Vu lan về

Vu lan về

 

Nguyên Châu

 

Vu Lan, mùa Báo hiếu lại về trong hơi ấm lửa hồng của tình Mẹ.

Mùa Thu len lỏi vào lòng nhân thế sao mà thiêng liêng, mầu nhiệm không cùng.

Hằng năm, vào dịp Rằm tháng Bảy (A.L), cứ mỗi độ Thu về, khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi xuyên qua miền ngược, trong lòng người con hiếu thảo nào cũng rộn ràng với niềm vui sướng hay sự trầm lắng thương yêu… để tưởng nhớ đến công ơn sinh thành của mẹ cha, dù còn sống hay đã mất, cũng như để ôn lại sự tích hiếu thảo của Tôn giả Đại-mục-Kiền-liên. Sự tích ấy có tác dụng rất cảm động, dù đã trải qua hơn 25 thế kỷ, kể từ khi đạo Phật có mặt trên trái đất này, nhưng nó vẫn mãi còn giá trị hiện thực, như là lời cảnh tỉnh hùng tráng làm rung động mọi trái tim của con người. Tình mẹ thơm ngát như hoa buổi sáng, dạt dào như nước chảy mây trôi ấy, làm lắng động tới tầng sâu của tiềm thức, rót vào lòng người để hiểu và trân quý ân đức dưỡng dục của đấng sinh thành.

 

Vu Lan Bồn, nói tắt là Vu Lan, xuất phát từ tiếng Sankrit là Ulambana, một hình thức đọc gọn của chữ Avalambana, Trung Hoa dịch là Giải đảo huyền, nghĩa là mở sợi dây treo ngược chân trên trời đầu xuống đất, đó là một hình phạt vô cùng tàn khốc, hình phạt này đang được áp dụng cho mọi tội đồ.

 

Lễ Vu lan đã trở thành ngày hội lớn đối với các nước theo truyền thống Đại thừa Phật giáo như: Đại Hàn, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Hoa, và Việt Nam… Ở đây, người dân vẫn còn giữa nguyên truyền thống ngày xưa, coi đạo hiếu là lửa thiêng un đúc tinh thần gia tộc:

“Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Theo tiếng chuông siêu độ, ngân nga huyền diệu và kéo dài như thúc giục làn sóng người quỳ lạy dưới Phật đài, đem hết lòng thành cầu nguyện Tam bảo gia hộ và độ trì cho cha mẹ  nhiều đời được thoát khỏi cảnh trầm u tịch đạm:

“ Công dưỡng dục thâm ân dốc trả,

Nghĩa sinh thành đạo cả mong đền

Làm con hiếu hạnh vi tiên…”

(Kinh Vu Lan bồn)

 

Lời nhắc nhở ấy không phải là vấn đề trừu tượng, một ý niệm suông, đó là những gì mà bậc Toàn giác, bậc Thánh trí đã cảm nhận một cách sâu sa và thiết thực trong cuộc sống. Và nó đã trở thành kinh nhật tụng khắc ghi trong từng tâm khảm của người Á Đông; rồi dần dần chuyển hóa thành hơi thở của cuộc sống và được thốt lên thành những câu ca dao, tục ngữ của người dân Việt, vừa giản dị, vừa mộc mạc nhưng đầy tình nhân ái:

“Mẹ già như chuối ba hương,

Như xôi nếp một như đường mía lau”.

 

Đó là một thứ tình yêu cao quý, trường cửu và bất tận được sánh như núi Thái sơn, ví như nước cam lồ:

“Công cha như núi Thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

Tình cha thương con cao như núi Thái sơn, thì nghĩa mẹ đầm thấm, nồng nàn, miên man bất tuyệt như nước trong nguồn chảy ra. Trong mái ấm gia đình, người cha là hình ảnh trụ cột, chống chèo con thuyền đứng vững trước bão táp mưa sa của cuộc đời. Còn Người mẹ là biểu tượng cho dòng sông dài dịu ngọt, để tưới tẩm tình yêu thương êm ái. Nếu người mẹ là cả một tình thương được biểu lộ rõ ràng, chín bỏ làm mười, thì tình cha thương con lại kín đáo, kỷ cương và sáng suốt hơn.

Qua bao nhiêu năm tháng, hình ảnh của người cha, bóng dáng của người mẹ, đã lăn lộn, gánh chịu gió mưa giữa cuộc đời. Dẫu cực khổ trăm lần, nhưng cha mẹ cũng cam chịu, miễn rằng con được sung sướng an lành. Con đau, cha mẹ cũng buồn rầu não ruột. Cha mẹ đã dạy cho con từ thuở còn nâng niu, vở lòng, cho đến lúc trưởng thành; lo cho con mở mang trí tuệ, công thành danh toại, dựng vợ gả chồng, đến nổi tóc mẹ chuyển màu bạc trắng, hình hài gầy guộc và héo mòn theo năm tháng:

“… Ngày xưa má mẹ cũng hồng

Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau.

Bây giờ tóc mẹ trắng phau

Để cho mái tóc trên đầu anh đen.

Đâu con dốc nắng đường quen,

Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần.

Thương anh thương cả bước chân

Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao…”

(Xuân Quỳnh)

Quả thật không có tình nào cao hơn tình mẹ, không có nghĩa nào cao hơn nghĩa cha. Tôn giả Mục-Kiền-liên, hiền triết Mạnh tử, thánh đức Gandhi và một số hiền tử khác đều là những bông hoa tuyệt vời trong đời. Những vị ấy mới thực sự  đã trở về trong vòng tay thân thương vô hạn của mẹ. Và chúng ta hãy thử hỏi chính mình, mình đã có lần nào trở về trong vòng tay của mẹ chưa?;  hay là cứ để thời gian lặng lẽ trôi đi bên cuộc sống bận rộn, tất bật của con cuộc đời. Rồi bất chợt, đến một ngày nào đó, mình lại hối tiếc, than thầm oán trách. Bây giờ dẫu muốn cũng thật khó mà tìm được những tình cảm cao đẹp ấy.

Vu lan, ngày lễ thiêng liêng lại về, khơi nguồn cái đẹp của Đạo, mở bày cái đẹp của Hiếu, với lòng yêu kính mẹ cha, con xin kính dâng lên Người một bông hoa tinh khiết, tràn ngập bao la trong tiếng chuông chùa ngân vang, như đánh thức con trở về, nhận diện, tiếp xúc với Mẹ trong Ngày Hội, và xin luôn luôn tâm niệm thành kính một lời:

“Ngày Rằm tháng Bảy mỗi năm

Vì lòng hiếu thảo ân thâm phải đền.”

Và xin mọi năm tháng đều là năm tháng của Vu lan, mọi không gian đều là không gian của Hiếu thảo. ¡

Chia sẻ: facebooktwittergoogle