NGÀY XUÂN BÀN CHUYỆN CA NHẠC TRONG ĐẠO PHẬT
MINH THẠNH
Đầu xuân,
chúng ta cùng nhau bàn Phật sự, bắt đầu từ ca nhạc, thì quả là thích hợp.
Tuy là
vấn đề “nhạy cảm”, nhưng thực ra, dù có nhiều ý kiến khác biệt, đây cũng là vấn
đề dễ “thông qua”, tuy không nhất trí, nếu ta nhìn vào toàn cảnh sinh hoạt Phật
giáo Việt Nam trong thực tế.
Nếu viện
dẫn kinh luật, như bài viết “Có nên ca hát không?” của tác giả Bình
Anson, thì từ kinh và luật, nhất là Phật giáo nguyên thủy, thì đã có ngay câu
trả lời.
Nhưng,
trước hết là thực tế, sau đó là ý kiến của một số tăng ni Phật tử, mà phần lớn
cũng được nhắc lại qua các ý kiến phản hồi bài viết trên, thì lại cho thấy một
quan điểm khác đang được triển khai. Điều này không cưỡng lại được.
Nếu lấy
giới luật mà xét, thì có những giới cấm, tuy vẫn còn được đọc tụng, nhắc nhở,
răn dạy, nhưng trong thực tế đã gần như không còn được áp dụng nữa.
Cách đây
khoảng 20 năm, vẫn còn một số chư tôn đức Nam tông Việt Nam tuyệt đối không chạm
đến tiền bạc, nói chi đến việc giữ tiền bạc trong người. Tuy nhiên, số vị giữ
nghiêm điều này càng ít dần. Vì xu thế của thời đại buộc phải như vậy.
Giới luật
căn bản hình thành trong sinh hoạt tăng đoàn thời đức Phật. Nhưng đối chiếu sinh
hoạt tăng đoàn được mô tả trong kinh điển với sinh hoạt tăng đoàn hiện nay,
chúng ta thấy một khoảng cách lớn và diễn tiến theo hướng khoảng cách ngày càng
lớn hơn nữa. Việc điều chỉnh như trở lại đúng tuyệt đối như trong kinh, luật là
không thể.
Vì vậy,
dẫn kinh luật để chúng ta cùng tham khảo, như tác giả Bình Anson, là điều đúng,
nên làm, nhưng tìm sự nhất trí, áp dụng được trong thực tế là điều không thể.
Điều có
thể làm là cùng thảo luận để tìm một hướng đi thích hợp đối với hoạt động ca
nhạc trong Phật giáo dễ đạt được sự tán thành số đông hơn cả, để từ đó, có những
quan điểm chung, dễ thực hiện, hầu đem lại kết quả tốt nhất có thể, và cố gắng
đến mức cao nhất việc hạn chế những biểu hiện trái với tinh thần giới luật.
Chúng tôi
xin trình bày một số ý kiến riêng đối với vấn đề ca nhạc trong Phật giáo như sau:
1)
Vì nội dung giới luật đã rõ ràng như vậy, thì sinh
hoạt ca nhạc trong Phật giáo dù có, về quan điểm, cũng chỉ nên xem là việc bất
đắc dĩ, buộc phải chấp nhận, như là một phương tiện, một hoạt động tùy thuận.
Cần phải
luôn ý thức được rằng, giới luật đối với hoạt động ca nhạc không phải là điều có
thể tùy tiện sửa chữa, mà chỉ có thể nhìn nhận theo hướng là điều chẳng đặng
đừng, linh động.
Không thể
“quên” giới luật đi, để qua một bên, không bàn tới. Mà khi tiến hành hoạt động
ca nhạc trong đạo Phật, thì phải tâm niệm ý thức phương tiện, vẫn là không đúng
với giới luật.
Trong
thời đại đức Phật, đức Phật đã có quan điểm như vậy, cụ thể, rõ ràng như vậy.
Điều đó phải luôn được nghĩ đến, nếu tu hành chân chính theo đúng đạo Phật.
2)
Thiết tưởng nên có một cái nhìn rạch ròi về âm
nhạc, cái nào là âm nhạc truyền thống, và gắn liền với truyền thống Phật giáo
Việt Nam, cái nào là âm nhạc phương Tây hiện đại, chỉ mới có ảnh hưởng đối với
Phật giáo Việt Nam trong chỉ non một thế kỷ nay. Từ đó, có cách ứng xử thích hợp.
Không nên
gộp chung ca nhạc truyền thống gồm tán tụng chung vào với ca nhạc hiện đại, xem
chỉ là một, để nhìn nhận sử dụng như nhau.
Trong âm
nhạc hiện đại, cũng
có nhiều bộ phận. Vì thế càng nhìn nhận chi tiết càng tốt, xác lập những
khoảng cách khác nhau đối với đạo Phật, để có cách sự dụng khai thác thích hợp
cho từng thể loại
3)
Ca nhạc được nói đến nhiều hiện nay trong đạo Phật
được hiểu là ca nhạc phương Tây, với hoạt động biểu hiện cụ thể là trình diễn
cho người xem (hoàn toàn khác với tán tụng). Vấn đề được tập trung ở lãnh vực
này.
4)
Điều hiển nhiên là ở đây có một mâu thuẫn lớn: âm
nhạc phương Tây hiện đại hiện phổ biến tuyệt đối, được ưa chuộng tuyệt đối.
Trong khi đó, Phật giáo Việt Nam không hề có truyền thống liên hệ
với âm nhạc phương Tây, từ cổ điển
đến hiện đại.
Tuy nhiên,
vì sự phổ biến của nó, vì tác dụng của nó, Phật giáo Việt
Nam
hiện đại đã khai thác âm nhạc phương Tây hiện đại phục vụ hoạt động hoằng pháp.
Quá trình
này có thể được xem là bắt đầu phát triển vào thập niên 1950.
Tuy nhiên,
vẫn còn một số tổ chức, hệ phái không chấp nhận quá trình trên, cả Bắc tông, Nam tông.
Phật giáo
Nam
tông đặt nặng việc hành trì giới luật, cấm cửa âm nhạc là việc đương nhiên.
Còn phía
Bắc tông, là phái Lục Hòa Tăng (sau này được biết với tên gọi Giáo hội Phật giáo
Cổ truyền Việt Nam), đại đa số từ phía Tăng già và Ni giới Khất sĩ, và một bộ
phận tăng ni Phật tử trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chịu ảnh hưởng
sâu đậm từ truyền thống.
Một số
chùa, tự viện còn cấm xem TV (cả từ trước đến sau năm 1975), nói chi đến việc tổ
chức biểu diễn ca nhạc.
Không có truyền thống, việc ứng dụng khai thác
không thuận lợi. Đối với Phật giáo Việt
Nam, ca nhạc hiện đại còn có những vấn đề lớn
khi tính đến việc khai thác, sử dụng nó.
Âm nhạc
phương Tây dùng trong hoạt động thờ phượng đã gắn liền với một số tôn giáo khác,
vì vậy đưa âm nhạc thờ phượng vào Phật giáo không khác gì làm cái việc đồng hóa
Phật giáo với các tôn giáo phương Tây.
Một ví dụ
là bản “Trầm hương đốt”, vẫn được cố
gắng dùng để thay thế bài “Tán Lư Hương”
(lời ca bài “Trầm hương đốt” là bản dịch thoát lời văn “Lư
hương sạ nhiệt/Pháp giới mông huân”…). Cố gắng này không thành công, trường
hợp hát bài “Trầm hương đốt” mở đầu các khóa lễ rất
hiếm, vì việc hát đối với người theo đạo Phật, phần lớn là người lớn tuổi, không
dễ. Hơn nữa, “Trầm hương đốt”, với
phong cách thể hiện trang nghiêm, nghe ra giống nhạc nhà thờ!.
Thành ra,
việc đưa âm nhạc thờ phượng vào Phật giáo bế tắc, chỉ tới chừng đó, trong mấy
chục năm.
Gần đây,
một vị thượng tọa ở Bà Rịa Vũng Tàu, với năng khiếu và tài năng âm nhạc, đã cố
gắng làm một bước đột phá, với những sáng tác mới mang tính chất âm nhạc thờ
phượng, hình thành những bài hát thờ phượng, lấy nội dung là những bài tán Phật,
sám văn. Những bài nhạc như thế phải nói là hay.
Nhưng
việc ứng dụng rộng rãi là không thể, vì đại đa số tăng ni Phật tử không biết
hát, không được đào tạo để hát, và không có truyền thống hát.
Vì thế,
nếu trước kia chưa có nhạc sĩ giỏi, chưa thể triển khai âm nhạc thờ phượng trong
Phật giáo, thì tới khi có nhạc sĩ sáng tác giỏi, sáng tác nhiều bài hát, vẫn
không thể triển khai.
Hình thức
giống như hợp xướng, đồng ca mà chúng ta thấy ở đoàn Làng Mai về thăm Việt Nam cũng không
dễ dàng gì triển khai rộng rãi được, cũng vì lý do như trên, dù rằng không cần
tới piano.
Như vậy,
vấn đề dần dần rõ ra. Do không có truyền thống, nên giữa Phật giáo Việt Nam và ca nhạc
hiện đại có một khoảng cách tồn tại đương nhiên và khách quan, cũng như không
thể vượt qua nó.
Chúng ta
cần phải ghi nhận điều này để lấy đó làm cơ sở giải quyết các vấn đề tiếp theo.
5)
Phật giáo không thể sử dụng âm nhạc phương Tây
trong hoạt động thờ phượng, thì chỉ còn hướng, là sinh hoạt ca nhạc trong biểu
diễn và sinh hoạt ca nhạc cộng đồng trong hoạt động thanh thiếu niên.
Trong mục
này, chúng ta xét trước đến hoạt động ca nhạc biểu diễn trong Phật giáo.
Xin nói
trước đến những khó khăn khi triển khai. Ca nhạc biểu diễn chính là điểm tương
kỵ với kinh điển, vì có người trình diễn và thưởng thức. Nó khác với ca nhạc thờ
phượng ở chỗ trong ca nhạc thờ phượng, dàn đồng ca chỉ là đại diện cho cử tọa
(tức những người hành lễ, số đông không thể hát), không phải là đơn vị trình
diễn chuyên nghiệp.
Hoạt động
biểu diễn âm nhạc có khác với tinh thần dùng kỹ nhạc cúng dường, vì có người
thưởng thức, có khán giả (chúng ta có thể hình dung điều này qua việc so sánh
dàn nhạc và dàn hợp xướng trình tấu Quốc ca trong một buổi lễ, có thể kèm một số
khúc ngợi ca, với một buổi biểu diễn âm nhạc cho rộng rãi khán giả ngồi xem).
Một buổi
biểu diễn ca nhạc là hình thức mang nặng tính chất thế gian và, như đã nói, nó
tương kỵ với tinh thần Phật giáo.
Vì vậy,
việc sử dụng phương thức này trong Phật giáo, nó cũng bộc lộ một số vấn đề.
Biểu diễn
một bản giao hưởng, chẳng hạn như bản giao hưởng “Khai giác” tại đại lễ Vesak
2008 không làm mất trang nghiêm sinh hoạt Phật giáo. Nhưng loại hình nhạc cổ
điển và giao hưởng ngoài tầm với của Phật giáo Việt Nam. Tức là
không thể phổ biến rộng rãi.
Như vậy,
chỉ còn có thể tổ chức sinh hoạt biểu diễn ca khúc như chúng ta vẫn thường thấy.
Và để thu
hút khán giả, thì phải theo phong cách hiện đại, tức là không khác lắm với các
show trình diễn ca nhạc thông thường hiện đại.
Nếu làm
theo cái cách nam ca sĩ mặc đồ vest, nữ ca sĩ mặc áo dài, đứng hát nghiêm trang
trên sân khấu chỉ thuần một thứ ánh sáng tinh khiết, phía sau là một bức màn
nhung thẫm (như cách trình diễn ca nhạc trên Đài Truyền hình Việt Nam (Sài Gòn),
thập niên 1960, thì có lẽ, không có bao nhiêu khán giả, vì cách trình diễn quá
trang nghiêm đứng đắn đó đã qua đi).
Khi chỉ
còn một lựa chọn duy nhất, thì bài giải của chúng ta đi tới một trở ngại hóc
búa, đó là vấn đề hình thể.
Biểu diễn ca nhạc hiện đại đã là sự trình diễn
tổng hợp, không chỉ ca và nhạc, trong đó, yếu tố hình thể (lấy từ vũ đạo và sân
khấu).
Xin đừng
hiểu lầm là tôi đứng về phía ý kiến không tán thành phát triển hoạt động ca nhạc
trong đạo Phật.
Mà ở đây,
tôi chỉ muốn trình bày vấn đề một cách chi tiết, toàn diện, để làm sao chúng ta
có thể lý giải tiến trình một cách tường tận, chính xác, nhằm đưa tới những giải
pháp khả thi và đúng đắn.
Vì vậy,
không thể tránh né một chi tiết nào, một khía cạnh nào.
Theo kiến
giải của cá nhân tôi, thì khi đụng đến vấn đề ngôn ngữ hình thể, dùng cơ thể để
sáng tạo nghệ thuật, đó là đã có việc lấn cấn đến vấn đề “dục”.
Trong lý
luận sân khấu, yêu cầu đối với nghệ sĩ, cũng như một buổi biểu diễn là thanh và
sắc.
Có sắc,
không thanh, chỉ có thể làm diễn viên điện ảnh, trông
cậy vào sự chỉ đạo của đạo diễn và diễn viên lồng tiếng.
Có thanh,
không sắc, chỉ có thể hát studio, tức hát phòng thu, hát trên đài phát thanh,
hát thu dĩa.
Còn biểu
diễn ca nhạc, thì không những gồm thanh, sắc (có khi thanh trở thành không quan
trọng vì có thể hát nhép), diễn xuất (ngôn ngữ hình thể), vũ đạo, hòa âm dàn
nhạc, ánh sáng, trang trí sân khấu, hóa trang, y phục, đạo cụ, đội múa phụ họa…
Những thứ
như vậy, phần lớn không phù hợp với Phật giáo.
Điều tất
nhiên, nó làm mất trang nghiêm thiền môn, khi diễn xuất hình thể có mặt trong
chùa, và trong số khán giả có các nhà sư.
Như vậy,
chúng ta đã lần đến được điểm nút tương kỵ giữa biểu diễn ca nhạc và Phật giáo.
Đó không phải chỉ là thanh (như trong bài viết của tác giả Bình Anson), mà còn
là sắc, sự hấp dẫn của “sắc” trong quá trình thể hiện với các động tác, lấy cơ
thể làm chất liệu sáng tạo nghệ thuật.
Chúng tôi
mong quý bạn đọc có ý kiến ở chỗ này, vì liệu tôi có quá chủ quan với ngành học
của mình hay không, điều là người ta thường gọi là méo mó nghề nghiệp?
6)
Từ những điều trình bày ở trên, chúng ta có thể
kết luận, biểu diễn ca nhạc là khâu “nhạy cảm” nhất trong quá trình sử dụng ca
nhạc phục vụ sinh hoạt Phật giáo. Biểu diễn ca nhạc đã trở thành một trong những
sinh hoạt Phật giáo Việt Nam hiện đại. Nhiều buổi biểu diễn
có tính chuyên nghiệp cao, tức là tổng hòa thành công những yếu tố đã kể ở trên,
thu hút nhiều người tham dự. Vì vậy, không thể nói đến việc loại trừ phương thức
này khỏi sinh hoạt Phật giáo.
Mà điều
bàn luận ở đây là làm thế nào để các buổi biểu diễn ca nhạc giảm bớt mức tương
kỵ với tinh thần Phật giáo.
Chúng ta
không tìm lời giải ở việc tìm cách triệt tiêu yếu tố “sắc”, sử dụng ngôn ngữ
hình thể, dùng chính cơ thể như một chất liệu sáng tạo nghệ thuật ở các buổi
biểu diễn ca nhạc Phật giáo. Vì như thế là làm cho chương trình dở đi
so với tiêu chuẩn hiện nay. Công chúng các buổi ca nhạc Phật giáo không phải
công chúng của những buổi trình diễn opera, mà ở đó, chỉ có yếu tố âm thanh,
toàn thân ca sĩ đứng yên như pho tượng với y phục tuyệt đối kín đáo và trang
trọng, mà là công chúng như tuyệt đại đa số công chúng hiện nay.
Những
giải pháp mà tôi đề xuất là:
-
Nếu trong các buổi lễ Phật giáo tính chất trang
nghiêm có phần biểu diễn ca nhạc, thì những tiết mục nào có thể chuyển hóa thành
âm nhạc thờ phượng thì mới giữ trong chương trình lễ. Các tiết mục chỉ mang tính
chất biểu diễn, nên chuyển ra khỏi chương trình lễ, xếp vào phần biểu diễn ca
nhạc riêng.
-
Chương trình biểu diễn ca nhạc Phật giáo, dù nội
dung là những bài ca Phật giáo và dân tộc, chỉ nên được coi là phương tiện tập
họp công chúng, không nên đưa thành yếu tố chính của sự kiện nào đó.
-
Các nhà sư không nên tham gia “biểu diễn” chung
với các ca sĩ chuyên nghiệp, vì các nghệ sĩ chuyên nghiệp dù hát các ca khúc
Phật giáo, họ vẫn giữ trong quá trình thể hiện những yếu tố căn bản của biểu
diễn ca nhạc hiện đại.
-
Tốt hơn, các vị tăng ni không nên xem, càng không
nên chủ trì (như khán giả chính của biểu diễn), mà khi đến phần biểu diễn ca
nhạc chuyên nghiệp, thì nên coi như “bàn giao” sinh hoạt lại cho Phật tử.
-
Đạo diễn chương trình cần được tuyển chọn, sao cho
nội dung chương trình diễn xuất, trang phục, hóa trang, ánh sáng… phù hợp với
tinh thần đạo Phật.
-
Không hạn chế, cũng như không khuyến khích các
buổi biểu diễn ca nhạc Phật giáo, nhưng cần ý thức rằng phương tiện đó không
phải là sở trường của Phật giáo.
-
Sử dụng phê bình âm nhạc như một công cụ định
hướng đối với những bài hát không có nội dung Phật giáo trực tiếp là một kỹ
thuật có thể sử dụng để Phật giáo hóa các bài hát biểu diễn.
Chẳng
hạn, rất nhiều bài hát không có nội dung Phật giáo trực tiếp, nhưng nói lên sự
vô thường của cuộc đời, của kiếp người, đều có thể cân nhắc để đưa vào một
chương trình biểu diễn ca nhạc Phật giáo, nếu trước đó có một đoạn pháp thoại
ngắn, phân tích, nhấn mạnh nội dung thể hiện sự vô thường trong bài hát, biến
bài hát trở thành một tác phẩm minh họa cho giáo lý đạo Phật, định hướng sự cảm
thụ của công chúng.
Việc làm
này là trong tầm tay quý tăng ni.
Với những
lời văn bình luận trước khi biểu diễn bài hát, tất nhiên khán giả sẽ cảm thụ bài
hát khác với khi không có lời bình luận. Và với lời bình luận mang tính chất
pháp thoại, rất nhiều bài hát “đời” có thể đưa vào biểu diễn trên sân khấu ca
nhạc Phật giáo, nó có tác dụng minh họa những nội dung Phật giáo, đã được lời
bình luận chỉ ra.
7)
Ca nhạc cộng đồng, chủ yếu là cho thanh thiếu niên
Phật giáo, là một lãnh vực nên tập trung đầu tư.
Ca nhạc
cộng đồng là những bài ca có thể ngắn, dễ hát, mang nội dung Phật giáo, có thể
dễ dàng phổ biến trong thanh niên, tự hát, cùng hát…
Ca nhạc
cộng đồng cũng có thể tổ chức thành buổi biểu diễn, nhưng đó là văn nghệ quần
chúng. Tất nhiên, vì không có tính chuyên nghiệp nên văn nghệ quần chúng có chất
lượng không cao, không đòi hỏi nhiều thanh, sắc, diễn xuất hình thể…, và thực tế
không thể đạt mức cao ở những yếu tố như vậy.
Theo tôi,
đây là trường hợp văn nghệ mà các vị tu hành có thể tham dự.
Việc tổ
chức các cuộc thi, các đợt vận động sáng tác ca khúc Phật giáo cộng đồng là một
hoạt động cần quan tâm, phục vụ cho việc phát triển sinh hoạt thanh thiếu niên
Phật tử.
8)
Hoạt động ca nhạc Phật giáo, ngoài những loại hình
kể trên, còn có hoạt động thu phổ biến dĩa hình, dĩa tiếng, chương trình ca nhạc
phát thanh truyền hình Phật giáo.
Đây là
hoạt động có tác động mạnh mẽ đến khán giả rộng rãi không kém gì hoạt động tổ
chức biểu diễn ca nhạc Phật giáo.
Có thể áp
dụng những nguyên tắc căn bản như đã trình bày ở trên trong hoạt động này.
Phương
thức phổ biến băng tiếng và dĩa âm thanh chương trình phát thanh ca nhạc Phật
giáo không có yếu tố “sắc”, không có diễn xuất hình thể, vì vậy, thích hợp với
Phật giáo, dù là ca sĩ chuyên nghiệp biểu diễn. Vì vậy, nên đầu tư phát triển
lãnh vực này.
Kết thúc
bài viết, một lần nữa, chúng tôi bày tỏ sự mong mỏi có được ý kiến thảo luận của
bạn đọc, vì như đã nói, nội dung bài viết có thể chứa đựng nhiều nhận định, đề
xuất chủ quan, có thể chưa được sự nhất trí cao, mang nặng nhãn quan có tính
chất lý luận liên hệ đến ngành học mà tác giả được đào tạo.
MT