Màu rỗng lặng

MÀU RỖNG LẶNG

Trần Kiêm Đoàn

Buổi sáng là tuyết, buổi trưa là đá, buổi chiều là lửa. Cái vòm núi cao ngất, sừng sững và im lặng đổi màu như một sơn nữ ngự lâm thay xiêm y để múa vũ điệu của thiên nhiên qua trùng trùng vạn lý thời gian trước mắt con người bé nhỏ. Trái núi đá tròn đã bị thần núi cắt mất một nửa từ thuở mới thành hình – đâu đó 87 triệu năm về trước! Vết cắt sắc lẽm không chút ngập ngừng làm cho người đời sau mang một ấn tượng mạnh mẽ và choáng ngợp khi ngước mắt lên nhìn trái núi mỗi sớm, mỗi chiều hay sâu hút trong đêm trăng. Ngọn núi Nửa Vòm (Half Dome) là một tụ điểm đối với du khách bốn phương trong khung cảnh kỳ tú và hùng vĩ của vùng núi đá và dòng họ thông già cao vút trời xanh trong công viên Quốc Gia Yosemity, cách thủ phủ Sacramento của tiểu bang California ba giờ rưỡi lái xe.

Yosemity bao quanh toàn là những dãy núi đá hoa cương. Nhưng cái đỉnh Half Dome (Nửa Vòm) này lại được quan tâm nhiều nhất. Leo lên đỉnh của trái núi Nửa Vòm này không còn là thách đố của những tay leo núi chuyên nghiệp trong vòng năm mươi năm qua. Vô hình chung, đỉnh núi trở thành “điểm hẹn” của những cặp tình nhân đang ở độ tuổi phương cường và sung mãn nhất trong một đời người. Cả hai đều muốn chứng tỏ cho nhau, rồi đây, sẽ đủ sức đi hết cuộc hành trình… bách niên giai lão.

Con đường mòn có dây cáp từ chân lên tới đỉnh được thiết lập từ năm 1919, nghĩa là cách đây 90 năm. Thuở ấy, chỉ có những tay leo núi chuyên nghiệp tài danh mới tới đỉnh này. Nhưng vài ba thập niên trở lại đây, đỉnh Nửa Vòm lại réo gọi lứa tuổi đã “chín tới”. Đó là lứa tuổi sắp lên lão hay đang lên lão ở phía bên kia dốc xuống của ngọn đồi thời gian. Khi người ta bắt đầu sợ tuổi già là khi người ta gặp nhau reo vui mà thật ra là một lời an ủi: “Lâu không gặp, bây giờ nhìn bạn trẻ hơn trước nhiều!” Người ta không nỡ thở dài về những dấu chân chim ngày một sâu trên khóe mắt của những người đang cất bước chậm dần trên đường… tri thiên mệnh!

Đỉnh Nửa Vòm được xem là nơi leo núi đứng đầu trên nước Mỹ. Bên cạnh khung cảnh hùng vĩ và khí hậu tương đối ôn hòa, đỉnh Nửa Vòm còn là nơi gặp gỡ vừa vặn nhất cho những tay leo núi chuyên nghiệp và những người leo núi nai tơ. Leo khứ về hồi có chậm lắm cũng chỉ mất trên dưới 12 giờ trên một lộ trình dài 16 dặm rưỡi, khoảng 24 km và cao non 9 nghìn bộ – khoảng 3 nghìn mét – trên mặt nước biển. Bởi vậy, hằng năm có tới 5 chục nghìn người khắp nơi trên thế giới tới Yosemity tham gia cuộc chơi leo tới đỉnh Nửa Vòm trời.

Nghe đâu trong lịch sử đặt đường dây “cáp” lên đỉnh Nửa Vòm từ năm 1919, trong số những người đã leo tới ngọn đỉnh trời ấy, người trẻ nhất là 6 tuổi và già nhất là 72 tuổi. Tuy cũng có cả chục người trượt chân rơi xuống núi mất mạng; nhưng cũng có người thống khoái leo lên, leo xuống đỉnh núi cả vài ba chục lần! Ở điểm mốc thời gian sáu bốn tuổi ta, sáu ba tuổi Tây; chưa phải vật lột với “lão tam cao” – cao đường, cao máu, cao mỡ – nên tôi thử tới Yosemity tìm… cao sơn.

Sau khi dự lớp thuyết trình leo núi, tôi sắm sửa các dụng cụ leo núi theo lời khuyên của huấn luyện viên. Sáng lên đường, lưng mang ba lô, tay cầm gậy leo đồi chuyên nghiệp, chúng tôi trông ra dáng những tay leo núi có… nghề.

 Sáng sớm tinh mơ, xuất phát từ Đường Mòn Mù Sương (Mist Trail). Buổi lên đường tuy không có cảnh “buổi tiễn đưa lòng bận thê noa” như trong Khúc Ngâm của người chinh phụ, nhưng có người Việt Nam nào mà không cảm thấy chút nao lòng trước hai tiếng… lên đường!

Đi được hai cây số đầu, nắng lên và bắt đầu nhuộm vàng những đỉnh núi. Liếc mắt nhìn quanh, chưa ai nghỉ chân và cũng chưa thấy ai uống nước nhưng tôi đã uống hai lần. Đi thêm một cây số nữa, tới thác Vernal Fall, mồ hôi bắt đầu giọt ngắn, giọt dài. Cái đầu thì cứ hô tiến lên kẻo Tây nó cười, nhưng chân và đầu gối thì bắt đầu bướng bỉnh cãi lại đòi nghỉ. Đầu và chân thiếu đoàn kết thì tôi phải nhờ vào mũi và tay. Hít một hơi dài khói sương núi rừng buổi sớm để tăng cường nội lực. Đôi tay dang ra đánh nhịp “một, hai… bước đi trên đường xa”. Nhưng đi tiếp được chừng hơn cây số thì hơi thở nóng dần lên, mũi cũng sụt sùi trở chứng. Hai tay không còn phối hợp nhịp nhàng, không còn hứng chí muốn đánh qua đánh lại mà muốn nằm yên. Thoạt đầu, tôi đa nghi như Tào Tháo. Cứ rằng là, thà ta phụ người còn hơn để người phụ ta, nên tự mình cãi lại nỗi thấm mệt của chính mình để bước tới. Phải đi chừng 3 cây số nữa thì mới tới thác Nevada Fall là điểm nghỉ cuối cùng trước khi bắt đầu hành trình leo đỉnh Nửa Vòm. Tôi uống hết gần một nửa số nước mang theo. Khi đầu mình và tứ chi phối hợp đòi về thì không nên đi tiếp. Nghĩ vậy nên tôi bước chậm dần. Thuyền đi ngược nước, không tiến thì lùi nên tốt hơn là ghé bến.

Đoàn người leo núi vẫn hăm hở tiến tới trước. Cơn mỏi thân xác không thấm thía bằng nỗi vui buồn thế hệ. Một thế hệ tuổi già đang chậm dần và ngồi lại bên dòng chảy của tuổi xanh tươi mới đang đi tới và vươn lên. Tôi tìm mảnh rừng rợp bóng cây redwood vạm vỡ và cao vút, cởi ba lô và trải cảm giác mệt mỏi lên tảng đá vừa nhú lên bắt nắng. Đoàn người leo núi chẳng ai buồn để ý đến ai. Tất cả đều hăm hở đi tìm bản chúc thư không lời của chính mình trên đỉnh núi: Xác định sự hiện hữu của mình trong dòng sống!

Nắng đã lên chiếu vàng dãy núi vươn cao vòi vọi. Dãy núi đá có tuổi 93 triệu năm chắn lối chân trời như muốn đem uy vũ thiên nhiên thách thức với con người nhỏ bé.

Mùi cà phê thân quen là lạ thoảng trong gió mai. Tôi nhìn qua phía thung lũng. Dưới tàn đá trắng xanh có một cặp vợ chồng già đang nấu cà phê bằng đá diêm trên cái lò nhỏ bằng nắm tay. Ông già bắt gặp cái nhìn của tôi và khoác tay chào lịch sự. Đoàn người trên Lối Mòn Mù Sương tới Nửa Vòm trời đã đi khuất hết. Những con người biết mình yếu đuối trước uy vũ của thời gian còn sót lại giữa thiên nhiên thường có cùng tần số nên rất dễ gần nhau. Ông bà già Edwin người Anh, qua Mỹ du lịch với cả gia đình. Ông già hơn tôi 4 tuổi và cũng quyết định bỏ cuộc từ đầu trên đường leo núi. Loanh quanh những chuyện xã giao lịch sự một hồi giúp biết rõ nhau hơn.

Tôi tròn mắt ngạc nhiên khi lần đầu nghe ông bà già Edwin nói về một điều mới lạ: tuần Trăng Mật Chia Tay (Farewell Honeymoon). Ông C. Edwin là một giáo sư đại học Cambridge ở Anh đã về hưu. Bà J. Edwin cũng là một bác sĩ tâm lý ở bệnh viện Luân Đôn. Sau 45 năm chung sống, hai người quyết định chia tay vì “không có cùng một lối suy nghĩ và cách sống hợp với nhau nữa”. Lý do mới nghe nói thì khá đơn giản, nhưng qua hơn nửa ngày nói chuyện thì rõ ràng họ đã “hết duyên” – nói theo khái niệm nhà Phật – với nhau. Nghĩa là chẳng còn có những điểm tương đồng trong cách nhìn và cách sống giữa cuộc trần gian này. Chất keo bao nhiêu năm dính kết và thu hút họ đã hết. Mảng tối và ánh sáng hòa quyện một thời nay phân cực: Có cái này thì không có cái kia. Đất địa cầu mênh mông đến thế mà sao không có một mái nhà cho sự tương phùng của hai dòng tư tưởng?

Ông Edwin tâm sự rằng, ông thuộc trường phái Hawking. Ông tin là vũ trụ vô biên, cuộc sống con người và từng sinh vật, từng hạt bụi từ thời vô thủy đến vô chung đều theo một “trật tự tự nhiên” để hiện hữu hay mất dạng và biến thể chứ chẳng có gì còn hay mất. Ông nói đến những sinh vật từ thời thái cổ như đại bàng, khủng long, rắn rừng, cá biển… khổng lồ bị tận diệt; trong khi những loài mới sinh ra là do môi trường thiên nhiên biến đổi. Rất có thể trái đất sẽ nóng lên và loài người sẽ bị tận diệt; rồi một loài khác sinh ra. Vũ trụ có vô số thế giới như trái đất đang sinh ra và tan biến từng phút từng giây. Tư tưởng về “trật tự tự nhiên” đã khiến Ông Edwins phủ nhận một Đấng Sáng Tạo toàn năng là nguyên ủy đầu tiên của vạn sự.

Bà Edwin thì ngược lại. Bà tin tưởng rằng, có một Đấng Tạo Hóa chí tôn sáng tạo ra vũ trụ và muôn loài mà mỗi một ngọn lá rơi, mỗi sợi tóc trên đầu rụng xuống… đều do tôn ý của Ngài.

Cuộc đối đầu tư tưởng giữa ông và bà Edwin trong những năm về trước biểu hiện nhẹ nhàng qua những cuộc luận đàm thuần tri thức. Nhưng tư tưởng là bánh lái của điệu sống. Điệu sống của ông bà Edwin càng ngày càng bồi thêm những lớp dày của định kiến và xung đột ở dạng ngấm ngầm hay va chạm. Nhất là từ khi hai ông bà về hưu. Nghĩ đến cõi về cuối cùng cho một đời, mỗi người đều tự cho hướng nhìn của mình đã chọn lựa sao mà rõ ràng và sáng suốt đến thế. Nên họ tìm cách thuyết phục nhau. Nói là “thuyết phục” nhưng tự bản chất là một cuộc chiến ngấm ngầm tiêu diệt mầm “oan trái” của bên kia. Mỗi lời nói và hành động dù nhỏ đến đâu cũng đều là nguyên cớ, chứ không còn là nguyên nhân, làm cho những uẩn ức vô hình bùng nổ. Mâu thuẫn đã thành trái, thành cây mà phải sống với nhau chung một mái nhà là khổ. Người ngoài nhìn vào cặp vợ chồng già Edwin cứ ngỡ như họ đang sống trong thiên đường hạnh phúc: Giàu có, nổi danh, con cháu thành đạt là mơ ước cuối đời mà không phải ai cũng có. Khi nỗi khổ quá tầm chịu đựng của cặp chồng vợ lão thành và trí thức thì chọn lựa cuối cùng là “yêu dấu chia tay”. Chia tay chỉ vì khác nhau chứ không phải vì sự nổ bùng của những cặp mâu thuẫn như tốt xấu, đúng sai, thánh phàm, cao thấp. Bởi vậy, ông Edwin gọi lần họp mặt sau cùng này là “Tuần Trăng Mật Chia Tay”!

Khi biết người mới quen là dân trong ngành tâm lý và cũng là bạn già leo núi bỏ cuộc chơi tới đỉnh nửa vời, ông bà Edwin hỏi về cảm tưởng của tôi đối với cuộc chia tay sắp tới của hai ông bà. Tôi trả lời rất thẳng thắn kiểu Mỹ:

- Tốt! Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống. Khi đã hết nhẵn chất keo tình nghĩa; khi tâm hồn không còn bám nhau được nữa và đi tới mức xung đột thì phải chia tay thôi. Đã “hết duyên” mà vẫn còn giả bộ như còn duyên để đóng trò khăng khít một cách gượng gạo là đánh lừa nhau và đánh lừa chính mình. Không buông bỏ là tự làm băng hoại ý nghĩa của cuộc sống.

Cả hai ông bà gật đầu nhưng đôi mắt dò hỏi như muốn nói: “Dân châu Á như bạn mà cũng suy nghĩ thẳng thừng theo kiểu phương Tây thế sao?” Hiểu ý, tôi chỉ về phía đỉnh Nửa Vòm đang hiện lên rực rỡ trong nắng và hỏi:

- Sao ông bà không leo lên trên đó?

Ông Edwin trả lời:

- Tuổi già, đuối sức, leo không nổi.

- Nghĩa là bỏ cuộc?

- Không! Biết sức mình không đi nổi thì không đi tiếp. Đó là một sự chọn lựa, không phải bỏ cuộc.

- Việc ông bà sắp chia tay là một chọn lựa hay bỏ cuộc?

- Cả hai.

- Nghĩa là… ?

- Chọn lựa bỏ cuộc. Nhà tôi thì cho rằng, sự bỏ cuộc thường vì áp lực từ bên ngoài mà kẻ bỏ cuộc không có quyền chọn lựa. Tôi thì khác bà nhà tôi vì trước mọi sự thành bại, được mất là do mình tác động tạo ra với hoàn cảnh trước mắt chứ không do quyết định của ai cả.

Đột ngột, tôi hỏi chung cả hai ông bà Edwin:

- Thế thì núi Nửa Vòm kia do ai tạo ra?

Cả hai ông bà nhanh nhẩu như đáp cùng một lúc. Bà Edwin:

- Đấng Tạo Hóa. Dĩ nhiên!

Ông Edwin:

- Năng lực Thiên Nhiên. Tất nhiên!

Để tránh khả năng một cuộc tranh luận không có hồi kết cuộc giữa hai ông bà Edwin, tôi dang tay ra dấu xin hai ông bà một chút im lặng. Cả hai đều đúng, cả hai đều sai? Nếu chỉ có một người đúng và một người sai thì ai sai, ai đúng? Chân lý chỉ có một mà sáu tỷ người trên thế giới đều cho mình đang nắm được hay ít nhất cũng gần với chân lý hơn người khác thì làm sao kiếm ra cho đủ số “chân lý” mà chia đều cho mỗi người một mẩu đây.

Mặt trời chói chang ẩn sau đỉnh núi. Tia sáng không có chỗ đậu bay phiêu du khắp hết vòm trời. Gió cũng không qua bờ cản nên im lặng bay đi muôn phương không gợn một thoáng rì rào. Sau bờ thông cao vút là thung lũng cỏ hoang biền biệt xanh rợn tới chân trời. Lững thững và im lặng, chúng tôi bước lên bờ thảo nguyên.

Bà Edwin buột miệng:

- Ôi, bầu trời xanh do bàn tay Tạo Hóa huyền diệu làm sao!

Ông Edwin sửa lưng liền:

- Ôi, bầu trời xanh phát khởi tự nhiên tuyệt diệu làm sao!

Trước khi hai ông bà Edwin kịp nhào vào một cuộc đối đầu tranh cãi màu xanh huyền diệu hay tuyệt diệu của bầu trời là tự nhiên hay do ai tạo ra, tôi hỏi bà Edwin để cầm chân:

- Cả bầu trời và không gian trong và đẹp quá. Những bước chân giới hạn của chúng ta đang bước giữa vô cùng. Bà chỉ thấy một màu trời xanh thôi sao?

- Muôn màu!

- Ví như chỉ chọn được một màu chính thôi thì bà chọn màu gì ạ?

- Xanh? Trắng? Vàng? Ư…?

Tôi liền day qua hỏi ông Edwin:

- Ông thấy thế giới trước mắt ông màu gì?

- Màu tự nhiên của nó!

- Thế là ông chưa trả lời tôi. Màu gì là màu tự nhiên?

- Ơ… thì màu gì nhỉ? Nhiều lắm, nhưng không màu nào đúng cả.

Đến lượt hai ông bà Edwin hỏi tôi gần như cùng lúc:

- Vậy thì ông đang thấy thế giới thảo nguyên trước mắt chúng ta là màu gì?

Những câu thơ từ Áo Nghĩa Thư hiện về. Tôi đọc mấy vần thơ về màu rỗng lặng của Hương Sa Mạc cho ông bà Edwin nghe mà cảm nhận như có cả hồn nguyên sơ trắng lạnh lan tỏa trên thảo nguyên:

 

Before light exists, colorless, emptiness 

Time passes in endless blue space

Before thoughts, cold pure original being

Earthly dust settles for what man sees....

 

Trước sáng thế sắc màu như rỗng lặng

Mắt nghìn xưa ngan ngát nẻo phương xanh

Trước suy tưởng hồn nguyên sơ trắng lạnh

Bụi trần gian lớp lớp đã xây thành.

 

Sau mấy câu thơ, tôi hỏi ông bà Edwin đã đọc Upanishad – Áo Nghĩa Thư – chưa. Cả hai gật đầu và im lặng. Người phương Tây ngày nay đọc Vệ Đà và Áo Nghĩa Thư nhiều hơn số người trên quê hương nguyên thủy của suối nguồn tư tưởng này là Ấn Độ. Ngồi bệt xuống trên gò cỏ dại, tôi cười bâng quơ; nhướng mắt hỏi và cũng từa tựa như để trả lời bà Edwin:

- Màu rỗng lặng.

Bà Edwin đưa mắt dò hỏi. Ông Edwin ra chiều suy nghĩ, hỏi:

- Là màu gì vậy? Ông lấy màu này từ đâu ra thế?

Không biết trả lời làm sao, tôi dang cả hai cánh tay ra khoác dấu một vòng tròn:

- Màu xanh lấy từ bầu trời, màu đỏ lấy từ mặt trời, màu vàng lấy từ mặt trăng, màu trắng lấy từ mây khói… Chỉ có rỗng lặng là từ rỗng lặng mà ra chứ chẳng phải lấy từ đâu cả.

Ông Edwin như nguội hẳn cái sôi nổi lúc đầu của buổi leo núi. Ông lẩm bẩm, không biết tự nói với mình hay nói với ai:

- Hừ! Màu rỗng lặng.

Cả ba người nhìn ra xa bầu trời rỗng lặng và im lặng.

Đôi khi, ngôn ngữ cũng dư thừa; mặc dầu tôi muốn giải thích cho ông bà Edwin rằng, đây không phải là màu mà đây cái nhìn trong suốt để thấy được mọi màu y như thực tướng của nó. Cái nhìn không bị che chắn, dẫu chỉ là một gợn mây trắng trên đường xưa. Sự ghi nhận không phải bằng đôi mắt đời thường, cũng chẳng phải từ cái tâm tục đế mà bằng sự rỗng lặng nguyên sơ chính nó. Cả hai ông bà Edwin không hiểu ý tôi muốn nói gì, nhưng có lẽ thấy tôi có vẻ ngồ ngộ sao đó nên cả hai cùng cười xòa. Thế là sự rỗng lặng thắng. Thắng vì không bị chối bỏ, giận hờn hay phản đối. Thế giới có cả nghìn ngôn ngữ khác nhau nhưng chỉ có một ngôn ngữ chung mà ai cũng “nói”, biết thông thạo và ít hiểu lầm nhau nhất, đó là tiếng cười. Dẫu là cười xòa vì lý do gì thì đó cũng là dấu hiệu của hòa bình, an lạc. Một giọt nước bình yên, long lanh thôi cũng đủ phản chiếu màu trời hơn cả đại dương đục ngầu, cuồng nộ.

Ba hôm trước ngày Lễ Tạ Ân – Thanksgiving – tại Mỹ năm nay, tôi bất ngờ nhận được tấm thiệp cám ơn của ông bà Edwin gởi từ Manchester, Luân Đôn. Nội dung có câu: “Cám ơn bạn đã gợi lên màu rỗng lặng. Khởi từ đốm sáng của Trí tuệ này mà chúng tôi mới nhìn thấy nhau và nhìn ra được Đấng Tạo Hóa và Trật Tự Thiên Nhiên là đồng nhất qua một màu rỗng lặng.”

                                                                  Trần Kiêm Đoàn

                                                            Sacramento, Thanksgiving 25-11-2009
Chia sẻ: facebooktwittergoogle