Hầu hết các tôn giáo đều
cho rằng có một đấng tối cao hay Thượng đế bằng các danh xưng: Chúa Trời, Thánh
Allah, Brahma, v.v… đã sáng tạo nên vũ trụ và các loài, trong đó có loài người.
Trong khi Phật giáo nói: “Tất cả các pháp đều vô ngã.” Vô ngã là giáo lý độc đáo của Phật giáo, chưa từng có trong hệ thống
tư tưởng của nhân loại. Vì vậy người đời xem Đức Phật
là một Đạo sư vô ngã. Giáo lý của Phật phủ nhận thực thể của “cái ta”
trong sinh hoạt tâm linh, thậm chí còn lên án cái ta (tôi)
bởi vì đạo Phật còn nhìn thấy nó là nguồn gốc của thói ích kỷ, thói bám chấp vào
cái gì mà cái ta sở hữu, nguồn gốc của đố kỵ và của tranh chấp.
Từ những xung đột giữa các cá thể tới những cuộc chiến hủy diệt giữa các dân tộc,
giữa các bộ tộc, các phe đảng đều bắt nguồn từ ảo giác “cái ta”, cái cảm giác
cho “cái ta” là người riêng biệt, đặc thù. Nền văn minh của chúng ta đang dựa vào ý niệm “cái ta” và chủ nghĩa
cá nhân đang xô đẩy con người về hướng tìm hạnh phúc cho “cái ta” chật hẹp này.
Cái ta
trong đạo Phật gọi là ngã, trong triết học gọi là bản ngã, còn cái của ta gọi là
ngã sở, tức là những sở hữu của cái ta. Chúng sinh trôi nổi trong sinh tử luân hồi cũng vì “cái ta”.
Bởi vì nếu không có cái ta thì ai sinh, ai lão, ai bệnh, ai tử, v.v..?
Trong
đời sống thường nhật, ai cũng muốn được sung sướng, được hạnh phúc trước nhất
cho riêng mình (cho cái ta) và đôi khi quên cái hạnh phúc của người khác, mới dẫn đến tính ích kỷ, tranh chấp, giành giựt, tham ô,
nhũng nhiễu. Khi cái ta được thỏa mãn thì vui vẻ, khi không được thì u sầu, tức
giận, thù ghét, bạo lực.
Ÿ Ta là
ai? Ta là gì?
Những câu hỏi này gần như
những công án nền tảng, quan trọng đối với con người và
chúng ta chỉ trả lời từ chính đời sống của chúng ta mà thôi.
Có thể trả lời ngắn gọn,
đơn giản và rất gần với thực tại: “cái ta” là con người, con người gồm có hai
phần thân và tâm. Thân là phần vật chất có hình tướng và tâm là phần phi vật
chất biểu hiện các khả năng: hiểu biết, suy nghĩ, tưởng nhớ, tính toán, lo âu,
yêu thương, ghét bỏ và có vai trò điều khiển thân thể đi, đứng, hoạt động,
v.v... Trong đạo Phật gọi chung thân tâm là ngũ uẩn
(sắc, thọ, tưởng, hành, thức).
Đây là
một đề tài muôn thuở trong đạo Phật bởi vì giáo lý của Ngài dựa trên tuệ giác
gọi là vô ngã. Đức Phật đã dạy cho thầy La Hầu La: Thân này không phải là
ta, không phải là của ta, cũng không phải ở trong ta mà ta cũng không phải đang
ở trong thân (theo
Thầy Nhất Hạnh). Trong khi người đời nói tới bản thân (cái ta) như là một cái
ngã và có nhiều quan điểm về ngã:
+ Cho
rằng năm uẩn là ta (là ngã)
+ Cho
rằng năm uẩn không phải là ta mà là vật sở hữu của ta.
+ Cho
rằng năm uẩn này không phải là ta nhưng ta có trong năm uẩn đó và năm uẩn này có
trong ta.
Rất khó
suy tư nếu cho là không có ta. Trong
các kinh sách của đạo Phật cũng không tránh khỏi sự mâu thuẫn trong ngôn ngữ khi
nói: ta trôi lăn trong sinh tử luân hồi vì chấp năm uẩn là ta - Vì vô minh nên
chấp danh sắc là ta, v.v..
Nếu nói rằng vô ngã (không có cái ta) thì sự trôi lăn trong sinh tử luân hồi là ai? Chấp ngũ
uẩn là ai? Vì thế cho nên đã sinh ra một quan niệm rất vi tế về cái ta.
Trường phái Trung Quán tách ra hai cái ta:
- Cái ta
bẩm sinh, bản năng (còn gọi là cái ta tương đối).
- Cái ta
khái niệm huân tập theo thói quen và được con người gắn
cho nhiều tính chất mà mỗi người tự cho đó là cốt lõi của mình, độc lập và
trường tồn (gọi khác là cái ta tuyệt đối).
Cái ta
bẩm sinh, bản năng, tương đối là một danh từ giả lập để chỉ cái thân năm uẩn; nó
có tính quy ước trong việc xưng hô và chỉ định sự khác biệt giữa từng cá nhân
trong xã hội. Chẳng hạn khi đi làm thì
nói “Tôi đi làm” - cái tôi (ta) này thuộc loại giả lập vì thực tế có cái thân
này đi chứ không phải cái thân người khác đi.
Cái ta
khái niệm chỉ là một ảo tưởng, một lầm chấp, chúng sinh vô minh nên lầm tưởng là
cái ta tuyệt đối, thật có.
Từ khi chào đời cho đến lúc ra đi, thân thể của con người phải chịu đựng bao
thay đổi liên tục và tâm thức là một sân khấu của vô số những trải nghiệm về
nhận thức và về tình cảm. Đau xót hơn là con người vẫn lầm chấp gán cho cái ta
đó những tính chất thường hằng, đặc thù và tự chủ.
Theo
Trung Quán, giáo lý vô ngã phủ định cái ta khái niệm, cái ta tuyệt đối này. Vì vậy
đức Phật giảng pháp môn vô ngã có mục đích giúp chúng sinh phá trừ cái gốc rễ
chấp ngã (cái ta) hầu giải thoát khỏi luân hồi. Chúng ta suy ngẫm được
rằng mọi kinh nghiệm sống chính là nội dung của dòng chảy tâm thức, của dòng ý
thức liên tục và chúng ta đã lầm gắn nhãn hiệu “cái ta” vào dòng chảy tâm thức,
đồng hóa luôn với “cái ta” đó: nhà cửa, xe cộ này “của tôi”, tư tưởng “của tôi”,
buồn vui “của tôi”, v.v.. dẫn dắt đến lòng ham muốn
chiếm hữu và từ đó kết tinh những khái niệm về mình, về người trong dòng tâm
thức của chúng ta.
Chúng ta quan sát và nhìn
nhận thế giới qua một màn sương vọng tưởng của mình nên liên tục bất đồng với
bản chất chân thực của hiện hữu và đưa đẩy ta đến khổ đau sầu muộn. Một cách
hiểu thông thường, sự khổ đau xảy ra trên hai phương diện: thể chất và tinh thần
(thân và tâm): bệnh tật, đói rét cũng là khổ, những điều bất toại, trái ý, không
hợp lòng cũng là khổ và những biến dịch âm thầm trong thế giới vô thường, tất cả
đều sẽ trôi đi theo lớp sóng phế hưng cũng là khổ.
“Dấu xưa
xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ
lâu đài bóng tịch dương”
(Bà Huyện Thanh Quan)
“Đời hưng
vong bao thành quách lâu đài
Tự thiên
cổ đứng buồn soi đáy nước”
(Đinh Hùng)
Ÿ
Sự cảm nhận
+ Bạn
đang ngắm một bức tượng pha lê tuyệt mỹ tại một cửa hàng lưu niệm, bỗng người bán
hàng sơ ý làm rơi xuống đất, tượng pha lê đó vỡ toang. Bạn có hơi tiếc nuối một
đôi chút và ra đi - Trái lại nếu giả sử bạn mua tượng đó về nhà để trên tủ và nó
bị rơi vỡ, bạn sẽ thốt lên: tượng “của tôi” đã vỡ, sau đó là nỗi buồn. Sự khác nhau giữa 2 trạng thái của bạn là bạn đã gắn “cái tôi” vào
bức tượng.
+ Một ví
dụ khác, giả sử có ai đó đã đánh một tát vào má của bạn thì cơn đau đớn chóng
hết nhưng điều duy nhất khiến bạn đau khổ chính là “cái ta” bị xúc phạm và bị
tổn thương.
Trong
cách thế giáo dục đối với một con người từ lúc còn thơ ấu cho đến khi cắp sách
đến trường, gia đình và kể cả nhà trường đã bắt đầu xem cá thể như một nhân
cách, nhân cách này đã được củng cố và ổn định dọc theo thời gian trên nền tảng
là tin rằng có tồn tại một “cái ta”. Có thể khẳng định rằng
niềm tin vào một “cái ta” được xác lập là một trong những nét nổi trội của nền
văn minh.
Và chính niềm tin đó đã
kết tinh dần dần trong con người những thuộc tính mong manh phù du như quyền
lực, danh vọng, địa vị, sắc đẹp, sự thành công, v.v.. Tất cả
các thứ đó lại trở thành các yếu tố làm nên bản sắc của ta, của người khác và
chính các yếu tố đó khi bất toại, thay đổi, không thuận lợi, không phù hợp với
cái ta thì ta trở nên đau khổ.
Chúng
ta có thể tìm thấy sự thật này rất phổ biến trong văn học (thi ca và âm nhạc).
Nhà thơ nổi tiếng Chế Lan Viên đã có lần tâm sự “ta là
ai” và sau đó ông đã thừa nhận như là “ngọn gió siêu hình”. Đối với họ niềm tin
xác định cái tôi (cái ta) là hết sức quan trọng trong việc sáng tạo và cho rằng
cái tôi trữ tình trong thơ là tiền đề cho sự độc đáo và sự suy ngẫm đến hạnh
phúc, bất hạnh, đau khổ, được thua, thất bại, mất còn đã làm cho tác phẩm (đứa
con tinh thần) thật hơn, lắng đọng hơn, giàu suy tưởng hơn và vì vậy mang nhiều
ý nghĩa triết lý nhân sinh hơn. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trầm tư sâu sắc trong dấu chấm hỏi.
“Ta là
ai, là ai mà trần gian thế
Ta là ai,
là ai mà yêu quá đời này”
Cái ta trong ông hiện thân
của sự âm thầm lê từng bước chân hành hương về nơi “chốn cô liêu” hay giam mình
trên “căn gác đìu hiu”, đối diện với “tường trắng lặng căm”, trong nỗi đời
riêng.
“Một mình
tôi đi
Đời như
vô tận
Một mình
tôi về
Một mình
tôi về với tôi”
Các bậc danh sĩ, vai cha
ông của chúng ta sống trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử, dù đang ở
chốn quan trường hay rũ áo từ quan, vẫn cùng ru một “điệu buồn” trong “vũ trụ
chật hẹp” của “cái ta”.
“Mặc ai
tỉnh, mặc ai say
Chí ta ta
biết, lòng ta ta hay
Nam nhi sự nghiệp, ơ hờ thỉ
Hà tất
cùng sầu với cỏ cây”
(Nguyễn Bá Trác)
Hoặc như:
“Kiếp sau
xin chớ làm người
Làm cây
thông đứng giữa trời mà reo”
(Nguyễn Công Trứ)
Nhà thơ Trần Nhuận Minh
cũng không giấu được trong lòng cái hiện hữu mong manh:
“Hư ảo
hỡi, giữa vô cùng còn mất
Ta là ai?
Thăm thẳm có ta không?”
Nhà thơ
Thu Bồn đau xót hơn, trầm lặng hơn trong “cái tôi” ẩn hiện khi giả từ hoàng hôn
của một vùng trời kỷ niệm.
“Tạm biệt
Huế với em là tiễn biệt
Hải Vân
ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya
Tạm biệt
Huế với chiếc hôn thầm lặng
Anh trở
về hóa đá phía bên kia...”
Ÿ Tìm đâu
thấy cái ta?
Khuynh
hướng phổ biến con người tưởng rằng có một chủ thể (cái ta) ở trong não bộ nắm
quyền và ra lệnh, điều hành mọi hoạt động của con người, nghĩa là có một trung
tâm chỉ huy ở trong đầu. Cái ta
này ở trong não bộ nhìn thế giới bên ngoài thông qua 6 căn (mắt,
tai, mũi, lưỡi, thân và ý) con mắt để nhìn, lắng nghe bằng tai và tiếp
nhận các biến cố thế giới bên ngoài và tự xây dựng mô phỏng hình ảnh của thế
giới đó cho mình.
Ngày nay với sự phát triển
của ngành khoa học thần kinh não bộ (neuroscience), người ta đã nghiên cứu não
bộ và cho biết: não bộ gồm nhiều phần khác nhau, mỗi phần có một chức năng riêng
và nếu các phần này không liên kết hợp tác, không thông tin nhau thì ý thức
không thể phát sinh được. Vì vậy ý thức không phải là một cái
gì có sẵn bên trong bộ não, mà nó là sự truyền thông giữa các tế bào não với
nhau.
Trong Duy Thức học, đức
Phật dạy cho các đệ tử của ngài rằng: thức cũng như sắc, thọ, tưởng và hành chỉ
là 1 trong 5 uẩn mà thôi. Không có uẩn nào quyết định, tự mình biểu hiện mà phải dựa trên các
uẩn khác.
Thức
không thể từ đâu đến mà cũng không đi về đâu cả. Trong các bộ sách Duy Thức học
có liệt kê 51 tâm sở trong đó có 4 tâm sở bất tịnh: hối, miên, tầm, tư: hối là
hối hận; miên là buồn ngủ, dật dờ; tầm là nghĩ và tư là đi sâu vào suy nghĩ. Tất cả 51 tâm sở nằm trong tàng thức ở dạng hạt giống.
Mỗi khi một hạt giống có điều kiện vun tưới thì nó sẽ biểu hiện trên ý thức lúc
đó, được gọi là “tâm hành”. Vì vậy khi ở dạng hạt giống thì ta không thấy nó ở đâu nhưng không
phải là không có mặt, không có mặt là vì chưa biểu hiện. Ta có thể lấy ví
dụ như trong cuộc sống hiện tại có những quan chức tham ô vơ vét tài sản của
nhân dân đó là tâm hành biểu hiện của “hạt giống tham”, bên cạnh cũng có những
người liêm khiết bởi vì hạt giống tham đã được tu tập giảm trừ hoặc chưa có điều
kiện vun tưới. Tâm hành gồm có 2 phần: kiến phần (chủ thể) và tướng phần (đối
tượng) nên “tâm hành tham” có chủ thể “tham” và đối tượng “tham”.
Tất cả 51 tâm sở đều hoạt
động theo cách thức như vậy và khi biểu hiện trên tâm thức thì nó trở thành
“tâm hành” nhưng khi nhìn vào “tâm hành” thì nó có cả kiến phần và tướng phần
và tuyệt đối không thấy “cái ta” (cái ngã) nào cả.
Quan niệm
của Phật giáo “cái ngã” là một thuật ngữ chỉ ra một dòng liên tục trong thời
gian giúp ta kết nối chính mình từ quá khứ và phóng chiếu liên quan đến tương
lai. Chúng ta
đã lầm lẫn xem “cái ngã” chính là hiện thân con người như một tổng thể vô hình
không thể tiếp xúc được nhưng luôn luôn có mặt và biểu hiện được qua các đặc
tính của chúng ta từ thuở ấu thơ cho đến lúc lìa đời. Cũng trong cách thức trải
nghiệm này mà nhà Triết học Descartes khẳng định “tôi tư duy nên tôi tồn tại”
(je pense, donc je suis). Với cách nhìn của Duy Thức
học thì khi nói về tư duy thì có tư duy (tầm - tư) mà không cần có chủ thể của
tư duy hay nói cách khác: nhận ra hay suy nghĩ về một điều gì đó không đủ để
điều đó tồn tại và không chứng tỏ được rằng có một con người đang suy nghĩ, tức
là không tồn tại “cái tôi” bởi vì “cái tôi” chỉ là một nội dung hiện hữu một
dòng tâm thức đang vận hành liên tục. “Cái tôi” chỉ còn là ý
niệm mà thôi.
Ÿ
Chọn con đường nào?
Trong
đoạn kết thúc kinh Kim Cương, Phật đã dạy:
“Nhất
thiết hữu vi pháp
Như mộng,
huyễn, bào, ảnh
Như lộ
diệc như điện
Ưng tác
như thị quán”
Các luận sư Phật học giảng
giải bốn câu kinh như sau: Ở đây Phật muốn nói rằng những gì chúng ta thấy
không phải là tự thân của sự vật, tưởng rằng mình đã nắm được thực tại, kỳ
thực mình đang nắm những hình bóng huyễn mộng của nó. Phải
quán chiếu sâu sắc như thế để thoát khỏi ảo giác về thực tại, Phật cũng là con
người nhưng với tuệ giác siêu phàm đã thấy được các hiện hữu như mộng, huyễn,
bào, ảnh. Đức Phật vẫn sống, vẫn ăn và uống nước
như chúng ta, nhưng Phật sống với tinh thần vô chấp và vô tướng. Còn chúng ta thì không như thế.
Vạn vật
tồn tại không phải như ta tưởng, cũng không phải là không tồn tại, “cái tôi”
cũng như tất cả các hiện tượng có vẻ như tồn tại nhưng thực ra chỉ là ảo ảnh. Thái độ bám chấp vào cái ngã (cái
ta) là đi liền với khổ đau cho mình và cho cả người khác. Buông xả định
kiến về hình ảnh riêng tư không cho “cái ta” là quan trọng sẽ giúp chúng ta tạo
dựng một không gian nội tâm tự do và rộng rãi như Thánh Gandhi đã sống và đã
nói : “Tôi tự giảm trừ bản thân cho tới mức số không” (je me réduis à
zéro). Có lẽ như thế và chỉ như thế mới giảm trừ được nỗi ám ảnh của một
“dương thế bao la sầu” như nhạc sĩ Đặng Thế Phong đã ngậm ngùi trong các tác
phẩm: Giọt Mưa Thu, Con Thuyền Không Bến, Đêm Thu, trong khi tuổi đời của
ông còn rất trẻ.
Đặng Công Hanh
_____________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kinh
Kim Cang: Thiền sư Nhất Hạnh - NXB Lá Bối 2003
2. Duy
Thức học: HT Thích Thiện Hoa - NXB Tôn giáo 2006
3. Bàn về
hạnh phúc, Matthieu Ricard - NXB Trí thức 2009.