Viết bởi Thích Thái Hòa
Tại sao tôi niệm Phật? Vì tôi
muốn nhớ đến những lời dạy cao quý và tốt đẹp của đức Phật, và tập nói những lời
dạy cao quý và tốt đẹp ấy vào ngay trong đời sống hằng ngày của chính tôi; vì
tôi muốn tập làm theo hạnh nguyện cao đẹp của đức Phật, ngay trong từng động tác
hằng ngày của chính tôi, để cho những hành động của tôi không đẩy tôi đi vào con
đường xấu ác và khổ đau; và vì tôi muốn nghĩ đến những gì cao thượng và tốt đẹp
mà đức Phật đã nghĩ, để cho những ý nghĩ không lành mạnh, không dễ thương của
tôi được chuyển hóa, và được thắp sáng bởi những ý nghĩ cao quý và tốt đẹp của
Phật. Vì vậy mà tôi niệm Phật mỗi ngày.
Niệm Phật và niệm Bụt khác nhau thế nào? Ý nghĩa không có khác nhau, chỉ khác nhau
về cách phát âm. Phật và Bụt đều là cách phát âm của
người Việt từ chữ Buddha. Cách phát âm chữ Phật có
trong ngôn ngữ Việt nam, ít nhất là trải dài hai ngàn năm và cách phát âm chữ
Bụt có trong ngôn ngữ Việt nam, nhưng người Việt ít sử dụng. Khái niệm Bụt trong thực tế đã bị “dân gian hóa” trở thành một
kiểu thần tiên cứu nạn (như được thấy rõ trong các truyện dân gian) chứ không
còn là hình ảnh vị Phật từ bi giác ngộ. Chữ Phật đọc trực tiếp tữ
chữ 佛 hay 佛 陀 của Trung Hoa. Người Trung Hoa,
chính xác là vào đời Hán, dùng những chữ này để phiên âm chữ Buddha và đọc theo
âm riêng của họ, nhưng người Việt chúng ta lại tự mô phỏng theo đó để hình thành
hệ thống ngữ âm riêng của mình gọi là âm Hán-Việt, đến nay vẫn tồn tại, trong
khi ngữ âm gốc của Trung Hoa thì đến các đời Đường, Tống... đã
thay đổi rất nhiều. Ngữ âm Phật (của người
Việt), ngữ âm này đã trở thành định âm của truyền thống người Việt và đã được
phổ cập trong mọi thành phần xã hội Việt Nam từ tín ngưỡng, đạo đức tâm linh đến
văn hóa giáo dục và ngay cả các văn bản pháp quy thuộc các tổ chức hành chánh
xuyên suốt mọi thời đại.
Người Trung Hoa ngày xưa phát âm Buddha là Bột-đà hay Bột-tha
và ngày nay người Trung Hoa ở Bắc kinh phát âm Buddha là Fó. Vì vậy, Phật
hay Bụt đều là cách phát âm của người Việt có tính cách độc lập với ngữ âm Trung
Hoa.
Ta niệm Phật hay niệm Bụt với tâm không chuyên nhất, với tâm cầu kỳ lập dị,
tranh chấp mới cũ, đúng sai, bản ngã phình to, thì cho dù ta niệm Phật hay niệm
Bụt cũng chẳng có hiệu quả gì.
Trái lại,
có những người chẳng niệm Phật, niệm Bụt gì cả, nhưng họ sống với tâm khiêm tốn,
nhiệt tình đối với hết thảy công việc bằng tâm vô cầu, nói cười đứng đi trong
giác niệm và tĩnh lặng, thế mà họ thành tựu vô lượng công đức, và liền được sanh
vào cõi Phật ngay trong hiện tiền.
Vì vậy,
nếu ta niệm Phật hay Bụt với tâm khiêm tốn, không lập dị, cầu kỳ, không liên hệ
mới cũ, không thiên chấp đúng sai, bỉ thử, thì phước đức cho ta và lợi ích cho
muôn loài biết mấy!
Tây
Phương Tịnh Độ Và Phật A-di-đà
Có những vị thầy giảng nói rằng Tây phương Tịnh độ của Phật A-di-đà
(Amitābha) không có thật, như vậy có đúng không? Không
đúng! Tây phương Tịnh độ không có là không có với người không
có đức tin Tịnh độ, chứ không phải là không có đối với những người có đức tin ấy.
Không có
sao được! Đối với không gian, đã có đông thì phải có tây, đã
có nam thì phải có bắc, đã có phương trên thì phải có phương dưới.
Trong không gian đã có các phương hướng như thế, thì sao lại bảo rằng không có
phương tây? Nên nhớ, các phương hướng đông, tây, nam, bắc, trên, dưới đối với
người mù, thì họ hoàn toàn không thấy gì hết.
Tuy người mù không thấy, chứ không phải các phương hướng ấy
không có.
Phật A-di-đà
cũng vậy, đối với người không có Tín Hạnh Nguyện, ít thiện căn phước đức, thì
Ngài không có đối với họ, chứ không phải Ngài không có đối với những ai có thiện
căn phước đức và nhân duyên đối với Ngài.
Trong các
kinh điển thuộc văn hệ Āgama và Nikāya có nói cho ta biết về sự tu tập, chứng
đạo và hành hóa của sáu đức Phật quá khứ như: Phật Tỳ-bà-thi (Vipaśyin), Phật
Thi-khí (Śikhin), Phật Tỳ-xá-phù (Viśvabhū), Phật Câu-lưu-tôn (Krakucchanda),
Phật Câu-na-hàm-mâu-ni (Kanakamuni), Phật Ca-diếp (Kaśyapa), cũng như Phật Thích-ca
Mâu-ni (Śākya-muni) đời hiện tại và Phật Di-lặc trong đời vị lai. Như vậy, đã có
một đức Phật, hai đức Phật, ba đức Phật... thì cũng có
thể có vô số đức Phật. Và đã có nhiều đức Phật như vậy, tại sao lại không có
Phật A-di-đà nhỉ!
Nên nhớ, Phật A-di-đà không phải là Phật quá khứ mà là đức Phật hiện
tại đang giáo hóa ở cõi Tịnh độ phương Tây, cũng như đức Phật Thích-ca hiện tại
đang giáo hóa cõi Ta-bà (Sahā) này. Và Bồ Tát Di-lặc cũng sẽ giáo hóa cõi Ta-bà này ở thời vị lai.
Cũng vậy, Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí sẽ là những vị giáo hóa cõi
Tịnh độ phương Tây thay cho Phật A-di-đà trong tương lai. Và cũng nên
biết rằng, ở phương Tây không phải chỉ có một thế giới Tịnh độ của Phật A-di-đà
mà còn có vô số thế giới Tịnh độ của chư Phật khác nữa.
Kinh A-di-đà bản Hán dịch của Ngài La Thập và ngay cả nguyên bản
tiếng Phạn cũng nói cho ta biết được điều này. Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Bi Hoa... cũng đều có nói cho
ta biết về thế giới Tịnh độ của Phật A-di-đà.
Phật Và
Tổ
Có những
vị giảng sư nói kinh A-di-đà không do đức Phật Thích-ca nói, mà do
chư
Tổ về sau kết tập. Có phải vậy không? Việc
chư Tổ kết tập là đúng, còn bảo không do đức Phật Thích-ca nói là sai, vì
không có căn cứ. Nhưng không chỉ riêng một kinh A-di-đà do chư
Tổ về sau kết tập, mà tất cả kinh điển hiện nay ta được biết đều do chư Tổ về
sau kết tập cả, bao gồm cả các kinh điển được gọi là “nguyên thủy” như Āgama và
Nikāya. Những hiểu biết về mặt lịch sử hiện nay cho ta biết
như thế.
Phật chỉ
nói kinh, còn việc kết tập kinh điển là của chư Tổ. Và với trí tuệ Toàn giác,
với trí tuệ Chánh biến tri, với trí tuệ Minh hành túc, với trí tuệ Thế gian
giải, nên không có điều gì cần thiết cho sự tu tập đạo giải thoát mà đức Phật
Thích-ca không giảng dạy cho đệ tử của Ngài một cách tường tận khi còn tại thế.
Ngài đã từng giảng dạy về những hạnh nguyện mà Ngài và chư Phật đã từng tu tập
trong quá khứ, từ một đời cho đến nhiều đời, từ một kiếp cho đến nhiều kiếp, từ
một thế giới cho đến vô số thế giới và những tri kiến cũng như những sở hành
không thể nghĩ bàn của chư Phật, và các kinh điển ấy đã được chư Tổ kết tập qua
nhiều thời kỳ khác nhau, mà trong đó có cả các kinh điển mà đức Phật Thích-ca
giảng dạy về Tịnh độ của chư Phật, khiến cho ta ngày nay có được các văn hệ kinh
điển như Āgama, Nikāya, Bản sanh, Bản sự, Nhân duyên, Vị tằng hữu, Vô vấn tự
thuyết... Đọc lịch sử các tôn giáo lớn trên thế giới ta cũng
thấy như vậy, các vị giáo chủ của các tôn giáo chỉ thuyết giảng, còn những vị kế
thừa về sau mới viết lại, khai triển và hệ thống hóa giáo lý của những vị giáo
chủ. Ngay cả các sách Nho giáo như Dịch, Lễ, Thi, Thư đều không phải do
Khổng Tử viết và nói ra, mà chỉ san định và hệ thống lại. Và ngay cả Cựu ước của
Do Thái giáo, Tân ước của Thiên chúa giáo La Mã, Koran của Hồi giáo, cũng đều do
những người kế thừa san định.
Cũng vậy,
trong Phật giáo đức Phật Thích-ca chỉ giảng dạy kinh điển, còn việc kết tập, san
định kinh điển là việc làm của chư Tổ về sau vậy.
Phật và Tổ khác nhau thế nào?
Quốc sư Thông Biện đã trả lời ý nghĩa về Phật và Tổ cho Thái hậu Ỷ Lan đời Lý
như sau: “Thường trú thế gian, không sinh không diệt gọi là Phật. Hiểu rõ tâm
tông của Phật, làm và hiểu hợp nhau thì gọi là Tổ. Phật Tổ là vậy.
Ấy bọn lạm xưng học giả tự dối, nói có hơn thua vậy. Vả
lại, Phật nghĩa là giác ngộ. Và sự giác ngộ ấy xưa nay
vắng lặng thường trú.
Hết thảy hàm linh đều cùng một nguyên lý ấy. Chỉ bởi
bụi lòng che khuất, theo nghiệp nổi trôi mà chuyển nên các cõi.
Đức Phật vì lòng từ bi, nên thị hiện sinh ở Tây Trúc, bởi nó là nơi được gọi là
trung tâm của trời đất. Ngài mười chín tuổi xuất gia,
ba mươi tuổi thành đạo. Ở đời thuyết pháp bốn mươi chín năm, mở bày các phương tiện, dạy cho
người, khiến họ ngộ nhập được đạo. Ấy gọi là sự hưng khởi của một thời
đại kinh giáo.
“Khi sắp Niết bàn, sợ người sau mê chấp sinh tệ, nên bảo Văn Thù
rằng: Suốt bốn mươi chín năm, ta chưa từng nói một chữ, sao lại bảo có điều để
nói? Rồi, Ngài cầm một cành hoa đưa lên, mọi người đều ngơ ngác. Chỉ riêng tôn giả Ca-diếp mặt mày rạng rỡ, miệng nở nụ cười mỉm.
Đức Phật biết Ca diếp đã tỏ ngộ, liền đem Chánh pháp nhãn tạng
trao cho.
Ấy là vị Tổ thứ nhất. Đó gọi là tâm tông truyền riêng ngoài giáo điển.” (Thiền Uyển
Tập Anh)
Như vậy,
qua sự trả lời về ý nghĩa Phật và Tổ của Quốc sư Thông Biện cho Thái hậu Ỷ Lan
được ghi lại trong Thiền Uyển Tập Anh đời Trần đã cho ta thấy, Phật và Tổ đồng
thể với nhau về mặt giác ngộ, nhưng khác nhau về mặt trao truyền. Nghĩa là Phật tự thân Ngài giác ngộ, Tổ cũng giác ngộ như Phật,
nhưng sự giác ngộ của Tổ lại được Phật ấn chứng và trao truyền. Vì vậy, ý
nghĩa này giúp cho ta nhận ra rằng: “Những gì chư
Tổ nói là nói từ tâm tông, yếu chỉ của Phật.”
Lại nữa,
chư Tổ là Tăng. Phật Pháp Tăng ở trong ngôi Tam bảo, danh xưng thứ tự có
trước sau, nhưng đồng một bản thể giác ngộ. Do đó, từ nơi bản thể giác ngộ mà
Phật vận khởi tâm từ bi để nói kinh và cũng từ nơi bản thể giác ngộ ấy, mà
chư Tổ vận khởi tâm từ bi để kết tập kinh điển. Ấy là ý nghĩa Phật và Tổ,
mà những người đệ tử Phật cần phải hiểu, đừng để rơi vào tình trạng như Ngài
Thông biện nói: “Ấy bọn lạm xưng học giả tự dối, nói là có hơn thua.”
Niệm Phật, khiến cho đời sống của ta tương ưng với đời sống Tịnh độ
và có khả năng thiết lập quê hương Tịnh độ cho ta và cho hết thảy chúng sanh với
bất cứ ở đâu và lúc nào.
Nên, niệm
Phật là điều kiện quý báu nhất, giúp ta tiếp xúc trực tiếp được với chư Phật
mười phương và ba đời, và là điều kiện gọi mời hay đánh thức Đức Phật trong tâm
ta đản sanh hay thị hiện giữa cuộc đời, để giúp chúng sanh thoát khỏi khổ đau và
cùng nhau dựng xây Tịnh độ.
Ta niệm
Phật như vậy, là mỗi ngày đi qua đời ta, là mỗi ngày đưa ta đi về với sự giác
ngộ, với quê hương đích thực rộng lớn, tự do và bình an.
Vậy, ta
muốn chuyển hóa những khổ đau trong đời sống của ta và ta muốn có tự do, muốn có
một quê hương đích thực rộng lớn và bình an cho tất cả
chúng ta, thì chúng ta hãy cùng nhau niệm Phật!
Thích
Thái Hòa