Nơi Ngài đến

Nơi Ngài đến

Hạnh Phương

 

Nơi Ngài đến! Con vẫn thường bâng khuâng nghĩ tưởng, suy niệm về nơi Ngài đã đến, đang đến và mãi mãi hãy còn sẽ đến.

Tại sao?! Tại sao Ngài không chọn nơi đến là cõi trời? Cõi lung linh sắc màu muôn vẻ, cõi muốn có là có, muốn không thì không, cõi có ngàn ngàn cô tiên sắc nước hương trời “nhất tiếu khuynh thành, tái tiếu khuynh quốc”, cõi có chú tiểu đồng hầu hạ sớm chiều bầu rượu túi thơ. Cả muôn vẻ thanh nhàn mai hôm sung mãn!

Tại sao? Tại sao Ngài không đến chốn địa ngục u ám tối tăm mịt mùng kia! Triệu triệu tỷ tỷ linh hồn, tâm thức, thân trung ấm quằn quại rên rỉ khổ đau, hết ngày tới đêm, hết tối lại sáng đang ngửa cổ chờ trông những giọt cam lồ pháp nhũ. Than ôi! Những cái cổ teo tóp cây kim cọng chỉ đỡ không nỗi những cái đầu trĩu nặng tam độc hệt như những quả núi Tu-di!

Tại sao Ngài không đến với lũ súc sinh bò bay máy cựa! Than ôi từng cánh phù du sớm còn tối mất, những cánh phù du sớm nở tối tàn, thọ mạng phước lộc lắm lúc còn kém hơn, ít hơn tỉ tỉ những con vi trùng vi khuẩn. Ngàn ngàn luân hồi chuyển kiếp có bao giờ chúng thấy được ánh Phật pháp quang huy?

Kính lạy đức Phật, Thế Tôn, kính lạy Tất-đạt-đa thái tử Bồ-tát, kính lạy đức Thầy Trời Người, tại sao từ cung trời Đẫu Suất vị Nhất sanh bổ xứ, thay vì ở nơi ấy, ngàn ngàn thiên vạn kỷ thảnh thơi an nhàn phúc lạc Ngài quyết định đến với chúng con; tại sao Ngài lại quyết định đến với thế giới loài người, đến với chỗ đất dẫy đầy năm thứ ô  uế.

Hạnh phúc thay cho loài người chúng con; được tận mắt chứng kiến bảy bước chân trên bảy đóa hoa sen của Ngài đang bước đến với chúng con, tỏa ánh hào quang diệu pháp phủ trùm lấy chúng con:


Giờ phút linh thiêng
Gió lặng chim ngừng
Trái đất rung động bảy lần
Khi Bất Diệt đi ngang dòng Sinh Diệt
Bàn tay chuyển pháp
Trong hương đêm tinh khiết
Ấn cát tường nở trắng một bông hoa
Thế giới ba ngàn đồng thanh ca ngợi
Văn Phật Thích Ca
Giờ phút linh thiêng
Đóa Bất Diệt nở ngay giữa vườn hoa sinh diệt
Nụ Giác ngộ hé thành muôn thi thiết
Ngài về đây học tiếng nói loài người.
(Nhất Hạnh – Đêm cầu nguyện)

Sớm hôm nay, Bụt lại về
Như từng buổi sáng Bồ-đề tung tăng
Đêm nào đêm chẳng sáng trăng
Ngày nào ngày chẳng ngày Rằm tháng tư
Bụt về trên lá phương thư
Trên hoa thông điệp thắm như quê mình.
(Trụ Vũ – Ngón tay hoa)

À ra thì thế!

Ngài quyết định về đây, nơi mặt đất quê hương mầu nhiệm của chúng con đây; Ngài đang đến với dòng sông bến nước, với khóm lau bụi lách, với bờ tre bụi chuối, giếng nước đầu làng, ngôi đình giữa xóm, mái chùa đầu thôn! Ngài đã đến, đang đến với loài người chúng con, một lũ người tự ti mặc cảm “lạc loài năm bảy đứa, bị quê hương nguyền rũa giống nòi khinh.

À ra là vậy!


Ngài quyết định đến với chúng con, đến với thất tình lục dục; đến với những sinh thể đủ đầy những mừng, giận, sợ, thương yêu ghét, đầy ham đầy muốn… Ngài quyết định đến với “trái ấu thương tròn, bò hòn ghét méo” đến với “cau sáu bửa ba, cau sáu bửa mười.” Ngài quyết định đến với tất cả những đầu trâu mặt ngựa, những đầu trộm đuôi cướp, những nhất quỷ nhì ma, những thứ ba học trò…

Quyết định của Ngài vì sao?


Vì sao ư?! Ngài đã liễu giải cho chúng con rằng “nhân vi tối thắng”, rằng thân người thì khó có khó được, có mà không đui què mẻ sứt, có mà không dị dợm khó coi… lại càng thiệt khó có vô vàn. Vâng! Ngài đã chọn thế giới loài người chúng con vì Ngài đã cho chúng con, lũ thấp cổ bé miệng thấy được rằng ông trời cao ngất kia không bằng lũ người thấp bé chúng con. Rằng chỉ có con người, loài người chúng con thôi, mới thực sự là một sinh thể, một chủng loài ưu việt. Ưu việt vì, chỉ vì, chỉ loài người chúng con thôi, ti tiện thực đấy, nhỏ mọn thực đấy, nhưng lại là loài có khả năng mầu nhiệm vô biên “trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật.” Vâng, ông trời cao ngất ngưỡng nọ, quyền lực vô biên, muốn cá có cá, muốn thịt có thịt, lại thua xa chúng con. Đức Phật dạy chúng con; ông Bụt dạy chúng con: duy nhất loài người chúng con đây, ba mươi hai tướng tốt phương phi đây, tám mươi vẽ đẹp trang nghiêm nầy mới là loài, mới là những kẻ có thể tu tập để tiến thẳng đến đạo quả giác ngộ, thành Phật như Phật, thành ông Bụt (Buddha) như Ngài.



Kinh Diệu pháp liên hoa nói với chúng con rằng: “Phật vị đại sự nhân duyên xuất thế, khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến.”

Vâng, chúng con nghe: nơi Ngài đến là mặt đất chúng con, thế giới chúng con, Ngài đến chỉ vì một lý do vô cùng quan trọng, rất cần kíp, rất trọng đại, ấy là chỉ cho chúng con thấy bài học khai tâm, bài học vỡ lòng rằng con người là loài có thể thấy được ông Bụt có sẵn trong mình, đức Phật ngự sẵn trong tâm; cho nên khả năng thành Phật như Phật là khả năng vốn có của con người, của mỗi con người.


Người ơi! Đừng tự ti mặc cảm, đừng hạ thấp nhân cách của mình xuống đáy bùn nhơ. Hoa sen hương thơm thanh khiết nọ, vươn ngó lên, ươm búp nở thành hoa là vốn từ đáy bùn lợm tởm kia đấy.


Có gì đâu, em ơi
Bụt cũng là hoa vậy
Như hoa ấy tự lòng đất ấy
Bụt từ trong nước mắt nụ cười!
(Trụ Vũ – Hài nhi kỳ diệu)

Đọc tụng kinh Pháp hoa, chúng con mới ngộ ra rằng, Ngài quyết định đến với thế giới loài người chúng con, phải học tiếng nói loài người chúng con, phải thử sống với tất cả “bản năng gốc” loài người chúng con; chỉ vì một mục đích duy nhất, một lý do tối hậu, một nhân duyên cực kỳ trọng đại, đó là khai tâm cho chúng con, một bài học đầu đời rất dễ thương lại vô cùng trọng đại; ấy là bảo với loài người chúng con rằng: loài người chúng con đều có thể trở thành như Ngài, thành Phật như Phật, chính con người là vị có thể trở thành vị đủ đầy mười tôn hiệu: Đến như chư Phật, Thích ứng hiến cúng, Biết đúng và khắp, Hoàn hảo sự sáng, Khéo qua Niết-bàn, Lý giải vũ trụ, Không ai trên nữa, Thuần hóa mọi người, Thầy cả trời người, Tuệ giác hoàn toàn.


Than ôi!
Thương biết mấy cho người cùng tử
Có ngọc lành sẵn ủ trong thân
Ngọc lành vô giá thậm thâm
Vậy mà chẳng biết nhận chân giá mình.

Than ôi! Biết bao đứa cùng tử trên thế gian nầy, chúng có ngọc như ý trong tay, mẹ cha chúng để dành, cất dấu cho chúng ngay trong lai áo, chúng ăn mặc độ nhật đến tả tơi mà chúng vẫn không sờ thấy, không hay không thấy không biết. Vàng kho bạc đụn chất sẵn trong nhà thế mà cứ đầu đường xó chợ làm thuê cuốc mướn, lần lữa tháng ngày bữa no bữa đói nuôi thân. Than ôi! Biết bao nhiêu gả cùng tử trên thế giới nầy, chẳng hay mình đây cũng con giòng cháu giống, cũng danh gia thế phiệt, cũng đài các vốn nòi… Biết bao nhiêu gả cùng tử trên thế gian nầy bậc trưởng giả chất ngất ngồi kia là cha đẻ của mình. Bao nhiêu gả cùng tử trên mặt đất nầy có thể ngộ ra rằng địa vị ngất ngưỡng kia cũng là chỗ của mình. Cái ghế của ông trưởng giả giàu sang kia cũng là cái ghế bản thân mình có quyền chễm chệ.


Ngụ ngôn ấy, bảo châu như ý
Trả “chúng sanh vốn dĩ vô sanh
Chúng sanh là Phật đang thành.”
Pháp Hoa kinh: phiến ngọc xanh diệu thường.
(Thơ vô danh khẩu truyền)

Lạ nhỉ? Có đến những năm trăm vị A-la-hán cũng không đủ khả năng tin lời Phật nói, không đủ khả năng tin rằng mình cũng có thể thành Phật như Phật.

Khi Phật sắp nói Pháp hoa mầu nhiệm thì có đến năm trăm vị A-la-hán nghí ngoáy bỏ ra khỏi Đạo tràng Linh Thứu sơn. Họ hợm hĩnh bỏ ra khỏi Đạo tràng Pháp hoa… Họ không tin rằng họ sẽ thành Phật, họ không ưng vào cảnh giới Niết-bàn thường lạc ngã tịnh của Phật. Họ thấy ngần bao nhiêu thứ cam trân mỹ vị ở địa vị A-la-hán nầy họ được hưởng đã quá đủ rồi, ngon lành rồi, no đầy bụng rồi, thấm tận xương gân cốt tủy rồi. Ở cái ghế địa vị A-la-hán “trầm hương chi tòa” ni là đủ… sướng rồi! Cần chi phải thành Phật, thành Bụt, thành đấng Đại Giác, thành bậc Thiện Thệ, thành ngài Minh Túc…



Cứ mỗi lần suy niệm về Khánh đản đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là con lại thấy bước dấn thân kỳ vĩ của Ngài, con lại thấy bi tâm lân mẫn vô biên vô tận của đấng Đạo sư, con lại thấy ngón tay Phật pháp nhiệm mầu trỏ cho loài người chúng con thấy vầng trăng Diệu pháp lấp la lấp láy, vằng vặc sáng ngời, lung linh huyền diệu.


Sáng nay, Bụt lại vào đời
Ngón tay hoa trỏ, cho mười phương trăng.
(Trụ Vũ – Ngón tay hoa)

Kính lạy đức Thế Tôn,


Ngài đã đến giữa thế giới loài người chúng con, như dòng suối mát từ bi dạt dào tuôn chảy, như ngọn gió lành mơn man, như hương trầm xối oản, như những trang cổ tích ngàn đời mẹ kể cho em bé nghe.


Bụt làm suối suối dào dạt chảy
Thôm dịu dàng hoa bưởi hoa chanh
Bụt làm gió gió dào dạt dậy
Kiến sâu vui chân bước xuân hành.
Bụt hương trầm bay quanh tóc mẹ
Đẹp hào quang vương miện tâm linh
Bụt xôi oản cho đầy tay bé
Bé quê hương yêu Bụt hiền lành.
(Trụ Vũ – Bụt của bé)

Và cứ như thế, suốt dòng diệu sử, loài người chúng con, từ trẻ đến già, từ thế hệ nầy đến thế hệ khác; mỗi mỗi Phật tử chúng con lại vọng hướng về Phật.


Đệ tử hôm nay
Gặp ngày Khánh đản
Một dạ vui mừng
Đốt hương đảnh lễ…
(Sám tụng)

Lại chiêm nghiệm lắng nghe, suy nghĩ tu tập theo lời Phật răn dạy:
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành.


Việc ác dù lớn dù nhỏ, chỉ chút xiu xíu tác hại đến mình, tác hại đến người, dứt khoát không bao giờ động tay, động chân. Một việc rất nhỏ, nhỏ chút xíu thôi mà thấy kết quả nó lợi lạc cho người khác, hữu ích cho mình; thì chớ bao giờ phân vân ngần ngại.


Thổi giúp hạt bụi trong mắt người khác, cầm tay dắt bà lão qua đường… nhặt sạch đinh rải trên đường đi để xe người không bị đâm thủng… đó là những việc thiện nhỏ, Phật bảo chúng con làm. Làm mà chẳng quản công, làm mà không cần được người biết ơn, nhớ đến…



Làm được ít nhiều thiện hạnh ấy tức thì ít nhiều cũng được thấy đức Phật đang đến bên mình; thấy thực sự Phật tánh sẵn có trong ta:


Hương thơm người giác ngộ
Chỉ một lần gặp gỡ
Đủ thơm mãi hồn ta
Nụ cười người giác ngộ
Chỉ một lần hoa nở
Đủ thắm mãi đời ta
Bàn tay người giác ngộ
Chỉ một lần ngón trỏ
Đủ tỏ mãi đường ta…


(Trụ Vũ)

Và mỗi lần Phật đản, mỗi mùa sen nở, tháng tư chúng con lại vững chãi niềm tin, tin lời ngài Thường Bất Khinh Bồ-tát từng ngày nhắc nhủ loài người chúng con rồi đây chúng con đều sẽ thành Phật như Phật là Phật đã thành. Ôi! Chân tơ kẻ tóc, ơi sợi mây giọt sương, ơi làn khói, vùa hương:


Ôi mây ôi sương


Ôi khói ôi hương


Tất cả mây hương cùng Phật cả.


(Trụ Vũ – Thánh tư rằm)

Chúng con vững chãi tin rằng khi trên mặt địa cầu này, nơi loài người chúng con đang sinh sống, đang tồn tại đây; nếu còn có một người chưa thành Phật, chưa nên Bụt, chưa là đấng Đại hùng Đại lục Đại từ bi, thì Ngài vẫn còn thị hiện Đản sanh; Ngài vẫn mượn thân Thái tử Tất-đạt-đa đến với loài người chúng con; đến để nói cho loài người chúng con và cả chúng sanh muôn loài rằng chúng con là Phật sẽ thành.

Vì hoa cho tháng tư rằm


Vì em cho Bụt xuống thăm cõi đời.

phapluanonline

Chia sẻ: facebooktwittergoogle