Cứu trợ: Kênh bố thí Pháp

 

CỨU TRỢ: KÊNH BỐ THÍ PHÁP 

Minh Thạnh 

Đạo Phật coi bố thí là một phương pháp tu tập quan trọng. Bố thí là một trong lục độ Ba la mật, là phương tiện đưa tới giải thoát. Bố thí càng trở nên hết sức cần thiết khi có đối tượng cần cứu giúp khẩn cấp, chẳng hạn như đối với đồng bào miền Trung vừa chịu cảnh bão lụt tàn phá nặng nề. 

Đức Phật chia bố thí ra làm 3 loại: 

  • Tài thí: bố  thí tiền bạc, của cải vật chất.

 

  • Pháp thí: bố  thí bằng cách thuyết giảng, trợ giúp thực hành giáo lý đạo Phật.

 

  • Vô úy thí: Bố thí mang lại sự không sợ hãi, an ủi, giúp đỡ về tinh thần.

 

Như vậy, đạo Phật có cái nhìn bố thí rất toàn diện. 

Mấy hôm nay, các chùa đều lao vào hoạt động cứu trợ  đồng bào miền Trung bị bão lụt. Đây là dịp  để người con Phật chúng ta tu hạnh bố thí. 

Từ bố  thí theo cách dùng thông thường hàm nghĩa ban phát, nhưng trong đạo Phật không có nghĩa là xin cho, mà phải được coi là nghĩa vụ tự nhiên.  

Các chùa, mỗi đợt công tác từ thiện cứu trợ đồng bào lũ lụt, bố trí hàng trăm triệu đồng hiện kim, hiện vật. Đó là tài thí. 

Cứu trợ  đồng bào bão lụt cũng là mang đến cho người vừa trải qua tai ách, mất mát sự an ủi, động viên. Như vậy, trong tài thí đã có vô úy thí. 

Nhưng trong 3 loại bố thí mà đức Phật đã chỉ ra, đức Phật khẳng định bố thí pháp là bố thí thù thắng nhất, ưu việt nhất, cần thiết nhất, cao quý nhất. 

Bố thí  tiền của thì dễ. Tài thí có bố thí bao nhiêu cũng không đủ. Trong lúc an ổn bình thường thì đâu đâu cũng có người nghèo khó, nữa là sau cơn bão tố, lũ lụt. 

Bố thí  vô úy cũng không khó. Nó càng dễ thực hiện khi đi với tài thí, trong điều kiện thiên tai vừa mới xảy ra. Sự an ủi trong lúc tai ương, khốn khó, sợ hãi, hoang mang, thì ai cũng cần. 

Duy chỉ  có bố thí pháp là tương đối khó, mà  khó nhất là ở đối tượng tiếp nhận. Đó là cái mà họ rất cần, nhưng ở người nhận họ có thể coi là điều không cần. Vì vậy, dù có sẵn pháp, không phải lúc nào cũng có thể bố thí được. Người có tâm cầu pháp thì luôn là thiểu số. 

Một vị  giảng sư có ví von một cách hình tượng, là có thể đem tiền ra giữa chợ mà bố thí một cách dễ dàng, chứ không thể đem nhang cho người ta mà bảo “tu đi”, “tu đi”! 

Vì vậy, bố thí pháp chỉ có thể thực hiện  trong những hoàn cảnh nhất định, trong những điều kiện nhất định. 

Cái khó  là bố thí pháp cho người chưa hiểu biết nhiều về Phật pháp, chưa có tâm cầu Phật pháp. 

Thường thì  rất khó mời những người như vậy đến chùa nghe thuyết pháp, và không thể tặng kinh sách, băng dĩa giảng pháp cho họ, vì có thể họ nhận, nhưng chỉ để đó, không đọc, không nghe, như thế thì cũng không thực hiện được việc bố thí pháp. 

Vấn  đề là phải thiết lập được một “kênh thông tin”, nói theo ngôn ngữ của truyền thông hiện  đại, trong đó, yếu tố tiếp nhận được xác lập. Nghĩa là đối tượng phải trong tình thế  tiếp nhận nội dung. 

Đức Phật, mặc nhiên, đã có tầm nhìn về vấn đề  này. Vấn đề “duyên” để hóa độ không gì khác hơn chính là tình thế tiếp nhận giáo pháp. Có pháp hội một số người nghe rời bỏ (như Kinh Pháp Hoa), Đức Phật cũng không ngăn cản. Đối tượng tiếp nhận, tình thế tiếp nhận đã được xác định và giới hạn. 

Vậy, làm sao có thể bố thí pháp song song, kết hợp với tài thí và bố úy thí trong hoạt  động cứu trợ lũ lụt hiện nay? 

Trước hết, khi mời gọi tập trung đồng bào nạn nhân bão lụt đến một địa điểm để tiếp nhận tặng phẩm cứu trợ, thường là chùa ở địa phương, thì trên thực tế đã thiết lập được tình thế tiếp nhận truyền thông, đã có sự giao lưu giữa tăng ni Phật tử cứu trợ và người dân địa phương, tức là bước đầu đã hình thành kênh bố thí pháp. Vấn đề đặt ra tiếp theo là vận hành kênh thông tin đó như thế nào? 

Tất nhiên, tăng ni Phật tử cứu trợ gặp đồng bào địa phương không chỉ để trao quà cứu trợ rồi về, lời phát biểu thăm hỏi từ phía quý tăng ni hướng dẫn đoàn cứu trợ có thể hình thành một bài pháp ngắn

Một nguyên tắc lớn của truyền thông là vấn đề sự kiện quan hệ đến đối tượng chi phối sự quan tâm của đối tượng tiếp nhận. Vì thế, đề tài thích hợp hơn cả trong những trường hợp cứu trợ hiện nay, vừa là những nội dung cơ bản của đạo Phật, vừa là điều mà người tiếp nhận cứu trợ có thể quan tâm là các vấn đề nghiệp báo, nhân quả… 

Vì sao chịu cùng tai ương một cơn bão, có người tử  nạn, có người bị thương, có người mất hết nhà cửa, có người lại bình an vô sự? 

Làm sao (tức tu như thế nào) để tránh được những tai ương như vậy. 

Điều thứ hai có thể nghĩ đến là cùng với tặng phẩm cứu trợ, có thể tặng kinh sách, dĩa giảng pháp. Nội dung những tặng vật bố thí pháp như vậy cũng cần biên soạn riêng cho đối tượng xác định trong trường hợp cụ thể như trên, để có hiệu quả tối ưu nhất trong việc đưa đồng bào đến với đạo pháp. 

Hiện nay, phương tiện đọc dĩa VCD, MP3 đã hết sức phổ cập, chi phí thực hiện một dĩa VCD, MP3 tiết kiệm hơn chi phí in một quyển sách, lại rất dễ dàng trong việc nhân bản, nên hình thức tặng vật bố thí pháp là dĩa VCD, MP3 thuyết pháp thích hợp hơn cả. 

Trao tặng hình ảnh Đức Phật, chư vị Bồ tát, hình ảnh chùa chiền cũng thích hợp cho đồng bào vùng nông thôn. Họ có thể dùng để thờ tự hoặc treo chiêm ngưỡng đều rất tốt. 

Những câu Phật ngôn, đặc biệt những câu giáo huấn thiết thực từ Kinh Pháp cú, trình bày đẹp, có thể dưới dạng thư pháp để treo tường, vừa có tác dụng trang trí một cách thẩm mỹ và trí tuệ, vừa có tác dụng nhắc nhở, giáo hóa về đạo đức, cũng rất thích hợp là những tặng vật bố thí pháp. Chi phí in ấn những lời Phật dạy treo tường như thế không cao, nhưng xét về khía cạnh truyền thông hiệu quả của nó rất cao, vì tác dụng kéo dài, liên tục (thí dụ một quyển Kinh Pháp cú người đọc xong cất vào tủ là tác dụng của vật liệu truyền thông đó tạm ngưng, cho đến khi có người thứ hai đọc quyển Kinh, nhưng lời kinh in thành tấm treo tường thì mọi người đọc hàng ngày, có thể đến nhiều năm). 

Người viết nghĩ rằng bạn đọc rộng rãi có thể đóng góp ý kiến cho những hình thức bố thí pháp đa dạng, phong phú và hiệu quả hơn. Kính mong cùng nhau góp ý kiến trên diễn đàn Phattuvietnam.net 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle