Thử tìm một vài ý nghĩa trong câu đối chùa Bà Đa

Thử tìm một vài ý nghĩa trong câu  đối chùa Bà Đa 

   Thích Không Nguyện 
 

   Lặng lẽ khép mình bên dòng sông Hàn thơ mộng, ngôi chùa Bà Đa với mái ngói lưu ly trong xanh. Dâu bể thăng trầm, hôm nào đây, khu vực này chỉ là gò hoang đầy nắng cát. Thế mà giờ đây, ngôi Phạm vũ uy nghiêm sừng sững giữa phong ba tuế nguyệt.

   Cổng Tam quan

   Không biết ở đâu đây, có ngôi chùa mà khi bước vào, ngay chính ngôi cổng phụ, không hề có tên chùa mà lại là câu: Rủ sạch tham sân si, tu trì giới định tuệ. Hãy rủ sạch lòng trần, buông mọi não phiền để bước chân vào chốn thiền môn. Ngôi chùa còn có nghĩa là tịnh xứ, hay chỗ nhàn tịnh, mọi âm ba rộn ràng của trần đời phải gác lại bên ngoài khi bước vào chốn Tịnh độ giữa cõi hồng trần.

   Từ  ngoài nhìn vào, bốn trụ biểu hiên ngang như những cây cột chống trời cho người dân yên bình sinh sống. Mặt ngoài hai trụ biểu chính với hai câu đối hiện hữu giữa sương sớm:

   覺道弘開四眾同登歡喜地

   禪門清淨全民共享太平歌

   Giác  đạo hoằng khai tứ chúng đồng đăng hoan hỷ địa

   Thiền môn thanh tịnh toàn dân cọng hưởng thái bình ca

   Nghĩa là, khi đạo giác ngộ được tuyên dương, mở ra chân trời tỉnh thức, những người con Phật, tại gia lẫn xuất gia đều có duyên lành tắm gội trong biển cả chánh pháp, gột rửa dần dần những cấu bẩn của thế gian mà bước vào cảnh giới an lạc với niềm hoan hỷ vô biên. Để rồi khi tâm tư đã không còn những cáu bẩn của phiền não thì chốn thiền môn trở nên thanh tịnh. Chốn không môn sẽ là nơi trở về nương tựa cho biết bao chúng sanh trên dòng đời xuôi ngược. Hết thảy hữu tình nương tựa tiếng kinh lời kệ để sám hối tu thân thì thế giới sẽ hòa bình, an lạc.

   Để rồi sớm hôm, hay cả những kỳ Sóc – Vọng, lời nguyện cầu vang vọng giữa thinh không: Nguyện chúc đạo Phật sáng thêm, Pháp môn càng ngày càng tỏ rạng, gió hòa mưa thuận, đất nước bình an. Khắp nơi thành thị nông thôn, mọi giới biết noi theo đường tu tập. Thiên nhiên được bảo vệ an lành, xã hội hưởng tự do bình đẳng. Lại nguyện: Xin thổi ngọn gió từ bi thanh lương vào thế gian nóng bức. Đem mặt trời trí tuệ rạng rỡ về ngự giữa không gian âm u. Khắp nơi đạo giải thoát được tuyên dương, mưa pháp thấm nhuần chúng sanh đều lợi lạc.1

   Bước vào mặt trong, hai câu đối bằng chữ Việt, mang âm hưởng quê hương, chan hòa trong sương sớm nắng chiều:

   Chùa Bà Đa sương sớm còn vương tiếng chuông khuya điểm nhịp vô thường gọi cùng tử  một đời tu tịnh giới

   Phường Mỹ An nắng chiều soi bóng tiếng mõ  trưa vọng khúc hải triều mời lữ  khách muôn kiếp niệm tâm kinh

   Từ  vô lượng kiếp, chúng ta là những đứa con hoang, bỏ nhà trốn đi lang thang làm kẻ bụi đời; những tên cùng tử nghèo hèn, sống lây lất nơi đầu đường xó chợ. Đã từng lăn lộn trong sáu đường quên mất lối về, lênh đênh trôi dạt nơi biển khổ sanh tử không biết đâu là bến bờ giải thoát. Có khi thì vui cười hỉ hả, hưởng thú vui ngũ dục trên các cõi trời; lúc thì kêu la, khóc lóc, kinh khiếp hãi hùng, chịu hành hạ trong cơn dầu sôi lửa đốt, nằm giường sắt, ôm cột đồng nơi đường địa ngục. Hoặc có khi hò hét đấu tranh, tâm lúc nào cũng đầy sân si thù hận, gây bao cảnh đầu rơi máu đổ ở cõi A tu la. Hoặc lắm lúc phải chịu đọa đày nơi cảnh lầm than đói khát nơi đường ngạ qủy. Rồi cũng có khi vì si mê ám chướng phải đọa làm loài súc sanh, phi cầm, tẩu thú, mang lông, đội sừng, mang vác, cày kéo nặng nề, ăn dơ ở bẩn v.v..

   Và  cứ thế chúng ta cứ đi mãi, đi mãi đến những phương trời vô định. Sống lây lất hết quán trọ này đến quán trọ khác, chưa lúc nào dừng nghỉ. Càng đi càng biệt mù tăm dạng.

   Vì  thế, trong Khoá hư lục, Ngài Trần Thái Tông khi diễn tả về bốn núi sinh, già, bệnh, chết qua mấy bài kệ, trong đó có câu : Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách. Nhật viễn gia hương vạn lý trình.

   Bây giờ, ngay đây nếu một phen chúng ta biết quay lại, lắng sâu tận đáy lòng, hồ tâm trong lặng, ngay đó buông tay, toàn thân nhẹ nhõm, chẳng cần giở chân cất bước, liền đã đến nhà ngồi sẵn tự bao giờ.

   Rùa mù  đáy biển sâu vạn dặm  
Ngàn năm mặt biển bộng cây trôi  
Cơ duyên vạn thuở rùa gặp bộng  
Chui tọt vào hang chẳng nghĩ bàn

   Lúc ngủ chiêm bao thấy mình đau nặng, hoảng hốt lo sợ, lăng xăng chạy tìm thầy chữa bệnh. Giật mình tỉnh dậy, biết rõ là mộng thì có đi tìm ông thầy nào để chữa chứng bệnh trong chiêm bao ấy nữa. Thế nên nói "pháp an tâm mà không có pháp", chỉ "thường biết rõ ràng nói không thể đến", hoặc là "Thiền tông không một pháp cho người". "Khi mê thì thầy độ, khi ngộ rồi con tự độ vậy"

Ngoài kia nắng ấm hoa đua nở,  
Trong này rực rỡ một cành xuân.  
Ngoài ấy trong này đâu cảnh khác,  
Làu làu một thể hiện toàn chân.

   Rõ  ràng ngay cái đương sanh là cái vô sanh, ngay cái đương diệt là cái bất diệt. Tất cả  những sự sanh sanh, diệt diệt đều lồng trong cái bản thể bất sanh bất diệt. Dầu cho cõi tam thiên đại thiên thế giới đồng thời tan hoại, thể ấy cũng không hao bớt, và dù cho cùng một lúc hằng hà sa thế giới có sanh khởi, thể ấy vẫn không tăng thêm. Vậy thì có còn sanh tử nào để cầu thoát ra và còn có Niết bàn nào để mong được đạt đến. Vì tất cả thực tại đang ở vào chân trời giải thoát rực rỡ, và tắm mình trong ánh sáng chân lý vô biên.

     Trụ biểu cổng phụ mặt ngoài

   護法龍天照徹普周沙界

   伽藍聖眾恩霑利樂群生

   Hộ  pháp long thiên chiếu triệt phổ châu sa giới

   Già  lam thánh chúng ân triêm lợi lạc quần sanh 

   Mặt trong  

   Thắp  đèn bát nhã chiếu tan tục niệm bước vào tuệ  giác

   Dùng nước cam lồ gột sạch phiền não ra khỏi vô  minh 

   Ánh sáng lung linh của tinh tú, chói lọi của mặt trời, hay u huyền của vầng trăng có thể giúp cho vạn hữu thoát khỏi mọi phiền tạp, mò mẫm, tối tăm và u ám của cuộc đời. Ánh sáng của chánh pháp, của tình thương có thể giúp cho muôn loài sống an vui tự tại, xua tan tất cả mọi bóng tối của si mê lầm lạc. Ánh sáng và tình thương là hai trạng thái vô cùng rạng rỡ và hoạt dụng trong nguồn sống của đạo Phật. Đó chính là chất liệu tinh anh, là văn hoá nhân bản được thể hiện một cách trọn vẹn trong Phật giáo.

   Phật giáo hiện hữu cùng với sự hiện hữu của vô  số con đường và phương tiện, mà đích cuối cùng của tất cả mọi con đường và phương tiện đó đều là thắp lên nguồn sáng trí tuệ giác ngộ cho tất cả chúng sanh. Chỉ có nguồn sáng giải thoát của chính tâm hồn mới là chốn vinh quang của mọi hạnh phúc. Chỉ có giúp cho tâm tánh chúng sanh giải thoát khỏi mọi vọng hoặc phược triền của những chướng ngại Tham- Sân- Si và Chấp ngã, thì mới có thể thành tựu trọn vẹn ý nghĩa của sứ mạng mang lại an lạc vĩnh cữu cho chúng sanh. Tinh thần đó được tuyên dương trong một đoạn của Kinh Trung Bộ như sau: “Thật vi diệu thay Tôn giả Cù Đàm! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì đã bị che khuất tối tăm, chỉ hướng cho những kẻ bị lạc lối lầm đường, đem nguồn sáng vào tận những nơi sâu thẳm , giúp những ai có mắt nhìn thấy được rõ ràng.” Quả thật, hoàn cảnh mà chúng cô hồn ngạ quỷ chiêu cảm luôn đúng với những thực trạng của những gì đang bị quăng ngã xuống, đang bị che khuất bởi sự u ám của đêm trường vô minh, đang bị vọng nghiệp vùi dập vào tận cùng đáy sâu của khổ ải. Họ thật sự đang trông mong sự cứu tế từng phút từng giây. 

   “Hắc hắc minh đồ vô nhật nguyệt,

   Mang mang nghiệp hải thiểu từ  hàng.

   Dục khai cam lồ vô giá  hội,

   Đàn nội tiên tu khởi giác hoàng.”

    Phật giáo trước hết đem lại một niềm an ủi vô bờ  cho những chúng sanh khổ đau, rồi hướng đến mở  ra con đường rạng ngời cho những chúng sanh có khả năng giác ngộ. Với ánh sáng Chánh pháp, mọi chốn u đồ dù ở trần gian hay địa ngục đều được hiển lộ khả tính giác ngộ tuyệt vời. Từ sự khởi đầu khai mở thực tính huyễn mộng của các pháp, rồi dần dần hướng nhìn về cảnh giới mỹ thiện vĩnh hằng.

   Tiền  đường – chánh điện

   Khi những hạt sương còn long lanh trên ngọn cỏ. ánh nắng ban mai chiếu qua như những hạt ngọc long lanh. Ngôi chánh điện uy nghiêm, liên kết liên hoàn Tiền đường – chánh điện.

   Bước chân vào tiền đường, Bức hoành chính giữa, với bốn chữ Đại hán tự sắc vàng: Đại hùng bảo điện (殿寳雄大); Bức hoành bên trái: Y pháp lạc trú (住樂法 ); Bức hoành bên phải: Trí đức trang nghiêm ( ). Tiếp nữa, chúng ta bước vào Chánh điện, ngước nhìn lên, Bức hoàng chánh điện trước, cũng Hán tự, tạo nên sự uy nghiêm: Phổ thiên hoa chấn ( ). Ở đây, còn có hai câu đối, dạng chữ hành thảo:

   通敎熏修繚繞香雲儼 儼靈山尚在

   道塲建立融和聖氣巍 巍鹿苑初成

   Thông giáo huân tu liễu nhiễu hương vân nghiễm nghiễm linh sơn thượng tại

   Đạo tràng kiến lập dung hòa thánh khí nguy nguy lộc uyển sơ thành

   Một buổi sáng ra vườn, chợt thấy mấy chồi non vừa nhú, rụt rè, mảnh mai, run rẩy trước làn gió nhẹ. Những giọt sương trong vắt còn đọng trên lá cây, phản chiếu tia nắng mai lóng lánh ngũ sắc. Có một cái gì đang chuyển động thật khẽ, thật êm trong trời đất, trong vạn vật, như một sự hồi sinh sau những tháng đông miên.

   Xuân sanh hạ trưởng thu liễm đông tàn. Mùa xuân  đất trời theo luật tuần hoàn, đến rồi lại đi. Con người cũng chịu ảnh hưởng của luật vô  thường sinh già bệnh chết. Tất cả đều chuyển dịch, đều đổi thay, đều sinh diệt, như sương buổi sớm, như nắng chiều thu...

   Mỗi  người chúng ta, dù xuân bên ngoài có đến đi mà tự thân vẫn luôn an ổn, vì trong ta đã có một đóa hoa Xuân không bao giờ tàn nở, luôn nguyên vẹn tinh khôi, luôn tươi nhuận sắc hương cung hiến cho muôn loài. Rõ ràng là, đóa hoa trong tay Ðức Bổn Sư vẫn còn tươi thắm, pháp âm vi diệu nơi Hội Linh Sơn vẫn còn vang vọng từ ngàn xưa cho đến ngàn sau.

   Đại Thừa chủ trương Đức Phật thường trụ ở đời; nếu tâm được an tịnh thì sẽ thấy những cảnh giới nhiệm mầu mà thân phàm mắt thịt không sao thấy được. Ngài Thiên Thai Trí Giả Đại Sư trì tụng Kinh Pháp Hoa, lặng lẽ nhập định, thấy hội Linh Sơn vẫn còn, Đức Phật đang thuyết pháp cho chư Bồ tát, Thanh Văn và chư Thiên. Kinh Pháp Hoa còn đưa ra một thí dụ khác, ví Niết Bàn của Tiểu Thừa như một hóa thành, nghĩa là một tòa thành do thần thông biến hóa ra không thật có không phải là chỗ an trú vĩnh viễn mà chỉ là nơi tạm nghỉ chân để dưỡng sức trước khi tiếp tục cuộc hành trình khó nhọc mà cứu cánh là quả vị Phật ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Niết Bàn còn là một phương tiện nghỉ ngơi ở giữa đường dài, chỉ là một kết quả tạm thời bé nhỏ đối với các kết quả to lớn là Phật quả. Niết Bàn đó không chân thật, rốt ráo chỉ do sức của Như Lai nơi một Phật thừa mà phương tiện nói thành ba. Bổn hoài của Phật là đưa chúng sinh thẳng một đường đến Phật quả, con đường đó chỉ có một, đó là Phật thừa; nhưng vì chúng sinh tự lực yếu kém, chí nguyện thấp hèn, cao thì sợ, xa thì chán nên bất đắc dĩ Phật phải quyền lập tam thừa, quyền nói Niết-Bàn, để chúng sinh có chỗ nghỉ tạm hưởng an vui chốc lát cho hết mệt, hết sợ, hết chán; sau đó Phật lại dẫn người tu hành tiếp tục lên đường hành Bồ Tát đạo, tự giác giác tha, lợi mình lợi người, không phải là những mầm mống hư nát (tiêu ma hoại chủng), không giữ thái độ trầm không thủ tịch, mà lăn xả vào cuộc đời để cứu đời, làm mọi việc lành mà không chán, sống trong bùn mà không hôi, đắm trong sắc mà không ham, không còn chấp hình danh sắc tướng, quên mình để cứu giúp mọi loài, đó là hình bóng của Bồ Tát Quán Thế Âm tầm thanh cứu khổ, đó là Bồ Tát Địa tạng với lời nguyện lớn: Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật, Chúng sinh độ tận, phương chứng bồ đề.

   Đạo tràng vừa dựng lên giữa cõi hồng trần cho thập phương thiện nam tín nữ trở về quy ngưỡng nhằm thăng hoa nếp sống Thiền môn. Phảng phất đâu đây hình bóng Đức Từ phụ với nụ cười hoan hỷ. Và chỉ một phút lắng lòng, vẫn rõ ràng đây là ngày đầu tiên khai hội Lộc uyển, sơ chuyển Pháp luân, để bánh xe chánh pháp lan rộng khắp mọi phương sở, đem đạo vào đời, nhằm mục đích dựng lại những gì đã đổ vỡ, khai mở những gì bị che khuất và bật đèn soi đường chỉ lối cho chúng sanh nhằm khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến.

   Ngước nhìn vào trong, chân dung tôn tượng Đức Bổn Sư uy nghiêm trong dại định, những vẫn phảng phất lòng từ bi hỷ xả vô biên. Bên trên là bức hoành với hàng chữ: Phạm vũ quang huy ( ); Bức hoành bên trái: Phủ hoài lục độ ( ); Bức hoành bên phải: Cao tạ từ lưu ( ). Hai bên là hai câu đối, cũng sơn son thếp vàng:

   登大雄殿瞻仰慈容 性地清涼塵垢淨

   入法寳林親近妙諦寸心熱烈菩提生

   Đăng đại hùng điện chiêm ngưỡng từ dung tánh địa thanh lương trần cấu tịnh

   Nhập pháp bảo lâm thân cận diệu  đế thốn tâm nhiệt liệt bồ  đề sanh

   Bước vào ngôi bảo điện, chiêm ngưỡng nét hiền từ  của đức Từ phụ, bao nhiêu muộn phiền tiêu tan, vắng bặt mọi âm ba nhiễm – tịnh. Uớc nguyện tu tập, xa lìa các cấu nhiễm mà chúng ta đã huân tập trong vô lượng kiếp tồn sinh. Nhờ ánh sáng chánh pháp, tiếp xúc chân lý chắc thật vi diệu, nhận ra đường đi nẻo về, phát khởi đại nguyện hóa độ chúng sanh.

   “Những năm tháng trôi nỗi bồng bềnh trong cuộc đời, lênh đênh như cánh hạc phiêu du, đâu là nguồn cội? đâu là bến đổ? Phương nao trời lạ hương cánh đồng hoang. Trầm mình trong rừng sâu, khí thiêng nước độc, khổ hạnh thanh sơn cùng cốc, một hạt mè nuôi thân tứ đại; bao nhiêu phương pháp có thể nghĩ được là có thể thực tập. Khổ hạnh ép xác; buông lung thoả mãn các dục. Rốt cùng chân lý nằm đâu giữa đất trời bao la, mênh mông, không một gợn mây đầu hạ hay cuối thu; không một chút ánh sáng le lói cuối chân trời mộng và thực. Mọi sự truy tầm dường như bước vào ngõ cụt, bế tắt.

   Một thoáng gió thu mời gọi, mây trắng bàng bạc vây quanh. Tiếng rống trầm hùng của Sư  tử chúa vang vọng giữa núi  đồi cô tịch. Mọi trói buộc bị  chặt dứt. Nào ngã ái, ngã mạn, ngã si và ngã kiến, tan nát như bụi bặm, biến mất giữa hư không. Khổ – Tập – Diệt – Đạo, chân lý bao trùm vũ trụ, gói gọn tất cả mà cũng có mặt trong cái nhỏ nhất của thế gian. Mọi phạm trù triết học Đông – Tây cũng không ngoài khuôn khổ ấy. Tiếng kêu của con nhái ở trời Tây đánh động cánh bướm đang ngủ vùi trên cành non của lá ở trời Đông. Con bướm trở mình, bay đi làm chao nghiêng cả bầu trời sinh – diệt.

   Kiều Trần Như, tiếng gọi vang vọng, con đường “Trung Đạo” (5) có mặt trong cuộc sống thường nhật, trong đời sống tu tập. Khổ hạnh đâu rồi? buông lung các dục còn mô? Kiếp tu hành trên  ngọn Tuyết sơn, những Đạo sĩ khắc khổ điểm thắm nụ cười và thầm gọi: Thế Tôn có mặt giữa cuộc đời!”2

   Hậu tổ

   Với  Bức hoành giữa, sơn son thếp vàng: Tổ ấn trùng quang ( ), Tông phong vĩnh chấn. Câu đối duy nhất ở đây, hàm ý chỉ bày thấy tánh, trong lời rõ nghĩa, nào ai đầu sào thêm bước.  Trừ vọng cầu chơn, nói ra hiểu ý, ai từng tâm nội đảm đương.

    圖見性言下知皈誰示竿 頭進步

   撥火參玄聲前悟旨始能心內承當

   Chỉ  đồ kiến tánh ngôn hạ tri quy thùy thị can đầu tấn bộ

   Bát hỏa tham huyền thanh tiền ngộ chỉ thỉ năng tâm nội thừa đương3

   Nghĩa là: Chỉ nơi bản đồ mà thấy tánh, ngay dưới câu nói biết nẻo về, ai là kể đầu sào bước thẳng tới. Vạch gai gốc tìm học đạo thâm huyền, trước khi phát ra đã ngộ tông chỉ, mới tự trong lòng thừa đương lấy được.

   Như  kim chỉ nam soi đường cho mọi người biết nẻo về, thấy được bản tánh chơn như, thấy rỏ bổn lai diện mục xưa nay. Không cần ở đâu xa, ngay dưới lời nói đã thấy được đường đi lối bước, ngay nơi cánh tay đã thấy được ánh trăng vàng. Song ai có đủ khả năng nhận biết, có đủ hạo khí để thấy như thật thấy không? Chỉ có bậc hạo nhiên, trên đầu sào muôn trượng dám bước thêm bước nữa để tự khẳng thừa đương.

   Mùa xuân năm Mậu tý (1708), trên con đường trở lại Kinh đô, cỏ dại rêu phong sau 2920 ngày đã lấp đầy lối cũ. Ngài Liễu Quán tìm đến Long sơn cầu Hòa thượng Tử Dung ấn chứng. Ngài đem chỗ công phu của mình tuần tự bộc bạch rõ ràng. Hòa thượng Tử Dung đã cho Ngài nếm thêm một lần pháp dược:

   ‘Ra nơi hố thẳm buông tay,  
Lao mình nhảy xuống hiểm nguy cam đành.  
Chết đi sống lại chính mình,  
Không còn ai kẻ dối khinh được nào!’

   Như  khế hợp với niềm mong ước từ lâu, Ngài vỗ  tay reo cười với nỗi mừng vui cháy sáng. Như con chim đã chui qua mạng lưới, Hòa thượng Tử Dung đã xé toạc những mắc võng cuối cùng bằng lối phủ nhận có dấu than. Tổ dạy: ‘Chẳng nhằm, chẳng nhằm!’. Có nghĩa là không nhằm nhưng không nhằm mới đích thị là nhằm. đây là triển khai lý sắc không Bát-nhã. Chính vì điểm khế hội ấy nên Ngài nhậm lẹ đối ngôn:

   ‘Xưa nay sự thật rõ ràng,  
Quả cân này vốn làm bằng sắt kia’.

   Lại hai chữ ‘không nhằm’toát ra từ kim khẩu của Tử Dung Lão Tổ. Đây chính là lưỡi dao sắc, cắt nốt mắt lưới cuối cùng để cho cánh hồng điểu tung trời lướt gió.

   ‘Nếu như sớm biết đèn là lửa,  
Nếu chắc chắn rằng cơm chín đã lâu’.

   Tổ  đường

   Khi bước đến đây, Bức hoành giữa, Truyền đăng tục diệm ( ) hiện hữu trước mắt mình. Ở đây có hai câu đối diễn tả ý nghĩa truyền thừa trong thiền môn, để mạng mạch chánh pháp mãi mãi lưu truyền.

    祖傳燈永播禪流荷正法

      續焰長承慧命振宗風

   Tổ  tổ truyền đăng vĩnh bá  thiền lưu hà chánh pháp

   Sư  sư tục diệm trường thừa tuệ  mạng chấn tông phong

   Thắp sáng mục tiêu cao cả của Đạo Phật, đó là  sứ mệnh thiêng liêng của Chư Tổ. Dù ở  hoàn cảnh nào cũng hoằng dương Phật Pháp để chuyển hóa con người đến giác ngộ, giải thoát cho tự thân và tha nhân.

‘Xưa nay Phật, Tổ truyền nhau,  
Chẳng hay Phật, Tổ truyền trao vật gì ?’

   Nhà  Thiền có câu “truyền đăng tục diệm”, có nghĩa là truyền nhau ngọn đèn, giữ cho lửa liên tục cháy sáng. Đây không đơn giản là một ngạn-ngữ hay một thành-ngữ, mà chính là một sứ mệnh, một tâm nguyện, một đại nguyện của người con Phật đối với sự trường tồn của Chánh Pháp Như Lai.

   Nhắc lại công hạnh và bản nguyện truyền thừa của Chư  Lịch Đại Tổ Sư cũng như những gì chúng ta đã và đang làm, không phải để tự hào mãn nguyện mà chính là để tự nhắc nhở và khuyến khích lẫn nhau trong việc “truyền đăng tục diệm”.

   Theo tinh thần kinh Cầu Pháp của Hán tạng hay kinh Dhammadāyādasutta (Thừa tự Pháp) của Trung bộ Nikāya, mối quan hệ giữa Thầy và Trò được xác lập nhờ Pháp, cho nên, người học trò là sự nối dài hình ảnh người Thầy, là sự tiếp nối sự nghiệp của Thầy, “Nhất đăng diệt, nhất đăng tục”. Do vậy, yếu tố chắc chắn là người học trò phải kế thừa Pháp từ nơi Thầy của mình. Điều này không bao giờ sai khác, chắc chắn là như vậy. Và chỉ có vậy, mối quan hệ này mới thiêng liêng, mãi mãi tồn tại qua mọi thời gian và không gian. Cũng nhờ thế mà chất liệu Pháp luôn luôn được thắp sáng, được tiếp nối, khiến kho tàng Chánh pháp không bị mai một, không bị gián đoạn mà luôn luôn được truyền thừa “Truyền đăng tục diệm”. Cho nên, trong bài Tựa Luật Tứ Phần, có nhắc đến sự truyền thừa “Sư tư tương thừa”, nói lên sự kế thừa của đức Phật Mâu Ni từ các đức Phật trong quá khứ:

   Tỳ  Bà Thi Thi Khí  
Tỳ Xá, Câu Lưu Tôn  
Câu Na Hàm Mâu Ni  
Ca Diếp, Thích Ca văn.

   Các  Đại đức, Thế Tôn   
Vì tôi dạy việc này,  
Tôi nay muốn nhắc lại  
Quý vị, hãy cùng nghe!

   Còn ngược lại, người học trò không kế thừa Pháp, mà lại kế thừa tài sản thì đó là hình ảnh giới thiệu chúng ta mối quan hệ oan nghiệt, đầy oán thù. Và cũng tự giới thiệu hình ảnh người học trò không nhận ra được nhân duyên gì mà mình được làm học trò của Thầy mình.

   Đời sống con người sở dĩ bất an vì luôn luôn sống trong sự loạn động, nuối tiếc qúa khứ và vọng hướng tương lai. Hết nắm bắt, buông bỏ rồi lại rượt theo ảo ảnh, vì thế mà đời người luôn luôn sống trong sự rối rắm, sợ hãi, lo âu và phiền muộn. Do bất giác mê lầm, vô minh tạo nghiệp nên đời đời sanh tử và vĩnh kiếp trầm luân. Một phen tỏ ngộ mới hay ra vô lượng kiếp tử sanh như giấc mộng. Xưa nay, thường ở giải thoát mà vọng thấy bị buộc ràng, thường ở Niết bàn mà mộng thấy tử sanh.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle