Cành mai bên thềm

CÀNH MAI BÊN THỀM

HOÀNG CÔNG DANH

 

Gần hai mươi năm tôi sống ở quê hương, cũng chừng ấy lần Tết đến lại chứng kiến những mùa hoa mai nở ra trước khoảnh sân nhà. Nhưng lạ thay, cứ như mỗi lần hoa nở thì không chỉ làm đẹp thêm cho ngôi nhà mà còn hun nên sức lực cho cả gia đình. Tôi nghiệm ra rằng, cái thế đứng của cây mai nhà mình là một thế võ hiên ngang trước cuộc đời.

Xưa Cao Bá Quát từng nói một câu bất hủ “nhất sinh đê thủ bái mai hoa”, ông cúi đầu ngưỡng vọng hoa mai; còn tôi, xin “nhất sinh đê thủ bái chi mai”, tức ngưỡng vọng cái thế uốn của nhành cây cho hoa vào mỗi mùa xuân.

1. Cây mai nhà tôi được ông nội trồng giữa sân, thú chơi cây kiểng của người lớn tuổi là thế, thích đặt chính diện. Trồng mai ở chỗ ấy gọi là “gầy mộc chính tâm” theo quan điểm Ngũ hành của Triết học Đông phương. Con đường dẫn ngõ lối nhà đi qua độ dăm chục bước chân thì chạm phải dáng cây đứng chắn lại, ở đó lối vào nhà được rẽ theo hai hướng, “nam tả nữ hữu”, đàn ông con trai đi vào bên trái, đàn bà con gái đi vào phía bên phải. Cây mai trồng như thế cũng là để chắn lại một khoảng không trước căn chính diện của bàn thờ tiên tổ. Tán cây xòe ra như một chiếc khán liễn người ta vẫn dùng để đặt trang trọng trước bàn thờ vong linh nhằm tạo sự trang nghiêm tôn kính.

Người Nhật yêu hoa đào và chơi đào theo kiểu bonsai, trồng trong các chậu kiểng nhằm động viên con người sức sống bền bĩ mãnh liệt. Người Việt mình quý cây mai và đơn giản chỉ để vui cửa vui nhà; hay nói theo kiểu dân gian là “cây có cội, nước có nguồn” thì trồng mai với hàm ý nhắc nhủ con cháu luôn nhớ đên tổ tiên gốc tích.

Độ vào giữa tháng mười một âm lịch, tôi lại được ông nội giao nhiệm vụ thay áo lá cho cây mai, thực ra là mình chỉ cởi áo lá cho cây mà thôi. Tôi trèo lên nhánh cây, vừa đưa tay ngắt lá vừa hát “thương nhau cởi áo í à cho nhau...” và cô bé Mùa xuân đứng ở phía giêng hai khúc khích cười e thẹn. Một ngọn gió đông thoáng tạt về se se lại cái lạnh bùi bùi. Chiều dựng lên cột khói vẽ vòng trắng loang loang mái nhà quê.

Với tôi, dường như hái lá mai là công việc đầu tiên để chuẩn bị cho một cái Tết cổ truyền dân tộc. Thời điểm hái lá rất quan trọng bởi nó quyết định đến ngày bật nở và sắc màu của những bông mai. Hái lá, thứ nhất là vì mùa đông lạnh lẽo nên cần tập trung tất cả năng lượng sống vào thân cây và búp; thứ hai là để những chồi búp được đón nhiều hơn ánh nắng mặt trời hiếm hoi của mùa này. Lâu thành quen, dần dà tôi rút ra được kinh nghiệm thế này: hễ năm nào trông trời âm u mà những chồi búp nhỏ quá thì nên hái sớm, cỡ đầu tháng mười một; ngược lại, cứ năm nào có nắng nhiều thì để muộn hơn mới hái.

Mấy năm liền cây mai nhà tôi trổ hoa đúng dịp Tết, ngày nguyên đán cả cây rực một màu vàng đồng loạt. Ông nội tôi khen thằng này có mắt nhìn cây! Người trong làng thấy vậy năm sau cũng học theo, cứ hễ thấy tôi leo lên cây hái lá thì y chang thằng bé con hàng xóm cũng leo lên cây nhà nó. Nhưng đặc điểm mỗi loại mai một khác, lại còn phải nhìn độ chín của búp mầm để điều tiết thời điểm tróc lá. Coi mai là một thú chơi chuyên nghiệp của người nhà quê thì chỉ ở khía cạnh này đã có thể khẳng định lại một câu cùng tiền nhân, rằng “nghề chơi cũng lắm công phu”.

2. Nhưng chơi ở mức độ đó là chơi phóng đãng, chơi vì cái đẹp của hương sắc; còn để chơi theo kiểu bậc chí nhân quân tử thì phải bắt nó uốn theo ý mình. Người xưa có câu “uốn cây từ thuở còn non/ dạy con từ thuở con còn ngây thơ”, tức ngay khi gầy nên một gốc mai con con thì đã bắt đầu uốn cho nó một tư thế. Ông tôi chuộng võ thuật, nhờ thế mà gốc mai này ngay từ ngày mới đưa trên Khe Sanh về ông đã “dạy” cho nó một tư thế đứng, nói theo ngôn ngữ nhà binh là “truyền pháp”.

Uốn nắn một nhành cây non cũng như rèn võ cho một đứa trẻ con, vừa dễ mà lại vừa khó. Dễ là vì cây còn non nên uốn sao nó đi như vậy. Còn khó là vì phải cẩn trọng chứ không sẽ làm cho cây chết non bởi quá sức chịu đựng. Tôi đã từng trực tiếp giúp những môn đệ Thiếu Lâm xoạc chân xạc ép sát xuống mặt đất, độ tuổi dưới mười lăm thì rất dễ; còn cỡ trên dưới hai mươi thì ép chảy nước mắt không xuống được, do các gân dây chằng đã căng cứng. Nhiều môn đệ lớn tuổi mới đến võ đường, cách duy nhất để ép xoạc chân là cho uống cà phê kích thích thần kinh cơ bắp và dùng chính dây đai võ buộc vào chân rồi kéo. Uốn một cây mai đã lớn cũng như thế, phải tưới thật nhiều nước cho cành cây mọng mềm đi, rồi dùng dây buộc vào những nhánh cần nắn, cứ mỗi ngày lại nhích gằng dây một tí. Nhưng quy luật muôn đời vốn có giới hạn, cái gì ép quá mức thường không hay, ta muốn uốn mai đẹp thì phải uốn từ lúc nhỏ. Lối uốn mai đó chính là cách trao truyền võ thuật theo kiểu gia truyền, dạy từ nhỏ lên.

Trong gia tài võ thuật cổ truyền Việt Nam có bài Lão Mai Quyền, từ năm 1994 đã được Liên đoàn chọn làm bài quyền quy định chung cho tất cả các môn phái. Bài quyền này dựa vào thế uốn và cốt cách của cây mai mà phân bộ. Ngắm những điệu tác mềm mại của võ sinh, tưởng chừng như có cây mai đang đẫy trong mình một sức sống tiềm tàng dù cho “lão mai độc thọ nhất chi vinh” - ấy là câu thiệu đầu tiên trong bài quyền Lão Mai, đại ý cây mai già chỉ có một nhánh tươi xanh. Chỉ một nhánh còn tươi sót lại ấy thôi, nhưng đã hàm chứa sinh lực phồn phát đủ đi qua mùa đông và đâm hoa trẩy lộc vào mùa xuân mới.

Cây mai nhà tôi vào đúng năm chuyển giao thiên niên kỷ mắc phải mệnh hệ này. Chừng trước đó nửa năm, một hôm có ông thầy hay chữ vào nhà chơi, ông phán rằng năm nay gia đình có tang sự. Thế là cuối năm chú tôi mất. Ngày làm đám tang chú, tán cây mai choán hết một khoảng giữa sân, bác tôi định dùng rựa chặt đi vài nhánh nhưng ông nội không cho. Ông nói cây mai này được ông trồng lên sau giải phóng, hơn hai chục năm qua nó chứng kiến bao biến tích thăng trầm của gia đình; nó đã thành người bạn tri âm của ông nội nên chặt đi một nhánh nào là ông đau hệt ai cứa đứt một phần trên cơ thể mình.

Tết năm đó buồn bã, cây mai cho một mùa hoa rực vàng như chưa bao giờ vàng hơn thế. Cái sắc đẹp đột phát ấy cũng chính là cuộc dâng hiến cuối cùng, ra năm cây bỗng nhiên chết trơ trọi, các nhánh khô gầy hết cả. Hôm giữa tháng ba, không thấy một mầm lá non nào khai thức, ông tôi đưa tay bẻ thử và nghe cành cây nấc lên tiếng “rắc!” giòn. Cây theo chú mà đi. Nhưng may thay, dưới gốc đã nhú lên một cành mới để ủ ấm một niềm hy vọng đợi chờ. Cành nhú ra đó chính là đường dạo đầu tiên cho bài quyền Lão Mai được bắt đầu múa lại, “Lão mai độc thọ nhất chi vinh”.

Khi tôi hiểu biết rõ ràng về những bộ pháp trong quyền võ thuật thì cũng là lúc nhận thức về cái đẹp đối với cây cối được định hình rõ hơn, chính là thời điểm mà nhánh mai sót lại đang ngùn ngụt sức sinh trưởng. Nhánh mai cứng cáp dần, rồi vươn lên nhanh nhờ ánh nắng mặt trời. Cả bộ rễ cây sù sụ nằm dưới đất như một thế tấn vững chắc để những bộ pháp chuẩn bị tung ra. Tấn pháp là yếu tố quan trọng trong việc trấn thủ hay công phá võ thuật. Gốc rễ mai dưới đất bây giờ đang định vị ở thế Trung bình tấn, tức cân bằng lực cho các phía. Nó sẽ không đứng ở thế Trảo mã tấn vì kiểu đó chỉ được các võ sinh sử dụng đối với các đòn nhá trong khi song đấu. Bây giờ cây mai đang đứng một mình, nó đang thiền định nên Trung bình tấn vẫn là tư thế chuẩn nhất xưa nay. Dường như qua những biến thiên thăng trầm của hai mươi năm sống, cây mai đã cảm thấy mình cần nghỉ ngơi, cần được tĩnh tại để chiêm nghiệm về thế sự; cũng có thể nó muốn thiền để đúc rút ra một cung cách cho hoa với sắc màu và cánh hé điệu đà khác hẳn. Tôi chờ đợi một mùa hoa mới như trẻ con chờ đợi Tết để khoác áo thơm mùi chỉ đi khoe khắp xóm. Chừng nào cây mai cho hoa mới thì có nghĩa căn nhà mình được khoác lên chiếc áo lụa vàng để thung thăng du xuân.

3. Giữa tháng chạp cách đây ba năm, một đêm trăng lên bất ngờ. Người ta đồn nhau rằng trăng mọc vào tháng chạp là điềm lành, báo hiệu một năm sắp đến có nhiều niềm vui. Ngay trong đêm hôm đó tôi ngồi trên chiếc chõng tre trước nhà và nhìn ngắm cây mai vừa hồi sinh sau năm năm; nó đang biểu diễn những đường quyền đầu tiên trong cuộc đời mai cốt cách của mình. Trăng thả ánh vàng xuống một vạt trước nhà, bóng cây mai lay động theo gió, vờn vờn như thể là mai đang mở nghề những động tác vào quyền.

Tôi nhẩm đọc những câu thiệu theo hướng rung của mai, “tấn nhất đoản thối hồi lão khởi/ phi nhất thác hoành khí thanh đình” (Lui về một bước tọa liền/ luân thân tung cước trụ hình nghiêng ngang). Phút chốc, mai làm tôi nhớ đến những ngày còn nhỏ của mình, vừa nghịch ngợm hiếu động lại đầy dũng khí theo cách của lứa tuổi đáng yêu. Một nhánh cây phía tả co lại ép sát vào gốc, bẻ quặp lại và móc ngọn lên trên hệt thế thủ trấn giữ huyệt Đan Điền. Một nhánh phía hữu lại dong thẳng ra đánh dứt khoát về phía hướng đông, ngọn cành toả ra năm búp hoa nhọn như thể năm đầu ngón tay đang đánh chưởng. Cây mai lúc này đang diễn thế “tả phòng hữu chiến”, vừa chống đỡ đợt rét cuối cùng của năm lại vừa vói tay cầm lấy những tinh khí làn gió xuân đến sớm.

Ai đã từng xem một võ sinh đánh quyền, hay tự mình đi một bài quyền võ thuật cổ truyền mới thấy sự thiêng liêng của từng đường quyền nét cước, dường như mỗi bộ pháp xuất thần đều đã được tổ sư nghiên cứu chiêm nghiệm qua quá trình khổ công rèn luyện và hành võ. Xưa nay người ta học võ trước hết để lấy cái Đạo, cũng như những gì mà cây mai đang bày thế ra lúc này đây chính là một đường Đạo huyền nhiệm - Đạo của tự nhiên là cái chân lý của Trang Tử [*].

Ngày xưa Trang Tử đã từng ngẩn ngơ với con bướm vàng, khi ông nằm mơ thấy mình hóa thành con bướm; tỉnh dậy lại thấy mình là người. Bâng khuâng tự hỏi: ta là người nằm mơ thấy hoá thành bướm (?), hay ta là bướm nằm mơ thấy mình hoá thành người (?). Điển tích xa xưa ấy giờ đây lại trở về nhắc nhủ tôi, khi có một đôi bướm bay trong đêm vờn vờn cùng những nhánh thân gầy của cây mai tháng chạp. Bất chợt nghe gió hô thiệu, “hồ điệp song phi lão bản sanh/ nguyệt quật song câu lôi điển chấn” (Đôi bướm bay trước bản tiền/ Vầng trăng vằng vặc hai viền móc câu).

Xin được vĩnh hằng tôn sùng một nhánh mai, như đã từng tôn sùng những thế võ cao thượng hướng thiện. Cây mai trước nhà đã dạy cho tôi một bài học lớn về cốt cách và đạo hạnh của bậc quân tử. Nó và tôi đã được ông nội uốn cho những nét võ rèn chí luyện tâm; chính vì thế mà cây mai vừa là đồng môn, vừa là môn đệ và lại là sư huynh của tôi. Còn khi nó hoá thân vào đất trời khai thức một mùa xuân thì tôi hiểu, nó đã ân sủng cho cái đẹp muôn đời thêm một tính cách: đẹp dũng!²

Minsk 06.11.08

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác