PHẬT ĐẢN: Tản Mạn Chuyện Xa

PHẬT ĐẢN:

Tản Mạn Chuyện Xa

Thích Nguyên Hiệp

 

Khu phố này không có chùa, chỉ có một ngôi đền nhỏ của Ấn giáo và một nhà thờ Thiên chúa giáo. Ngôi đền nằm đầu con phố, dù rất nhỏ nhưng các sinh hoạt tín ngưỡng vẫn luôn diễn ra, và đôi khi có cả những lễ hội lớn - những khi như vậy người ta phải tận dụng con đường phía trước; còn ngôi nhà thờ thì nắm cuối con phố, nơi mỗi chủ nhật tiếng cầu kinh vẫn đều đặn vang lên.

Khu phố này có số ít người theo Phật giáo, cũng không chắc là thuần túy theo Phật giáo mà có thể cùng một lúc theo hai tôn giáo, tức họ là tín đồ của Ấn giáo, nhưng vẫn tôn kính đức Phật và có những sinh hoạt tín ngưỡng liên quan đến Phật giáo. Hôm rồi ở tại ngôi đền, một nhóm người đã mang một bức tượng Phật và một tấm ảnh của B. R. Ambedkar đặt bên cạnh ngôi đền và thực hiện một buổi lễ, không rõ là lễ gì, mà tôi thấy cậu con trai của chủ nhà cũng tham gia vào buổi lễ đó. Chủ nhà của tôi là người theo Ấn giáo.

Không biết vì do ngôi đền quá nhỏ và bên trong đã đặt tượng Thần Ganesha nên người ta không thể đặt thêm tượng Phật và tấm hình của B. R. Ambedkar vào để làm lễ, hay vì một lý do khác. Tượng Phật đặt ở đó từ đêm hôm trước và đến cuối ngày hôm sau thì được mang đi.

Maharastra được xem là địa điểm khởi phát Phật giáo Đại thừa. Điều này được nghĩ như vậy bởi vì Long Thọ và những nhà Đại thừa danh tiếng về sau xuất thân từ vùng đất này. Tuy nhiên đây chỉ là một giả thiết, bởi cũng có ý kiến cho rằng Phật giáo Đại thừa phát khởi từ vùng Bắc Ấn chứ không phải phía Nam.

Với người Phật tử ở đây, hình thức bộ phái Phật giáo là gì có lẽ không phải là vấn đề đáng quan tâm. Người Phật tử phần lớn đều là dân nghèo, hầu hết trở lại với Phật giáo từ sau phong trào phục hồi Phật giáo của B. R. Ambedkar, niềm tin đôi khi vẫn còn trộn lẫn trong Ấn giáo. Và những giá trị Phật giáo mà B. R. Ambedkar cố suý cho việc phục hưng Phật giáo không nằm nơi danh xưng bộ phái Theravada hay Đại thừa, mà ở nơi đức Phật, với sự giải thích theo cách riêng của ông. B. R. Ambedkar cũng xuất thân từ bang Maharastra.

Những tín đồ Phật giáo theo phong trào của B. R. Ambedkar kỷ niệm ngày sinh của ông long trọng không kém ngày Đản sinh của đức Phật. Phật giáo bị lãng quên một thời gian dài ở vùng đất này. B. R. Ambedkar là một trong những nhân vật đã làm sống lại Phật giáo, đem nó vào lại cuộc đời, đến với những cộng đồng người nghèo và ngoài lề xã hội. Những đặc tính của đạo Phật như tình thương, bình đẳng, tình tương ái, xóa bỏ giai cấp… được đề cao để khuyến khích những con người bần cùng nỗ lực vượt lên thân phận nghèo hèn của họ. Công lao của ông thật to lớn. Ông như một vị Bồ-tát của những Phật tử nơi đây. Tuy nhiên, vì cái gốc tôn giáo và văn hóa nơi mỗi người dân đã quá vững chắc, một phong trào dù khởi xuất có mạnh mẽ, không dễ thay đổi được nhiều điều.

Những Phật tử, sẽ giữ được đạo bao lâu nếu họ không có những cơ sở sinh hoạt tín ngưỡng riêng, và những giá trị của tôn giáo mà họ đang theo không được bồi đắp liên tục và không có những người thực hiện công việc truyền trao giáo lý Phật giáo cho cộng đồng? Sự suy thoái Phật giáo tại Ấn Độ trước đây, có người cho rằng thực ra Phật giáo không biến mất, mà đã bị sáp nhập vào trong Ấn giáo. Bởi vì sau đức Phật diệt độ vài thế kỷ, khi những yếu tố lễ nghi được các Phật tử coi trọng, Phật giáo đã đi quá gần đến với Ấn giáo. Và rồi khi đội ngũ tăng lữ Phật giáo suy yếu, Phật pháp không được truyền trao liên tục trong cộng đồng, người dân thì đặt niềm tin tôn giáo chủ yếu vào nghi lễ, mà nghi lễ lại không khác mấy với nghi lễ Ấn giáo, dần dần cái mạnh đã dung nạp cái yếu!

Hôm Giáng sinh năm ngoái, tôi rất ngạc nhiên khi thấy ngay đầu khu phố những giáo dân Thiên chúa giáo đã treo một tấm biển rất lớn, trên đó in dòng chữ Kính mừng Giáng sinh với hai bên hai bức hình Thần Ganesha và Chúa Jesus. Thần Ganesha là vị thần quan trọng trong tín ngưỡng Ấn giáo. Một niềm tin tôn giáo khác du nhập vào mảnh đất này đôi khi cũng phải “kiêng nể” Thần; nói khác hơn, người ta có cân nhắc về một niềm tin vượt qua khỏi tín ngưỡng và trở thành nguồn văn hóa chung. Những người truyền đạo Thiên chúa không dám phủ nhận tình cảm văn hóa đó của dân chúng, nhưng họ có rất nhiều cách để giữ tín đồ và không để tôn giáo của họ bị sáp nhập vào trong nền tín ngưỡng bản địa có truyền thống lâu dài và vững chắc này. Nhìn cộng đồng Thiên chúa giáo ở vùng này tổ chức lễ Giáng sinh, thấy được cách họ liên kết cộng đồng, giữ đạo tín đồ và giữ những nét đặc trưng của tôn giáo họ như thế nào.

Thỉnh thoảng, vì công việc tôi phải đi qua lại giữa hai thành phố Mumbai và Pune. Con đường cao tốc nối hai thành phố này được xem là một trong những con đường đẹp và hiện đại nhất của Ấn. Con đường dài hơn 120 kms băng qua nhiều đường hầm, vượt qua những ngọn đồi, qua những nơi nghỉ dưỡng với những khu biệt thự sang trọng dành cho giới giàu sang. Nhưng xã hội, có giàu thì có nghèo, có sang thì có hèn, có những ngôi biệt thự xinh đẹp thì cũng có những khu nhà rách nát mà đôi khi có tên gọi khác là khu ổ chuột.

Trong một lần từ Mumbai trở lại Pune, tình cờ tôi nhìn thấy một lá cờ Phật giáo được cắm lên nơi một khu dân cư nghèo. Một là cờ Phật giáo nếu được cắm nơi một ngôi chùa nào đó có lẽ sẽ không gợi lên nhiều chú ý, nhưng khi nó phất phơ nơi một khu lao động nghèo thì có gì đó khiến mình phải để tâm đến. Và từ nhìn thấy lá cờ, tôi phát hiện có một bức tượng Phật nằm phía dưới lá cờ, và từ nhìn thấy bức tượng Phật, tôi phát hiện ra ngôi chùa nhỏ nằm ở bên cận.

Ngôi chùa, có kiến trúc như một ngôi đền Ấn giáo, bé nhỏ như bao ngôi nhà rách nát trong khu lao động này. Ở trong một cộng đồng dân cư như vậy, ngôi chùa cũng phải như vậy. Chắc sẽ khó coi lắm nếu ở đó ngất ngưỡng một ngôi chùa cao to, mang danh hiệu nhất nhì này kia. Ngôi chùa như vậy mới gần gũi được với những con người khốn khó kia; Phật của những dân nghèo thì cũng phải như dân nghèo! Khu dân cư nghèo này có lẽ chỉ mới trở lại với Phật giáo từ sau phong trào của B. R. Ambedkar. Trong khi những nơi khác, các Phật tử mới không dựng lên được một ngôi chùa cho mình vì số lượng tín đồ ít ỏi và rãi rác, thì ở đây họ dựng được, bởi vì dù nghèo nhưng họ có cả một cộng đồng. Chùa và tượng là vật bên ngoài, nhưng qua chùa và tượng người ta tìm về Phật bên trong!

Ở Ấn Độ, đi đâu cũng thấy đền, ngoài một số ngôi đền lớn, còn hầu hết đều nhỏ, và rất nhỏ, đôi lúc như một cái am. Người Ấn giáo mỗi khi đi qua những ngôi đền, hoặc sẽ xá lạy, hoặc cúi người, hoặc làm những dấu thánh của riêng tôn giáo họ. Người ta cúi đầu trước những ngôi đền bởi vì niềm tin, vì văn hóa. Con người có cần cúi đầu trước những giá trị văn hóa truyền thống không? Chính sự cúi đầu trước những ngôi đền, người Ấn tạo nên được con người văn hóa của riêng dân tộc họ, khó có gì làm thay đổi hay xói mòn.

Ngôi chùa hiện hữu trong cộng đồng, người Phật tử cúi mình khi đi qua, dù chỉ mơ hồ, cũng hình thành nên trong họ những giá trị văn hóa riêng. Khi chùa không có, người Phật tử không có nơi chốn để gặp gỡ, đời sống văn hóa tôn giáo dần bị mai một; hay khi có chùa, nhưng chùa bị quá nhiều yếu tố ngoại lai sáp nhập, và rồi khi người ta cúi mình trước một ngôi chùa, cùng một lúc lại nhận quá nhiều nguồn văn hóa, và rồi cái nào mạnh cái đó vượt qua cái yếu…

Tháng Tư, lại đến mùa Phật đản. Đối với người đệ tử Phật, Phật đản là một ngày lễ thiêng liêng, tất nhiên rồi! Ở Ấn Độ, dù số lượng tín đồ Phật giáo không còn là bao, nhưng Phật đản (Buddha Jayanti/Purnima) vẫn được xem là một ngày lễ quốc gia, và dân chúng được nghỉ vào ngày này. Trước Phật đản, một vài tờ báo còn nhắc nhở dân chúng nên đống cửa tiệm, nên nghỉ buôn bán… Thì chỉ là nhắc vậy thôi, công nhân viên chức thì rõ ràng là ở nhà, còn những người buôn bán và làm công việc tự do thì có quyền của họ, có lẽ ở đâu cũng vậy.

Chỉ là một bài viết tản mạn nhân mùa Phật đản, như là những chia sẻ về những gì cảm nhận được trong những tháng ngày ở nơi mảnh đất mà Phật giáo được khai sinh này.

 

Nguồn: Tập san Hoằng Pháp 29

Chia sẻ: facebooktwittergoogle