HDTV-Video Art-Thiền Phật giáo
HDTV-Video Art-Thiền Phật giáo
Hồ Phước Vinh
Ba khái niệm trên tưởng chừng như không liên quan gì với nhau, nhất là HDTV (truyền hình có độ phân giải cao) và thiền. Đặt chúng bên cạnh nhau để tìm hiểu về một mốc liên quan nào đó thì có thể là một việc làm gây ngạc nhiên.
Làm sao không thể ngạc nhiên khi một bên thuần túy là một công nghệ điện tử hiện đại mới vừa phát triển trong một thời gian ngắn (tại Việt Nam, công nghệ HDTV chỉ mới triển khai vào đầu năm 2009 do Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện Việt Nam VTC), một bên là một nghệ thuật non trẻ ít người biết đến và một bên là phương pháp tu tập tôn giáo.
Bài viết này nhằm vào mục tiêu khám phá mối quan hệ đó. Lời lý giải cho sự ngạc nhiên đã nói trên sẽ lại đem tới một ngạc nhiên mới cho người đọc, một sự ngạc nhiên trước những sự lý thú không ngờ.
Những hạn chế của truyền hình hiện đại
Sau một thời gian xem chương trình truyền hình, có lẽ ít có khán giả nào cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản, an lạc, thư thái. Có thể trừ một số chương trình có nội dung tôn giáo, chương trình hòa nhạc, chương trình sân khấu, phim truyện có tính chất hài hước, gây cười vô tư, thì phần lớn các chương trình ca nhạc hay tin tức, đều đưa tới cho người xem một cảm giác, có thể nói là âm tính: kích thích, cảm xúc mạnh, hay nặng nề, căng thẳng, mệt mỏi. Tin tức thế giới có một tỷ lệ không nhỏ là tin xấu: chiến tranh, khủng bố, tai nạn. Hình ảnh những chiến binh cầm súng, những cuộn khói, những xác chết, những lời lẽ công kích, những khuôn mặt hải hùng… đã là những hình ảnh quen thuộc trong những chương trình thời sự, luôn tạo ở người xem một tâm trạng nặng nề, bất an, đau xót. Các chương trình sân khấu, phim truyện thì đầy dẫy những câu chuyện tình ủy mị, éo le, đẫm nước mắt hay những cuộc chiến đấu ác liệt, tàn bạo, những pha đánh đấm đầy thú tính… Những chương trình như vậy, cho dù kết thúc có hậu đi nữa, tác dụng của nó đối với tâm lý con người vẫn là tiêu cực. Đó là chưa nói đến những chương trình truyền hình mang tính cách gợi dục lồng vào các kênh phim truyện, khiến người xem luôn bị dao động bởi nhu cầu xác thịt.
Một trong những chức năng chính của truyền hình là giải trí, nhưng cái kiểu giải trí của truyền hình không đưa người xem đến an lạc. Qua truyền hình, giải trí và an lạc chừng như mâu thuẫn với nhau.
Những vấn đề còn nằm ở kỹ thuật của truyền hình. Hình ảnh trên truyền hình cứ lướt qua, chuyển cảnh nhanh, khoảng cách giữa hai lần bấm máy ngắn… Những người già phần lớn không thích hợp với kỹ thuật đặc trưng đó của truyền hình. Một bà lão bị chứng rối loạn tiền đình (chóng mặt) mô tả triệu chứng với bác sĩ: “chóng mặt như xem TV mỗi lần “cuộn trang” chuyển cảnh”!. Các kênh truyền hình tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, đã có ý thức khắc phục nhược điểm đặc trưng này: hạn chế tần suất chuyển cảnh, duy trì trong một thời gian dài một camera với một khung hình cố định để giảm cảm giác động ở người xem.
Xu thế đã có ở truyền hình hơn nửa thế kỷ qua như trên đến nay đã bắt đầu thay đổi. Trong sự thay đổi đó có thể nhận thấy dễ dàng những nội dung mang dáng dấp của thiền Phật giáo, cho dù có thể đó là việc ngẫu nhiên, một cuộc hội tụ tình cờ, hay là một sự ảnh hưởng gián tiếp.
HDTV
Nếu hình ảnh chúng ta xem trên đĩa VCD là LDTV (Low Definition Television), độ nét thấp, trên TV thông thường bằng kỹ thuật số hay kỹ thuật tương tự (analog), trên dĩa DVD là SDTV (Standard Definition Television) thì HDTV (High Definition Television) là truyền hình có độ phân giải cao, hay đơn giản hơn, truyền hình độ nét cao. HDTV cho hình ảnh rỏ hơn khoảng 5-6 lần xem trên TV thông thường, y như nhìn thấy trong thực tế. HDTV đã được thế giới nghiên cứu từ rất lâu. Trong những thập niên 1980 ở Nhật Bản và 1990 ở châu Âu đều có HDTV. Nhưng những cuộc thử nghiệm đó đều đã thất bại. Mãi đến những năm đầu thế kỷ XXI, HDTV mới được hoàn thiện bằng công nghệ số. Tại Việt Nam ta đã có đến 10 kênh HDTV phát qua vệ tinh Vinasat-1 trong hệ thống VTC (Đài Truyền hình Kỹ thuật số thuộc Tổng Công ty truyền thông Đa phương tiện Việt Nam VTC).
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu HDTV là một công nghệ truyền hình mới và như vậy thì nó cũng chẳng liên quan gì đến thiền, đến Phật Giáo.
Nhưng trong thực tế đã có một diễn biến đáng lưu ý. Bên cạnh việc chuyển tải các phim nhựa 35mm độ nét cao đề tài chiến tranh, tình cảm, thu các chương trình ca nhạc đầy kích động… HDTV đã góp phần nảy sinh một nhánh rẽ ở truyền hình, mà chúng ta tạm thời gọi là truyền hình “chậm”, truyền hình “thư giãn”, nếu mạnh dạn hơn, thì có thể coi đó là một hướng truyền hình phảng phất đâu đó hương vị thiền.
Với phương tiện có độ nét rất cao, các cameraman, đạo diễn truyền hình phát hiện rằng truyền hình có thể không cần phải như cũ: chuyển cảnh nhanh, dồn dập, thu hút người xem bằng sự chú ý tập trung, căng thẳng, chạy đuổi theo diễn biến hình ảnh, mà khả năng thể hiện rõ từng giọt sương đang đọng trên cách hoa, từng đường gân của chiếc lá… của HDTV cũng có thể tạo nên những hiệu quả tích cực ở người xem, và sau đó là một phong cách truyền hình chậm rãi, thưởng thức thiên nhiên, cảnh vật, tĩnh vật trong sự tinh tế vi diệu của nó. Trên hệ thống VTC-HD, chúng ta có thể dễ dàng xem những chương trình như vậy trên các phim du lịch cảnh quan thiên nhiên kênh VTC-HD1, kênh Geographic Channel, kênh Luxe TV, kênh thử nghiệm với những hình ảnh chọn lọc VTC-HD10…
Chúng tôi xin đi sâu vào một số chương trình HDTV theo kiểu này. Người ta có thể quay hình một bông hoa cho đến… 30 phút!. Đối tượng thu hình được đi sâu thể hiện những nét đẹp tinh tế nhất, kín đáo nhất, nhỏ nhiệm nhất bằng diễn tiến thật chậm rãi, nhẹ nhàng, trên nền nhạc êm dịu như tiếng Kinh. Nếu chỉ quan sát bằng mắt thường, người xem sẽ không thấy được đối tượng quan sát như qua HDTV, rõ ràng ở từng chi tiết nhỏ nhất. Thậm chí quan sát một đóa hoa nở, người xem có thể đi tới trạng thái mình đã hóa thành… một con bướm, như trong lời thơ của Trang Tử, vì một giọt sương trên cánh hoa có thể nhìn rõ bóng nước và rất to trên màn hình TV Full HD 42inch.
Người làm truyền hình và người xem truyền hình bắt đầu một cuộc khám phá mới về truyền hình bằng HDTV. Truyền hình không chỉ là giải trí mà nó còn là một phương tiện đưa tới sự thư giãn, an lạc, tĩnh tâm. Xem một video clip HDTV quay cảnh hoa cúc Nhật phát trên kênh VTC-HD1, người viết chợt nhớ đến các bài thơ Vịnh hoa cúc của thiền sư Huyền Quang.
Đặt những đoạn video HD được thực hiện theo cách như trên bên cạnh những chương trình làm theo kiểu thông thường thì sẽ thấy rõ một bên đưa đến tâm an, tâm thơi thới, nhẹ nhàng, còn một bên đưa tới tâm động, tâm căng thẳng, dù là có vui, có thú, nhưng sau chương trình truyền hình là sự mệt mỏi dã dượi.
Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai HDTV, nên cũng không mấy làm lạ khi Nhật đi đầu trong cách làm truyền hình chậm này. Nhịp độ hình, động tác máy quay, tiết tấu đã chậm, chương trình đã chậm vì thời lượng dành cho một đối tượng. Có những chương trình HDTV ngắm hoa nở, lá rụng… kéo dài bằng chương trình giới thiệu một khu vườn thiền kiểu Nhật được chiếu thường xuyên trên các kênh HDTV-VTC.
Xem những chương trình như vậy trên HDTV-VTC, chúng tôi mới hiểu vì sao hãng điện tử Samsung đã đưa ra hình ảnh quảng cáo sản phẩm một cô gái đang ngồi thiền trước một chiếc TV LCD cỡ lớn chiếu hình một hồ nước phẳng lặng.
HDTV từ khả năng thể hiện trung thực rõ nét thiên nhiên đã trở thành một phương tiện đưa người xem về với thiên nhiên, tận hưởng những vẻ đẹp vi tế nhất. Từ đó chính truyền hình lại khám phá rằng, không phải nhanh, động, chao đảo… mới là hay, mà chậm tĩnh, lặng, êm dịu là cái hay của một mặt khác. Mà chậm tĩnh, lặng, nhẹ nhàng êm dịu có gì khác hơn là những thuộc tính của thiền Phật giáo.
Video art (nghệ thuật video)
Đây là môt khái niệm rất mới. Để miêu tả, cần xác định video art không phải là phim video, mặc dù nó có thể có vẻ là một phim video ngắn chẳng hạn.
Nếu người họa sĩ làm nghệ thuật bằng màu sắc đường nét cụ thể là bút màu – thuốc vẽ. Người nhạc sĩ làm nghệ thuật bằng âm thanh, cụ thể là các nhạc cụ, người sáng tác văn học dùng ngôn từ với các con chữ trên giấy, thì người làm nghệ thuật video dùng camera video sáng tạo những đoạn video thể hiện cảm hứng sáng tạo.
Video art có thể có âm nhạc, tiếng động, lời thuyết minh, lời đối thoại… cũng có thể không có âm thanh, cũng có thể chỉ có một hay vài loại âm thanh nào đó (thí dụ chỉ có tiếng nhạc, tiếng ngâm thơ, âm thanh tự nhiên).
Bằng những hình ảnh video, và trước hết là hình ảnh, video art chuyển đến người xem những xúc cảm, suy tư của người sáng tác. Có thể coi một tác phẩm video art như là môt bài thơ, một đoản văn, một bài ký hoặc đôi khi là một truyện ngắn được xây dựng bằng hình ảnh video.
Video art là một thứ nghệ thuật mới, lạ, kén người xem. Nghệ sĩ video art quảng bá tác phẩm của mình bằng phương tiện nghe nhìn như dĩa, băng video, phát trên mạng internet và trình chiếu cùng xem giữa các nhóm bạn nghệ sĩ. Những đoạn chương trình HDTV chiếu trên VTC-HD thể hiện cảm xúc trước thiên nhiên cũng có thể coi là Video art.
Đi vào lòng người bằng đường thị giác và thính giác, video art thiên về mặt cảm xúc. Chúng ta có thơ thiền là một bộ phận quan trọng của thơ, thì tất nhiên là cũng sẽ có video art thiền.
Video art là nghệ thuật hình ảnh nên cần phải xem và là nghệ thuật thời gian nên phải xem hết mới có thể cảm, có thể hiểu. Thật khó cho người đọc cũng như người viết khi miêu tả một loại hình nghệ thuật bằng lời văn. Ngày nay, video art được hỗ trợ bằng công nghệ HDTV thì hiệu ứng nghệ thuật của nó càng thêm mạnh mẽ.
Để có thể hình dung chúng tôi xin kết thúc bằng một ví dụ: Mười bức tranh chăn trâu là tác phẩm hội họa thiền Phật Giáo, thì video clip tương tự về diễn tiến quá trình chăn trâu như mười bức tranh thiền nói trên chính là một tác phẩn video art thiền. Có điều người nghệ sĩ video art không dùng đường nét mà dùng hình ảnh và âm thanh với phương tiện camera video.
Một đàng thì dùng bút lông để vẽ, một đàng dùng camera để ghi hình, nhưng cùng nhắm đến chỉ một mục tiêu.
(Tại TPHCM, có thể xem giới thiệu các chương trình VTC-HDTV tại Điểm chiếu giới thiệu của Trung tâm Truyền hình Kỹ thuật số VTC tại TPHCM-153/1 Võ Văn Tần, Q3)