Nhận diện và thay thế
New Page 1
Nếu
lòng tham của ta được nhận diện và thay thế như vậy, tức là chính ta đã tích cực
góp phần vào việc diệt trừ tận gốc mọi tệ nạn xã hội, mà trong đó có cả tệ nạn
trộm cắp.
Ta nhìn xuyên suốt lịch sử phát triển của xã hội
loài người, thì không có bất cứ một xã hội nào, mà chính quyền không chủ trương
và nỗ lực trừ diệt nạn trộm cắp, nhưng mà nạn trộm cắp thì không có xã hội nào
diệt sạch.
Xã hội kém phát triển và kém văn minh, thì việc
trộm cắp cũng xảy ra theo cách kém phát triển và kém văn minh như xã hội ấy. Và
nếu xã hội phát triển và văn minh, thì nạn trộm cắp cũng xảy ra theo cách của
một xã hội phát triển và văn minh ấy.
Và tất cả chính quyền trong các xã hội ấy, đều có
những luật pháp để bài trừ nạn trộm cắp, nhưng nạn trộm cắp vẫn tồn tại theo sự
tồn tại của xã hội mà chính quyền ấy đang điều hành.
Tại sao? Vì chính quyền lãnh đạo của những xã hội
ấy, chỉ nỗ lực trừ diệt nạn trộm cắp của xã hội, mà không nỗ lực diệt trừ lòng
tham nơi con người. Chính lòng tham của con người mới tạo ra nạn trộm cắp của xã
hội chứ? Nếu ta chỉ nỗ lực diệt trừ nạn trộm cắp ở nơi xã hội, mà không nỗ lực
diệt trừ lòng tham nơi con người, thì chẳng khác nào một người nhổ cỏ cú. Ngày
nay ta nhổ nó, ngày mai nó lại tiếp tục lên lại mạnh hơn. Vì gốc của cỏ cú chưa
bị ta đoạn tận.
Cũng vậy, lòng tham của con người là nguyên nhân
phát sinh mọi sự trộm cắp và tệ nạn xã hội. Ta chỉ diệt trừ nạn trộm cắp, mà
không biết diệt trừ nguyên nhân của nạn trộm cắp, thì thử hỏi ta diệt trừ nạn
trộm cắp đến khi nào mới hết?
Nạn trộm cắp phát sinh từ lòng tham của con người,
mà điều kiện để cho lòng tham của con người bám vào để biểu hiện thì vô số. Xã
hội càng văn minh vật chất, thì lòng tham của con người lại càng tăng trưởng. Xã
hội càng văn minh khoa học kỹ thuật, thì lòng tham con người lại càng tinh vi và
hành động trộm cắp của con người lại càng tinh xảo và điêu luyện. Vì sao? Vì
những văn minh ấy đều dựa vào lòng tham của con người để phát triển và phát
triển để gợi cảm và kích thích lòng tham của con người. Và cho dù xã hội văn
minh vật chất đến đâu cũng không thể nào đáp ứng được lòng tham của con người.
Và lòng tham của con người không phải chỉ là những
yếu tố vật chất, mà còn tham lam vào những yếu tố phi vật chất nữa. Lòng tham
của con người không phải chỉ bám vào những yếu tố vật chất để thỏa mãn những lạc
thú nơi trần thế, mà còn bám víu vào những yếu tố phi vật chất để hy vọng được
hưởng thụ những lạc thú thuộc về niềm tin hay tâm thức ở nơi các thế giới của
chư thiên nữa. Vì vậy ở trong xã hội con người có những cuộc bạo loạn không phải
chỉ đơn thuần là những thèm khát vật chất mà dẫn sinh từ những thèm khát tâm
linh và phụng thờ tín ngưỡng.
Vì vậy, mọi sự hiểu biết của con người mà dựa vào
lòng tham để hiểu, thì rốt cuộc con người chẳng có sự hiểu biết nào cả, ngay cả
lòng tham ở nơi chính họ. Và mọi sự học hành của con người, nếu dựa vào lòng
tham để phát triển, thì càng học, con người lại càng tham lam và càng tham lam
con người lại càng ích kỷ và kiêu căng. Càng ích kỷ và kiêu căng con người lại
càng tệ hại và ngu muội. Càng ngu muội, con người lại càng bất mãn với chính nó.
Càng bất mãn với chính nó, con người càng tạo ra hận thù và hành động một cách
mù quáng.
Cho nên, lòng tham lam, sự giận dữ và tâm mù quáng
của con người là gốc rễ làm cho mọi bất công của xã hội phát sinh, mọi tệ nạn
của xã hội từ đó mà hiện khởi và mọi bất hạnh, khổ đau của con người cũng từ đó
mà sinh ra.
Ta học tập mà để cho lòng tham phát triển trong ta
là sự học tập của ta đã bị chệch hướng. Nên, càng học là càng sai; càng học lại
càng ngu muội và càng học là càng không biết gì.
Vì vậy, ta cần phải tạo dựng hay thiết lập một sự
học tập chính đáng. Sự học tập chính đáng là sự học tập không dựa vào lòng tham
mà dựa vào tâm ly tham. Và muốn ly tham, trước hết là ta phải biết nhận diện về
lòng tham đang có mặt trong ta, ta phải biết nhận diện nó như là chính nó và nó
được sinh khởi từ những yếu tố không phải là nó. Ta phải biết nhận diện những gì
nguy hiểm do lòng tham và những yếu tố tạo nên lòng tham đem lại cho ta và xã
hội của ta.
Do đó, ta không những không làm bạn với lòng tham,
không sống chung với lòng tham và không đi theo với lòng tham, mà còn không làm
bạn với những yếu tố tạo nên sự sinh khởi cho lòng tham, không sống chung với
những yếu tố tạo nên lòng tham và không đi theo với những yếu tố tạo nên lòng
tham nữa.
Ta phải biết thay lòng tham của ta bằng tình
thương chân thực, hay bằng sự xả ly tài sản, xả ly sắc dục, xả ly danh vọng và
quyền lực. Ta phải biết ăn mặc và ngủ nghỉ vừa đủ để thích ứng với đời sống xả
ly.
Nếu lòng tham của ta được nhận diện và thay thế
như vậy, tức là chính ta đã tích cực góp phần vào việc diệt trừ tận gốc mọi tệ
nạn xã hội, mà trong đó có cả tệ nạn trộm cắp. Ta có thể đóng góp vào sự xây
dựng và phát triển xã hội tốt đẹp bằng chính tâm ly tham của mỗi chúng ta.
Và, nếu ta chỉ nỗ lực diệt trừ tệ nạn trộm cắp của
xã hội, nhưng chưa có phương pháp nào để diệt trừ lòng tham nơi ta và nơi mọi
người, thì mọi tệ nạn xã hội vẫn nằm nguyên trạng mà những hành động diệt trừ tệ
nạn của ta chỉ là hành động của những kẻ cầm lửa đi trước gió hay là hành động
của những người đi bắt rắn ở đầu đuôi!
Thích Thái Hòa