Ứng dụng kỹ thuật hội nghị truyền hình trong hoằng pháp và tu học
Ứng dụng kỹ thuật hội nghị truyền hình trong hoằng pháp và tu học
Minh Thạnh
Hội nghị truyền hình là một công nghệ mới phát triển trong thời gian gần đây, với những tiện ích hết sức lớn lao. Ở đây, chúng tôi không đi sâu vào kỹ thuật, mà chỉ chú trọng đến những tiện ích Phật giáo chúng ta có thể khai thác cho hoạt động của mình.
Tên gọi hội nghị truyền hình (Teleconferencing) cũng đã nói lên đặc điểm của kỹ thuật này. Nó cho phép người ở những địa điểm cách xa nhau, có thể ngoài nước, thậm chí từ vũ trụ, có thể gặp gỡ, hội họp qua màn ảnh truyền hình.
Khả năng làm được điều này đã có từ mấy chục năm trước, nhưng với giá thành rất cao, nên hội nghị truyền hình chưa thể ứng dụng rộng rãi. Hiện nay, hội nghị truyền hình ngày càng hạ thấp chi phí và nâng cao chất lượng. Các nhà cung cấp dịch vụ đã quảng cáo hội nghị truyền hình độ nét cao (HD) và cạnh tranh với những bảng giá ngày càng giảm.
Những ích lợi mà công nghệ truyền hình mang lại rất lớn:
Trước hết, nó giúp tiết kiệm thời gian đi lại và theo đó là giúp không tốn công sức cho việc đi lại. Đây là vấn đề rất đáng để Phật giáo chúng ta lưu tâm, vì chúng ta vẫn thấy nhiều vị tôn đức cao niên vẫn phải nhọc nhằn đi lại nhiều nơi do tâm nguyện hoằng pháp. Nếu khai thác triệt để hội nghị truyền hình, không những vị giảng sư có thể giảng được nhiều bài thuyết pháp hơn, trong khi có thể giữ gìn sức khỏe. Thời gian, công sức không tốn cho việc đi lại sẽ tức khắc đem lại ngay hiệu quả đó.
Không phải đi lại đương nhiên giảm chi phí đi lại, chi phí lưu trú…Là “hội nghị”, ở Phật giáo lợi ích này không phải chỉ đối với vị giảng sư, mà còn thiết thực đối với đại chúng tăng ni Phật tử. Thay vì phải tập trung lại một, hai điểm, hội nghị truyền hình có thể diễn ra đồng thời với sự phối hợp nhiều điểm, tất cả người dự họp cũng không phải đi xa.
Những ưu điểm trên cho phép thời gian hội nghị hạn chế được sự ràng buộc từ các yếu tố khách quan và tài chính. Thời điểm, địa điểm tổ chức hội nghị có thể xác định nhanh chóng, thời gian diễn ra hội nghị cũng có thể linh động, kéo dài, rất thuận lợi cho việc tổ chức.
Một ưu điểm nữa là với công nghệ hội nghị truyền hình, toàn bộ hoạt động sẽ được ghi hình và lưu trữ. Nhưng rất khác với việc hoằng pháp, đào tạo bằng phương tiện lưu trữ hình ảnh (qua băng, đĩa hình), hội nghị truyền hình đem lại cho toàn thể đại chúng tham dự cảm giác về thực tế đang diễn ra, với không khí giao lưu, tuy thực hiện gián tiếp qua phương tiện kỹ thuật, nhưng gần như trực tiếp, vì nhìn thấy nhau, nghe tiếng nói nhau trong thời gian thực.
Như vậy, một vị hòa thượng viện chủ chẳng hạn có thể thuyết pháp, gặp gỡ trao đổi ý kiến với hội chúng đệ tử của mình đồng thời ở nhiều ngôi chùa thuộc tông môn ở Bắc, Trung, Nam và cả ở nước ngoài. Từ các điểm của hội nghị truyền hình đều có thể nhìn thấy, bàn luận với nhau như có mặt tại một nơi. Cảm giác thực từ hội nghị truyền hình hiện đại tạo ra từ nhiều yếu tố: camera tốt, đường truyền dung lượng cao, TV, máy chiếu hiện đại….
Hội nghị truyền hình đã được ứng dụng ở rất nhiều ngành, nhiều hoạt động: quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, khoa học giáo dục, y tế, văn hóa, quân sự, hoạt động tôn giáo... Chúng ta nhiều lần được xem trên TV các cuộc họp trực tuyến của Chính phủ, trong đó đại biểu ở các địa phương không phải đến thủ đô, còn các vị lãnh đạo Chính phủ có thể lắng nghe ý kiến, xem xét văn bản báo cáo truyền trực tuyến, ra ý kiến chỉ đạo kịp thời.
Cũng vậy, trong quản trị doanh nghiệp, hội nghị, hoạt động đào tạo, huấn luyện của một công ty có trụ sở ở nhiều nước thường xuyên được tổ chức qua hội nghị truyền hình.
Trong y tế, bằng hội nghị truyền hình các bác sĩ có thể vừa theo dõi một ca mổ, vừa có thể hội chẩn từ nhiều quốc gia, ra ý kiến chỉ đạo điều trị từ xa…như trong một hội trường.
Còn trong hoạt động tôn giáo, thì có thể thấy trên các kênh truyền hình tôn giáo, các hội nghị truyền hình tổ chức song song với việc truyền hình trực tiếp. Hoạt động này cho phép người tham dự hội nghị thụ động có thể mở rộng ra trên phạm vi toàn cầu qua hệ thống truyền hình vệ tinh. Về kỹ thuật, số khán giả tín đồ toàn cầu này cũng có thể tham gia hoạt động tôn giáo bằng cách gởi email, nhắn tin, fax, gọi điện đến ban tổ chức, và tùy theo câu hỏi, ý kiến, ban tổ chức có thể thông báo lại hoặc phát nội dung ghi âm, ghi hình, văn bản... Khi đó, cả hành tinh trở thành một giảng đường thuyết giáo và hội nghị khổng lồ. Trên một số kênh truyền hình tôn giáo, người ta thường xuyên tổ chức hội nghị truyền hình dạng mở rộng như trên dưới hình thức cầu truyền hình. Cầu truyền hình là một thể loại của báo chí truyền hình, có kịch bản, đạo diễn, người dẫn chương trình, tổ chức công phu, kết hợp với các tiết mục khác như tin tức, phỏng vấn, phóng sự ngắn, ca múa nhạc… có tác động mạnh mẽ trong việc truyền đạo.
Phật giáo chúng ta không hướng đến những tính toán tinh vi trong hoằng pháp, nhưng cũng không thể bỏ qua những cơ duyên mới cho hoạt động hoằng dương chánh pháp. Khi truyền thông hiện đại đã thu nhỏ hành tinh thành một ngôi làng, thì tăng ni Phật tử không thể không xây dựng một “ngôi chùa làng” mới bằng chất liệu truyền thông hiện đại, đưa đại chúng đến gần với nhau hơn.
Sinh hoạt thiền môn của các hệ thống tự viện có cùng một bổn sư có thể nâng cao tính thống nhất trong hoạt động tu học của mình bằng các hội nghị truyền hình định kỳ thường xuyên. Qua đó, đại chúng nâng cao mối liên hệ với thầy tổ dù khoảng cách địa lý có thể hàng ngàn, hàng chục ngàn cây số.
Các thành tựu khoa học công nghệ truyền thông hiện đại, trong đó hội nghị truyền hình là một, đều có tính hai mặt. Có lẽ, không nên nghĩ rằng công nghệ hiện đại làm xáo trộn nếp sinh hoạt truyền thống của Phật giáo một cách tiêu cực, mà bên cạnh đó còn có mặt tích cực. Hội nghị truyền hình chẳng hạn, nó có thể làm cho tăng ni thêm thời giờ tu học, được học hỏi nhiều nơi từ các vị cao tăng. Các trang web Phật giáo đã hình thành những thư viện Phật giáo toàn cầu, khiến những tài liệu văn bản đã vượt được mọi khoảng cách. Palktalk đã được một số vị tôn đức sử dụng để thuyết pháp có các đối tượng ở xa, trở ngại trong việc đi lại. Nghe nội dung các chương trình thuyết giảng qua palktalk này lưu trữ trên internet, có thể nhận thấy yếu tố giao lưu 2 chiều đã được chú ý. Đây đã là một bước tiến gần đến hình thức thuyết giảng tương tác từ xa qua hình ảnh, tức hội nghị truyền hình. Không khó để Phật giáo chúng ta tiến thêm một bước nữa trong việc khai thác các phượng tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ cho nhu cầu hoằng pháp.
Thuyết pháp ở Phật giáo khác với giảng đạo ở các tôn giáo Phật. Nếu ở các tôn giáo khác, giảng đạo là chỉ có một chiều, tu sĩ thao thao bất tuyệt trên tòa giảng, tín đồ chỉ biết phủ phục lắng nghe, còn thuyết pháp ở đạo Phật luôn là sự đối thoại 2 chiều hay nhiều chiều. Chúng ta rất thường thấy từ kinh Phật các cụm từ như “Bạch thế tôn…”, “Bạch đại đức…”. Đó là lời mở đầu cho ý kiến từ hướng tương tác thứ hai hoặc đa hướng, nói theo ngôn ngữ truyền thông hiện đại. Sau đó là nội dung được diễn giải. Do đó, hội nghị truyền hình rất hữu dụng cho hoằng pháp trong Phật giáo.
Một số bạn đọc Phật tử quan tâm là những tiện nghi truyền thông mới có tạo nên gánh nặng tài chính mới cho nhà chùa? Một phần vấn đề chúng tôi đã trả lời ở trên. Vấn đề còn tùy thuộc một phần vào người sử dụng. Riêng ở hội nghị truyền hình thì có nhiều phương thức kỹ thuật ứng với nhiều mức chi phí khác nhau cho phép người sử dụng những lựa chọn tùy điều kiện tài chính.
Hội nghị truyền hình có thể hiểu là một công nghệ khi nó gắn với đường truyền internet. Nhưng hội nghị truyền hình có thể hiểu là một cách làm, với những phương tiện khác, không cần đường truyền internet, có thể thực hiện ờ bất cứ đâu. Chẳng hạn, sử dụng videophone qua vệ tinh. Videophone là một thiết bị đa dụng. Riêng đối với ngành truyền hình, video phone những năm trước đây được dùng ở những đầu cầu chương trình cầu truyền hình mà tín hiệu không thể truyền về trung tâm truyền hình địa phương bằng sóng viba hay cáp quang. Hình ảnh truyền qua videophone có chất lượng không cao, chuyển động không tự nhiên nhưng nó có ưu điểm là có thể truyền đi từ bất cứ đâu, dù là không có điện, không đường dây điện thoại, không sóng điện thoại di động. Nó có thể đem đến cho Phật giáo chúng ta nhiều ứng dụng, chẳng hạn chư vị đại lão hòa thượng tuổi cao sức yếu không thể trèo đèo vượt suối trong những chuyến công tác cứu trợ từ thiện tại những địa phương xa xôi, nhưng chư tôn đức vẫn có thể như đang có mặt tại chỗ cứu trợ cùng đoàn thiện nguyện, qua hội nghị truyền hình sử dụng video phone điểm đối điểm (point to point). Tại chùa vẫn có thể thấy hình ảnh đoàn công tác từ thiện và người dân. Còn người dân được cứu trợ dù ở vùng sâu, vùng xa cũng có thể nghe và thấy hình ảnh một vị cao tăng thuyết pháp cho mình và thăm hỏi trong thời gian thực. Bối cảnh do hội nghị truyền hình mang lại qua trường hợp như vậy là cơ duyên quý báu để hoằng pháp độ sanh.
MT.
phapluanonline