Vu lan phụ mẫu
Vu lan phụ mẫu
Mùa lễ Vu lan đã sắp đến. Nếu như mọi năm thì tôi chỉ biết lên chùa tụng kinh và thắp hương cho cha tôi vì ông đã mất từ gần mười năm nay. Tụng kinh, thắp hương cho cha và hồi hướng đến cha mẹ, mẹ tôi tuy đã già lắm, nhưng vẫn còn tại thế.
Thường tình, những bài viết về Vu lan luôn nói đến những kỷ niệm êm đềm của tình thương bao la của cha mẹ đối với con cái, được tả là những gì đẹp nhất. Như “xôi nếp một, như đường mía lau …”.
Hỡi ôi, cuộc đời với tôi dường như không hẳn là những diễm phúc như vậy. Cuộc đời mang lại cho tôi nhiều đau khổ từ khi còn tấm bé. Khi đọc những bài viết về Vu lan tả lại “xôi nếp một, đường mía lau” như vậy, tôi rất là sung sướng và hoan hỷ, trên đời có những người may mắn hơn tôi và hưởng những hạnh phúc, tôi thầm chúc phúc cho họ.
Cá nhân tôi, Vu lan, tưởng nhớ đến phụ mẫu, không phải chỉ là những kỷ niệm đẹp. Nhưng là tưởng nhớ đến những kỷ niệm với cha mẹ, thực sự xảy ra trong đời tôi, có thế nào viết thế vậy. Cuộc đời, đức Phật đã chẳng dạy tự bản chất là khổ đế hay sao. Nhưng trong những kỷ niệm có thực ấy, khi tôi nhớ đến cha mẹ, dù khổ đau hay hạnh phúc, vẫn chứa đựng một sự thật lồng lộng: đó là lòng thương yêu cha mẹ chẳng thể nào bị phai mờ hay quên lãng vì những sự khổ đau ấy. Như hoa sen mọc trong bùn… vẫn vươn lên một nụ hoa của lòng thương yêu cha mẹ vô điều kiện…Cho dù khổ đau tràn ngập tâm tư, tràn ngập kỷ niệm… tôi vẫn thầm nói: “Cha Mẹ ơi, con thương Cha Mẹ vô vàn…”.
Có người bạn đạo, sau khi đọc bài viết của tôi đã có một góp ý (bởi vì tôi luôn luôn hỏi ý kiến vài người trước khi mang những bài viết của mình đưa ra cho công chúng đọc, đo lường những hậu quả của nó và có khi cần phải sửa chữa, và cũng bởi vì trong cuộc đời, không phải là nên nói ra tất cả những ý nghĩ của mình. Đôi khi có những điều nên im lặng không nói ra là hơn). Và ngưòi bạn đó góp ý: “Anh hãy viết thêm một kỷ niệm vui nào đó với mẹ anh.”
Tôi chỉ cười. Không phải tôi không có những kỷ niệm tương đối vui vẻ với cha mẹ tôi. Nhưng hình như những kỷ niệm ấy không “thấm” vào tâm tư, vào lòng tôi để làm cho tôi thương cha mẹ hơn, cho nên tôi không viết ra. Bởi vì nếu viết hết tất cả những kỷ niệm “không thấm” và “thấm” thì có lẽ không có đủ trang để viết…
Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời.”… Tôi thực sự nghĩ rằng nhớ đến cha mẹ, nhớ đến công ơn của song thân, không cần thiết phải nói đến những kỷ niệm đẹp như tranh. Thực tế của cuộc đời, nó như như, vô phân biệt, đẹp hay xấu, buồn hay vui… cũng thế thôi. Hay hơn là nhớ lại những kỷ niệm có thực, trải qua những gian khổ bên nhau, nhưng lại vô cùng tác động trên tâm thức và lòng thương yêu,“khổ đau nhớ đời”, và khấn nguyện với cha mẹ: “Khổ đau là những bài học thương yêu thấm thía nhất trong đời con.”
Có lẽ bản chất của tôi là một “Con Người Phản Kháng, L’Homme Révolté, The Rebel”. Tất cả những gì có tính cách ước lệ, quy ước, tâm hồn tôi đều có khuynh hướng chống đối, và đi ngược lại, tìm cách thoát ly ra khỏi những khuôn mẫu, phép tắc nhàm chán, tìm cách giải thoát ra khỏi những trói buộc triền phược. Tôi muốn hoan hô sự tự do giải thoát khỏi mọi lề thói thủ cựu và hoan hô cuộc đời với những khổ đau tràn trề của nó, nhưng lại đầy dẫy sự sống và tình thương yêu.
Tuy nhiên cuộc đời và thế gian có những quy ước của riêng nó, và những kẻ nào muốn phá cái ràng buộc của nó đều sẽ bị nó trả đũa, để rồi những người phản kháng như tôi đành phải chịu cái nghiệp sống trong những khổ đau cùng cực, trong sự trả thù của cuộc đời và thế gian, rồi từ đó mới vươn lên được…
Mỗi ngày Vu lan, tôi thường khởi tâm ân hận vì nghĩ mình là một đứa con bất hiếu… Bởi vì dường như là ngay từ khi còn bé, tôi đã có khuynh hướng thích rời xa gia đình để sống trong một đời sống cộng đồng có tính cách lý tưởng, và thích tìm tòi học hỏi các triết thuyết hơn là ngồi cạnh cha mẹ thủ thỉ và làm vui lòng song thân.
Lại nữa, dường như định mệnh đã an bày. Tôi ngay từ nhỏ sống gần cha nhiều hơn là gần mẹ. Gia đình tôi có bảy anh em ruột thịt thì tôi sinh đúng vào ở giữa, là đứa con thứ tư. Hai chị lớn đầu lòng, và ngay trên tôi là ông anh ruột, đứa con trai đầu lòng của gia đình, sinh ngay vào lúc cha tôi lên đường kháng chiến chống thực Pháp. Do đó, anh trai đầu lòng được cưng chiều và đặt tên là "Quốc Việt" để đánh dấu lòng yêu nước đang bừng bừng trong khí thế của toàn quốc…
Rồi khi tôi sinh ra, trong sự chiến đấu gian khổ, nên không được cha mẹ chú ý gì cho lắm. Ngay thời gian tôi sinh ra đời là lúc gia đình tôi sống thật cơ cực…
Khi tôi mới lên bốn hay năm tuổi gì đó thì gia đình tôi mua được một căn nhà nhỏ trong một khu phố đông dân và nghèo. Tôi còn nhớ căn nhà nhỏ đó rất rõ mặc dù lúc đó còn rất bé. Căn nhà chật chội và có một căn gác xép, nơi đó cha tôi thường ngủ riêng. Mẹ tôi thì ngủ với em mới sinh ra còn đang bú ẵm. Còn các anh chị em tôi thì ngủ túm tụm chung nhau trên một cái giường gỗ cạnh giường của mẹ tôi và các em nhỏ nhất thì luôn luôn được nằm gần mẹ và ôm mẹ ngủ.
Lúc đó, chẳng hiểu vì sao - có lẽ vì cha tôi cảm thấy cô đơn - nên ông nói với mẹ để đưa tôi lên ngủ trên gác xép với ông cho đỡ quạnh hiu. Tại sao lại chọn tôi. Cha tôi giải thích, thứ nhất là vì tôi không có tật ngáy đêm, thứ hai là vì tôi ngủ yên không sùng sục cả đêm quẫy tay chân hay quay lộn đầu, hay gác tay gác chân lên người ông giống như đứa em trai của tôi, làm ông thức giấc nửa đêm mất ngủ và thứ ba là vì tôi ở giữa, không quá nhỏ, cũng không quá lớn, vừa vặn tuổi của đứa con nít dễ thương để ông có thể ôm tôi ngủ yên.
Tôi thì tuy ngủ cách mẹ hai đứa em nhỏ, nhưng cũng thích lắm bởi vì dẫu sao vẫn còn được gần mẹ chút đỉnh. Ngày tôi phải mang chăn gối lên ngủ với cha, tôi buồn rầu và ra ngồi một xó để khóc thầm, không để cho ai biết cả.
Rồi thì mọi chuyện cũng qua đi, từng đêm tôi ngủ với cha tôi trên gác xép và cứ ôm ông ngủ mãi như thế nên cũng thành quen đi, không còn thắc mắc muốn xuống nhà ngủ với mẹ nữa.
Do tính bẩm sinh, tôi là người có khuynh hướng thích tìm về triết học và tâm linh, lại không được gần gũi mẹ thủ thỉ to nhỏ, cộng thêm với sự hun đúc tính đàn ông của cha khi gần gũi ông nhiều hơn là mẹ cho nên càng lớn tôi càng xa cách mẹ và dĩ nhiên là mẹ tôi cũng vì thế mà không hiểu và thương tôi như các em khác của tôi. Mẹ tôi sinh trong gia đình nghèo khó, không được chăm sóc dạy dỗ nhiều, cho nên những cách hành xử của bà cũng không được đồng đều. Mặc dù vậy, tôi vẫn thương bà. Nhưng tôi vẫn thầm trong bụng không đồng ý với cách xử thế của mẹ tôi không những chỉ với riêng cá nhân tôi mà còn với các anh chị em khác.
Càng lớn lên, tôi càng sống cô đơn trong mái ấm gia đình bởi vì ngoài sự lãnh đạm của mẹ, những sự suy tư về tâm linh lôi cuốn tôi đi ra ngoài phạm vi của tình cảm gia đình. Và càng lớn lên thì các khuynh hướng tâm linh càng phát triển nên mẹ tôi lại càng không thể hiểu tôi. Bà thấy những điều tôi nói hoặc học hỏi quá xa vời với tâm thức thực tế của bà khi phải chạy áp-phe lo từng đồng tiền bát gạo nuôi gia đình.
(Trong khi viết bài tùy bút này, tâm thức tôi cứ luôn khởi lên từng chặp như những như tia sáng loé lên - "flashback" - những ý niệm sau: nhân ngày Vu lan, tôi thành thực khởi tâm sám hối, vì đã không thể làm một người con hiếu thảo, không có những cố gắng hết lòng để gần gũi mẹ tôi như đứa em trai kế, luôn luôn gần gũi bà và được mẹ tôi rất thương yêu…)
Cha tôi thì lại là một người cha cực kỳ nghiêm khắc. Ông có đi học và đậu bằng trung học vào thời Pháp thuộc, rất thông thạo Pháp ngữ. Ngay khi anh chị em tôi bắt đầu cắp sách đến trường, khoảng bảy hay tám tuổi, ông đã rèn cặp chúng tôi ngoài giờ đi học ở trường và bắt chúng tôi nhập vào trong chương trình do chính ông tự tay dạy học vào mỗi buổi tối, từ bảy giờ đến khoảng gần mười giờ đêm.
Do đó, tuổi thơ của tôi thực sự không có nhiều, ngoại trừ những buổi tối khi trong nhà có khách đến thăm và cha tôi phải ra tiếp, thường là các bác hay cô dì, thì lúc đó tôi mới được phép chạy chơi trong nhà hay lén ra ngoài ngõ xem trẻ con chơi đánh đinh đánh đáo và tạt lon. Vì không thường chơi các thú vui ấy nên hồi nhỏ tôi chơi rất tệ, và các trẻ con trong xóm không cho tôi chơi chung. Tôi chỉ biết đứng thèm thuồng nhìn chúng chơi một cách thật là điệu nghệ và thành thục.
Cha tôi nghiêm khắc và rất có lòng lo dạy dỗ chúng tôi. Ông tự tay đóng cho anh chị em tôi mỗi người một cái bàn học và có ngăn để cất sách vở. Ông còn bắt giây điện thắp đèn sáng cho chúng tôi đọc sách để tránh bị hư mắt.
Tôi nhớ là anh chị em chúng tôi ngồi học bên cái hàng hiên ở bên hông nhà cạnh cái ngõ hẻm. Cũng chỉ vì chuyện đèn điện này mà xảy ra xích mích trong xóm bởi vì khoảng thời gian ấy, đèn điện đường rất hiếm. Trẻ con nghèo không được học hành trong xóm khi thấy ánh đèn từ hiên bên hông nhà hắt ra soi sáng ban đêm, bèn tụ họp lại và đánh đinh đánh đáo ồn ào, cha tôi không thể nào dạy học chúng tôi phần vì ồn, phần vì chúng tôi, dù sao vẫn là những đứa con nít ham chơi và lo ra, không chú ý đến bài học, liếc nhìn các trẻ chơi đùa trong xóm…
Cha tôi tức giận, bèn dựng một tường bằng lưới sắt có lỗ mắt cáo dọc theo hàng hiên bên hông nhà và mua vải về móc vào trong các mắt cáo của luới, che đi để các trẻ con trong xóm không còn ánh đèn mà tụ họp đánh đinh đánh đáo ầm ỹ. Kết quả là chúng nó phải dọn ra ngoài xa tít đầu ngõ, nơi có ánh đèn điện của đường lộ lớn bên ngoài và cha tôi hài lòng, lo nghiêm khắc dạy dỗ chúng tôi. Ông thường nói: "Dưỡng bất giáo, phụ chi quá, giáo bất nghiêm sư chi đọa1". Vì vậy mà các trẻ con và người lớn trong xóm càng xa cách gia đình tôi và chúng bạn trong xóm thường mắng tôi là ba mày dữ dằn, khó tánh không cho chúng tao ké ánh đèn chơi đùa trong đêm.
Khi lớn lên, tôi mới thầm biết ơn cha đã dạy dỗ để trở thành một người có học và biết chăm chỉ học hành. Tính chăm chỉ học hành sau này đã thâm nhập trong con người của tôi để đến khi tôi say mê đạo Phật thì giúp tôi hăng say học hỏi không ngừng nghỉ, luôn luôn khởi tâm nghi ngờ mình chưa học thấu đáo để càng ngày càng tự tìm học và đào sâu vào Phật pháp.
Rồi định mệnh lại an bày, cho tôi được đi du học sau những ngày tháng miệt mài và tính chăm chỉ học hành do cha huấn luyện. Từ đó tôi thực sự rời xa gia đình, sống đời sống tha hương, tự lo lấy thân vì gia đình tôi không đủ giàu có để nuôi tôi ăn học tại ngoại quốc, nơi mà đời sống rất đắt đỏ so với khả năng của gia đình trong nước. Tôi lại vùi đầu, vừa đi học đại học và vừa đi làm đêm, đầu tắt mặt tối lo cho tương lai của mình…
(Viết đến đây, tâm thức tôi lại khởi lên: càng lăn lộn khổ đau, tôi càng tìm về đạo… Vậy mà mỗi mùa Vu lan, tôi cũng chẳng biết làm gì hơn là trì tụng và lễ lạy để hồi hướng báo hiếu cho cha mẹ.)
Cha tôi đã ra đi gần mười năm nay. Nhớ lại những năm đầu tiên khi cha mất, tôi không khóc gì cả, nhưng đâm ra ngơ ngẩn một thời gian dài và mỗi lần đi ra ngoài đường nhìn thấy ông cụ già gầy gò nào hao hao giống cha mình, tôi lại giật mình thon thót và nghĩ là ô kìa, cha mình còn sống đang đứng kia…
Nhưng tôi thầm nghĩ, nếu giờ này cha tôi có sống lại và gặp lại tôi thì cũng sẽ không nhận ra tôi bởi vì tôi đã cạo đầu và do sự kiên trì trì chú bằng luân xa đan điền, tướng mạo của tôi đã thay đổi toàn diện với cặp lông mày mọc quá dài nằm thậm thượt qua cả mi mắt…
Cuộc đời tràn ngập dấu hiệu của vô thường, những người bạn đạo trong Thiền tông ngày xưa thân thiết nhất khi gặp lại cũng không còn nhận biết ra tôi vì hình dáng tôi đã thay đổi quá nhiều. Họ thường ngó lơ đi thẳng khi gặp giáp mặt tôi, trong khi tôi vẫn nhận ra họ. Tôi thản nhiên sống âm thầm ngoài giòng đời trôi lăn. Thực ra tôi vốn bản chất chỉ là một thi sĩ và ít hơn một chút là viết văn... Tôi làm thơ nhiều hơn và thích viết cho những hiện thực của cuộc đời, thích viết về đời sống thực và viết về những giấc mơ kỳ dị lặp đi lặp lại trong tâm thức.
(Tâm thức tôi lại khởi lên… mọi năm vào mùa Vu lan, tôi chẳng biết làm gì hơn là trì tụng và lễ lạy để hồi hướng báo hiếu cho cha mẹ… Nhưng năm nay như một ngoại lệ tôi viết đôi dòng tưởng nhớ đến song thân và sám hối đã không làm cho hai vị được vui lòng.)
Mà dường như tâm thức của đời sống chỉ cực kỳ sáng chói khi sống trong niềm cô đơn và khổ đau.
Nhưng từ khi được học về đạo Phật thì tôi không ngừng say mê trong những bài giảng và niềm an vui khi tĩnh tâm...
Từ đó tôi say mê dịch Phật pháp, say mê như tâm của em bé thơ đọc truyện cổ tích... mà chính do... đức Phật ngồi kể chuyện cho tôi nghe.
Nếu không, chắc có lẽ tôi sẽ chết trong niềm cô đơn và khổ đau của cuộc đời qua tâm trạng của những bài thơ sầu miên viễn...
Phật pháp đã cứu tôi ra khỏi nỗi sầu vạn cổ, sầu miên viễn và nỗi nhớ không rời trong niềm cô đơn tuyệt vọng... của kiếp người:
Cô đơn tuyệt vọng cái gì?
Có ai hiểu được
"nỗi nhớ không rời"
kể từ khi sinh ra đời...
Hôm nay, mùa Vu lan, để sám hối lòng bất hiếu, tôi xin ghi lại một câu chuyện, xin nhớ lại một câu chuyện thời thơ ấu, thời còn ở trong gia đình với cha mẹ... để đánh dấu lòng thương cha mẹ, cho dù cuộc đời có phong ba bão táp đến đâu chăng nữa, cho dù chướng duyên tràn đầy trên cuộc đời làm cho tôi cách xa cha mẹ, cách xa gia đình, thì những kỷ niệm có thật đầu đời vẫn nói lên được lòng thương cha mẹ nằm sâu trong tâm khảm của tôi…
Thời gian xảy ra câu chuyện là khoảng cuối thập niên 1950 chuyển sang đầu thập niên 1960, đó là những năm tôi lên khoảng chừng bảy, tám tuổi...
Còn bối cảnh? Đó là nhà ga, trạm xe lửa, của chuyến tàu khuya đi về thành phố Phan Rang. Năm trước, mẹ tôi đã bị thuyên chuyển về Phan Rang công tác. Bà về đó làm việc một mình chỉ mang theo cô em út của tôi, mới sinh vài tháng còn ẵm ngửa trên tay. Còn gia đình tôi, cha tôi và các anh chị em của tôi ở lại Sài Gòn vì cha tôi đi làm trong bộ Công Chánh, chẳng thể rời xa Sài gòn...
Mùa hè năm đó, mẹ tôi ẵm em tôi về thăm gia đình vài ngày và sau đó ra đi về lại Phan Rang, tôi cùng cha tôi ra tiễn đưa bà tại nhà ga xe lửa Sài Gòn.
Lúc ra nhà ga, trời mờ mờ sáng khoảng 5 hay 6 giờ chi đó, tôi lần đầu tiên hiểu thế nào là niềm cô đơn của chuyến tàu khuya, trong làn sương sớm lạnh lẽo. Ba tôi lăng xăng lo đi cân và gửi hành lý cho mẹ tôi. Xong việc thì ông và mẹ tôi đứng tần ngần im lặng bên nhau trong nỗi buồn của sự phân ly.
Để có việc làm qua thì giờ, mẹ tôi đẩy tôi lên cái cân hành lý thời cổ sơ, nặng chắc cả mấy trăm ký với một cái bàn cân to lớn có thể để một lúc ba bốn cái va li lớn lên trên cùng một lượt... Ý của mẹ tôi là muốn xem tôi nặng bao nhiêu ký, vì thời bấy giờ trong nhà làm gì có bàn cân để mà cân...
Tôi lúc đó tâm trạng đang hoang mang buồn rầu trong niềm cô đơn của sự phân ly, nhìn chuyến tàu khuya, đầu tàu to đen sừng sững như sắp sửa nuốt chửng mẹ và em gái tôi ra đi biền biệt... làm cho lòng tôi lo ngại và sợ hãi, như thể là mẹ tôi sẽ ra đi mãi mãi… không bao giờ quay trở lại. Trong trí óc non nớt của đứa trẻ, nhìn cha mẹ trong cảnh phân ly, tôi cảm nhận hơn bao giờ nỗi buồn của sự chia lìa người thân thương, mà sau này Phật pháp đã dạy cho tôi biết bài học của bát khổ trong cõi người, và một trong bát khổ đó chính là ái biệt ly.
Và cậu bé thơ ngây lần đầu tiên cảm nhận nỗi đau tự nhiên của niềm ái biệt ly, mang cảm giác như là một lần ra đi vào trong sinh tử... choàng theo nỗi sợ hãi vô cớ thâm căn cố đế.
Do đó, khi mẹ tôi đẩy tôi lên bàn cân, tôi chẳng hiểu để làm gì, nhưng vì trong lòng thấy rất cô đơn và sợ hãi, tôi chùn người lại và lấy hết sức bình sinh vuột ra khỏi tay mẹ tôi, như thể là bị đưa lên bàn cân để nó mang tôi lên đoạn đầu đài, hay là bị đưa đi mất hút vào chốn vô cùng tận...
Mẹ tôi không hài lòng vì không cân được cậu con trai bé, lắc đầu không biết làm sao trước đứa bé cứng đầu đó là tôi...
Rồi mẹ tôi lên tàu hoả ra đi... Để lại tôi bơ vơ với nỗi buồn và niềm ân hận là, ngay trong giờ phút chia ly, đã làm cho mẹ mình không vui khi chùn người lại không chịu lên bàn cân…
Tháng sau đó, tôi nghỉ hè và cũng phải đi lên chính chuyến tàu khuya ấy, sầm sập hú còi rời xa Sài Gòn về thăm mẹ tôi... tại Phan Rang.
Phan Rang, ôi thành phố buồn đầu đời của chú bé...
Đó cũng là khởi đầu của những kinh nghiệm khổ đau trong cuộc đời tôi…
Là khởi đầu của lòng sám hối ở lứa tuổi thơ ngây, qua niềm ân hận đã làm cho mẹ phải buồn lòng...
Không Quán
Mùa Vu lan báo hiếu 2009.