Lên non mới biết non cao...

Lên non mới biết non cao...

Nguyên Minh

 

Có những điều trong cuộc sống mà chúng ta luôn tưởng như mình đã quen thuộc, hiểu rõ, nhưng đến khi thực sự đối diện vấn đề mới chợt nhận ra là mình chưa hiểu gì cả! Vì vậy, những kiến thức về một vấn đề và sự trải qua kinh nghiệm thực sự đối với vấn đề đó thường luôn có một khoảng cách không dễ vượt qua. Chẳng thế mà người xưa vẫn luôn nhắc nhở rằng: Lên non mới biết non cao...

Thật vậy, khi ta chưa từng trải qua một sự việc, chưa từng rơi vào một hoàn cảnh, ta rất khó lòng cảm nhận được hết những gì mà người khác thực sự trải qua trong hoàn cảnh đó. Tuy nhiên, khoảng cách này vẫn luôn có thể vượt qua nếu chúng ta biết cộng thêm vào những lý luận khô khan của lý trí một sự rung động và giao cảm chân thành xuất phát từ trái tim. Vì thế, tôi vẫn luôn nghĩ rằng, cũng không hẳn là phải đợi lên non mới biết non cao, và trong nhiều trường hợp, nếu ta cứ chờ đợi tiến trình tự nhiên này xảy ra thì mọi việc có thể sẽ trở thành quá muộn!

Lên non mới biết non cao,

Nuôi con mới biết công lao mẫu từ!

Có bao nhiêu bậc từ mẫu chống chọi nổi với thời gian để chờ đợi ta nhận biết được công lao trời biển của người theo cách rất tự nhiên này? Và cho dù có được vậy, hẳn ta cũng không tránh khỏi nhiều hối tiếc...

***

Quê tôi có một dòng sông với bãi cát mênh mông vàng mịn. Bọn trẻ chúng tôi hầu như ngày nào cũng ra đó chơi đùa và bơi lội... Nhưng rồi khi tuổi thơ còn chưa thực sự trôi qua, gia đình tôi đã phải ra đi đến một nơi xa lạ và xa lơ xa lắc. Nhiều năm tháng trôi qua, tôi vẫn không quên hình ảnh con sông quê với bãi cát mênh mông vàng mịn...

Rồi một ngày tôi trở về thăm quê và ra thăm lại dòng sông, bãi cát... Không phải để chơi đùa bơi lội, mà là để ngắm nhìn lại những hình ảnh thật vẫn được lưu giữ trong ký ức xa xôi. Nhưng điều trước tiên tôi nhận ra là dòng sông hôm nay sao quá nhỏ hẹp và bãi cát không còn mênh mông nữa. Khoảng không gian ngày xưa đối với tôi là cả một bầu trời thơ mộng thì ngày nay chỉ cần dăm ba bước nhảy là đã có thể vượt qua. Có thể nào thời gian đã mang lại quá nhiều đổi thay lớn lao đến thế!

Nhưng không! Lý trí cho tôi biết là dòng sông quê qua bao năm nay vẫn thế, bãi cát vàng vẫn thế. Sự thay đổi lớn lao là ở nơi tôi: tôi không còn là một đứa bé như ngày xưa, vì thế mà khoảng trời mênh mông của tuổi thơ đã không còn nữa. Dù vậy, tôi vẫn muốn giữ mãi trong ký ức dòng sông quê rộng lớn với bãi cát mênh mông vàng mịn...

Khi ta dần dần lớn lên, rất nhiều thứ quanh ta cũng trở nên nhỏ bé như thế. Ngay cả những con người quanh ta, đối với ta cũng không còn như xưa. Khi ta đã trưởng thành, điều tất nhiên là ta sẽ nhìn mọi người khác với đôi mắt trưởng thành, đôi mắt của một người lớn chứ không phải của một đứa trẻ.

Khi ta còn bé, cha mẹ ta luôn là những thần tượng để cho ta kính ngưỡng với tất cả tâm hồn non dại. Ta luôn thầm nghĩ: “Cha giỏi quá! Cha biết hết tất cả! Mẹ thật tuyệt! Chuyện gì mẹ cũng giúp ta được!”... Chuyện gì không biết, chỉ cần chạy đến hỏi cha; muốn ăn món gì, chỉ cần chạy đi tìm mẹ... Cứ như thế, hai câu thần chú “Cha ơi!” và “Mẹ ơi!” thật là vạn năng và mầu nhiệm, luôn giúp ta vượt qua mọi việc, sống êm ả trong suốt những ngày thơ ấu.

Nhưng rồi ta dần dần khôn lớn, trưởng thành. Ta nhận ra một sự thật là có rất nhiều điều cha ta không biết, và có rất nhiều chuyện mẹ không thể làm giúp ta. Thậm chí ta còn thấy có nhiều vấn đề ta đã hiểu biết rộng hơn cả cha, có những sự việc ta có thể làm tốt hơn cả mẹ. Và sự thật quả là như thế. Cha mẹ không còn là những thần tượng tuyệt đối như ta đã từng kính ngưỡng lúc ấu thơ.

Hầu hết chúng ta đều phải trải qua sự thay đổi nhận thức như thế, nhưng điều khác biệt là ta cảm nhận như thế nào về những điều đó mà thôi. Bạn có thể nhận ra sự thật là cha mẹ mình không phải những bậc thần thánh, nên các vị vẫn có thể mắc phải rất nhiều lầm lỗi trong cuộc sống; bạn cũng có thể thất vọng khi nhận ra những khuyết điểm, những tính xấu (mà đã là con người thì không ai tránh khỏi) ở những người mà trước đây bạn xem là thần tượng... Nhưng nếu bạn để cho những điều đó xóa nhòa đi hồi ức đẹp của tuổi thơ, chắc chắn rồi bạn sẽ phải hối tiếc rất nhiều.

Tôi đã từng thấy một bạn trẻ lớn tiếng tranh luận và trách móc cha mẹ về việc đã sinh quá nhiều con để đến nỗi gia đình phải khó khăn, túng quẫn. Vì “mỗi gia đình chỉ nên có từ một đến hai con”, nhưng gia đình bạn ấy có đến 6 anh chị em nên tất nhiên là việc sinh nhai chẳng dễ dàng chút nào, chưa nói đến việc lo cho các con ăn học. Người bạn trẻ này đã lập luận hoàn toàn có lý, và sự quy trách đó xem ra cũng là chính xác! Nhưng than ôi, bạn ấy đã quên không xét đến tâm trạng của những bậc cha mẹ mình khi nghe những lời trách cứ đó. Khi đã dành tất cả tình thương và tâm huyết khổ nhọc cả một đời mình để nuôi con khôn lớn và nhận lại những phê phán bàng quan như thế, có khóe mắt nào mà không ứa lệ, có trái tim nào mà không rỉ máu!

Tất nhiên, rồi người bạn ấy cũng sẽ nhận ra điều này sau khi đã tự mình nuôi dưỡng con cái. Nhưng tôi băn khoăn tự hỏi, đến lúc đó thì liệu có bù đắp được những đau khổ mà bạn đã gây ra cho cha mẹ hay chăng? Câu trả lời thật đã quá rõ ràng. Chắc chắn là không. Vì thế, nếu chúng ta cứ đợi lúc “lên non mới biết non cao” thì e rằng chín phần mười sự việc đã là quá muộn!

Đây chỉ là một trường hợp trong vô số trường hợp mà chúng ta thường hay mắc phải khi bước vào ngưỡng cửa trưởng thành, thực sự trở thành một người lớn. Trước mắt ta, những dòng sông và bãi cát của tuổi thơ đều trở thành nhỏ bé. Ta tự mãn và khinh bạc với những gì mà trước đây ta vẫn cho là to tát, vĩ đại. Phải đợi thời gian trôi qua cùng với vô số những va vấp trong cuộc đời rồi ta mới nhận ra rằng dòng sông và bãi cát năm xưa vẫn không thay đổi; và dòng đời ngày nay với bao gian nan vất vả mà ta đang đối mặt cũng không khác gì với dòng đời năm xưa mà cha mẹ ta đã trải bao khó nhọc mới có thể ôm ấp bão bọc để ta lớn lên một cách thoải mái và êm ái.

Kinh Phật dạy: “Tâm hiếu là tâm Phật.” Điều này hàm chứa những nghĩa lý cực kỳ sâu sắc nhưng cũng cực kỳ giản dị. Cha mẹ trực tiếp thương yêu nuôi dưỡng ta từ tấm bé, nếu không có lòng hiếu với cha mẹ thì liệu còn có thể tu tập được pháp môn nào khác? Như vậy, không có tâm hiếu thì không thể có tâm Phật. Còn ý nghĩa nào giản dị hơn nữa? Mặt khác, hết thảy chúng sinh trong Ba cõi đều đã từng trôi lăn luân chuyển qua vô số kiếp, nên đều đã từng là những bậc cha mẹ thương yêu và nuôi dưỡng ta. Nếu khởi tâm quán tưởng như vậy thì việc nuôi dưỡng lòng từ bi đối với muôn loài sẽ trở nên dễ dàng hơn. Và nếu có thể mở lòng thương yêu tất cả chúng sinh giống như người con hiếu đối với cha mẹ thì chẳng phải là tâm Phật đó sao? Vì thế, có được tâm hiếu cũng tức là tâm Phật. Còn ý nghĩa nào sâu sắc hơn nữa? Cho nên, là người Phật tử, rõ ràng không thể không quan tâm nuôi dưỡng tấm lòng hiếu thuận đối với mẹ cha ngay từ thuở nhỏ.

Xét ra thì “lên non mới biết non cao” cũng là lẽ thường tình ở đời. Nhưng nếu thuận theo cái “lẽ thường tình” ấy thì quả thật không sao tránh khỏi bao điều đáng tiếc. Mong sao trong mùa Vu Lan này, tất cả những người con Phật chúng ta đều sớm biết non cao từ lúc còn chưa đặt chân lên đó!

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác