Từ bài toán năng lượng chiêm nghiệm lời Phật dạy
Từ bài toán năng lượng chiêm nghiệm lời Phật dạy
Minh Thạnh
Mấy hôm nay, báo chí liên tục đưa tin về những phiên họp nhiều ý kiến tranh luận của Quốc hội về vấn đề an toàn của thủy điện Sơn La và dự án điện nguyên tử Ninh Thuận.
Trước đó, cũng đã có những ý kiến khác nhau trên báo chí về tác động tiêu cực của những nhà máy thủy điện mới xây dựng ở miền Trung qua những cơn lũ vừa rồi.
Những nguồn năng lượng được coi là hiện đại, sạch sẽ, ít gây ô nhiễm hơn cả, hóa ra tiềm ẩn trong nó những nguy cơ mà có thể là thảm họa khi không kiểm soát được.
Hậu quả thiên tai sẽ nặng nề hơn rất nhiều khi nó liên hệ đến các hồ chứa nước thủy điện hay những lò phản ứng nguyên tử cung cấp điện năng.
Vậy mới biết, không phải cứ có tiền là cứ có điện mà dùng, cứ xài điện thoải mái.
Càng dùng nhiều điện, nhu cầu năng lượng ngày càng cao. Xây thêm nhà máy nhiệt điện dùng than đá thì gây ô nhiễm trầm trọng, người dùng điện phải gánh luôn sự ô nhiễm đó. Nhà máy nhiệt điện dầu khí thì dùng những nguồn tài nguyên quý giá không tái tạo được của thiên nhiên mà con người đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt. Còn dùng thủy điện thì điện phải phá rừng làm hồ, chịu sự đe dọa của lụt lội. Điện nguyên tử thì rẻ và sạch nhưng lơ lửng nguy cơ tai nạn phóng xạ, vấn đề chất thải hạt nhân…Một bài toán nặng nề.
Trước đây đã có lúc chúng ta vẫn nghĩ là có nhiều điện, dùng nhiều điện là điều đáng mừng.
Nhưng đến lúc này thì vấn đề đã bộc lộ, với những câu hỏi về số người chết tăng đột biến trong đợt bão lũ vừa rồi, những nỗi lo lắng về nguy cơ có thể của các nhà máy thủy điện, điện nguyên tử.
Dùng nhiều điện không chỉ là tiện nghi, mà còn là đồng thời gánh lấy sự ô nhiễm, nguy cơ tai nạn.
Bây giờ, chúng ta nhớ đến hai khái niệm chính của đạo Phật thiểu dục (ít muốn) và tri túc (biết đủ).
Có một lúc, hình như hai khái niệm trên của Phật giáo ít được nhắc đến. Có lẽ vì khi đó nó hình như tương phản với những quy luật phát triển kinh tế.
Có ham muốn nhiều và luôn cảm thấy thiếu thốn thì người ta mới mua sắm. TV, máy lạnh, tủ lạnh…mới bán được. Nhu cầu sản xuất hàng hóa tăng, nhà máy sản xuất hàng hóa, nhà máy điện xây dựng càng nhiều, thêm nhiều công ăn việc làm.
Nghe nói ở Mỹ, người ta không dùng máy điều hòa không khí cho từng phòng mà là cho cả căn nhà (ở Việt Nam cũng bắt đầu như thế). Đồ dùng điện máy dùng hết tuổi thọ lý thuyết là bỏ thay cái mới, không kể nó dùng được hay không.
Như vậy, phải chăng mới là phát triển, mới thúc đẩy kinh tế? Cứ thúc đẩy muốn nhiều, xài nhiều. Mà thứ sản phẩm nào không cần dùng điện để sản xuất?
Còn phải chăng Đức Phât dạy thiểu dục, tri túc là sai, là lạc hậu, là không còn hợp thời?
Đến bây giờ chúng ta mới thấy trí tuệ của bậc giác ngộ.
Hơn ai hết, nước Mỹ, nước đứng đầu danh sách các nước có lượng khí thải công nghiệp cao, gây hiệu ứng nhà kính, dẫn đến tình trạng nóng ấm toàn cầu, băng tan địa cực, nước biển dâng cao.
Cứ thúc đẩy muốn nhiều, xài nhiều để rồi bây giờ mới thấy hậu quả của nó. Lời dạy của Đức Phật hôm nay trở nên hợp thời hơn bao giờ hết. Chỉ có chúng sinh thế gian đã lầm với những tiến bộ khoa học kỹ thuật của mình, Đức Phật không bao giờ lầm.
Trong đợt khủng hoảng kinh tế hiện nay, người ta nói đến khái niệm kích cầu bong bóng, đặc biệt ở Hoa Kỳ. Mọi người được cho mượn tiền để xài. Các nhà tín dụng cứ xui con nợ xài đi, còn thiếu nhiều lắm, cứ vay nợ mà xài. Rốt cuộc bong bóng vỡ. Các ngân hàng sụp đổ.
Bài toán tín dụng mượn nhiều, xài nhiều còn dễ giải quyết. Bài toán năng lượng khó hơn rất nhiều.
Người ta bắt đầu quảng cáo đến những sản phẩm xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường…, chứ chưa dám nói thẳng ít muốn, biết đủ, xài ít đi, đủ rồi, như tinh thần của Đức Phật, trừ những nhà bảo vệ môi trường.
Nhưng rồi cũng đến lúc người ta phải nói như Phật nói.
Có thể trước đây, có người vẫn nghĩ khái niệm ít muốn, biết đủ chỉ phù hợp đối với người nghèo, nước nghèo, chứ người giàu, nước giàu lắm tiền nhiều của thì việc gì phải ít muốn, biết đủ.
Nhưng bây giờ chúng ta đều biết biến đổi khí hậu, nóng ấm toàn cầu, băng tan biển ngập không chỉ là tai họa cho người nghèo. Khi hành tinh bị hủy hoại thì có nghĩa là đó là tận thế. Tai nạn vỡ đập thủy điện, cháy lò phản ứng hạt nhân…nếu xảy ra ở một quốc gia nào đó, thì nó không giới hạn trong đường biên giới quốc gia.
Kích thích vào lòng tham, sự ham muốn, trước mắt tưởng chừng như đem lại lợi ích. Nhưng càng muốn nhiều, càng xài nhiều, thì con người lại làm cho mình bất an hơn. Bất an theo nghĩa đen của từ này, tức là bị tai nạn đe dọa, chứ chưa nói đến bất an theo nghĩa nhà Phật.
Sự bất an của nhân loại không chỉ thể hiện qua những khuôn mặt thất thần của người dân châu Phi trên đường tị nạn khí hậu, một khái niệm chỉ mới có gần đây.
Sự bất an của nhân loại còn thể hiện trên khuôn mặt nặng nề những nhà khoa học của NASA mỗi khi công bố những bức ảnh mới chụp từ vũ trụ cho thấy các dòng sông càng ngày càng khô cạn đi, diện tích các khối băng ở Bắc cực, Nam cực thu nhỏ dần, nước biển dâng lên. Vì họ hơn ai hết, đã ý thức về thảm kịch đang đến gần, nói theo cách nói nhà Phật: “Như cá hết nước” .
Khi xem nguyên phó Tổng thống Mỹ Al Gore xuất hiện trên các kênh TV quốc tế với bóng đèn tiết kiệm điện trong tay, kêu gọi dân Mỹ hãy dùng điện ít đi, hãy bảo vệ Trái đất bằng cách bớt nhu cầu tiêu xài, mà hãy tận dụng lại của cải, phương tiện đã có…, quả thật tôi muốn gửi ngay cho ông một cái mail, rằng những lời ông nói hôm nay chính là lời Đức Phật đã nói hơn 25 thế kỷ trước (1).