Giấc mơ Phù Đổng

                    Giấc mơ Phù Đổng

Một buổi sáng thức dậy băn khoăn nghe tiếng chim rất lạ. Mỗi một nụ cười, ánh mắt, bước chân đi cũng dường như thay đổi. Lòng dạt dào những cảm xúc khó tả, và nghĩ đến điều gì cũng thấy như mình đã hiểu biết rất nhiều hơn. Ô hay, mình đã lớn!

Này người bạn trẻ! Cách đây hơn hai mươi năm tôi cũng đã có một buổi sáng như thế, hay nói đúng hơn là tương tự như thế. Và vì thế tôi có thể hiểu được phần nào những gì mà bạn đang cảm nhận. Buổi sáng của bạn có thể đến sau kỳ thi tốt nghiệp, hoặc sau ngày nhận giấy báo vào đại học, hay cũng có thể vì mới hôm qua đây thôi, bạn vừa tự mình hoàn tất được một công việc nào đó “vô cùng quan trọng”...

Vâng, mỗi chúng ta đều trải qua một khoảng giao thời giữa tuổi thơ và sự trưởng thành. Có thể bạn vẫn còn ít nhiều băn khoăn tiếc rẻ những ngày vô tư của tuổi ấu thơ, với những câu nói, tiếng cười được tuôn ra không cần phải đắn đo, cân nhắc... Nhưng bạn cũng đầy nôn nao, háo hức trong tâm trạng muốn dấn thân vào những điều chưa biết, muốn tự mình khám phá cả thế giới đang trải ra trước mắt, cái thế giới mà từ trước đến nay bạn luôn bị ngăn cấm không được bước chân vào, chỉ vì chẳng có ai chịu xem bạn là “người lớn” cả!

Thế rồi, cuối cùng bạn cũng đã trưởng thành! Cuối cùng bạn cũng đã được mời gọi bước chân vào “thế giới của người lớn”! Này người bạn trẻ, tôi và bạn có thể đều giống nhau ở ngưỡng cửa này, nhưng vẫn có những khác biệt nhất định về những gì mà chúng ta mang theo trong cuộc dấn thân của mình. Hơn thế nữa, thế giới cũng đã đổi thay nhiều sau hai, ba mươi năm... Và càng khác lạ biết bao so với một, hai thế kỷ trước đây, cho đến so với thuở ban sơ mà dân tộc ta đang gầy dựng và hình thành một nền văn hóa Đại Việt...

Nhưng tất cả không có gì qua đi mà không để lại những âm vang nhất định. Tôi nhớ là đã nhận được rất nhiều từ những người đi trước, nhiều đến nỗi bản thân tôi cũng chưa bao giờ thử làm công việc đo đếm xem mình đã nhận được những gì! Mặc dù vậy, trong mỗi ý tưởng, lời nói hay việc làm của mình, tôi luôn cảm nhận được dấu ấn của những thế hệ cha anh cho đến những bậc tiền bối của dân tộc từ muôn đời trước... Không có những vốn liếng quý giá ấy, tôi tự thấy mình sẽ chẳng là gì cả, thậm chí sẽ chẳng có chút giá trị nào đáng để tự nhắc đến mình.

Nhưng này người bạn trẻ, tôi sẽ “bật mí” với bạn một điều bí mật. Tất cả những gì vừa nói, tôi đã không hề nhận được khi đang ở ngưỡng cửa vào đời. Lúc ấy, thú thật là tôi đã tự thấy mình quan trọng quá, cao ngạo quá, đến nỗi tôi từ chối không muốn nhận bất cứ điều gì mà những người lớn tuổi “bảo thủ và lạc hậu” muốn trân trọng trao tặng. Điều may mắn nhất trong đời tôi là đã gặp được những người “cực kỳ bảo thủ”, và vì thế họ không nản lòng trong việc bám theo tôi “dai như đỉa”, để rồi cuối cùng cũng san sớt được cho tôi tất cả những gì họ có.

Vâng, sự thật là tôi đã nhận được tất cả những vốn liếng của đời mình trong những hoàn cảnh mà bản thân tôi không nhiệt tình mong muốn. Và chính điều đó đã trở thành một kinh nghiệm quý giá của riêng tôi, giúp tôi có thể trở nên gần gũi hơn với hầu hết các thế hệ học trò của mình. Tôi hiểu các em nhiều hơn là những người đi trước đã hiểu tôi!

Và giờ đây, trong một chừng mực nào đó, có thể nói là tôi đã cố gắng “đóng gói” những món quà của mình để người nhận có thể vui lòng nhận lấy. Tuy nhiên, tôi cũng không loại trừ khả năng là bạn có thể từ chối. Điều đó không sao đâu, người bạn trẻ, vì tôi đã đóng gói các món quà cho bạn, nên bạn có thể cất giữ chúng cho đến một lúc nào thuận tiện sẽ mở ra xem. Nhưng trước hết, giờ tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện ngày xưa mà tôi rất thích. Hơn thế nữa, tôi còn tin chắc rằng bạn cũng sẽ thích nó...

Giấc mơ Phù Đổng

Ngày xưa, xưa lắm rồi..., vào thời vua Hùng thứ 6 của nước ta, giặc Ân từ phương Bắc kéo sang xâm chiếm. Nhà vua lấy làm lo lắng, liền sai sứ đi truyền rao trong khắp chốn dân gian để tìm người hiền tài đứng ra dẹp giặc.

Bấy giờ, tại làng Phù Đổng thuộc huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc, có vợ chồng ông Hàn Cẩn là người giàu có. Bà vợ là người họ Phạm, tuy đã lớn tuổi mà chưa từng sinh nở, nên hai vợ chồng vẫn phải sống trong cảnh cô độc không con cái. Họ thường hết sức làm việc thiện, cứu giúp những người nghèo khổ, lòng chỉ cầu mong sao có được một mụn con nối dõi.

Rồi tấm lòng thành của ông bà cũng cảm động đến tận trời xanh. Bà có thai và đến ngày mồng 8 tháng 4 năm Nhâm Dần thì hạ sinh một bé trai kháu khỉnh. Sau đó một năm thì ông Hàn Cẩn qua đời.[1]

Cậu bé lớn dần lên, dung mạo khôi ngô tuấn tú, nhưng được ba tuổi rồi mà vẫn chưa từng mở miệng nói ra tiếng nào. Mọi người đều lo lắng, nghĩ rằng cậu hẳn phải chịu câm đến suốt đời.

Ngờ đâu, ngày kia khi sứ giả vua Hùng đi ngang làng Phù Đổng truyền rao hịch cầu hiền thì cậu bỗng nhoẻn miệng cười và gọi mẹ, xin ra mời sứ giả vào. Bà mẹ nửa mừng nửa sợ, trong lòng kinh ngạc khôn xiết nhưng cũng nghe lời cậu đi ra mời sứ giả. Bấy giờ, cậu bé liền bảo sứ giả về tâu lên vua hãy đúc ngay một con ngựa sắt thật lớn, một cây roi sắt và một bộ giáp sắt. Khi nào mang đủ tất cả đến làng thì cậu sẽ tình nguyện lên đường dẹp giặc.

Sứ giả về tâu lại, vua Hùng mừng rỡ truyền y theo lời, không bao lâu mang đủ ngựa sắt, roi sắt và giáp sắt đến làng Phù Đổng.

Khi ấy, cậu bé liền xin mẹ nấu cho mình ba nong cơm lớn. Bà mẹ bấy giờ gia cảnh đã sa sút, liền đi nói với người làng. Dân làng vui vẻ cùng nhau mang gạo và thức ăn đến góp. Cơm nước đã dọn ra, cậu ngồi vào ăn một hơi hết sạch cả 3 nong cơm lớn. Xong, cậu đến bên con ngựa sắt, vươn vai một cái bỗng trở nên cao lớn lạ thường, rồi mặc giáp sắt, cầm roi sắt nhảy ngay lên lưng ngựa. Ngựa sắt bỗng hí vang rồi tung vó phóng đi, miệng phun ra những đám lửa cuồn cuộn sáng rực.

Cậu trai Phù Đổng kéo quân đến đâu giặc tan đến đó. Trong lúc hăng say đánh giặc, roi sắt bỗng bị gãy, cậu liền thuận tay nhổ cả bụi tre bên đường mà quất vào quân giặc. Quân ta dũng mãnh, chẳng mấy chốc đã đuổi sạch kẻ thù xâm lược ra khỏi bờ cõi.

Giặc tan, cậu phi ngựa thẳng lên ngọn núi Ninh Sóc, rồi từ đó bay thẳng lên trời, chẳng ai còn thấy nữa.

Nhân dân nhớ ơn dẹp giặc nên lập đền thờ phụng, hằng năm lễ cúng. Vua ban sắc phong là Phù Đổng Thiên Vương.

Làng Phù Đổng vốn có tên Nôm là làng Gióng, nên nhân dân cũng thường gọi là ông Gióng hay Thánh Gióng.

Câu chuyện hào hùng về Thánh Gióng được lưu truyền mãi mãi trong lòng người dân Việt, cho dù đã phải trải qua không ít những thời kỳ cơ cực dưới ách ngoại xâm, và dân ta khi ấy chẳng mấy ai biết đọc biết viết. Nhưng chỉ cần ở đâu còn có người Việt là ở đó câu chuyện Thánh Gióng vẫn còn được kể. Và điều thú vị ở đây là người kể cũng như người nghe đều cảm thấy hứng khởi và tự hào với tất cả những tình tiết oai hùng, kì vĩ trong câu chuyện, bởi ai cũng cảm nhận được sợi dây vô hình liên kết giữa nhân vật trong chuyện với chính bản thân mình và với cả dân tộc Việt, cho dù là đã trải qua bao nhiêu năm tháng.

Niềm tự hào chính đáng ấy đã gieo cấy và làm nảy nở trong lòng dân Việt một giấc mơ vượt qua mọi thời đại. Từ thuở rồng vàng bay lên trên đất Thăng Long, cho đến lúc vua Lê trả gươm thần trên mặt hồ Gươm Hà Nội... Từ thuở những con sóng Bạch Đằng giận dữ nhấn chìm bao thuyền giặc ngoại xâm, cho đến chiến thắng Đống Đa hào khí ngất trời làm cho gần ba mươi vạn quân Thanh kinh hồn bạt vía... Qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, mỗi người dân Việt đều ôm ấp trong lòng một giấc mơ chung nảy sinh từ hình ảnh người anh hùng làng Gióng năm xưa...

Này người bạn trẻ, vì thế tôi có thể đoan chắc với bạn một điều là, cho dù bạn có nhận biết hay không, trong lòng bạn vẫn không thể thiếu vắng giấc mơ chung ấy. Và bạn ơi, tôi rất thích gọi tên giấc mơ ấy là giấc mơ Phù Đổng.

Giấc mơ Phù Đổng là niềm tự hào dân tộc, nó làm cho ta có cảm giác hài lòng và thấy mình thật may mắn được sinh ra làm người dân Việt. Và niềm tự hào ấy luôn thôi thúc ta vươn cao, vươn xa hơn nữa, để sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Nhưng không chỉ có thế, ngay trong cuộc sống hằng ngày nó cũng không bao giờ cho phép chúng ta chấp nhận những điều kiện yếu kém hiện tại, mà phải luôn có một sức phấn đấu học hỏi ngày càng vươn lên.

Vì thế, giấc mơ Phù Đổng cũng là khát vọng vươn lên ngang tầm thế kỷ, học hỏi và bắt kịp mọi tri thức thời đại để đưa dân tộc tiến lên ngang hàng với bạn bè khắp nơi trên thế giới.

Nhưng giấc mơ Phù Đổng không hướng ta đến sự lớn mạnh để rồi lấn áp hay khống chế những ai còn yếu kém. Những trang sử bi thương của dân tộc trong thời kỳ sống dưới ách ngoại xâm đã cho ta sự đồng cảm sâu sắc với những thiệt thòi của các quốc gia “nhược tiểu”. Vì thế, chúng ta luôn mong muốn được sống trong một thế giới hòa bình và tôn trọng lẫn nhau, ngay cả những cường quốc hùng mạnh nhất cũng biết tôn trọng những quốc gia yếu kém hoặc nhỏ bé nhất.

Trong giấc mơ của chúng ta, một Việt Nam ngày mai dù có hùng mạnh nhất nhì trên thế giới cũng vẫn luôn duy trì tình thân hữu với những bạn bè tự thuở hàn vi, cũng vẫn luôn mong muốn được đưa tay ra nâng đỡ và dìu dắt tất cả những ai còn yếu kém, vấp ngã...

Và trong giấc mơ của chúng ta, tất cả các nước trên thế giới sẽ cùng nắm tay nhau quây quần thân ái, san sẻ cho nhau những giá trị tinh thần cũng như vật chất, học hỏi lẫn nhau những giá trị tích cực trong các nền văn hóa khác nhau...

Đến đây, cũng có thể bạn sẽ muốn ngắt lời tôi để đặt ra câu hỏi: “Vâng, những điều anh vừa nói quả là thú vị lắm, nhưng nào tôi có thấy cái giấc mơ Phù Đổng gì đó trong lòng tôi đâu?”

Vâng, như tôi đã nói, cái giấc mơ Phù Đổng ấy cũng có đôi khi chúng ta không tự mình nhận biết, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không hiện hữu. Sở dĩ tôi tin chắc rằng tôi và bạn đều có chung một giấc mơ như thế là bởi vì chúng ta đều là dân Việt, đều có chung những khoái cảm ngọt ngào khi nghe kể câu chuyện Phù Đổng Thiên Vương, và cũng đều có lần muốn vươn vai đứng dậy như người anh hùng làng Gióng năm xưa... Cái tiềm thức dân tộc sâu xa ấy, bạn ơi, nó ăn sâu vào tận trong tâm khảm chúng ta, được truyền lại từ những thế hệ cha ông xa mù xa tắp mà quả thật ngày nay có nhiều bạn trẻ không mấy khi có thời gian để ngồi nhớ đến.

Nhưng cho dù vậy, tất cả cũng không phải chỉ là những điều mơ hồ khó nắm bắt. Và tôi cũng đã tìm được một bằng chứng rất cụ thể để chỉ ra sự biểu lộ của giấc mơ Phù Đổng trong lòng bạn. Này nhé, mới hôm trước đây thôi, tôi đã nhìn thấy bạn trên khán đài của vận động trường, tay cầm lá cờ tổ quốc và hò reo cổ vũ một cách cuồng nhiệt cùng với hàng trăm, hàng ngàn bạn trẻ khác, khi đội Việt Nam đang thi đấu dưới sân... Bạn sẽ không nói với tôi đó chỉ là tinh thần thể thao đấy chứ?

Nhưng thôi, chúng ta không cần phải mất thêm thời gian để bàn cãi về chuyện ấy. Nếu như bạn vẫn cứ khăng khăng cho rằng không hề thấy có bóng dáng của giấc mơ Phù Đổng trong lòng bạn, thì có lẽ cũng đã đến lúc bạn cần phải nuôi dưỡng một giấc mơ như thế.

Này người bạn trẻ, bây giờ hãy để tôi kể cho bạn nghe đôi điều về giấc mơ Phù Đổng của chính tôi, hay nói đúng hơn là của chúng tôi, những người đã sinh ra trước bạn hai, ba mươi năm hoặc có thể là nhiều hơn nữa...

Chúng ta thường tự hào về một đất nước với truyền thống hơn bốn ngàn năm văn hiến. Điều đó không chỉ dựa vào những truyền tích được kể cho nhau nghe về con Hồng cháu Lạc, về mẹ Âu Cơ với một bọc trăm trứng... mà đã có những chứng tích cụ thể như trống đồng Đông Sơn với độ tuổi tương ứng, cho thấy trình độ văn hóa và tổ chức xã hội của dân tộc ta từ thuở các vua Hùng dựng nước đã đạt được những thành tựu nhất định. Nhiều nhà nghiên cứu lạc quan còn đưa ra giả thuyết về một loại chữ viết của dân tộc Việt có thể đã hình thành từ thuở ấy nhưng về sau không còn giữ được...

Trên chặng đường dằng dặc bốn ngàn năm ấy, chúng ta đã trải qua không ít những thăng trầm, vinh nhục, những khổ đau tăm tối và những huy hoàng rực rỡ... Từ trong khổ đau tận cùng của những ngày nô lệ đã nảy sinh biết bao anh hùng hào kiệt, viết nên biết bao trang sử hào hùng cho dân tộc, từ Hai Bà Trưng cho đến Bà Triệu, từ Lý Nam Đế cho đến Vạn Thắng Vương, từ Lê Đại Hành cho đến Lê Lợi... và còn biết bao anh hùng vì nước quên thân mà ngày nay chúng ta không thể nào biết hết được tên tuổi. Tất cả những anh hùng dân tộc ấy, trong suốt tuổi thơ của mình đều đã trải qua những cơ cực lầm than của người dân mất nước, đều ôm ấp một giấc mơ Phù Đổng và đồng cảm sâu sắc với nỗi khổ đau của toàn dân tộc, nên một khi đã vươn vai đứng dậy như Thánh Gióng năm xưa thì không một sức mạnh nào có thể ngăn cản nổi!

Rồi đất nước cũng có những lúc trời quang mây tạnh, lịch sử dân tộc ta cũng có không ít những trang huy hoàng rực rỡ, những giai đoạn hình thành và bồi đắp một nền văn hóa Đại Việt với những bản sắc không sao nhầm lẫn được... Nền văn hóa ấy, như đã nói, được bắt nguồn từ thuở xa xưa cho đến những ngày thái bình thịnh trị trong thời dựng nước của 18 vua Hùng, từ thuở quân dân Đại Việt ném vũ khí để cùng nhau xây dựng kinh đô Thăng Long vào những ngày đầu thiên niên kỷ trước cho đến ngày Quang Trung Nguyễn Huệ áo bào chưa phai mùi thuốc súng đã hô hào khuyến khích việc sử dụng chữ Nôm...

Nền văn hóa ấy không chỉ là những giá trị phi vật thể vẫn luôn tiềm ẩn trong tinh thần dân tộc, nó còn được biểu hiện qua nếp sinh hoạt văn hóa của dân ta ngày một đổi khác nâng cao, với những tuồng tích ngộ nghĩnh và thú vị trong múa rối nước mà không thể tìm đâu ra trên khắp thế giới này, với những nội dung đầy lôi cuốn và cảm động trong tuồng chèo, hát nói, cho đến đậm đà, sâu sắc trong những áng thơ văn đến nay còn truyền lại... Nền văn hóa ấy cũng để lại chùa Một Cột (Hà Nội) với chuông Quy Điền nặng khoảng 7,2 tấn (tiếc rằng nay đã mất), chùa Phổ Minh (Nam Định) với đỉnh đồng nặng trên 7 tấn, tháp Báo Thiên cao đến 70m, chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh) với tượng Phật Di Lặc đúc bằng đồng cao trên 20m, cùng hàng trăm, hàng ngàn chùa, tháp, đền, miếu... rải rác khắp nơi. Và bao trùm lên tất cả, gần gũi hơn tất cả là kho tàng ca dao, tục ngữ, dân ca và truyện cổ được gìn giữ, lưu truyền khắp mọi miền đất nước...

Này người bạn trẻ, mỗi một giá trị văn hóa được hình thành qua từng thời đại ấy đều nảy sinh từ khát vọng vươn lên của từng người dân Việt. Và đó không phải gì khác hơn là giấc mơ chung mà tôi đã nói cùng với bạn.

Và điều tất nhiên là mỗi chúng ta cũng có những giấc mơ của riêng mình để ôm ấp, theo đuổi... Nhưng cho dù là riêng hay chung, mỗi một giấc mơ đẹp bao giờ cũng hàm chứa trong nó hai khía cạnh: hướng vào tự thân và hướng về ngoại cảnh.

Khi bạn ôm ấp giấc mơ trở thành một bác sĩ giỏi, bạn cũng sẽ đồng thời mơ ước có một bệnh viện lớn với tất cả những trang thiết bị hiện đại nhất thế giới ngay trên đất nước này để bạn có thể làm việc hết mình trong đó. Khi giấc mơ của bạn là trở thành một phi hành gia lỗi lạc, bạn cũng sẽ đồng thời mơ ước Việt Nam có một trung tâm không gian ngang tầm thế giới để bạn có thể từ đó xuất phát những chuyến bay vào không gian, thám hiểm vũ trụ...

Nếu không có những mơ ước hướng về điều kiện ngoại cảnh kèm theo như thế, thì bạn ơi, giấc mơ của bạn sẽ chỉ là một giấc mơ nghèo nàn, đơn điệu! Bạn làm sao có thể vui được nếu như tự thân mình trở thành một bác sĩ rất giỏi nhưng phải làm việc trong những bệnh viện chật hẹp và thiếu thốn trang thiết bị, hay phải “lưu vong” nơi đất khách quê người để có điều kiện phát triển tài năng? Bạn làm sao có thể vui được nếu như tự thân mình trở thành một phi hành gia lỗi lạc nhưng điểm xuất phát đi vào vũ trụ lại là một đất nước xa lắc xa lơ, và những người đến tiễn chân bạn đều là xa lạ, trong khi những người thân thiết nhất chỉ có thể nhìn thấy bạn qua màn ảnh nhỏ, thậm chí không thể có được một buổi tiệc tiễn đưa trước giờ phút quan trọng mà bạn sắp ghi tên mình vào lịch sử?

Giấc mơ Phù Đổng của chúng ta là một giấc mơ đẹp, vì thế nó cũng hàm chứa trong đó ước mơ hướng về tự thân và ước mơ hướng về ngoại cảnh. Về mặt tự thân, mỗi chúng ta đều mơ ước có được một lần vươn vai đứng dậy trở thành người khổng lồ vạm vỡ như cậu bé làng Gióng năm xưa, nhưng kèm theo đó, về mặt ngoại cảnh chúng ta cũng mơ ước có được ngựa sắt dũng mãnh và có thể phá tan được giặc Ân xâm lược, để rồi cưỡi ngựa sắt bay vút lên trên bầu trời xanh thanh bình của đất nước.

Giấc mơ Phù Đổng là một giấc mơ đã được “thánh hóa”, vì thế nó bao hàm tất cả mọi giấc mơ riêng tư của mỗi chúng ta. Nếu bạn mơ ước trở thành một bác sĩ giỏi nhất thế giới, thì đó phải là giây phút vươn vai đứng dậy hóa thành khổng lồ của bạn, vì bạn biết rõ là có đến hàng triệu người trên thế giới này cũng ước mơ như thế nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Nếu bạn mơ ước trở thành một phi hành gia lỗi lạc, thì đó cũng chính là sự vươn vai đứng dậy hóa thành khổng lồ của bạn, bởi vì không như thế thì bạn không thể vượt lên trên hàng triệu người khác cũng ước mơ như bạn...

Giấc mơ Phù Đổng là một giấc mơ làm nên kỳ tích. Hoàn cảnh lịch sử đã bắt buộc dân tộc ta muốn sống còn và bảo vệ được chủ quyền thì chỉ có một con đường duy nhất là làm nên kỳ tích. Giấc mơ Phù Đổng thể hiện rõ đặc điểm lịch sử ấy, nên hình tượng Thánh Gióng chỉ có thể ngay tức thời vươn vai đứng dậy hóa thành khổng lồ, chứ không thể lớn dần lên theo năm tháng như những người anh hùng bình thường khác. Và sức mạnh của Thánh Gióng chỉ có thể là sức mạnh của một thiên vương oai hùng, với ngựa sắt dũng mãnh phun lửa cuồn cuộn, chứ không thể mô tả theo những giới hạn trong phạm vi sức mạnh của con người... Bởi vì, nếu không như thế thì không thể phá tan được “giặc Ân” vốn bao giờ cũng đông đảo và mạnh bạo hơn quân ta rất nhiều lần...

Khi hai võ sĩ có sức lực và tài nghệ ngang nhau, họ có thể so kè nhau từng thế võ để phân thắng bại. Nhưng khi sự chênh lệch giữa đôi bên là quá lớn, thì đấu thủ nhỏ bé, yếu kém hơn nhiều chỉ có thể giành được chiến thắng bằng một “tuyệt chiêu xuất thần”, bằng một sự “vươn vai đứng dậy” mà đối phương không sao ngờ được...

Hai Bà Trưng đã một lần vươn vai đứng dậy như thế, quét sạch quân thù ra khỏi 60 thành trì của đất nước chỉ trong một mùa xuân năm 40, đuổi Tô Định phải tháo chạy thoát thân về nước.

Ngô Quyền cũng đã một lần vươn vai đứng dậy như thế, phá tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào năm 938, làm cho tướng giặc là Hoằng Tháo phải chết đuối, đuổi tàn quân của giặc chạy như bay về nước, không dám dừng lại nghỉ chân dù chỉ một lần!

Hưng Đạo Vương cũng đã một lần vươn vai đứng dậy vào cuối mùa xuân năm 1288, phá tan đại quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng lịch sử, chỉ trong một trận thu lấy hơn 400 chiến thuyền của giặc, bắt sống tướng giặc là Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ...

Những đạo quân xâm lược đã từng kéo đến nước ta đều là những “ông khổng lồ hung hãn” mà một dân tộc nhỏ bé, yêu chuộng hòa bình như chúng ta, như cậu bé làng Gióng hiền lành, không phải là đối thủ cân xứng. Và vì thế, chúng ta không còn cách nào khác hơn là phải vươn vai đứng dậy hóa thành khổng lồ, như cậu bé làng Gióng đã vươn vai đứng dậy hóa thành khổng lồ, để làm nên kỳ tích là đánh đuổi quân giặc hung bạo ra khỏi biên thùy đất nước...

Lịch sử bảo vệ đất nước của dân tộc ta là một sự tiếp nối và lặp lại những lần vươn vai đứng dậy làm nên kỳ tích như thế. Đạo quân xâm lược Mông Cổ đã từng chinh phục khắp nơi và chưa từng biết mùi thất bại, chúng đi đến đâu thì dù một ngọn cỏ cũng không còn mọc thẳng. Diệt được nhà Tống rồi cai trị đất nước Trung Hoa rộng lớn trong vòng 88 năm, đủ thấy sức mạnh quân sự của chúng là như thế nào!

Nhưng quân dân nhà Trần đã ba lần liên tiếp vươn vai đứng dậy để đánh thắng một đội quân hùng mạnh như thế. Kỳ tích ấy quả thật đã vượt ra khỏi sức tưởng tượng của quân giặc khi xâm chiếm đất nước nhỏ bé này.

Nghĩa quân Lam Sơn khởi binh nơi một vùng rừng núi hoang vu, từ lương thực đến quân cụ đều thiếu thốn, vậy mà mười năm sau đã đánh cho quân Minh tan tác, buộc chúng phải chịu nghị hòa để có thể yên thân về nước. Kỳ tích ấy cũng không phải là chuyện mà vua tôi nhà Minh có thể nghĩ đến.

Cho đến người anh hùng áo vải Tây Sơn, chỉ một lần vươn vai đứng dậy thành Hoàng đế Quang Trung đã đập tan gần ba mươi vạn quân Thanh. Kỳ tích ấy vẫn còn làm cho tất cả chúng ta tự hào khi nhắc đến. Và còn biết bao kỳ tích khác mà có lẽ chúng ta sẽ không sao kể hết...

Nhưng tất cả những điều ấy không chỉ mang lại cho chúng ta một sự tự hào về quá khứ. Trong thực tế, đó là sự đào luyện con người Việt luôn khát khao lập nên kỳ tích, mà theo cách nói thông thường hơn là những con người nuôi hoài bão lớn. Sự thật là ngày nay chúng ta cũng có không ít người lập nên kỳ tích, và tôi muốn tạm nhường lời ở đây để mỗi bạn trẻ chúng ta có thể tự tìm thấy những kỳ tích ấy trong cuộc sống quanh mình...

 Này người bạn trẻ, tôi muốn nói với bạn rằng điều may mắn lớn nhất của mỗi chúng ta là được sinh ra vào một thời đại mà đất nước đã sạch bóng quân xâm lược. Bởi vì, mặc dù dân tộc ta luôn yêu chuộng hòa bình, nhưng thật trớ trêu là lịch sử đất nước lại đầy dẫy những cuộc chiến tranh tiếp nối nhau!

Vì thế, giấc mơ của chúng ta ngày nay không còn nung nấu bởi những ngày cơ cực của người dân mất nước, mà đã mang màu sắc mới của một cuộc sống văn minh và thịnh vượng.

Chúng ta không cần phải ước mơ “phá tan giặc Ân” như cậu bé làng Gióng năm xưa, mà đang ước mơ có thể làm thật nhiều điều để dựng xây đất nước giàu mạnh, văn minh và hiện đại.

Chúng ta không cần phải ước mơ vươn vai đứng dậy hóa thành khổng lồ để phá tan quân giặc, mà đang ước mơ trở thành những nhân tài, những học giả, những kỹ sư, những nhà giáo... có thể đóng góp thật nhiều cho đất nước thân yêu.

Giấc mơ của chúng ta hướng về tự thân để thôi thúc ta luôn học hỏi, phấn đấu, nỗ lực vươn lên hoàn thiện bản thân mình. Và hình ảnh Thánh Gióng năm xưa giúp ta có thể trở nên mạnh mẽ, tự tin và táo bạo hơn với những ước mơ của mình, ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Một trong những học trò của tôi trước đây đã không dám nghĩ đến việc học hết phổ thông vì gia đình em quá nghèo và đông anh em. Tôi đã khuyên em nuôi dưỡng một giấc mơ Phù Đổng, và đồng thời cũng tiếp sức cho em trong những điều kiện có thể được... Trong lần về thăm tôi hồi đầu năm, em đã cho tôi biết là sắp tốt nghiệp đại học trong năm này. Tôi hết sức vui mừng trước sự vươn vai đứng dậy của em, và hy vọng là nhờ đó mà những đứa em còn lại trong gia đình nghèo ấy sẽ có thể tiếp tục nuôi dưỡng một giấc mơ Phù Đổng trong điều kiện dễ dàng hơn...

Giấc mơ của chúng ta cũng hướng về ngoại cảnh để ước mơ một tương lai đất nước huy hoàng rực rỡ, với những bước tiến nhảy vọt trong các lãnh vực khoa học kỹ thuật cũng như kinh tế và văn hóa, để đưa đất nước ta lên ngang tầm với những cường quốc hiện nay.

Nguyên Minh



[1] Các chi tiết được ghi trong Thần tích Phù Đổng Thiên vương do Lễ bộ Thượng Thư Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) – Dẫn theo Phó giáo sư Lê Trung Vũ – Lễ hội Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle