3G và tu học, hoằng pháp

3G và tu học, hoằng pháp

Minh Thạnh

 

Sự kết nối thường xuyên giữa tăng sinh, hành giả với đại chúng, đạo tràng…có thể thiết lập bằng điện thoại di động, vượt qua mọi khoảng cách địa lý. Sự kết nối đó có thể thực hiện bằng văn bản, tiếng nói, hình ảnh tĩnh và động, hai chiều và nhiều chiều. Một đạo tràng trước đây chỉ thực hiện hoạt động khi đại chúng tụ tập về một chỗ. Nhưng một đạo tràng ảo vẫn có thể thực hiện hoạt động khi đại chúng tỏa về các nơi cách xa nhau.

Trước đây, chúng tôi đã có bài Tu học bằng điện thoại di động. Bài viết đi thẳng vào các ứng dụng, không nói đến phần lý luận, nên có thể có bạn đọc ngỡ ngàng.

Vì vậy, nay với việc thế hệ điện thoại di động 3G được triển khai tại Việt Nam, là một trong những sự kiện truyền thông quan trọng nhất đối với nước ta trong năm 2009, chúng tôi xin đề cập lại vấn đề này, đặc biệt là phần lý luận.

Cũng như bài viết trước, bài này hướng đến mục tiêu khai thác một phương tiện truyền thông hiện đại phục vụ cho đạo Phật.

Hiện nay, các nhà lý luận truyền thông đều nhất trí xem điện thoại di động là một phương tiện truyền thông đại chúng. Điện thoại di động không còn là một phương tiện liên lạc như điện thoại cố định nữa.

Về mặt lý luận, nhận thức điều này là hết sức quan trọng cho việc ứng dụng.

Điện thoại cố định được coi là phương tiện truyền thông đại chúng thứ 7 của thế giới. Bảy phương tiện truyền thông đại chúng của thế giới là:

1) Máy in giấy (in sách, tờ rơi, báo), phát minh và hoàn thiện trong suốt thời trung đại. Máy in giấy được coi là một phương tiện truyền thông đại chúng đóng góp quan trọng trong sự truyền bá Cơ đốc giáo, đặc biệt là Tin Lành. Kinh Thánh là ấn phẩm có số lượng ấn bản cao nhất thế giới.

2) Các loại hình lưu trữ âm thanh và hình ảnh được phát triển từ cuối thế kỷ XIX (dĩa cơ học) và tiếp tục hoàn thiện (dĩa CD, VCD, DVD…).

3) Điện ảnh, vào đầu thế kỷ XX

4) Radio, từ thập niên 1920

5) Truyền hình, từ thập niên 1950

6) Internet, từ thập niên 1990

7) Điện thoại di động, từ năm 2000

Trong một phạm vi hẹp hơn, điện thoại di động được mệnh danh là màn hình thứ 4, sau màn hình vải của chiếu bóng, màn hình âm cực của TV và máy vi tính.

Điện thoại di động từ buổi ban đầu, chỉ dùng để liên lạc, không phải là phương tiện truyền thông khi mới xuất hiện. Nó chỉ từng bước được truyền thông đại chúng hóa với sự xuất hiện của tin nhắn và hoàn thiện màn hình. Đến nay, với thế hệ 3G, màn hình điện thoại di động đã hoàn thiện, và bao gồm trong nó các màn hình trước đó (điện ảnh, TV, máy tính).

Điện thoại di động cũng gồm trong nó những phương tiện truyền thông đại chúng. Nó hiển thị văn bản, và nhân bản văn bản như một thứ máy in. Điện thoại di động cũng cho phép ghi âm, ghi hình, chụp ảnh và lưu trữ dữ liệu ghi được, nghe radio, xem TV và truy cập internet.

Điện thoại di động được xác định là phương tiện truyền thông đại chúng cá nhân và thường xuyên đầu tiên. Điện thoại di động cũng là phương tiện có khả năng xác định, thống kê chính xác công chúng hơn cả.

Trong các phương tiện truyền thông đại chúng trước điện thoại di động, Phật giáo thế giới và Việt Nam đã khai thác tập trung phương tiện in ấn giấy, phương tiện ghi lưu trữ hình ảnh âm thanh (recording), internet. Một số quốc gia, vùng lãnh thổ đã khai thác phát thanh và truyền hình phục vụ hoằng pháp (Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Srilanka…).

Nếu xét trên phân loại màn hình, thì Phật giáo Việt Nam chỉ khai thác được mỗi một màn hình vi tính.

Sau khi đã kết luận điện thoại di động:

- Là một phương tiện truyền thông,

- Bao gồm trong nó những phương tiện truyền thông đã có,

Chúng ta đi đến một kết luận sau đó là hoàn toàn có thể khai thác điện thoại di động như phương tiện truyền thông đại chúng, tương tự như các phương tiện thông tin đại chúng trước đó.

Phật giáo Việt Nam đã khai thác khá tốt internet trong hoạt động hoằng pháp và phục vụ tu học. Khi điện thoại di động đã có thể thực hiện việc truy nhập internet thì mặc nhiên, điện thoại di động sẽ đóng vai trò phương tiện phục vụ tương tự như máy vi tính xách tay.

Nhưng khi điện thoại di động đã truy nhập được internet thì người sử dụng vừa mang điện thoại di động vừa mang theo máy tính xách tay làm gì?

Điều đáng lưu ý là, tại Việt Nam, số lượng điện thoại di động được sử dụng đã vượt hơn số dân. Điều đó hứa hẹn tốc độ chuyển đổi sang thế hệ 3G

3G, điều đó cũng có nghĩa là với việc truyền dẫn video, màn hình điện thoại di động tại Việt Nam đã thực sự mà màn hình thứ 4 và bao gồm 3 màn hình trước đó.

Với 3G tương lai truyền dẫn các chương trình hoằng pháp bằng audio và video trên phương tiện thu là điện thoại di động đang thực sự mở ra.

Việc chuẩn bị cho khả năng này là yêu cầu trước mắt.

Đối với tín hiệu video, thì tương lai dùng cho di động cần phải lưu ý đến khung hình trung cảnh và cận cảnh, thay vì các khung hình toàn cảnh, có thể không phù hợp đối với màn hình bỏ túi của điện thoại di động.

Không cần đài phát thanh, đài truyền hình, radio và TV, chương trình audio, video vẫn có thể đến người xem, mọi lúc và mọi nơi. Điều đó có nghĩa là, nếu khai thác được điện thoại di động phục vụ hoằng pháp, nhu cầu các chương trình audio và video là hết sức lớn.

Cách  viết văn bản trên web phù hợp cho truy cập internet cố định và di động cần được chú ý ngay từ bây giờ. Những câu ngắn và cách nhau bằng những chấm xuống dòng, với nhiều diện tích trắng dễ đọc trên màn hình nhỏ là duy nhất thích hợp cho màn hình điện thoại di động, thay vì những đoạn văn dài và chi chít chữ.

Thời lượng các buổi thuyết pháp cũng cần được cân nhắc lại, để hướng đến khả năng truyền trên điện thoại di động. Hiện nay, đã hình thành trong thực tế các show truyền hình, được gọi là mobile show, được dàn dựng và phát chỉ cho điện thoại di động.

Những ứng dụng khác đã nói trong bài viết trước đây. Chỉ xin nhắc lại khả năng kết nối thường trực của điện thoại di động.

Là một phương tiện liên lạc, điện thoại di động duy trì kết nối liên tục theo ý muốn của người sử dụng đối với người thân, bạn hữu…

Là một phương tiện truyền thông đại chúng, điện thoại di động duy trì sự kết nối thường xuyên giữa người sử dụng với cộng đồng xã hội, với sinh hoạt của cả thế giới.

Như vậy, dễ dàng suy ra, sự kết nối thường xuyên giữa tăng sinh, hành giả với đại chúng, đạo tràng…có thể thiết lập bằng điện thoại di động, vượt qua mọi khoảng cách địa lý. Sự kết nối đó có thể thực hiện bằng văn bản, tiếng nói, hình ảnh tĩnh và động, hai chiều và nhiều chiều. Một đạo tràng trước đây chỉ thực hiện hoạt động khi đại chúng tụ tập về một chỗ. Nhưng một đạo tràng ảo vẫn có thể thực hiện hoạt động khi đại chúng tỏa về các nơi cách xa nhau. Bằng một sự kết nối như vậy, mối liên hệ đại chúng vẫn được thực hiện. Từ “đại chúng” vẫn giữ nguyên nghĩa của từ này, ngay cả khi không tập trung, mà chỉ kết nối qua điện thoại di động.

Một hình thái hoằng pháp tu học mới sẽ ra đời cùng với thế hệ điện thoại di động 3G, nếu Phật giáo Việt Nam kịp thời nhận thức và khai thác nó.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle