THỜI GIAN: Nỗi ám ảnh của đời người
New Page 1
Đặng Công Hanh
(* )
Thời gian luôn luôn là nỗi ám ảnh khi nghĩ về nó. Thời gian
không phải là khái niệm dễ hiểu, như nhà thông thái Thánh Augustin ở thế kỷ IV
đã nhận xét: "Nếu không có ai hỏi ta điều đó thì ta biết nó là gì, nhưng nếu
có người hỏi ta và ta cố giải thích thì lúc đó ta sẽ không biết nó là gì nữa".
Trong tác phẩm "Chấm dứt thời gian" nhà thông thái về mặt tâm
linh của thế kỷ 20. Krishnamurti, trong khi trao đổi với nhà vật lý lương tứ
David Bohm đã phát biểu: "Cái trở thành là cái tệ hại nhất, đó là thời gian,
đó là nguồn gốc đích thực của xung đột" và ông đã lên án rằng. Thời gian
tâm lý là xung đột, rằng thời gian là kẻ thù con người?
Tại sao thời gian lại có những khuôn mặt lạ lùng đến khó hiểu
như vậy, nó vừa không xa nhưng lại vừa không gần đối với đời sống con người.
· Con
người thực sự cảm nhận thời gian hiện hữu khắp nơi, khắp chốn nhưng lại không
thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào. Thời gian có trên mây ngàn, trên biển rộng, có
trong khắp sơn cùng thuỷ tận. Thời gian hiển hiện trên đôi mắt mỏi mòn của đợi
chờ, của nỗi nhớ nhung. Thời gian có trên mái tóc đang đổi màu của nỗi phong
trần, có trên làn da sạm nắng và vầng trán đượm nét ưu tư.
Thời gian tâm lý còn gọi là thời gian chủ quan, tức là thời
gian trải nghiệm, con người cảm nhận tự trong sâu thẳm của mình và thời gian đó
"trôi" như dòng nước. Ta hình dung như thế này: trên con thuyền đỗ bến trong
hiện tại, nhìn dòng sông thời gian với những sóng của quá khứ lùi xa dần và con
sóng tương lai ập đến. Con người đã nghĩ rằng thời gian đã chuyển động theo một
chiều nên đã tạo nên một định kiến về quá khứ, về hiện tại và tương lai, một quá
khứ chất chứa đầy ắp những kỷ niệm nay không còn nữa và cuộc sống hiện tại đã
chia sẻ đi một nửa về những hoài niệm xa xưa, còn tương lai chưa đến lại được
thêu dệt bằng những dự phòng đầy ước mơ. Thời gian có thể có hoặc có thể là
không nhưng chắc chắn nó hiện hữu trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người và có
những chiều kích khác nhau tùy theo sự trải nghiệm riêng tư. Sự cảm nhận nó là
một chất liệu không thể thiếu được trong góc trời thi ca âm nhạc. Người nghệ sĩ
nói theo đại thể, nói riêng người làm thơ, làm nhạc phần đông do tài năng bẩm
sinh hay gặp môi trường thích hợp cho hoạt động nội tâm và tâm thức thưởng
nghiệm của họ dễ rung động theo tần số dao động của ngoại giới hay nói cách khác
thế giới ngoại cảnh là nguồn dinh dưỡng nuôi lớn tâm hồn của họ. Tuy nhiên đặc
trưng của môi trường tư duy hoạt động khiến cho tâm thức của họ bớt cấu nhiễm
vào hệ lụy cuộc đấu tranh sinh tồn đầy thảm cảnh của phồn hoa vật chất. Tâm hồn
của họ thường ẩn náu trong không gian tịch mặc để giao hòa rộng mở cùng hơi thở
của vụ trụ, để nghe được lời ru của gió, điều buồn của mưa rơi và sự dịch chuyển
của im lặng. Nhu cầu thực phẩm cho tâm hồn là những gì vô hình, điều này chỉ tồn
tại trong thế giới tịch nhiên, bất động, vô vi, vô tán. Họ nghe bằng tâm và nói
bằng ngòi bút. Nghe như vậy tránh được sự ràng buộc của huyễn tướng và bớt đi sự
cuồng nộ của dục vọng. Nói như vậy là nói những gì đã nghe bằng tâm và nghĩ bằng
tuệ thì dù có diễn tả bằng ngôn ngữ khái niệm hay bằng ngôn ngữ biểu tượng thì
vẫn phong phú hơn, gần sự thật của hiện hữu hơn và thời gian tâm lý được mô tả
đậm nét riêng tư giàu tưởng tượng hơn.
"Chuyện chúng mình ngày xưa
Anh ghi bằng nhiều thu vắng”
Sự đau khổ, nuối tiếc bóng thời gian quá khứ đã để lại trong
lòng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn những vết lan trầm, cũng là nỗi day dứt với hình
bóng nhạt nhòa cây đa, bến nước, con đò năm
xưa, ghi dấu một sớm biệt ly trong lòng nhạc sĩ Anh Việt Thu:
'Bến ấy ngày xưa, người đi vấn vương biệt ly
Gió cuốn muôn phương về đây, thấy bóng người về hay chưa?
Đoàn Chuẩn - Từ Linh trong tâm trạng buồn của một cuộc tình
đỗ vỡ lại phiền trách cho thời gian và nhạc sĩ Lâm Tuyền lại lo sợ thời gian
trôi và chuyên chở những mất đi của hạnh phúc.
"Thời gian, như xóa lời yêu thương
Thời gian, phai dần màu hoa lá thư"
Hoặc là:
"Thời gian trôi tan tác, mang theo ngày xuân.
Mưa đêm nay khóc thầm, cuộc đời đầm ấm đang theo thời
gian".
Có khi thời gian đã trôi dần về quá khứ mang theo những ân
tình, lại hiện lên như một nổi day dứt trên những kỷ vật lưu niệm như có lần vua
Tự Đức tâm sự khi nhớ nhung hình bóng của người vợ qua cố.
"Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hương"
Thế Lữ, trong một giây phút hoài niệm lại thuở xuân thì với
hình bóng người tình trẻ đẹp và đã đổ lỗi cho thời gian như một tác nhân gây ra
những tàn phai nhan sắc.
"Thời gian
Tóc đã điểm màu sương bạc
Miệng hoa đã dần phai nhạt
Hồ Thu đôi mắt đã mờ"
Đặc điểm của thời gian tâm lý là trôi chảy không đều đặn.
Thời gian đợi chờ thường kéo dài và thời gian vui vẻ thì chóng qua nhanh. Thời
gian tâm lý luôn luôn tiến về phía trước.
Ý niệm về thời gian tâm lý gắn liền với động thái "trở thành,
trở nên". Phải chăng nguyên nhân đích thực của xung đột, khiến con người hỗn
loạn đảo điên chính là đưa thời gian vào như phương tiện để trở thành và mong
muốn trở thành tốt hơn, hoàn hảo hơn, càng yếu thương gắn bó hơn, v.v... Cũng
chính động thái "trở nên, trở thành" đã dựng lên một cái "tôi" bên trong. Cái
tôi đã đồng nhất với gia đình, với tài sản, với nghề nghiệp, với các mơ tưởng
viễn vông... Đó là dục vọng nằm trong thời gian tâm lý.
Con người đang bị giam hãm vào thân kiến hay ngã kiến về thân
xác của mình đang đầy ấp dục vọng và luôn luôn ném vào cuộc đời một khát vọng
thống thiết muốn kiếm tìm một hạnh phúc, một chân lý vĩnh hằng. Nhưng thật ra,
sự tìm cầu đó, tựa như đang đuổi bắt cái bóng hình mờ ảo của một cái Tôi - linh
hồn không thật và nó chính là hồn ma ái dục lúc ẩn lúc hiện trong bóng đêm của
thời gian mông lung, ảo vọng. Than ôi, chủ thể của dục vọng là cái gì trống rỗng
vô thường, đối tượng của dục vọng cũng là trống rỗng, vô thường và thời gian tâm
lý hiện hữu như một nhát chém hư ảo.
" Trong khoé mắt em ngậm ngùi ngày đó
Lúc dung nhan về đối diện trăng tà"
(Bùi Giáng)
· Thời
gian vật lý là thời gian của các loại đồng hồ, con người đã ước định thời gian
bằng sự chuyển động đều: dao động của một nguyên tử hay sự chuyển động của trái
đất chung quanh nó. Cũng vì vậy, các nhà khoa học cho rằng thời gian và không
gian có điểm bắt đầu cùng lúc vũ trụ được hình thành tức là sau vụ nổ lớn (Big-
Bang).
Được đẩy từ vụ nổ này, vũ trụ được sinh ra, bản chất động này
được mô tả trong hệ các phương trình của lý thuyết tương đối của Einstein. Tất
cả các cấu trúc của vũ trụ: hành tinh thiên hà, sao, đều chuyển động không ngừng
và tham gia cùng nhau trong một vũ trụ khổng lồ.
Từ thế kỷ IX, nhà khoa học Galilê đã đưa thời gian vào vật
lý, xem thời gian như một yếu tố sắp xếp về mặt toán học trong các phép đo
chuyển động của các vật thể.
Vào thế kỷ XVII, Newton đã xây dựng các định luật cơ học và
vai trò thời gian có chỗ đứng vững vàng. Ông đã xác định chuyển động các vật
trong không gian bằng các yếu tố: vị trí, vận tốc ở các thời điểm khác nhau nối
tiếp. Thời gian đối với Newton là duy nhất, tuyệt đối và phổ quát.
Đối với nhà vật lý, thời gian không còn được đánh dấu bằng
chuỗi các biến cố và do đó không còn sự phân biệt quá khứ, hiện tại và tương
lai. Thời gian là như nhau đối với mọi quan sát, chẳng hạn khi ném một hòn bi
vào khoảng không, tôi chỉ cần biết về vị trí ban đầu, vận tốc khi ném là có thể
biết quỹ đạo của nó. Quỹ đạo không thay đổi nếu ta ném vào buổi sáng, hay buổi
chiều, lúc đó quá khứ, hiện tại và tương lai không có ảnh hưởng. Thời gian không
còn trôi, nó bất động như một đường thẳng kéo dài vô hạn về hai phía. Mọi sự
phân biệt đối với quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là ảo giác. Với nguyên lý
tương đương của mình, Einstein đã xây dựng nên lý thuyết tương đối rộng, mô tả
hành trạng của vật thể trong trường hấp dẫn và thời gian cũng bị trường hấp dẫn
làm chậm lại vì thời gian và không gian hợp nhất mới thực sự tồn tại.
Thời gian khi trở nên co giản được tùy theo chuyển động đã
xóa tan các khái niệm như tình đồng đều, quá khứ, hiện tại và tương lai phổ
quát, ý nghĩa là nó không còn như nhau đối với tất cả mọi người. Einstein đã nói
rằng: quá khứ của một người có thể là hiện tại của một người khác hoặc có thể là
tương lai của một người khác nữa. Quá khứ và tương lai cũng thực như hiện tại.
Trái với thời gian tâm lý học, thời gian vật lý không trôi
đi, không chảy qua. Nó tồn tại thành một khối nghĩa là nó hiện hữu và bất động
chỉ có thế thôi. Các định luật khoa học không phân biệt quá khứ, với tương lai.
Tuy nhiên, trong đời sống hàng ngày tồn tại một sự khác biệt giữa trước và sau
của thời gian. Chẳng hạn tưởng tượng một cái cốc trên bàn rơi xuống nền nhà vỡ
toang. Nếu ta đặt máy quay phim, quay cảnh tượng đó thì dễ dàng, quay tới, quay
lui được. Giả sử khi thước phim được quay lui ta sẽ thấy cảnh tượng các mảnh vở
kết tập lại với nhau rồi nhảy lên bàn thành cái cốc nguyên vẹn lúc trước. Điều
này, thường ngày không thể xảy ra được, tuy nhiên có thể giải thích điều "không
thể" đó bằng định luật thứ 2 của nhiệt động học: "Trong một hệ thống kín thì độ
"vô trật tự" của hệ thống được đặt trưng bởi đại lượng Entropi luôn luôn gia
tăng". Trạng thái vô trật tự của các cốc trên sàn nhà có độ vô trật tự cao hơn
hay Entropi tăng lên so với cái cốc trên bàn nguyên vẹn (trong quá khứ) và cái
cốc vỡ dưới bàn (trong tương lai) tuy nhiên ta không thể đảo ngược lại được.
Tương tự ví dụ cho hệ thống: một tách cà phê đen và một viên
đường thả vào, sau một lúc đường tan ra trong cà phê ta được một dung dịch cà
phê có đường: có thể mô tả quá khứ hệ thống có Entropi thấp, tương lai Entropi
tăng lên nghĩa là dung dịch cà phê có đường đã tăng độ vô trật tự. Điều này cho
phép ta diễn đạt rằng luôn luôn có nhiều trạng thái vô trật tự hơn là trật tự và
hướng tăng vô trật tự với thời gian được gọi là mũi tên nhiệt động học của thời
gian, một khái niệm phân biệt quá khứ với hiện tại với tương lai, một khái niệm
xác định hướng của thời gian.
Như vậy, sự cảm nhận chủ quan của con người về hướng đi của
thời gian được xác định trong bộ não bởi mũi tên nhiệt động học của thời gian.
Thế nên, các định luật khoa học không phân biệt hướng tới,
hướng lui của thời gian thì ít nhất ta cũng xác định ba mũi tên của thời gian.
+ Mũi tên thời gian tâm lý chỉ hướng theo đó con
người chỉ biết nhớ đến quá khứ và không biết tương lai.
+ Mũi tên nhiệt động học thời gian chỉ hướng tăng
entropi
+ Mũi tên
thời gian vũ trụ học chỉ hướng theo đó vũ trụ giãn nở theo thời gian.
Thế nhưng tại sao lại có sự khác biệt giữa thời gian tâm lý
và thời gian vật lý. Để giải đáp được vấn nạn này, ta nghe ý kiến các nhà sinh
vật học thần kinh và họ nói những gì?
Nhà nghiên cứu Francis Crick đã khẳng định rằng chức năng tự
nhiên của nơ-ron thần kinh là cơ sở duy nhất của nhận thức và thậm chí cả tâm
hồn con người.
Theo nhà sinh vật thần kinh Fransico Varela các dữ liệu về
thế giới bên ngoài được giác quan truyền đến não, não tập hợp chúng lại thành
yếu tố tinh thần - hoạt động này được tham gia của nhiều khu vực của não đồng
thời chính sự phức tạp của nhiệm vụ liên kết và tích hợp các bộ phận khác nhau
trong các khu vực não đã cho chúng ta cảm giác về thời gian.
Với hàng trăm tỷ nơron trong não bộ, và sự hợp tác đồng bộ
của các bộ phận không giao tiếp nhau hành động chỉ kéo dài với tỷ lệ vài phần
trăm tỷ giây - cho chúng ta cảm nhận về bây giờ. Theo Varela thì sự đồng bộ hóa
của các nơron không ổn định và không kéo dài khiến cho các bộ phận nơron đồng bộ
khác hoạt động nối tiếp cho ta cảm giác thời gian trôi. Như vậy phải chăng cái
cảm giác nói trên chỉ là một kiến trúc thuần túy tinh thần, một ảo giác được tạo
ra từ bộ não con người chứ không can dự gì đến hiện thực cả.
· Theo
nhận thức Phật học qua lăng kính pháp trùng trùng duyên khởi, mỗi hữu thể đối
đãi hiện ra các hữu thể khác và cái hữu thể khác đối đãi hiện ra một hữu thể. Về
mặt tướng mỗi hữu thể giữ được đặc trưng riêng làm đối tượng nhận thức vế nó, về
mặt tánh của hữu thể là "không" - không có tự tánh.
Vậy, mỗi thể đều biểu hiện của lý tương tức, tương nhập. Sự
tương nhập theo nguyên lý duyên khởi thì không có sự vật nào hiện hữu độc lập mà
nương tựa lẫn nhau, cái này không chướng ngại cho sự hiện hữu và hoạt động của
cái kia. Sự tương tức thể hiện "Tất cả là một, một là tất cả".
Sự hiện hữu và sự tiến hóa của các hữu thể trong vũ trụ, theo
các kinh điển Phật học, tất cả chỉ là phóng chiếu của thực tại chân như trong
một khung "không - thời gian" do vọng niệm phân biệt tạo tác - nói như Duy thức,
vũ trụ do thức biến hiện (nhất thiết duy tâm tạo). Một nhận thức bao giờ cũng
được nhận diện khi có được sự tiếp xúc giữa chủ thể nhận thức và đối tượng nhận
thức và biểu hiện ra một hệ quả của nhận thức. Đối tượng của nhận thức gồm:
- Tự thân của thế giới thực tại khách quan, nói
theo ngôn từ Phật học là "tánh cảnh" hay bản chất của thế giới thực tế khách
quan.
- Những ảnh tượng được nương tựa và hiện sinh bởi
tánh cảnh, nói cách khác đó là hình ảnh về một thực tại nào đó trong tri giác
của chúng ta, ngôn từ Phật học gọi là "đối chất cảnh".
- Những ảnh tượng chỉ có trong tâm thức chứ không
hiện hữu trong thực tại, ngôn từ Phật học gọi là "độc ảnh cảnh".
Cả ba cảnh nói trên là biểu hiện của Tàng thức hay A-lại-da
thức, được mô tả là kho chứa tất cả hạt giống ý niệm hay là nguyên nhân phát
sinh của thực tại giả lập. Đặc tính Tàng thức bao gồm hai tính chất; một là năng
động tức là chủ thể cất giữ hạt giống ý niệm về hiện hữu và là nơi duy trì các
chủng tử của chính thân thể và của thế giới thực tại khách quan; hai là tính bị
động, tức là nơi xông ướp làm cho nó chín muồi, trở nên sinh động, hiện hành. Sự
hiện diện của nó trôi chảy như dòng sông (hằng chuyển như bộc lưu) không thể nói
là thường hằng hay đoạn diệt. Hình thái cơ bản của Tàng thức là vô hình, vô
tướng (vô sắc) và kể cả các thức khác nói chung là phi vật thể. Nó là một dạng
năng lượng (năng lượng tâm lý), mà năng lượng vừa thuộc về sắc lại vừa vô sắc
(theo quan điểm của khoa học hiện đại: vật chất là sự cô kết của năng lượng và
năng lượng là sự loảng ra của vật chất).
Trong triết học Duy thức, chủng tử (hay hạt giống) là một
khái niệm nói về cội nguồn sẵn có của tâm thức. Mọi hiện tượng tâm lý sinh khởi
và mất đi đều nương tựa vào hạt giống sẵn có, thuật ngữ Phật học gọi là "chủng
tử bản hữu" trong Tàng thức.
Thông thường mọi hiện tượng diễn biến trong thế giới thực tại
khách quan cũng như trong tâm thức luôn luôn được sinh khởi từ các hạt giống ý
niệm tiềm tàng trong tâm thức. Khi hạt giống đang yên lặng trong Tàng thức thì
đóng vai trò là nhân và khi có duyên để hiện khởi thì gọi là quả. Vì vậy, Tàng
thức còn có tên là căn bản thức hay hữu phần thức, bảy thức còn lại gồm: mạt na
thức và 6 thức cảm quan như: mắt, mũi, tai, lưỡi, thân thể và ý thức được gọi
chung là chuyển thức. Về khái niệm căn bản thức tức là thức cơ bản được xem là
tự tướng hay là thể của tâm, nó có 3 tác dụng.
- Làm chủ thể dung chứa (năng tàng)
- Làm đối tượng được dung chứa (sở tàng)
- Bị ngộ nhận là ngã tính vĩnh hằng (ngã ái chấp)
Một đứa trẻ khi mới sinh ra, dù không ai dạy mà nó vẫn biết
khóc bởi vì trong Tàng thức đã chứa sẵn cái nhân (chủng tử) khóc, cho nên mới
sinh khởi ra quả (hiện hành) là biết khóc. Một thời gian sau nó lại biết cười,
biết nói nhưng có ai dạy bảo nó đâu, chẳng qua trong Tàng thức đã chứa sẵn cái
nhân cười và nói cho nên mới khởi ra quả hiện hành được.
- Tương tự như vậy đối với các muôn vạn hạt giống
trong Tàng thức, không có hạt giống nào độc lập bất biến, tất cả đều là sự trôi
lăn tương tục giống như những giọt nước nối tiếp nương tựa với nhau trong dòng
nước tuôn chảy. Thực chất mỗi hạt giống đều có hai phần: bản hữu và huân tập.
Bản hữu là cái có sẵn từ vô thủy, vô chung, huân tập là sự vun trồng, xông ướp
làm cho cái có sẵn hiện hành. Vậy nên mối quan hệ giữa hiện hành và chủng từ là
sự đối lưu, tương tác để cùng hiện hữu từ vô thỉ.
Tất cả các hiện hữu trong cõi đời này từ các tâm lý thông
thường của con người và ngay cả thế giới thực tại khách quan với ngàn vạn dị
biệt, đa thù đều là biểu hiện của Tàng thức. Ngay cả con người, dưới cái nhìn
của Phật giáo, trước hết là một biểu hiện của Tàng thức, bao gồm các nhân duyên
(địa, thủy, hỏa, phong, không, thời, phương, thức) và xuất hiện như một tổng thể
bất khả phân ly và bản chất của con người không gì khác hơn là một tích hợp của
nhân duyên cùng với nghiệp thức.
Một điểm rất quan trọng cần ghi nhận chính là tác năng phân
biệt và đối tượng bị phân biệt đều là sự biểu hiện từ tự thể của Tàng thức. Và
cũng từ đó ngoại giới (sơn hà đại địa, thế giới sum la vạn tượng) được phân
biệt, được định danh và sau đó nó hiện hành như mỗi hiện hữu. Cũng do tác năng
phân biệt nên có danh, có tướng sai khác đa thù. Chính vì tất cả hoạt động của
Tàng thức như vậy nên được xem như là một chủ thể tâm lý thường nghiệm hay là
chủ thể nhận thức. Chuyển thức là các chủ thể tâm lý thường nghiệm hoạt động như
những đợt sóng trên đại dương mà nước chính là Tàng thức, từ đó xuất hiện và
định danh ý niệm thời gian sát-na: mỗi sát-na là một khoảng thời gian rất nhỏ đủ
cho các thức sinh và diệt. Tự thân, một chủng tử, nói chính xác hơn là một công
năng vừa sinh khởi liền hủy diệt ngay, công năng trước diệt làm điều kiện cho
công năng sau xuất hiện, chúng tồn tại trong chuỗi vận hành liên tục tạo nên
hình ảnh một dòng chảy và chính là dòng tương tục của sinh mệnh, cũng đồng thời
là dòng chảy của thời gian.
Sự tồn tại của thế giới (ngoại cảnh) như là chất dinh dưỡng
hay là nguồn năng lượng cung cấp cho hoạt động của tâm thức. Nói đúng hơn các
thức cần năng lượng để hoạt động, điều này xác nhận một thực tế là tất cả mọi
sinh vật đều phải cần thức ăn để tồn tại và hoạt động. Chẳng hạn con mắt cần nạp
"sắc" như là thức ăn của nó, nói cách khác nếu con mắt không được sử dụng để
quan sát thì lâu ngày phần "sắc căn" sẽ bị hủy diệt, từ từ mắt trở nên mù lòa.
Cũng tương tự cho ý thức, ý thức vẫn phải cần thực phẩm để nuôi dưỡng, thực phẩm
của ý thức chính là vô minh và tham ái, một loại thực phẩm vừa đồng thời là chất
bổ dưỡng và đồng thời là chất tàn phá. Khi có sự giao tiếp của ba yếu tố căn,
cảnh, thức sẽ phát kích hoạt động của cảm - thọ và từ cảm thọ sinh khởi sự tiếp
nhận của ảnh tượng. Sự tiếp nhận này tạo nên một xung động trong tâm lý và sau
cùng chủ thể nhận thức sẽ thể hiện ra một hành động tương thích. Quá trình nhận
thức là quá trình của sự chuyển biến của thức tức hoạt động của bảy chuyển thức
sinh diệt liên tục trong từng sát-na tạo thành hình ảnh của thời gian lưu chuyển
và do đó chiều đi của mũi tên thời gian thực sự là ảo giác. Vì vậy, thời gian
xuất hiện như là một cái thấy của vọng tưởng do tâm thức kiến tạo và trong vòng
vây kín của vô minh, tư duy của con người về ý nghĩa sự tồn tại của mình đã tìm
một điểm tựa mang tính chất qui ước bằng nhờ vào siêu việt khái niệm thời gian
và bằng vào thước đo vô tận của thời gian.
· Lời
kết:
Từ muôn thuở con người sống cùng thời gian (tâm lý). Thời
gian là một đề tài bất tận để ta suy tưởng về nó, ngày xưa, cố nhân còn muốn đốt
đuốc để đi chơi đêm vì sợ thời gian sống quá ngắn ngủi. J.L.Borges còn ta thán:
Thời gian là một ngọn lửa thiêu đốt ta, nhưng chính ta là ngọn lửa. Còn
Krishnamurti, gọi là kẻ thù.
Trong cuộc đời, tất cả chúng ta đều khao khát muốn đạt hạnh
phúc và tránh đi những khổ đau, nhưng những hành vi, những ứng xử của chúng ta
lại làm gia tăng sự đau khổ và không thực sự đem lại niềm vui hay hạnh phúc cho
bản thân và cho tha nhân. Điều này xuất phát từ cơ bản là chúng ta mê lầm, không
hiểu biết về cội nguồn hiện hữu của chúng ta mà thuật ngữ Phật học gọi là vô
minh. Trong vòng vô minh con người không thấy được mọi hiện hữu do duyên mà sinh
khởi. Mọi hiện hữu do vạn duyên mà có, hay khẳng định: rời khỏi vạn duyên thì
không có hiện hữu nào cả, vì vậy cái tự ngã của mỗi hiện hữu chỉ là ảo tưởng.
Thấy rõ được chân lý này thì ngay cả vấn đề sinh diệt của bản thân không còn
vướng bận, mà trái lại sự bận tâm chính là phải liễu ngộ lý duyên sinh. Và do
quán chiếu được duyên sinh, con người tự lãng quên cả ý niệm thời gian khi đó
cũng đồng nghĩa xã ly dục vọng thể hiện qua lòng tham, sự sân hận, si mê và sợ
hãi trong đời sống này. Chính cái tư duy hữu ngã đó đã tạo nên ngã tính và giá
trị của sự vật hiện hữu và gây nên sự bám chấp, làm dấy lên lòng ham của dục
vọng và dục vọng niệm tưởng, tìm cầu là thành phần của "ngã" (cái tôi) tức là đã
xây cố cái ý niệm thời gian trong tâm.
Con người lại ngộ nhận dục vọng (nằm trong quỹ đạo thời gian)
của mình là chính mình và bị nhận chìm trong dục vọng và khổ đau. Với thái độ
sống này con người đi vào đời sống hàng ngày thường phải giáp mặt các đối tượng
dục vọng, tức là giáp mặt với hai khía cạnh: vị ngọt của chúng làm bốc cháy khát
vọng và sự nguy hiểm do vô thường gây ra. Cả hai đều
dẫn đến sầu não và khổ đau triền miên.
Đức Phật đã dạy về "dục vọng" cho các
phàm phu, bằng các ngôn từ dung dị, ta hãy tâm niệm.
- Như mưa xâm nhập vào
cái nhà lá vụng lợp
Cũng vậy, dục vọng sẽ xâm
nhập tâm không tu tập
- Như mưa không xâm nhập
ngôi nhà lá khéo lợp
Cũng vậy, dục vọng sẽ
không xâm nhập tâm khéo tu tập
Thời gian - dục vọng và dục vọng - thời
gian như một cặp sinh đôi bóng với hình: cái này sinh cái kia sinh, cái này diệt
cái kia diệt. Đó là lý tắc Duyên khởi, chúng ta cần suy ngẫm bằng tất cả tâm ý.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Thắng man giảng luận: Tuệ Sỹ - NXb Phương Đông 2006
2.
Lý thuyết nhân tính: Thích Chơn Thiện - NXb Phương Đông 2009
3.
Lược sử thời gian: S.Hawking - NXb Trẻ 2006
4.
Nhân quả đồng thời: Hồng Dương, Nguyễn Văn Hai - NXB Phương Đông 2005.
5.
Duy thức học: Thích Thiện Siêu - NXb Tôn giáo 2006.
6.
Chấm dứt thời gian: Krishnamurti - NXb Thời đại 2010.
*Tác
giả: Khoa Toán - Đại học Bách Khoa và Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng