TÌM VỀ TIẾNG TỤNG KINH CHÙA XƯA XỨ HUẾ
TÌM VỀ TIẾNG TỤNG KINH CHÙA XƯA XỨ HUẾ
Minh Thạnh
Khi tôi lớn lên, khoảng thập niên 70, chùa ở Sài Gòn đều đã dùng hệ thống phóng thanh, nhưng dùng loại loa mà người ta thường gọi là loa sắt. Đây là loại loa có hình loe, các cụ thường dùng từ “ống tà loa” để gọi.
Ngày nay, ở các vùng thôn quê, vẫn còn thấy loa sắt treo ở các cột điện. Loại loa này chỉ dùng tốt khi lắp đặt ngoài trời, tiếng lớn, và đặc biệt đưa âm thanh đi rất xa. Nhiều chùa khi tụng kinh đặt nhiều loa chỉa ra chung quanh, cách hàng cây số cũng nghe thấy.
Loa sắt không phát được tiếng bass, tiếng treble, âm thanh nghe rất chói, nên khi phát lời tụng kinh nghe rất khó chịu, làm lời tụng mất vẻ thanh thoát.
Lúc đó, đối với cơ quan tôn giáo, không phải chùa mà nhà thờ cũng dùng loa sắt chỉa ra đường khi hành lễ. Loa sắt còn được dùng để phóng tiếng chuông nhà thờ đi xa, âm thanh trở nên đục và the thé!
Nhưng nhiều chùa Phật giáo lại đặt luôn cả loa sắt trong chánh điện để khuếch đại tiếng tụng kinh, khiến lời tụng kinh tăng âm trong một hệ thống để phát đi xa nay bị nén trong một không gian nhỏ hẹp, tạo tiếng dội chát chúa.
Tôi nhớ những năm cuối thập niên 1970, trong Giảng đường Thiện Hoa chùa Ấn Quang, có một chiếc loa sắt rất lớn được treo bên phải và một chiếc loa sắt khác treo ở mặt tiền. Đến nghe pháp mà đi chậm, ngồi gần loa là một cực hình.
Đến nay, có chùa vẫn còn dùng loa sắt để khuếch đại tiếng tụng kinh trong những thời khóa. Trong công việc, do yêu cầu riêng của nghề nghiệp, tôi phải tìm hiểu qua về kỹ thuật audio trong truyền thông, biết được việc nhà chùa dùng loa sắt trong nội thất là sai về mặt kỹ thuật, không phù hợp với trình độ phát triển kỹ thuật âm thanh hiện đại, tôi đã tập hợp tài liệu, định viết một bài hướng dẫn trang bị âm thanh cho nội thất chánh điện. Trong đó, bài viết chỉ dẫn rõ nên sử dụng các loại loa thùng, có cấu tạo phức hợp gồm cả bass và loa treble, với nhiều thiết bị dành cho từng cỡ hội trường khác nhau, phù hợp với kỹ thuật hiện đại.
Bài viết chưa hoàn thành thì tôi có dịp đi Huế. Đến một ngôi chùa xưa, kiến trúc chủ yếu bằng gỗ, chánh điện không lớn lắm, tôi được nghe một thời kinh tụng không dùng tăng âm và loa, chỉ là giọng tụng kinh tự nhiên, do một nhóm Phật tử tụng dưới sự chủ lễ của một vị tăng sĩ.
Thật bất ngờ, thời kinh mà tôi được nghe tụng và cùng tụng theo đó là thời kinh đạt chất lượng âm thanh cao nhất, xét theo quan điểm kỹ thuật âm thanh hiện đại.
Tiếng tụng kinh, với tiếng bổng tiếng trầm là một dạng tiếng hát. Đại chúng cùng tụng kinh là một dạng hợp xướng. Trong buổi tụng kinh ở ngôi chùa cổ xứ Huế đó, do không có ampli, loa khuếch đại, nên tiếng vị chủ lễ không át tiếng đại chúng, mà hòa trong tiếng đại chúng.
Đặc biệt người tham gia tụng kinh vừa nghe được tiếng đại chúng tụng, vừa nghe được tiếng mình tụng trong tiếng tụng chung của đại chúng.
Như vậy, rõ ràng, khi sử dụng tăng âm và loa khi tụng kinh, thì chỉ còn lại tiếng tụng của một vị chủ lễ (được khuếch đại lên rất mạnh), còn bỏ đi tăng âm, loa khuếch đại, thì tiếng tụng kinh đó mới là tiếng tụng kinh của đại chúng, mỗi người đều nghe được tiếng tụng của mình trong âm thanh chung.
Chùa Huế xưa nằm ở vùng quê, nên rất yên tĩnh, khi vị chủ lễ xướng lên lời kinh, cả chánh điện nghe rõ mồn một, rồi âm vang của đại chúng cùng hòa theo, giọng của vị chủ lễ chuyển thành giọng tụng của cả đạo tràng, âm vang trầm hùng.
Về nhà, tra lại các tài liệu về kỹ thuật âm thanh, thì mới vở lẽ ra tụng kinh theo cách ở ngôi chùa cổ xứ Huế đó là mẫu mực của kỹ thuật âm thanh trong hợp xướng. Nghĩa là trở về với tự nhiên, không dùng đến tăng âm và loa, dù rằng là tăng âm và loa tốt nhất, đúng kỹ thuật nhất.
Phòng hòa nhạc của Nhạc viện Tp HCM chẳng hạn, được xây dựng với tính toán chủ yếu không dùng đến tăng âm và loa, mà chỉ khai thác âm thanh tự nhiên của nhạc cụ và ca sĩ. Hệ thống micro mà chúng ta vẫn thấy ở phòng hòa nhạc đó thường dùng cho việc thu thanh hơn là cho tăng âm.
Ngay cả khi độc tấu một nhạc cụ hay trình bày đơn ca, người ta cũng tránh việc sử dụng khuếch đại điện tử. Nhạc sĩ piano tài danh Đặng Thái Sơn cũng có lần phê phán sự lạm dụng tăng âm điện tử.
Các tài liệu khoa học kỹ thuật cũng đều có nêu những hạn chế của khuếch đại điện tử trong những trường hợp như vậy.
Thì ra, tôn trọng sự tự nhiên vẫn là tối ưu hơn cả. Điều chư Tổ sư đã làm từ mấy trăm năm hóa ra ngày nay lại phù hợp với kỹ thuật hiện đại.
Trong thiết kế những công trình kiến trúc sang trọng, mà có lần tôi được đọc ở một tài liệu tiếng Nga, như phòng họp của điện Kremli, thì các kỹ sư âm thanh tận dụng việc ốp gỗ trang trí, vừa tạo ra nét sang trọng, vừa bảo đảm không cần dùng tới tăng âm và loa. Người chủ tọa và dự họp với phát âm vừa phải cũng đủ cho cả phòng họp nghe.
Còn phòng hòa nhạc trong các cung điện lớn hiện nay đương nhiên là không khuếch đại điện tử.
Thế là tôi để bài viết hướng dẫn thiết kế tăng âm cho chánh điện (dự trù nối tiếp loạt bài Chiếu sáng chánh điện, Chiếu sáng tượng Phật) sang một bên.
Và thay vào đó là bài viết này, với đề xuất các chùa có chánh điện quy mô vừa phải, nên loại bỏ hết các phương tiện tăng âm và tìm về với giọng tụng kinh của các chùa xưa xứ Huế.
Tôi nhớ Hòa thượng Nhất Hạnh có nói một câu, đại ý, nói lớn không phải là cách nói để người ta lắng nghe.
Ở đây, câu nói trên hết sức phù hợp với việc chúng ta đang tìm một cách thức tối ưu cho âm thanh tụng kinh trong chánh điện.
Hãy bỏ hết tăng âm, loa dùng cho khuếch đại âm thanh cho các chánh điện cỡ vừa và nhỏ (cỡ như chánh điện các chùa Huế).
Đó là lời khuyên của một người làm chuyên môn về truyền thông sau khi tham khảo các tài liệu kỹ thuật mới nhất.
Dễ nhất là chúng ta tìm đến và cùng tụng kinh trong một ngôi chùa Huế xưa, để có thể phải lắng nghe tiếng vị chủ lễ vang lên trầm hùng chân thật, và nghe được tiếng mình trong tiếng tụng kinh của đại chúng, so sánh khi sử dụng tăng âm điện tử và loa khuếch đại.
Trên đây, chúng ta mới xét vấn đề trên phương diện kỹ thuật âm thanh hiện đại.
Nếu xét từ phía đạo Phật, tôn giáo thiên về sự tĩnh lặng, cân bằng, hài hòa, thì âm thanh khuếch đại điện tử thường được mở quá to, rõ ràng là không phù hợp.