Để giải quyết những trở ngại trong hoạt động hoằng pháp

ĐỂ GIẢI QUYẾT NHỮNG TRỞ NGẠI TRONG HOẠT ĐỘNG HOẰNG PHÁP 

Minh Thạnh 

Một trong những vấn đề lớn mà đạo hữu Nghiêm Minh Kiên nêu ra trong bài viết và được các bạn đọc tham gia diễn đàn Phatuvietnam.net quan tâm thảo luận là việc các cá nhân tăng sĩ, các đơn vị giáo hội địa phương lại tự hạn chế nhau trong việc hoằng pháp. Cụ thể là một số vị nhân danh quyền hạn giáo hội địa phương không cho phép giảng sư từ nơi khác đến thuyết pháp do ích kỷ, sợ bổn đạo đi theo chùa khác… 

Thật là  bất ngờ vì ở thế kỷ XXI, lại có chuyện cấm đoán theo ranh giới địa phương mà lại do lại chính giáo hội cơ sở. 

Dùng giáo quyền hạn chế việc hoằng pháp theo địa giới hành chánh là một việc làm ngược với xu thế phát triển. 

Truyền thông hiện đại đã thu nhỏ thế giới thành một  cái làng, nữa chi là những tỉnh cách nhau vài chục, vài trăm km. 

Trên  diễn đàn Phatuvietnam.net, nhiều độc giả đã nói đến giải pháp dĩa VCD, DVD hay CD, Mp3… 

Đó cũng là một giải pháp, nhưng nó có hạn chế là không thực hiện đuợc việc giao lưu, người thính pháp nghe một cách thụ động. 

Nói cách khác, là không tạo được pháp đàn như  thật, người nghe pháp không cảm nhận được sự  có mặt của vị giảng sư, không “tương tác”, nêu câu hỏi trực tiếp. 

Trường hợp nhà chùa ở các tỉnh có thể tổ  chức được pháp đàn nhưng không thỉnh đựợc giảng sư, thì thay vào đó có thể tổ chức hội nghị truyền hình (Teleconferencing hay Videoconferencing). 

Hội nghị  truyền hình là một hoạt động truyền thông bình thường, đơn giản đã có mặt ở nước ta từ lâu, được các cơ quan, trường học, bệnh viện, công ty…sử dụng thường xuyên. 

Chúng ta vẫn thấy trên TV, Chính phủ họp giao ban với các tỉnh thành bằng hội nghị truyền hình. 

Trong Phật giáo, hội nghị truyền hình giúp tiết kiệm chi phí đi lại, lưu trú, tiết kiệm thời gian, giữ gìn sức khỏe của vị giảng sư. 

Ở các tôn giáo mới, trong đó vị “giáo chủ” giữ vai trò quan trọng, thì kỹ thuật hội nghị truyền hình đựơc triệt để áp dụng và ở cấp độ toàn cầu. Người giảng đạo chẳng cần đi đâu cả. 

Việc tổ  chức do người tại chỗ lo liệu: thuê hội trường, dịch vụ kỹ thuật, thông giáo, gửi thư mời… 

Hiện nay, hội nghị truyền hình đã phục vụ đựơc cấp  độ HD (độ nét cao), hình ảnh trong, rõ như nhìn thấy thật, có thể phóng to với độ sáng cải thiện đáng kể để xem không cần phòng tối như ở chiếu bóng. 

Kỹ thuật hội nghị truyền hình có thể thực hiện việc kết nối điểm hay nhiều điểm. Các bên tham dự hội nghị truyển hình có thể nhìn thấy nhau trao đổi ý kiến với nhau. 

Trong điều kiện tài chính hạn chế, nhà chùa có thể tổ chức hội nghị truyền hình một chiều. Tức là chỉ truyền hình ảnh, tiếng nói vị giảng sư đến với pháp đàn. Còn người thính pháp có thể nêu câu hỏi với vị giảng sư bằng điện thoại. Hai bên vẫn giao tiếp được với nhau. 

Hội nghị truyền hình cho phép lưu trữ lại hình ảnh toàn bộ nội dung buổi thuyết pháp, trong đó có hình ảnh của người tham dự (chứ không chỉ là hình ảnh, lời nói của vị giảng sư mà thôi). Có nghĩa là bản dĩa ghi lại buổi thuyết giảng bằng công nghệ hội nghị truyền hình có thể là vật kỷ niệm làm vui lòng và rất quý đối với mọi người tham dự. 

Chương trình hội nghị truyền hình có thể đựơc làm phong phú bằng hình ảnh tĩnh, video minh họa bổ sung. 

Việc tổ  chức hội nghị truyền hình hiện rất dễ dàng, chỉ cần điện thoại, các đơn vị của ngành viễn thông sẽ đến liên hệ phục vụ, với nhiều mức cấp độ ứng với các mức chi phí khác nhau. Đơn vị dịch vụ viễn thông lo liệu toàn bộ thiết bị (có thể thực hiện ngay cả khi không có mạng internet tại điểm kết nối), nhà chùa không phải bận tâm. 

Pháp tòa tại chùa tổ chức thuyết pháp đuợc thay bằng một màn ảnh lớn và ở đó là hình ảnh vị giảng sư tại pháp tòa của chùa mình. 

Giới thiệu công nghệ hội nghị truyền hình ở đây, chúng tôi không coi đó chỉ là một biện pháp để  đối phó với sự ngăn cấm giảng sư từ địa phương khác tới hoằng pháp ở một số vị điều hành giáo hội địa phương còn hẹp hòi. 

Mà hội nghị truyền hình có thể là một phương tiện hữu hiệu để Ban Hoằng pháp Trung Ương có thể thực hiện tốt hơn chức năng chỉ đạo và tổ chức hoằng pháp từ Trung Ương. 

Với chỉ  một số ít giảng sư được tuyển chọn, Ban Hoằng pháp Trung Ương có thể tổ chức việc thuyết pháp cho một hay nhiều chùa ở địa phương bất kỳ trong cả nước, thậm chí ở nước ngoài. 

Khả  năng chùa lớn tại TPHCM và các thành phố lớn trong cả nước có thể nghe đựơc lời thuyết pháp của chính những vị giảng sư Lãnh đạo Ban Hoằng pháp Trung Ương trong tầm tay. Hơn thế nữa, Phật tử còn có thể nêu câu hỏi  hay vấn an chư vị giảng sư. 

Vì là  bài viết trong loạt bài về “cơ chế đạo tràng tự do”, nên chúng tôi nhấn mạnh đến tác dụng phá bỏ những rào cản về “mệnh lệnh” có tính chất tiêu cực của phương tiện hội nghị truyền hình. 

Nhưng thực ra, tác dụng tăng cường sự chỉ đạo thống nhất của giáo hội mới là tác dụng nhiều ý nghĩa của hội nghị truyền hình. Khi đó, lịch trình diễn giảng do Ban Hoằng pháp Trung Ương tổ chức có thể phổ biến và thực hiện tại TPHCM cũng như các địa phương khác. Ở đây là tác dụng vượt qua các rào cản địa lý. 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle