đại sư Viên Thành cũng cũng là pháp hữu tương đắc của Hòa thượng, đã tỏ lời vô cùng thống thiết:

Chốn Song lâm mây ẩn bóng Ưu đàm, dứt nối tiếng chuông, dép cỏ đi về còn tưởng tượng.

Miền Thiếu thất trăng lồng gương Bát nhã, mênh mông bể học, thuyền từ che chở biết nhờ ai !.

(Câu này Đại sư soạn bằng văn Nôm)

Đại sư còn soạn thêm câu đối bằng Hán văn, hiện được khắc ở hai trụ nơi bảo tháp của Hòa thượng, có nội dung thâm sâu, trác việt:

滿

Âm:

Tứ thập nhất đại Lâm tế chấn Thiền phong đào chú công thâm thùy thị đương đầu hát bổng.

Ngũ thập cửu niên Diêm phù thùy hóa tích trí bi nguyện mãn nhi kim tát thủ hoàn gia.

Nghĩa:

Lâm tế đời bốn mươi mốt chấn chỉnh Thiền phong nung đúc công sâu còn ai trao truyền đánh hét.

Diêm phù thọ năm mươi chín rủ lòng giáo huấn trí bi nguyện đủ chừ đây buông thõng về nhà. (Nguyên Hạnh, dịch)

Bốn mươi mốt đời Lâm tế dựng Thiền phong rèn luyện công cao còn biết nhờ ai đánh la vào mặt.

Năm mươi chín năm Diêm phù vang giáo hóa trí bi trọn vẹn nay đành buông tay tiêu sái về nhà. (Nguyễn Văn Thoa, dịch)

(Trích từ Tra Am và sư Viên Thành)

***

Hòa thượng là vị Cao tăng uyên thâm giáo pháp, đức hạnh cao siêu, tánh tình hồn nhiên, phóng khoáng, không câu chấp tiểu tiết, nên chư tôn đức khắp chốn Thiền môn đều hết lòng kính nể. Ngoài ra Ngài còn nhiếp hóa được tất cả mọi người, mọi giới. Từ vua quan cho đến dân chúng, không ai là không ngưỡng vọng đạo phong thanh thoát, từ tâm quảng bác của Ngài.

Sự nghiệp Ngài lưu lại cho hậu thế là tấm gương vô cùng sáng chói cho các thế hệ Tăng Ni, Phật tử hôm nay và ngày mai soi rọi để trưởng dưỡng thân tâm.

Cao quý thay!

Hạnh nguyện cao cả của một vị Bổn sư đã tận tụy suốt đời để nuôi dưỡng và đào tạo nên Chín bậc Cao Tăng kỳ vĩ, là những bậc long tượng Tăng già đã làm nên một giai đoạn lịch sử vẻ vang và hưng thịnh bậc nhất cho nền Phật giáo Việt Nam hiện đại.

***

Sau khi Hòa thượng viên tịch, môn đồ cung thỉnh Hòa thượng Trừng Văn Giác Nguyên, trưởng tử của ngài kế tục trú trì. Đến năm Canh Thân, 1980, Hòa thượng Giác Nguyên viên tịch. Theo Thiền phổ của môn phái chùa Tây Thiên, hiện tiền còn có Hòa thượng Tâm Khai Trí Ấn Nhật Liên, đệ tử của Hòa thượng Giác Nguyên, kế thế trú trì. Tuy nhiên, vì tuổi cao, nên Hòa thượng ít có thời gian về thường trú tại chùa. Mọi Phật sự ở chùa đều giao cho Thượng tọa Giám tự Nguyên Không Từ Phương quán xuyến. Đến năm Nhâm Ngọ, 2002 thì thành lập Ban Điều hành môn phái. Đầu năm 2005, Thượng tọa Từ Phương viên tịch. Sau đó thì Đại đức Quảng Đại Nguyên Minh kế tục làm Giám tự cho đến ngày nay.  

IV. THỜI KỲ CHÍN BẬC CAO TĂNG XUẤT HIỆN

Từ sau khi Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh thọ Đại giới (Giáp Ngọ, 1894) cho đến năm viên tịch (Mậu Thìn, 1928), ngài đã thu nhận và giáo dưỡng đến 94 (chín mươi bốn) vị đệ tử xuất gia. Trong đó có đến chín vị cao đệ và trong số chín vị này, có sáu vị đã xin thọ giáo với ngài tại chùa Từ Hiếu, tức là trong thời gian ngài từ chùa Bảo Quốc lên hầu hạ Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỹ và gần bốn năm đảm nhận chức vụ trú trì.

Đó là quý Hòa thượng:

 1. Trừng Văn Giác Nguyên (1877-1980)

 2. Trừng Thủy Giác Nhiên (1878-1979)

 3. Trừng Thành Giác Tiên (1880-1936)

 4. Trừng Huệ Giác Viên (1883-1942)

 5. Trừng Nhã Giác Hải (1882-1938)

 6. Trừng Thanh Giác Bổn ( ? -1949)

 

Đến năm Nhâm Dần, 1902, ngài giao nhiệm vụ trú trì chùa Từ Hiếu lại cho pháp đệ Thanh Thái Tuệ Minh (1861-1939), rồi về ấp Thuận Hòa, làng Dương Xuân hạ, huyện Hương Thủy để lập thảo am thì các vị đệ tử này cùng đi theo ngài. Điều này đã thể hiện sâu sắc chí nguyện và quyết tâm cầu pháp của các đệ tử đối với một vị Bổn sư đầy trí tuệ, đức độ và tài năng, nhất là tấm lòng lân mẫn vô bờ bến của ngài đối với đồ chúng.

Từ khi lập thảo am Thiếu Lâm trượng thất và những năm về sau, lại có rất nhiều đệ tử đến xin thọ giáo với ngài, trong đó có thêm ba vị Cao đệ.

Đó là quý Hòa thượng:

 7. Trừng Ba Giác Ngạn ( ? - ? )

 8. Tâm Cảnh Giác Hạnh (1880-1981)

 9. Trừng Nguyên Giác Thanh (1905-1992)  (tự Đôn Hậu)

Thời gian quý Hòa thượng xuất gia, thọ giới cũng là thời kỳ đất nước Việt Nam chúng ta đang đắm chìm trong nô lệ. Các thế lực ngoại đạo đang bành trướng mạnh mẽ khắp mọi nơi. Nền văn hóa và niềm tín ngưỡng tâm linh rạng rỡ của dân tộc đang dần dần bị mất gốc bởi sự xâm lấn của nền văn hóa ngoại lai. Trong khi đó thì tinh thần tu tập, hành trì giáo pháp của một số đông Tăng, tín đồ Phật giáo lại đang đi dần đến chỗ trì trệ, tha hóa. Thực trạng này đã được Sử gia Mật Thể, trong Việt Nam Phật giáo sử lược, nhận định: Phật giáo về thời kỳ này đã kém lắm rồi, nên dẫu các triều vua vẫn tín ngưỡng, sùng phụng làm chùa, đúc chuông mà tinh thần Phật giáo vẫn suy... Tăng đồ trong nước lần lần sa vào con đường trụy lạc, cờ bạc, rượu chè, đắm trước thanh sắc. Ở trong Tăng đồ thì như vậy, ở ngoài tín đồ, cư sĩ thì ngơ ngác ù òa, tin bướng, theo càn, ít ai là người hiểu đạo lý…”

Mặc dầu tình trạng trì trệ, tha hóa diễn ra khắp nơi, nhưng trong các Thiền môn thanh tịnh, nhiều bậc Cao tăng, thạc đức ngày đêm vẫn thường quan tâm lo lắng đến tiền đồ hưng vong của Đạo pháp, quý ngài vẫn không ngừng nỗ lực tìm phương kế để đào tạo Tăng tài, xiển dương Chánh pháp, nhằm củng cố niềm tin và đánh thức tinh thần đang sa sút của đông đảo Tăng, tín đồ. Nhờ sự tận tụy và dày công giáo dưỡng của quý ngài nên trong giai đoạn Đạo pháp nhiễu nhương này đã có một thế hệ Tăng đồ đạo cao, đức trọng, trí tuệ và tài năng lỗi lạc xuất hiện. Trong đó, có Chín bậc Cao tăng kỳ vĩ của chùa Tây Thiên.

Tuy nhiên, khi quý ngài xuất hiện, mặc dầu chư tôn đức Cao tăng tiền bối đã có nhiều cố gắng để chấn chỉnh Tông môn, tô bồi mạng mạch cho nền Phật giáo nước nhà, nhưng sự cố gắng của quý ngài cũng chưa có cơ duyên bao quát để khởi động cho tinh thần và sự sinh hoạt của Tăng, tín đồ phát triển rộng rãi đến mức khả quan.

Mãi cho đến khi cao trào phục hưng Phật giáo tại chính quốc Ấn Độ, Tích Lan (Sri Lanka), nhất là tại đất nước Phật giáo Đại thừa Trung Hoa diễn ra rầm rộ, thì âm vang hùng tráng của các cao trào này mới thực sự góp phần đánh thức tinh thần và trách nhiệm của đông đảo Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam.

Thế hệ quý ngài xuất hiện, hiệp cùng các bậc long tượng Tăng già trong Sơn môn, cùng rất nhiều cư sĩ thiện tri thức giàu tâm huyết đã dung nhiếp và kết hợp hài hòa mọi năng lực, đã chuyển hóa tinh thần rã rời, sa sút thành một cao trào phục hưng Phật giáo mạnh mẽ khắp cả ba miền Bắc Trung Nam Việt Nam.

Trí tuệ, tài năng và chí nguyện cao cả của quý ngài cùng với cơ duyên thuận lợi này, từ đó đã mở ra cho Phật giáo Việt Nam một thời kỳ hưng thịnh và kéo dài mãi đến ngày nay.

Để được rõ hơn công nghiệp và hạnh nguyện kỳ vĩ của quý ngài, chúng tôi xin trình bày sơ lược vài nét chính yếu trong phần tiểu sử:

Thứ nhất : Hòa thượng Trừng Văn Giác Nguyên (1877-1980)

Hòa thượng thế danh là Đặng Ngộ, sinh năm Đinh Sửu, 1877, tại xã Phủ Trung, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Năm 6 tuổi, cha mẹ đều mất, được bà cô ruột nuôi dưỡng; sau đó, lại được Thái giám Nguyễn Đình Huề xin đem về Huế, nuôi cho ăn học, rồi đổi ra họ Nguyễn Đình.

Năm 14 tuổi (Tân Mão, 1891), xin đầu sư với Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỹ tại chùa Từ Hiếu. Năm 19 tuổi (Bính Thân,1896), thọ Sa-di giới với Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh, được đặt pháp danh là Trừng Văn, pháp tự là Chí Ngộ. Năm 29 tuổi (Bính Ngọ, 1906), thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Phước Lâm, Quảng Nam. Cũng trong năm này, Hòa thượng đắc pháp, được ban pháp hiệu là Giác Nguyên.

Năm Mậu Thìn, 1928, Tổ Tâm Tịnh viên tịch, Hòa thượng kế thế trú trì chùa Tây Thiên.

Năm Ất Hợi, 1935, Hòa thượng là người trợ duyên đắc lực nhất cho chư Hòa thượng trong Sơn môn Thừa Thiên và cư sĩ thiện tri thức trong An Nam Phật học hội, thành lập một Phật học viện rất qui mô tại chùa Tây Thiên.

Năm Tân Mão, 1951, “Hội nghị Phật giáo toàn quốc Việt Nam” tại chùa Từ Đàm, Huế, cung thỉnh Hòa thượng vào Hội đồng chứng minh tối cao cho Tổng Hội Phật giáo Việt Nam.

Năm 86 tuổi (Quý Mão, 1963), ngài cùng chư Đại lão Hòa thượng trong Tổng Hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Tăng già Trung Phần, chống gậy dẫn đầu đoàn tuần hành tại Huế, để đòi hỏi tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo trong thời kỳ chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo tại Việt Nam.

Năm Đinh Mùi, 1967, Hòa thượng tổ chức và chứng minh “Tịnh nghiệp Đạo tràng” tại chùa Tây Thiên.

Đệ tử xuất gia của ngài có nhiều vị lỗi lạc như Hòa thượng Tâm Thọ Thiện Hỷ (1914-1969), Hòa thượng Tâm Khai Trí Ấn Nhật Liên…

Ngày mồng Một Tết nguyên đán năm Canh Thân (16.02.1980), ngài an nhiên thị tịch, sau 52 năm kế thế trú trì và cống hiến nhiều công sức cho công cuộc xây dựng một Phật học viện lừng danh tại chùa Tây Thiên.

 Thứ hai : Hòa thượng Trừng Thủy Giác Nhiên (1878-1979)

Hòa thượng thế danh là Võ Chí Thâm, sinh năm Mậu Dần, 1878, tại làng Ái Tử, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Năm 18 tuổi (Bính Thân, 1896), ngài xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh tại chùa Từ Hiếu.

Năm 20 tuổi (Mậu Tuất, 1898) thọ Sa-di giới, được Bổn sư đặt pháp danh Trừng Thủy, tự Chí Thâm. Năm 28 tuổi (Bính Ngọ, 1906), thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Phước Lâm, Quảng Nam. Năm Đinh Mùi, 1907, Hòa thượng đắc pháp, được Bổn sư ban pháp hiệu là Giác Nhiên. Sau khi thọ Đại giới, Hòa thượng vào Tổ đình Thập Tháp, Bình Định, xin cầu pháp với Hòa thượng Phước Huệ, được một thời gian rồi ra Huế tham học với Hòa thượng Thanh Tú Tuệ Pháp tại chùa Thiên Hưng.

Năm Nhâm Thân, 1932, Hòa thượng cùng năm vị Tăng già trong Sơn môn và 17 vị cư sĩ thiện tri thức ở Huế sáng lập An Nam Phật học hội.

Năm Quý Dậu, 1933, Hòa thượng cùng với Hòa thượng Giác Tiên vận động thành lập và xuất bản Tạp chí Viên Âm để làm cơ quan hoằng pháp cho Hội.

Năm Giáp Tuất, 1934, Bộ Lễ của triều đình Huế cử Hòa thượng về trú trì Quốc tự Thánh Duyên. Đến năm Bính Tý, 1936 lại có sắc chỉ lên giữ chức Tăng cang.

Năm Ất Hợi, 1935, Phật học viện Tây Thiên thành lập, An Nam Phật học hội cung thỉnh Hòa thượng chứng minh và làm Giám đốc Phật học viện danh tiếng này.

Năm Mậu Dần, 1938, Sơn môn Tăng già Thừa Thiên công cử Hòa thượng lên trú trì Tổ đình Thuyền Tôn. Đến năm Canh Thìn, 1940, Hòa thượng vận động đại trùng tu Tổ đình này.

Năm Tân Mão, 1951, “Hội nghị Phật giáo toàn quốc Việt Nam” họp tại chùa Từ Đàm, Huế cung thỉnh Hòa thượng vào Hội đồng chứng minh tối cao cho Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, cùng với pháp huynh là Hòa thượng Trừng Văn Giác Nguyên.

Năm Bính Thân, 1956, Tổng trị sự Hội Việt Nam Phật học quyết định sáp nhập Tăng học đường Khánh Hòa (Nha Trang) và Phật học viện Bảo Quốc (Huế) thành “Phật học viện Việt Nam tại Trung Việt” và cung thỉnh Hòa thượng làm Viện trưởng Phật học viện này. (Về sau, mới đổi lại là Phật học viện Hải Đức, Nha Trang).

Năm Mậu Tuất, 1958, cho đến năm Nhâm Dần, 1962, liên tiếp trong 4 niên khóa, Hòa thượng đảm nhận trọng trách Chánh Hội trưởng Tổng trị sự Hội Phật giáo Việt Nam tại Trung Phần.

Năm 85 tuổi (Quý Mão, 1963), ngài cùng chư Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Thích Giác Nguyên, Thích Giác Hạnh, cùng quý ngài trong Giáo hội Tăng già Thừa Thiên chống gậy dẫn đầu đoàn tuần hành tại Huế để đòi hỏi tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo, trong thời kỳ chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo tại Việt Nam.

Năm Quý Sửu, 1973, Đức Đệ nhất Tăng Thống viên tịch, Hội đồng Lưỡng viện long trọng cung thỉnh ngài lên ngôi vị Đệ nhị Tăng Thống GHPGVNTN.

Năm Giáp Dần, 1974, cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc đang còn tiếp diễn, nhân danh Đức Tăng Thống, ngài gởi Thông điệp kêu gọi chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Một năm sau (năm 1975) cuộc chiến kết thúc.

Đệ tử xuất gia của ngài có nhiều vị rất xuất sắc như Hòa thượng Tâm Thị Thiện Minh (1922-1978), Hòa thượng Tâm Phật Thiện Siêu (1921-2001), Hòa thượng Thiện Bình…

Ngày mồng 6 tháng Giêng năm Kỷ Mùi (02.02.1979), ngài thị tich, sau 41 năm làm trú trì Tổ đình Thuyền Tôn, 6 năm ở ngôi vị Tăng Thống và suốt cả cuộc đời đã cống hiến cho sự tồn vong của Đạo pháp.

Thứ ba : Hòa thượng Trừng Thành Giác Tiên (1880-1936)

Hòa thượng họ Nguyễn (hiện tại chúng tôi chưa tìm thấy có sử liệu nào ghi thế danh của ngài), sinh năm Canh Thìn, 1880, tại làng Dạ Lê, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.

Năm 14 tuổi (Giáp Ngọ, 1894), xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Tâm Tịnh tại chùa Từ Hiếu.

Năm 20 tuổi (Canh Tý, 1900), thọ Sa-di giới, được Bổn sư đặt pháp danh là Trừng Thành, pháp tự Chí Thông.

Năm Nhâm Dần, 1902 theo thầy về ấp Thuận Hòa, làng Dương Xuân hạ, huyện Hương Thủy, phụ giúp thầy lập thảo am Thiếu Lâm trượng thất.

Năm Quý Mão, 1903, thể theo lời cung thỉnh của tỳ-kheo ni Thanh Linh Diên Trường và được sự chấp thuận của Bổn sư, Hòa thượng lên khai sơn và trú trì chùa Trúc Lâm Đại thánh. (5)

Năm Canh Tuất, 1910, thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Phước Lâm, Quảng Nam. Đến năm Bính Thìn, 1916, được Tổ truyền tâm ấn, phú pháp kệ và ban hiệu là Giác Tiên.

Năm Ất Sửu, 1925, hợp lực cùng Hòa thượng Trừng Hương Tịnh Hạnh (bào huynh của Hòa thượng Trừng Thông Tịnh Khiết) tăng bổ và khắc bản Pháp Bảo đàn kinh. Đây là khắc bản duy nhất tại kinh đô Huế.

Năm Bính Dần, 1926, được chỉ chuẩn của vua Bảo Đại, Hòa thượng về trú trì Quốc tự Diệu Đế, Huế.

Năm Canh Ngọ, 1930, nhận thấy tinh thần tu học của đông đảo Tăng đồ ngày càng sa sút, Hòa thượng tổ chức “Sơn môn Phật học đường Trúc Lâm” và vào Tổ đình Thập Tháp ở Bình Định, cung thỉnh Hòa thượng Phước Huệ ra chủ giảng cho Phật học đường này.

Năm Nhâm Thân, 1932, Hòa thượng khởi xướng và vận động chư tôn Hòa thượng trong Sơn môn, cùng nhiều cư sĩ thiện tri thức ở Huế thành lập An Nam Phật học hội.

Năm Quý Dậu, 1933, cùng với Hòa thượng Giác Nhiên, Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, ngài lại khởi xướng việc xuất bản Tạp chí Viên Âm để làm cơ quan hoằng pháp cho Hội.

Năm Ất Hợi, 1935, Hòa thượng lại nỗ lực vận động thành lập một Phật học viện rất qui mô tại chùa Tây Thiên, nhằm xúc tiến công cuộc đào tạo Tăng tài cho Phật giáo tại miền Trung.

Hòa thượng là vị Bổn sư có nhiều đệ tử xuất gia xuất sắc như: Thượng tọa Tâm Địa Mật Khế (1904-1935), Tâm Nhất Mật Thể (1912-1961), quý Hòa thượng Tâm Hương Mật Hiển (1907-1992), Tâm Như Mật Nguyện (1911-1973), Sư bà Ni trưởng Tâm Hảo Diệu Không (1905-1997), cùng nhiều đệ tử tại gia cũng vô cùng xuất sắc như Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (1897-1969), vợ chồng Bác sĩ Trương Xướng…

Ngày mồng 4 tháng 10 năm Bính Tý (17.11.1936), ngài thị tịch, sau 33 năm làm trú trì và không ngừng nỗ lực đào tạo Tăng tài, chỉnh đốn môn qui. Hòa thượng là vị Tăng già tiên phong và lỗi lạc bậc nhất trong cao trào chấn hưng Phật giáo tại miền Trung.

Thứ tư : Hòa thượng Trừng Huệ Giác Viên (1883-1942)

Hòa thượng thế danh là Đỗ Khắc Dụng, sinh năm Quý Mùi, 1883, tại làng Bích Khê, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Năm 14 tuổi (Đinh Dậu, 1897), xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh tại chùa Từ Hiếu.

Năm 19 tuổi (Nhâm Dần, 1902), thọ Sa-di giới, được Bổn sư đặt pháp danh là Trừng Huệ, pháp tự Chí Lâm.

Năm 27 tuổi (Canh Tuất, 1910), thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Phước Lâm, Quảng Nam. Hòa thượng đắc giới Thủ Sa-di trong Đại giới đàn này. Một năm sau, ngài đắc pháp, được Tổ ban pháp hiệu là Giác Viên.

Năm Tân Hợi, 1911, Hòa thượng xin phép Bổn sư lên làng Dương Xuân thượng lập thảo am Thệ Đa Lâm. Đến năm Giáp Tuất, 1934, vì lụt lội, Hòa thượng lại dời thảo am lên ngọn đồi gần đó rồi đổi tên là “Hồng Khê tự” cho đến ngày nay.

Hòa thượng là vị Cao tăng uyên thâm Tam tạng giáo điển và tinh thông Hán học, nên thường được cung thỉnh làm Tuyên Luật sư tại các Đại giới đàn. Hòa thượng còn là một vị Pháp sư danh tiếng tại Đạo tràng Trường Kỳ, Bạch Sa ở tỉnh Quảng Ngãi và Đạo tràng Phật học ở chùa Đại Bi, tỉnh Thanh Hóa.

Đệ tử xin theo học với ngài rất đông, trong đó có vị pháp đệ lừng danh là Hòa thượng Trừng Nguyên Giác Thanh (tự Đôn Hậu) (1905-1992), cùng quý Hòa thượng Thị Chí Phúc Hộ (1904-1985) ở chùa Sắc tứ Từ Quang, Phú Yên, Hòa thượng Tâm Như Trí Thủ (1907-1984) ở chùa Bảo Quốc, Hòa thượng Huyền Không ở chùa Quốc Ân, Huế…

Đệ tử xuất gia thọ giáo với ngài không nhiều, nhưng trong đó cũng có vị xuất sắc như Hòa thượng Tâm Lượng Diệu Hoằng ở chùa Diệu Đế và chùa Kim Quang, Huế.

Ngày 18 tháng 6 năm Nhâm Ngọ (30.7.1942), ngài thị tịch, sau 31 năm làm trú trì chùa Thệ Đa Lâm rồi Hồng Khê và là vị Hòa thượng đã cống hiến nhiều công sức vào sự nghiệp đào tạo Tăng tài cho Phật giáo tại miền Trung.

Thứ năm : Hòa thượng Trừng Nhã Giác Hải (1882-1938)

Hòa thượng thế danh là Nguyễn Văn Cẩm, sinh năm Nhâm Ngọ, 1882 tại làng Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Năm 14 tuổi (Mậu Tuất, 1898), xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh tại chùa Từ Hiếu.

Năm 19 tuổi (Tân Sửu, 1901) thọ Sa-di giới, được Bổn sư đặt pháp danh là Trừng Nhã, pháp tự là Chí Thanh. Năm 27 tuổi (Canh Tuất, 1910) thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Phước Lâm, Quảng Nam. Sau đắc pháp với Tổ, được ban pháp hiệu là Giác Hải.

Ngài là vị Hòa thượng tinh thông giáo điển, nên vào năm Canh Thân, 1920 khi Tổ Tâm Tịnh lập Đạo tràng để đào tạo Tăng tài tại chùa Tây Thiên, ngài đã trợ duyên đắc lực cho Tổ trong việc giảng dạy và duy trì Đạo tràng này suốt một thời gian dài.

Sau khi Tổ Tâm Tịnh viên tịch (Mậu Thìn, 1928), Hòa thượng xin các pháp huynh về làng An Cựu tây, xã Thủy An, huyện Hương Thủy lập thảo am Duy Tôn để làm cơ sở tịnh tu và hoằng dương Chánh pháp. Cũng trong năm này, Đại giới đàn tại chùa Từ Vân, Quảng Nam cung thỉnh Hòa thượng làm Đệ lục tôn chứng. Qua năm Kỷ Tỵ, 1929, chùa được xây dựng qui mô và Hòa thượng đổi tên thành “Giác Lâm tự” cho đến ngày nay.

Đệ tử xuất gia của ngài không nhiều, hiện tiền chỉ còn có vị Trưởng tử của ngài là Hòa thượng Tâm Hiểu Khả Tấn kế thế trú trì.

Ngày 13 tháng 02 năm Mậu Dần (14.03.1938), ngài thị tịch, sau một thời gian dài tích cực trợ duyên cho Bổn sư trong sự nghiệp đào tạo Tăng tài, chấn chỉnh tông môn trong giai đoạn tiền chấn hưng Phật giáo và gần 10 năm khai sơn, trùng tu và trú trì chùa Giác Lâm.

Thứ sáu : Hòa thượng Trừng Thanh Giác Bổn ( ? - 1949)

(Hiện tại chúng tôi chưa tìm thấy có sử liệu nào ghi Thân thế và hạnh nguyện của ngài. Tại chùa Từ Quang, Huế nơi ngài trú trì nhiều năm, quý Thầy cũng không lưu giữ được một chút tư liệu nào, ngoài mấy dòng chính yếu khắc trên long vị và bảo tháp của ngài. Chỉ có một vài chi tiết khá quan trọng sau đây, cho biết như sau:

“Hòa thượng họ Hoàng (không rõ thế danh và năm sinh), người làng An Xuân, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên.

Không rõ ngài xuất gia thọ giáo với Tổ Tâm Tịnh năm nào, nhưng đã được Tổ đặt pháp danh là Trừng Thanh, pháp tự Diệu Nguyện. Sau khi thọ Cụ túc giới một thời gian Hòa thượng đắc pháp, được Tổ ban pháp hiệu là Giác Bổn.

Hòa thượng không chỉ tinh thông Hán học mà còn rất giỏi thi văn. Ngài là vị pháp lữ vô cùng thân thiết và rất tâm đắc với Đại sư Chân Đạo Chánh Thống (thường tôn xưng là Ôn Quy Thiện), một vị Thiền sư lỗi lạc và là một thi sĩ tài hoa của chốn Thiền môn lúc bấy giờ. Qua bài thơ : “Xuân nhật truy điệu Giác Bổn thượng nhân” của Đại sư Chân Đạo Chánh Thống, đã thể hiện sâu sắc điều tâm đắc giữa quý ngài.

Để được rõ hơn, chúng tôi xin phụ lục bài thơ này, qua bản Việt dịch của Giáo sư Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, như sau:

Trên trời dẫu bực xuân yên vắng

Cõi thế đâu còn quỷ ghẹo lôi

Chỉ nên một niệm thành hay cảm

Đổi hết ba ly việc khác rồi”).

(trích Chân Đạo Chánh Thống toàn tập)

 

Ngoài ra, trên một số sử liệu liên quan đến sự nghiệp của ngài trong suốt những năm đầu thế kỷ XX, cho đến năm ngài viên tịch (Kỷ Sửu, 1949) còn ghi rõ:

Năm Nhâm Thân, 1932, sau khi thành lập, An Nam Phật học hội đã “cung thỉnh Hòa thượng, cùng quý Hòa thượng Giác Nhiên, Giác Tiên và Giác Hạnh vào Hội đồng chứng minh Đại đạo sư”.

Năm Quý Dậu, 1933, Tạp chí Viên Âm ra đời, Hòa thượng cùng với Hòa thượng Giác Hạnh là hai bậc “kinh tài” đắc lực cho mọi hoạt động của tạp chí Viên Âm.

Năm Mậu Dần, 1938, trong thời gian An Nam Phật học hội xây dựng chùa Hội Quán, trên nền ngôi chùa Ấn Tôn-Từ Đàm, Hòa thượng đã nhượng chùa Từ Quang để Hội đặt trú sở tạm trong thời gian xây dựng chùa. Suốt thời gian này, Hòa thượng cũng không ngừng nỗ lực trợ duyên cho mọi hoạt động của Hội.

Đệ tử xuất gia của ngài có nhiều vị xuất sắc như Hòa thượng Tâm Thống Quảng Nhuận (kế thế trú trì chùa Từ Quang), Tâm Thông Quảng Huệ (1904-1950) (trú trì chùa Thiên Minh, Huế) Tâm Giải Tương Ưng (1912-1994) (trú trì chùa Từ Quang, Huế)…

Ngày 24 tháng 10 năm Kỷ Sửu (13.12.1949), ngài thị tịch. Mặc dù các sử liệu chưa sưu tập được nhiều, nhưng qua vài chi tiết nổi bật nêu trên, cũng cho thấy Hòa thượng là người đã tích cực đóng góp nhiều công sức cho sự phát triển của An Nam Phật học hội trong suốt thời kỳ Phật giáo chấn hưng.

Thứ bảy : Hòa thượng Trừng Ba Giác Ngạn ( ? - ? )

Về thân thế, hạnh nguyện của Hòa thượng, hiện tại chúng tôi chưa tìm thấy được nhiều sử liệu, chỉ thấy trên bảng Danh tính phụng thờ ở bàn Tự chúng tại Tổ đình Tây Thiên, có ghi pháp hiệu của ngài với đề khoản: “Tỳ-kheo Trừng Ba hiệu Giác Ngạn Đại sư giác linh”. Ngoài ra, chẳng còn tư liệu nào khác.

Gần đây, sau khi chư vị tôn túc trong môn phái chùa Tây Thiên phát hiện được một ngôi mộ đất nhỏ, nằm ở gò nghĩa địa sau lưng chùa, về phía trái cạnh lối vào chùa. Nơi nấm mộ đất này có chôn tấm bia xi măng, khắc sơ lược dòng chữ bằng tiếng Việt như sau: “Lâm Tế tứ thập nhị thế Sa môn Trừng Ba tự Chí Tân hiệu Giác Ngạn Nguyễn công giác linh. Lạc khoản đề :Môn đồ pháp lữ phụng lập năm Giáp Thìn, 1964”.

Qua dòng chữ trên bia, thì rõ đó là mộ phần của Hòa thượng Trừng Ba Giác Ngạn. Nội dung văn bia còn cho biết thêm:

Hòa thượng họ Nguyễn (không rõ thế danh). Ngài xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Tâm Tịnh, sau khi thọ Sa-di giới được Bổn sư đặt pháp danh là Trừng Ba, pháp tự là Chí Tân. Đến khi thọ Cụ túc giới và đắc pháp lại được Bổn sư ban pháp hiệu là Giác Ngạn.

Chúng tôi nhớ, vào khoảng thập kỷ 50, 60 của thế kỷ trước, thỉnh thoảng vẫn được nghe quý Ôn, quý Thầy nhắc đến pháp hiệu của ngài với lời xưng tán: “Hòa thượng là một vị Thiền sư sống rất tĩnh lặng, thanh thoát, ngài thường đi du hóa khắp nơi, không an trú ở một phương sở nào. Chỉ có một thời gian ngài lên trú trì chùa Kim Đài ở làng Châu Chữ, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy (gần lăng vua Khải Định), rồi sau đó ngài đi đâu không rõ”.(tại chùa Kim Đài hiện cũng không thấy long vị thờ ngài và cũng không còn dấu tích gì của ngài lưu lại).

Ngày nay, dẫu sao thì phần tiểu sử của ngài vẫn chưa được sưu tập đầy đủ, sự viên tịch của ngài vẫn đang là một ẩn số, nhưng việc phát hiện được ngôi mộ của ngài vừa qua cũng là điều vô cùng quý báu. Quý báu hơn nữa là đầu mùa thu năm Bính Tuất, 2006 chư tôn túc Môn phái Tổ đình Tây Thiên đã xây dựng bảo tháp và long trọng cung táng nhục thân của ngài. Việc làm này đã thể hiện tấm lòng ngưỡng vọng của thế hệ chư Tăng hậu thế đối với ân đức và hạnh nguyện của một vị Cao tăng trong hàng Chín bậc Cao tăng kỳ vĩ của chùa Tây Thiên.

Thứ tám : Hòa thượng Tâm Cảnh Giác Hạnh (1880-1981)

Hòa thượng thế danh là Nguyễn Đức Cử, sinh năm Canh Thìn, 1880, tại làng Ái Tử, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Năm 17 tuổi (Đinh Dậu, 1897), xin xuất gia tại chùa Từ Hiếu.

Năm 19 tuổi (Kỷ Hợi, 1899), thọ Sa-di giới với Hòa thượng Trừng Chiêm Huệ Nhật, tri sự chùa Từ Hiếu, được Bổn sư đặt pháp danh là Tâm Cảnh, pháp tự Thiện Quyên. Năm Canh Tuất, 1910 thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Phước Lâm, Quảng Nam.

Năm Ất Mão, 1915 được sự chấp thuận của Bổn sư, Hòa thượng về trú trì Phổ Phúc am. Am này, do Hiệp tá Đại học sĩ Nguyễn Đình Hòe xây dựng trên ngọn đồi Bình An (gần con đường Nam Giao cũ, nay là đường Điện Biên Phủ). Khi về trú trì, ngài nhận thấy cách thờ tự và sinh hoạt của Phổ Phúc am có nhiều sắc thái mê tín, dị đoan, nên Hòa thượng đã dành nhiều thì giờ để chỉnh đốn cho phù hợp với tinh thần chấn hưng của Phật giáo lúc bấy giờ.

Năm 46 tuổi (Bính Dần, 1926), Hòa thượng đắc pháp với Tổ Tâm Tịnh tại chùa Tây Thiên và được ban pháp hiệu là Giác Hạnh. Cũng trong năm này, Hòa thượng trùng kiến Phổ Phúc am rồi đổi tên thành “Vạn Phước Di Đà tự”, ngày nay thường gọi là chùa Vạn Phước.

Năm Nhân Thân, 1932, An Nam Phật học hội thành lập đã cung thỉnh Hòa thượng vào Hội đồng chứng minh Đại đạo sư.

Năm Quý Dậu, 1933, An Nam Phật học hội xuất bản Tạp chí Viên Âm, Hòa thượng là vị kinh tài đắc lực và lâu dài cho mọi hoạt động của tạp chí này.Cũng trong năm này, được sự trợ duyên mạnh mẽ của Thượng tọa Tâm Địa Mật Khế, Hòa thượng tổ chức và khai giảng Trường Sơ cấp Phật học tại chùa Vạn Phước, cho đến năm Ất Hợi, 1935 mới chuyển lên sáp nhập vào Phật học viện Tây Thiên.

Năm Quý Mão, 1963, trong cuộc đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm, Hòa thượng cùng chư vị Đại lão Hòa thượng trong Tổng Hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Tăng già dẫn đầu đoàn tuần hành tại Huế để tranh đấu cho tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo tại Việt Nam.

Năm Ất Tỵ, 1965, ngài giao nhiệm vụ trú trì cho Hòa thượng Tâm Hướng để dành thì giờ tịnh tu và an dưỡng tuổi già.

Năm Quý Sửu, 1973, Hội đồng Lưỡng Viện cung thỉnh Hòa thượng vào Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng Thống.

(Theo Thiền phổ, chúng tôi thấy Hòa thượng không có vị đệ tử nào, năm Ất Tỵ, 1965, Hòa thượng Nguyên Nguyện Tâm Hướng được giao nhiệm vụ trú trì, cũng như Hòa thượng Nguyên Truyền Tâm Thọ đang trú trì chùa Vạn Phước hiện nay, đều là đệ tử của Hòa thượng Tâm Trì Chánh Nguyên, trú trì chùa Thiên Hưng).

Ngày 10 tháng 7 năm Tân Dậu (09.8.1981), ngài thị tịch, sau 50 năm làm trú trì và chung vai gánh vác nhiều Phật sự cho đại cuộc chấn hưng Phật giáo tại miền Trung.

Thứ chín : Hòa thượng Trừng Nguyên Giác Thanh (1905-1992) (6)

Hòa thượng thế danh là Diệp Trương Thuần, sinh năm Ất Tỵ, 1905 tại làng Xuân An, tổng An Đôn, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Năm 17 tuổi (Nhâm Tuất, 1922) xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh tại chùa Tây Thiên.

Năm 18 tuổi (Quý Hợi, 1923), thọ Sa-di giới tại giới đàn chùa Thuyền Tôn, được Bổn sư đặt pháp danh là Trừng Nguyên, pháp tự là Đôn Hậu. Năm 19 tuổi (Giáp Tý, 1924), thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Từ Hiếu, Thừa Thiên.

Năm Bính Dần, 1926, Hòa thượng được Bổn sư cho qua chùa Thệ Đa Lâm (tức chùa Hồng Khê) tham học với pháp huynh là Hòa thượng Trừng Huệ Giác Viên.

Năm Đinh Mão, 1927, lại được pháp huynh chuyển vào Tổ đình Thập Tháp, Bình Định xin theo học với Hòa thượng Như Trí Phước Huệ.

Năm Nhâm Thân, 1932, Hòa thượng trở về Huế liền được An Nam Phật học hội mời làm Giảng sư nòng cốt của Hội, liên tiếp trong 10 năm.

Năm Ất Hợi, 1935, Phật học viện Tây Thiên khai giảng, Hòa thượng tiếp tục theo học lớp Cao đẳng. Năm Bính Tý, 1936, lớp Cao đẳng tại Phật học viện Tây Thiên được đổi tên thành “Xuân Kinh Đại Phật học tràng”. Năm Mậu Dần, 1938, Hòa thượng tốt nghiệp chương trình Đại học Phật giáo với hạng Ưu.

Năm Canh Thìn, 1940 và Nhâm Ngọ, 1942, Hòa thượng sang thăm và thuyết pháp cho Phật tử Việt kiều tại Vương quốc Lào. Cũng trong năm 1942, Sơn môn Tăng già cung cử Hòa thượng về trú trì quốc tự Diệu Đế, Huế.

Năm Ất Dậu, 1945, Việt Nam Phật học hội cung thỉnh Hòa thượng đảm nhận chức vụ Chánh Hội trưởng. Cũng trong năm này, Sơn môn Tăng già lại công cử Hòa thượng lên trú trì quốc tự Linh Mụ.

Năm Bính Tuất, 1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, Hòa thượng được mời giữ chức vụ Chủ tịch Hội Phật giáo Liên hiệp Trung Bộ và Thành viên Ban chấp hành Hội Phật giáo Cứu quốc Thừa Thiên, Huế.

Năm Đinh Hợi, 1947, Hòa thượng bị thực dân Pháp bắt giam và có lệnh xử bắn, nhờ sự can thiệp kịp thời của bà Từ Cung, Hòa thượng mới được tha về.

Năm Mậu Tý, 1948, Phật học đường Bảo Quốc và Ni viện Diệu Đức tái khai giảng, đã cung thỉnh Hòa thượng làm Giáo thọ cho cả hai Học viện này.

Năm Tân Mão, 1951, Hòa thượng tham dự “Hội nghị Phật giáo toàn quốc Việt Nam” tại chùa Từ Đàm, Huế. Cũng trong năm này, Hòa thượng xin thôi giữ chức vụ Chánh Hội trưởng Hội Việt Nam Phật học, để đảm nhận trọng trách Giám luật Giáo hội Tăng già Trung Việt, rồi Giám luật Giáo hội Tăng già Việt Nam.

Năm Bính Thân, 1956, Giáo hội Tăng già Trung Việt kính thỉnh Hòa thượng làm Chủ nhiệm Liên Hoa Văn tập. Qua năm Mậu Tuất, 1958, Liên Hoa Văn tập đổi thành Liên Hoa Nguyệt san và nâng lên làm cơ quan Hoằng pháp của Giáo hội Tăng già Việt Nam, Hòa thượng vẫn giữ trọng trách Chủ nhiệm.

Năm Quý Mão, 1963, cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam với chính quyền Ngô Đình Diệm phát khởi. Sau Hội nghị khẩn cấp tại Tổ đình Từ Đàm, Huế, Năm Cấp Trị sự công cử Hòa thượng vào Ban Lãnh đạo phong trào. Hòa thượng ra chỉ đạo phong trào đấu tranh tại tỉnh Quảng Trị, rồi trở về Huế chỉ đạo phong trào tại chùa Diệu Đế, Huế, được một thời gian thì bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam vào đêm 20.8.1963.

Năm Giáp Thìn, 1964, Viện Hóa Đạo bổ nhiệm Hòa thượng giữ trọng trách Chánh Đại diện Miền Vạn Hạnh kiêm Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế.

Năm Ất Mão, 1975, Hội đồng Lưỡng Viện cung thỉnh Hòa thượng vào Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng Thống.

Năm Đinh Tỵ, 1977, Đại hội kỳ VII GHPGVNTN cung thỉnh Hòa thượng giữ chức vụ Chánh Thư ký Viện Tăng Thống. Năm Kỷ Mùi, 1979, Đức Đệ nhị Tăng Thống viên tịch, suốt hai năm (1979, 1980) Giáo hội vẫn chưa tổ chức được Đại hội kỳ VIII, để suy tôn Đức Đệ tam Tăng Thống. Đầu năm 1981, Hội đồng Giáo phẩm Trung Ương cung thỉnh Hòa thượng lên ngôi vị Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống.

Cũng trong năm này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập cũng đã suy tôn khiếm diện Hòa thượng lên ngôi vị Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật. Nhưng vì lý do sức khỏe và trọng trách đang gánh vác, nên Hòa thượng đã có thư xin từ chối đảm nhận hai chức vị nói trên.

Đệ tử xuất gia của Hòa thượng trên 50 vị, có nhiều vị xuất sắc như Hòa thượng Tâm Chánh Trí Chơn, Tâm Phật Trí Siêu …

Ngày 21 tháng 3 năm Nhâm Thân (23.4.1992), ngài thị tịch, sau gần 70 năm không ngừng xả thân cho sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp. Nhất là trong khoảng thời gian Mười lăm năm ở ngôi vị Chánh Thư ký kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN, ngài không chỉ để lại cho các thế hệ Tăng Ni, Phật tử một niềm tin mạnh mẽ vào truyền thống hưng long của Đạo pháp, mà công nghiệp kỳ vĩ của ngài còn chói lọi trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Ngưỡng vọng hạnh nguyện cao cả của ngài, vào năm Canh Thìn, 2000 Chư tôn Giáo phẩm đã long trọng truy tôn Hòa thượng lên ngôi vị Đệ tam Tăng Thống GHPGVNTN.

***

Trải qua gần một trăm năm, công nghiệp và chí nguyện cao cả của quý ngài, không chỉ cống hiến cho sự phát triển rực rỡ của nền Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo tại miền Trung nói riêng, mà còn tiêu biểu xứng đáng cho một thế hệ Tăng già đạo phong thanh thoát, giới hạnh tinh nghiêm. Trí tuệ và tài năng lỗi lạc của quý ngài mãi mãi còn rạng ngời trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam, mãi mãi là những tấm gương đức hạnh cao vời cho các thế hệ Tăng Ni, Phật tử noi theo để tu tập, hành trì.

Quý ngài không những đã kế thừa truyền thống Tông môn “Thiền Tịnh song tu” của Bổn sư một cách sâu sắc, mà quý ngài cũng đã làm cho mạng mạch truyền thừa của Môn phái chùa Tây Thiên ngày càng thêm rạng rỡ.

Cao quý thay !

Sự xuất hiện của Chín bậc Cao tăng kỳ vĩ chùa Tây Thiên.

 

Chú thích:

1. Chúng tôi không rõ vì lý do gì, Hòa thượng là bậc Cao tăng lừng danh từ nửa đầu thế kỷ XX, người có công rất lớn trong việc giáo dưỡng hàng trăm vị đệ tử xuất gia, cũng như quý Hòa thượng Thanh Tú Tuệ Pháp, Tâm Ấn Viên Quang, Đại sư Viên Thành, là những bậc Cao tăng lừng lẫy của Phật giáo, lại không được Hội đồng Cố vấn, Ban Biên soạn và 36 cộng tác viên, trong đó có Thượng tọa Nguyên Anh Hải Ấn của Phật giáo Huế, lại không ghi tiểu sử quý Ngài vào Bộ “Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX”. Trong khi đó, các vị đệ tử của quý Ngài lại có ghi ?

Chúng tôi nghĩ, dù với lý do gì thì đây cũng là một việc làm có phần khiếm khuyết. Thật đáng tiếc !

2. Trong Đặc san “Kỷ niệm 150 năm ngày Tổ khai sơn chùa Từ Hiếu viên tịch”, do môn đồ chùa Từ Hiếu ấn hành năm Phật lịch 2541, 1997, ở các trang 12, 60, 94 và 115 đều ghi là: “huyện Đăng XUYÊN”. Chắc là nhầm, vì địa danh này chỉ gọi là Đăng XƯƠNG, chứ không có thời nào gọi là Đăng XUYÊN.

Trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, do Nxb Khxh. Hà Nội ấn hành năm 1977, ở trang 81 ghi: “huyện Đăng XƯƠNG, có 5 tổng…”.

Chúng tôi xin nêu thêm một sử liệu có giá trị gần đây nhất, để bổ chính cho sự nhầm lẫn này. Hiện trong nội dung văn bia nơi bảo tháp của Hòa thượng Thanh Tú Tuệ Pháp, tại chùa Thiên Hưng, do Đại sư Viên Thành cẩn soạn vào năm Đinh Mão, 1927, ghi rõ địa danh này như sau: “Thiên Hưng tự Giáo thụ Hòa thượng bi minh. Giáo thụ Hòa thượng Quảng Trị tỉnh, Triệu Phong phủ, Đăng XƯƠNG huyện, Bích La tổng, Trung Kiên thôn nhân dã…”.

3. Trong cuốn “Lịch sử Phật giáo xứ Huế” của TT. Hải Ấn và Hà Xuân Liêm, bản in năm 2001, tại Tp Hồ Chí Minh., ở trang 314 ghi: “Ngài Hải Thuận Lương Duyên, chùa Bảo Quốc (1806-1892)…” Ở trang 316 lại ghi: “Ngày 13.01 năm Ất Mùi, 1892 thì Ngài an nhiên thị tịch”. Rõ ràng, các niên đại trên đều xác định là Ngài tịch vào năm 1892. Chắc là nhầm, vì năm Ất Mùi là năm 1895, chứ không phải là 1892. Năm 1892 là Nhâm Thìn).

Hiện có hai sử liệu rất đáng tin cậy về năm tịch của Ngài Hải Thuận Lương Duyên như sau:

a. Trong văn bia ở bảo tháp của Hòa thượng Thanh Tú Tuệ Pháp, tại chùa Thiên Hưng, do Đại sư Viên Thành, chùa Tra Am cẩn soạn vào năm Đinh Mão, 1927 có nội dung như sau: “Thành Thái Giáp Ngọ niên, Sắc tứ Bảo Quốc tự, khai Đại giới đàn, lễ Đỗ Lương Duyên Đại lão Hòa thượng, cầu thụ cụ túc…”. Nghĩa là: “Năm Giáp Ngọ, 1894 dưới triều Thành Thái, chùa Bảo Quốc mở Đại giới đàn, bèn đến lễ Đại lão Hòa thượng Lương Duyên, xin thọ cụ túc”.

b. Trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử lược của TT. Mật Thể, bản in năm 1996 tại Huế, ở trang 201 ghi: “Năm Thành Thái thứ 6 (1895), (chắc là nhầm, vì niên hiệu Thành Thái thứ 6 là năm Giáp Ngọ, 1894) Ngài mở Đại giới đàn tại chùa Bảo Quốc, đến năm sau thì tịch. Thọ 91 tuổi”.

Các sử liệu này cho thấy, đến năm Giáp Ngọ, 1894, Hòa thượng Hải Thuận Diệu Giác chưa viên tịch. Theo Thượng tọa Mật Thể thì năm tịch của Ngài là năm Bính Thân, 1896.

4. Trong văn bia ở tháp Tổ khắc: “Tự pháp môn đại hữu cửu tứ, tứ chúng quy y giả ngũ bách dư nhân”. Nghĩa là: “Đồ đệ nối pháp có 94 người, tứ chúng quy y hơn 500 người”. Nhưng trong bản: “Tiểu sử Ngài Tâm Tịnh” do môn đồ chùa Tây Thiên biên soạn thì ghi là: “Đồ đệ xuất sắc của Ngài có 49 vị, tín đồ quy y với Ngài không dưới 500”. Chúng tôi e rằng con số 49 là nhầm do thiếu cẩn thận khi đánh vi tính (94 thành 49).

5. Trong bộ “Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX”của TT. Đồng Bổn, bản in năm 1996, ở trang 108 và bộ “Lịch sử Phật giáo xứ Huế” của TT. Hải Ấn và Hà Xuân Liêm, bản in năm 2001, ở trang 426 đều cho rằng:” Hòa thượng Giác Tiên được cung thỉnh lên khai sơn và trú trì chùa Trúc Lâm vào năm Đinh Sửu, 1913”.

Nhưng trong cuốn “Tuyển dịch văn bia chùa Huế” của Lê Nguyễn Lưu, bản in năm 2005, tại Huế, ở trang 198 thì ghi rằng:” Chùa Trúc Lâm chính thức ra đời góp mặt vào rừng Thiền xứ Huế từ năm Quý Mão, 1903”.

Chúng tôi cho rằng cứ liệu của tác giả Lê Nguyễn Lưu rất phù hợp năm Hòa thượng Giác Tiên lên khai sơn và trú trì chùa Trúc Lâm. Bởi lẽ, trong văn bia ở tháp Tổ ghi :” Bà tỳ-kheo ni Thanh Linh Diên Trường dựng chùa Trúc Lâm và mời Sư lên làm tọa chủ khai sơn. Từ đó, tâm thiền trọn đủ, mưa pháp rộng ban. Sau lại gặp lúc Hòa thượng Vĩnh Gia, chùa Phước Lâm mở giới đàn lớn, Sư bèn chịu giới Cụ túc”. Rõ ràng, giới đàn này, khai giới vào năm Canh Tuất, 1910, sau khi Hòa thượng Giác Tiên lên chùa Trúc Lâm gần bảy năm.

6. Về pháp hiệu “Giác Thanh” của ngài, hiện tại chúng tôi chỉ thấy xuất xứ từ hai nguồn sử liệu : 1. Trong bản “Tiểu sử ngài Tâm Tịnh” do môn đồ chùa Tây Thiên biên soạn năm 2002. Trong bộ “Lịch sử Phật giáo xứ Huế” của TT. Hải Ấn và Hà Xuân Liêm, bản in năm 2001. Đó là những sử liệu mới xuẩt bản gần đây, chưa phải là sử liệu gốc. Tuy đã nhiều lần được nghe quý Ôn, quý Thầy nhắc đến pháp hiệu Giác Thanh của ngài, nhưng rất tiếc là chúng tôi vẫn chưa tìm thấy nguồn sử liệu gốc, để biết rõ hơn về thời điểm ngài được Tổ ban pháp hiệu này. Vì thế, khi cẩn soạn pháp hiệu “Giác Thanh” chúng tôi cũng chỉ dè dặt nương theo hai nguồn sử liệu nói trên.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1         Việt Nam Phật giáo sử lược của TT. Mật Thể, bản in năm 1996 tại Huế.

2         Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977.

3         Tra Am và Sư Viên Thành của Nguyễn Văn Thoa, Môn đồ Ba La và Tra Am ấn hành, năm Pl.2517, Giáp Dần, 1974.

4         Tiểu sử tự ghi của Hòa thượng Nhật Quang Trí Quang.

5         Đặc san kỷ niệm 150 năm ngày Tổ Khai sơn chùa Từ Hiếu viên tịch, do môn đồ chùa Từ Hiếu ấn hành tại Huế, năm Pl.2541-1997.

6         Tiểu sử Ngài Tâm Tịnh, do Môn đồ chùa Tây Thiên biên soạn và ấn hành năm Nhâm Ngọ, 2002 tại Huế.

7         Lịch sử Phật giáo xứ Huế, của TT. Hải Ấn và Hà Xuân Liêm, bản in năm 2001, tại Tp Hồ Chí Minh.

8         Và một số tư liệu lịch sử có giá trị khác hiện lưu trữ tại các Thư viện.

9         Trong bộ “Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX”của TT. Đồng Bổn, bản in năm 1996, ở trang 108 và bộ “Lịch sử Phật giáo xứ Huế” của TT. Hải Ấn và Hà Xuân Liêm, bản in năm 2001, ở trang 426 đều cho rằng:” Hòa thượng Giác Tiên được cung thỉnh lên khai sơn và trú trì chùa Trúc Lâm vào năm Đinh Sửu, 1913”.

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác