Đa số chúng ta có lẽ đều biết câu
truyện này. Có một vị thiền sư được những người
chung
quanh ca tụng là người sống trong sạch. Một gia đình sống ở gần đấy có một
cô con gái xinh đẹp. Một hôm cha mẹ cô gái khám phá ra rằng cô có
thai, và cô gái thú nhận rằng cha của đứa bé chính là vị thiền sư này.
Cha mẹ cô gái vô cùng tức giận. Sau khi đứa bé sinh ra, ông bà mang nó
tới trao cho vị thiền sư, và ông không
nói gì chỉ thốt lên vỏn vẹn hai tiếng: “Thế à?” rồi
thôi. Lúc đó ông đã mất hết danh dự, nhưng
không hề buồn. Vị thiền sư săn sóc đứa bé rất tử tế, ông đi xin sữa
của những bà mẹ hàng xóm và những đồ dùng cần thiết để nuôi đứa bé. Một năm sau cô gái không chịu đựng được nữa. Cô thú thật với
cha mẹ rằng người cha thật sự của đứa bé không phải là vị thiền sư ấy, mà là một
thanh niên hàng xóm. Lập tức gia đình đến gặp vị thiền sư xin tha lỗi, và
xin đem đứa bé về. Khi trao lại đứa bé, ông cũng chỉ thốt hai tiếng: “Thế
à?”
Và vị thiền sư trong truyền
thuyết đó là ngài Hakuin Ekaku, người Trung hoa dịch là Bạch Ẩn Huệ
Hạc.
Hakuin là một thiền sư nổi tiếng,
ông cũng đã có công gây dựng lại dòng thiền Lâm Tế ở Nhật bản. Hakuin là một vị thầy có lối dạy rất cụ thể,
theo ông thì tuệ giác phải được khám phá ngay trong đời sống hằng ngày,
trong những sinh hoạt bình thường của ta. Có người hỏi ông Thiền là gì,
ông đáp “Thiền là làm sao cho mọi việc mình làm: ho, uống nước, đưa tay lên, cử
động hay ngồi yên, nói năng hay làm việc, được thua, thành công thất bại, hảnh
diện hay hổ thẹn… tất cả đều gồm chung vào một công án.”
Hakuin tin rằng những chứng nghiệm tu học phải được mang
trở lại vào cuộc sống hằng ngày, thì nó mới thật sự là tuệ giác, và mới có khả
năng nở hoa kết trái, giúp ích được cho mình và tất cả mọi người.
Và Hakuin không chỉ là một thiền sư mà ông còn là
một nhà danh hoạ và một
thi hào xuất chúng. Những bức tranh mực tàu, cũng như những bức
thư pháp của ông vẽ đã trở thành những kiệt tác của thiền hoạ
Nhật bản. Ông sử dụng những tranh vẽ của mình như
là phương tiện để hướng dẫn và giảng dạy về Thiền. Mỗi bức tranh của Hakuin là một
công án, một pháp thoại không lời, a visual dharma talk.
Và những bức tranh này, ông thường chỉ vẽ để tặng cho các đệ tử của mình với mục
đích khuyến khích hoặc chỉ dạy cho họ quán chiếu sâu về một đề tài nào đó.
Xin được chia sẻ với các bạn một số tranh
thiền họa của thiền sư Hakuin.
Quan Âm và 16 vị A la hán
Trong tranh, bồ tát Quan Âm nằm nghỉ chơi an nhàn, xa xa là
dòng thác đổ, chung quanh ngài là 16 vị A la hán. Dưới bức tranh Hakuin
viết dòng chữ, “Một dòng thác lạnh, cao trăm ngàn dậm.
Ai bảo là lời nguyện cứu độ tất cả chúng sinh của ta sâu rộng như biển.
Ta đã cắt đứt hết những dính mắc với cuộc đời bụi bậm, giờ ta trốn ở đây mà vui
chơi chốc lát.”
Tôi nhớ một câu chuyện với bức tranh này, có
người đến hỏi một vị thiền sư mục đích của cuộc đời là gì? Ông đáp “Để vui chơi
tháng ngày.” Anh ta có vẻ thất vọng và nói, “Vui
chơi thì ai mà lại chẳng biết vui chơi?” Nhưng bạn biết không, thật
ra trong chúng ta mấy ai mà có khả năng vui chơi giữa cuộc đời này! Có lẽ chỉ khi nào ta không còn tìm cầu, mong muốn gì nữa hết, thấy
được rằng mình đã về, đã tới rồi, thì ta mới có thể biết vui chơi.
Như đức Quan Âm, ngài có hạnh nguyện cứu độ
hết tất cả mọi người, không bỏ sót một ai, nhưng ngài vẫn biết ngồi chơi và an
nghỉ.
Núi Linh Thứu
Khi về già thiền sư Hakuin rất thích đọc kinh
Pháp Hoa.
Trong bức tranh này Hakuin vẽ ngọn núi hình một con chim ưng lớn, tượng trưng
cho núi Linh Thứu, Vulture Peak, nơi Phật giảng kinh Pháp Hoa.
Và bên dưới là một làng đánh cá nhỏ với dăm ba mái nhà nằm rải rác, với những
chiếc thuyền chài, biểu tượng cho một đời sống bình thường.
Trên tranh ông viết, “Nếu bạn nhìn lên,
núi Linh Thứu.
Nếu bạn nhìn xuống, những chiếc thuyền đánh cá bên ngôi làng Shigeshishi nhỏ.”
Những lời dạy của đức Phật, dầu cao xa đến
đâu nhưng bao giờ cũng đang có mặt với chúng ta, trong mỗi bước mình đi, mỗi
việc mình làm, mỗi lời ta nói. Đạo bao
giờ cũng hiện hữu trong cuộc sống bình thường hằng ngày của mình.
Đỉnh núi Linh Thứu và một làng chài nhỏ bé, chúng rất gần gũi
và hòa hợp với nhau. Lời kinh uyên thâm xưa vẫn có mặt trong tách cà phê
của bạn sáng hôm nay.
Củ khoai
nước
Trong
tranh, có một cụ già và đứa bé rửa những củ khoai nước (taro root) bằng hai cây
xào và thùng nước trong một ngày mùa thu, bên cạnh một
dòng suối. Trong phút chốc, cả hai chợt dừng lại, để ông lão
có thể ngước nhìn lên ngắm một vầng trăng thu thật đẹp.
Có lẽ Hakuin muốn nhắc nhở chúng ta rằng, dầu bận rộn với bất cứ một
công việc gì, dầu hoàn cảnh ta có như thế nào, chung quanh ta bao giờ cũng có
một vầng trăng đẹp hiện hữu. Và thỉnh thoảng ta hãy dừng lại và ngước lên để nhìn đi.
Giữa những bon chen và mệt nhọc của cuộc sống, cuộc đời
vẫn có một vầng trăng trong sáng.
Đừng đợi đến khi tuổi già rồi ta mới thật sự nhận thấy được những gì
mới là chân thật trong cuộc sống này.
Khỉ và con
chim én
Một con
khỉ ngồi như đang trầm tư suy nghĩ một điều gì, có một con chim én bay ngang và
hót. Trên tranh dòng chữ viết “Dù không lắng nghe, đưa lên một bàn tay,
chim én.”
Có lẽ đây
cũng là tiếng vỗ của một bàn tay. Dù ta không lắng nghe, tiếng
chim vẫn hót. Hạnh phúc vẫn có mặt.
Có lẽ ta chỉ cần biết dừng lại thôi phải không bạn?
Tôi nhớ vài năm trước nghe một vị Thầy kể, có lần ông được một ký
giả của một tờ báo lớn đến xin phỏng vấn. Và người ký giả này
mải mê đặt những câu hỏi về giáo lý, về phương pháp tu học, về Thiền… để anh có
tài liệu về viết bài. Khi vị Thầy đưa người ký giả ra xe, anh ta vẫn cố gắng đặt thêm tiếp một số câu hỏi. Vị
Thầy dừng lại chỉ lên trời và nói, “Hôm nay là một ngày thật đẹp, anh có thấy
trời buổi sáng nay trong xanh quá chừng không?” Và cả
hai đứng yên thật lâu để ngắm nhìn. Vị Thầy kể lại, người ký giả ấy
sau này có lẽ sẽ quên hết những câu hỏi kia, nhưng ông sẽ nhớ mãi trời xanh mây trắng ngày hôm ấy.
Mải mê đi tìm học mà ta cũng có thể quên đi chuyện giác ngộ bạn hả.
Con kiến
trên chiếc cối xay
Trong tranh, Hakuin vẽ một con kiến bò trên chiếc cối xay bằng đá,
nhưng có lẽ nó cũng chỉ phí công thôi vì chiếc cối quay ngược chiều lại. Hakuin viết, “Đi vòng quanh trên cối đá. Một
con kiến – tiếng thầm thì nhỏ nhoi của thế giới”.
Tiếng
lao xao nhỏ nhoi ấy có lẽ là âm thanh của một con kiến
nhỏ bé đi vòng quanh trên chiếc cối xay. Phải chăng mỗi người chúng ta có
một hoàn cảnh, nghiệp quả khó chuyển lay, như một con kiến nhỏ bé đi ngược trên
chiếc cối xay bằng đá. Nhưng âm thanh nhỏ nhoi ấy cũng có thể là lời Phật
dạy, tuy chỉ là tiếng thầm thì và bị lấn át giữa dòng đời náo nhiệt bon chen , nhưng nếu biết lắng nghe, chúng vẫn có mặt đó, và sẽ
giúp ta thoát ra khỏi cái thế giới vòng quanh ấy. Và
chuyển hóa được hết những phiền muộn của mình.
Khỉ vớt
Trăng
Một con
khỉ tay nắm cành cây và một tay vói xuống ao vớt mặt
trăng trên nước. Trên bức tranh, thiền sư Hakuin có viết bốn câu kệ,
"Con khỉ nhỏ với tay bắt trăng trên nước. Dẫu
trọn đời cũng chẳng ích lợi gì. Nếu phải chi nó buông mình xuống
ao. Và thế giới này sẽ trở nên rực sáng."
Tôi cũng đọc được một câu chuyện vui này. Có một ông
vua khỉ ra lệnh cho thần dân của mình là nếu ai có thể vớt được mặt trăng trên
nước và dâng lên cho ông thì sẽ được thưởng lớn. Tất cả những con khỉ cố
thử nhưng đều thất bại. Nhưng có một con khỉ nọ vớt được mặt trăng ấy lên và
đến dâng cho vua khỉ, “Có phải đây là cái mà ngài muốn không?” Vua
khỉ mừng rỡ nói, “Ngươi tài giỏi thật, đúng là vượt hơn hẳn những kẻ khác!” Con
khỉ ấy nói, “Nhưng thưa Ngài, xin cho tôi hỏi là không biết Ngài sẽ làm gì với
mặt trăng này?” Vua khỉ ngần ngừ suy nghĩ chút rồi đáp, “Ờ…
Thật ra ta cũng chưa nghĩ đến điều ấy.”
Trong cuộc đời chúng ta ai cũng có những ước mơ. Giả sử như
chúng ta nắm bắt được những gì mình mong cầu, giả sử như cuộc đời này sẽ không
còn đổi thay nữa, rồi ta sẽ làm gì bạn nhỉ? Ta sẽ thật sự có hạnh phúc
chăng? Mình có nghĩ đến chưa?
Con quỷ một mắt
Những bức tranh của Hakuin thường nói về giây
phút hiện tại, bây giờ và ở đây, nhưng đôi khi ông cũng có vẽ về thế giới siêu
hình, nhưng có tánh khôi hài trong đó. Như trong bức tranh này, một ông lão mù đang đi dạo, và thốt lên lời
này với một bóng ma hiện trước mặt mình, “Ai đang gầm gừ ở đó?
Cái gì? Quỷ một mắt đó à? Ta đâu có thấy ngươi đâu mà sợ.
Ngươi có 1 mắt, ta không có mắt nào hết, ngươi sợ ta mới phải chứ!”
Ông nói cũng có lý phải không bạn, nếu ta cho
rằng một mắt là đáng sợ, thì không có mắt nào phải còn là đáng sợ hơn chứ. Có lẽ ý thiền sư
Hakuin muốn nhắc nhở rằng, nếu ta nhìn nhưng không có chấp vào hình tướng, với
một cái thấy chân thật thì trong cuộc đời này, những việc sanh tử, được thua,
mất còn... không có gì là đáng sợ hết. Cũng như âm thanh của một
bàn tay
không thể nghe bằng lỗ tai, chân tánh không thể nhìn thấy bằng đôi mắt của mình.
Con Trâu
qua cửa sổ
Bức tranh
này Hakuin vẽ từ công án thứ 38 trong Vô Môn Quan.
Một con trâu nhảy qua khung cửa sổ nhỏ bé, đầu sừng, thân, bốn chân đều vượt qua
hết. Nhưng chỉ kẹt lại cái đuôi không qua được.
Tại sao vậy?
Trong cuộc sống, nhiều khi điều đơn giản nhất lại là việc khó làm
nhất, một lời tha thứ lại là lời khó nói nhất.
Cái nhỏ nhất đôi khi lại là điều mình khó xả bỏ nhất, vì nó
lại tàng chứa hết cả cái tôi của mình.
Trong Cổ Học Tinh Hoa có kể ông Lưu Ngưng Chi đang đi giày, thì có
người lại nhận rằng đôi giày là của họ. Ông đưa cho họ ngay. Vài hôm sau, người ấy tìm được giày của mình, mang lại trả cho ông
và xin lổi.
Ông không nhận mà nói, "Đôi giày khi trước là của tôi, nhưng
tôi đã cho bác rồi thì bây giờ nó không phải là của tôi nữa. Nên tôi không nhận được."
Có ông Thẩm Lân Sĩ đang đi giày, cũng có người đến nhận. Ông cười hỏi "Giày của bác đó à?" rồi cũng cởi ra đưa cho họ ngay.
Sau người hàng xóm tìm được giày của mình, mang lại trả cho
ông. Ông hỏi "Ồ, giày không phải của bác à?"
Ông cười rồi nhận.
Tôi nghĩ, ông Thẩm Lân Sĩ cũng có một thái độ “Thế à!” của thiền sư
Hakuin. Buông xả đâu phải chỉ là hình tướng ở bên ngoài thôi phải không bạn?
Tiếng vỗ của một bàn tay
Thiền sư Hakuin cũng là tác giả của công án âm thanh của
một bàn tay, anh đã nghe tiếng vỗ của hai bàn tay,
nhưng thế nào là âm thanh của một bàn tay? Dù cho toàn thân anh có là
tai đi chăng nữa, cũng không thể nghe được âm thanh này.
Hakuin viết “Núi, sông và mặt đất này tất cả đều là
tai của ta. Những gì ngập tràn tai ta, tự
nguyên thủy của nó không phải là âm thanh. Ta có thể lắng nghe sâu sắc mà
không cần đến lỗ tai của mình… mà thật ra không có mắt, không có tai mới chính
là cái thấy và cái nghe chân thật nhất.”
Và ông cũng thường nhắc nhở rằng, “Anh có nói
gì đi nữa, nhưng nếu vẫn chưa nghe được tiếng của một bàn tay thì tất cả cũng
chỉ là vô ích mà thôi.”
--- oOo ---
Mỗi bức
tranh của thiền sư Hakuin là một bài pháp thoại, một công án
cho người xem. Ông sử dụng những hoàn cảnh, sinh hoạt hằng
ngày để đưa chúng ta bước vào thế giới chân thật. Như trong bài
Tọa Thiền Hòa Tán, The Song of Zazen, thiền sư Hakuin viết
Tất cả
chúng sinh bản lai là Phật
Cũng như
băng với nước
Ngoài
nước, không đâu có băng
Ngoài
chúng sinh, tìm đâu ra Phật?
Đạo gần
bên mình mà chẳng biết
Bao người
tìm kiếm xa vời — Đáng thương!
Đó cũng
như người nằm trong nước
Gào khát
cổ xin được giải khát
Và như
nếu chúng ta biết nghe được tiếng vỗ của một bàn tay
thì,
Đạo bản
lai thanh tịnh hiện thành
Thế giới
này là thế giới của Liên hoa tạng
Và thân này là Pháp thân của Phật.
Nirvana
is right here, before our eyes,
This very
place is the Lotus Land,
This very
body, the Buddha
Nguyễn Duy Nhiên