Cành mai vĩnh cửu

CÀNH MAI VĨNH CỬU

Phước Tâm

 Đêm giao thừa, hình như mọi vật đang đắm chìm trong thổn thức, bâng khuâng và đợi chờ...

- Một ngày mới...

Ngoài kia, mấy nụ mai vàng cựa quậy, cố thoát mình ra khỏi những lớp màn đêm u tịch, để muốn thưởng thức vị ngọt ngào tinh khôi của khoảnh khắc đầu xuân. Bên này, một cánh anh đào bệ rạc đang trăn trở, chơi vơi trước bước nhảy thời gian.

Trong đêm hôm, đứng giữa đôi bờ sinh diệt, tôi thầm hỏi với chính mình: còn con đường nào khác không (?) Bất giác, tiếng chuông chùa điểm canh, một ai đó đang ngâm kệ bên phiến đá cạnh chùa như muốn đánh thức mọi khái niệm bế tắc và mọi khắc khoải - ưu tư trong lòng nhân thế:

Cáo tật thị chúng

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Chắp tay, xin trần gian hãy rủ bỏ những vọng niệm lao xao tận cùng dưới đáy tâm thức nhỏ nhiệm, để cùng chàng cùng tử miên man hí họa một chân tâm thường hằng - ấy là viên ngọc ẩn dấu, lung linh không bao giờ phôi phai trong mỗi con người, được thể hiện cụ thể qua bài kệ của Mãn Giác thiền sư (1052 - 1096).

Sau những năm tháng tu hành viên mãn ở cõi bể dâu, các thiền sư thường trút bỏ xác phàm lại, trao cho tứ đại hóa sinh, để chơn tâm muôn thuở đi vào dòng vĩnh viễn: bất sinh bất diệt, vô khứ vô lai...

Trước lúc giã từ ngôi nhà mộng huyễn, khổ đau, các thiền sư đã để lại cho đời một vài ý hệ ngắn ngủi, then chốt như muốn nhắc nhở, cảnh báo về lẽ thành - trụ - hoại - không.

Trong thế giới nội tại mầu nhiệm, tỉnh thức ấy, đã biết bao bài kệ ngời lên như thế, nhưng sao mãi đến hôm nay qua cành mai của Mãn Giác thiền sư ta vẫn cảm thấy có cái gì đó thật tuyệt diệu, cái tuyệt diệu mà không một ngôn từ nào có thể chuyển tải cho hết, ta chỉ có thể lãnh hội đích xác và trọn vẹn khi thực sự đi trên con đường ấy. Tuy vậy, đã nói đến ngôn ngữ ắt là phải nói đến nhận thức, nói đến ý nghĩa. Căn cứ như thế, chàng cùng tử rón rén, tập thử bước vào thế giới thiền học, một thế giới như là đầy bí ẩn và lung linh màu sắc...

Như chúng ta đã biết, trong văn chương, đặc biệt là về lĩnh vực thơ ca, các thi sĩ thường diễn tả quy luật vận hành của vũ trụ theo một chiều hướng nhất định, có bắt đầu và có kết thúc, không phải diễn tả theo một vòng tròn: đáo (đến)  khai (nở); khứ (đi), lạc (rụng)...

Người ta thường nghĩ rằng “đến” và “nở” bao giờ cũng xuất hiện trước “đi” và “rụng”, do cách nhìn ấy, mà người đời quen quan sát vạn hữu theo một chiều. Phải chăng, vì vậy mà họ coi trọng sự viên dung và hất hủi sự tàn úa...? Chúng ta hãy lắng đọng tâm tư nghe những âm ba tâm tư của thiền sư, tâm tưởng ấy hình như đang đi ngược thời gian, lội ngược dòng đời:

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

(Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa nở)

Thông thường người đời nghĩ: “Hoa hồng nở, hoa hồng lại rụng” chứ rất hiếm ai nghĩ rằng: “Hoa hồng rụng, hoa hồng lại nở”. Bởi vì, khi thể hiện sự “rụng” trước sự “nở” là trái với quy luật tất yếu của vũ trụ vạn hữu. Thế nhưng đối với các vị thiền sư đắc đạo, họ lại chấp nhận điều như là nghịch lý đó, bởi lẽ, họ thấu rõ rằng, trong cái “rụng” ấy đã sẵn có cái “nở” này. Cũng như, cái chết không phải là điểm kết thúc cho một đời người, mà là mở ra cho một sự sống mới, sự sống ấy tốt hay xấu là phụ thuộc vào cuộc sống hiện tại, cuộc sống đang là... của chính mình. Một mùa Đông lạnh giá băng qua, tưởng chừng mọi vật sẽ chết dần trong sương buốt, ngờ đâu, chính khoảnh khắc ảm đạm ấy lại là thời điểm vạn vật tích tụ, khởi điểm cho mọi tinh hoa nõn nà của sự sống. Chưa hết, cũng có thể thâm ý của câu kệ muốn khuyên chúng ta rằng: hãy “đi”(khứ) đi hành giả hãy tẩy rửa những vết nhơ ái nhiễm mà bấy lâu nó đã ghìm hành giả trong lắm nẻo tử sinh bất tận, dẫu bước tới con đường ấy sẽ gặp rất nhiều đắng cay, nghiệt ngã “rụng” (lạc), nhưng hành giả đừng lo ngại, việc đi tìm nguồn gốc kia sẽ có ngày “đến” (đáo)-bờ giải thoát (nở - khai). Phải chăng, thiền sư đặt từ “khứ” trước từ “đáo” và từ “lạc” trước từ “khai” là vậy? Cũng rất có thể ở đây, Ngài chỉ nói lên thực tại vô thường của hiện tượng giới mà thôi!

Thời Xuân Thu, có lần đức Khổng Khâu đứng trên bờ sông, nhìn xuống thấy con nước trôi chảy mãi miết, đột nhiên thốt lên rằng: “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ? Trôi chảy mãi, ngày đêm không thôi, như thế ư?” - Đấy là sự đồng cảm giữa tâm hồn với hiện tượng, vạn hữu; sự đồng cảm hình như chỉ có thể diễn ra trong sát na đặc biệt nào đó mà thôi, chứ không phải diễn ra một cách tràn lan, phổ biến. Hay nói cách khác, đấy là sự thực chứng, và một lần nữa cho thấy, sự đốn ngộ chính là sự đồng cảm, một sự đồng cảm rất đặc biệt, kỳ diệu và hy hữu. Tuy ngôn ngữ thiền học rất sâu và khó hiểu, vượt ngoài phạm trù của pháp hữu vi, giả hợp, nhưng dẫu sao với trí óc hữu hạn của chúng ta, cứ xem đó như là một chân lý, một cái búa đập tan những gì gọi là định kiến tầm thường, để đưa về một sự thức tỉnh mới - cuộc sống như dòng lũ bất tận - không thể nắm bắt và trì hoãn, đợi chờ.

Dưới cái nhìn duyên khởi, con người và các pháp chỉ được dệt nên bởi sự tương xứng tương tục. Điều ấy được thể hiện rõ ràng nhất, hãy nhìn ngoài kia:

“Sự trục nhãn tiền quá”

(Sự đời nối nhau qua trước mắt)

Và hãy kiểm lại chính mình:

Lão tòng đầu thượng lai

(Tuổi già hiện về từ trên đầu)

Cuộc thế vô thường mãi hoài vận xoay, như con sóng bạc đầu ngoài khơi ngàn năm vẫn vỗ, khúc hát vĩnh hằng và cố nhiên, nó không ngừng hôn lên bờ cát trắng, tung bọt, xóa nhòa hình hài của những con nghêu, con hến ngủ yên, bất động, không lời. Mái tóc xanh non của ai mới hôm nào, bỗng điểm bạc. Trước lẽ tử biệt sanh ly, con người có lúc đã thấp thỏm, kêu van chới với! Nhưng không hẳn ai cũng như thế. Phải không, “lão” đây chính là sự rèn luyện chín muồi trong thiền định, hay đó chỉ là sự diễn tả quy luật dịch chuyển, vận động của pháp hữu vi? Câu kệ thật hàm súc và đa nghĩa, nó như mang dấu ấn của sự nhắc nhở và như có cả nỗi buồn lặng lẽ cho thời đại... Chỉ vỏn vẹn mười từ thôi, câu kệ thênh thang rẽ sóng biển luân hồi mà đi, như ngọn gió kỳ diệu thổi nhẹ chiếc lá vô ngã bay về bờ vô niệm, không tận. Trên con nước cuối cùng của sanh lão, thiền sư ngoảnh lại động lòng và buồn... Có lẽ như thế. Bởi vì, không một vị chân tu nào có thể vô tâm, nhẹ gót lúc sắp bước sang cảnh giới bên kia lại không mang trong mình mảy may tình yêu thương, đặc biệt là những chúng sinh đang đứng trước mê lộ của cuộc đời, đang ngập lặn trong biển cả lợi danh.

Tại sao loài người mãi đau khổ như vậy? Có lẽ do loài người quá khát vọng, chỉ thích sung mãn, viên dung, mà ghét bỏ sự thiếu thốn, tàn tụy, cho nên cuộc hóa sinh của loài người diễn ra thật ư khổ não. Để phá vỡ bức thành kiên cố đó, hãy nhìn kìa:

“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”

(Chớ cho rằng xuân tàn là hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai)

Như phân tích trên cho thấy, bốn câu kệ trước lột tả một thực tại của cuộc đời, thể hiện phép quán chiếu từ ngoài vào trong. Đây không phải cái nhìn hời hợt - thoáng qua mà là cái nhìn thâm trầm, sâu sắc, cái nhìn đã trải qua thực nghiệm - tu tập. Rõ ràng từ trong thiền định, quán chiếu, mọi xao động của dục vọng được đình chỉ, như mặt nước hồ thu phẳng lặng, không một gợn sóng tí tẹo nào. Theo đà quán chiếu ấy, cho đến một lúc, hết thảy tàn dư của dục vọng dưới đáy tâm thức cũng không còn hiện hữu nữa và nơi đó tự dưng bừng lên “một cành mai vĩnh cửu”, bất diệt - đây là hệ quả tất yếu của sự tu chứng mà Mãn Giác thiền sư đã thể hiện qua giai trình hành đạo của mình, từ ngoại tại đến nội tại của chánh lý Phật-đà. Nếu như xem bốn câu kệ đầu là công phu tu quán, thì câu kệ cuối là hoa trái của công phu tu quán ấy.

Người tu cứ lầm tưởng, khi tuổi xuân đã đi qua thì tất cả phải sống trong sự già nua, bệnh tật và chết chóc, một sự sống như đang tồn tại và tiến đến sự héo úa, tàn phai... như thế và chỉ có như thế mà thôi. Chính vì cái nhìn một chiều - cái nhìn không như thực tại, bi quan như thế, cho nên Thiền sư lấy cái vừa tu chứng của mình, tạm dùng ngôn ngữ cuộc đời mà ngầm khuyên mọi người rằng: hãy đừng sợ trước các pháp hoa tàn lá rụng, hãy vui sống và tu thiện trong hiện tại, mỗi bước đi thiện chính là nụ hoa muôn thuở đang ngày một hé nở trong ta. Vẫn biết rằng hễ có hợp thì có tan, có sinh thì có tử, nụ hoa và nước mắt..., nhưng nên biết rằng trong quy luật “có mở đầu và có kết thúc” kia lại tồn tại, hiện hữu một cái bất biến, miên viễn, ấy là đóa hoa ưu đàm còn phưởng phất trong mười phương của đức Phật hay là một Chân như diệu hữu, một Phật tánh mầu nhiệm đang lung linh tiềm ẩn ở trong mỗi con người chúng ta. Hãy tin tưởng vào cuộc sống với mọi thiện pháp! Điểm lại ngôn kệ từ: “Xuân khứ bất hoa lạc” đến “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận”, ta nhận thấy câu nào cũng có mặt sự chuyển động: khứ - lạc - đáo - khai - trục - quá - tòng - lai - vị - lạc. Tất cả như từng đợt sóng dữ dội, nối tiếp nhau cuộn vào vô tận, vào thế giới điên đảo mộng tưởng này. Chao ôi, con thác tử sinh thực tại của chốn tà huân này là như thế ư ?! Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Thật rùng mình khi đứng trước giông tố cuộc đời bởi bao điều ngược ý, không tưởng... Nhưng khép lại là bài kệ mở ra cho ta một cái nhìn mới, một tia hy vọng bất diệt vào ngày mai: “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”. Câu thơ thật êm đềm làm sao, không hiện hữu một động từ nào, không bị chi phối bởi một ngoại lực nào, nó tồn tại như chưa hề tồn tại, nó xuất hiện như chưa hề xuất hiện giữa cõi phù du, mộng huyễn, kiều diễm này, thế thôi! Một trái tim bình yên và chỉ thật sự bình yên mới cảm nhận được chân lý diệu kỳ, hy hữu ấy. Khoảnh khắc nhận chân về nó tuy ngắn ngủi, chớp mắt, nhưng đôi lúc cần phải đánh đổi cả cuộc đời (mà vẫn không được).

Hoàng hôn buông xuống, thái dương chìm trong bóng đêm sâu thẳm, nhưng ngày mai ánh dương sẽ bừng sáng...

Một mùa Xuân nữa lại thì thầm bước đến, hãy khoác lên mình chiếc áo giải thoát, tập nở nụ cười chánh niệm, nơi đó là điểm khởi đầu cho một cành mai vĩnh cửu; và nơi đó cũng là điểm tháo gỡ cho mọi uẩn khúc của cuộc đời.

(Nguồn: http://phatviet.net)

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác