Từ chùa Bảo Sơn đến Đại tòng lâm Kim Sơn (Huế)

kim son

 

 

LTS:

Trong quá khứ, Phật giáo đã cùng dân tộc chịu chung biết bao biến cố đau thương của lịch sử. Phật giáo không tách mình ra khỏi vận mệnh an nguy của đất nước, để mưu cầu an vui và tự tại cho riêng mình, trái lại, luôn luôn hài hòa, uyển chuyển cùng với truyền thống tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục... của dân tộc.

Có thể nói, công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ qua, đã kích thích cao độ niềm tin và lòng tự hào dân tộc; đã đem lại nhiều thành tựu to lớn và ích lợi không riêng cho Phật giáo, mà còn chung cho cả đất trời và dân Việt. Hình ảnh những bậc Cao Tăng thạc đức trong các Đại Tòng lâm không biết nghỉ ngơi, không biết mệt mỏi, bằng trái tim và khối óc của mình, quý Ngài đã duy trì, bảo vệ chánh pháp, cũng như đã giữ vững được những thuần phong mỹ tục, những nét đẹp của văn hóa nước nhà.

Bằng những sự kiện được trình bày có tính cách lịch sử trong bài viết của tác giả Tâm Quang, chắc chắn sẽ phản ảnh phần nào những thực tế nêu trên,
nay, BBT xin chia sẻ đến quý độc giả.

Chùa Kim Sơn, Huế ngày nay

 

 

I. Bảo Sơn tự - giai đoạn hình thành và thời kỳ sập đổ

Ngày nay, có ai còn nhắc đến, hay muốn tìm hiểu lai lịch về Đại Tòng lâm Kim Sơn ở Huế, chắc không thể không liên tưởng đến ngôi cổ tự trên ngọn đồi Kim Sơn hùng vĩ, thuộc địa phận thôn Lựu Bảo, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế! Đó là ngôi Bảo Sơn Tự.

Ngôi cổ tự này, được xây dựng từ năm nào, chúng tôi chưa tìm thấy sử liệu để xác chứng.

Chỉ thấy, còn có hai hiện vật: Một là tấm bia đá “Trùng tu Bảo Sơn tự bi văn”, khắc năm Đinh Mùi, 1667, đang được trưng bày tại sân Viện Bảo tàng Mỹ thuật Cung Đình Huế, số 3 đường Lê Trực, thành phố Huế (trước là Bảo tàng viện Khải Định).

Hai là cái chuông gia-trì nhỏ, hiện được lưu ký tại chùa Khánh Vân, cũng thuộc xã

Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Tấm bia này, tuy không còn đọc được chữ khắc trên mặt bia, vì đã quá mờ, nhưng ở lạc khoản, còn đọc rõ được 10 chữ: “Cảnh Trị ngũ niên, tuế thứ Đinh Vị, Trọng Thu...” (phần tiếp theo không đọc được).

Căn cứ vào câu ghi ở lạc khoản này, cho ta thấy: Cảnh Trị là niên hiệu của vua Lê Huyền Tông (Duy Vũ) (Quý Mão, 1663 - Tân Hợi, 1671). Năm Đinh Vị, ứng với Dương lịch là năm 1667; so sánh với các chúa Nguyễn ở Nam Hà (Đàng Trong) thì năm này nhằm vào đời chúa Nguyễn Phúc Tần (chúa Hiền) (Mậu Tý, 1648 - Đinh Mão, 1687). Dấu tích này cho ta xác định: Trong khoảng thời gian ba năm - từ năm Ất Tỵ, 1665 đến năm Đinh Vị, 1667 - Bảo Sơn tự đã được trùng tu.

Như thế là chùa đã được xây dựng nhiều năm trước đó. Có thể từ đầu đời chúa Nguyễn Phúc Tần, Mậu Tý, 1648, sau chùa Thiên Mụ khoảng dưới vài mươi năm (chùa Thiên Mụ xây dựng năm Tân Sửu, 1601).

Thứ hai là cái chuông gia trì nhỏ, hiện lưu ký tại chùa Khánh Vân.

Ở thân chuông, có khắc dòng chữ: “Minh Mạng thập bát niên, nhị nguyệt thập cửu nhật, Bảo Sơn tự Trú trì, pháp danh Tánh Tại, tự Quảng Khiêm, chú tạo”, vào năm Minh Mạng thứ 18, Mậu Tuất, 1838.

Trong khoảng thời gian 11 năm - từ năm Giáp Tý, 1864 đến năm Ất Hợi, 1875 - dưới triều vua Tự Đức, sách Đại Nam Nhất thống chí, do Quốc sử quán soạn, trong mục Tự quán, ghi rõ ràng như sau: “Chùa Bảo Sơn, ở xã An Ninh, huyện Hương Trà, khoảng đời vua Minh Mạng, Thuận Thiên Cao hoàng hậu đã bỏ của ra sửa lại...”.

Qua hai sự kiện nêu trên, cho ta thấy, đến đời vua Tự Đức, chùa vẫn còn gọi tên là Bảo Sơn tự.

Trong cuộc binh biến nội cung, do Hồng Bảo, Đoàn Trưng, Đoàn Trực khởi xướng, vào tối ngày mồng 08 tháng 9 năm Bính Dần, 1866, nhằm mưu sát vua Tự Đức, tức Dực Tông Anh hoàng đế, để đưa Hồng Bảo lên thay. Âm mưu tạo phản bị đổ bể, khiến vua Tự Đức nổi trận lôi đình, định tàn sát tất cả chư Tăng và triệt phá hết chùa viện trên cả nước. Vì trong cuộc tạo phản này, có sự tham gia của nhiều vị sư ở chùa Khoai, còn gọi là chùa Thiên Phúc, như sư Nguyễn Văn Quý, sư Nguyễn Văn Viên, sư Nguyễn Văn Lý...

Rất may, do lòng đạo mộ và tình cảm đối với đạo Phật của Lệ Thiên Hoàng hậu, nên bà đã kịp thời và hết sức can ngăn. Hơn nữa, do được sủng ái, bà đã làm dịu được cơn thịnh nộ của vua. Nhờ vậy mà mọi việc xấu không xảy ra.

Cũng từ đó - niên hiệu Tự Đức thứ 19, Bính Dần, 1866 trở đi, Bảo Sơn tự được vua Tự Đức đổi thành Ngọc Sơn tự. Phải chăng, Dực Tông Anh Hoàng đế, khi đổi tên Bảo ra tên Ngọc, là có ý không muốn nhắc đến tên Hồng Bảo, con người đã có tội lớn đối với vua trong cuộc mưu phản không thành ?

Trải qua các triều vua kế tiếp, từ giữa niên hiệu Tự Đức, đến các vua:

§                Dục Đức             (Ưng Chân)     Quý Mùi         1883(03 ngày)

§                Hiệp Hòa (Hồng Dật)       Quý Mùi           1883(4 tháng)

§                Kiến Phúc           (Ưng Đăng)      Giáp Thân         1884

§                Hàm Nghi            (Ưng Lịch)        Ất Dậu             1885

§                Đồng Khánh        (Ưng Xuy)        Bính Tuất          1886

§                Thành Thái          (Bửu Lân)         Kỷ Sửu 1889

Ngọc Sơn tự vẫn được duy trì. Tuy đất nước ở giai đoạn này, thực dân pháp đang áp dụng chính sách đô hộ vô cùng hà khắc nhưng vua Thành Thái vẫn lưu tâm đến việc sửa sang các Tự quán, trong đó có Ngọc Sơn tự.

Các sử liệu hiện lưu hành cho thấy: Ngày 14 tháng 9 niên hiệu Thành Thái thứ 9 (Đinh Dậu, 1897), vua sắc trùng tu Ngọc Sơn tự. Một năm sau, ngày 20 tháng 02 niên hiệu Thành Thái thứ 10 (Mậu Tuất, 1898) do Bộ lễ tấu trình, vua sắc cho sửa sang các tượng Phật và pháp khí ở Ngọc Sơn tự. Một năm sau nữa, niên hiệu Thành Thái thứ 11 (Kỷ Hợi, 1899), vua lại sắc phong sư Tâm Minh Nguyễn Đức Tuyển làm Trú trì Ngọc Sơn tự.

Dưới sự trú trì của sư Tâm Minh Nguyễn Đức Tuyển, Ngọc Sơn tự được duy trì và tồn tại tốt đẹp. Cho đến gần cuối niên hiệu Thành Thái thứ 16 (Giáp Thìn, 1904), một trận bão khủng khiếp thổi qua kinh thành Huế, đã làm cho Ngọc Sơn tự sập đổ hoàn toàn.

Từ đó, chùa không được phục hồi, dù là một Quan tự.

Như thế, có thể nói, cơn bão kinh hoàng năm Giáp Thìn (1904) đã “xóa tên” Bảo Sơn tự hay Ngọc Sơn tự trên bản đồ danh lam thắng tích ở miền Trung.

Nếu kể từ đầu đời chúa Nguyễn Phúc Tần, Mậu Tý, 1648 đến trận bão năm Giáp Thìn, 1904 thì Bảo Sơn tự đã tồn tại được 356 năm.

Tuy không được phục hồi nhưng 4 năm sau đó - vào ngày 22 tháng 8 niên hiệu Duy Tân thứ 2 (Mậu Thân,1908) - Bộ Lễ có phiến tấu lên vua rằng: “...Về đất chùa, theo lời bẩm của Tự trưởng chùa này là Lý Chánh Tâm, xin cho cất riêng một ngôi nhà nhỏ để thờ chư Tăng đời trước, đã có công với chùa. Việc này có thể xem như việc riêng. Xin cho y tự tiện”.

Phiến tấu lên, được vua Duy Tân (1907-1916) chuẩn tấu. Thế nhưng, suốt khoảng thời gian 36 năm sau đó, từ năm Mậu Thân, 1908 đến năm Giáp Thân, 1944 ngôi nhà Tăng nhỏ do Tự trưởng Lý Chánh Tâm dựng lên cũng không còn đủ sức để níu kéo phần nào về một thời vàng son của ngôi Bảo Sơn tự. Sự hùng vĩ của ngọn đồi Kim Sơn, từ đó cứ dần dần chìm trong hoang phế.

 

II. Phật giáo Việt Nam - công cuộc chấn hưng và những thành tựu to lớn

Để làm một gạch nối giữa Bảo Sơn tự và Đại Tòng lâm Kim Sơn ở Huế.

Tưởng cũng nên phác qua đôi nét về công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Hai cuộc vận động chấn hưng Phật giáo ở chính quốc Ấn Độ và trên đất nước Trung Hoa, diễn ra rầm rộ, đã tác động mạnh đến chư vị Tăng già và giới cư sĩ có tâm huyết ở Việt Nam.

Công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam bắt đầu từ năm Canh Thân, 1920, do quý Cao Tăng ở miền Nam Việt Nam khởi xướng.

Mở đầu, quý Ngài lập Lục Hòa Hội (có sử liệu vẫn còn ghi là Lục Hòa Liên hiệp hội), mục đích để tạo sự đoàn kết và làm động cơ vận động cho công cuộc chấn hưng.

Đầu năm Kỷ Tỵ, 1929, Tổ Khánh Hòa, ở chùa Tiên Linh, Bến Tre, đích thân đi vận động hầu hết các chùa lớn ở miền Nam. Tổ còn cử vị đệ tử của mình, là sư Thiện Chiếu, hướng dẫn một phái đoàn ra miền Trung và miền Bắc để vận động cho phong trào.

Nhằm cổ động cho phong trào chấn hưng đạt kết quả, ngày mồng 9 tháng 7 năm Kỷ Tỵ (ngày 13.8.1929), Tổ cho xuất bản tạp chí Pháp Âm. Hợp lực với Bổn sư, sư Thiện Chiếu cũng cho xuất bản tạp chí Phật Hóa Tân thanh niên. Đây là hai tạp chí Phật giáo đầu tiên viết bằng tiếng Việt. Có thể nói, hai tạp chí này đã khai nguyên cho nhiều tạp chí Phật giáo viết bằng tiếng Việt sau này.

Hưởng ứng mạnh mẽ vào công cuộc chấn hưng do Tổ Khánh Hòa chủ xướng, ngày 13 tháng 7 năm Tân Mùi (ngày 26.8.1931), quý Cao Tăng cùng nhiều cư sĩ nhiệt tâm ở miền Nam lập nên Nam Kỳ nghiên cứu Phật học hội. Lần đầu tiên, một hội Phật học ra đời đã quy tụ hầu hết những nhà tâm huyết đối với sự hưng vong của Phật giáo.

Tổ Khánh Hòa hiến cúng một ngôi chùa cho hội để lập Pháp bảo phường - làm nơi tôn trí đại tạng kinh để nghiên cứu.

Ngày 25 tháng Giêng năm Nhâm Thân (ngày 01.3.1932), Hội cho xuất bản tạp chí Từ Bi Âm, do Hòa thượng Nguyễn Chánh Tâm làm Chủ nhiệm, Hòa thượng Bích Liên làm chủ bút, Hòa thượng Liên Tôn làm phó chủ bút. Cụ Trí Độ (Bình Định), sư Thiện Dung (Mỹ Tho), sư Giác Nhật, sư Nhật Chánh (Cần Thơ) làm trợ bút.

Đặc biệt là Hòa thượng Nguyễn Chánh Tâm, Chủ nhiệm tạp chí đã hiến cúng 33.000 m2 ruộng (tương đương với 3ha 30a) trong 15 năm để lấy huê lợi, trợ giúp cho sự hoạt động của tạp chí Từ Bi Âm và góp phần nuôi Tăng đồ học đạo.

Cuối năm Tân Mùi, 1931, Tổ Khánh Hòa, Tổ Huệ Quang, Khánh Anh, Pháp Hải, cùng Hòa thượng Chánh Tâm, Viên Giác tiếp tục lập nên Liên đoàn học xã. Mục đích là để đào tạo Tăng tài và hoằng dương chánh pháp.

Cũng trong năm này, Hòa thượng Huệ Đăng, chùa Thiên Thai ở Bà Rịa, thành lập Thiên Thai Thiền giáo tông, Thiện Hữu hội và cho xuất bản tạp chí Bát Nhã Âm. Bát Nhã Âm là một tạp chí đã truyền bá giáo lý một cách sâu rộng trên cả nước lúc bấy giờ.

Năm Giáp Tuất, 1934, Tổ Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh, Pháp Hải, quý Hòa thượng Liên Trì, Viên Giác, cùng nhiều vị cư sĩ lập nên Lưỡng Xuyên Phật học hội. Cũng với mục đích là để đào tạo Tăng tài và hoằng dương chánh pháp.

Tóm lại, mở đầu cho công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam, chư Tổ, chư vị Hòa thượng, cùng nhiều cư sĩ ở miền Nam Việt Nam đã đóng góp nhiều công lao to lớn, quý Ngài đã gây dựng nên một sự nghiệp hoằng pháp vô cùng hiển hách cho công cuộc chấn hưng.

Tại Miền Trung,

Sau khi Nam kỳ nghiên cứu Phật học hội tại miền Nam ra đời được một năm, vào ngày mồng 8 tháng 2 năm Nhâm Thân (ngày 14.3.1932) tại Huế, An Nam Phật học hội thành lập. Trụ sở của hội đầu tiên đặt ở chùa Trúc Lâm, một thời gian sau mới  dời về Tổ đình Từ Đàm.

Hội được sự chứng minh của quý Hòa thượng:

- Giác Tiên                (1880 - 1936)

- Giác Nhiên              (1878 - 1979)

- Giác Hạnh               (1880 - 1981)

- Giác Bổn                (   ?   -   1940  )

Cùng một Ban Quản trị, gồm có các cư sĩ:

- Bác sĩ Tâm Minh     Lê Đình Thám            (Chánh Hội Trưởng)

- Cư sĩ:                      Lê Quang Thiết          (Phó Hội Trưởng)

- Cư sĩ:                      Lê Thanh Cảnh          (Hội Viên)

- Bác sĩ:                     Trương Xưởng                  _

- Cư sĩ:                      Tôn Thất Quyền                _

- Cư sĩ:                      Nguyễn Xuân Tiêu            _

- Cư sĩ:                      Hoàng Xuân Ba                _

- Cư sĩ:                      Lê Bá Ý                           _

- Cư sĩ:                      Tôn Thất Tùng                  _


An Nam Phật học ra đời đã khai quang một con đường mới cho Phật giáo miền Trung. Khung cảnh tối tăm của Phật giáo trong nhiều thập kỷ qua đã bắt đầu hé rạng.

Ngày 16 tháng 11 năm Quý Dậu (Ngày 01.01.1934), An Nam Phật học cho xuất bản tạp chí Viên Âm. Viên Âm là tạp chí Phật giáo đầu tiên được phát hành tại miền Trung, là cơ quan truyền bá chánh pháp rất rộng rãi và hữu hiệu của hội. Viên Âm còn là nơi quy tụ nhiều cây bút lỗi lạc trong giới Tăng già và cư sĩ của Phật giáo miền Trung lúc bấy giờ.

Ngày nay, tạp chí Viên Âm vẫn còn được lưu trữ trong tủ sách các Tu viện, Thiền viện, Phật học viện để làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu, học tập cho mọi giới. Sự kiện ấy cũng đủ nói lên tầm ảnh hưởng của tạp chí Viên Âm đến dường nào!

Đến đây, tưởng cũng nên ghi lại tất cả các lớp Phật học, các Đạo tràng giảng dạy Phật Pháp tại các Tổ đình, trước khi An Nam Phật học hội cho thành lập và khai giảng Phật học viện tại chùa Tây Thiên, Thừa Thiên-Huế.

Tại Bình Định, năm Canh Thân 1920, Hòa thượng Phước Huệ, ở Tổ đình Thập Tháp, Thiền sư Phổ Huệ ở chùa Tịnh Lâm tổ chức các lớp học cho Tăng chúng tại hai chùa Thập Tháp và Long Khánh.

Tại Thừa Thiên Huế, cũng trong năm Canh Thân, 1920, có Thiền sư Thanh Tú Tuệ Pháp, Trú trì chùa Thiên Hưng, Thiền sư Thanh Thái Tuệ Minh, Trú trì chùa Từ Hiếu, Thiền sư Như Thông Đắc Ân, trú trì Tổ đình Quốc Ân, Thiền sư Thanh Ninh Tâm Tịnh, khai sơn chùa Tây Thiên, các Ngài đều mở các lớp Phật học và Đạo tràng để giảng dạy tại các chùa Tổ.

Năm Kỷ Tỵ, 1929, Hòa thượng Giác Tiên tổ chức lớp Phật học tại chùa Trúc Lâm. Hòa thượng đích thân vào cung thỉnh Hòa thượng Phước Huệ ở Tổ đình Thập Tháp ra giảng dạy. Đặc biệt ở lớp học này, có một vị cư sĩ theo học thường xuyên, đó là Bác sĩ Lê Đình Thám. Lúc bấy giờ, Bác sĩ đang đảm trách chức vụ Y sĩ trưởng Viện bào chế và Vi trùng học Louis Pasteur tại Huế (có thời gian là Y sĩ trưởng Quản đốc Lao viện P.Pasquier, cũng tại Huế).

Năm Quý Dậu, 1933, Hòa thượng Giác Tiên cùng một số đệ tử của Ngài, tổ chức lớp Sơ đẳng Phật học cho giới Sa di tại chùa Vạn Phước. Theo học lớp này có gồm 50 vị Sa di. Chương trình học được quy định là 5 năm, nhưng mới học được hai năm, đến đầu năm Ất Hợi, 1935 lớp nầy lại dời về chùa Báo Quốc. Lúc này, đã có Đại sư Trí Độ từ Bình Định ra nhận trách vụ Đốc giáo.

Năm Giáp Tuất, 1934, Hòa thượng Giác Tiên và Giảng sư Mật Khế, tổ chức và khai giảng lớp Cao đẳng Phật học tại chùa Trúc Lâm. Lớp Cao đẳng nầy vẫn được Hòa thượng Phước Huệ giảng dạy. Nhưng rất tiếc, lớp nầy mới hoạt động được một năm, đến năm Ất Hợi, 1935 thì Giảng sư Mật Khế viên tịch (1904-1935). Qua năm sau nữa, Bính Tý, 1936, Hòa thượng Giác Tiên cũng viên tịch (1880-1936).

An Nam Phật học hội đứng ra cáng đáng và tiếp tục duy trì lớp Cao đẳng nầy. Sau đó, đưa vào hệ thống của trường An Nam Phật học.

Năm Ất Hợi, 1935, trường An Nam Phật học tiếp tục mở thêm lớp Trung đẳng tại chùa Tường Vân, do Thiền sư Tịnh- Khiết trông coi và Hòa thượng Phước Huệ giảng dạy. Lớp nầy, mới học chưa được một năm thì phải dời lên và sáp nhập vào Phật học viện Tây Thiên.

Về phía học Ni:

Năm Nhâm Thân, 1932, sư bà Trừng Ninh Diệu Hương (1884-1971) mở lớp học Ni và thành lập Ni trường tại chùa Từ Đàm. Đến năm Giáp Tuất, 1934, sau khi xây dựng chùa Diệu Đức xong, lớp nầy dời về chùa Diệu Đức. Về sau gọi là Ni viện Diệu Đức Huế. Đây là lớp học Ni đầu tiên tại Huế.

Ngày 19 tháng 9 năm Ất Hợi, (ngày 16.10.1935) An Nam Phật học hội quyết định thành lập và khai giảng Phật học viện với đầy đủ 3 trường: Sơ đẳng, Trung đẳng và Cao đẳng tại chùa Tây Thiên.

Đây là một Phật học viện được An Nam Phật học hội tổ chức rất quy mô và có hệ thống nhất trong công cuộc chấn hưng Phật giáo tại miền Trung. Phật học viện đặt dưới sự chủ giảng của Quốc sư Phước Huệ, cùng sự giảng dạy của Hòa thượng Phổ Huệ, Đại sư Trí Độ, Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám,v.v... Nhờ công lao giảng dạy của các bậc Thầy lỗi lạc ấy mà Phật học viện Tây Thiên trở thành một trung tâm đào tạo Tăng tài nghiêm túc và có chất lượng học tập cao nhất của Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, đấy chưa hẳn là mô hình mà An Nam Phật học hội bằng lòng. An Nam Phật học hội muốn có một mô hình Phật học viện lý tưởng hơn, to lớn, điển hình và cụ thể hơn. Một Phật học viện có đầy đủ nhu cầu cần thiết và thích hợp cho việc học tập và tu trì của tất cả học Tăng, có thể sánh bằng Phật học viện Nalanda ở Ấn Độ. Mô hình đó đã được phác họa và triển khai: “Đại Tòng lâm Kim Sơn”.

Tóm lại, trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, có thể nói, đây là giai đoạn cực thịnh của các Trung tâm đào tạo Tăng tài tại miền Trung mà công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam đã đem lại.

 

III. Đại Tòng lâm Kim Sơn - giai đoạn hình thành và thời kỳ tan rã

Sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của Đại Tòng lâm Kim Sơn ở Huế, là kết quả trong quá trình nỗ lực của công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Trước khi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp tại Phật học viện Báo Quốc giữa năm Quý Mùi, 1943, An Nam Phật học hội đã có dự án xây dựng tại đồi Kim Sơn, đất cũ của ngôi Bảo Sơn tự, ở thôn Lựu Bảo, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, thành một Phật học viện quy mô, có tầm cỡ của một Đại học viện Phật giáo.

Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, trên cương vị Chánh Hội trưởng An Nam Phật học hội và Đại sư Trí Độ, là hai nhân vật lỗi lạc đã bỏ ra nhiều công sức, để phác họa và nỗ lực tiến hành dự án lớn lao này. Quý Ngài muốn lập lên trên ngọn đồi Kim sơn hùng vĩ, đẹp đẽ nầy một Phật học viện đồ sộ và tập trung như kiểu Phật học viện Nalanda ở Ấn độ.

Cấp học và thời gian học dự tính sẽ phân làm 3 cấp, từ Sơ đẳng đến Cao đẳng, mỗi cấp học hai năm. Việc ăn ở của học Tăng, được trường chu cấp hoàn toàn trong suốt thời gian theo học. Chương trình học sẽ được phân bổ đầy đủ cho mỗi cấp học. Kỳ thi tốt nghiệp của mỗi cấp sẽ có phần thi viết và phần thi nói,...

Đầu năm Giáp Thân, 1944, dự án được xúc tiến xây dựng. Hơn nửa năm sau, những ngôi nhà mới mẻ, khang trang đã được dựng lên trên ngọn đồi Kim Sơn. Từ đó, sự hoang phế trong bao nhiêu năm cũng lùi dần.

Việc di chuyển các Phật học viện về Đại Tòng lâm Kim Sơn lần lượt được tiến hành.

Trước khi chuyển về Đại Tòng lâm Kim Sơn, tại Phật học viện Báo Quốc, Huế, vào năm Quý Mùi, 1943, có một kỳ thi khác thường. Kỳ thi nầy đã được Hòa thượng Trí Quang - lúc bấy giờ là một học Tăng - ghi lại như sau: “Phật học viện có học trình 10 năm: 3 năm Sơ đẳng, 3 năm Trung đẳng, 2 năm Cao đẳng và 2 năm Siêu đẳng. Mỗi năm có một kỳ thi. Đề tài lấy trong kinh sách học trong năm đó. Kỳ thi 2487 (1943) là tốt nghiệp Trung đẳng. Đột nhiên, có quyết định thi hết kinh sách đã học từ năm đó trở lui. Có vài môn thi vốn không học, như thi viết luận Hoa văn, thi nói nghi lễ mà các điệu Tán là chính. Viện cho biết, thi tuyển sẽ khó khăn và trúng tuyển kỳ thi nầy là trúng tuyển tốt nghiệp. Học trình 2 năm Cao đẳng và 2 năm Siêu đẳng sẽ dồn lên làm một và không thi nữa”.

Trong kỳ thi tốt nghiệp nầy, có đến 50 học Tăng tham dự nhưng chỉ có 6 học Tăng được chọn đậu hẳn, 4 học Tăng được vớt phần thi nói.


Sáu học Tăng đậu hẳn trong kỳ thi nầy, hiện là quý Hòa thượng:

- Trí Quang, Pháp danh Nhật Quang,

Pháp hiệu Trí Hải                                                          ( 1923 - ... )

- Trí Đức, Pháp danh Tâm Phật,

Pháp hiệu Thiện Siêu                                                     (1921-2001)

- Trí Nghiễm, Pháp danh Tâm Thị,

Pháp hiệu Thiện Minh                                                   (1922-1978)

- Trí Thuyên                                                                 (1923-1947)

- Trí Tịnh                                                                      (  ?   -   ?  )

- Trí Thành                                                                   (  ?   -   ?  )

Về chữ TRÍ của 6 Pháp hiệu trên, đã được Hòa thượng Trí Quang, ghi lại như sau: “Sau kỳ thi 2487 (1943), Phật học viện tổ chức lễ phát nguyện cho giới Sa di, do Ngài Như Đông Đắc Quang, Trú trì Tổ đình Quốc Ân, chứng minh. Ngài Trí Độ cho mỗi người một Pháp hiệu với chữ Trí đứng đầu. Cái tên Trí Quang có từ đó”.

Lễ tốt nghiệp ra trường cũng được Hòa thượng ghi lại, chi tiết như sau: “Và hai năm sau, Ất Dậu, 2489 (1945) tại Đại Tòng lâm Kim Sơn, cách con sông sau chùa Thiên Mụ, cơ sở mới của Phật học viện, lễ tốt nghiệp được tổ chức, chỉ vài ngày, trước ngày Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương”.

Quân Nhật đảo chánh quân Pháp xảy ra vào lúc 20g25’ ngày 09.3.1945 (ngày 25 tháng Giêng năm Ất Dậu), đã làm thay đổi cục diện chính trị nước Việt Nam lúc bấy giờ.

Quân Pháp bại trận, nhường quyền cai trị cho quân Nhật, đã khiến cho nền kinh tế Việt Nam vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn. Dân chúng lâm vào cảnh lầm than, đói rét, hơn hai triệu người dân Việt Nam, từ các tỉnh ở miền Bắc đến Thừa Thiên đều bị chết đói.

Trong hoàn cảnh ấy, Đại Tòng lâm Kim Sơn dù chưa tan rã hoàn toàn, nhưng cũng lâm vào cảnh khó khăn, thiếu thốn, kinh tế và tài chính hầu như cạn kiệt.

Trước tình trạng khốn đốn ấy, An Nam Phật học hội đã có quyết định kịp thời và đúng đắn. Sự kiện lịch sử nầy, đã được Hòa thượng Thiện Hoa,  lúc bấy giờ đang theo học lớp Cao đẳng tại Đại Tòng lâm Kim Sơn ghi lại như sau: “Đến năm 1945, sau ngày Nhật đảo chánh Pháp, Phật học viện Kim Sơn (Huế) không duy trì được, nên phần lớn Giáo sư và học Tăng được đưa vào Nam. Lúc bấy giờ, Hội An Nam Phật học, ủy thác cho chúng tôi (TT.Thiện Hoa) trở về Nam, vận động với một đại thí chủ - ông Trương Hoằng Lâu - ở Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, đài thọ tài chính và thành lập Phật học đường tại chùa Phật Quang, xứ Bang Chong, quận Trà Ôn, để tiếp tục chương trình giáo dục Phật giáo. Trường khai giảng gần một năm, rồi bị khủng hoảng một thời gian ngắn. Vì đến năm 1946-1947, đa số Tăng Ni trên toàn quốc, đều theo tiếng gọi của Tổ quốc, tham gia phong trào “chống Pháp cứu nước”, thành lập “Phật giáo cứu quốc...”.

Cuối năm Bính Tuất, 1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã đến hồi quyết liệt. Ngày 17.12.1946, thực dân Pháp tái chiếm nước Việt Nam. Tiếng súng bắt đầu nổ ở thủ đô Hà Nội và lan ra khắp cả nước.

Ngày 20.12.1946 (ngày 27.11 năm Bính Tuất), Mặt trận Việt Minh ban bố lời kêu gọi toàn dân “Trường kỳ kháng chiến”.

Ngày 16.01.1947 (ngày 25.12. năm Bính Tuất), thực dân Pháp xua quân đổ bộ lên Huế. Dân chúng Huế tản cư.

Từ đó, Tăng chúng ở Đại Tòng lâm Kim Sơn hoàn toàn phân tán, chạy lánh nạn khắp mọi nơi. Chỉ còn duy nhất một vị Tăng trẻ ở lại gìn giữ Đại Tòng lâm. Đó là Giảng sư Trí Thuyên - Giảng sư Trí Thuyên tục danh là Trần Trọng Thuyên, sinh năm Quý Hợi, 1923, tại Quảng Ngãi. Năm 12 tuổi, Giảng sư đến đầu sư tại chùa Thiên Ấn, Quảng Ngãi, sau đó được Bổn sư gởi ra Huế, tham học tại trường An Nam Phật học.

Bảo tháp Hòa thượng Trí Thuyên trong khuôn viên chùa Kim Sơn

 

Giảng sư là một trong sáu vị học Tăng xuất sắc, đã được chấm đậu hẳn trong kỳ thi tốt nghiệp năm Quý Mùi, 1943. Năm Giáp Thân, 1944, Giảng sư thọ Tỳ kheo giới. Sau khi thọ Đại giới, được An Nam Phật học hội mời làm Giảng sư và theo Đại chúng lên ở Đại Tòng lâm Kim Sơn.

Thời gian nầy, quý vị Phật tử ở chung quanh Tòng Lâm, đảm nhận phần cúng dường cơm nước cho Giảng sư. Đặc biệt, Giảng sư chỉ dùng duy nhất một bữa Ngọ.

Sáng ngày mồng 1 tháng 2 năm Đinh Hợi (ngày 21.2.1947), giặc Pháp đóng quân ở đồn Văn Thánh - Huế, đã mở trận bố ráp khắp vùng An Vân - Lựu Bảo - Kim Sơn. Chúng lên Tòng Lâm lùng sục và khám xét khắp nơi. Chúng tìm thấy trong kho chứa nông cụ, một thanh trường kiếm. Sau đó chúng bắt Thầy dẫn về đồn. Qua đồn, không gặp được tên chỉ huy, nên chúng cho Thầy về sau khi đã tra hỏi việc cất giấu thanh gươm, và hẹn 2 giờ chiều hôm sau sẽ qua gặp lại Thầy.

Đúng hai giờ chiều ngày mồng 2 tháng 2 năm Đinh Hợi (ngày 22.02.1947), dân chúng ở chung quanh Đại Tòng lâm, thình lình nghe hai tiếng súng nổ lớn. Tất cả mọi người đều bàng hoàng, và linh tính như có điều gì không may đã xảy ra.

Trưa hôm sau, các Phật tử không thấy Giảng sư xuống dùng cơm. Mọi người đổ xô lên tìm, không thấy Thầy đâu, chỉ thấy sau vườn Tòng Lâm có một chỗ đất mới, có dính nhiều vết máu bầm đen, đang bị che phủ bởi nhiều cành cây mới chặt, lá còn tươi,...

Vài hôm sau đó Đại Tòng lâm Kim Sơn đã biến thành một đồn binh của giặc Pháp chiếm đóng.  Như thế, Đại Tòng lâm Kim Sơn, sau gần 3 năm xây dựng và phát triển rực rỡ, đến đây xem như hoàn toàn tan rã.

Ngày nay, Đại Tòng lâm Kim Sơn tuy đã đi vào quá khứ, nhưng dấu tích lịch sử vẻ vang và tên tuổi của chư vị Cao Tăng lỗi lạc, xuất thân từ Đại Tòng lâm nầy, vẫn còn ghi đậm trên trang sử vàng son của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo miền Trung nói riêng.

Dấu tích của một thời huy hoàng sẽ còn vang vọng và sống mãi với tên gọi: ĐẠI TÒNG LÂM KIM SƠN.²

TÂM QUANG


Tài liệu tham khảo:

§          Tiểu truyện tự ghi của Hòa thượng Thích Trí Quang, trích từ: http// quangduc.com.

§          50 năm chấn hưng Phật giáo Việt nam, HT Thiện Hoa (soạn), Sài gòn, 1970.

§          Niên biểu Việt Nam, Vụ bảo tồn Bảo tàng (soạn), Nxb: Khoa học Xã hội, Hà nội, 1984.

§          Tiểu sử Bác sĩ Tâm  Minh Lê Đình Thám, trích từ “GĐPT Thừa Thiên Huế, kỷ niệm 50 năm GĐPT Việt Nam”, Huế-2001.

§          Việt nam đất nước-con người, Nxb: Thông tấn, Bình Định, 2003. Và cùng một số tư liệu khác.

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác