Những kẻ ở trọ
Nguyên Hiệp
Tiếng đống cửa rất mạnh. Sức mạnh dồn vào cánh cửa, đập vào thành cửa, và khiến người nghe phải giật mình mỗi khi cô gái ra vào phòng. Không hiểu sao một cô gái với vóc người khá mảnh dẻ và rất đỗi dịu dàng lại có những cái đống cửa quá ư nặng nề. Ngày đầu cô chuyển đến, tôi đã ấn tượng ngay với kiểu đống cửa của cô, mà lúc ấy tôi nghĩ là do cô đang buồn giận hay có chuyện gì đó bực mình. Thói quen suy nghĩ của tôi bảo vậy, bởi thấy nhiều người thường trút giận lên chén bát, ty vi, vợ con và kể cả khi đống cửa hay lái xe. Nhưng kinh nghiệm của tôi đã sai trong chuyện này, bởi sau vài ngày thì tôi nhận ra rằng không phải cô gái đang trút giận lên cánh cửa mà chỉ do thói quen – thói quen đống cửa mạnh.
Cô gái ở tầng dưới. Cửa vào phòng nằm ngay cầu thang. Thỉnh thoảng tôi gặp cô ở cầu thang, nhưng chúng tôi không hề chào hỏi nhau, bởi cô luôn cúi mặt nhìn sang một bên và nép mình qua cầu thang nhường lối. Và nhìn thấy cô kéo chiếc khăn trùm đầu xuống thêm tôi hiểu là mình nên đi nhanh qua, hơn là bước chậm lại chào một câu xã giao. Nhưng nơi cô gái tôi thấy không biểu hiện chút gì sự rụt rè nhút nhát. Thái độ ấy có lẽ chỉ là thói quen – thói quen cúi mặt mỗi khi gặp người lạ.
Riết rồi tôi cũng quen, coi chuyện gặp mặt cô và đi nhanh qua là một chuyện phải vậy. Không khác được. Nhưng tại sao cô phải cứ cúi mặt? Cứ ngẩng lên thì đã có sao… Ờ, mà đâu có thể nói vậy được nhỉ. Con người ta có những thói quen khác nhau; và có những thói quen nhiều khi thật bình thường nhưng lại khó hiểu.
Nhưng rồi cô gái đã tìm đến tôi, không phải để nói chuyện mà nhờ đống giúp cánh cửa, bởi cô không thể nào đống được. Đó là hậu quả của một quá trình liên tục đống cửa mạnh mà có lẽ cô đã không ngờ đến. Tất nhiên là tôi đã giúp cô. Và cánh cửa đã đống lại được sau khi dùng búa gõ lại thành cửa. Cô gái cám ơn, nhưng không nhìn thẳng vào tôi, cũng như lúc lên nhờ. Thay vì nói “không có chi” như thường được dạy để đáp lại lời cám ơn, tôi nói, “Tôi nghĩ cô không nên đống cửa quá mạnh. Cánh cửa bị hổng có lẽ do điều đó”. Cô gái ngẩn người một lúc rồi nói, “Thật vậy sao? Từ đây tôi sẽ đống cửa nhẹ hơn.” Rồi thôi, không nói gì nữa. Và tôi không còn gì để làm, cũng không biết gì để nói, nên lên lại phòng mình.
Sau lần đó, mỗi khi gặp tôi cô đã cất tiếng chào, hoặc đáp lời khi tôi chào trước, nhưng vẫn không hề ngẫng đầu lên. Thôi vậy cũng được, dù sao đã có tiến bộ. Có lần cô hỏi tên tôi sau khi đã giới thiệu tên mình. Tôi đáp, “Tên tôi là Đăng”, một câu đầy đủ chủ vị. Cô nhíu trán một đỗi rồi phát âm và hỏi lại, “Có phải tên anh (hoặc mày) đọc là Đang không?” Tôi cười, đáp phải, cho xong. Bởi chẳng thể bảo cô đọc cho đúng được, cũng như mình chưa chắc đã đọc đúng tên của cô. Càng lúc thấy cô càng thân thiện hơn. Có lần cô hỏi tôi, “Sao thấy anh ăn mặc khác mọi người?” Tôi cười, đáp, “Tôi là một tăng sĩ Phật giáo.” Cô ngớ người ra rồi à lên như hiểu được một điều bí ẩn.
Tôi gặp cô lần cuối cũng tại cầu thang, bốn tháng sau khi cô chuyển về sống ở ngôi nhà này. Cô ngồi khóc tức tưởi trước cửa vào phòng. Sách vỡ rớt vung vãi trên bậc cấp. Chiếc khăn trùm tuột khỏi đầu, vất vưởng một nửa trên bờ vai. Cô gái đang gặp chuyện bất ổn, và điều đó hình như đau đơn lắm. Tôi dừng lại, nói một câu khá sáo, “Cô chắc đang gặp chuyện bất ổn. Tôi có thể giúp gì được cô không?” Đến khi nghe tiếng nói cô mới biết rằng tôi đang hiện diện ở đó. Cô nhặt chiếc khăn choàng lại lên đầu, vắt một vạt qua khuôn mặt đầm đìa nước mắt, rồi lắc đầu. Tôi nhặt mấy cuốn vỡ đặt dưới chân cô, không còn biết làm gì khác hơn.
Ngày hôm sau cô gái không đến trường. Cửa phòng đống im ỉm. Ngày tiếp vẫn không thấy cô, tôi tìm gặp chủ nhà để hỏi thăm. Ông chủ im lặng một lúc rồi thở dài, “Cô bé về nước rồi. Ba cô ấy bỏ mạng trong một vụ nổ bom”. Ông chủ nói chậm, giọng ngẽn và đôi mắt hằn lên sự căm giận. “Cô ấy có trở lại không, thưa ông?” Tôi hỏi. “Tôi không rõ. Cô ấy đã gửi chìa khoá lại tôi, nhưng đồ đạc vẫn còn một ít trong phòng.”
Chủ nhà của tôi là một người đàn ông trung niên, sống một mình trong căn phòng tầm tầm như bao căn phòng trong ngôi nhà mà ông cho thuê. Ông bị bệnh tim, khá nặng, tuy vậy vẫn nhận gia công đồ mỹ nghệ, làm ngay tại phòng ở. Căn phòng của ông bề bộn, đồ đạc chen kín mọi nơi, trông mệt mõi. Đời sống của ông thật đơn giản: không vợ không con, không bia không rượu, không thuốc lá, không ti vi, không thịt cá… và còn không nhiều cái nữa mà một người đàn ông bình thường xem là thứ phải hưởng thụ. Mà những cái “không” đó có thể đại diện cho một đời sống được coi là đơn giản không nhỉ? Không biết!
Có những chiều ông thần thờ dọc con phố nhỏ trước nhà, hắt hiu mờ nhạt như vạt nắng cuối ngày. Ông ít khi trò chuyện với ai, không biết là thói quen hay sở thích. Có lần tôi hỏi ông có thấy buồn thấy cô độc không thì ông chỉ cười - cười độ lượng. Thấy mình thật ngớ ngẩn, hay hỏi nhưng câu chẳng vào đâu. Đời này có ai không buồn? Người ta đề huề vợ con, vây kín bạn bè không chắc là không buồn không cô đơn! Thỉnh thoảng ông cũng lên chỗ tôi, nhưng không bao giờ bước vào phòng, chỉ dạo quanh quẩn nơi khoảng sân nhỏ phía trước. Câu mà ông thường hỏi tôi nhất vẫn là “Khi nào cậu về nước?” Và thay vì nói điểm thời gian nào đó, tôi lại nói “Khi nào khoá học kết thúc.”
Ông cũng thích hỏi về chùa chiền, về đời sống tu sĩ. Tôi luôn thắc mắc là không hiểu sao ông không thích đời sống tu sĩ, bất kể của tôn giáo nào. Ông bảo tôi học xong thì nên hoàn tục, sống đời sống của người thế tục vui và tốt hơn. Tôi hỏi tại sao tốt hơn thì ông không giải thích. Ông kể chuyện các vị du tăng của tôn giáo ông, cứ đi hết nhà này đến nhà khác xin tiền, rồi ăn uống tạp nhạp, khiến nhiều người ngán ngẫm. Ông kể thành thật, nét bặt biểu lộ sự bất bình. Trong kinh Phật cũng có những nơi thuật lại những điều giống như ông kể. Mọi người ai cũng sợ bị xin! Và dù là ai đi nữa mà cứ đi xin xỏ hoài thì rồi cũng sẽ bị chán ghét, bị xua đuổi!
Sau ngày cô bé về nước nửa tháng, ông đem toàn bộ sách vở của cô ấy lên cho tôi, nói rằng cô ấy bảo thế. Cô bé không trở lại nữa, quyết định nghỉ học nửa chừng. Trông ông chủ buồn buồn. Mắt ông không giận dữ như hôm ông kể tin về cô bé mà trở nên thăm thẳm. Tôi nhìn chồng sách nằm bất động ở gốc phòng, một nỗi buồn mơ hồ lan toả. Tôi thật chẳng biết làm gì với chồng sách khác ngành này. Tôi nhặt ra từ đống sách cuốn kinh Koran đưa ông chủ, nhưng ông không nhận, từ chối mà không nói lý do. Tôi hỏi hơi thiếu tế nhị, “Hình như Ấn giáo không thích Hồi giáo, phải không ông?” Ông lắc đầu, “Không nên nói thế… Mà cậu (hoặc mày) sẽ nghĩ thế nào nếu tôi nói thích hay không thích?” Im lặng một lát ông lại nói tiếp, “Tôi và cô bé không chung đức tin, nhưng tôi xem nó như con gái của mình. Tôi và cậu cũng khác tôn giáo, nhưng tôi vẫn quý mến cậu. Xét cho cùng thì chúng ta vẫn là con người với nhau. Chúng ta có thể không thích những điều do con người tạo ra, nhưng chúng ta không được phép căm ghét con người.” Tôi thật bất ngờ với những gì ông nói, không phải do nó mới mẽ mà vì những điều đó được phát ra từ ông.
Ông chủ đứng dậy, lẩm nhẩm một điều gì đó rồi trở về lại phòng. Tôi ngồi im, thực hành điều tức và quán niệm từ bi. Cô bé liệu có thương được người đã giết chết cha mình không? Thương được kẻ thù của mình mới thật khó!
Tôi ôm chồng sách đặt lên bàn, định hôm sau sẽ đem đến cho một thư viện. Bước ra khỏi phòng, đã thấy chàng sinh viên ở phòng dưới ôm đàn lững thững bước lên.
Chàng sinh viên này thuê phòng ở đây trước tôi. Chàng gốc một tỉnh nào đó ở miền Nam, xuất thân từ một gia đình có lẽ cũng không khá giả gì. Chàng ta sở hữu một cơ thể dong dỏng gầy gầy, đôi mắt hun hút sâu và bộ râu quai nón rậm ri. Trang phục luôn xộc xạch, quần jean bạc thếch và áo thun dính đầy sơn dầu, nhưng trông có vẽ lãng tử và phong trần. Chàng ta thỉnh thoảng lên khoảng sân thượng này vào buổi tối để chơi đàn. Chàng ta chơi đàn tốt, đánh thành thạo các loại nhạc mới và móc nhạc cổ điển cũng không chê vào đâu được. Chàng ta ít nói, lầm lì và cô độc, thêm chút bất cần đời. Tôi ít nói chuyện với chàng ta, bởi do thói quen không thích làm quen người khác trước, mà chàng ta có lẽ cũng vậy nên dầu có gặp mặt nhau thì cũng chỉ chào lấy một câu chứ chẳng hề trò chuyện.
Một hôm thấy chàng ta cạo sạch râu, ăn mặc lịch lãm, hơi lạ nên tôi hỏi, “Hôm nay trông anh khác mọi ngày.” Anh ta mỉm cười, khuôn mặt rạng rỡ, phấn chấn, “Tối nay tôi sẽ đưa bạn gái của tôi đi dự một buổi sinh nhật.” Suy nghĩ gì đó một lát anh ta nói tiếp, “Tôi chỉ quen cô ấy thời gian gần đây thôi. Cô ấy xinh đẹp, đáng yêu.” Thì ra vậy, chàng ta đang yêu. Tình yêu khiến chàng ta vui tươi và hoạt bát hơn. Sau lần đó, chàng ta ít khi lên khoảng sân này để chơi đàn, do bị cuốn theo cô gái xinh đẹp đáng yêu kia.
Hôm nay chàng ta lại xách đàn lên đây. Thân hình gầy rạc, bước chân liêu xiêu như người bệnh nặng vừa mới khỏi. Bộ râu quai nón không được tỉa gọt có cơ hội thể hiện sự tự do, mọc tua tủa bồm xồm, như một búi cỏ bị hun khói. Gặp tôi, chàng không chào hỏi, lẳng lặng ngồi xuống chiếc ghế đá và bắt đầu khảy đàn. Từng nốt đơn rời rạc, khô khốc tan vào màn đêm vàng vọt. Chàng ta không chơi một bản nhạc nào cụ thể. Đầu óc hình như đang ở ngoài khoảng sân này. “Hình như anh bị bệnh à?”, tôi hỏi. Chàng ta dừng tay lại, ghì cằm lên thùng đàn, mắt nhắm nghiền, đáp, “Gần như thế”. Rồi chàng ta bứt mạnh vào một sợi dây đàn. Một sợi dây vô tội lìa đôi. Hình như thấy hối hận, chàng ta kéo chiếc thánh giá đeo trước ngực ra ấn lên trán rồi làm dấu thánh.
- Cô ấy chia tay tôi rồi. Chàng ta bắt đầu thổ lộ bằng một chất giọng sầu bi sau một lúc im lặng.
- Cô nào nhỉ? Tôi hỏi lại.
- Cô gái mà trước đây tôi đã từng nói với anh.
- Cô ấy không còn yêu anh nữa à?
- Tôi không nghĩ vậy. Gia đình cô ấy đã gã cô cho một người thích hợp hơn.
- Thích hợp hơn là thế nào? Anh không thích hợp với cô ấy?
Chàng trai thở dài rũ rượi, ngước mắt lên trời:
- Biết nói thế nào nhỉ? Có lẽ không phải do tôi không thích hợp, mà chính địa vị xuất thân của tôi không thích hợp.
….
- Có lẽ anh nên quên cô ấy.
- Tôi cũng đang cố như vậy, nhưng không dễ. Tôi quen cô ấy chỉ tình cờ. Trước đó cô ấy là bạn gái của một người bạn của tôi. Tôi đã đoạt cô ấy từ người bạn của mình. Và giờ đây tôi không còn gì cả…
- Nhưng mọi việc đã rồi. Giờ anh có ủ rũ vậy cũng không thể thay đổi sự việc.
- Tôi biết. Nhưng mọi việc không dễ. Anh là người ngoài cuộc nên nghĩ vấn đề đơn giản hơn.
….
- Trời khuya rồi. Tôi nghĩ là anh nên về phòng nghỉ, ngồi hoài thế này không đem lại điều gì tốt đẹp hơn. Tôi tiếc là không giúp gì được anh.
- Tôi kể chuyện này với anh không phải chờ đợi một lời khuyên hay sự giúp đỡ. Anh có thể vào nghỉ trước. Tôi muốn ngồi lại đây thêm một lát nữa.
Tôi vào phòng lấy sợi dây đàn mà mình còn dư và lên dây lại cho anh ta, rồi để anh ta tự do phơi sương và gặm nhấm nỗi buồn.
Sau lần đó, chàng ta không còn lên khoảng sân thượng này nữa. Thỉnh thoảng tôi gặp chàng ta trên đường đi học hoặc ở cầu thang. Chàng ta không còn quá đau khổ, nhưng cũng chẳng có gì vui vẻ. Không biết chàng đã quên được cô gái kia chưa, và không biết cô gái kia có thấu hiểu nỗi đau của chàng ta không, có thương nhớ chàng không, hay hình ảnh của chàng đã tàn phai và dồn sâu dưới lớp gấp đại não khi nàng hạnh phúc bên chồng con?
Chàng ta sống cùng nhà với tôi thêm vài tháng nữa thì chuyển đi. Hôm chàng ta chuyển nhà, tôi đi vắng nên không gặp mặt để chia tay. Mấy hôm sau trở về, thằng bé giúp việc cho ông chủ đem lên cho tôi một bức tranh và một mẩu giấy nhỏ, “Tôi chuyển khỏi nơi này nhưng không gặp được anh. Đây là bức tranh tôi vẽ, gửi tặng anh. Tạm biệt”. Tôi xếp mảnh giấy lại và ngắm bức tranh. Thì ra chàng ta học hội hoạ. Tôi đặt bức tranh lên bàn học, lấy mấy thỏi sô cô la mà một người bạn vừa cho đưa thằng bé.
(Nói thêm về thằng bé)
Thằng bé này vẫn thường lên chỗ tôi chơi. Tôi không biết ba nó, bởi chưa gặp mặt, còn mẹ nó làm công việc lau quét cho các gia đình trong khu phố tôi ở. Nó chừng mười một tuổi. Thần thể gầy còm, nước da đen xám. Hình như nó bị bệnh phổi, thấy nó thở mệt nhọc. Mười một tuổi, nó chưa có công việc chính thức. Nó thường theo mẹ, và ông chủ thấy vậy nên mới bảo nó giúp việc vặt cho mình. Công việc chẳng có gì nặng nhọc, chỉ lấy cho ông chai nước, mua cho ông chút đồ, phụ ông bỏ mấy mặt hàng vào hộp. Ông chủ là người tử tế, đối xử với nó tốt.
Khoảng sân thượng này là nơi dành cho nó chơi banh. Không biết nó tìm đâu được một trái banh bể rồi mang lên chơi say sưa một mình. Thằng bé không có niềm vui, nhưng chẳng có nỗi buồn. Nó vô tư. Điều gì khiến nó vô tư? Phải chăng nó chưa đủ tuổi để nghĩ ngợi? Không biết được! Tôi nhìn thằng bé, thấy một tương lai mờ mịt như màu da của nó. Tôi không giúp gì được nó, ngoài mấy viên kẹo, ít trai cây mà tôi có. Hôm đi học về, tôi ghé tiệm mua cho nó trái banh mới. Thằng bé sướng rơn, dụt trái banh bể vào gốc sân, nhận trái banh rồi nói với tôi điều gì đó mà tôi không hiểu. Giữa tôi và nó luôn tách rời và đơn độc trong ngôn ngữ.
Nhưng không lâu sau đó mẹ nó đã gửi nó đến giúp việc cho một cửa tiệm tạp hoá. Không biết với độ tuổi đó nó có thể làm gì được ở một cửa hàng. Hôm đi, nó đem trả tôi trái banh và nói gì đó tôi cũng không hiểu. Trông nó buồn - nó bắt đầu biết buồn! Tôi cũng buồn! Tôi vẫn không giúp gì được nó ngoài mấy thỏi bánh.
….
Mùa đông kéo đến. Trời đất trở nên u buồn ảm đảm. Tôi khoác thêm chiếc áo ấm và đến bệnh viện thăm ông chủ. Ông nhập viện đã ba hôm và chuẩn bị cho một ca mổ tim. Mọi thủ tục giấy tờ đã làm xong và chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là lên bàn mổ. Ông nằm yên, mắt ngước nhìn lên trần nhà, trông tĩnh táo. Gặp tôi ông vẫn hỏi “bao giờ cậu về nước?”. Rồi ông bảo rằng nếu ông không tỉnh lại sau ca mổ thì tôi cứ hãy ở lại nhà ông cho đến khi khoá học kết thúc. Tôi cười, an ủi rằng ông sẽ có được sức khoẻ tốt hơn sau lần phẩu thuật. Ông nhìn tôi, bảo rằng cũng hy vọng vậy.
Nhưng ông đã không qua được. Ông đã bắt đầu cho một giấc ngủ dài và tạm bỏ xác thân này. Tôi chuẩn bị đồ đạc để rời khỏi nơi trọ vì sau khi ông chủ mất ngôi nhà đã được trao lại cho người em, và căn nhà tạm ngưng cho thuê để sửa sang lại. Chủ mới bảo tôi tạm chuyển đi nơi khác một thời gian, chờ khi ông sửa nhà xong hẳn về ở lại. Tôi cám ơn ông nhưng biết rằng mình sẽ không còn trở lại ngôi nhà này nữa.
Đồ đạc không có gì nhiều: mấy thùng sách, giỏ áo quần, và bức ảnh Phật mà tôi đã mang theo mình gần hai mươi tháng. Bức ảnh đã bạc màu đi nhiều, một vài nơi bị ố vàng. Tôi nhìn tôi, thấy đời mình cũng hoen màu lốm đốm. Chen chân trong dòng đời mà thong dong tự tại, độc cư trong rừng sâu mà không hề sợ hãi là thái độ sống của những bậc thánh, tôi nghe nói vậy.
Tôi vẫn là một kẻ phàm phu thứ thiệt. Tôi lại chuẩn bị chuyển đến một nơi trọ mới.
Nguồn: sac-khong.blogspot.com