Truyền thông đại chúng và hoạt động cứu trợ, từ thiện Phật giáo
Truyền thông đại chúng và hoạt động cứu trợ, từ thiện Phật giáo
Minh Thạnh
Chúng ta, những người Phật tử khi đi cứu trợ, thì phải thể hiện tính chất cứu trợ đặc thù của người con Phật, chẳng những giữ gìn phẩm giá của người được bố thí, mà còn phải tôn cao phẩm giá của họ, và điều đó xuất phát từ tâm nguyện của chúng ta, chứ không phải là đóng kịch trước ống kính.
Bài “Phẩm giá con người trong truyền thông đại chúng” của tác giả Trần Thị Thanh Hương đăng trên Phattuvietnam.net quả là làm người đọc phải giật mình về chuyện “chỉ mô tả họ như những người đang nhận sự ban phát từ thiện của mọi người”. Đó là điều mà các phương tiện truyền truyền thông đại chúng vẫn làm và hiện đang làm khá mạnh, đặc biệt là trên những phương tiện có ưu thế về hình ảnh, như báo điện tử (với khả năng đưa một số lượng ảnh vượt trội báo giấy) và TV.
Bài báo chỉ nêu vấn đề, chưa đi vào cụ thể. Vì vậy, ở đây, chúng ta có thể bàn luận tiếp, là nên chăng, truyền thông đại chúng tiếp tục cách làm như vậy? Hay là có một cái gì đó cần thay đổi? Thay đổi như thế nào?
Nhìn từ góc độ lý luận thuyền thông, thì quả thật truyền thông đại chúng, đặc biệt là những phương tiện hình ảnh, không thể làm khác đi được.
Khi một thông điệp truyền thông phát đi, một trong những câu hỏi phải xác định là để làm gì, là muốn gì?
Trong hoàn cảnh hoạt động cứu trợ miền Trung bão lụt đang sôi động hiện nay, thì câu trả lời là truyền thông phải làm sao để mọi người tham gia cứu trợ càng nhiều, số tiền mặt, số tặng vật cứu trợ huy động được càng lớn.
Cách thức tất nhiên là truyền thông phải cho thấy các nạn nhân đang lâm vào cảnh ngặt nghèo, khốn khó cần giúp đỡ. Việc thể hiện càng ấn tượng, càng cụ thể, chi tiết, càng điển hình, thì hiệu quả, tác dụng truyền thông đại chúng mang lại càng mạnh, cuộc vận động cứu trợ, từ thiện càng thu được nhiều tiền quyên góp.
Tác giả Trần Thị Thanh Hương cũng không phủ nhận điều này, khi ngay ở đoạn mở đầu bài viết tác giả đã chỉ ra mâu thuẫn nằm ngay trong vấn đề: “càng ít hơn nữa người làm truyền thông biết cách làm thế nào để có thể thông tin và giúp đỡ họ mà vẫn giữ gìn và tôn trọng phẩm giá cho chính họ”.
Cái khó ở đây chính là ở chỗ “làm thế nào” không thể hiện sự nghèo khổ, hơn nữa, thật nghèo khổ, nhưng vẫn làm sao tác động đến công chúng với mục tiêu vận động giúp đỡ. Đối với truyền hình, có thể dùng kỷ xảo để che mặt người nhận cứu trợ. Nhưng truyền thông đóng vai trò truyền đi xúc cảm. Mà xúc cảm của con người chủ yếu thể hiện ở khuôn mặt. Nếu làm khác đi, tất hiệu quả tác động của truyền thông đại chúng giảm sút. Người chịu thiệt đầu tiên là những người cần cứu giúp.
Điều chắc chắn với truyền hình, lãnh vực mà người viết tương đối am hiểu do công việc, trong những trường hợp như vậy, hình ảnh có người là điều cần thiết. Có lẽ nhiếp ảnh cũng thế. Ngay cả những video clip quay phong cảnh cũng cần có mặt của con người, nữa là những video clip muốn nói lên nỗi khổ của con người, muốn tác động lòng người, muốn làm cho con người tự nguyện lấy đi của chính mình những thứ mà có thể họ còn thiếu thốn để cứu giúp người khác.
Không có khuôn mặt của con người, hiệu quả của truyền thông không còn. Nhiều nhà quay phim nước ngoài vẫn thường lấy chính khuôn mặt với khung hình đặc tả (mặt người chiếm trọn khung ảnh) để thể hiện sự nghèo khổ, khốn khó (như chúng ta vẫn thường thấy ở những đoạn video miêu tả tình cảnh nạn đói ở châu Phi chiếu trên các kênh truyền hình quốc tế).
Chúng ta thử đi tìm giải pháp cho vấn đề từ chính giáo lý của đạo Phật và lý luận của truyền thông.
Đạo Phật và truyền thông đại chúng đều có một điểm chung, đó là tôn trọng sự thật.
Người ta nghèo thì cứ nhìn nhận đúng như vậy (đối với đạo Phật), cứ thể hiện đúng như vậy (đối với truyền thông). Giới cấm căn bản của đạo Phật không cho phép nói khác đi một sự thật, còn người làm truyền thông có lương tâm, nhất là bằng những phương tiện hình ảnh, phải đưa công chúng chứng kiến những gì thực đang xảy ra. Có cứu trợ, có tiếp nhận tặng phẩm, thì cứ quay phim, chụp ảnh, tường thuật.
Đối với truyền hình, lý thuyết về “người chứng kiến” là một nội dung quan trọng. Chẳng hạn, khi trả lời phỏng vấn, người trả lời không cần nhìn vào camera, camera cũng không cần đặt ngay ở hướng nhìn của người phát biểu, mà camera trở thành mắt của người chứng kiến sự việc. Truyền thông phải giúp người xem làm người chứng kiến khách quan, đúng sự thật như nó đã xảy ra.
Như vậy, vấn đề không còn nằm ở phía truyền thông, nằm ở chỗ người cho và nhận cứu trợ, đúng hơn là ở người cho, người thực hiện việc giúp đỡ, cứu trợ.
Đạo Phật đòi hỏi ở người cho tinh thần bố thí ba la mật, bố thí nhưng không thấy mình là người bố thí, không thấy người được mình bố thí, bố thí nhưng phải thấy người nhận của bố thí là ân nhân của mình, giúp mình có điều kiện tạo công đức.
Phía truyền thông đại chúng chỉ cần ghi nhận, thể hiện đúng sự thật như thế. Không cần đòi hỏi gì thêm ở truyền thông đại chúng.
Việc tôn trọng phẩm giá của người được giúp đỡ cứu trợ phụ thuộc vào cách nghĩ, cách làm, cách biểu hiện của người cứu trợ, giúp đỡ tiền bạc, vật phẩm.
TV đã từng chiếu cảnh một vị lãnh đạo nhà nước đến cứu trợ các gia đình nạn nhân tai nạn sập cầu Cần Thơ. Người nhận phong bì khóc nhưng vị lãnh đạo nhà nước cũng ứa nước mắt. Vị lãnh đạo đội nón tai bèo rưng rưng ôm chặt lấy những người người nông dân ăn mặc xốc xếch, bẩn thỉu (vì còn tâm trí đâu trước một tai nạn khủng khiếp như vậy). Những giọt nước mắt ở đây chắc chắn tuyệt đối 100% là cảm động.
Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những thí dụ như vậy trên các phương tiện truyền thông đại chúng để có câu trả lời cho vấn đề bài viết “Phẩm giá con người trong truyền thông đại chúng” nêu ra. Kênh truyền hình quốc gia Kampuchia TVK thường xuyên chiếu cảnh quốc vương Sihamoni, là một Phật tử thuần thành, đã từng xuất gia đi tu theo truyền thống Phật giáo Nam tông, đi cứu trợ từ thiện.
Khi nhận tặng phẩm cứu trợ từ nhà vua, thần dân đều quỳ xuống chắp tay. Có điều là vị vua Phật tử Sihamoni không cho người hầu cận ban phát tặng phẩm, mà tự mình cầm tặng phẩm quỳ xuống, đôi khi song song với người nhận là người cao tuổi, nâng tặng phẩm lên cao bằng hai tay rồi mới trao.
Trao xong nhà vua còn chấp tay kiểu búp sen xá chào một lần nữa. Khi nhà vua làm như thế, thì tất cả những quan chức tháp tùng đều quỳ xuống cùng với vua mà trao tặng phẩm cứu trợ. Đương nhiên tất cả quan chức đều cúi quỳ xuống thấp hơn vua.
Chúng ta, những người Phật tử khi đi cứu trợ, thì phải thể hiện tính chất cứu trợ đặc thù của người con Phật, chẳng những giữ gìn phẩm giá của người được bố thí, mà còn phải tôn cao phẩm giá của họ, và điều đó xuất phát từ tâm nguyện của chúng ta, chứ không phải là đóng kịch trước ống kính.
Phật tử chúng ta tự hào vì có một danh hiệu Bồ tát mà chúng ta có thể hằng niềm khi đi cứu trợ: “Nam mô Thường bất khinh Bồ tát”.
Nguồn: phattuvietnamnet