Cửa Từ Bi

Cửa Từ Bi

Chiêu Hoàng

______________________________________

l C h ị .S Á U
________________________________________________________

____________________________________________________

Thiên hạ cứ gọi chị là Chị Sáu (mà chẳng biết số Sáu đó ở đâu ra?) Nếu nói về cấp bậc trong anh em thì đáng lý phải gọi là Chị Tư mới phải. Nhưng có Tư hay Sáu gì chị cũng rất ghét, từ nào tới giờ, chị chẳng thích ai gọi chị theo thứ bực, nhưng ghét thì… để bụng, chị cũng chẳng càm ràm ai bao giờ…


Tính tình chị có vẻ hiền hiền, (chỉ "có vẻ" thôi à nha, nhiều khi nổi quạu thì phải tránh cho xa, kẻo có khi chị... giựt xập nhà đó!) Vì cái tính hiền hiền đó nên chị cứ hay nhịn, riết thành… hèn, ai muốn làm sao cũng được. Phần khác, chị còn phải tu tập. Thầy kêu phải ráng trưởng dưỡng Tâm Bồ-đề cho lớn. Có lắm lúc chúng sanh nó làm chị phiền muộn, muốn nổi quạu, muốn chửi một trận cho hả dạ, nhưng chợt nhớ lời thay, phải ráng nuốt cái cục quạu xuống họng, ráng cầu nguyện cho mình... hạ hỏa và cho (cái đứa làm chị quạu) lần sau nó có thêm… trí huệ để đừng làm chị tức giận nữa.


Đầu óc chị thật đơn giản.
Muốn tu tập nhưng lại tu cà lặc, cà lọi. Thầy dạy cái chi thì chị chỉ hành trì được một nửa. Thì đó! Thầy kêu phải tu hai thứ Trí huệ và Từ bi. Chị chọn có thứ một, mà một cũng không xong. Tại vì chị nghĩ tu theo Từ bi chắc là dễ... Hữu sự thì ráng nhịn cho xong, người ta chín bỏ làm mười, đôi khi chị du di quá đáng, mới có... hai đã vội bỏ làm mười rồi (thì coi như chị tu thêm cái hạnh nhẫn nhục đó mà. Hỏng phải sao? Trong những buổi giảng, thầy cũng kêu là phải tu thêm Sáu Ba-la-mật nữa. Tới sáu thứ lận đó! mà chị chỉ tu có một, vậy mà cũng không xong mới chết!)


Thiệt tình!



Một lần, chị lên hỏi thầy. Thầy nói nhiều lắm nghe. Đại khái thầy nói về tâm Từ, tâm Bi và Trí huệ phải đi đôi, nếu chỉ hành một trong hai thứ thì như con chim gãy cánh, chẳng bay được. Thầy giảng quá chừng giảng… Cuối cùng, chị lễ thầy ra về, nhưng tâm thức vẫn còn ngổn ngang, vì cách hành trì ra sao để có được Bồ-đề tâm và Trí huệ thì chị vẫn chưa biết. Làm sao để khởi được trong dòng tâm thức một lòng bi mẫn, một lòng từ với tất cả chúng sinh? Làm sao để biết được đâu là đúng, đâu là sai khi bố thí?



Trong chùa, có một anh Phật tử chị rất ngưỡng mộ. Ảnh tu sao mà hay ghê nơi. Cũng tu Từ bi nhưng hỏng ai mà bắt nạt được nghe! Nhiều lần chị muốn làm quen hỏi ảnh tu cách chi mà hay dữ vậy? Chị muốn học ảnh chút cách hành xử ra sao để đối diện với những trường hợp trong đời sống, làm sao để áp dụng giáo pháp vào đời? Thiệt chớ, chị có quá nhiều câu muốn hỏi, nhưng tìm cách tới gần ảnh cũng khó, vì khi ảnh tới chùa, nghe pháp xong là về liền, hỏng có cà rà ở lại ăn uống hay nói chuyện tào lao. Chị theo dõi anh như điệp viên theo dõi tội phạm, nhưng cũng chẳng có cơ hội được nói chuyện đôi câu, riết rồi chị cũng nản. Bỏ cuộc.

Tháng ngày cứ trôi. Sự tu tập của chị cũng có chút phần tiến triển như con rùa bò, mà nó bò theo kiểu không-có-kiểu, tức là khi bò ngang, khi bò dọc, khi đi thì loanh quanh, tốn rất nhiều thì giờ...

Mới hôm qua, thầy giảng về tâm Vô Vi, Vô Tác, Vô Nguyện.
Chị liếc nhìn anh, thấy anh cắm cúi ngồi ghi chép lung tung… Ghi chi mà ghi quá trời, quá đất! Còn chị thì ngồi nắn nót viết xuống đủ ba chữ đơn giản:

Vô vi.


Vô tác.


Vô nguyện.


Chị sẽ ghim nó vào trong tâm, ráng chăm chú nghe thầy giảng, hiểu được chút nào hay chút đó. Nghe xong ráng về suy nghĩ tiếp, chứ ba cái danh từ rổn rảng đó chị vẫn còn mù mịt lắm.

Mô Phật! Con đường tu cũng khó ác nghe. Lộn xộn hiểu lung tung cũng khổ!

 

D ễ T h ư ơ n g
D ễ G h é t


 

Theo chị, mỗi một người chúng ta đều có những điểm dễ thương và dễ ghét, nhất là tùy theo những hành động của mình đối với người chung quanh để người khác có thể nhìn ta theo khía cạnh ấy. Nhưng cũng có nhiều trường hợp cái dễ thương, dễ ghét lại xảy ra một cách rất ngoại lệ. Chẳng biết đâu mà mò…



Đối với chị. Anh là một người rất dễ thương. Một Phật từ thuần thành, tu tập một cách nghiêm túc. Ngoài kiến thức Phật giáo khá quảng bác, anh lại còn làm được nhiều chuyện khác như có thể là một kẻ thợ nề, thợ mộc, người sửa xe, sửa computer, viết văn, làm thơ, dịch thuật v.v... Anh sẵn sàng chia sẻ những kiến thức của mình cho tất cả mọi người, không dấu giếm. Vậy đó, mà chẳng hiểu sao có một số Phật tử trong chùa chẳng thích anh, nhìn cái mặt của anh (khỏi cần nói chuyện chi) đã thấy ghét rồi!



Quả thực, họ ghét anh lắm! Thì cũng dễ hiểu thôi, anh trực tính, lại không thích làm chuyện cong queo. Tuy anh chẳng bao giờ nói xấu ai, nhưng họ vẫn cứ ghét, vì lối làm việc của anh khác họ. Họ chê anh thẳng tính, không biết nịnh đầm, có chi nói nấy, lại không la cà trong chùa nói chuyện thị phi, họ chê anh cục mịch, quê mùa, thô lỗ v.v.. Mà thiệt! Dạo này anh làm việc tay chân sửa chữa cho chùa nhiều quá nên trông anh rất đô con, cộng thêm cái đầu nhẵn thín, đôi mắt lộ, sáng quắc. Có người yếu bóng vía, nhất là lại thích nói xấu anh sau lưng nên không dám nhìn thẳng mặt, gặp trước cửa chùa thì lo nhủi ra sau chùa, gặp phía sau thì chạy vòng ra phía trước. Thế đó, họ kền anh như thế nhưng vẫn cứ ghét, nhất là trong ban điều hành có nhiều người ghét anh tới độ chỉ mong cho anh chẳng bao giờ tới chùa nữa, để cho họ “yên thân”... thao túng trong chùa. Thực tình họ không tìm ra được ở anh có một điểm nhỏ nào - dù chỉ một hào ly - dễ thương, vì có cố du di cách mấy, có cố lấy anh làm đối tượng để tu tâm từ nhưng cũng chẳng xong. Họ có thể có compassion với bất cứ ai, ngoại-trừ-cái thằng-cha-dễ-ghét-đó.



Anh dễ ghétttttt... quá chừng! Tựa như trời sinh anh ra chỉ để làm một nhân vật cực kỳ dễ ghét và là một kỳ-đà-cản-mũi trước mắt họ vậy. Một vài người, ghét anh quá bèn dựng chuyện đi nói xấu anh với thầy trụ trì. Chuyện đến tai anh, anh chẳng cần! Lại càng khỏi cần phải thanh minh, phân trần với ai, ngay cả với thầy trụ trì. Hỏi. Sao không đi giải thích với thầy? Đáp. Thầy không hỏi thì không nói, không cần giải thích. Thái độ bất cần (như một hành động khiêu khích) đó lại càng cho nhiều người gai mắt và ghét anh thêm.



Có một đôi lần chị mon men đến làm quen. Đối xử tốt với anh và lân la hỏi chuyện. Hỏi thì anh nói, nhưng cũng chẳng tỏ một thái độ muốn phe đảng. Anh ghét phe đảng. Hình như anh sinh ra chỉ để tu tập, còn những chuyện thị phi thì anh chẳng cần...



Một lần lên chùa tình cờ gặp anh, chị ấm ớ hỏi một vài câu hỏi về Phật pháp, anh vui vẻ trả lời, nhưng nghe xong chị ngẩn người ra. Nhìn khuôn mặt (khờ khạo) của chị - tựa như một người vừa rớt từ một hành tinh nào đó – Anh kiên nhẫn giải thích thêm lần nữa, lại một lần nữa... Nhưng mặt chị cứ thộn ra. Cáu tiết, anh cao giọng: “Từ nãy giờ tôi đã giải thích nhiều lần rồi mà chị vẫn chưa hiểu ư?” Tiếng nói của anh khá lớn, dĩ nhiên chị cảm thấy quê với những người chung quanh và... sùng anh lắm! Chị cự khe khẽ: “Anh làm cái gì mà phải gắt to lên thế?” Nói rồi, chị ngúng quẩy bỏ đi.


Chị âm thầm giận anh mấy ngày. Lên chùa, thấy cái mặt dễ ghét của anh chị lờ đi, không thèm nhìn. Anh cũng chẳng buồn quan tâm, giá chị có giận anh cả... ngàn kiếp chắc cũng chẳng sao. Chị ôm “mối hận” đó vào trong những thời thiền quán, phân tích, mổ xẻ... Dần dần, chị thấy chính mình mới là người vô lý. Người ta đã có lòng tốt trả lời những khúc mắc cho mình, nhưng mình lại làm cho họ tức giận về sự “chậm hiểu” thì người ta gắt lên là phải, có gì mà phải giận? Quê ư? Mất mặt với những người trong chùa ư? Quả là chị quá quan tâm đến những gì người khác nghĩ về mình, quả là chị đang nuôi dưỡng cái Ngã trong chị thêm lớn. Chà! Chị quả là ngu si không biết gì hết, anh gắt với chị cũng chính là một bài học để chị diệt bớt đi cái ngã...



Vì những suy tư ấy, chị cảm thấy mình... kỳ quá. Lại nữa, không nói chuyện với anh thì chị lại buồn, vì đôi khi có những câu hỏi khó trong đầu mà không nghĩ ra được câu trả lời thì lấy ai nói cho chị nghe? Cuối cùng chị “cho phép” mình giận anh khoảng... một tuần lễ rồi thôi. Giận nhiều cũng mệt lắm. Nó như đóng thành một khối nặng như chì trong tâm. Bằng mọi giá, chị phải tiêu hủy nó ngay lập tức!



Mới hôm kia, thầy lái xe loạng quạng sao đó bị đụng vào cột đèn, xe hư hại nặng. Thầy không bị đau nhưng bị giập cái lỗ mũi, chẳng biết làm thế nào mà chóp mũi thầy đỏ choé như bôi son, thầy mang cái chóp mũi đỏ như con reindeer đi tới, đi lui trong chùa, trông thật mắc cười! Một vài Phật tử thì thào kháo nhau rằng, đụng xe nặng như vậy mà thân thể không bị đau đớn thì chỉ có Hộ pháp gia hộ cho thầy thôi...



Một ngày trời nắng. Chị lên chùa. Gặp anh đang loay hoay sửa cái xe cà tàng cho thầy. Chị nén hết tự ái mon men đến làm quen, tưởng chừng như việc đó khó làm như... giật sập trời vậy. Ấy thế mà sao việc xảy ra dễ quá chừng. Hình như anh chẳng còn nhớ rằng anh chính là nguyên nhân làm cho chị giận, mà hình như anh cũng chẳng biết chị giận anh từ mấy ngày nay và càng hình như chẳng biết rằng anh đã được chị khởi tâm “tha thứ” cho anh rồi. Thái độ của anh rất bình thường, anh nhìn chị nhoẻn miệng cười. Cái cười của anh làm cho khoảng không gian trong sân chùa sáng thêm lên. Chị nhìn lên trời nắng, ngờ rằng, một đám mây vừa rời khỏi mặt trời nên khung cảnh mới sáng lên đến thế…



Hình ảnh nụ cười lung linh trong buổi sáng nắng ấm làm chị lại khởi tâm nghĩ rằng. Chắc một đôi khi anh cũng... đáng ghét (một cách... bất ngờ) thật, nhưng trên mọi thứ, chị vẫn luôn nghĩ anh dễ thương.

Nghiêng tâm suy nghĩ, có thể mình chủ quan quá chăng khi nhìn anh qua một lăng kính mầu hồng như thế?


:)



Bồ-đề tâm



Từ khi thầy dạy phải tu tập sao để có được tâm Bồ-đề, từ đó về sau cứ hễ trước thời pháp, thầy lại nhắc là nên khởi một động năng tu tập để mau thành Phật quả cứu độ chúng sanh, vì lý do đó, nên chúng ta cần phải có Bồ-đề tâm.



Chị lên chùa, từ thầy xuống tới bà vãi, các bạn đạo v.v… Người nào cũng nhắc tới Bồ-đề tâm. "Phải tu tập Bồ-đề tâm". Nhưng tu sao thì không thấy nói tới, hoặc có nói tới thì chị cũng không hiểu. Nghe thiên hạ nói riết chị đâm sốt ruột, chị có cảm tưởng ai cũng thông thái quá chừng, chị còn ngờ rằng, chắc mấy chú muỗi, chú ruồi, con sâu, cái kiến, v.v. trên chùa, nếu chúng có nói được tiếng người chắc hẳn chúng cũng nhắc tới Bồ-đề tâm rồi. Riêng chị thì không. Vậy chứ không sốt ruột sao đặng?


Mô Phật. Nói ra thiệt là xấu hổ, nên chị chỉ nói nhỏ rồi len lén bỏ trên nét cho thiên hạ (người mà không biết chị là ai) coi xong thì có cười cũng chẳng sao. Nói thiệt nghen. Mô Phật! Chị nghe có chừng cả hơn triệu lần về cái vụ Bồ-đề tâm chi chi đó rồi, nhưng cho tới giờ chị cũng không biết cái Tâm Bồ-đề là... cái gì? Thì dĩ nhiên rồi, để chị trả bài cho nghe nè nha: “Tâm Bồ-đề là tâm đại từ, đại bi cầu giác ngộ để cứu độ toàn thể chúng sanh.” Mô Phật! Nghe nguyên một tràng từ rổn rảng hoa mỹ đó chị cũng vẫn... hỏng hiểu nổi. Thực tế nha, vậy thì làm sao để có nó nè? Mà hình tướng ra sao hỏng biết, chắc là đẹp lắm vì ai cũng nói về nó. Thiệt chớ, chắc là mua cũng khó nha, hỏng biết nó ở nơi đâu và giá bao nhiêu mới mua được chớ? Loay hoay quá chừng mà chẳng làm nên tích sự gì, cuối cùng chị cũng xin hẹn được gặp riêng thầy.


Đó là một buổi chiều tàn. Thầy đang ngồi trước sân sau khi tưới xong mấy bụi hồng. Chị tới lễ thầy, hỏi thăm, rồi rụt rè thưa:

-Mô Phật! Thưa thầy, con có một điều muốn hỏi, xin thầy tỏ ngộ cho con. Vì tâm con mù mịt, đặc cứng còn hơn đá cuội, nên xin thầy dạy con cách nào dễ nhất để có thể có được tâm Bồ-đề cứu độ chúng sanh.


Thầy nhìn chị. Cái nhìn bao dung từ ái. Chị bỗng cảm động tới chảy nước mắt khi chợt nhận thấy tất cả sự kiên nhẫn của thầy đối với mình. Chị hiểu đầu óc chị chậm lụt, nói nhiều, hiểu ít, vậy mà thầy vẫn không nản chí, không giận gắt. Thầy thiệt là một vị thầy tốt bụng hết sức.


Thầy nhìn chị rất lâu, như hiểu được ý người đệ tử đang băn khoăn trên con đường tu tập, rồi thong thả bảo rằng:

- Ta có một câu chuyện kể con nghe. Ngày xưa hồi còn đức Phật. Có một vị đệ tử của ngài Xá-lợi-phất căn cơ chậm lụt, dạy hoài dạy hủy người đệ tử này cũng không lĩnh hội được bao nhiêu. Dạy câu sau thì quên mất câu đầu. Cuối cùng ngài Xá-lợi-phất không còn có thể kiên nhẫn được nữa bèn khuyên người đệ tử nên hoàn tục và trở về nhà. Người đệ tử buồn rầu, đứng trước cổng chùa mà khóc. Phật biết được đi ngang qua hỏi thăm thì người đệ tử trình bày tự sự. Đức Phật bèn dạy cho người này chỉ làm một chuyện duy nhất là quét lá sân chùa. Vừa quét vừa niệm rằng, tôi đang quét tất cả những ác nghiệp của mình. Do thần lực của Phật, ông ta quét xong nửa sân này thì nửa sân bên kia lại đầy bụi đất. Vì cứ làm vậy mà cuối cùng ông ta đắc quả A-la-hán. Này con, ta cũng có một phương pháp đơn giản cho con. Con không cần phải bận tâm mấy đỗi về Bồ-đề tâm chi chi đó. Nay, ta chỉ cần hỏi con một câu đơn giản và hãy trả lời thành thật:

- Con đã được thọ quy y Tam bảo chưa?

Câu hỏi của thầy làm chị ngờ rằng có lẽ thầy… lớn tuổi rồi nên quên chăng, làm gì mà một Phật tử “thuần thành” như chị mà chưa quy y chớ? Nhưng tuy câu hỏi thiệt đơn giản, chị cũng rất nghiêm túc trả lời:

-          Dạ thưa thầy con đã thọ giới quy y Tam bảo lâu rồi.

-          Vậy con đã thọ ngũ giới cho một Phật tử tại gia chưa?

-          Dạ thưa rồi…

-          Con có còn nhớ năm giới đó là gì không?

Chị im lặng một lúc rồi mới ngập ngừng thưa:

-          Dạ thưa thầy, con nhớ chớ, nhưng xin thầy tha lỗi cho con, vì đầu óc con nhiều thứ ngổn ngang quá, nên có thể con không nhớ theo thứ tự được.

-          Không sao. Vậy năm giới cấm đó là gì, con đọc ta nghe thử.

-          Dạ… Đó là không sát sanh. Không trộm cắp. Không tà dâm. Không nói dối và Không uống rượu.

-          Giỏi lắm! Nhưng con có giữ được đủ năm giới cấm đó mỗi ngày không?

-          Dạ… con…, dạ… con… (Chị lắp bắp một hồi, bởi tuy chỉ có năm giới đơn giản quá chừng mà nhiều khi chị cũng phạm lung tung. Phạm xong rồi mới nhớ. Nay thầy hỏi một cách nghiêm túc, chị sợ tới độ chị chỉ nói cà lăm được hai chữ “dạ… con…” rồi ngồi chù ụ dưới chân thầy, nín thinh…

Thầy cúi xuống nhìn chị, lấy tay xoa khẽ lên đầu chị và nói một cách ân cần:

-          Con ạ, tất cả nó chỉ nằm ở cái điểm bé xíu nhưng rất quan trọng đó thôi. Ta chỉ cần con làm một chuyện thật đơn giản, lúc nào cũng tưởng nhớ đến năm giới cấm và cố gắng không phạm giới trong suốt ngày. Nếu có lỡ phạm giới nào thì lập tức phải sám hối ngay! Lại nữa, mỗi sáng thức dậy, hãy tưởng nhớ tới chư Phật, cảm nhận sâu xa đến lòng đại từ, đại bi của các Ngài nên niệm quy y và nếu có thể thì nên lễ lạy đủ 21 lần, quán tưởng rằng mình đang phân thân lễ hằng hà sa chư Phật ở mười phương. Sau đó, ngồi xếp bằng, để tâm thật thanh thản, không vướng bận lăng xăng, rồi ngồi chỉ việc đếm hơi thở. Nắm giữ lấy nó. Đếm từ một đến mười rồi lại đếm trở lại. Ban đầu chỉ ngồi khoảng năm phút, sau tăng dần lên. Thầy chỉ cần con làm như thế thôi. Khi nào thuần thục rồi thầy sẽ chỉ con thêm bước nữa. Con có làm được những điều đó không?

Chị ngước lên nhìn thầy, ngập ngừng:

- Thưa thầy con sẽ cố…


Mới nghe qua, chị cho đó là một phương pháp dễ quá chừng chừng. Chị vui mừng khôn xiết. Chị lễ thầy rồi vội vã ra về.


Trên đường về. Chị lại khởi tâm vọng niệm. Lại thắc mắc! Lại nghi tình! Ủa, hỏng lẽ lễ Phật mười phương mỗi ngày và ngồi đếm hơi thở chút xíu mà sao không thấy thầy nhắc tới cái Tâm Bồ-đề chớ? Mô Phật! (Chị lấy tay đập tía lia lên trán…) Thôi... thôi... Hỏng có thắc mắc lôi thôi nữa. Thầy dạy sao, làm y thinh vậy. Chừng tới khi thuần thục ba cái vụ này thì thầy sẽ chỉ mình cái khác, nhiều khi những cái-khác đó nó là con đường cho mình có được Bồ-đề tâm không chừng. Chị khởi tâm rất vui mừng và nhoẻn miệng cười:


- Mô Phật! Người xưa nói quả không sai:


Không thầy đố mày làm nên á...


 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle