Chương trình dạy nấu thức ăn chay trên kênh truyền hình
Chương trình dạy nấu thức ăn chay trên kênh truyền hình
Minh Thạnh
Lúc này là lúc mọi người muốn ăn chay hơn bao giờ hết, sau khi báo đài phanh phui hàng tấn thực phẩm quá hạn, gần hết hạn, kém chất lượng ồ ạt nhập về, bị cơ quan chức năng phát hiện phạt hành chính và buộc tiêu hủy, nhiều chủ hàng bỏ container chạy lấy người, nhưng chắc chắn có không ít thịt bò, heo, gà kém chất lượng lọt ra thị trường.
Chỉ có ăn chay thì mới bảo đảm 100%, tránh được cái thứ thực phẩm mà cơ quan chức năng cấm không cho dùng làm thực phẩm ngay cả đối với gia súc.
Nhưng vẫn còn không ít người chưa một lần ăn chay, cứ nghĩ về ăn chay theo kiểu “đường tương chao, tàu hũ, dưa leo…”.
Chỉ có truyền hình - một phương tiện thông tin đại chúng rất cụ thể và sinh động, mới có thể giúp số đông còn ngộ nhận về việc ăn chay như trên thưởng thức cái ngon của ăn chay.
CHƯƠNG TRÌNH DẠY NẤU ĂN TRÊN TRUYỀN HÌNH NÓI CHUNG
Trong lý luận hoạt động truyền hình, dạy nấu ăn là một thể loại chương trình chính, đài truyền hình chương trình tổng hợp nào cũng có. Nó càng đặc biệt quan trọng đối với các kênh chuyên văn hóa du lịch (ẩm thực đặc sản địa phương là một trong những nội dung của các chương trình du lịch).
Nhiều người phụ trách chương trình dạy nấu ăn trở thành ngôi sao truyền hình thế giới, như Martin Yan trong các chương trình “Yan can cook” chẳng hạn.
Ở miền Nam Việt Nam, từ cuối những năm 1960, đã có chương trình nấu ăn do bà Quốc Việt, tác giả nhiều sách gia chánh nổi tiếng phụ trách.
Hiện nay, chương trình dạy nấu ăn đều có trên các đài truyền hình lớn ở Việt Nam. Đặc biệt, các chương trình dạy nấu ăn trên Đài Truyền hình TP.HCM được hâm mộ đến nỗi Trung tâm Dịch vụ Truyền hình in sao thành các chương trình băng dĩa để bán và được tái bản nhiều lần.
Khán giả thích các chương trình truyền hình dạy nấu ăn không phải để học nấu ăn mà họ xem để cảm thấy ngon hơn khi ăn món ăn được ghi hình quá trình nấu một cách khéo léo. Khán giả của chương trình nấu ăn không phải chỉ là quý bà, mà còn là quý ông và cả trẻ em.
Yan nổi tiếng cũng vì nhờ làm cho khán giả ăn ngon hơn, thu hút khách đến các nhà hàng, khu nghĩ dưỡng mà ở đó người ta nấu ăn kèm biểu diễn thao tác nấu.
DẠY NẤU THỨC ĂN CHAY TRÊN TRUYỀN HÌNH
Rất tiếc là các món ăn dạy nấu ăn trên truyền hình hầu hết là món ăn mặn. Do đó, ít nhiều nó cũng gián tiếp khuyến khích người ta ăn mặn.
Nay, nếu thay món ăn mặn bằng món chay, thì đương nhiên có tác dụng khuyến khích mọi người ăn chay. Điều đó rất hợp với nguyện vọng của hầu hết mọi người hiện nay vì lý do đã nói ở trên.
Trong quá trình dạy nấu ăn chay trên truyền hình, có thể lồng vào đó thông tin lợi ích của việc ăn chay đối với sức khỏe, đối với việc chữa bệnh, đối với môi trường…
Có thể không nói gì đến đạo Phật, nhưng dạy nấu ăn chay là gián tiếp truyền bá đạo Phật, đạo của ăn chay. Ăn chay là mang từ bi đến trên bàn ăn. Biết được nhiều món ăn chay (không chỉ là tương chao, tàu hủ, dưa leo…), ắt hẳn sẽ có nhiều người ăn chay, do đó, người dạy nấu ăn, đài truyền hình và người ăn chay đều được phước.
Đối với chương trình dạy nấu ăn chay, trong hoàn cảnh hiện nay, các đài truyền hình rất cần nhà chùa. Vì lẽ đương nhiên chỉ có nhà chùa là nấu ăn chay ngon hơn hết.
Trong hoàn cảnh ăn chay, nhà chùa buộc phải nấu ăn ngon và sáng tạo nhiều món, bởi đã ăn chay mà còn ăn dỡ nữa thì tu sao nổi! Có thể chỉ có “tương chao, tàu hủ, dưa leo” nhưng nhà chùa từ đó có thể sáng tạo hàng trăm món đủ loại và cực ngon.
Nhưng phải xem nấu rồi thực hành theo chỉ dẫn thì mới biết ngon và cảm thấy ngon hơn bội phần khi thưởng thức.
Được biết đã có không phải chỉ một đài truyền hình mời nhà chùa cộng tác thực hiện chương trình dạy nấu ăn chay, nhưng chưa xây dựng được chương trình, có thể vì nhiều lý do.
Nhưng nếu đài truyền hình không mời, trên cơ sở chủ trương xã hội hóa truyền hình, nhà chùa vẫn có thể chủ động trong việc đề nghị thực hiện. Chi phí sản xuất chương trình không phải là vấn đề, vì các công ty nước tương, bột ngọt, thực phẩm, chất đốt… là những nhà tài trợ luôn sẵn sàng cho các chương trình nấu ăn (chỉ cần dùng sản phẩm của họ với nhãn hiệu được in to chẳng hạn).
Phía Phật giáo cũng có thể tự sản xuất các chương trình video dạy nấu ăn chay, xin phép xuất bản, phát hành qua hệ thống các nhà sách và trung tâm băng dĩa.
Về mặt thực hiện, chương trình dạy nấu ăn là loại chương trình dễ thực hiện nhất. Ngay cả đài truyền hình họ cũng không cần sử dụng phim trường trong đài, mà chỉ cần một căn bếp tương đối tươm tất, đủ dụng cụ nấu ăn, vài ngọn đèn, một vài micro và một camera là đủ để thu hình.
Cái cần là người nấu ăn diễn xuất khéo, trình bày mạch lạc, dễ hiểu, thu hút khán giả là được.
Chắc chắn, tất cả khán giả truyền hình đang chờ các chương trình dạy nấu ăn chay.■
Tập San Pháp Luân 67