A. LUNACHARSKY: VỊ BỘ TRƯỞNG GIÁO DỤC LIÊN XÔ ỦNG HỘ PHẬT GIÁO

  1. LUNACHARSKY: VỊ BỘ TRƯỞNG GIÁO DỤC LIÊN XÔ ỦNG HỘ PHẬT GIÁO

 

Minh Thạnh 

Chúng ta thường quan niệm hộ pháp là hoạt động cúng dường, xây chùa, đắp tượng, đúc chuông… 

Nhưng, cũng có những hoạt động đem lại lợi ích cho Phật giáo, tuy là gián tiếp, nhưng có tác động lớn lao không kém những cư sĩ hộ pháp, như đem lại cho những nhà lãnh đạo một cái nhìn đúng đắn về đạo Phật, tạo một môi trường tốt cho việc hóa đạo . 

Và  có thể những người ủng hộ cho đạo Phật như thế không phải là Phật tử. 

Học giả  Liên Xô A. Lunacharsky là một người như vậy. 

Anatoly Vasilyevich Lunacharsky sinh ngày 23 tháng 11 năm 1875 tại Poltava, Urkraina, lúc đó thuộc đế chế Nga. Ông qua đời năm 1933 và được an táng tại chân tường Điện Kremli, một danh dự đặc biệt dành cho những người đã có những cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với Liên bang Xô Viết. Tên ông đã được các khoa học gia Liên Xô đặt cho tiểu hành tinh 2446. Nhiều đường phố ở Liên Xô mang tên ông (ở gần 20 thành phố và thị trấn, trong đó có Saint Petersburg, Kiev) và nay vẫn được giữ lại như một danh nhân văn hóa. Tên ông cũng được đặt cho nhiều nhà hát, rạp chiếu phim, công viên văn hóa và di sản, lĩnh vực mà ông đã nỗ lực cống hiến. 

Wikipedia bản tiếng Nga đã viết như sau về ông: nhà văn, nhà hoạt động xã hội chính trị, dịch giả, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà lý luận phê bình nghệ thuật, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Dân ủy Giáo dục Liên Xô, một thành viên lãnh đạo tích cực trong cuộc Cách mạng Tháng Mười. 

Tuy nhiên, vẫn còn thiếu, A. Lunacharsky còn là một nhà nghiên cứu tôn giáo. 

Trong số các tác phẩm của ông có các quyển Tôn giáo và chủ nghĩa xã hội, Tôn giáo và giáo dục, Tín hữu Kytô trong khoa học hiện đại… Trước Cách mạng Tháng Mười ông đã có những nghiên cứu về tôn giáo, phát biểu ý kiến về “tôn giáo xây dựng” (có thể dịch là “Thiên Chúa xây dựng”). Trong Wikipedia tiếng Nga, mục từ về A. Lunacharsky được ghi chú dẫn đến mục từ “tôn giáo xây dựng” (tương đương “See also” trong bản tiếng Anh). Tôn giáo xây dựng là một xu hướng triết học đạo đức trong Chủ nghĩa Mác Nga, phát triển ở các nhà văn Nga cánh tả đầu thế kỷ XX, trong đó của Maxim Gorky, xu hướng này tìm kiếm sự dung hợp giữa chủ nghĩa xã hội và tôn giáo, trước hết là Cơ đốc giáo. 

Chúng ta sẽ đi sâu tìm hiểu A. Lunacharsky ở khía cạnh học thuật này, cũng để thấy được những đóng góp của ông cho Phật giáo. 

A. Lunacharsky đến với chủ nghĩa Mác rất sớm. Năm 1892 ông đã gia nhập một tổ chức nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Kiev. Ông học triết ở Đại học Zurich, Thụy Sỹ và là học trò của nhà triết học Đức Richard Avenarius (1843 – 1896). 

Ông làm báo, viết sách, tích cực tham gia Cách mạng Nga, đặc biệt trong vai trò một người làm công tác văn hóa tư tưởng, từng bị Chính phủ Sa hoàng bắt giam. 

Từ  năm 1917, A. Lunacharsky giữ chức vụ Dân ủy giáo dục trong chính quyền Nga sau Cách mạng Tháng Mười, là cánh tay mặt của Lênin trong lãnh vực văn hóa giáo dục. 

Trong thời gian giữ chức vụ trong chính quyền, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu, viết sách về nghệ thuật, lịch sử, triết học. 

Một trong những đóng góp tích cực của ông là quan điểm bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống và tích cực hoạt động cho quan điểm này. 

Khác với quan điểm xem Viện Hàn lâm Khoa học là một tổ chức chịu ảnh hưởng của tàn tích phong kiến Sa hoàng, và cần áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với những viện sĩ từng cộng tác mật thiết với hoàng gia Nga, A. Lunacharsky lại có quan điểm trân trọng và lưu dụng giới trí thức tinh hoa của nước Nga Sa hoàng. Quan điểm này được Lênin chấp nhận và Viện Hàn lâm Khoa học Nga vẫn tồn tại và hoạt động với cơ chế như từ thời Sa hoàng cho đến một thời gian sau khi Lênin qua đời. Từ đó, Viện Hàn lâm Khoa học đã đóng vai trò duy trì quan hệ tốt đẹp giữa nhà nước Liên Xô với Phật giáo cho đến thập niên 1930. 

Là  một nhà nghiên cứu tôn giáo, A. Lunacharsky cũng rất quan tâm đến Phật giáo. Công trình Phật giáo Nga ghi nhận “A. Lunacharsky rất chú tâm đến triết học Phật giáo” (Trần Quang Thuận: Phật giáo Nga, Nhà xuất bản tôn giáo, Hà Nội, 2008, trang 276) 

Tuy nhiên, thời đó, ở Nga, muốn nghiên cứu Phật học thì  phải biết tiếng Phạn, sách vở Phật học cũng rất hiếm. Tất nhiên, A. Lunacharsky phải tìm đến Phật giáo thông qua các nhà Phật học Nga như Oldenburg và Shtchebatskoy. Quan hệ đặc biệt giữa A. Lunacharsky và Shtchebatskoy là một mối quan hệ đặc biệt. Sách Phật giáo Nga của tác giả Trần Quang Thuận có đoạn như sau: 

“Lenin hỏi A. Lunacharsky về Shtchebatskoy, “Ông ấy là một nhà học giả trứ danh” Tổng ủy viên Giáo dục trả lời “ông ấy đã viết một tài liệu rất đặc sắc nhấn mạnh quan điểm xã hội của Phật giáo – dẹp bỏ cá tính, dẹp bỏ tài sản riêng, đặt thanh tịnh tâm, thành tựu an lạc cho mình, cho người, cho cộng đồng xã hội”. 

Có  một nhận định tóm tắt như vậy về Phật giáo, chắc chắc A. Lunacharsky đã rất am hiểu về Phật giáo và gián tiếp xác nhận viêc học hỏi từ Viện sĩ Shtchebatskoy. Và đã nhận xét như vậy thì đương nhiên thái độ của nhà nước, mà A. Lunacharsky người phụ trách chính về công tác văn hóa giáo dục, phải đối xử với Phật giáo bằng sự trọng thị. Sách Phật giáo Nga chép về quan điểm của A. Lunacharsky về Lạc ma A. Dorziev, nhà lãnh đạo Phật giáo Nga ở châu Á, dẫn lại những ghi chép của Friedrich Lutsig: “Anatoly Lunacharsky là một nhân vật Bolshevik khác rất ngưỡng mộ Ngài vì tài cao, học rộng”. 

Tháng 8 năm 1919, theo chỉ đạo của A. Lunacharsky, Viện Bảo tàng Quốc gia Nga đã tổ chức một cuộc triễn lãm về nghệ thuật Phật giáo, bên cạnh đó một cuộc hội thảo, quy tụ các viện sĩ Nga trình bày về những ưu điểm của Phật giáo. Điều đáng nói không phải chỉ là cuộc triển lãm và hội thảo, mà chính là ở bối cảnh mà chủ trương tổ chức triển lãm và hội thảo được đưa ra. Đó là chưa đến 2 năm từ khi diễn ra cuộc Cách mạng, nước Nga đang trong nạn đói và nội chiến, nhà nước Xô Viết đang ở thế “nghìn cân treo sợi tóc” trước sự can thiệp của các nước đế quốc. Trong khi tiếng súng ở nhiều miền nước Nga đang vọng về, thì tại Viện Bảo tàng, A. Lunacharsky vẫn ngồi nghe các viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga tôn vinh Phật giáo, điều đó chứng tỏ nhà nước Xô viết lúc đó và cá nhân A. Lunacharsky quý trọng Phật giáo đến dường nào. 

Trong khi nhà nuớc Vô thần Xô viết sau Cách mạng Tháng Mười giải quyết khá cứng rắn các vấn đề của Giáo hội Cơ đốc Chính thống giáo (như vấn đề nhà trường trong nhà thờ, vấn đề tài sản giáo hội…), thì Phật giáo lại được nhìn nhận với các giá trị về mặt triết học, đạo đức học, nghệ thuật học, văn hóa học (thuộc lãnh vực quản lý của A. Lunacharsky), hầu như không đồng nhất với Cơ đốc giáo Chính thống trong phạm trù tôn giáo. 

Sau khi Lênin từ trần vài năm, cuối thập niên 1920, A. Lunacharsky đã phải thôi giữ các chức vụ ở lãnh vực giáo dục, văn hóa, lãnh vực sở trường của ông và ra nước ngoài làm… đại sứ. Sau nhiệm vụ tại Hội Quốc Liên, ông lên đường đến Tây Ban Nha, cũng với tư cách đại sứ, và qua đời trên đường công tác khi ngang qua lãnh thổ Pháp. 

Trước sau, ông là một nhà tư tưởng Mác-xít kiên định. Những trước tác của ông về mặt tư tưởng, lý luận, văn hóa, nghệ thuật với quan điểm Mác-xít rất đồ sộ và những đóng góp của ông trong cương vị quản lý nhà nước đối với Liên Xô trên thực tế cũng rất lớn. Do đó, hiển nhiên, A. Lunacharsky không phải là một Phật tử. 

Nhưng ông xứng đáng với sự kính trọng mà các học giả Phật giáo dành cho ông về những gì ông đã làm cho Phật giáo Nga trong hơn 10 năm lãnh đạo ngành giáo dục văn hóa Nga và sau đó là Liên Xô. 

Vai trò  “hộ pháp” của ông đối với Phật giáo Nga có hay không còn phải tìm hiểu thêm, nhưng điều rõ ràng là sự ra đi của ông có liên hệ đến những khó khăn mà Phật giáo Nga phải trải qua trong hai thập niên sau đó. Việc ông qua đời là một mất mát cho Phật giáo Nga thời bấy giờ và nhiều năm sau nữa. 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle